22/07/2016
PHẢN BIỆN BÀI VIẾT “CẦN TRẢ LẠI CHÂN LÝ KHOA HỌC CHO KẾT
LUẬN VỀ NGUYÊN NHÂN CÁ CHẾT”
Tô Văn Trường
Mời xem nguyên văn bài tranh luận của 2 vị tiến sĩ tại đây:Phản biện bài của TVT
TS Nguyễn Đức Thắng: Trước tiên tôi phải rất cám ơn TS.
Tô Văn Trường viết
bài phản biện đối với bài viết của tôi. Tôi thực sự đã làm anh vất vả. Áy này
và cảm tạ vô cùng. Sau đây, những phần tô hồng là do tôi viết để đỡ “đòn”. Tuy
nhiên khả năng đỡ đòn có hạn và cũng vì đây là Fair Forum nên tôi nhờ PGS. TS
Trần Hồng Côn đỡ đòn hộ những gì mà TS. TVT chưa được thỏa mãn. Tại sao tôi lại
nhờ anh Côn vì tôi còn nhớ một buổi chiều hè chủ nhật, dịp khoảng tháng 7/1970,
thế mà đã 46 năm rồi, anh Côn, tôi và các anh Thích, Thân, Cường, Dũng, Ngọc,
Phố v.v. khoảng gần chục anh xuống sân đá bóng gôn tôm (gôn mini) tại kí túc xá
Albertov thuộc khoa Khoa học tự nhiên, trường Karlova Universita Praha (Cộng
hòa Séc hiện nay). Sinh viên Việt Nam mình ở các trường khác đến chơi với bọn
tôi đều gọi là “chuồng chim Albertov”. Anh Côn đội bên kia, tôi đội bên này.
Anh Côn là tiền đạo, tôi là hậu vệ. Anh Côn thi đấu rất quyết liệt, giầy mới
xịn, có đinh thép ở đế sáng choang. Tôi hôm đó, giầy đá bóng giặt chưa khô,
nhưng vì các anh cứ kéo, do thiếu người, nên đi chân đất, làm hậu vệ. Anh Côn
dẫn bóng lao như điên vào gôn bên tôi, tôi nhìn bóng và xông lên chặn. Thế nào
mà quả bóng không bị anh Côn đá, tự nhiên đầu ngón chân phải của tôi kêu rắc
một cái. Ôi đau quá! Tôi tin là anh Côn không chủ ý, nhỡ, bỏ qua. Ngón cạnh
ngón cái bị vẹo hẳn sang một bên, tập tễnh mấy ngày thấy hết đau. Nhưng để lại
dị tật cho đến tận ngày nay. Nay “bắt đền” anh Côn bằng nhờ trả lời anh TVT
những câu hỏi rất hóc của anh Trường!
TS Tô Văn Trường: Bài viết “Cần trả lại chân lý khoa học cho kết luận về
nguyên nhân cá chết” của Tiến sĩ Nguyễn Đức Thắng đã được đăng tải rộng rãi
trên các trang mạng xã hội trong và ngoài nước trong mấy ngày qua, gây xôn xao
công luận vì cho rằng kết luận của Chính phủ đã công bố ngày 30/6/2016 dựa trên
cảm tính, suy diễn chủ quan.
Đây là bài báo có hàm lượng khoa học cao, có chính kiến, thể
hiện sự quan tâm nghiêm túc của tác giả đối với nguyên nhân cá chết ở miền
Trung.
1. Về phenol, cyanua là những độc tố mạnh
Tác giả cho rằng nguyên nhân làm cá chết cấp tính hàng loạt chia
làm 2 loại cụ thể sau:
a) Bị tiếp xúc/phơi nhiễm với độc tố, đến đủ nồng độ gây chết
LC50.
b) Bị chết do thiếu oxy.
Hai nguyên nhân này khác nhau cơ bản về bản chất hóa học và cơ
chế gây chết. Kết luận đã công bố thuộc về nguyên nhân a), vì phenol và cyanua
được coi là những độc tố mạnh. Suy diễn này đã bỏ qua điều kiện bắt buộc cần có
là nồng độ của phenol và cyanua trong nước biển khi đó phải lớn hơn hoặc bằng
LC50.
Thực tế nồng độ phenol và cyanua có trong tất cả các mẫu nước mà
Đoàn điều tra thu thập và của cả 4 tỉnh miền Trung tự lấy đem phân tích, đều vô
cùng nhỏ, vô cùng thấp, đều dưới 0,005mg/L rất an toàn cho tôm, cá (nhỏ 10.000
lần so 50mg/L – LC50 trung bình của cyanua – và nhỏ 5.000 lần so với
25mg/L – LC50 trung bình của phenol).
Bình luận
Theo tôi hiểu, vì các mẫu nước được lấy vào thời điểm khá
xa, sau khi ngưng xả và chất độc đã được hoà loãng ở mức độ
tối đa, do đó nồng độ rất thấp là điều dễ hiểu. Chất độc được đưa ra từ ống xả
thải ngầm của Formosa có thể theo hình thức gần giống thải một lần (plug flow)
hoặc thải đều đều trong một quãng thời gian dài (steady state). Vì vậy, vẫn có
khả năng trong một khoảng thời gian nào đó đã tồn tại một vùng nước đủ lớn có
nồng độ chất độc đủ cao. Nếu cần thì phải lập mô hình toán mô phỏng sự phát tán các chất độc này
trong không gian 3 chiều mới có thể xác định trên đường di
chuyển của chúng vào khoảng thời gian nào chất độc đạt đủ LC50 để giết cá.
Vả lại, độc chất học hiện đại xem LD50 và LC50 có giá trị lịch sử, và là một thông số có giá trị tương đối
để tham khảo. Hiện nay, giới khoa học dựa vào dụng cụ Microtox dùng
phytobacteria để xác định độc tính nhằm tránh sự sai biệt do kích cỡ sinh vật,
giới tính, giống loài, tuổi, thức ăn…vốn liên quan đến cytochrome trong cơ thể
chúng, hoặc dùng độc chất học phân tử (molecular toxicology) để có kết quả
chính xác hơn. Một điểm cần lưu ý là LC50 48,72 hay 96 g khác nhau. Trong điều kiện thực tế trên biển,
làm gì có sinh vật biển nào đúng yên một chỗ để tiếp xúc với nồng độ LC50 trong
96g như thí nghiệm trong điều kiện hồ kính (aquarium) ở Phòng thí nghiệm.
Về các mẫu nước được lấy vào thời điểm khá xa, sau khi ngưng xả Anh Trường nói đúng, Đoàn điều tra lấy
mẫu khá xa ngày xảy ra sự cố. Buồn cười thật, họ lại lấy rất nhiều nữa; bao
nhiêu công sức, bao nhiều tiền phân tích, lại gửi đi nước ngoài nữa. Phí hoài
tiền của, trong khi ngư dân đang đói. Tôi đã nói từ lâu về “chẳng cần lấy mẫu
làm gì”, như ếch ngồi đáy giếng tôi cũng có thể “phán” được nồng độ của chúng
áng khoảng bao nhiêu, vì theo qui luật về chất lượng nước của đại dương, của
biển cả mà.
Về mô hình toán và không gian 3 chiều thật là quá quí. Trong hoàn cảnh ếch
ngồi đáy giếng tôi không thể thể dùng dao mổ trâu để cắt tiết một con giun đang
ở đáy giếng. Rất may tôi luôn có mang điện thoại di động đời cũ nhất, mọi người
chẳng ai dùng sẽ vất cho các cháu làm đồ chơi, đem ra tính toán, chỉ làm phép
nhân tôi (vì chỉ cần tính thể tích mà), tính được ra thể tích của dải nước dài
khoảng 150km, rộng 60m, sâu 3m. Đúng là Hóa học 8 và Toán lớp 6.
LD50 và LC50 có giá trị lịch sử Về LD50 (Lethal Dose, liều dùng, liều
tiếp xúc mg/kg cân nặng) trước tôi cũng viết nhưng sau nghĩ lại ở đây ta chỉ
bàn đến cá, không nói chuyện về chuột, ếch, nhái, người, nên tôi bỏ LD50 và chỉ
tập trung cho LC50. LC50 hay LD50 đúng là đã được thế giới định nghĩa từ lâu,
nhưng cho đến nay vẫn dùng rất phổ biến và chưa có định nghĩa mới để thay thế.
Nếu không dùng LC50 thì căn cứ vào đâu Đoàn điều tra kết luận là phenol và
xianua là độc tố gây chết cá.??
Về LC50 48,72 hay 96 g khác nhau. Đúng là vậy, nên ở định nghĩa lúc đầu
tôi chỉ nêu trong một thời gian tiếp xúc/phơi nhiễm nhất định. Ở tài liệu mà
tôi trích dẫn, do tác giả thí nghiệm với 96 giờ.
Về Microtox dùng phytobacteria Nếu khoa học thế giới có gì mới nhất để
thay thế LC50 hoàn thiện hơn thì tôi rất hoan nghênh. Anh nên đề nghị Đoàn điều
tra vận dụng kỹ thuật mới nhất đi. Tuy nhiên tôi vẫn tin là hiện nay thế giới
vẫn đang phổ biến, đại trà sử dụng LC50 như là TRỤ CỘT, CỐT LÕI. Còn nếu anh
bác bỏ LC50 thì anh chỉ còn lại một câu trần trụi “Vì
phenol và xianua là rất độc, nên tôm cá chết là chắc”. Vậy bây giờ tôi tạm thời
đồng ý với anh gạt bỏ LC50. Vậy anh trả lời sao thực tế “phũ phàng” sau đối với
Đoàn điều tra: TỪ THÁNG 12/2015 ĐẾN 6/4/2016 LIÊN TỤC FORMOSA HÀ TĨNH ĐÃ ĐỔ MỖI
NGÀY HÀNG TẤN CHẤT ĐỘC HẠI KHÁC NHAU, TRONG ĐÓ CÓ PHENOL VÀ XIANUA LÀ RẤT ĐỘC
MÀ KHÔNG 1 CON CÁ NÀO CHẾT, CHÚNG VẪN BƠI LỘI TUNG TĂNG NHẢY MÚA VÀ HÁT CA??
Không cần phải chuyên gia mới trả lời được câu này. Một cháu học lớp 6 có thể
trả lời được ngay “Ồ! vậy con nghĩ là không phải”
2. Độc tố học
Ts Nguyễn Đức Thắng phân tích trong độc tố học (toxicology) và
sự cố môi trường (environmental accident) có khái niệm trụ cột là LC50 (Lethal Concentration), là nồng độ
(mg/L) độc tố làm 50% quần thể cá chết sau một thời gian tiếp xúc nhất định. Có
nghĩa là cá sống trong nước có chứa phenol, cyanua sẽ chết cấp tính khi nồng độ
của chúng vượt quá giá trị LC50. Độc tố nào có giá trị LC50 càng thấp thì càng
độc và ngược lại nếu LC50 càng cao thì càng ít độc, an toàn.
Trong nhân dân, có câu nói có tính qui luật là “Suy cho cùng một
chất độc hay không độc còn tùy thuộc vào nồng độ của nó”. Ví dụ, muối hoặc dấm
chua chúng ta ăn ít thì không sao, nhưng nếu ta dùng vượt liều gây tử vong sẽ
nguy hiểm. Thuốc ngủ nếu ta uống 1 hoặc 2 viên không sao; nhưng ta uống 10 – 20
viên một lúc sẽ khó mà cứu chữa. Ngay cả thuốc bổ (nhâm sung, cao hổ v.v..)
cũng sẽ trở thành độc hại nếu ta uống liên tục quá liều bác sĩ chỉ định vv…
Bình luận
Về mặt lịch sử của Độc chất học, chính Paracelsus (1493-1541),
ông tổ của ngành Độc chất học đã ghi lại: “Tất cả vật chất đều là chất độc, chẳng có
chất nào không độc.
Phân biệt một chất khi nó gây độc và khi nó dùng như thuốc trị bệnh căn cứ vào liều lượng. (All substances are poisons. The
right dose differentiates a poison and a remedy).
Thật khâm phục và kính nể Paracelsus (1493-1541),cách đây gần 500 năm đã đưa ra
câu nói vĩ đại, thế mà ngày nay chúng ta vẫn chưa tiêu hóa nổi, điển hình là
Đoàn điều tra và anh Trường đã vất bỏ liều lượng đi. Nhưng tôi thích câu dưới
này hơn, nghe nó đỡ sợ hơn. Cách đây vài tháng, có lần tôi được anh PQ
Khải, Chủ tịch NUSA cho tham quan xưởng thực nghiệm của anh ấy ở trên Hòa
Bình, anh Khải có nói câu dưới đây và tôi mỉm cười nói ngay “chí phải”: “Suy cho cùng một chất độc hay không độc còn tùy thuộc
vào nồng độ của nó”
3. Nồng độ của phenol, cyanua
Ts Nguyễn Đức Thắng viết : Nồng
độ của phenol, cyanua trong nước biển dưới 0,005mg/L thấp hơn 4 lần so với QCVN
08:2008/BTNMT về chất lượng nước mặt; đối với nước biển thì nồng độ tối đa được
phép của phenol (tổng số) và cyanua (CN-) đều là 0,02mg/L. Không có bất cứ QCVN
nào có mục đích làm căn cứ để xác định nguyên nhân cá chết, cho dù nếu nồng độ
của phenol, cyanua có lớn hơn nhiều lần 0,02mg/L. Sai lầm phổ biến, từ
Trung ương cho đến địa phương là cứ thấy mẫu nước phân tích có một chất
nào đó lớn hơn 2 – 3 lần QCVN 08 thì kết luận luôn độc tố đó là nguyên nhân gây
chết cá. Cụ thể Thừa Thiên – Huế lấy mẫu phân tích thấy phenol và cyanua đều
dưới 0,005mg/L, nhưng Crom và amoni cao hơn QCVN 08 nên đã loại trừ phenol và
cyanua và kết luận nguyên nhân là Crom và amoni. Căn cứ để xác định
nguyên nhân cá chết phải là LC50.
Bình luận:
Không nên chụp mũ, vơ đũa cả nắm như vậy. Không thể căn cứ
thuần tuý vào LC50 để xác định nguyen nhân cá chết mà còn phải chú ý đến LD50 vì cá lớn có thể ăn thịt cá nhỏ ngộ độc
đã chết hoặc đang trong trạng thái lờ đờ vì tiếp xúc với chất độc trước đó ở
mức dưới tử vong, và vì vậy cá lớn tích lũy sinh học tăng bội chất độc
(biomagnification) trong cơ thể một thời gian rồi mới đạt đến ngưỡng tử vong và
chết đi. Vả lại, bản chất LC50 là số liệu tiến hành trong phòng thí
nghiệm để xếp hạng các chất độc, chủ yếu sử dụng cá nhỏ (chẳng hạn cá rô phi con [Tilapia sp.
thường được dùng]).
Do đó, trong điều kiện thực tế trên biển, làm gì có sinh vật biển nào đứng yên một
chỗ để tiếp xúc với nồng độ LC50trong 96g như thí nghiệm thiết kế trong điều kiện
hồ kính (aquarium) ở phòng thí nghiệm. Khi tiếp xúc với chất độc nếu chưa chết
ngay do độc cấp tính (acute toxicity) thì chúng cũng tìm cách bơi thoát đi nơi
khác. Mặt khác, cá chết có kích cỡ lên đến vài chục kí lô
thì LC50 cho lũ cá con đâu có ý nghĩa gì. Do đó, cá có thể có kích cỡ khác nhau,
giống loài khác nhau nhưng những con tích luỹ chất độc trong quá khứ lên đến
ngưỡng tử vong đều chết đồng loạt cả.
Thực ra tiêu chuẩn LC50 là một con số trung bình suy ra từ xác
suất (probability) thành muốn nói cho đúng thì phải gọi là “Median Lethal
Concentration” và thường được nêu đi đôi với cái gọi LT50 (Time to 50% mortality) tức là thời
gian chịu đựng dẫn đến 50% quần thể cá chết.
Người bạn chuyên gia Canada cho tôi biết nghiên cứu có tựa
đề “Biological Test Method: Acute Lethality Test Using Rainbow Trout” của Bộ
Tài nguyên môi trường của Canada, nói về phương pháp nghiên cứu để định các
ngưỡng cửa có thể gây chết cho loại cá gọi là Rainbow Trout, để đạt tiêu chuẩn
về giới hạn các độc tố có thể thải ra môi trường. Qua nghiên cứu này, có thể
thấy là các yếu tố môi trường bên Canada có thể khác với môi trường bên VN,
do đó không thể lấy tiêu chuẩn của Mỹ, Canada hay của Úc để áp dụng cho VN vì
làm như vậy cũng như lấy râu ông nọ cắm cầm bà kia. Do đó, VN nếu muốn có tiêu chuẩn LC50 với LT50
của riêng mình thì phải làm nghiên cứu chứ không có cách nào khác.
Theo tôi biết, từ những năm 1990, bên Tập đoàn dầu khí VN (PVN)
có dự án nghiên cứu độc tính của dung dịch khoan nền dầu khoáng (sử dụng khi
khoan thăm dò và khoan khai thác các mỏ dầu ngoài khơi, trong trường hợp cấu
tạo địa chất gây khó khăn, thậm chí làm kẹt mũi khoan, nếu dùng dung dịch khoan
nền nước biển). PVN đã nghiên cứu độc tính tại vùng biển VN và thu được kết quả
độc tính của cùng 1 loại dung dịch khoan giảm trong môi trường biển Đông Nam bộ
VN so với trong môi trường biển Bắc của Nauy. Kết quả này, tương tự kết quả
nghiên cứu ở vùng biển vịnh Thái Lan và ở Indonesia. Lý do là điều kiện tự
nhiên ở biển Bắc khác nhiều điều kiện của vùng biển nhiệt đới.
Như vậy, nếu có được chuẩn cụ thể của VN để làm cơ sở kết luận
về độc tính của chất nào đó trong môi trường VN thì quá tốt. Tuy nhiên, trong khi
chưa có thông tin về LC50 của một chất hóa học nào đó tại chỗ thì vẫn có thể
lấy thông tin tương ứng của nước khác, chỉ nhầm mục đích so sánh và suy luận,
Trong trường hợp cụ thể là phenol, rõ ràng khi LC50 của phenol của Úc cao gấp
cả nghìn lần nồng độ phát hiện trong môi trường biển miền Trung thời điểm cá
chết thì suy luận phenol không phải nguyên nhân dẫn đến thảm họa là có thể có
cơ sở. Tôi nói có thể có cơ sở là bởi vì hiện tượng
tính độc tăng do sự cộng lực (synergistic toxicity) trong một điều kiện đặc thù
nào đó, có sự hiện diện của các hoá chất khác,rất thường xảy ra và được ghi
nhận thường xuyên trong các tài liệu khoa học về độc chất học.
còn phải chú ý đến LD50 anh Trường ơi! Tôi không vơ cá với
chuột với thỏ vào với nhau đâu. Anh đừng bắt cá lên bờ mà bơm phenol hay xianua
vào miệng nó như là đối với chuột, thỏ nữa. Trong nước thế giới chỉ dùng LC50
cho loài sống dưới nước. LD50 (liều sử dụng mg/kg thể trọng) dùng cho động vật
trên cạn, trong đó có cả cho người
làm gì có sinh vật biển nào đứng yên một chỗ để tiếp xúc với nồng
độ LC50 trong 96g Đúng thế anh Trường ạ! Nó phải “chạy”
ngay đến chỗ nồng độ thấp hơn để mà sống khi đó sẽ chẳng có cá chết để cho Đoàn
điều tra lấy mẫu
cá chết có kích cỡ lên đến vài chục kí lô thì LC50 cho lũ cá con đâu có ý nghĩa gì. chủ yếu
sử dụng cá nhỏ: Đúng anh Trường ạ! Cá nhỏ thì LC50 của
nó nhỏ. Cá 15kg thì LC50 của nó có khi gấp chục lần đối với cá nhỏ. Điều này
lại càng khổ cho Đoàn điều tra vì phải chứng minh nồng độ độc tố có trong nước
biển phải cao đến thế thì nguy cho Đoàn quá, trong khi nồng độ phenol và xianua
trong nước biển, khắp 4 tỉnh miền Trung đều dưới 0,005mg/L (QCVN là 0,02mg/L)
LT50
(Time to 50% mortality) tức là thời gian chịu đựng dẫn đến 50% quần thể cá
chết. Tại sao lại thêm LT50 nữa nhỉ? Có cần không? trong khi chúng ta
đã có, ví dụ 48h-LC50 là 20mg/L có nghĩa là sau 48 giờ sống trong nồng độ
20mg/L với độc tố, thì 50% quần thể cá làm thí nghiệm sẽ chết.
các yếu tố môi trường bên Canada có thể khác với môi trường bên VN,
do đó không thể lấy tiêu chuẩn của Mỹ, Canada hay của Úc để áp dụng cho VN vì
làm như vậy cũng như lấy râu ông nọ cắm cầm bà kia. Do đó, VN nếu muốn có tiêu chuẩn LC50 với LT50 của riêng mình thì phải làm
nghiên cứu chứ không có cách nào khác.
Đúng anh Trường ạ! Do tôi ngồi đáy giếng, không có điều kiện để
làm thí nghiệm nên tạm lấy số liệu LC50 của họ chỉ để minh họa. Ở cấp
quốc gia tôi chưa thấy nước nào ban hành tiêu chuẩn LC50 cả. Đề xuất làm riêng LC50 cho
Việt Nam của anh tôi ủng hộ. Nhưng điều này chỉ làm khổ thêmcho Đoàn điều tra, có
khi phải thêm 3 tháng nữa, trong khi dư luận đang nóng chờ đợi Chính phủ công
bố nguyên nhân cá chết hàng ngày. Do vậy ta có thể tạm lấy số liệu của họ,
tương đối thôi, ví dụ là 20mg/L cho cả phenol và xianua.
Bây giờ anh cho Formosa đổ 750kg phenol và 50kg xianua trong 1
ngày, như họ đã đổ vào từ tháng 12/2015 đến trước 6/4 vào biển (cá vẫn hát ca
và tưng bừng nhảy múa) và lấy mẫu đo luôn trong ngày, cách họng xả 50m, 100m, 1000m, 50km
v.v Cá thính và đánh hơi tốt đấy, nó chả dại gì lại gần cả. Tôi ngồi đáy
giếng, không cần lấy mẫu phân tích, không cần máy tính bấm tay, cũng có thể dự
đoán kết quả là tại điểm 50m khoảng 0.5mg/L, 100m khoảng 0,2mg/L v.v.. dùng máy
tính bỏ túi, ta có thể tính bài toán Hóa học 8 pha loãng nồng độ chính xác hơn.
Tóm lại tất cả sẽ đều dưới xa 20mg/L. Do vậy việc lấy mẫu phân tích để có so
sánh với LC50 là lãng phí tiền của, công sức. Tôi nói mò được vì tôi hiểu nước
biển và đại dương là vô tận sẽ xóa đi mọi thứ.
4. Phân tích mẫu
Tác giả phân tích: “ Đoàn điều tra đã lấy mẫu nước thu được từ
vệt nước màu đỏ gạch ở Quảng Bình ngày 4/5, Hà Tĩnh ngày 5/5 và 12/5 làm
thí nghiệm với cá, cho kết quả tỷ lệ cá chết 80-100% trong 3 – 30 phút.
Phân tích mẫu nước, hàm lượng sắt trong cặn lơ lửng cao (gần 25%), hydroxit sắt
(gần 50%) và chứa phenol. Từ đó suy ra cá chết vì
phenol và cyanua.
Nếu đúng như vậy, thì đây là một thí nghiệm chưa khoa học và chủ
quan. Vì không đo nhiệt độ, không đo pH, không đo oxy hòa tan, không đo độ mặn,
thí nghiệm với bao nhiêu con cá, cá nước mặn hay cá nước ngọt, cân nặng v.v..
.”
Bình luận:
Tôi tán thành cách lập luận của tác giả phân tích về thí nghiệm
cá nhưng theo tôi biết TS Nguyễn Đức Thắng chưa được đọc báo cáo chi tiết của
đoàn điều tra nguyên nhân cá chết cho nên mới đưa ra từ “NẾU”! Lời phê bình chỉ
có giá trị khi tác giả có trong tay đủ số liệu về điều kiện thí nghiệm của Đoàn
điều tra (phải ghi rõ trong phần tài liệu tham khảo).
Nếu có được báo cáo của Đoàn điều tra đọc thì hay quá. Sau ngày
công bố chính thức thì chẳng còn gì là bí mật nữa. Tôi đã đề nghị anh giúp
nhiều lần mà có được đâu. Mặc dù Đoàn điều tra chỉ công bố thí nghiệm ngắn gọn
như vậy, về phenol chỉ nói và “chứa phenol”. Mặc dù không nói cụ thể là bao
nhiêu mg/L nhưng tôi tin chắc chắn phải rất cao. Rõ ràng là nước thì nghiệm này
khác hẳn với nước ngoài biển làm cá chết.
5. Nồng độ và tổng lượng chất thải
Ts Nguyễn Đức Thắng phê phán “ Đoàn điều tra đã “bỏ
quên” một qui luật rất cơ bản nữa của tự nhiên là nước biển và đại dương
mênh mông vô tận nên nồng độ từng độc tố, kể cả đổ cả chục tấn vào sẽ bị pha
loãng thành rất nhỏ. Cụ thể nước biển và đại dương gồm 96,66% là nước tinh
khiết (H2O), xáo trộn đồng đều với 3,02% là muối ăn (NaCl), còn lại 0,32%
cho tất tật mọi chất khác có thể (các hợp chất hữu cơ hòa tan
độc và không độc, các kim loại nặng v.v.. )
Bình luận:
Các tài liệu về cơ học lưu chất (Fluid mechanics) và mô hình
toán trong môi trường đã phân tích dù dại dương là mênh mông và có thể pha
loãng mọi thứ về nồng độ rất nhỏ nhưng muốn gì thì cũng cần phải có thời gian. Trên thế giới vẫn tồn tại những vùng
biển sạch và vùng biển dơ là minh chứng rõ ràng không phải cứ đổ xuống biển là
nó pha loãng ngay.
cần phải có thời gian Nhất trí với TVT. Trong đoạn của tôi
không hề có cụm từ “rất nhanh” hay “tức thì”
6. Về hàm lượng cao của phenol và xyanua trong cá:
Thậm chí không cần cơ sở lý luận của độc tố học nữa (toxicology,
LC50), chỉ cần duy nhất một thực tế sau
đây đã đủ hoàn toàn làm xụp đổ kết luận đã công bố về nguyên nhân cá
chết. Đó chính là nhà máy sản xuất than cốc của Formosa Hà Tĩnh đã đi vào
hoạt động từ tháng 12/2015 đã 4 tháng liên tục xả thải hàng ngày 10.000 –
12.000 m3nước thải, trong đó có khoảng 1000 m3 nước thải của khâu luyện than cốc, có
chứa hàng tấn hóa chất độc hại khác nhau; trong đó có khoảng 700 – 800kg phenol
và 40 – 60kg xyanua vào môi trường, thế mà không một con cá nào chết!!
Bình luận
Cần phải tính đến “hiệu ứng dưới tử vong” do trong quá trình
tích luỹ sinh học. “Sublethal
concentration” Cũng được anh Trường ạ! Nhưng phức tạp thêm vấn đề. Dùng một
khái niệm LC50 cho giản tiện
7. Cá lớn, cá bé
Hệ thống xử lý sinh hóa của công ty thời gian này có vấn đề vì chưa được nạp vi khuẩn đặc
chủng để xử lý phenol và cyanua. Những đàn cá vẫn bơi lội tung tăng, vẫn “ăn,
uống” phenol và cyanua, kim loại nặng vào tích tụ trong cơ thể chúng.
Ngoài ra, theo qui luật của tự nhiên cá lớn ăn cá bé,
cá bé ăn cá bé hơn, cá bé hơn các động vật phù dù, các động vật phù du này ăn
mọi thứ độc hại có trong nước.
Bình luận
Ở đây phải nó cho đúng là cá lớn ăn cá bé, cá bé ăn cá bé hơn,
cá bé hơn ăn các động vật phù du, các động vật phù du ăn các thực vật phù du,
các thực vật phù du hấp thu các độc tố trong môi trường nước.
Anh chi tiết hóa thêm thực vật phù du nữa cũng được
8. Thuốc bảo vệ thực vật
Tác giả phân tích ví dụ: Thuốc bảo vệ thực vật DDT với nồng độ
coi như không có trong nước, là 0,000003mg/L. Động vật phù du ăn DDT, lấy mẫu
đem phân tích thấy hàm lượng DDT là 0,04mg/kg; mẫu cá bé cho hàm lượng
0,5mg/kg, mẫu cá lớn cho hàm lượng 2mg/kg (hệ số khuyếch đại là 0,66 triệu
lần), mẫu chim ăn cá cho hàm lượng DDT 25mg/kg (hệ số khuyếch đại là 8,3 triệu
lần!!). Nếu lấy kết quả phân tích tất cả các mẫu nước biển 4 tỉnh miền Trung cho
phenol và cyanua đều dưới 0,005mg/l (4 lần
thấp dưới QCVN 08:2008/BTNMT, 0,02mg/L), nhân với hệ số
khuyếch đại 0,66×106 x 0,005 cho ta 3.300mg/kg (3,3g/kg) trong cá
lớn!!! Thật kinh hoàng cho quá trình tích tụ và khuyếch đại độc tố này. Mang
trong mình một hàm lượng lớn độc tố như vậy nhưng cá vẫn tung tăng bơi lội, vẫn
sống để cho người dân đánh bắt và ăn.
Bình luận
Mỗi hoá chất đưa vào môi trường có một hệ số tích luỹ trong sinh
vật và đất, trầm tích… khác nhau và thường nồng độ tích luỹ này diễn ra không theo kiểu phương trình tuyến tính như tác giả đã tính toán ở trên. Đúng anh ạ! Chỉ là ví dụ để minh họa
thôi, tôi chép nguyên văn từ tài liệu ra, có thể là nghìn lần, vạn lần,
triệu lần v.v..
Cách phân tích về DDT ở trên sơ sài quá. Đúng anh Trường ạ! Tôi không có nhu cầu
đi xâu vào DDT, Những số liệu này tôi chép nguyên từ mạng ra, có tính chất minh
họa về tích tụ va khuyếch đại là đủ DDT là một chất bảo vệ thưc vật thuộc nhóm organochlorine
có độ bền rất cao trong môi trường (thuộc nhóm POPs: Persistent Organic
Pollutants), sự tích tụ và khuếch đại của nó không giống các nhóm khác (ví dụ:
nhóm lân [organophosphate], nhóm cabamate hoặc nhóm cúc [pyrethroids]) cũng như khác với các chất tác giả đang
quan tâm. Vì vậy, khi so sánh cần đủ số liệu mới tránh khỏi khập khiễng. Nếu
bàn về DDT nên tham khảo tài liệu Chương 15 (Chlorinated Hydrocarbon
Insecticides) trong Vol. 2 (Handbook of Pesticide Toxicology gồm 3 Vol.). Các
chủ biên: Wayland J. Hayes, Jr. và Edward R. Laws, Jr. và cuốn sách
Aquatic Toxicology, Molecular, Biochemical and Cellular Perspectives. Chủ
biên: Donald C. Malins, Gary K. Ostrander.
- Bệnh ung thư
Ts Nguyễn Đức Thắng phân tích ở Việt Nam thì người giầu cũng như
người nghèo, nếu nhịn ăn, nhịn thở thì chết ngay,
nhưng ăn vào, thở vào thì chết từ từ. Góp phần thúc đẩy gia tăng bệnh ung thư
chính là quan điểm “sản xuất trước, môi trường tính sau” thấm sâu vào máu
rất nhiều cán bộ quản lý, lãnh đạo khắp đất nước.
Bình luận
Điều này đúng, nhưng ngay cả Nhật Bản vào đầu thế kỷ 20 chăm chú
vào sản xuất cũng gặp phải các đại hoạ như ô nhiễm thuỷ ngân (Minamata, tỉnh
Kumamoto), ô nhiễm cadmium (trên sông Jingsu, tỉnh Toyama), ô nhiễm chất thải
công nghiệp vào thập niên 60, 70 (chôn lấp chất thải công nghiệp tại đảo
Teshima), ô nhiễm khí Sulfur….
Trình độ của lãnh đạo nước ta chắc là chưa đủ để hoàn toàn thấu
hiểu về vấn đề môi trường, Họ thường đùa: “tôi chỉ lo môi ngắn (miệng), không
lo môi dài (môi trường)”, “non xanh còn đó, lo gì không có củi đun’…
Ngoài ra, Chính phủ chưa đưa chỉ tiêu về bảo vệ môi trường vào
hệ thống các chỉ tiêu thi đua cho các bộ ngành, địa phương nên họ rất xem
thường vấn đề bảo vệ môi trường (hoặc chỉ nói miệng cho vui).
Cám ơn anh về những đồng cảm trên
10. Giải pháp hút trầm tích
TS Nguyễn Đức Thắng phê phán lãnh đạo Đoàn điều tra đã đề
xuất “Sẽ phải hút
hàng ngàn tấn trầm tích, kinh phí hút 1.000 tấn cũng phải mất vài nghìn tỷ
đồng. Chúng ta sẽ phải hút suốt chiều dài 209 km và phải hút sâu tối thiểu 50cm
thì mới đảm bảo sạch biển”.
Vì đề xuất của Đoàn điều tra về kết luận nguyên nhân cá chết đã
được lãnh đạo chính trị chấp thuận và đã công bố. Bỏ ra 109 nghìn tỷ đồng để
nạo vét đáy biển chỉ vì bị phủ một lớp vô cùng mỏng hydroxit sắt có hấp phụ
phenol và cyanua, và trầm tích có chứa kim loại nặng vốn đã có từ hàng trăm
năm sẽ là một cuộc tàn phá kinh hoàng hệ sinh thái đáy biển, sẽ thêm
rất nhiều san hô bị chết. Không cần nạo vét. Biển sẽ tự làm sạch. Hãy dành mọi
tiền đền bù nhiều nhất có thể để tập trung hỗ trợ cho ngư dân và thúc đẩy đánh
bắt xa bờ.
Bình luận
TS Nguyễn Đức Thắng phân tích chính xác, không nên đưa ra giải
pháp viển vông nạo vét tốn kém như thế, vì sẽ gây ra “thảm họa kép” xáo trộn
đối với lớp trầm tích đã ổn định. Ô nhiễm biển miền Trung khác hẳn với
trường hợp đại hoạ như ô nhiễm ở Minamata Nhật Bản do thủy ngân đã tích lũy 36
năm.
Trong bài viết tổng hợp vè Formosa, tôi đã đề xuất côngviệc cần
làm hiện nay là khảo sát đánh giá những mức độ bị hủy hoại môi trường
biển dọc theo ven bờ biển 4 tỉnh bị ô nhiễm để có kế hoạch tương đối sát thực
khu vực nào thì có thể để môi trường tự làm sạch và tự phục hồi (natural
attenuation/remediation), khu vực nào cần sự hỗ trợ của con người và khu vực
nào hoàn toàn phải phục hồi nhân tạo. Không thể chỗ nào cũng “làm sạch
biển….trồng san hô…”
– Cách để đánh giá môi trường biển bây giờ, không phải chỉ đánh
giá mức độ ô nhiễm (thời gian qua quá lâu rồi, chỉ còn tồn dư và ô nhiễm thứ
cấp) mà cần đánh giá mực độ bị hủy hoại là quan trọng hơn.
– Các phương pháp đánh giá ô nhiễm, theo tôi thì thông qua phân
lô, lấy mẫu, phân tích và đánh giá. Còn đánh giá mức độ hủy hoại thì có nhiều
cách khác nhau nhưng sát thực nhất là tính phần trăm số sinh vật biển bị hủy
hoại tại chỗ và mật độ sinh vật biển có trong hiện trạng (các loài san hô, sao
biển, nhím biển, giun/lươn biển và động vật hai vỏ được quan tâm đầu tiên).
-Tuỳ theo đặc điểm của từng hệ thuỷ sinh đặc thù mà hình thành
các chương trình phục hồi thích hợp
– Ở những vùng hệ san hô bị huỷ diệt, cần có kế hoạch phục hồi
nhanh bằng cách tạo nơi cư trú nhân tạo cho san hô phát triển như nhiều nước
vẫn làm.
– Rà soát, kiểm soát nghiêm ngặt các nguồn xả thải ra môi trường
biển ở miền Trung (không chỉ riêng Formosa).
– Quan tâm giúp đỡ ngư dân chuyển nghề thích hợp, ưu tiên hàng
đầu là bám biển (kể cả đánh bắt xa bờ) vì ngoài yếu tố kinh tế, còn là chủ
quyền biển đảo của tổ quốc.
Ô nhiễm biển miền Trung khác hẳn vớí trường hợp đại hoạ như ô
nhiễm ở Minamata Nhật Bản do thủy ngân Đúng anh Trường ạ! Minamata là thành
phố biển (nâng cấp từ làng lên thị trấn và lên thành phố năm 1950), thuộc tỉnh
Kumamoto, Tây Nam Nhật Bản. Công ty hóa chất Chisso từ năm 1932 – 1968, liên
tục 36 năm sản xuất hóa chất có tên là acetaldehyd và xả nước thải có chứa metyl
thủy ngân ra vịnh
Minamata. Vì metyl thủy ngân là chất rất bền vững, “vĩnh cửu” trong trầm
tích, không bị phân hủy tự nhiên, không bị vi sinh phân hủy, 36 năm tích tụ là
lượng khổng lồ, nên năm 1977 chính quyền thành phố đã thực hiện việc nạo vét
784.000m3 bùn, trên một diện tích 58 ha, suốt 13 năm và kết thúc vào năm 1990
- Về Quy chuẩn VN
Tác giả phân tích Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên, Môi trường tuần vừa
qua đã “thú nhận” với báo chí, do phải ưu tiên sản xuất đối với một số ngành
công nghiệp, Bộ đã phải hạ tiêu chuẩn xả thải. Gần 10 năm qua Bộ đã ban hành
một loạt các QCVN đặc thù, ưu tiên như ngành như sản xuất thép, sơ chế cao su
thiên nhiên, công nghiệp chế biến thủy sản, giấy và bột giấy, dệt nhuộm, y tế,
cửa hàng xăng dầu và nước thải của các bãi chôn lấp chất thải rắn. Ví dụ: QCVN
40:2011/BTNMT về nước thải công nghiệp nói chung, có tất cả 33 chỉ tiêu. Nhưng
QCVN 52: 2013/BTNMT đối với nước thải ngành sản xuất thép rút từ QCVN 40 xuống
chỉ còn 12 chỉ tiêu/thông số, loại bỏ đi 21 chỉ tiêu/thông số, ngoài ra còn
“nới lỏng” nồng độ một
vài thông số; cụ thể tăng lên 5 lần đối với kim loại nặng Cadmi và tổng
xianua; tăng gấp 1,5 lần đối với tổng nitơ.
Bình luận
Cần hiểu rõ, và có đủ tư liệu (ghi rõ trong tài liệu tham khảo)
quá trình làm QCVN và tất cả tiêu chuẩn của các nước từ phát triển đến đang
phát triển quy định thế nào về các thông số trong Quy chuẩn cho ngành luyện
thép đểtránh nhận
xét chủ quan (ít nhất phải biết phiên bản 1 và 2 của
WB-IFC).
Tôi không nhận xét, tôi chỉ so sánh, khớp, đối chiếu QCVN 40 với
52 mà thôi, do có sự tăng nồng độ lên như vậy, tức là được nới lỏng rồi và Bộ
trưởng Hà cũng đã thú nhận là giảm nhẹ, nới lỏng mà
Kết luận
Đọc kỹ bài viết, tác giả Nguyễn Đức Thắng, không hề phủ nhận
Formosa chính là thủ phạm gây ra cá chết ở miền Trung nhưng muốn làm rõ về
nguyên nhân cá chết một cách có luận cứ và minh chứng tin cậy. Về nguyên nhân
cá chết do bị ngạt (thiếu oxy) thì ngay trong nhóm chuyên gia yêu môi trường,
mọi người đã nói đến ngay từ khi vụ việc mới xảy ra hồi đầu tháng 4/2016.
Các phân tích của Ts Nguyễn Đức Thắng có nhiều điểm đúng, song
cũng lộ ra những “lỗ hổng” như bình luận ở trên. Ngoài ra, tác giả còn thiếu
phân tích tác động về đồng thời của việc thiếu oxy với việc cá bị nhiễm các độc
tố khác (không chỉ có phenol và cyanua) .
Xin lưu ý, là khi mỗi Fe(II) chuyển thành Fe(III) và thủy phân
thành Fe(OH)3 thì sẽ giải phóng ra 2 ion H+, làm pH giảm nhanh cục bộ nữa. Cộng
tất cả những rủi ro ấy lại thì sẽ làm cá chết nhanh và nhiều hơn. Đừng quên là Formosa dùng phản ứng Fenton (Tôi có nói trong bài, không quên)để xử lý nước xả cốc nên đã sử dụng một
lượng rất lớn Fe(II). Nếu hệ thống Fenton không hoạt động mà cứ xả Fe(II) vào
thì cũng có thể là nguồn cung cấp Fe(II) nữa, nếu hệ Fenton hoạt động thì thải
ra chủ yếu là Fe(III) hay Fe(OH)4).
Bài viết nói trên của Ts Nguyễn Đức Thắng có tác dụng đòi hỏi
những người có trách nhiệm về chuyên môn sâu trong đoàn điều tra nguyên nhân cá
chết ở miền Trung cần phải tiếp tục nghiên cứu làm rõ để thuyết phục giới khoa
học. Ví dụ như cho rằng khi cyanua và phenol kết hợp, trở thành “tấm chăn”
khổng lồ hút thêm rất nhiều chất độc khác nên gây ra tình trạng cá chết trên
diện rộng, tôi cũng chưa thấy tài liệu nào nói trường hợp hút các chất độc khác
kiểu này.
Ngẫm suy, Vũng Áng sẽ trở thành như vùng công nghiệp Ruhr của
nước Đức cách đây vài thập niên. Miền Trung giải hẹp như vậy thì khói mù dầy
đặc, chất độc hại đương nhiên phải ra biển. (đấy là chưa nói đến chất thải
rắn). Đáng tiếc, là người dân không được cảnh báo trước, còn người có trách
nhiệm mải say sưa cho đó là thắng lợi.
Đúng đấy, anh thấy đấy, bây giờ lộ ra họ đem chất thải rắn độc
hại thuê các công ty môi trường đô thị khắp nơi để chôn lấp. Mà chôn lấp đơn
giản, sơ đẳng, mưa thấm vào sẽ hòa quyện các chất độc hại lan tỏa đi khắp mọi
nơi
Anh vẫn còn bỏ lửng, chưa chốt lựa chọn của anh. Có 2 lựa chọn
thôi:
- Cá chết vì phenol
và xianua cực độc nên cá chết là phải; bất cần nồng độ
của chúng (kể cả đo ngay lúc đang đổ) là rất nhỏ và cũng bất cần là
Formosa đã đổ vào biển 4 tháng liên tục khoảng 100 tấn phenol, xianua và
những độc tố khác nữa mà cá vẫn bơi lội tung tăng, nhảy múa, hát ca
- Cá chết vào đúng
dịp (6/4/2016) Formosa đã đổ vào biển 2500 tấn nước thải có chứa 4 tấn kation Fe(II) của khâu xúc rửa,
tẩy gì đường ống + 1 tấnFe(II) từ khâu phản ứng xúc
tác Fenton làm cạn kiệt 2,143 tấn ô xy vốn đã khan hiếm
trong nước tầng đáy, tạo thành vùng chết dài 150km x rộng 60m x cao 3m.
Và tạo ra 9,6 tấn hydroxit sắt. Sự hình thành và kéo dài của vùng
chết này sẽ chia thành nhiều đoạn và phụ thuộc vào tốc độ lan truyền của 5
tấn kation Fe(II), có thể là sau 4 ngày vào đến Quảng Trị. Những con cá
chưa chết và hydroxit sắt còn lại tiếp tục trôi dạt vào Thừa Thiên – Huế và
chết cũng như lắng đọng tại đây.
TÁC ĐỘNG CHÍNH TRỊ VÀ XÃ HỘI CỦA ĐỀ XUẤT
Nguyên nhân a): Do định hướng điều tra sai, đối kháng
với thực tế, với lý luận cơ bản của độc tố học, đối kháng với thông lệ giải
thích của thế giới, đối kháng với những qui luật của tự nhiên dẫn đến cụm từ FORMOSA – PHENOL –
XIANUA – CỰC ĐỘC BAO TRÙM KHẮP VIỆT NAM, không khí căng thẳng, biểu tình, trấn
áp. Không khí của Quốc hội mấy ngày qua cũng căng như dây đàn, các đại biểu
Quốc hội chất vấn Chính phủ căng thẳng, đang đòi thành lập những Ban thanh tra
và kiểm tra riêng đối với Formosa; sức ép lên Bộ Tài Nguyên, Môi trường rất
mạnh và còn kéo dài, không dứt, như có cái gì đó để chờ bùng nổ
Của nguyên nhân b) là sự xì hơi, tháo ngòi nổ căng thẳng,
làm gì có biểu tính toàn quốc nếu như ngay từ đầu ta nói rằng do Formosa có sự
cố, tai nạn nên họ đã thải vào 5 tấn kation sắt Fe(II) làm cạn kiệt oxy tầng
đáy, làm cá chết. Nhân dân sẽ thở phảo nhẹ nhõm
Lần nữa cám ơn những góp ý của TS. Tô Văn Trường.
Nguyễn Đức Thắng 21/12/2016.
Ngày 21/07/2016
Tô Văn Trường
Chuyên gia độc lập về Tài nguyên nước & Môi trường
_____
Mời xem lại: Cần trả lại chân lý khoa học cho Kết
luận về nguyên nhân cá chết (BS).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét