Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

Bộ TN-MT từng thanh tra Formosa; Đại biểu Quốc hội nghi ngờ có tiêu cực, “lót tay” trong vụ Formosa; Dân chạy khỏi nhà máy xử lý chất thải của Formosa; Phát hiện thêm 5 điểm đổ trái phép rác thải của Formosa; Bùn rác chất đống, cá chết trong Formosa; Formosa và PVC làm ‘nóng’ họp báo của Thanh tra Chính phủ

19:18 22/07/2016

Formosa đã nhận trách nhiệm bồi thường trước sự cố ô nhiễm môi trường gây nên tình trạng cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung, nhưng xung quanh Formosa vẫn đang tiềm ẩn nhiều vấn đề về môi trường, khiến người dân bức xúc. Bên lề kỳ họp Quốc hội khoá XIV, phóng viên đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình.

Phóng viên (PV): Đại diện người dân một trong 4 địa phương trực tiếp bị ảnh hưởng bởi Formosa, ông sẽ gửi kiến nghị gì đến Quốc hội khoá XIV?
Trong kỳ họp này, đoàn Quảng Bình sẽ có ý kiến phát biểu tại nghị trường. Thứ nhất, phản ánh đầy đủ tình hình, thực trạng Formosa đã gây ảnh hưởng đến môi trường và người dân như thế nào. Nhân dân thì điêu đứng, ngành du lịch giảm thu nhập, hậu quả kinh tế quá rõ, kéo theo đó là hậu quả về chính trị, phức tạp về an ninh, trật tự, tâm lý người dân hoang mang… Bên cạnh đó, chúng tôi có kiến nghị xử lý nghiêm những người tiếp tay cho Formosa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đề nghị Chính phủ, các bộ ngành quan tâm giải quyết dứt điểm các hậu quả của môi trường biển. Ngoài ra, chúng tôi đề nghị Chính phủ và nhân dân cả nước ủng hộ nhân dân Quảng Bình khắc phục hậu quả, làm thế nào để tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển các ngành dịch vụ trong du lịch.
Theo tôi, cả nước nên hỗ trợ nhân dân Quảng Bình bằng các việc làm thiết thực, như hỗ trợ ngư dân Quảng Bình đánh bắt xa bờ, tạo kế sinh nhai trong thời gian sắp tới, có giải pháp để ngành du lịch Quảng Bình không phải phá sản… Chẳng hạn, đến Quảng Bình du khách không chỉ tắm biển và ăn hải sản, mà còn có thể tham quan nhiều danh lam thắng cảnh, hang động, tắm suối… Nếu chỉ thoả mãn nhu cầu của người dân thì khó nhưng nếu vì mục đích chia sẻ với Quảng Bình thì tôi nghĩ là làm được. Hiện Quảng Bình cũng đang kêu gọi để kích cầu du lịch, tất cả nhà hàng, khách sạn, các tour du lịch đều giảm giá 20-30%...
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương trả lời phỏng vấn báo chí, chiều 22-7.
PV: Chúng ta có thể rút bài học kinh nghiệm từ Formosa như thế nào?
Trên thực tế tình trạng ô nhiễm môi trường, cá chết hiện nay xảy ra ở khắp nơi… nhưng Formosa là điển hình của ô nhiễm môi trường. Bài học lớn mà chúng ta rút ra là quá tình thu hút đầu tư đừng quá nặng về kinh tế mà bỏ qua yếu tố môi trường. Thứ hai, các bộ ngành liên quan phải có đánh giá đúng tác động môi trường. Và thứ ba là chấn chỉnh đội ngũ làm công tác môi trường. Tránh tình trạng Giám đốc Công ty môi trường mà tiếp tay cho Formosa chôn rác thải. Rồi bộ máy làm công tác về môi trường chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm, trong quá trình thực thi có động thái làm lơ cho các vi phạm về môi trường. Đặc biệt gần đây liên tục phát hiện các điểm chôn rác thải của Formosa…
PV: Nói vậy thì Quốc hội cũng có trách nhiệm trong việc giám sát vấn đề này?
Xã hội xảy ra nhiều vấn đề, trong khi giám sát của Quốc hội có nhiều mức độ, nội dung. Theo tôi, trách nhiệm chính phải thuộc về các cơ quan quản lý. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ họ phải có trách nhiệm bám sát, theo dõi, kiểm tra, thẩm định, đánh giá tác động môi trường… Còn có những vấn đề xảy ra bất thường mà Quốc hội không thể lường trước được. Tuy nhiên tôi cũng đề xuất Quốc hội thời gian tới quan tâm mạnh mẽ hơn, giám sát kỹ hơn, có chuyên đề giám sát về môi trường.
Hiện nay hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường ở mình đã có, đủ để điều tiết, kiểm soát vấn đề để xảy ra ô nhiễm môi trường. Song quá trình thực hiện hạn chế nhất là năng lực quản lý, và một bộ phận bộ, ngành trực tiếp liên quan đến môi trường chưa hoàn thành nhiệm vụ, cần phải chấn chỉnh. Chưa kể có thể có các tiêu cực, do những “lót tay” của doanh nghiệp, để cán bộ của mình tiếp tay, tạo điều kiện cho vấn đề ô nhiễm môi trường xảy ra…
PV: Cử tri Quảng Bình hiện quan tâm nhất vấn đề gì, thưa đại biểu?
Hiện người dân Quảng Bình có rất nhiều kiến nghị, cụ thể là vấn đề cá chết. Người dân cho rằng, trước khi công bố nguyên nhân cá chết họ đã ăn cá rồi. Bây giờ họ băn khoăn làm thế nào để khám, xác minh bản thân đã nhiễm độc tố từ cá chết hay chưa? Có ý kiến cho rằng, nếu ngày trước Mỹ ném bom B52 người chết đã chết rồi, người sống đã khẳng định được là sống. Chứ tình hình ăn cá chết thế này họ mà phải chết dần chết mòn thì rất đáng sợ…
PV: Xin cảm ơn đại biểu!
Q.Vinh





Phát hiện thêm 5 điểm đổ trái phép rác thải của Formosa

LĐO TRẦN TUẤN  


Trước đó, chất thải của Formosa được đổ trái phép tại bãi rác thị trấn Thiên Cầm (Cầm Xuyên). Ảnh: Trần Tuấn
Lực lượng chức năng vừa phát hiện thêm 5 điểm đổ trái phép rác thải của Formosa tại địa bàn thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
    Theo báo cáo từ UBND thị xã Kỳ Anh, sau khi kiểm tra đã phát hiện tại điểm Mặt Roọng, phường Kỳ Trinh có 100m3 rác thải từ Formosa.
     Tại xã Kỳ Long phát hiện 3 điểm chứa rác thải Formosa. Trong đó, ở trang trại ông Cao Nhân có 20m3 phế liệu xây dựng ( gỗ, đất đá, cát, thùng sơn) từ Formosa; tại trang trại ông Trần Đình Tâm có 80m3 Phế liệu xây dựng (đá, gạch vỡ, gỗ kiện hàng, ván ép, bạt vải) từ Formosa; tại lô số 03, đất ở dự phòng Tân Long 2 có 20m3 xỉ than, gỗ vụn từ Formosa. Tại thôn 2 Tân Phúc Thành, thuộc xã Kỳ Lợi có 40 - 50 tấn đất lẫn vải từ Formosa.
     Cũng theo báo cáo, 5 điểm phát hiện rác thải Formosa đổ trái phép nói trên được phát hiện trong khoảng từ ngày 15 - 21.7 với dự đoán được tập kết, chôn lấp trong khoảng từ năm 2011 - 2016 tùy từng địa điểm.
     Trao đổi với PV báo Lao Động, ông Phạm Văn Hùng - Trưởng phòng TNMT thị xã Kỳ Anh - cho biết, qua kiểm tra, đánh giá ban đầu, hầu hết số lượng rác phát hiện lần này là rác thải sinh hoạt, không phải là rác thải độc hại nên cơ quan chức năng không lấy mẫu gửi đi phân tích. Sở TNMT và UBND thị xã Kỳ Anh đã giao cho các xã, phường hợp đồng với Công ty Phú Hà bốc dỡ đưa về nhà máy ở Kỳ Tân xử lý. Việc bốc dỡ có sự giám sát chặt chẽ của cán bộ Sở và Phòng TNMT, khi phát hiện thêm dấu hiệu nghi ngờ về chất thải nguy hại sẽ cho lấy mẫu ngay.
     Căn cứ để nhận định 5 điểm vừa phát hiện rác thải Formosa lần này không độc hại, ông Hùng cho rằng, đây chủ yếu là rác thải mà trước đây công nhân Formosa còn sinh sống ở các khu nhà trọ trong dân nên phát sinh rác thải sinh hoạt của họ lẫn lộn với rác thải của dân mình. Thêm nữa, thời điểm rác thải đó từ những năm 2011 đến 2014, khi đó Formosa chưa chạy thử nhà máy để phát sinh chất thải nguy hại. Việc lấy mẫu cũng rất tốn kém.
     Trước đó, chất thải của Formosa đã được báo chí và cơ quan chức năng phát hiện chôn lấp trái phép hàng trăm tấn tại các địa điểm: Trang trại ở phường Kỳ Trinh, Công viên môi trường của Cty Môi trường đô thị Kỳ Anh, rừng 327 thuộc phường Kỳ Trinh (thị xã Kỳ Anh); bãi rác thị trấn Thiên Cầm (Cẩm Xuyên),
    Clip chất thải của Formosa chôn lấp trái phép ở thị xã Kỳ Anh


    Lực lượng chức năng đào hơn 100 tấn chất thải của Formosa chôn lấp trái phép tại trang trại ở phường Kỳ Trinh.


    Bùn rác chất đống, cá chết trong Formosa


    TP - Trong khu liên hợp Formosa, cá vẫn chết nhiều trong các kênh mương nối ra biển và cánh đồng. Nhiều nơi trên công trường, rác sinh hoạt, rác xây dựng, bùn thải được nhét chung trong các bao tải.
    Rác thải chất đống trong Fomorsa. Ảnh: Hồng LộcRác thải chất đống trong Fomorsa. Ảnh: Hồng Lộc
    Cá phơi bụng trong mương, rác chất đống ở công trường
    Nhờ dân bản địa giúp đỡ, phóng viên Tiền Phong vào công trường theo đúng quy trình của Formosa đặt ra. Không hổ danh mỹ từ “thành phố gang thép” được gán cho khu liên hợp này, khắp nơi tòa ngang, dãy dọc đồ sộ; các nhà xưởng sừng sững như núi. Xen giữa là đường bê tông láng mịn, sạch sẽ dài hàng chục cây số dành cho ô tô, xe máy và phần lớn là xe đạp lưu thông. Thỉnh thoảng, trên đường còn có các đầu tàu đỏ chói mang dòng chữ “FHS” (Formosa Hatinh Steel Corporation – Liên hiệp Gang thép Formosa Hà Tĩnh) ngang qua.
    Dọc theo những mương lớn, thỉnh thoảng, phóng viên nhìn thấy có những con cá to gần bằng bàn tay chết nổi, trắng bợt trên mặt nước. Các tốp công nhân với chiếc vợt cán dài hoặc lội hẳn xuống mương để vớt cá chết và nhặt rác. Những mương nước có cá chết này nối thẳng ra biển, một số điểm thải ra cánh đồng ngoài hàng rào Formosa.
    Không khó để tìm ra những khu chứa rác thải trong Formosa những ngày này (khi tỉnh Hà Tĩnh quyết phong tỏa rác của khu liên hiệp). Ngay tại cổng ra vào, các túi đen đựng rác được xếp đống để giữa sân hay mép đường. Rác nhiều, dễ thấy nhất tại các khu vực đang xây dựng. Tại công trường thi công lò luyện cốc (luyện than dạng cát thành than rắn), rác được gom trong những túi trắng lớn có quai (túi cẩu) để rải rác khắp công trường. Quy trình cơ bản nhất là phân loại rác ngay từ đầu nguồn chưa được thực hiện khi nhiều túi cẩu chứa gỗ, giấy vụn, vỏ chai nước lẫn với thùng sơn, vôi vữa và các vật liệu xây dựng khác.
    Từ dưới các hầm ngầm sâu hoắm trong công trường lò luyện cốc, công nhân bốc túi bùn, đất vào bao tải màu xanh chất thành đống, nước chảy lênh láng. Bùn chứa chất gì, độc hại hay không, hỏi công nhân, họ chỉ lắc đầu: “Biết răng được”.
    Sắp cho Formosa xả rác, làm gì để yên dân?
    “Không độc thì không việc chi Formosa cho phép công nhân được nghỉ một vài ngày khi súc đường ống, vận hành lò đốt. Họ nói, nếu ai đi làm những ngày này, nếu thấy tức ngực, chóng mặt, buồn nôn phải báo ngay. Anh em kháo nhau, độc nhất là khói và bùn lắng từ khói nhưng không ai biết chắc độc ra răng nên cứ đi làm, miễn không chậm trả lương là được”, anh H. một công nhân của Formosa, nói với PV Tiền Phong.
    Các quán cơm bình dân ngoài cổng Formosa những ngày này luôn râm ran câu chuyện về môi trường. Kỳ Anh là vùng biển, cá mực là thức ăn hằng ngày, nhưng thực đơn của quán xá dành cho cả công nhân Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc Đại lục... đã chuyển dần sang các món ăn không xuất phát từ biển. Chủ quán ăn TH ở phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, cạnh cổng Formosa nói: “Thỉnh thoảng có vài công nhân Việt Nam ăn cá và mực. Riêng khách Đài Loan và Trung Quốc họ rất sợ. Thấy người Việt ăn, họ hỏi không sợ chết à?”.
    Trong những bữa cơm cùng công nhân, chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi sát sườn mà hóc búa như sau: Ăn cá ở vùng biển nhiễm độc từ Formosa có an toàn không? Làm sao để có cá an toàn mà ăn? Ăn muối làm từ nước biển nhiễm độc có sao không? Tắm biển có mắc bệnh không?...
    Theo nguồn tin của Tiền Phong, ngày 22/7, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức họp khẩn để tìm phương án tháo gỡ, để Fomorsa đưa rác ra ngoài. Cuộc họp đặt mục tiêu tìm một các biện pháp bài bản, đúng quy trình; kiểm soát rác đúng địa chỉ nhằm hạn chế tình trạng phải huy động hệ thống chính quyền kiểm tra từng bãi rác như vừa qua.



    Formosa và PVC làm ‘nóng’ họp báo của Thanh tra Chính phủ




    “Trong một số dự án lớn, Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí VN với tư cách là nhà thầu đã có những vi phạm nghiêm trọng, đến mức chúng tôi đã phải làm việc với Viện KSND tối cao và Bộ Công an”.
    Ông Ngô Văn Khánh - Phó tổng thanh tra Chính phủ cho biết như vậy tại cuộc họp báo thường kỳ do Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức hôm qua (22.7).
    Dự án 2.400 tỉ đồng bị “đắp chiếu”
    PV Thanh Niên đặt câu hỏi: TTCP đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra về các dự án do Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC) dưới thời ông Trịnh Xuân Thanh thực hiện, đến nay kết quả ra sao, trách nhiệm của ông Trịnh Xuân Thanh được chỉ ra như thế nào, tại sao có sai phạm vẫn được cất nhắc lên vị trí cao hơn?
    Ông Ngô Văn Khánh - Phó tổng TTCP cho biết từ năm 2011 thanh tra đã tiến hành thanh tra Tập đoàn dầu khí VN (PVN), trong đó có PVC với tư cách là đơn vị thành viên. Tuy nhiên ở thời điểm này, PVN có nhiều đơn vị thành viên, nên TTCP không làm sâu chi tiết từng đơn vị và đã có kết luận, để trên cơ sở đó PVN tổ chức kiểm điểm đánh giá sai phạm của tập thể, cá nhân. “Việc cất nhắc, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh là do các bộ, ngành khác thực hiện, không thuộc trách nhiệm của TTCP”, ông Khánh nói và thừa nhận một số cuộc thanh tra liên quan đến các dự án do PVC thực hiện đã chậm ban hành kết luận, trong đó có dự án xăng ethanol ở tỉnh Phú Thọ. Dù không nêu rõ lý do vì sao chậm kết luận thanh tra song ông Khánh cho biết: “Trong dự án này PVC thực hiện với vai trò là nhà thầu đã có những sai phạm nghiêm trọng, đến mức thanh tra đã phải ngồi với đại diện Viện KSND và Bộ Công an. Những sai phạm này sẽ được kết luận rõ và công bố trong thời gian tới”.
    Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol Phú Thọ có tổng mức đầu tư 2.400 tỉ đồng, triển khai từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn đang trong tình trạng dở dang phải “đắp chiếu”. Trong giai đoạn 2014, Bộ Công an đã phát hiện nhiều lãnh đạo của Công ty PVC-ME, đơn vị thành viên của PVC, có hành vi cố ý làm trái gây thiệt hại gần 50 tỉ đồng.
    Trả lời câu hỏi vì sao PVC có nhiều sai phạm nhưng vẫn được nhiều danh hiệu cao quý (như Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhì, tập thể Anh hùng Lao động trong giai đoạn 2009 - 2011...), Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của TTCP Hoàng Thái Dương cho biết TTCP không tham gia hoặc đồng ý với việc khen thưởng PVC trong giai đoạn đó.
    “Ban Khen thưởng T.Ư có công văn hỏi có phát hiện sai phạm cũng như đơn thư khiếu nại tố cáo nào về sai phạm của PVC không thì chúng tôi trả lời năm 2011 chưa phát hiện sai phạm và chưa có đơn thư đối với PVC”, ông Dương lý giải.
    Chưa nghiêm túc xử lý trách nhiệm vụ Formosa
    Tại cuộc họp báo, hàng loạt câu hỏi cũng đã được đặt ra về trách nhiệm của ông Võ Kim Cự - nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, nguyên Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Vũng Áng - Hà Tĩnh, đương kim đại biểu Quốc hội và Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã VN cũng như trách nhiệm của tập thể UBND tỉnh Hà Tĩnh trong việc cấp phép đầu tư cho Formosa thời hạn 70 năm, trái quy định của luật Đầu tư.
    Theo ông Ngô Văn Khánh, năm 2014, TTCP đã ban hành Kết luận số 1538 về đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất đai đối với một số dự án trên địa bàn Hà Tĩnh, trong đó có dự án Formosa. “Kết luận của TTCP thời điểm đó đã khẳng định Hà Tĩnh làm như thế là chưa đúng pháp luật. Về kiến nghị xem xét trách nhiệm, chúng tôi không chỉ ra từng cá nhân mà gắn với cấp có thẩm quyền, ban quản lý phải xem xét xử lý kiểm điểm. Đương nhiên gắn với tên tuổi thời điểm đó thì phải có trách nhiệm, không thể không có trách nhiệm”, ông Khánh khẳng định.
    “Hiện nay TTCP đã thành lập tổ kiểm tra và đang làm việc với Hà Tĩnh để xem xét lại kết luận đó. Về câu chuyện kiểm điểm cá nhân, tập thể thì bước đầu có thể nhận định là chưa nghiêm túc. Tôi tạm dùng từ đó. Trách nhiệm đó của những ai thì sẽ gắn với từng việc, từng người có trách nhiệm và sẽ thông báo chính thức”, ông Khánh cho hay.
    Người có chức vụ tiêu từ 20 triệu đồng trở lên phải thông qua ngân hàng
    Trả lời câu hỏi của báo chí về trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, nguyên đại biểu Quốc hội có 2 quốc tịch và câu chuyện kiểm soát tài sản đối với người có chức vụ quyền hạn khi có dấu hiệu tẩu tán tài sản ra nước ngoài, Phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng (TTCP) Ngô Mạnh Hùng cho biết đây đều là những “vấn đề rất mới và rất khó” đòi hỏi pháp luật phải có chế tài để điều chỉnh.
    “Đề xuất rất mới của chúng tôi là tới đây, những người có chức vụ quyền hạn mà thuộc trong diện kê khai tài sản khi thực hiện các giao dịch từ 20 triệu đồng trở lên là đã phải thực hiện thông qua các tài khoản ngân hàng”, ông Hùng nói và cho biết TTCP đã có kế hoạch phối hợp với Cục Phòng chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng để tìm kiếm các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý.

    Thái Sơn

    Dân chạy khỏi nhà máy xử lý chất thải của Formosa

    Sỹ Lực - Đức Anh | 
    Dân chạy khỏi nhà máy xử lý chất thải của Formosa
    Nhà bà Nguyễn Thị Nguyệt đã dời đi vì không chịu nổi ô nhiễm. Ảnh: Sỹ Lực.

    Nhà máy xử lý rác thải của Cty Phú Hà tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) là nơi duy nhất có thể xử lý chất thải độc hại của Formosa. Nhà máy này đang khiến người dân trong vùng sợ hãi vì mùi hôi thối, ruồi nhặng, khói đốt rác... Một số gia đình đã bỏ nhà ra đi.




    Nhiều bất thường
    Nhà máy của Cty Phú Hà nằm ở Kỳ Tân - xã vùng núi của huyện Kỳ Anh. Lưng nhà máy tựa vào núi, mặt tiến sát QL 12C - tuyến đường ngoại giao, nối Việt Nam và Lào.
    Đây là nhà máy xử lý rác thải lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh, hoạt động từ tháng 8/2015.
    Ngày khánh thành, ông Võ Kim Cự - nay là Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh có mặt tham dự.
    Đây là nơi xử lý rác thải sinh hoạt từ Formosa và đang lưu giữ các bùn thải, các chất thải công nghiệp khác của Formosa được phát hiện trên địa bàn Kỳ Anh gần đây.
    Liên hệ với ông Hoàng Chí Thức, Phó TGĐ Cty Phú Hà để vào nhà máy nhưng ông này từ chối. Để tiếp cận, chúng tôi men theo con đường ra phía sau. Nhìn vào phía trong, các đống chất thải cao như núi.
    Tiếp cận hàng rào nhà máy, liền có tốp bảo vệ ra xua đuổi; nhưng chúng tôi cũng kịp ghi lại hình ảnh củi, rác đựng trong túi lớn có quai (dân gom rác trên địa bàn gọi là túi cẩu) có ghi tiếng Trung, giống các túi vẫn dùng gom rác trong Formosa.
    Đáng nói, "núi" rác chỉ được ngăn với bên ngoài bằng cọc tre, chăng lưới đen. Tại đây có con kênh thủy lợi rộng khoảng 2 m, chảy lộ thiên cắt chéo vào trong nhà máy của Phú Hà rồi đổ ra cánh đồng phục vụ canh tác cho xã Kỳ Tân.
    Nhưng không thấy hạng mục nào ngăn cách các khu xử lý rác thải của Cty Phú Hà với con kênh này. Trời mưa, chắc chắn không thể ngăn được nước rỉ ra từ núi rác trên.
    Bà Nguyễn Thị Nguyệt từng ở cách hàng rào nhà máy Phú Hà vài chục mét cùng gia đình.
    Sau khi có bãi rác, không chịu nổi mùi hôi thối, ruồi nhặng và khói đốt rác nên bà Nguyệt cho con, cháu thuê nhà ở xã khác; riêng bà dựng một quán nước gần nhà, xa lò đốt rác để sinh sống và canh nhà cũ.
    "Tui già rồi, có bệnh không can chi. Mấy đứa cháu nhỏ mà bệnh thì tội, tui bắt phải đi. Nhà để không dưới nớ, ruồi nhặng kín đặc" – bà Nguyệt nói.
    Kế đó là nhà ông Nguyễn Tiến Phùng, bán cơm và cà phê. Mấy ngày trước, khách đang ngồi ăn cơm, tự dưng bật dậy, tháo giày quẳng ra xa. Ông Phùng hỏi, khách bảo vứt vì giày hôi.
    Vợ chồng ông Phùng vò đầu, bứt tai nói: "Không phải tại chú, mùi hôi từ bãi rác bên tê". Giờ nhà ông Phùng nghỉ bán cơm. Con gái ông Phùng làm bãi rác, không chịu nổi hôi thối, ngứa ngáy cũng vừa nghỉ.
    Biết cách đây vài hôm có nhà báo bị bảo vệ Cty Phú Hà đuổi đánh, cha con ông Phùng dẫn chúng tôi đi tắt để tiếp cận hàng rào nhà máy.
    Anh Hương, con ông Phùng phạt cây, bới đất chỉ ra một đường ống nối thẳng từ nhà máy Phú Hà ra bãi đất rìa làng.
    Trên đường về, cha con ông Phùng dặn đi dặn lại: "Các chú mần răng nói với lãnh đạo chuyển nhà tui đi sớm. Rác bình thường đã không chịu nổi, giờ lại đưa rác từ Formosa về đây, sống mần răng được".
    Ông Phùng cho hay, mấy ngày nay, thông tin rác thải Formosa rộ lên, Cty Phú Hà chuyển đốt rác từ ban ngày vào ban đêm (khoảng từ 20 giờ đến sáng).
    Nhiều hôm không ngủ được, nhà ông Phùng kéo nhau mắc võng bên kia đường, tránh hướng gió để ngủ.
    Dân chạy khỏi nhà máy xử lý chất thải của Formosa - Ảnh 1.
    Rác thải chất như núi trong nhà máy của Cty Phú Hà được ngăn với bên ngoài một cách sơ sài. Ảnh: Sỹ Lực.
    "Bà con tiếp tục chờ"
    Qua nhiều đầu mối liên lạc, chúng tôi đã được lãnh đạo huyện Kỳ Anh bố trí làm việc với ông Nguyễn Giang Đông, Phó Phòng Tài nguyên và môi trường.
    Ông Đông cho biết, huyện đã nhận được đơn của 31 hộ dân xung quanh nhà máy Phú Hà từ lâu và đang trong quá trình xử lý.
    "Huyện đã có phương án, kể cả có phương án di dân. Nhưng chưa triển khai được vì dự án còn nhiều hạng mục chưa xong.
    Khi dự án xong hết mới đánh giá hết tác động đến dân như thế nào để quyết định phương án. Tất nhiên, ở gần thì không tránh khỏi ảnh hưởng", ông Đông nói.
    Trả lời về các vấn đề nhà máy Phú Hà chưa có hạng mục ngăn nước rỉ ra từ bãi rác, đặc biệt là các ngày mưa gây tác hại lâu dài, ông Đông nói: "Nếu nước rỉ ra từ rác thì ghê lắm. Nhưng không có đâu vì khi xử lý rác người ta còn phải bơm thêm nước. Tuy nhiên, những lo ngại như vậy, khi dự án xong sẽ có các hạng mục hoàn chỉnh".
    Là cơ quan giám sát ở cơ sở nhưng ông Đông cho biết không được cấp báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án và "đang xin ở trên".
    "Trong cam kết với nhà đầu tư, tỉnh phải có hỗ trợ, nhưng giờ chưa có khoản nào. Vì thế, yêu cầu họ làm nhanh cũng khó" - ông Đông nói.
    Xuất hiện thêm nhiều bãi rác liên quan Formosa
    Theo khảo sát của phóng viên, tại bãi rác cũ, đã đóng cửa, lấp đất lên trên ở phường Sông Trí (trung tâm thị xã Kỳ Anh) có nhiều rác thải sinh hoạt (như bao kẹo, chai nước ngọt, chai rượu..) có chữ bằng tiếng Trung nổi lên trên đất. Tại khu xử lý chất thải sinh hoạt của Cty Môi trường Kỳ Anh (đang bị đình chỉ, cạnh nhà máy xử lý rác thải của Cty Phú Hà) vẫn chứa nhiều rác thải nguy hại như thùng sơn, lốp ô tô cũ và nhiều bì tải rách ghi rõ xuất xứ từ Formosa.
    Trao đổi với Tiền Phong, ông Phan Duy Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết đang khảo sát và lấy mẫu tại các bãi rác có liên quan Formosa do các xã, phường báo cáo. Ông Vĩnh hứa kiểm tra ngay bãi rác tại phường Sông Trí và hiện tượng tại bãi rác của Cty Môi trường Kỳ Anh nêu trên.
    Đức Anh
    theo Tiền Phong

    Bộ TN-MT từng thanh tra Formosa

    23/07/2016 09:09 GMT+7
    TTO - Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) từng thanh tra công tác chấp hành bảo vệ môi trường của Formosa (ngày 22-1-2016) và xác định Formosa không có vi phạm về môi trường. 

    Thông tin trong kết luận thanh tra này cho biết tại thời điểm thanh tra, Formosa đang vận hành thử nghiệm nhà máy điện - tổ hợp đốt than số 1 (công suất 150MW) và trạm xử lý nước thải công nghiệp thuộc nhà máy gang thép. Formosa cũng đưa 2 (bến S1, W1) trong số 13 bến của cảng Sơn Dương vào vận hành từ 
tháng 4-2015.
    Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ 
TN-MT Trần Hồng Hà báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua thanh tra phát hiện Formosa có 53 vi phạm, trong đó nguy hiểm nhất là việc Formosa tự ý thay đổi công nghệ luyện cốc từ dập cốc khô sang dập cốc ướt.
    Đây chính là kết quả thanh tra của liên bộ với hàng trăm nhà khoa học tham gia thực hiện thanh tra, kiểm tra Formosa sau vụ cá chết từ ngày 3-5-2016.
    Kết luận thanh tra dài ba trang của Tổng cục Môi trường (ngày 22-1-2016) nêu Formosa có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt; thực hiện chương trình giám sát môi trường định kỳ đúng quy định; được cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải; đã lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại theo quy định; được cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước, kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; có lập kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trình UBND tỉnh phê duyệt.
    “Về tình hình quản lý và xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, Formosa xây dựng các công trình xử lý nước thải, khí thải. Sau khi có kết quả thanh tra, Formosa đã khắc phục các tồn tại như phân loại chất thải nguy hại, khu vực lưu trữ tạm thời chất thải nguy hại của công ty được gắn biển cảnh báo, dán nhãn chất thải nguy hại theo quy định, chuyển giao chất thải nguy hại cho Công ty CP môi trường và xử lý rác thải An Dương để chuyển đến Công ty URENCO-10 xử lý” - kết luận thanh tra nêu.
    Đáng lưu ý, kết luận thanh tra của Tổng cục Môi trường nêu trong tháng 4 và tháng 5-2015, Formosa để xảy ra sự cố tràn dầu liên tiếp nhưng kết luận chỉ nhắc qua. Số nước nhiễm dầu lên tới hơn 1.062 tấn cũng chỉ được nhắc là chuyển giao cho Công ty CP môi trường và xử lý rác thải An Dương để vận chuyển đến URENCO-10 xử lý.
    Ngay nơi lưu giữ phế liệu thuộc khu vực thi công cảng Sơn Dương, dù trong kết luận thanh tra nêu Formosa để chất thải nguy hại lẫn với chất thải thông thường nhưng không nêu đây là vi phạm. Đối với việc chưa đăng ký bao bì bằng kim loại, bao bì bằng nhựa nhiễm thành phần nguy hại trong sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại, kết luận chỉ nhắc chung chung và đề nghị thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường.
    Về chất thải rắn thông thường, kết quả thanh tra của Tổng cục Môi trường cho biết tại thời điểm thanh tra, Formosa chủ yếu là chất thải rắn sinh hoạt, trung bình khoảng 63,4 tấn/tháng, được thu gom và chuyển giao cho Công ty CP TVXD - quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh xử lý. Đây cũng chính là công ty vừa bị phát hiện chôn lấp 267 tấn chất thải của Formosa trong trang trại.
    XUÂN THÀNH - XUÂN LONG

    Không có nhận xét nào: