TP - Đó là quan điểm của ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, nguyên đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh khi trao đổi với Tiền Phong về quan điểm khác nhau giữa ông Võ Kim Cự với Thanh tra Chính phủ về thời hạn cấp phép 70 năm cho Formosa.
Ông Phúc cho biết, cá nhân ông đã từng có thư gửi cho Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh vào thời điểm đưa ra kết luận đúng, sai trong việc cấp giấy phép 70 năm cho Formosa. 
“Tôi luôn đặt câu hỏi khi tỉnh Hà Tĩnh nói được phép của Chính phủ mới cấp 70 năm, vậy sự đồng ý của Chính phủ được thể hiện dưới hình thức nào? Có bút phê tại văn bản hay chỉ đồng ý chủ trương bằng miệng? Tôi được biết, về việc này phía Thanh tra Chính phủ nói không có bút tích nào. Song qua báo chí, ông Võ Kim Cự lại nói “hồ sơ văn bản giấy tờ vẫn còn đây”. Như vậy cần phải minh bạch, công khai xem ai đồng ý, cấp nào đồng ý? Các bộ đồng ý như thế nào để người dân hiểu tường tận vấn đề”, ông Phúc nói.
“Theo tôi, chỗ nào tỉnh còn thiếu sót về quy trình, thủ tục thì nhận đi. Thiếu sót chỗ nào thì nên thẳng thắn, công khai thừa nhận và tiến hành kiểm điểm về những thiếu sót theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ”, ông Phúc nêu quan điểm. 

“Rõ ràng Formosa có ý đồ về lợi nhuận mà không có trách nhiệm xã hội. Vì lợi nhuận mà tiết giảm chi phí xử lý môi trường, bởi nếu xử lý môi trường theo chuẩn mực quốc tế thì phải mất từ 20 – 30% tổng vốn đầu tư, nghĩa là với dự án 10 tỷ USD của Formosa phải mất chi phí 2 tỷ USD để xử lý môi trường”, ông Phúc nói và cho rằng việc Formosa có tai tiếng về vi phạm môi trường chính là một yếu tố, một tình tiết để cân nhắc khi thẩm định, cấp phép đầu tư. 
“Dù đã phân cấp cho địa phương, tuy nhiên việc thẩm định về môi trường vẫn phải có vai trò, trách nhiệm của Bộ TN&MT, bởi vấn đề công nghệ, môi trường có thể nói là vượt quá năng lực của địa phương”, ông Phúc nói.

Vụ Formosa: Xử trách nhiệm cả người không còn đương chức

- Phó chủ tịch tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đề nghị có cơ chế xử lý trách nhiệm cá nhân vụ Formosa, kể cả những người không còn đương chức
Phát biểu tại phiên thảo luận KT-XH sáng nay, ĐBQH Hà Sỹ Đồng cho hay, trong 6 tháng qua, sự cố ô nhiễm môi trường biển chưa từng có đã xảy ra với thủ phạm được Chính phủ chỉ rõ là Formosa.
Formosa xả thải, Formosa, Hà Sỹ Đồng
ĐBQH Hà Sỹ Đồng: Giải pháp căn cơ, cốt lõi cần triển khai quyết liệt là tái cơ cấu bộ máy quản lý các cấp. Ảnh: Hoàng Long
Là ĐBQH của 1 trong 4 tỉnh chịu thiệt hại nặng nề, ông bày tỏ sự đồng cảm với những bất bình, bức xúc của cử tri cả nước thể hiện qua báo cáo của UB TƯ MTTQ VN trong phiên khai mạc.
Ông cho hay, báo cáo của Chính phủ đã nêu con số thiệt hại theo tính toán sơ bộ với số người bị ảnh hưởng trực tiếp lên đến hàng trăm ngàn, thiệt hại về tài sản cũng lên đến con số hàng ngàn tấn, thậm chí đến hàng triệu tấn. Tổng thiệt hại trực tiếp và gián tiếp, vô hình và hữu hình, đặc biệt là hệ sinh thái, các rạn san hô vô cùng lớn và việc xử lý, khắc phục phải mất nhiều năm.
"Người dân đang hàng ngày, hàng giờ sống cùng những lo âu khắc khoải, chúng tôi có thể nói rằng, đời sống sản xuất kinh doanh của người dân trên địa bàn 4 tỉnh ảnh hưởng nghiêm trọng, các sản phẩm đánh bắt hải sản ven bờ, xa bờ đều khó tiêu thụ.
Tàu cá ở vùng biển và tàu khai thác gần bờ trong thời gian qua gần như nằm im hoàn toàn, các hộ thu mua và kinh doanh hàng thủy hải sản cũng như dịch vụ hậu cần nghề cá không hoạt động được.
Còn gì buồn hơn và lo lắng hơn khi người dân không ra khơi bám biển mà phải đi tìm những việc  làm khác để mưu sinh kiếm sống. Không chỉ ngư dân mà các khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành, các điểm kinh doanh ven biển hoàn toàn bị ngưng trệ, gây thiệt hại lớn về kinh tế, lượng khách du lịch đến Quảng Trị giảm không  còn bằng 1/10 so với cùng kỳ năm 2015", ông Đồng chia sẻ.
Theo ông, sự cố thủy hải sản chết do sự cố môi trường biển vừa qua liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, phạm vi đối tượng bị ảnh hưởng lớn.
Ông đề nghị Chính phủ, các bộ ngành TƯ mở rộng đối tượng thống kê thiệt hại trên tất cả các lĩnh vực để hỗ trợ thỏa đáng và công bằng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành TƯ tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động của Formosa để việc sản xuất của công ty này không gây hậu quả về môi trường tương tự trong tương lai.
Về báo cáo bổ sung Chính phủ gửi QH, ông nhất trí với ý kiến của ĐB Trần Công Thuật (Quảng Bình). Ông cũng đề nghị bổ sung làm rõ một số điểm và Chính phủ cũng đang xử lý hậu quả.
"QH không thể đứng ngoài cuộc nhưng tôi đề nghị QH không chỉ tìm ra câu trả lời thật rõ ràng minh bạch về trách nhiệm sai phạm của Formosa, mà còn phải nhanh chóng rà soát văn bản pháp luật để ngăn chặn ngay từ đầu những nhà đầu tư có nguy cơ đe dọa đến đời sống của nhân dân. Có cơ chế xử lý trách nhiệm cá nhân, kể cả những người không còn đương chức", ông Hà Sỹ Đồng nói.
Nhiều chính sách tốt bị trì hoãn
Vấn đề thứ 2 Phó chủ tịch tỉnh Quảng Trị  đề cập là năng lực tổ chức triển khai bộ máy quản lý nhà nước các cấp chưa đáp ứng được yêu cầu phát hiện.
Ông Hà Sỹ Đồng cho biết, mới đây Thủ tướng đã chỉ đạo là cấp thiết phải tái cơ cấu ngay Bộ Công thương như một điều kiện để giải quyết có hiệu lực, hiệu quả vấn đề yếu kém thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ ngành.
Theo ông, rõ ràng nhiều chủ trương chính sách tốt nhưng bị trì hoãn, biến tấu, thậm chí chết yểu khi đi vào cuộc sống, bộ máy thực thi kém hiệu lực, hiệu quả. Các vấn đề về tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, cơ chế điều hành, cách thức phối hợp giữa các cơ quan nhà nước đã được nhận diện khá đầy đủ trong 2 báo cáo.
Ông cũng cho hay, 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu trong báo cáo Chính phủ và 9 đề xuất kiến nghị của UB Kinh tế nhìn chung khá toàn diện. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ, cốt lõi chưa được chỉ rõ, nhấn mạnh đúng mức cũng như chưa được cụ thể hóa bằng kế hoạch hành động.
Theo ông, giải pháp căn cơ, cốt lõi cần triển khai quyết liệt là tái cơ cấu bộ máy quản lý các cấp.
"Ngay sau khi kiện toàn xong nhân sự Chính phủ mới, mong Thủ tướng và các thành viên Chính phủ bắt tay xây dựng và sớm triển khai kế hoạch tái cơ cấu chính bộ, ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách", ĐB Hà Sỹ Đồng bày tỏ.
Liên quan vấn đề trên là xóa bỏ chế độ cơ quan chủ quản, theo ông, đây là 1 lực cản lớn trong tiến trình tái cơ cấu các bộ, ngành, chính quyền địa phương và tới nay không thể né tránh được nữa. Vấn đề này cần được coi là chìa khóa để xử lý căn nguyên mấu chốt sở hữu kinh tế hiện nay.
Ông cho biết, điều đáng mừng là mô hình cơ quan chủ quản đã được Chính phủ giao cho Bộ KH-ĐT khẩn trương nghiên cứu, đề xuất và hiện nay đang được bàn thảo và phản biện rộng rãi.
"Tôi còn nhớ kỳ họp cuối cùng của QH khóa 13, ĐB Vũ Tiến Lộc có nhận xét: Con đường dài nhất của VN là từ lời nói đến việc làm, mong rằng nhiệm kỳ mới của QH, của Chính phủ, con đường này phải được rút ngắn với tốc độ nhanh nhất", ông Hà Sỹ Đồng nói.
H.Nhì