Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

Kiểm tra đột xuất trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ: Thu về gần 2 tỷ đồng mỗi ngày, báo cáo chỉ hơn 1,2 tỷ đồng; Hàng loạt dự án chục nghìn tỷ đồng thua lỗ nặng nề, nguy cơ phá sản; KTX không người ở, bảo tàng không người vào là trách nhiệm của ai?; Ai trong "liên ngành tư pháp" đã "tha" cho ông Phí Thái Bình và cộng sự?; PBT trực Bình Định: Mua bằng dỏm bằng tiền ngân sách; Ngân sách bội chi gần 5 tỷ USD

Kiểm tra đột xuất trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ: Thu về gần 2 tỷ đồng mỗi ngày, báo cáo chỉ hơn 1,2 tỷ đồng
Trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ


TỪ KHÓA

Liệu có sự minh bạch hay không khi mà số tiên phí BOT thu được tại cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ cao hơn nửa tỉ đồng mỗi ngày so với số tiền được báo cáo trước đó.

Đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa ban hành biên bản kiểm tra, giám sát việc thu phí tại các trạm thu phí đường bộ BOT trêncao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Theo đó, số thu của một làn có một số trường hợp nhiều hơn và được xé vé bổ sung (cao nhất là 150.000 đồng/làn, số thấp nhất là 5.000đồng/làn). Nguyên nhân được Đoàn kiểm tra chỉ ra là do lái xe không nhận lại tiền thừa khi nhân viên trả lại.
Kết quả doanh thu thu phí 10 ngày tại cao tốc này được công bố là 19,85 tỉ đồng, bao gồm doanh thu thu vé lượt 17,5 tỉ đồng; vé tháng của tháng 7 là 1,7 tỉ đồng và vé quý III là 640,7 triệu đồng. Chia bình quân một ngày trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ thu được 1,985 tỉ đồng.

Như vậy con số thu phí trên là cao hơn rất nhiều so mức thu phí bình quân hàng ngày của các tháng trước đó mà Công ty cổ phần Pháp Vân - Cầu Giẽ đã báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cổ đông.
Trước đó, theo báo cáo của Công ty cổ phần Pháp Vân - Cầu Giẽ về công tác thu phí sau khi tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đi vào hoạt động và thu phí đến tháng 1.2016, doanh thu thu phí chỉ đạt 41 tỉ đồng/tháng (bình quân là gần 1,4 tỉ đồng/ngày).
Tuy nhiên, kết quả thu phí tháng 2.2016 là đợt cao điểm vận tải Tết Bính Thân, doanh thu thu phí lại bị giảm xuống chỉ còn 35,9 tỉ đồng (bình quân chỉ đạt gần 1,2 tỉ đồng/ngày).
Đầu tháng 5.2016, một trong ba cổ đông trong liên danh nhà đầu tư của tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là Tổng công ty Xây dựng giao thông 1 - Công ty Cổ phần (Cienco 1), cho rằng doanh thu thu phí trên tuyến cao tốc mà liên danh này báo cáo các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như thông báo cho các cổ đông là chưa sát với thực tế đồng thời đặt ra “nghi vấn” thất thoát phí và đề nghị thanh tra về hoạt động thu phí của tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Trước sức ép dư luận, Tổng cục Đường bộ đã ban hành Quyết định 1515/QĐ-TCĐBVN về việc thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát đột xuất công tác thu phí tại Trạm thu phí đường bộ trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ do Công ty cổ phần Pháp Vân - Cầu Giẽ khai thác và quản lý, từ 18 giờ ngày 10.7.2016 đến 18 giờ ngày 20.7.2016.
Kết quả kiểm tra của Tổng cục Đường bộ vào cuối tháng 6 cũng đã chỉ ra hàng loạt các lỗi về dữ liệu để phục vụ công tác hậu kiểm, đặc biệt cơ quan Nhà nước có thẩm quyền gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát doanh thu thu phí của tuyến đường này.
Qua kiểm tra hệ thống thiết bị thu phí cho thấy, các trạm thu phí đã được kết nối về trung tâm điều hành. Tuy nhiên, đơn vị vẫn chưa áp dụng việc thu phí bằng thẻ từ (theo báo cáo của đơn vị thu phí thì mới in được 32.000/40.000 thẻ) mà vẫn dùng vé in giấy thường kết hợp thẻ mở barie cưỡng bức theo từng chủng loại xe. Vì vậy, phần mềm quản lý thu phí chưa hỗ trợ được việc trích xuất báo cáo số thu phí của từng loại vé, từng ca, từng ngày, từng tháng.
Đối với hệ thống phần mềm thu phí, qua kiểm tra (thời điểm kiểm tra là ngày 29.6), hệ thống chỉ lưu giữ được hình ảnh chụp phương tiện, hình ảnh video chỉ lưu giữ được 4-5 ngày. Đáng chú ý là khi xem lại dữ liệu hình ảnh video hệ thống hoạt động chậm, thường bị treo máy.
Tổng Cục Đường bộ Việt Nam đánh giá: “Với hiện trạng hệ thống thiết bị, phần mềm quản lý thu phí như trên, việc kiểm tra, giám sát doanh thu thu phí của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ gặp nhiều khó khăn”.
M.Ngọc
Theo Trí thức trẻ






Mua bằng dỏm bằng tiền ngân sách


Ông Lê Kim Toàn - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Định
Ông Lê Kim Toàn - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Định - làm tiến sĩ quản lý giáo dục tại Trường Đại học Bulucan State (Philippines) bằng tiền ngân sách nhà nước với tổng chi phí 386 triệu đồng. Cụ thể, từ năm 2011-2013, khi còn là Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định, ông Lê Kim Toàn được Tỉnh ủy cho đi học tiến sĩ theo hình thức du học ngắn ngày.
Chẳng biết thực hư thế nào, ông Toàn có đủ trình độ tiếng Anh để học tiến sĩ tại Trường Đại học Bulucan State hay không. Cũng không biết du học ngắn ngày là gì, cần kiểm tra lại xem trong hai năm, ông Toàn đi học ở Philippines được mấy ngày. Nếu ông học đủ hai năm mà vẫn lấy được bằng tiến sĩ thì ông là một người quá tài. Còn trong hai năm, ông chỉ đáo qua đáo lại Philippines du lịch vài bận theo kiểu “ngắn ngày”, mà vẫn hoàn thành được bằng tiến sĩ thì ông Toàn là thiên tài. 
Trên thế giới, ngay cả các nước Mỹ, Australia, Malaysia đều có nhiều trường đại học dỏm, bán bằng dỏm cho những kẻ háo danh, mua bằng làm cái mác trang trí và kinh doanh chức tước. Nhiều trường hợp quan chức nước Việt đi mua bằng kiểu này. Chúng ta từng có cán bộ du học dỏm, lấy bằng dỏm, như trường hợp Phó Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái lấy bằng tiến sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Nam Thái Bình Dương (Southern Pacific University) chỉ sau 6 tháng. Trường này nghe đồn của Mỹ, nhưng ông phó bí thư học ở Malaysia cho nó tiện. Kết quả là cái bằng tiến sĩ đó không được Bộ GDĐT công nhận nên coi như tỉnh nghèo Yên Bái vứt một đống tiền cho ông phó bí thư đi du học thì ngắn ngày nhưng du lịch thì dài ngày.
Không biết ông Lê Kim Toàn học thật hay mua bằng, nhưng cái kiểu khai báo không minh bạch của ông làm thiên hạ nghi ngờ. Khi thì ông khai thạc sĩ, khi thì ông khai tiến sĩ quản lý giáo dục.
Để làm sáng tỏ quá dễ, truy tìm Trường Đại học Bulucan State có nằm trong danh sách trường dỏm chuyên bán bằng hay không. Nếu trường thật thì truy xem ông Toàn có đi học, học được mấy ngày để lấy bằng tiến sĩ. Quá trình xuất nhập cảnh của ông Toàn còn lưu lại, chứng minh ông đi học ở Philippines hay ở Việt Nam làm quan. Đơn giản hơn, mời ông Lê Kim Toàn đi kiểm tra tiếng Anh, chỉ một bài “test” là biết ông tiến sĩ nước ngoài dỏm hay không ngay lập tức, điều tra cho nó mất thì giờ. Nếu mua bằng dỏm thì kỷ luật cách chức.
Mua bán bằng cấp, chạy chức chạy quyền là bệnh nan y trong xã hội. Nhưng không thể để cơ quan nhà nước bỏ tiền cho cán bộ đi mua bằng dỏm về để làm bàn đạp thăng quan tiến chức!
[QC] Đăng tin tuyển dụng, tìm việc làm nhanh, uy tín tại trang Việc Làm Báo Lao Động.

Đại biểu Ngô Văn Minh: 'Tiền đâu để lãnh đạo Bộ, địa phương đi xe 2.4 rồi 3.0'

Tình trạng "vượt rào" trong sử dụng xe công được đại biểu Quảng Nam chọn làm điểm nhấn để bày tỏ thái độ không đồng tình với cách quản lý, chi tiêu ngân sách những năm qua.
Phiên thảo luận về quyết toán chi ngân sách Nhà nước năm 2014 ngày 28/7 một lần nữa nóng lên khi các đại biểu bày tỏ sự bức xúc trước kỷ cương chưa nghiêm của ngân sách, nhất là việc chi tiêu "tiền trảm hậu tấu" của Chính phủ. Trong các kỳ họp khóa trước, không khí này cũng từng được ghi nhận cứ mỗi khi Quốc hội bàn về ngân sách, song cuối cùng các bản cân đối vẫn lần lượt được thông qua.
Ở kỳ này, theo báo cáo kiểm toán Nhà nước về ngân sách 2014, chi thường xuyên năm 2014 được Quốc hội duyệt dự toán là giao cho Chính phủ 704.400 tỷ đồng, nhưng quyết toán thực tế tăng 2,7%, tức hơn 723.000 tỷ đồng. Kiểm toán nhận thấy, hầu hết các Bộ, ngành, địa phương được xem xét đều còn tình trạng chi không đúng tiến độ, tiêu chuẩn, định mức, sử dụng sai kinh phí, vượt dự toán được duyệt.
Là người phát biểu đầu tiên, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) bức xúc trước thực trạng nêu trên. “Thủ tướng nói Chính phủ đi đầu quản lý xe công hiệu quả, nhưng trong khi như các đại biểu chuyên trách chỉ được đi xe dung tích xi lanh 1.8 hay 2.0 lít, thì tại các Bộ ngành, rồi lãnh đạo nhiều địa phương toàn thấy đi xe 2.4 thậm chí 3.0. Tiền ở đâu? Kiểm toán phải vào cuộc làm rõ việc chi sai, sử dụng sai kinh phí tại các địa phương, bộ, ngành để làm nghiêm”, ông nói.
Dai bieu Ngo Van Minh: 'Tien dau de lanh dao Bo, dia phuong di xe 2.4 roi 3.0' - Anh 1
Đại biểu Ngô Văn Minh không đồng tình khi Chính phủ liên tục đặt Quốc hội vào thế "hợp thức hóa chi tiêu" với những khoản chi vượt dự toán. Ảnh: Giang Huy
“Phải chăng cứ đến tháng 8, tháng 9 là từng Bộ ngành ra trung ương bảo vệ kế hoạch. Khi về địa phương thì giao dự toán cao hơn. Đành rằng làm theo luật vượt thu là có thưởng, nhưng bất công bằng với tỉnh nghèo vì họ muốn vượt cũng không được”, đại biểu Ngô Văn Minh băn khoăn và đề nghị phải xem xét lại cách làm dự toán.
Vị đại biểu này cũng tỏ thái độ không hài lòng khi một lần nữa Chính phủ đặt các đại biểu Quốc hội vào tình thế phải “hợp thức hóa chi tiêu” với đề nghị quyết toán ngân sách Nhà nước 2014 được đưa ra thảo luận.
Trước đó, theo tờ trình quyết toán ngân sách 2014 do Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội, cơ quan điều hành đề nghị cho phép bổ sung dự toán và quyết toán ngân sách năm 2014 đối với số giải ngân vốn ODA vượt dự toán 26.169 tỷ đồng. Bộ trưởng Dũng giải thích, khoản vượt này chủ yếu cho các dự án cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư nên giải ngân cao hơn dự kiến và tăng chủ yếu cho lĩnh vực giao thông (6.630 tỷ đồng), thủy lợi (3.313 tỷ đồng) và các địa phương (9.365 tỷ đồng) nên theo quy định phải tăng mức bội chi ngân sách tương ứng.
"Cơ chế giải ngân vốn ODA rất phức tạp, trình tự, thủ tục giải ngân mỗi nhà tài trợ có sự khác biệt nhất định. Do vậy, khó dự toán được đầy đủ, chính xác ngay từ đầu năm kế hoạch”, ông Dũng trần tình.
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2014, với tổng số thu hơn 1,13 triệu tỷ đồng, chi gần 1.34 triệu tỷ, tương ứng bội chi 6,33% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương 40.482 tỷ đồng).
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, cũng đồng ý với Chính phủ về việc cho phép bổ sung 26.169 tỷ đồng do giải ngân vốn ODA tăng vào dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2014.
Dù ý kiến của cơ quan thường trực Quốc hội chấp thuận đưa vào quyết toán ngân sách, nhưng đại biểu Ngô Văn Minh nói thẳng: “Tôi cho là không được. Làm như vậy chứng tỏ kỷ cương không nghiêm, không chấp hành pháp luật”.
Theo ông, những việc kiểu “tiền trảm hậu tấu” đã tái diễn nhiều lần, lần nào đưa ra Quốc hội, Chính phủ cũng giải trình và xin rút kinh nghiệm. “Năm ngoái khi biểu quyết quyết toán ngân sách Nhà nước 2013 cũng vậy, Chính phủ nói rút kinh nghiệm, nhưng nói bao nhiêu lần rồi có thấy thay đổi gì đâu. Rút kinh nghiệm đến bao giờ nữa?”, vị đại biểu tỉnh Quảng Nam đặt câu hỏi hướng về phía Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.
“Giờ tôi đề nghị phải làm sao cho đúng luật, đúng tinh thần của Thủ tướng vừa nhậm chức: phải tiết kiệm sử dụng đúng mục đích, chắt chiu từng đồng thuế của người dân”, ông nói.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) thì đề xuất, Thủ tướng cần yêu cầu cơ quan công an, cảnh sát kinh tế vào cuộc điều tra những “địa chỉ” chi sai mà Kiểm toán Nhà nước nêu để làm gương.
"Trước nay, khi kiểm toán nêu như thế nào thì các đại biểu lại đồng ý thông qua, nhưng cứ tái diễn mà không có sự thay đổi nào. Nếu Quốc hội cứ đồng ý với báo cáo của Chính phủ, thông qua quyết toán và lần sau lại lặp lại vi phạm thì kỷ cương pháp luật sẽ không còn”, đại biểu Khánh nói.
Anh Minh
Vnexpress

Ngân sách bội chi gần 5 tỷ USD

Trong 7 tháng đầu năm, ngân sách dành hơn 4 tỷ USD để chi trả nợ và viện trợ, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tổng thu ngân sách 7 tháng ước đạt 500.800 tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán năm. Trong đó, thu nội địa đạt 397.300 tỷ đồng, thu từ dầu thô đạt 21.600 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 80.400 tỷ đồng.
Mặc dù thu từ dầu thô giảm mạnh song điểm sáng trong thu ngân sách 7 tháng là thu nội địa vẫn khả quan. Một số khoản trong nhóm này đạt khá như thu tiền sử dụng đất đạt 39.600 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân 36.700 tỷ đồng, thuế bảo vệ môi trường 21.900 tỷ đồng, thu thuế công - thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước đạt 79.300 tỷ đồng, thu từ doanh nghiệp FDI (không kể dầu thô) đạt 79.100 tỷ đồng. Riêng thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 98.300 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng chi ngân sách ước tính đạt 606.400 tỷ đồng. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 89.400 tỷ đồng, chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính (gồm cả chi cải cách tiền lương) đạt 435.500 tỷ đồng, chi trả nợ và viện trợ đạt 81.600 tỷ đồng (tương đương gần 4 tỷ USD).

Như vậy, thâm hụt ngân sách sau 7 tháng là 105.000 tỷ đồng (4,7 tỷ USD). Trước đó, theo báo cáo chuyên đề về nợ công của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thâm hụt ngân sách của Việt Nam ở mức cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN.
Theo CIEM, sau khi Chính phủ thực hiện gói kích cầu năm 2009, ngân sách những năm gần đây có mức thâm hụt ngày càng tăng. Bội chi 65.800 tỷ đồng năm 2011 đã tăng mạnh lên 263.200 tỷ đồng năm 2015, tương ứng 6,1% GDP, cao hơn giới hạn 5% theo quy định của Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030. So với một số nước ASEAN, Việt Nam có tỷ lệ nợ công cao hơn so với một số nước như Indonesia, Philippines, Thái Lan và Campuchia...
Bạch Dương


Hàng loạt dự án chục nghìn tỷ đồng thua lỗ nặng nề, nguy cơ phá sản

(VTC News) - Quan chức Quốc hội đã chỉ ra hàng chục công trình, dự án có số vốn hàng nghìn tỷ đồng đang đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng nề và nguy cơ phá sản, tổn thất lớn đến tài sản Nhà nước.

Sáng 29/7, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016.
Trong đó, 6 tháng đầu năm xuất hiện những diễn biến mới, những khó khăn, thách thức với nền kinh tế.


du an dam ninh binh-1

Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình do Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (Tập đoàn Hoá chất) đầu tư với số vốn 12.000 tỷ đồng nhưng qua 4 năm hoạt động, mỗi năm đã lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng. 


“Một vấn đề dư luận hết sức quan tâm về một số dự án, công trình quy mô lớn không thể đưa vào hoạt động, không tạo ra tăng trưởng, không tạo thêm việc làm, nộp ngân sách nhà nước, thua lỗ nặng nề và nguy cơ phá sản, tổn thất lớn đến tài sản Nhà nước”, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nói.


Trong đó, nhiều dự án hàng nghìn tỷ đồng đang đứng trước nguy cơ thua lỗ. Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình do Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (Tập đoàn Hoá chất) đầu tư với số vốn 12.000 tỷ đồng nhưng qua 4 năm hoạt động, mỗi năm đã lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng.
Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ của Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư 7.000 tỷ đồng nhưng đã phải tạm ngừng hoạt động.
Dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất là một trong ba nhà máy ethanol trọng điểm quốc gia với số vốn đầu tư lên đến hơn 2.200 tỷ đồng đã dừng hoạt động.
Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trên 8.000 tỷ đồng vẫn chưa hoạt động sau 10 năm triển khai.
Nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi - tên giao dịch ở thời điểm đó là Công ty Đầu tư Phát triển Giao thông vận tải thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6) đầu tư với số vốn 3.000 tỷ đồng sau 10 năm phải bỏ hoang vì không thể sản xuất được do công nghệ không phù hợp.


Vu hong thanh-1

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh 


Ngoài ra, ông Thanh cho rằng tiến độ thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm chạp làm lãng phí và sử dụng kém hiệu quả nguồn lực của nhà nước, 6 tháng đầu năm chỉ có 38 doanh nghiệp nhà nước và 2 đơn vị sự nghiệp công lập được cổ phần hoá.
Tỷ trọng cổ phần nhà nước nắm giữ cao, quá trình cổ phần hoá vẫn gặp khó với vướng mắc lớn nhất là việc xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp.
“Do người đứng đầu thực hiện không nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa bị xử lý trách nhiệm khi không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa”, ông Thanh nói.
Video: Vỡ đường ống nước sông Đà: Truy tố 9 bị can
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội  cho rằng việc triển khai hình thức đầu tư BOT mặc dù đóng góp nhiều mặt tích cực nhưng quá trình triển khai còn nhiều bất cập, thiếu quy hoạch, quản lý chưa chặt chẽ.
Vì vậy, những hạn chế này dẫn đến tổng mức đầu tư cao, mật độ trạm thu phí dày làm tăng chi phí cho sản xuất kinh doanh, tạo gánh nặng cho xã hội, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, năm 2016 GDP tăng 6,7%, kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,52%, thấp hơn so với mức tăng 6,32% cùng kỳ năm trước.
“Để đạt mức tăng trưởng này, 6 tháng cuối năm phải tăng xấp xỉ 7,6%, mức tăng này là khó khả thi nhất là trong bối cảnh không thể nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong 6 tháng cuối năm”, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu khó khăn.
Phạm Thịnh

KTX không người ở, bảo tàng không người vào là trách nhiệm của ai?

“Nhiều khu ký túc xá không có người ở, bảo tàng không có người vào, chợ không có người mua, nhà văn hóa không có người đến… những vấn đề này cần phải được làm rõ, không thể nói rút kinh nghiệm một cách chung chung”

DBM_QQOQ
Đại biểu Ngô Văn Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề cập làm rõ người chịu trách nhiệm với những KTX không người ở, bảo tàng không người vào.



Tại phiên thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014 ở Quốc hội chiều 28/7, Đại biểu Ngô Văn Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề cập đến tình trạng chi NSNN thường xuyên năm 2014 tăng 2,7% so với dự toán.
Mặc dù NSNN năm 2014 chi vượt 26.169 tỷ đồng nhưng Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội vẫn đề nghị phê duyệt.
Cần làm rõ trách nhiệm đối với các dự án chậm tiến độ
Đại biểu Minh gay gắt khi cho rằng, việc quan trọng trong chi tiêu, quyết toán ngân sách vẫn tiến hành theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”, mặc dù trên diễn đàn Quốc hội kì nào cũng nói cần phải rút kinh nghiệm.
“Việc chấp hành pháp luật về ngân sách theo đúng tinh thần của Thủ tướng là tiết kiệm từng đồng thuế của dân, sử dụng đúng hiệu quả và mục đích đã không được thực hiện. Do đó, thu chi ngân sách cần phải được tiến hành chặt chẽ, nghiêm khắc, không để tái diễn tình trạng cứ nói cho qua và đề nghị Quốc hội quyết toán”, Đại biểu thẳng thắn nói.
Bên cạnh đó, Đại biểu Minh còn cho rằng cần làm rõ trách nhiệm đối với các dự án chậm tiến độ. Cụ thể là nhiều ĐBQH nói Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông chậm tiến độ, tăng mức đầu tư hơn 300 triệu USD nhưng không ai chịu trách nhiệm.
“Nhiều khu ký túc xá không có người ở, bảo tàng không có người vào, chợ không có người mua, nhà văn hóa không có người đến… những vấn đề này cần phải được làm rõ, không thể nói rút kinh nghiệm một cách chung chung”, Đại biểu Minh đề nghị.
Cũng theo ý kiến của đại biểu Minh, hoạt động chi NSNN thường xuyên tăng chủ yếu là chi vượt định mức. Đơn cử như việc quản lý xe công dù đã được Thủ tướng đặt ra, nhưng tình trạng mua và sử dụng xe công tràn làn, lãng phí vẫn diễn ra phổ biến.
“Hầu hết các bộ, ngành chi không đúng chế độ, vượt định mức. Thủ tướng nói Chính phủ sẽ đi đầu trong việc quản lý xe công hiệu quả. Đại biểu Quốc hội chuyên trách đi xe 1.8, giỏi lắm là 2.0, các bộ ngành toàn là 2.4 và 3.0″.
“Tiền ở đâu? Điều đó phải làm cho rõ ai để xảy ra việc này. Việc chi sai vượt dự toán, sử dụng sai kinh phí thì kiểm toán đề nghị phải hoàn trả 1.608 tỷ, nhưng Báo cáo của Ủy ban Tài chính, Ngân sách là 1.559 tỷ, hai số liệu này tôi đề nghị rà soát lại”, Đại biểu Minh chỉ rõ.
Đồng quan điểm với đại biểu Minh, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, ĐBQH TPHCM cũng đánh giá, kết quả của Kiểm toán Nhà nước đã cho thấy, trong thực hiện thu chi ngân sách Nhà nước năm 2014 có những con số sai sót rất lớn. Do đó, Chính phủ, Quốc hội cần phải nhìn nhận lại việc chấp hành Nghị quyết của Quốc hội và thực hiện kỷ luật, kỷ cương của pháp luật về vấn đề ngân sách trong thời gian tới.
“Chúng ta cần xem xét ở hai góc độ khách quan và chủ quan trong dự đoán. Nếu là khuyết điểm chủ quan thì phải xử lý”, bà Quyết Tâm nói và kiến nghị cần sớm xem xét lại Luật Ngân sách xem có gì bất cập so với thực tiễn hay không. Nhất là vấn đề phân cấp chưa rõ ràng trong luật, điều này không tạo sự tự chủ cho nhiều địa phương.
Chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn và định mức
Trong khi đó, Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TPHCM cũng nêu ý kiến sau khi nghe báo cáo của Kiểm toán Nhà nước. Đại biểu Ngân cho rằng đang tồn tại rất nhiều vấn đề về kỷ cương.
Cụ thể là việc lập dự toán thu ngân sách nhà nước chưa đầy đủ các khoản thu. Việc bố trí ngân sách trung ương vượt tỷ lệ hỗ trợ cho một số dự án không đúng đối tượng, bố trí vốn cho một số dự án chưa đủ điều kiện, sai nội dung nguồn vốn đầu tư.
Ngoài ra, một số bộ, cơ quan trung ương còn lập dự toán cao hơn khả năng ngân sách, nhiều khoản chi vượt dự toán.
Ở một vài địa phương xuất hiện một số nhiệm vụ chi chưa tuân thủ định mức phân bổ của HĐND tỉnh, bố trí dự toán chi thường xuyên cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề thấp hơn mức trung ương giao phó.
“Một câu tôi đọc thấy khá buồn, tại trang 31 dòng 36 trong Báo cáo kiểm toán Nhà nước đã ghi: Hầu hết các bộ, cơ quan trung ương, địa phương được kiểm toán đều còn tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn và định mức. Tôi kiến nghị với Chính phủ, các bộ phận có liên quan cần rà soát lại các chế độ, các tiêu chuẩn, các định mức sao cho phù hợp với thực tế”, Đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu rõ.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, bên cạnh việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách, Quốc hội, Chính phủ cũng cần phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính mạnh mẽ, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tăng việc làm để có nguồn thu; nâng cao hiệu quả đầu tư vốn Nhà nước, nâng cao hiệu quả sản xuất hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, tạo ra cổ tức đưa về ngân sách.
“Hiện nay chúng ta có hơn 1 triệu tỷ đồng đang nằm tại các tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy cổ tức nhà nước phải lấy về cho ngân sách nhà nước từ 50.000 – 60.000 tỷ đồng mới thích ứng”, Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề xuất.
Theo VOV.vn

Trong vụ việc vỡ đường ống nước Sông Đà, hậu quả đã rất rõ ràng, không chỉ gây thiệt hại về mặt kinh tế mà còn ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của hàng nghìn hộ gia đình. Cơ quan điều tra cũng đã kết luận: Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

PGS.TS Bùi Thị An chỉ rõ, trong mọi hoạt động "liên ngành tư pháp" phải hành xử trên tinh thần thượng tôn pháp luật. ảnh: Ngọc Quang.
PGS.TS Bùi Thị An cho biết, liên ngành được lập ra là để xác minh chặt chẽ thông tin, và phải hành xử trên tinh thần thượng tôn pháp luật, đúng thì đồng tình..

Gây hậu quả nghiêm trọng, sao lại bình yên vô sự?

Sự kiện đường ống nước Sông Đà 14 lần bị vỡ khiến dư luận Hà Nội vô cùng bức xúc. Như Báo Giáo dục đã đăng tải trong bài “Liên ngành Tư pháp là gì mà quyền lực khiếp thế”, đề cập tới việc ông Phí Thái Bình – nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và các cộng sự được “liên ngành” đề nghị miễn truy tố trách nhiệm hình sự, với những lý do rất ít người đồng thuận: phạm tội lần đầu, nhân thân tốt...

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Bùi Thị An – nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII nhận định, liên ngành tư pháp lập ra nhằm để xác minh chặt chẽ thông tin về các vụ việc, qua đó có đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về hướng giải quyết.

“Tuy nhiên ngay cả trong đề xuất cũng phải thực hiện trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Trong trường hợp liên ngành đưa ra đề xuất hướng xử lý không đúng với tinh thần thượng tôn pháp luật, cơ quan có thẩm quyền phải bác bỏ và tiếp tục thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Trong vụ việc vỡ đường ống nước Sông Đà, hậu quả đã rất rõ ràng, không chỉ gây thiệt hại về mặt kinh tế mà còn ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của hàng nghìn hộ gia đình. Cơ quan điều tra cũng đã kết luận: Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

Nếu không truy cứu trách nhiệm đối với những người gây ra sự việc này, vậy thì còn nhiều vụ việc khác sẽ rơi vào tình trạng nhờn luật”, bà An nêu quan điểm.

Theo thông tin đã được công bố, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), đồng thời chuyển hồ sơ tới Viện KSND Tối cao và giữ nguyên quan điểm đề nghị truy tố 9 bị can về tội danh này như viện dẫn tại bản kết luận điều tra từ trước đó.

Các bị can trong vụ án gồm: Trần Cao Bằng, nguyên Giám đốc và Vũ Thanh Hải, nguyên Phó giám đốc Công ty CP ống sợi thủy tinh Vinaconex;

Đỗ Đình Trì, nguyên Trưởng đoàn tư vấn giám sát của Công ty CP nước và môi trường Việt Nam - Bộ Xây dựng (Viwase);

Nguyễn Biên Hùng, Hoàng Quốc Thống, Bùi Minh Quân, đều nguyên là cán bộ Công ty Viwase;

Hoàng Thế Trung, Nguyễn Văn Khải, Trương Trần Hiển, nguyên là Giám đốc, Phó giám đốc và Trưởng phòng Vật tư thiết bị - Ban QLDA đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà - Hà Nội.

Kết quả điều tra bổ sung, cơ quan Công an xác định dự án nước sạch Sông Đà - Hà Nội do Vinaconex làm chủ đầu tư, được xây dựng từ năm 2004.

Dự án được nghiệm thu đưa vào sử dụng năm 2009.

Tuy nhiên, trong quá trình vận hành khai thác, trong vòng ba năm từ 2012- 2015, đã xảy ra 14 lần vỡ đường ống nước với số lượng 18 cây ống composite cốt sợi thuỷ tinh bị phá huỷ (đến nay đã 18 lần).

Doanh nghiệp khai thác đã phải chi hơn 13 tỷ đồng để sửa chữa, khắc phục các sự cố.

Những lần vỡ ống nước đã ngừng cung cấp nước sạch cho 177.000 hộ dân với thời gian dừng cấp nước là gần 350 giờ và lượng nước là 1,5 triệu m³ nước.

Theo kết quả điều tra bổ sung, từ thời điểm năm 2004, các thành viên của HĐQT Vinaconex gồm: Ông Phí Thái Bình - Chủ tịch HĐQT, Nguyễn Văn Tuân - Tổng giám đốc, Tô Ngọc Thành, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chầm là các ủy viên đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng công trình.

Cụ thể là quyết định cho thay đổi vật liệu tuyến ống, đưa vào sử dụng vật liệu composite cốt sợi thủy tinh khi chưa thẩm định hiệu quả sử dụng;

Lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực, kinh nghiệm để cung cấp sản phẩm composite cho dự án, sản phẩm cung cấp không đảm bảo chất lượng khiến công trình xây dựng liên tục xảy ra sự cố khi vận hành sử dụng gây hậu quả nghiêm trọng.

Chi phí khắc phục sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà lên đến hơn 13 tỷ đồng. ảnh: Hồng Liên.
Bà Bùi Thị An nói thẳng: “Đảng ta nhất quán quan điểm là phải đảm bảo sự công bằng, điều này một lần nữa được khẳng định tại Đại hội XII vừa qua.

Tổng Bí thư đã nói rất rõ là không có vùng cấm khi xử lý các vụ việc liên quan đến cán bộ. Cán bộ là do dân bầu ra để làm việc, và anh cũng phải chịu trách nhiệm trước luật pháp khi vi phạm các quy định về quản lý, gây ra hậu quả.

Vì vậy, tôi tin chắc rằng nhân dân, cử tri mong muốn các cơ quan pháp luật xử lý nghiêm minh đối với các sai phạm là hoàn toàn chính đáng”.

Niềm tin của dân là vô giá

Cũng theo bà Bùi Thị An, Hiến pháp 2013 đã nói rõ về trách nhiệm của Tòa án, Viện Kiểm sát, thực hiện quyền tư pháp, phải đảm bảo công bằng, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Vì vậy, xử lý nghiêm minh đối với những cá nhân, tổ chức gây ra “hậu quả nghiêm trọng” cho dù họ đã từng giữ chức vụ gì cũng chính là nhiệm vụ cần phải thực thi, bởi nó đúng với mệnh đề “tất cả vì quyền lợi của nhân dân”.

Bà An so sánh: “Vừa rồi xảy ra sự việc mấy thanh niên cướp bánh mỳ với vài thứ đồ ăn lặt vặt trị giá 45.000 đồng mà đã bị xử 8 – 10 tháng tù giam.

Sự việc ấy nếu đem so sánh với những vi phạm của những người có trách nhiệm tại Vinaconex, người dân sẽ dễ thấy có điều gì đó thiếu công bằng.

Đã là công dân thì quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ phải như nhau. Nếu nương nhẹ cho những người đã từng giữ chức vụ ở Vinaconex thì liệu có công bằng với nhiều người khác không?

Chi phí khắc phục sự cố (đến năm 2015) đã lên tới hơn 13 tỷ đồng chẳng phải là tiền của dân thì lấy từ đâu ra?”.

Kết thúc cuộc trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Bà Bùi Thị An nhấn mạnh, khi đã nói rằng Nhà nước của dân, do dân và vì dân thì dứt khoát phải hành động mạnh mẽ vì lợi ích của dân, dứt khoát không thể để các mối quan hệ cá nhân làm méo mó các quy định của pháp luật.

“Tôi cho rằng với trường hợp này hay bất cứ trường hợp nào khác, đã vi phạm thì phải xử lý nghiêm minh, như vậy thì trật tự xã hội mới đi vào ổn định.

Đối với việc liên ngành tư pháp đề nghị không truy tố đối với ông Phí Thái Bình và cộng sự, các cơ quan có trách nhiệm cần phải minh bạch, nói rõ xem những cá nhân nào đưa ra đề nghị ấy?

Nếu họ lập luận thuyết phục thì dư luận sẽ ủng hộ thôi, và ngược lại thì nhân dân cũng biết để mà có nhận xét, đánh giá cán bộ.

Xử lý đối với những cá nhân cụ thể chỉ là một việc cần phải làm đúng quy định của luật pháp. Nhưng quan trọng hơn nữa là các cơ quan thực thi pháp luật phải hành xử đúng để không tiếp tục làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với bộ máy công quyền. Niềm tin của dân là vô giá”.

Ngọc Quang

(Giáo Dục)


BÌNH LUẬN

Không có nhận xét nào: