Trước đó, để chuẩn bị cho kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII đã tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày báo cáo
Cử tri bất bình trước hoạt động của Trung Quốc tại Hoàng Sa, Trường Sa
Trình bày trước Quốc hội Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cử tri và nhân dân cả nước rất lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, xây dựng các công trình, bố trí vũ khí, quân đội tại các đảo, bãi đá trái luật pháp quốc tế thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và tàu thuyền của Trung Quốc hành hung, cướp phá tài sản, ngư cụ của ngư dân Việt Nam.
“Những việc này làm gia tăng sự bất ổn trong khu vực, đe dọa tự do hàng hải, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ký giữa các nước ASEAN và Trung Quốc”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Bởi vậy, cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có các giải pháp đấu tranh đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, vừa bảo đảm giữ vững chủ quyền biển, đảo của quốc gia, vừa bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; mở rộng và tăng cường các hoạt động tuyên truyền đối ngoại để cộng đồng quốc tế hiểu và ủng hộ sự chính nghĩa, ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nhân dân ta; sớm đưa nước ta trở thành nước mạnh về kinh tế biển trong khu vực.
Ô nhiễm môi trường và tài nguyên thiên nhiên càng suy kiệt
Về tình hình quản lý tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, cử tri và nhân dân cả nước phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường và suy kiệt tài nguyên thiên nhiên ngày càng nghiêm trọng do hoạt động sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản và các làng nghề gây ra, đe dọa trực tiếp sự phát triển bền vững của đất nước, các địa phương và khu dân cư, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhân dân và cả thế hệ tương lai.
“Cử tri và nhân dân rất bức xúc, không muốn tiếp tục chấp nhận thực tế là có nhiều nơi nạn “cát tặc” hoành hành, khai thác khoáng sản trái phép diễn ra nhiều năm, “lâm tặc” chặt phá rừng và vận chuyển gỗ công khai. Nhân dân ở xã biết, chính quyền ở xã, ở huyện biết, nhân dân khốn khổ, tài nguyên quốc gia bị cướp phá, nhưng Chủ tịch xã, Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch huyện, Bí thư huyện ủy không chỉ đạo để chấn chỉnh tình trạng trên, không chịu trách nhiệm trước pháp luật và nhân dân”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn nêu rõ.
Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buông lỏng trách nhiệm trong vụ Formosa
Việc Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (gọi tắt là Công ty Formosa) che giấu việc xả thải gây ô nhiễm môi trường và gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt ở 4 tỉnh ven biển miền Trung, cử tri và nhân dân hoan nghênh Chính phủ đã chỉ đạo xác minh, kết luận và công bố công khai nguyên nhân hải sản chết hàng loạt; chỉ rõ Công ty Formosa đã vi phạm pháp luật về đầu tư và bảo vệ môi trường, gây ra sự cố môi trường biển chưa từng có ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương tiếp tục có các giải pháp tích cực, cụ thể để giải quyết hậu quả trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường, bảo đảm cuộc sống của người dân và sự phát triển của địa phương; giám sát Công ty Formosa thực hiện đầy đủ các cam kết, đồng thời chỉ đạo rà soát việc thực thi các quy định pháp luật về cấp phép đầu tư, đánh giá tác động môi trường, quản lý và giám sát hoạt động của các doanh nghiệp. “Cử tri và nhân dân cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã buông lỏng trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư và bảo vệ môi trường”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết thêm.
Quỳnh Vinh
(http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/nhan-dan-khon-kho-tai-nguyen-bi-cuop-pha-nhung-chinh-quyen-tho-o-400911/ )


Doanh nghiệp Trung Quốc rầm rộ xây dựng dự án không phép

Giải phóng mặt bằng chưa xong, chưa có quyết định bàn giao đất, nhưng doanh nghiệp Trung Quốc vẫn rầm rộ xây dựng tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.


Đại công trường trên đất chưa được bàn giao
Được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 tại QĐ số 1928 ngày 2/8/2012, dự án xây dựng Khu công nghiệp (KCN) Cảng biển Hải Hà có tổng diện tích 4.988ha. Xã Quảng Điền, huyện Hải Hà là một trong những xã thuộc diện giải phóng mặt bằng với diện tích đất thu hồi là 133,4ha, trong đó 98,4ha là đất nông nghiệp, còn lại là đầm bãi nuôi trồng thủy hải sản. Có mặt tại dự án ngày 30/6, phóng viên Tiền Phong ghi nhận đại công trường đang rầm rộ hoạt động, trong khi dự án này vẫn đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Bùi Văn Lánh - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Quảng Điền nói, về thủ tục pháp lý dự án này còn nhiều thiếu sót. Theo chỉ đạo của UBND huyện Hải Hà, Quảng Điền đã tiến hành thu hồi toàn bộ diện tích đất nông nghiệp nằm trong dự án, di dời 26/105 hộ nằm trong diện giải tỏa. Tuy nhiên, đến nay gần 10ha diện tích đất đầm bãi đang nuôi trồng thủy hải sản của 9 hộ dân vẫn chư
a thu hồi xong, do chưa thống nhất được phương án đền bù. Ngoài ra, tại KCN còn có 2 hộ dân khác có đơn thư kiến nghị, khiếu nại về phương án đền bù đối với đất đai, tài sản trên đất bị thu hồi.
Cũng theo ông Lánh, điều lo ngại nhất là người dân bị thu hồi hết đất ruộng sẽ không biết làm gì, đặc biệt đối với trường hợp đã hết tuổi lao động. Ông Lánh cũng cho biết, dù chưa có được quỹ đất sạch, Quảng Điền đã như một đại công trường. Một doanh nghiệp Trung Quốc đã tiến hành xây dựng nhà xưởng từ hơn 1 năm nay trên đất giải phóng mặt bằng nham nhở.
Được biết, đơn vị xây dựng là Cty TNHH Đầu tư Texhong Ngân Hà có trụ sở tại 979 King’s Road, Quarry Bay, Hong Kong (Trung Quốc), lĩnh vực đầu tư tại Hải Hà là xây dựng nhà máy sản xuất và nhuộm hấp sợi. Ông Lánh cho biết thêm, một quả đồi với diện tích hơn 30ha là điểm cao 381 của đơn vị Quốc phòng cũng đang bị đơn vị thi công san gạt để lấy đất lấp mặt bằng.
Đường sá bụi mù mịt khiến người dân nghẹt thở. Ảnh: Minh Đức.
Đường sá bụi mù mịt khiến người dân nghẹt thở. Ảnh: Minh Đức.
Người dân lo ngại
Là một trong những hộ dân bị thu hồi đất phục vụ dự án, gia đình ông Nguyễn Văn Sơn - bà Ngô Thị Yên và gia đình ông Bùi Văn Nhan - bà Bế Thị Bé (cùng ở tổ 6, xã Quảng Điền) từ nhiều tháng qua đã có đơn thư gửi UBND xã, UBND huyện cho rằng phương án đền bù chưa thỏa đáng. Cả hai gia đình trên bị thu hồi gần 4.000m2 đất trồng lúa. Đất ở của hai hộ gia đình cũng bị thu hồi để làm đường 18 kéo dài phục vụ cho KCN Hải Hà.
Trỏ tay sang con đường bụi mù mịt, bà Yên than, mỗi ngày có cả ngàn lượt xe tải chở nguyên liệu vào công trường bất kể sớm trưa chiều tối bụi mù mịt khiến người dân ngột ngạt mỗi khi ra đường. “Chúng tôi gọi cho đơn vị thi công, nhưng họ đưa xe tưới nước một, hai lần rồi đâu lại vào đó”. Điều mà những người dân lo ngại hơn cả, đó là nhà máy sản xuất sợi - nhuộm hấp nằm sát bờ biển, khi đi vào hoạt động sẽ ảnh hưởng tới môi trường, nguồn nước, không khí và sức khỏe người dân.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Trung Kiên - Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh (cơ quan chủ quản, đơn vị cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Cty Texhong), thừa nhận Quảng Ninh vẫn chưa có quyết định giao đất cho chủ đầu tư do công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong. Tỉnh đang cố gắng để trong thời gian sớm nhất hoàn tất thủ tục này.
Lý giải về việc chủ dự án nước ngoài chưa có được quyết định giao đất nhưng đã thi công, ông Kiên nói: “Đây là đối tác chiến lược, đơn vị này đang triển khai giai đoạn 1 của dự án. Họ thi công theo kiểu “cuốn chiếu”, có nghĩa là giải phóng mặt bằng đến đâu, tiến hành xây dựng đến đó”.
Ông Kiên cũng cung cấp 2 giấy chứng nhận đầu tư do BQL Khu Kinh tế Quảng Ninh cấp cho Cty TNHH Texhong Ngân Hà và Cty TNHH Đầu tư Quốc tế Hải Hà (đều là các Cty của Hong Kong). Các văn bản đều thể hiện, KCN Hải Hà được mang tên gọi KCN Texhong.
 Ông Hoàng Trung Kiên - Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh cho biết: Texhong xin thuê 4.988ha đất (bằng toàn bộ diện tích của dự án KCN - cảng biển Hải Hà, Quảng Ninh) với thời gian 50 năm. Giai đoạn 1 Cty này mới được chấp thuận 660ha đất dự án. Ngoài việc xây dựng nhà máy sản xuất - nhuộm hấp sợi, Cty Texhong cũng đang đề xuất xây dựng nhà máy nhiệt điện với công suất 2.000MW nhưng mới chỉ là ý tưởng, chưa được chấp thuận.
Theo Minh ĐứcTiền Phong

Khu an táng cán bộ cao cấp bố trí đất chôn cất cho cả vợ/chồng

Dân trí Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Nghĩa trang mới và Nhà tang lễ quốc gia.


Một mô hình thiết kế Nhà tang lễ Quốc gia mới sẽ xây dựng tại Hoài Đức, Hà Nội.
Một mô hình thiết kế Nhà tang lễ Quốc gia mới sẽ xây dựng tại Hoài Đức, Hà Nội.
Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có chủ trương xây dựng Nghĩa trang mới dành cho cán bộ cao cấp sau khi từ trần và Nhà tang lễ quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao Bộ Xây dựng tổ chức việc lựa chọn địa điểm xây dựng, quy hoạch xây dựng Nghĩa trang mới và Nhà tang lễ quốc gia. Đây là việc làm cần thiết để đáp ứng yêu cầu trước mắt và cho lâu dài.
Đối với Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Nghĩa trang mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng hoàn thiện Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Nghĩa trang Yên Trung; trong đó chú ý đến các đối tượng phục vụ của Nghĩa trang.
Khu an táng cán bộ cao cấp được nghiên cứu quy hoạch để khi từ trần, cán bộ được chôn cất chung cùng vợ (hoặc chồng) để phù hợp với tập quán đời sống của người Việt Nam; bổ sung khu vực Đài hóa thân hoàn vũ để khuyến khích việc chôn cất bằng hình thức hỏa táng, hợp vệ sinh, tiết kiệm đất. Khu vực an táng dành cho cán bộ cao cấp sau khi từ trần được đầu tư từ ngân sách Nhà nước và được quản lý như Nghĩa trang Mai Dịch hiện nay.
Trong quy hoạch Nghĩa trang Yên Trung, dành phần diện tích thích hợp làm nghĩa trang phục vụ các đối tượng khác và được thực hiện theo phương thức xã hội hóa để lấy kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư các hộ dân và xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho khu vực Nghĩa trang. Giao Ban cán sự Đảng Bộ Xây dựng báo cáo xin ý kiến Ban Bí thư Trung ương Đảng làm cơ sở triển khai thực hiện. 
Xây Nhà tang lễ Quốc gia mới tại Hoài Đức
Đối  với Nhà tang lễ Quốc gia, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Nhà tang lễ quốc gia tại xã Song Phương (huyện Hoài Đức, Hà Nội) bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển đô thị, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở quản lý quy hoạch, quản lý đất đai phục vụ đầu tư trong tương lai.
Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư nghiên cứu, lập dự án mở rộng Nhà tang lễ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tại số 5 Trần Thánh Tông, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội thành Nhà tang lễ quốc gia trong giai đoạn trước mắt; chỉ đạo xây dựng phương án quy hoạch, kiến trúc của Dự án và lấy ý kiến thỏa thuận của Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, báo cáo Thủ tướng.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng Dự án mở rộng Nhà tang lễ Bệnh viện Trung ương Quân đội tại số 5 Trần Thánh Tông, bàn giao mặt bằng để Bộ Quốc phòng triển khai thực hiện.
P.Thảo