Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

BỘ TRƯỞNG TRẦN HỒNG HÀ ỦNG HỘ LẬP ỦY BAN VỀ FORMOSA; Đối lập Malta phê vụ hộ chiếu dân biểu VN; “Cần trả lời thoả đáng, dự án Formosa có xứng đáng tồn tại không?”




Bộ trưởng Trần Hồng Hà ủng hộ lập ủy ban lâm thời về Formosa 

Tuổi trẻ
 
21/07/2016 16:03 GMT+7 

TTO - Trả lời báo chí về quan điểm việc đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa đề xuất Quốc hội lập ủy ban lâm thời điều tra vụ Formosa, ông Trần Hồng Hà nói: “Tôi hoan nghênh, vì nếu có sự tham gia của Quốc hội thì càng cần thiết”. 

Giải thích cho sự tán đồng này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường nói: “Tôi cho rằng Chính phủ sẽ rất hoan nghênh nếu có sự tham gia này. Vì sự giám sát Quốc hội là giám sát trực tiếp”.

Theo ông, Quốc hội là cơ quan giám sát tối cao, đưa ra quyết sách pháp luật những chủ trương lớn. Do đó, sự tham gia của Quốc hội vào việc giám sát, xử lý vấn đề liên quan đến Formosa là hoàn toàn rất phù hợp.

  
Ông Trần Hồng Hà cũng cho rằng lập ủy ban lâm thời về Formosa chỉ là một cách. “Cần phải xem nó thật sự cần thiết hay không. Hay là các ủy ban của Quốc hội hiện nay vẫn đang và đủ khả năng để thực hiện việc này. Cái đó cần phải xem xét. Và nếu Quốc hội thấy cần thiết thì nên thành lập” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

 Ngay sau đó, Tuổi Trẻ đã thông tin quan điểm này của Bộ trưởng Trần Hồng Hà với ĐBQH Trương Trọng Nghĩa. Ông Nghĩa bày tỏ sự hoan nghênh và cho rằng nhiều ĐBQH khác cũng sẽ ủng hộ và tham gia vào quá trình giám sát vụ việc ở Formusa.

 Về việc thành lập ủy ban lâm thời điều tra Formosa, trao đổi với Tuổi Trẻ sáng 21-7, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cho biết ĐBQH Trương Trọng Nghĩa chỉ mới trao đổi với báo chí chứ chưa có đề nghị trực tiếp.

 “Việc thành lập ủy ban lâm thời luật đã cho phép. Tuy nhiên phải làm theo trình tự pháp luật và phải có đề xuất” - ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
  
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, chiều 20-7, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã đề nghị thành lập ủy ban lâm thời điều tra vụ Formosa.
  
Ông Nghĩa nói: Tôi ủng hộ quan điểm nên thành lập ủy ban lâm thời xem xét, điều tra các vấn đề môi trường nổi cộm. Trước mắt là tập trung vào trường hợp Formosa. Sau đó là các dự án tương tự.
  
Vấn đề Formosa không chỉ là chuyện hôm nay mà của cả 70 năm tới. Dự án 70 năm nhưng ngay trong giai đoạn đầu đã thấy xuất hiện nhiều vi phạm, thể hiện sự coi thường luật pháp Việt Nam, coi thường quyền lợi của người dân Việt Nam.
  

Lập ủy ban lâm thời để xử lý một vấn đề là việc Quốc hội chưa bao giờ làm và theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa: “Phải đặt lại câu hỏi là vì sao luật cho phép Quốc hội lập ủy ban lâm thời để xem xét về các vụ việc nổi cộm mà chúng ta chưa bao giờ làm? Tôi cho rằng khi có sự việc nghiêm trọng thì phải làm”.


Đối lập Malta phê vụ hộ chiếu dân biểu VN

  • 4 giờ trước


Image captionHai tờ báo Malta đưa tin hôm 21/7

Đảng đối lập chính tại Malta, Đảng Quốc gia, yêu cầu chính phủ giải thích vì sao một dân biểu Việt Nam có được hộ chiếu Malta, theo truyền thông Malta hôm 21/7.
Báo Times of Malta cho biết Đảng Quốc gia, đảng đối lập lớn nhất tại Malta, ra tuyên bố yêu cầu Thủ tướng giải thích vụ việc.
Đảng này nói về trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, vừa bị bác tư cách đại biểu Quốc hội Việt Nam.
“Trong vụ này, quy trình kiểm tra hoặc là đã không được thực hiện, hoặc không hiệu quả vì passport Malta được bán cho một người vi phạm luật, và cũng nhạy cảm về chính trị.”
Hội đồng bầu cử Quốc gia Việt Nam nói luật Việt Nam chỉ cho phép công dân có một quốc tịch, trong khi bà Nguyệt Hường không kê khai quốc tịch Malta trong hồ sơ ứng cử.
Đảng Quốc gia của Malta cáo buộc Thủ tướng nước này vẫn giữ im lặng cho tới nay về vụ việc.
Phản ứng của đảng đối lập về vụ này cũng được một báo khác, Malta Independent, tường thuật ngày 21/7.

“Cần trả lời thoả đáng, dự án Formosa có xứng đáng tồn tại không?”

Dân trí Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 21/7, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng: “Các Ủy ban của Quốc hội phải tăng cường giám sát để trả lời thỏa đáng cho cử tri, dự án này có xứng đáng tồn tại hay không? Theo quan điểm cá nhân tôi là không”.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm, không nên chấp nhận một dự án đầu tư có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm, không nên chấp nhận một dự án đầu tư có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.
Nhìn lại thảm họa môi trường xảy ra với vùng biển các tỉnh miền Trung do Formosa gây ra vừa qua, ông Trần Hoàng Ngân đánh giá, ngành tài nguyên môi trường cũng như Chính phủ mới đã tập trung xử lý, tìm ra nguyên nhân và quy trách nhiệm cụ thể với “thủ phạm”.
Nhưng vấn đề người dân mong muốn là việc giải quyết hậu sự cố. Ông Ngân nói, Formosa là nhà đầu tư có lý lịch về mặt môi trường không tốt, đáng lý ra với lý lịch đó thì phải được ưu tiên hàng đầu về giám sát. Đó là bài học lớn cho vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thời gian qua.
Đồng ý quan điểm của Chính phủ là không chấp nhận đánh đổi tăng trưởng kinh tế với môi trường, ông Ngân cho rằng quan điểm đó và phải được xuyên suốt trong giai đoạn tới. Ta cần huy động vốn của FDI, nhưng không có nghĩa là huy động bằng mọi giá.
Vấn đề khác, cạnh tranh trong thu hút vốn FDI của các địa phương, theo đại biểu Formosa không còn là câu chuyện của riêng Hà Tĩnh mà dự án này liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng loạt các tỉnh miền Trung, liên quan đến ngành kinh tế biển, ngành du lịch, tác động tới cả nền kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, khi giải quyết vấn đề của Formosa, ông Ngân cho rằng, phải xem đây là dự án quốc gia, không thể giao cho UBND tỉnh Hà Tĩnh hay Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh này.
“Các Ủy ban của Quốc hội phải tăng cường giám sát để trả lời thỏa đáng cho cử tri, dự án này có xứng đáng tồn tại hay không? Theo quan điểm cá nhân tôi là không” – đại biểu Trần Hoàng Ngân thẳng thắn nêu quan điểm.
Ông Ngân phân tích, dù chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng đã được triển khai và Formosa cũng cam kết trách nhiệm bồi thường nhưng đền bù thế nào thì cũng không thể bù đắp được những tổn thương với ngành kinh tế biển. Người dân, lòng biển và tài nguyên thiên nhiên biển là không thể bù đắp được. Do đó, nên xem xét thận trọng và có cơ quan để khẳng định rằng Formosa có nên tồn tại nữa hay không ở vùng Hà Tĩnh.
Giải quyết chuyện hậu đầu tư của doanh nghiệp trong trường hợp không chấp nhận một dự án có nguy cơ gây tổn hại cho môi trường tồn tại, vị đại biểu TPHCM cho rằng, Chính phủ nên minh bạch khi giải quyết các vấn đề về môi trường, không chỉ với nhà đầu tư nước ngoài mà tất cả doanh nghiệp hoạt động trên đất nước Việt Nam, để đảm bảo kinh tế phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên và không ảnh hưởng môi trường Việt Nam.
Ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh: “Những dự án nào không thỏa mãn tiêu chí môi trường thì phải ngừng ngay và Formosa là dự án tiêu điểm. Hậu quả ngừng dự án không lớn bằng hậu quả để một nhà đầu tư nước ngoài đã có lý lịch không tốt về môi trường, lại tiếp tục tàn phá môi trường”.
Tuy nhiên, đại biểu Ngân cũng lường trước việc cho ngừng Formosa có thể ảnh hưởng đến các nhà đầu tư khác, vì thế nếu không có cơ sở khoa học thì sẽ thiếu tính thuyết phục.
Đài Loan cũng có nhiều vốn đầu tư rót vào Việt Nam nên cần phải có cơ chế rõ ràng và minh bạch. Việt Nam đang cần thu hút vốn FDI trong xu thế hội nhập, nhưng làm việc phải rõ ràng minh bạch và có cơ sở rõ ràng. Từ đó, đại biểu Ngân lập luận, càng cần một ủy ban giám sát làm rõ và công bố sớm về việc dừng dự án này.
P.Thảo

Không có nhận xét nào: