Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

Vay tiền Trung Quốc làm cao tốc: Hỏi khó Bộ Giao thông; Vay Trung Quốc 7.000 tỷ làm cao tốc: Việt Nam phải chấp nhận chỉ định thầu; Vay tiền Trung Quốc làm cao tốc: Quảng Ninh nói cần thiết

Chính trị - Xã hội / Tin tức thời sự

(Tin tức thời sự) - Các sở, ngành tại Quảng Ninh khẳng định việc xây dựng đoạn cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là cần thiết, tạo điều kiện thông thương hàng hóa.

Vay tiền Trung Quốc làm gì?
Liên quan đến việc Bộ GTVT, Bộ tài chính và Bộ kế hoạch – đầu tư đang xem xét lời đề nghị của Trung Quốc về việc vay  hơn 300 triệu USD thông qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc  để thực hiện dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, trao đổi với Đất Việt, TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông khẳng định, cần phải nhìn nhận lại vấn đề này.
Theo TS Sanh, đoạn cao tốc Vân Đồn – Móng Cái có thể xem như dự án thành phần của dự án cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái. Hiện nay, đoạn Hạ Long Vân Đồn đã có dự án BOT, chỉ còn gần 100 km đoạn Vân Đồn – Móng Cái.
Vay tien Trung Quoc lam cao toc: Quang Ninh noi can thiet
Các sở, ngành tại Quảng Ninh khẳng định rằng việc xây dựng đoạn cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là cần thiết, tạo điều kiện thông thương hàng hóa. Ảnh minh họa
“Cả hai ý kiến của Bộ GTVT, một là gộp vào BOT đang làm và hai là tách ra thành một dự án BOT khác, đều không khả thi và hiệu quả. Như vậy về mặt lý luận, dự án đoạn Vân Đồn – Móng Cái chắc chắn không khả thi, hiệu quả. Nếu không khả thi hiệu quả, thì vay tiền Ngân hàng Trung Quốc để làm gì. Đây là vay, chứ không phải cho không. Tóm lại, xem lại sự cần thiết đầu tư của dự án thành phần này”, TS Sanh nhấn mạnh.
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng lưu ý đến việc vay ưu đãi nhưng có ràng buộc về sử dụng nhà thầu Trung Quốc.
“Bộ GTVT chắc chắn biết rõ, có ràng buộc sử dụng Nhà thầu Trung Quốc hoặc không ràng buộc, điều kiện vay trả lãi sẽ hoàn toàn khác nhau.
Giả sử phía Ngân hàng Trung Quốc chỉ cho vay có điều kiện ràng buộc sử dụng Nhà thầu Trung Quốc, thì Bộ GTVT cũng phải cho biết nhà thầu gì (thầu chính, tổng thầu, EPC…), loại hợp đồng nào (trọn gói, điều chỉnh), sử dụng hàng hóa nhà thầu Việt Nam ra sao… Bộ GTVT đã có quá nhiều kinh nghiệm về vấn đề này, mới đây và thấm thía nhất là tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, không nên úp úp mở mở với Chính phủ, với người dân cả nước.
Tóm lại, khi Bộ GTVT vẫn còn chưa minh bạch rõ ràng trong quá trình chuẩn bị, thì việc lựa chọn nhà thầu Trung Quốc trong thời điểm bối cảnh hiện nay, sẽ là một lựa chọn chắc chắn không phù hợp vì thiếu rất nhiều sự đồng thuận đồng tình của nhiều giới nhiều ngành nhiều người dân trong cả nước”, TS Sanh nêu quan điểm.
Từ những lo ngại trên, vị chuyên gia khẳng định, để tránh hiện tượng bỏ thầu giá rẻ, rồi cứ trượt giá đội vốn như một số hợp đồng do nhà thầu Trung Quốc thi công, chỉ có áp dụng hình thức hợp đồng trọn gói, thưởng phạt rõ ràng.
“Tất nhiên, phía Việt Nam, phải chọn Ban quản lý dự án đủ năng lực, nhiều kinh nghiệm và có phẩm chất tốt trong điều hành quan hệ ứng xử với nhà thầu Trung Quốc. 
Thật ra, ai cho vay cũng có toan tính riêng, vấn đề là người đi vay tính sao cho 2 bên đều có lợi.Trên bình diện quốc gia, việc vay – trả còn phức tạp hơn nhiều, phụ thuộc nhiều mục tiêu và nhiều chiến lược phát triển của từng nước.
Riêng về dự án này, có lẽ Bộ GTVT nên đưa ra thêm các số liệu chi tiết về giao thông và vận tải minh chứng cho sự cần thiết phải đầu tư để đảm bảo cân đối hài hòa và mang lại hiệu quả bền vững trong lộ trình đầu tư mạng lưới đường cao tốc cả nước theo định hướng quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt”, TS Sanh nhấn mạnh.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái mang nhiều ý nghĩa lớn
Trong khi đó, trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó Giám đốc Sở xây dựng Quảng Ninh khẳng định, việc đầu tư xây dựng đoạn cao tốc Vân Đồn – Móng Cái sẽ mang nhiều ý nghĩa lớn cả về kinh tế lẫn xã hội.
“Dự án cao tốc này đã nằm trong quy hoạch mạng lưới quốc gia nên việc xây dựng là cần thiết. Đường cao tốc nối từ Hà Nội xuống Hải Phòng đã khánh thành. Quảng Ninh đã triển khai tiếp cao tốc  từ Hải Phòng sang Hạ Long và từ Hạ Long đi Vân Đồn.
Tuyến từ Vân Đồn đi Móng Cái nếu hình thành được sẽ rất tốt để kết nối hệ thống giao thông đường cao tốc quốc gia và kết nối cửa khẩu Móng Cái với TP Hạ Long, với Hà Nội, với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng. Về mặt phát triển kinh tế - xã hội thì sẽ rất tốt”, ông Tuấn khẳng định.
Ngoài ra, phó Giám đốc Sở xây dựng Quảng Ninh cũng nhận định, đoạn cao tốc Vân Đồn – Móng Cái nếu đi vào hoạt động cũng sẽ có tác động lớn đến các hoạt động thông thương, mua bán trao đổi giữa 2 nước Việt Nam và Trung Quốc.

Việt Nam xem xét vay Trung Quốc 300 triệu USD làm cao tốc kết nối biên giới

Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có điểm cuối là đường dẫn cầu Bắc Luân II, nối với thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) đang được xem xét vay vốn xây dựng từ China Eximbank.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa có báo cáo gửi Thủ tướng sau khi được giao nhiệm vụ làm rõ điều kiện với khoản vay ưu đãi trị giá 300 triệu USD từ phía Trung Quốc.
Cụ thể, dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có chiều dài trên 91km, điểm đầu đấu nối với đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, điểm cuối giao với đường dẫn cầu Bắc Luân II (nối sang thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc). Dự án đi qua 5 địa phương của tỉnh Quảng Ninh gồm Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái. Quy mô đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Thời gian hoàn thành là 48 tháng.
viet-nam-xem-xet-vay-trung-quoc-300-trieu-usd-lam-cao-toc-ket-noi-bien-gioi
Các cơ quan cho rằng hiệu quả đầu tư và phương án vay cần được cân nhắc kỹ. Ảnh: Giang Huy
Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 382 triệu USD. Theo phương án vốn, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) đề xuất tài trợ 304,9 triệu USD (6.800 tỷ đồng), còn vốn đối ứng của Việt Nam là 77,33 triệu USD (1.700 tỷ đồng).
Tham gia ý kiến với Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng dự án xây dựng tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là quan trọng và mang tính cấp bách, có tầm ảnh hưởng trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, Bộ này đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chuyển thẩm quyền quyết định đầu tư dự án cho phía Bộ thực hiện.
Trong khi đó, Bộ Tài chính cho rằng các khoản vay ưu đãi của Trung Quốc đều có ràng buộc, phải sử dụng nhà thầu, công nghệ và máy móc thiết bị Trung Quốc. Trong khi đó, đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc là dự án đầu tư phát triển có nguồn thu trực tiếp. Do đó, cần tính toán, so sánh với khả năng huy động vốn từ các nguồn khác có chi phí rẻ hơn hoặc chất lượng, công nghệ tốt hơn nhằm tránh rủi ro trong quá trình xây dựng dự án.
Cũng theo cơ quan này, 3 khoản vay tín dụng ưu đãi gần nhất của Trung Quốc đang áp dụng đối với Việt Nam là lãi suất 3-4% một năm, phí quản lý 0,25-1%, phí cam kết từ 0,25-0,5%, thời hạn vay là 15 năm. Trước đây, Bộ Tài chính đã có đàm phán với China Eximbank về điều kiện vay tín dụng ưu đãi cho dự án cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn. Khi đó, ngân hàng này đề xuất điều kiện vay là lãi suất cố định 2% một năm và thời hạn vay là 20 năm, phí quản lý là 0,25% và phí cam kết là 0,25%.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc chủ trương sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc cho dự án này, đồng thời ưu tiên cho những dự án cấp thiết, có khả năng thu hồi vốn. Trong trường hợp vẫn dùng nguồn vốn này thì cần xác định rõ chủ đầu tư có phù hợp với cơ chế sử dụng vốn vay dự án không.
"Dự án chưa được Chính phủ quyết định về thẩm quyền đầu tư nên việc Bộ Giao thông Vận tải gửi đề cương để đăng ký sử dụng vốn vay là chưa có căn cứ pháp lý phù hợp với quy định hiện hành. Bộ Tài chính đề nghị chủ đầu tư cần phân tích đầy đủ về hiệu quả kinh tế và có phương án tài chính phù hợp với quy định trước khi đề xuất về nguồn vốn và cơ chế tài chính cho dự án", Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Sau khi Bộ Tài chính nêu quan điểm trên, Bộ Giao thông Vận tải đã có ý kiến phản hồi cho rằng nếu dự án được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) thì rất khó thu hút các nhà đầu tư tham gia do kinh phí lớn. Ngoài ra, đây là khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, cần có cơ chế hỗ trợ đầu tư, đặc biệt thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông không thu phí.
Theo đó, ngoài Trung Quốc, hiện chưa có nhà tài trợ nào khác quan tâm đến dự án này. Do đó, Bộ Giao thông cho rằng việc sử dụng nguồn vốn vay này là hợp lý, cần thiết. "Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được thiết kế để đảm bảo giao thông thông suốt, góp phần phát triển kinh tế Bắc Bộ tạo điều kiện để Việt Nam là cửa ngõ giao lưu thương mại với Trung Quốc và khu vực ASEAN", Bộ Giao thông nêu.
Về quy mô, trước đây, Bộ từng dự kiến mức vốn là 810 triệu USD song để giảm thiểu áp lực vay nợ nước ngoài và khả năng đáp ứng về vốn vay cho dự án, Bộ đã điều chỉnh lại chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn I đầu tư 4 làn xe vốn 8.600 tỷ đồng và khoản vay tín dụng với China Eximbank là đủ.
Trong báo cáo, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng xác định việc xây dựng tuyến cao tốc là cần thiết nhằm thúc đẩy giao thương và kết nối giao thông giữa Việt Nam với Trung Quốc. Việc huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi là thích hợp trong điều kiện hiện nay song điều kiện của khoản vay tín dụng 300 triệu USD nêu trên chưa đủ ưu đãi để sử dụng cho dự án theo cơ chế tài chính ngân sách Nhà nước cấp phát như đề xuất của Bộ giao thông Vận tải. Do vậy, cần cân nhắc kỹ hơn.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhấn mạnh cần phải đàm phán tiếp với Trung Quốc để xác định điều kiện cụ thể của khoản vay theo hướng "đề nghị phía Trung Quốc áp dụng điều kiện vay ưu đãi cao hơn so với điều kiện vay gần nhất phía Trung Quốc đề xuất, không áp dụng điều kiện thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng EPC (thiết kế - lắp đặt thiết bị và thi công công trình) bởi nhà đầu Trung Quốc. Ngoài ra, có thể xem xét khả năng sử dụng khoản vay này cho các dự án theo hình thức PPP (nhà nước và tư nhân cùng đầu tư)".
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao cho rằng việc sử dụng khoản vay của China Eximbank cho dự án là cần thiết, có ý nghĩa tích cực trong việc nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, góp phần tăng cường kết nối giao thông và thông thương hàng hoá giữa hai nước. Tuy nhiên, đề xuất của Bộ Giao thông vận tải là ngân sách Nhà nước cấp phát toàn bộ vốn vay nước ngoài là chưa phù hợp với việc xây dựng đường cao tốc, với một dự án có khả năng thu hồi vốn và Bộ Giao thông cũng không phải là đối tượng vay theo quy định của Luật Quản lý nợ công.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ và các Bộ ngành về phương án tài chính của dự án. Nhà đầu tư của cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là Liên danh nhà đầu tư Cái Mép - Thái Sơn - Vinaconex E&C.

Vay tiền Trung Quốc làm cao tốc: Hỏi khó Bộ Giao thông

(Tin tức thời sự) - Chúng ta có nhiều bài học xương máu với các nhà thầu Trung Quốc nên việc vay tiền xây cao tốc phải hết sức thận trọng.

Thận trọng
Liên quan đến lời đề nghị cho vay hơn 300 triệu USD từ phía Trung Quốc để Việt Nam thực hiện dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, mới đây Bộ GTVT đã có ý kiến về việc này.
Theo đó, Bộ GTVT muốn áp dụng cơ chế cấp phát toàn bộ khoản tín dụng ưu đãi bên mua từ Trung Quốc cho dự án, tức là đồng ý vay với điều kiện sẽ chỉ định nhà thầu Trung Quốc thi công.
Bộ GTVT cho rằng, nếu bổ sung đoạn cao tốc Vân Đồn - Móng Cái vào dự án BOT đoạn Hạ Long - Vân Đồn để dùng vốn trong nước, thì khả năng hoàn vốn của cả hai đoạn cao tốc không còn khả thi. Nhưng nếu tách riêng đoạn Vân Đồn - Móng Cái thành một dự án BOT độc lập cũng rất khó thu xếp vốn vì tổng mức đầu tư quá lớn.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, GS Nguyễn Quang Toản - Nguyên chủ nhiệm khoa Cầu đường, ĐHGTVT cho rằng, với những dự án tiếp nhận vốn vay từ Trung Quốc, Việt Nam phải hết sức thận trọng.
Theo GS Toản, vay vốn ưu đãi nước ngoài từ trước đến nay thông thường đều kèm theo một số điều kiện ràng buộc như: nhà thầu của nước cho vay, có khi còn làm trọn gói, cả tư vấn, lập dự án, tư vấn thiết kế, giám sát.
“Đây là điều kiện để họ cho chúng ta vay vốn ODA. Cái này tùy thuộc vào từng nước và từng loại vốn. Có những nước không yêu cầu như thế nhưng có những nước yêu cầu rất chặt chẽ. Trung Quốc trước nay đều đưa ra những quy định như vậy. Vì thế khi đàm phàn cũng cần hết sức lưu ý, để tránh bị lệ thuộc nhiều vào phía Trung Quốc. ”, GS Toản nhấn mạnh.
Vay tien Trung Quoc lam cao toc: Hoi kho Bo Giao thong
Chúng ta có nhiều bài học xương máu với các nhà thầu Trung Quốc nên việc vay tiền xây cao tốc phải hết sức thận trọng. Ảnh minh họa
Từ lo ngại trên, vị chuyên gia nhấn mạnh, cần phải xem xét lại phương án mà Bộ GTVT định tiến hành triển khai với đoạn cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.
“Chúng ta phải thận trọng đánh giá, không thể vôi vàng như phương án mà Bộ GTVT đưa ra. Tôi nghĩ nếu tiếp tục thực hiện theo kế hoạch đó là hơi “bạo” và có phần mạo hiểm”, ông Toản nêu quan điểm.
Nhìn nhận ở góc độ khác, vị chuyên gia cho rằng, việc xây dựng đoạn cao tốc Vân Đồn – Móng Cái là cần thiết để đáp ứng lưu lượng vận chuyển, thông thương giữa Việt Nam với Trung Quốc. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, nhiều tuyến đường cao tốc như: Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Lạng Sơn, Hà Nội –Cao Bằng đã được xây dựng để kết nối với Trung Quốc.
“Dự án dài 96 km mà vốn khoảng 382 triệu USD nếu đầu tư đường cao tốc khoảng 4 làn xe thì tôi cho rằng so với mặt bằng chung của đường cao tốc hiện nay là không đắt. Nhưng nếu dừng lại ở mức 2 làn xe thì lại khác. Tuy nhiên tôi nghĩ, nếu Việt Nam tận dụng được cơ hội này thì sẽ có nhiều lợi thế, nhất là về trung chuyển hàng hóa, giao lưu thương mại, du lịch”, ông Toản đánh giá.
Những bài học xương máu
Dù thừa nhận Việt Nam có thêm thuận lợi nhưng vị chuyên gia cho rằng với đoạn cao tốc Vân Đồn – Móng Cái và lời mời vay hơn 300 triệu USD từ phía Trung Quốc, chúng ta cần phải xem xét, cân nhắc những đề nghị từ phía Bộ Tài chính hay Bộ Kế hoạch Đầu tư để thuận tiện trong việc triển khai dự án.
“Việc Bộ Kế hoạch Đầu tư đề nghị phía Trung Quốc cung cấp khoản vay với điều kiện vay ưu đãi hơn so với điều kiện vay gần đây do phía Trung Quốc đề xuất. Trong đó khoản vay này sẽ không áp dụng điều kiện thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng EPC chỉ định cho nhà thầu Trung Quốc.
Bộ Tài chính lo ngại về những ràng buộc về công nghệ, máy móc, sử dụng nhà thầu, tôi nghĩ rằng hoàn toàn có cơ sở và phù hợp với thực tế", ông Toản nói.
Để dẫn chứng cho lời mình nói, vị chuyên gia đã liệt kê hàng loạt công trình xây dựng gắn liền với Trung Quốc đang gặp trục trặc, kéo dài thi công tại Việt Nam.
“Những công trình chúng ta thực hiện với Trung Quốc, không riêng gì với các công trình giao thông mà cả những công trình trong lĩnh vực năng lượng, luyện kim, các dự án công nghiệp đều không được như dự kiến ban đầu, thậm chí trục trặc kéo dài.
Mấy ngày nay báo chí nói nhiều đến dự án của nhà máy gang thép Thái Nguyên trở thành sắt vụn. Điều này hết sức đau lòng. Ngay cả dự án ở ngay thủ đô Hà Nội, đó là tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông cũng đầy trục trặc. Từ những kinh nghiệm đó thì đặt ra yêu cầu phải siết lại các điều kiện vay vốn đầu tư với Trung Quốc.

(Kinh tế) - Xung quanh đề xuất vay 7.000 tỷ đồng của Trung Quốc (TQ) làm cao tốc Vân Đồn – Móng Cái với điều kiện chấp nhận chỉ định nhà thầu TQ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) cho biết: Đây là điều kiện theo khung hiệp định vay vốn…

Vay Trung Quốc 7.000 tỷ làm cao tốc: Việt Nam phải chấp nhận chỉ định thầu
Vay Trung Quốc 7.000 tỷ làm cao tốc: Việt Nam phải chấp nhận chỉ định thầu
Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã đưa ra tổng mức đầu tư dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái giai đoạn1, vởi tổng mức đầu tư dự kiến là 382 triệu USD, trong đó vốn vay Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc 304,6 triệu USD (tương đương 6.860 tỷ đồng).
Vốn đối ứng của phía Việt Nam là 77,33 triệu USD, tương đương hơn 1.700 tỷ đồng.
Thứ trưởng Trường cho biết: Khi thực hiện vay song phương, nước cho vay đưa ra quy định đối với nước đi vay
Về nguồn vốn vay của Trung Quốc đầu tư cho dự án, Bộ GTVT đề nghị áp dụng cơ chế tài chính theo hình thức cấp phát toàn bộ vốn vay nước ngoài cho dự án (vay vốn với điều kiện sẽ chỉ định nhà thầu Trung Quốc thi công).
Lý giải về việc này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: Việc vay và chỉ định thầu là theo khung hiệp định vay vốn thỏa thuận của hai chính phủ, phía Trung Quốc đưa ra thỏa thuận khi vay, nếu mình chấp nhận được thì vay, nếu không chấp nhận được thì không vay nữa.
“Cũng như Việt Nam vay vốn của Nhật Bản có điều kiện Step (vốn có các điều kiện vay đặc biệt dành cho các đối tác kinh tế – PV) kèm theo: Các nhà thầu Nhật Bản tham gia thì vật tư thiết bị phải nhập từ nước đó. Khi vay song phương, các nước cho vay có đưa ra quy định của quốc gia đó, nếu nước đi vay cảm thấy vay được thì vay, không được thì thôi”, Thứ trưởng Trường giải thích.
Về ý kiến của các bộ ngành liên quan việc Bộ GTVT đề nghị ngân sách nhà nước cấp phát toàn bộ vốn vay cho dự án là chưa phù hợp và Bộ GTVT không phải là đối tượng vay lại theo quy định, Thứ trưởng Trường nói rõ: Bộ GTVT đã có ý kiến cụ thể vốn cho vay và cho vay lại, nhưng thực tế hiện nay không có đơn vị nào đứng ra vay lại.
Đơn vị vay lại phải là DN, nhưng Tổng công ty phát triển đường cao tốc VN (VEC) hiện nay không đủ khả năng vay tiếp dự án mới do đã bị quá tải về các dự án vay lại.
Trước thực tế này, Bộ GTVT đưa ra đề xuất hoặc cấp phát cho Bộ GTVT làm chủ đầu tư, hoặc nếu cho vay lại thì tốt nhất cho UBND tỉnh Quảng Ninh vay, sau đó tỉnh này sẽ thu phí để hoàn trả.
Nếu cấp phát cho Bộ GTVT thì Bộ kiến nghị cấp phát toàn bộ và sẽ dùng vốn này để đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng thời có thể thu phí hoàn vốn. Thu được bao nhiêu thì hoàn vốn bấy nhiều chứ không phải vay lại.
Thứ trưởng Trường cũng nói rõ, số tiền hơn 304 triệu USD dự kiến vay của ngân hàng TQ chưa đủ để đầu tư dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, trong khi đó ngân hàng TQ chỉ đồng ý cho vay hơn 304 triệu USD nên vừa qua cũng đã có ý kiến đưa ra nên đầu tư dự án này bằng hình thức PPP.
Nếu đầu tư theo hình thức này, khoản vay hơn 304 triệu USD của Trung Quốc sẽ là vốn góp của nhà nước, còn lại kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn ra rồi sau đó thu phí hoàn vốn.
Thứ trưởng Trường cũng nói rõ, hiện nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào đăng ký đầu tư dự án.
“Bộ GTVT đã có ý kiến còn Bộ Kế hoạch – Đầu tư và Bộ Tài chính sẽ tham mưu trình Chính phủ đưa ra phương án cuối cùng”, ông Trường nói.
Thứ trưởng Trường cũng nêu lên thực tế, hiện nay không thể kêu gọi 100% vốn đầu tư trong nước cho dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái bằng bằng hình thức BOT.
Bởi, kêu gọi đầu tư BOT phụ thuộc chủ yếu vốn vay của ngân hàng, trong khi vay ngân hàng chủ đầu tư phải có vốn chủ sở hữu 10 -15% tổng mức đầu tư – đây là con số quá lớn và chủ đầu tư BOT trong nước không thể đáp ứng nổi
(Theo VietnamNet)

Không có nhận xét nào: