Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

Lưu Trọng Văn - Vụ án cướp bánh mì, chính cha mẹ là thủ phạm...; VietTuSaiGon - Thân phận miền Trung!; Việt Nam 'hạnh phúc thứ 5 thế giới'; Ngô Minh - Hãy tha cho hai chữ "Nhân Dân"

Hai thanh niên cướp bánh mì tại tòa sáng 20/7. Ảnh VNN
TAND quận Thủ Đức  tuyên phạt Ôn Thành Tân , 18 tuổi, 8 tháng 20 ngày tù giam về tội cướp bánh mì. Thời gian trên đúng với số tháng, số ngày bị tạm giam nên Tân được trả tự do tại phiên tòa. 

Nhưng ngay lập tức gã quyết định lập ra một phiên tòa khác dành cho bố mẹ Ôn Thành Tân và cho chính Tân.

 Lời khai của  bà Phạm Ngọc Thúy  mẹ của Tân như sau: 

 "Thời điểm con trai phạm tội là lúc hai vợ chồng tôi về quê để dự đám cưới. Đến khi trở lại thành phố, công an mời lên phường mới biết là con bị bắt vì cướp bánh mì.  Nó nói tại đói quá mà cha mẹ lại về quê hết nên không có ai nấu cho ăn. Nghe con nói, vợ chồng tôi tự trách mình nhiều lắm...

 Vì là con út trong gia đình có 2 cậu con trai, Tân lại đang độ tuổi đi học nên cả nhà đều rất thương yêu nó. Mỗi sáng, tôi đều cho con 20.000 đồng để ăn trưa. Ở nhà, tôi cũng luôn nấu sẵn thức ăn cho con đi học về đói bụng sẽ có đồ ăn ngay. Hôm đó về quê đột xuất dự đám cưới nên không kịp nấu sẵn đồ ăn cho con”.

Còn đây là lời khai của ông Ôn Văn Thành cha của Tân :

 “Tân là người con ngoan, biết nghe lời, ít chơi bời với bạn bè. Từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ vắng mặt ở nhà quá 3 ngày nên từ khi bị bắt tạm giam do cướp bánh mì, cháu đã khóc vì nhớ nhà, nhớ cha mẹ. Trước đây, con trai tôi có thành tích ấn tượng, đạt huy chương bạc khi tham gia giải thi đấu môn võ Vovinam toàn thành phố”.

Qua hai lời khai trên, chứng cứ cấu thành tội phạm của ông Thành , bà Thúy đã rõ:

1. Ông bà đã cố tình phạm tội đẩy con đi ăn cướp bánh mì vì không biết giáo dục con để con 18 tuổi trai tráng khỏe mạnh mà vẫn bám váy mẹ không biết tự  lo cho mình,  không biết tự nấu cơm khi đói. Ông bà đã phạm tội làm nhục thế hệ tương lai của đất nước.

2. Khi con phạm tội ông bà không thấy tội của mình là  đã nuôi dạy con thành một tên công tử hèn nhát, lười biếng mà chỉ thấy ân hận vì về quê dự đám cưới không kịp nấu cơm cho con ăn.

3. Khi con phạm tội ăn cướp bánh mì của người lao động nghèo, ông bà vẫn cho rằng con mình là trẻ ngoan, biết nghe lời rồi còn có thành tích huy chương bạc môn võ Vovinam toàn thành phố. Ngoan sao điều tối thiểu là tự nấu cơm mà ăn lại không làm được? Ngoan, sao bố mẹ vừa đi xa liền chơi gem cho tới đói lả, hết tiền, đi ăn cướp?  Đó là chưa kể ông bà không cho con hiểu rằng học võ cổ truyền dân tộc của Việt Nam là để có sức mạnh và lòng cao thượng. 

Gã kiến nghị tước ngay cái huy chương bạc này vì kẻ mang nó đã có hành động phỉ báng  đạo và truyền thống của môn võ dân tộc.

Nay, gã tuyên bố: Ông Ôn Văn Thành và bà Phạm Ngọc Thúy phải tự xử . Án phạt càng nặng thì đứa con mới càng mau tỉnh thức. Án phạt thật nặng thì mới có thể làm gương cho bao nhiêu ông bố bà mẹ khác.

Riêng gã là chánh án cũng tự xử  vả vào mồm gã ba cái thật đau để có thể ộc ra lời này: Giời ơi, thời thế gì mà đất nước của gã có không ít công dân đàn ông 18 tuổi  ngực nở vai rộng, con nhà tử tế, được học hành đầy đủ lại không tự kiếm cho mình được miếng ăn tử tế khi đói vậy hở giời?

Nhục quá! Xấu hổ quá!

Mỗi gia đình Việt- Thành trì cuối cùng bảo vệ phong hóa , tinh thần Việt  nếu không tự biết nỗi nhục, nỗi xấu hổ này thì  có thể lắm sẽ tiếp tay đẩy dân tộc  Việt luẩn quẩn rồi lún sâu cái vòng “ bám váy” thiên hạ.

*** 

Gã không hề nống một việc gọi là “nhỏ” lên thành “lập trường quan điểm to đùng đùng” đâu . Hãy ngẫm mà coi, cái gì đã và đang góp phần rất lớn làm tha hóa hèn kém, nhu nhược, dối trá một thế hệ trẻ? 

Lưu Trọng Văn

(FB Lưu Trọng Văn)



Dù nói theo cách nào, miền Trung cũng là miền đất thân phận nhất trên cả nước. Cái eo tựa như chiếc đòn gánh oằn mình chịu đựng cuộc phân tranh Trịnh – Nguyễn, rồi cuộc phân chia Nam – Bắc để một bên Nam vĩ tuyến 17 cho dù có cố gắng cách gì cũng không thể trở thành miền Nam được bởi nề nếp xôi đậu, bởi những ông nằm vùng… Và để rồi thời gian ngắn ngủi ấy trôi qua, miền Trung xóa đi ranh giới Nam - Bắc, dấu vết của tự do cũng phai mờ, thay vào đó là một miền Trung mưa chang, nắng cháy và khốc liệt trên mọi nghĩa.

Chỉ riêng hai cuộc chiến Mậu Thân 1968 và Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 đã ngốn của miền Trung gần ba triệu sinh mạng, không nơi nào nhiều mộ hoang và am thờ cô bác chết đường chết chợ như miền Trung. Đáng sợ hơn là dấu mốc 30 tháng 4 năm 1975, miền Trung chính thức bước vào thời kì chó ăn đá gà ăn muối. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên, địa lý đã cộng hưởng với sự khắc nghiệt của chính trị khiến cho người miền Trung trở nên bi thảm từ đó.

Suốt hơn mười năm trải qua thời kỳ kinh tế tập trung bao cấp, người miền Trung thấu hiểu thế nào là ba hạt cơm dính trên một lát sắn (khoai mì) khô và thế nào là ba bữa đói một bữa thèm no. Thậm chí bảy bữa đói một bữa lưng bụng. Những thức quà trở thành đắt đỏ, mang hồn cốt ẩm thực của người miền Trung bây giờ như bánh trôi nước sắn, bánh canh, cơm hến, bắp rang nóng nhúng canh rau muống, ốc xào lá gừng… Tất cả đều là thành tựu, là kết tinh của thời mò cua bắt ốc. Người ta nghèo quá, đói quá phải nghĩ đến việc đi bắt từng con ốc, đi hái từng cọng rau muống để nấu canh với muối và rang bắp đang nóng đổ vào canh ăn cho khỏi ngấy, bởi không có cơm, hay là xúc hến về luộc rồi rang bắp bỏ vào, bữa nào có cơm sắn độn thì bỏ vào đó để tăng dưỡng chất.

Đó chỉ mới là chuyện miếng ăn, chuyện tự do ư? Đó là câu chuyện hết sức viễn vông đối với người miền Trung nói riêng và người dân cả nước nói chung, nhưng dù sao thì với người miền Trung, kinh nghiệm nói một tiếng “phản động” thì bị gọi lên hội đồng xã, bị đánh đến không còn một cái răng thì nhiều vô kể, có những nhân chứng sống, từng bị gọi lên trụ sở xã, (thời đó gọi là hội đồng xã) để đánh gãy gần hết hai hàm răng chỉ vì khi chứng kiến đoàn xe của Phạm Văn Đồng hụ còi đi qua thì nói “mấy thằng cha này làm gì mà ồn ào quá!”.

Thời đó chưa kịp qua, con người cũng chưa kịp hồi tỉnh sau những chấn động kinh hoàng thì tiếp đó, miền Trung là cái rốn của sự xâm lăng, từ biển đảo cho đến đất liền, núi cao, không đâu là không có sự xuất hiện của kẻ xâm lăng. Từ việc tận thu tài nguyên thiên nhiên biển đảo như rong biển, san hô, nhử yến sào, tận thu tài nguyên rừng… cho đến việc người Trung Quốc được nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam dành cho sự ưu ái quá mức cho phép. Hay nói khác đi là hầu như nhà cầm quyền đã bán đứng, bán một cách rẻ rúng từ tài nguyên cho đến con người, lãnh thổ, lãnh hải của đất nước mà mức thu về chẳng có gì khác ngoài một cái gái rẻ mạt chưa từng thấy cũng như sự khinh khi, coi thường.

Và điều này dẫn đến hệ lụy cả một miền Trung đau đớn dây chuyền, hậu quả đầu tiên là hèn nhát dây chuyền. Bởi có muốn dũng cảm cũng không được dũng cảm. Biết người Trung Quốc xúc phạm bà mẹ quê lên thành phố Đà Nẵng bán chuối qua ngày đoạn tháng, biết rằng họ xúc phạm người Việt đó, và bẩn thỉu đó nhưng chẳng thể làm gì được hơn ngoài sự can thiệp vừa phải, gần như năn kỉ kẻ xấu tha cho người mẹ quê kia. Bởi vì nếu chúng đụng vào người Việt thì không sao, cùng lắm thì bị trả về nước, nhưng người Việt đụng vào chúng thì hậu quả khôn lường bởi đã húc đầu vào bức tường “bốn tốt mười sáu vàng” của đảng Cộng sản Việt Nam.

Và khi mà thế giới đã lên đường với đầy đủ hành trang văn minh, công kĩ nghệ tiến bộ, tự do, dân chủ, hòa bình, người thương yêu người trong thế giới phẵng của thời đại số thì Việt Nam ra sao? Miền Trung ra sao? Miền Trung, phía Đông vẫn có nhiều gia đình đói khổ mò cua bắt ốc, phía Tây vẫn có nhiều gia đình thiếu ăn đào củ mài qua ngày đoạn tháng, đồng bằng có nhiều gia đình mất đất, mất ruộng vì công trình của Trung Quốc mọc lên. Đặc biệt là công trình của Trung Quốc thuê tại miền Trung Việt Nam, tuy họ đã tiến hành dự án từ rất lâu nhưng vấn đề ký hợp đồng chỉ mới diễn ra nhiều nhất từ năm 2015 đến nay. Vì sao?

Vì trên tất cả mọi cuốn bìa đỏ, bìa hồng nhà đất của cư dân Việt Nam đều ghi thời hạn sử dụng đất ruộng và đất vườn chấm dứt vào năm 2014. Từ năm 2015 đến nay, nhà nước bỏ ngỏ quyền sử dụng đất ruộng và đất vườn của người dân. Người dân, đặc biệt là nông dân vốn kham khổ làm ăn, ít ai để ý cái bìa đỏ, bìa hồng nên cũng không mang nó đi gia hạn, mà có gia hạn thì chưa chắc đã được. Hệ quả của vấn đề này là khi có một công trình hay một khu công nghiệp mọc lên trên đất nông nghiệp, người nông dân chỉ được nhận một số tiền ít ỏi gọi là đền bù cho mùa màng chưa thu hoạch chứ chưa chắc đã được nhận tiền đền bù diện tích đất đã mất. Bởi diện tích này không được gia hạn và đã thuộc về quản lý nhà nước trên danh nghĩa quản lý toàn dân.

Và những mẫu hợp đồng thuê đất mà Trung Quốc đã ký thuê của Việt Nam thời hạn 49 hoặc 67 năm đều xuất hiện rất nhiều kể từ đầu năm 2015 đến nay không phải là không có lý do của nó. Dân oan ngày càng nhiều cũng không phải không có lý do. Và đáng sợ nhất khi điều này đến với người miền Trung, bởi cái nghèo, nỗi đau đã quá đủ với người dân miền Trung.

Thử nghĩ, khi mà cả một bờ biển dài làm sinh kế cho hàng chục triệu gia đình trong đó gồm ngư dân, người buôn bán, nông dân và những người kinh doanh du lịch trở thành một bờ biển chết, vùng biển chết, kinh tế trì trệ, đời sống cơ cực, nhà cầm quyền không những không thương dân, thương đồng bào của họ mà còn bán rẻ nỗi đau của đồng bào, bán rẻ sự cơ cực của đồng bào cho kẻ thủ ác, kẻ đã xả độc vào lòng biển quê hương với cái giá 500 triệu Mỹ kim (có thể là cái giá thực cao hơn nhiều!) để rồi nhân dân tự gồng mình chống chọi với đau khổ, với con bệnh đang ủ trong cơ thể và trong môi trường.

Có thể nói rằng khúc ruột miền Trung đã quá đau khổ, đã quá lầm than, đã trả giá cho đau khổ và lầm than của mình bằng máu và nước mắt. Nhưng, dường như nỗi đau này chưa bao giờ chạm tới lòng trắc ẩn của những “đày tớ nhân dân”, nếu không muốn nói đó là một loại cơ hội của họ. Như lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Thời gian qua, hiện tượng hải sản chết đột ngột ở các tỉnh miền Trung đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình bầu cử…”. Thật là tội nghiệp cho miền Trung!

Bởi hơn ai hết, miền Trung đã nhường cơm xẻ áo, miền Trung đã mang cả sinh mệnh của mình để giao phó cho chế độ (có nơi nào có nhiều liệt sĩ Cộng sản hơn miền Trung?!) để rồi đến ngày hôm nay, người miền Trung té ngửa nhận ra nơi quê hương, bản quán của mình được chọn làm hố rác cho kẻ cướp nước, đời sống, sinh mệnh của người miền Trung không đáng giá bằng đống rác thải đầy độc tố của ngoại bang! Còn thân phận nào đau hơn thân phận miền Trung?!

VietTuSaiGon

(Blog RFA)



Costa Rica được nêu tên là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, theo một báo cáo hàng năm có tên Happy Planet Index.

Năm nước xếp đầu năm nay là Costa Rica, Mexico, Colombia, Vanuatu, Việt Nam, trên tổng số 140 nước.

Báo cáo này của New Economics Foundation đặt ở London, làm lần đầu tiên từ 2006.

Họ đo mức độ hài lòng nói chung của người dân dựa theo thăm dò của Gallup, tuổi thọ theo Liên Hiệp Quốc, bất bình đẳng thu nhập, và ảnh hưởng của từng cá nhân lên môi trường dựa theo dữ liệu của Global Footprint Network.

Anh quốc xếp thứ 34, còn Mỹ đứng thứ 108.

(BBC)


Gần đây, thành phố Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị thay cụm từ “Chủ tịch ủy ban nhân dân” thành “Thị trưởng”. Ví dụ gọi là : Thị trưởng Đà Nẵng, Thị trưởng Huế, thị trưởng Hà Nội.v.v… Thị trưởng là cá nhân chịu trách nhiệm. Còn Chủ tịch Ủy ban nhân dân thì tập thể lấn át, chủ tịch phải làm theo ý kiến tập thể, nghĩa là cha chung không ai khóc.  Mới đây khi thảo luận về việc thực thị Hiến pháp 1992, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất không gọi là Ủy ban nhân dân … , mà gọi là Ủy ban hành chính…Hôm trước, xem ti vi, tôi thấy thông tin, Viện kiểm sát  nhân dân tối cao đề nghị đổi tên thành Viện công tố….

ngo minh
T/g Ngô Minh
Tôi rất tán đồng với ý những cao kiến này, vì nó chính xác như khoa học, gan ruột mà rất đúng nghĩa. Gọi thị trưởng, tỉnh trưởng là xác lập trách nhiệm cá nhân, không còn “tập thể lãnh đạo nữa”.  Từ mấy chục năm nay chúng ta gọi là Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân, mà không hiểu  nó có nghĩa là gì. Ủy ban gì là Ủy ban nhân dân ? Không ai giải thích được. Rồi  Viện kiểm sát nhân dân tối cao, viện kiểm sát nhân dân ( tỉnh, huyện) là cái viện chi chi?: Cái viện chuyên đi “kiểm sát nhân dân”, chứ không kiểm sát đảng, không kiểm sát nhà nước, không kiểm sát chính phủ , không  kiểm sát lãnh đạo, kiểm sát cán bộ ư ? Rõ ràng nghĩa của từ không ổn. Nước ta có rất nhiều tên gọi các tổ chức, cơ quan  “đèo bòng” thêm hai chữ nhân dân một cách ép uổng như thế.

Tôi biết không phải chỉ ở nước ta, mà nhiều nước “trong phe XHCN” xưa cũng gắn hai chữ “nhân dân” vào tên nước, tên các tổ chức hành chính như : Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc,…rồi thư viện nhân dân, giáo viên nhân dân, nghệ sĩ nhân dân, Tòa án nhân dân, Thư viện nhân dân.v.v.. Được vinh danh tột đỉnh thế mà nhân dân không ai sung sướng hãnh diện cả, vì nhân dân “kiếm ăn từng bữa toát mồ hôi”, thời giờ đâu mà biết cái gì là của mình hay không phải của mình? Theo tôi hiểu thì thời kỳ đang đấu tranh chống đế quốc, giành chính quyền, các Đảng CS đều thêm 2 chữ “Nhân dân” vào để tập lực lượng đông đảo trong nước đi theo mình. Điều đó rất đúng và rất có hiệu lực trong thực tế. Nhưng khi Đảng CS đã thành đảng cầm quyền,“cai trị” ( hay quản lý) đất nước rồi, thì việc cứ giữ nguyên hai chữ “Nhân dân” sau các tên gọi tổ chức hành chính trong bộ máy của mình  như thế, không còn tác tác dụng nữa, mà có khi trở thành sự trớ trêu, phản cảm, nếu không dám nói là lừa bịp!. Ví dụ tên báo là Nhân dân, nhưng tôi cam đoan là 90% nhân dân không đọc, mà chỉ bí thư đảng bộ cơ sở trở lên, lãnh đạo và cán bộ lão thành mới đọc. Vì tin tức bài vở trên báo giống như công báo, không  liên quan đến cuộc sông hàng ngày của dân chúng cả. Thời giờ đâu mà đọc những loại báo như thế?

Trong  thể chế quân chủ, nhân dân là người “bị cai trị”, gọi là dân đen. Trong chính thể cộng hòa, họ là đối tượng “bị”/ được quản lý . Bởi vậy mà những tổ chức nhà nước có dính thêm hai chữ “nhân dân” ở đuôi như  Hội đồng nhân dân.v.v..là không đúng nghĩa thật của nó. Đọc lên nghe như sự lợi dụng, nghe như sự tuyên truyền. Cách đây hơn chục năm, có một ông Tổng biên tập một tờ báo ngành ở Hà Nội đã viết và cho đăng một bài nhàn đàm bàn về hai chữ “Nhân dân” trên báo mình. Đại ý bài viết là ở nước ta nhiều tổ chức có chữ nhân dân  kèm theo như Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ủy ban nhân dân, Viện kiển sát nhân dân, Tòa án nhân dân. Thư viện nhân dân…chỉ có  mấy  tổ chức liên quan đến tiền bạc là của Nhà nước, như : Kho bạc Nhà nước, Nhân hàng Nhà nước. Nghe nói sau khi đăng bài đàm đạo này, ông Tổng biên tập lập tức bị cách chức. Nhưng ngẫm lại, ý kiến trong bài viết của ông TBT trên là hoàn toàn chính xác. Vì sao kho bạc hay  ngân hàng không được gọi là Khi bạc nhân dân, Ngân hàng ngân dân , mà lại gọi là  Kho bạc/ Ngân hàng Nhà nước ? Đó là câu hỏi mà ai cũng có thể đặt ra. Trong tổ chức  bộ máy hành chính một quốc gia, kho bạc hay ngân hàng không khác gì viện kiểm sát  hay tòa án cả, sao  nơi thì thêm chữ nhân dân, nơi lại  thêm chữ “Nhà nước”? Cách gọi tên như thể làm cho người dân  luôn nghĩ giống như ông Tổng biên tập nọ đã nghĩ. Nghĩa là  tiền bạc thì Nhà nước phải nắm, còn cái gì không liên quan đến tiền bạc thì là “của nhân dân”. Đó là tư tưởng của bọn phản động  xấu xa, bọn diễn biến hòa bình!

Dù ĐCS nhiều lần khẳng định :” Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân”, cũng không thể gắn hai chữ “nhân dân” vào sau tên các tổ chức, các danh hiệu như vậy. Rõ ràng nhân dân không bao giờ quản lý, điều  khiển được  các tổ chức như Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cả. Nếu nói hai chữ “nhân dân” là bản chất của bộ đội, của công an cũng không hoàn toàn đúng trong thời Đảng cầm quyền. Công an là lực lượng bảo vệ trật tự trị an xã hội, quân đội là lực lượng bảo vệ Tổ Quốc, nhiệm vụ của nó dược pháp luật quy định. Giả dụ, khi chính thể cầm quyền thối nát, phản động,  bán nước cho ngoại bang, nhân dân đứng lên “lật thuyền” để bảo vệ Tổ Quốc, lúc đó, theo lệnh cấp trên Quân đội nhân dân, Công an nhân đàn áp nhân dân à ? Phản lại bản chất của mình à ?.

25 năm đổi mới, hội nhập, ý nghĩa của hai chữ “nhân dân” trong tên gọi các tổ chức càng ngày càng mất  tác dụng. Ví dụ một số cán bộ lãnh đạo trong “Ủy ban nhân dân’… tỉnh/ huyện/xã, lợi dụng việc thu hồi đất ruộng  của dân để xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị mới, làm sân golf.v.v..rồi chia nhau phân lô bán làm giàu. Nhân dân không chịu  dời nhà thì “ Ủy ban nhân dân...” cho lính đến cưỡng chế.  Khi nhân dân tụ tập kéo nhau lên trung tâm thành phố để khiếu kiện, đòi lại đất, thì “Ủy ban nhân dân” sai “công an nhân dân” đi trấn áp, bắt trói nhân dân tống lên xe , vi cho là “gây rối trật tự công công”, “chống lại chính quyền”,”chống người thi hành công vụ”…. Trong các cuộc xuống đường chống Trung Quốc xâm lấn biển đảo Việt Nam, bắt bớ, giết  ngư dân Việt Nam đang đánh cá trên vùng biến của nước mình, cắt cáp thăm dò của Tàu thăm dò dầu khí của nước ta…, thì  “Ủy ban nhân dân” lại sai “công an nhân dân” trấn áp, bắt bớ, tống vô tù, thậm chí đạp vào mặt nhân dân.v.v.. Các nhà tuyên huấn lập luận rằng, những cuộc xuống đường như thế dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Nhưng kẻ xấu nào nguy hiểm hơn bọn xâm lăng đang rình rập biên cương Tổ Quốc ? Bởi thế nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm , trong bài thơ  Nhân dân mới đây đã viết : “Sao lại sợ nhân dân biểu tình?”. Tất cả những cảnh tượng “ bắt bớ”, “đàn áp” nhân dân ấy không phù hợp tí nào với  những tên gọi:” Ủy ban nhân dân”, “Công an nhân dân”,”Quân đội nhân dân”…

Cho nên để đảm bảo sự chính xác tên gọi, không gây sự hiểu lầm, phù hợp với  một tổ chức nhà nước hiện đại , chúng tôi đề nghị bỏ hai chữ “nhân dân” khỏi các tên các tổ chức Nhà nước, chính quyền. Gọi lại các tên cho chính xác và sang trọng như : Ủy ban hành chính, Viện công tố, Thị trưởng thành phố,  hoặc Chủ tịch ủy ban hành chính, hay Quân đội Việt nam, Công an Việt Nam…

Vâng, hãy tha cho hai chữ “nhân dân”!

Ngô Minh

(Blog Ngô Minh)

Không có nhận xét nào: