Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

Ông Phan Bội Trân: Hạm đội tàu ngầm của mình sẽ ngang Hạm đội 7

Lý Minh Sơn | 

Ông Phan Bội Trân: Hạm đội tàu ngầm của mình sẽ ngang Hạm đội 7

Ông Trân ước tính, chỉ với 2 tỷ đồng (khoảng 100.000 USD) là đủ để chế tạo một tổ hợp khí tài đánh chìm được một chiếc tàu khu trục có giá cả trăm triệu USD.

Ông Phan Bội Trân chia sẻ rằng, khi ông công bố dự định chế tạo tàu ngầm tại Việt Nam, mọi người đều cho đó là chuyện hoang đường. Ngay cả vợ ông cũng nghĩ ông "đang gặp vấn đề gì đó trong đầu, não bộ hình như không ổn".
Nhưng ông vẫn quyết tâm đổ tiền thừa kế vào việc làm tàu ngầm...
PV: Lý do nào khiến ông quyết định sử dụng vật liệu composite làm vỏ tàu, thưa ông?
Ông Phan Bội Trân: Ở bên Pháp, người ta cũng đã chế tạo tàu ngầm bằng vật liệu composite rồi. Và trong nhiều chiếc tàu ngầm hiện nay đều có vật liệu composite nhưng người ta không tiết lộ ra.
Hơn nữa, thế mạnh của tôi là làm trong ngành composite trong khoảng 35 năm nay. Và chỉ có composite mới cho phép mình làm tàu ngầm tàng hình. Composite còn cho phép mình chế tạo tàu ngầm dễ hơn trong điều kiện của Việt Nam và có thể sản xuất hàng loạt.

Nguyên tắc của tàu ngầm từ xưa đến nay là đánh du kích nên hướng của tôi là tàu ngầm không lặn sâu.
Tôi chỉ lợi dụng nước che cho mình nhưng không lặn sâu bởi nếu lặn sâu thì khi đó mình trong tư thế bỏ trốn. Và khi trong thế bỏ trốn, mình sẽ không có hướng tấn công nữa nên tôi chỉ cho nó lặn khoảng 4m.
Thực tế, chỉ nằm dưới nước 1mm thì nó đã tàng hình, nhưng mình phải tính điều kiện của mặt biển nữa nên độ sâu 4m đủ để chiếc tàu không bị phát hiện. Khi biển lặng thì như vậy, còn khi biển động thì mình không tấn công được.
Loại tàu ngầm mới hiện nay có phần gia cố vỏ nằm bên ngoài chứ không nằm bên trong. Thường tàu ngầm của Đức, vỏ tàu bằng thép và bên trong có bộ xương để chịu áp suất, hai bên là hai bồn nước.
Còn tàu hiện nay, với lớp vỏ được chế tạo từ vật liệu composite thì xương nằm bên ngoài, lớp ngoài cùng là một lớp vỏ mỏng dùng để che xương và giảm độ cản nước của bộ xương tàu.
PV: Ông có nói về việc trong thời gian tới, ông sẽ dành số tiền thừa kế mà mình nhận được để chế tạo một tổ hợp khí tài. Xin ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về kế hoạch này?
Ông Phan Bội Trân: Thừa kế của tôi rất lớn. Với số tiền sau khi nhận hết thừa kế, tôi và mấy đứa con tôi sống đến cuối đời không hết.
Phần thừa kế của tôi gồm 2 phần, sau khi bán phần đầu thì tôi có thể đầu tư vào việc chế tạo một tổ hợp khí tài khoảng 2 tỷ để làm một chiếc tàu ngầm 6m, hai quả ngư lôi và hệ thống modul thứ 3. Thuốc nổ thì hải quân sẽ cung cấp.
Chiếc tàu ngầm 6m và 2 quả ngư lôi giống như một loại vũ khí để tấn công. Còn modul thứ 3 là để hỗ trợ về mặt hậu cần.
Tàu ngầm Yết Kiêu 1
Tàu ngầm Yết Kiêu 1
PV: Xin ông có thể nói rõ hơn về vai trò của hệ thống modul thứ 3 này?
Ông Phan Bội Trân: Hệ thống modul này cho phép chiếc tàu ngầm tác chiến cách căn cứ mẹ khoảng 1.000km. Chiếc tàu ngầm 6m thì chỉ chạy ra được 30-40km thôi chứ không thể chạy dài được. Và khi xảy ra sự cố thì cũng không ai biết là xảy ra sự cố ở đâu.
Ngoài ra, với nhiệm vụ bảo vệ biển đảo của Việt Nam thì một chiếc tàu ngầm 6m sẽ chẳng thể đủ khả năng. Vì vậy, hệ thống modul này rất quan trọng, nó chẳng khác nào một chiếc tàu ngầm.
CHUẨN ĐÔ ĐỐC
LÊ KẾ LÂM
Anh Trân là một tấm gương đáng kính, nếu chúng ta biết tôn trọng, biết tạo điều kiện để nhân vật đó phát triển, chắc chắn sẽ có những cống hiến tốt hơn.
PV: Chế tạo được tàu ngầm rồi, nhưng khó khăn lớn nhất đối với ông hiện nay là gì?
Ông Phan Bội Trân: Điều quan trọng nhất trong việc chế tạo tàu ngầm của tôi là giá thành. Nó quá rẻ. Thường thì trong cả thực tế lẫn tâm lý, rẻ không đi liền với mạnh nhưng tàu ngầm của tôi lại có được 2 yếu tố: Rẻ và mạnh.
Hạm đội tàu ngầm của mình khi hoàn thiện thì sẽ ngang với Hạm đội 7 của Mỹ. Đó là điểm đột phá nhưng cũng là trở ngại của mình bởi hầu như không có ai tin trừ ông Lê Kế Lâm.
Nếu chế tạo được rồi thì rất cần được Nhà nước cho bắn thử. Tuy nhiên, đối tượng để thử không thể là một chiếc tàu vận tải hay một chiếc tàu cũ bởi các tàu đó không phải là các tàu chiến. Phải là một chiếc tàu chiến lớp Gepard.
Đó là dấu hỏi chưa được trả lời. Nếu bỏ một chiếc tàu chiến lớp Gepard mà có được một hạm đội mạnh vượt bậc thì tôi tin là nên bỏ.
Doanh nghiệp Việt Nam “để mắt” đến tàu ngầm Yết Kiêu 1
Tàu ngầm Yết Kiêu 1 thử nghiệm
PV: Ngoài nỗi lo đó ra, ông còn nỗi lo nào khác trong quá trình biến ước mơ thành hiện thực?
Ông Phan Bội Trân: Ngoài khó khăn về việc thử nghiệm khả năng chiến đấu trong thực tiễn của tàu ngầm, tôi còn một nỗi lo khác. Đó là sự e ngại của nhiều thủy thủ trong việc chạy tàu ngầm.
Nếu xảy ra sự cố thì sao?
Tôi có thể khẳng định rằng chiếc tàu ngầm của tôi có kỹ thuật thoát hiểm cho thủy thủ, tức là nếu chiếc tàu ngầm đang lặn thì tôi vẫn có kỹ thuật để giúp thủy thủ chui ra được.
Người phương Tây có câu: Cái quan trọng không phải là đánh thắng một trận đánh mà cái quan trọng là đánh thắng một cuộc chiến. Những nghiên cứu của tôi cho phép đánh thắng được những trận đánh mà chưa cho phép đánh thắng được một cuộc chiến.
Với tổ hợp khí tài của tôi, nếu qua giai đoạn 2 (được nhà nước cho phép), nếu mình tiêu diệt được chiếc tàu chiến thử nghiệm trong vòng 3 phút thì mình sẽ thắng được tất cả các trận đánh hải quân.
Trong chiến đấu, tôi không tính đánh trong 1 ngày mà chỉ trong vòng 180 giây kể từ khi phát hiện, mục tiêu sẽ biến mất khỏi màn hình radar.
Những điều này có thể thực hiện được bởi số tiền dùng cho việc chế tạo tổ hợp khí tài này không lớn.
Số tiền 2 tỷ đồng (khoảng 100.000 USD) không phải là nhỏ nhưng với nhiều đại gia thì chẳng phải là lớn, sẽ đủ để chế tạo một tổ hợp khí tài đánh chìm được một chiếc tàu khu trục có giá cả trăm triệu USD.
(Còn tiếp...)
** Mọi ý kiến, phản hồi, đóng góp, xin vui lòng nhập vào ô Bình luận bên dưới bài viết. Trân trọng!
 
Chùm bài đặc biệt
Loạt bài dài kỳ về tàu ngầm "Made in Vietnam"
(cập nhật liên tục)
theo Đại Lộ

Không có nhận xét nào: