Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

Mua tàu biển "hết đát", hàng chục tỷ đồng vốn Nhà nước "bốc hơi"; Hai bệnh viện ở TP.HCM sai phạm tài chính hàng trăm tỉ

Dân trí Nguồn tin từ Dân trí cho biết, cơ quan chức năng đã xác định Công ty CP Vận tải biển Hoa Sen mua 2 tàu biển Golden Lotus, Golden Rice kinh doanh thua lỗ, gây mất vốn Nhà nước gần 23,5 tỷ đồng.
 >> Kiểm điểm, xử lý Hội đồng Thành viên, Ban Tổng giám đốc Vinafood 2
 >> Kinh doanh thua lỗ, Vinafood 2 bị giám sát tài chính

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).
Theo nguồn tin của Dân trí, Công ty Hoa Sen thành lập từ năm 2008 với vốn điều lệ 16 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2) góp 5,6 tỷ đồng và 2 cá nhân là ông Trần Văn Lâm và Phạm Quang Mạnh góp lần lượt 800 triệu đồng và 1 tỷ đồng, số còn lại được quyền chào bán trị giá 9,44 tỷ đồng.

Tính đến ngày 24/3/2014, Công ty Hoa Sen đã thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ 6 tăng vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó Vinafood2 góp hơn 47,2 tỷ đồng (chiếm hơn 47,2%), ông Trần Văn Lâm góp 5 tỷ đồng, ông Phạm Quang Mạnh góp 2 tỷ đồng, số còn lại được chào bán.
Trước đó, vào ngày 3/2/2009, HĐQT Công ty Hoa Sen gồm bà Cao Thị Ngọc Hoa - Chủ tịch HĐQT, là người đại diện vốn của Vinafood2 - và ông Trần Văn Lâm, Phạm Quang Mạnh họp, thống nhất quyết định đầu tư mua 2 tàu cũ đóng tại Hàn Quốc từ năm 1989 và 1990 là tàu Wooyang Victory và tàu Wooyang Triumph với tổng giá trị mua 6,8 triệu USD (tương đương hơn 123 tỷ đồng).
Cùng ngày, bà Cao Thị Ngọc Hoa có tờ trình gửi HĐQT Vinafood2 đề nghị phê duyệt tăng vốn điều lệ cho Công ty Hoa Sen từ 16 tỷ lên 100 tỷ đồng (trong đó Vinafood2 góp 35 tỷ đồng) và mua 2 tàu cũ nêu trên.
Hơn 1 tuần sau đó, ông Trương Thanh Phong - Tổng giám đốc Vinafood2 ký tờ trình gửi HĐQT Vinafood2 đề nghị phê duyệt chủ trương nêu trên của Công ty Hoa Sen. Và cùng ngày, ông Trần Văn Vẹn - Chủ tịch HĐQT Vinafood2 có văn bản chấp thuận chủ trương tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng và mua 2 tàu cũ của Công ty Hoa Sen.
Cần nói thêm rằng, trong khi đợi Vinafood2 chấp thuận thì ngày 8/2/2009 và ngày 9/3/2009, ông Trần Văn Lâm - Giám đốc Công ty Hoa Sen ký hợp đồng với Công ty Wooyang Shipping - Hàn Quốc mua 2 tàu biển trên với giá 6,8 triệu USD.
Cơ quan chức năng cho biết, do mua 2 tàu đã quá tuổi theo quy định tại Nghị định 49/2006/NĐ-CP của Chính phủ nên Công ty Hoa Sen đã không làm được thủ tục thông quan và không đăng ký, đăng kiểm được tải Việt Nam.
Do đó, Công ty Hoa Sen đã phải làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm tàu biển tại Cục hàng hải Panama (Cộng hoà Panama), làm thủ tục đăng ký chuyển quyền sở hữu tại Panama và đổi tên tàu thành Golden Lotus và Golden Rice.
Do kinh doanh thua lỗ, năm 2013, Công ty Hoa Sen đã ngừng hoạt động, làm thủ tục xin đóng mã số thuế và chờ có kết quả trả lời của Chi cục thuế quận 4 để hoàn thiện các thủ tục trình Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM xin giải thể. Tính đến ngày 31/8/2015, tài sản của Công ty này chỉ còn 50,3 tỷ đồng. Phần góp vốn của Vinafood2 chỉ còn 23,7 tỷ đồng, tương đương với để mất vốn 23,5 tỷ đồng.
Được biết, để xác định chính xác việc Công ty Hoa Sen mua 2 tàu biển kinh doanh thua lỗ, gây mất vốn Nhà nước có vi phạm pháp luật hay không, hậu quả cụ thể thế nào và trách nhiệm của cá nhân liên quan, cơ quan chức năng đã ra quyết định trưng cầu Bộ Tài chính tiến hành giám định việc mua tàu biển và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty này.
Phương Dung

Hai bệnh viện ở TP.HCM sai phạm tài chính hàng trăm tỉ  

27/07/2016 12:35 GMT+7
TTO - Ngày 26-7, Sở Y tế TP.HCM công bố kết luận thanh tra hoạt động tài chính trong mua sắm thuốc và tổ chức, hoạt động dược tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

Kết quả thanh tra cho thấy ở bệnh viện để xảy ra thất thoát thuốc của bệnh viện (khoảng 1 tỉ đồng - PV).
Kết luận cho rằng: trong việc theo dõi, thanh toán nợ tiền thuốc, bệnh viện chưa hạch toán chi tiết, mở sổ theo dõi và định kỳ chưa đối chiếu giữa các bộ phận nên giữa báo cáo tài chính và tổng số nợ chi tiết có chênh lệch chưa xác định nguyên nhân, đối tượng (đến ngày 31-8-2014, tổng số nợ thuốc, vật tư... thấp hơn báo cáo tài chính gần 20,8 tỉ đồng và đến ngày 31-12-2015, thấp hơn báo cáo tài chính hơn 12,9 tỉ đồng).
Bệnh viện còn nợ không nguồn quyết toán gần 103 tỉ đồng tiền thuốc của các công ty do các năm 2012-2013 bệnh viện đã mượn tiền thuốc, vật tư để chi thu nhập cho cán bộ, viên chức.
Đến 31-12-2015, nợ tiền thuốc, vật tư các công ty là 127,5 tỉ đồng, trong đó 28% là nợ quá hạn và nợ thuốc không có nguồn quyết toán khoảng 45,6 tỉ đồng.
Kết luận thanh tra còn chỉ rõ các tồn tại, sai phạm trong tổ chức và hoạt động của khoa dược Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã gián tiếp gây ra việc thất thoát thuốc được ghi nhận là trách nhiệm của giám đốc bệnh viện qua các thời kỳ là ông Nguyễn Thi Hùng (trước ngày 3-9-2014), ông Võ Đức Chiến (từ ngày 3-9-2014), bà Trương Thị Mỹ Linh - trưởng khoa dược, các dược sĩ có liên quan.
Ngoài ra còn có trách nhiệm của trưởng phòng tài chính kế toán qua các thời kỳ.
* Kết luận thanh tra Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM cũng được công bố cùng ngày. Theo đó, một số sai sót trong công tác tài chính, kế toán của bệnh viện là chi trả tiền công cho nhân viên, người lao động chưa đúng quy định; chi tiền công cho bộ phận trực tiếp và bộ phận gián tiếp nhà thuốc không đúng quy chế chi tiêu nội bộ hơn 1,2 tỉ đồng; chưa kê khai doanh thu và chưa thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu gần 97 triệu đồng.
Đặc biệt, trong việc liên doanh liên kết máy CT-scanner đặt tại bệnh viện, phân chia tỉ lệ lợi nhuận sau thuế tỉ lệ bệnh viện 30%, đối tác 70% là không đảm bảo lợi ích cho bệnh viện.
Từ kết quả thanh tra này, Sở Y tế chỉ đạo giám đốc bệnh viện tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân liên quan, khắc phục các thiếu sót.
Bệnh viện phải thực hiện chi trả tiền công cho nhân viên từ hoạt động dịch vụ qua tài khoản cá nhân, chi trả phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật và chi trả phụ cấp độc hại hiện vật theo quy định.
Đồng thời thu hồi hơn 1,2 tỉ đồng đã chi cho bộ phận gián tiếp và trực tiếp của nhà thuốc không đúng quy chế chi tiêu nội bộ và bổ sung số tiền này vào nguồn kinh phí cho bệnh viện...
L.TH.H

Không có nhận xét nào: