Lần đầu tiên trong lịch sử, 6 tháng đầu năm nông nghiệp tăng trưởng âm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến GDP nửa đầu năm bị chững lại. Nguyên nhân có phải do sự điều hành của Chính phủ?
Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng
Trao đổi với phóng viên Infonet về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng (Trà Vinh) cho rằng, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ  nhận nhiệm vụ trong bối cảnh khó khăn cả về chủ quan và khách quan.
Theo đó, nguyên nhân khách quan là do thiên tai hạn hán, hiện tượng xâm nhập mặn. Đây là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp nước ta khiến lần đầu tiên trong lịch sử nông nghiệp tăng trưởng âm.


“Việc vi phạm pháp luật của Formosa ảnh hưởng đến du lịch, đời sống của khu vực các tỉnh miền Trung. Bối cảnh tình hình chính trị thế giới có nhiều biến động cũng ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế nước ta. Ví dụ như việc Anh rời EU cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam” – ông Thắng nhấn mạnh.
Về nguyên nhân chủ quan, Chính phủ mới nhận nhiệm vụ trong thời gian ngắn, chỉ trong mấy tháng. Vì thế, kinh tế 6 tháng tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ không đạt được mong muốn không hẳn do kết quả điều hành của Thủ tướng và Chính phủ.
Ông Thắng cho rằng có thách thức rất lớn với Chính phủ trong nhiệm kỳ đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2016. Rõ ràng, bên cạnh những khó khăn, Chính phủ gánh vác trách nhiệm trong thời gian ngắn nhưng đã có những hành động chỉ đạo, có những cam kết và hành động cụ thể.
“Để giảm thiểu hạn chế một cách tối đa những tác động tiêu cực Chính phủ cũng phải quan tâm hơn giai đoạn từ 6 tháng cuối năm 2016. Cụ thể là cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa điều hành của Chính phủ” – ông Thắng nói.
Thách thức còn nhiều, cá nhân ông Thắng mong muốn Chính phủ nỗ lực hơn nữa, thể hiện quyết tâm của mình bằng những điều hành chỉ đạo, cụ thể sâu sát hơn nữa nhằm khắc phục những khó khăn tồn tại cả khách quan, chủ quan… làm sao để nền kinh tế, xã hội phát triển vững mạnh, đảm bảo nâng cao đời sống của nhân dân và cải thiện nền kinh tế.
“Việc kiện toàn Chính phủ cho đến thời điểm này ngắn chưa đủ để một số thành viên Chính phủ nhận nhiệm vụ lần đầu làm quen, nắm được. Vì thế, với những vị trí đã kiện toàn cần có thêm thời gian để các thành viên Chính phủ khẳng định được quyết tâm và năng lực điều hành của mình” – ông Thắng nhấn mạnh.
Nhiệm vụ của kỳ họp này là tiếp tục phê chuẩn kiện toàn đầy đủ Chính phủ theo nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Ông Thắng cho rằng, các thành viên mới được kiện toàn cần thêm thời gian, với tập thể Chính phủ nói chung cũng cần có thêm thời gian để nắm bắt sâu sắc công việc và có những chỉ đạo triển khai cụ thể và cũng cần có thời gian để những chỉ đạo của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng có kết quả trong thực tiễn.
N. Huyền


Chính phủ báo cáo Quốc hội: Nợ công có thể vượt trần cuối năm nay


Dân trí Đây là một trong những dự báo được Chính phủ đưa ra tại báo cáo gửi Quốc hội. Theo đó, Chính phủ đánh giá, nợ công và nợ Chính phủ đến cuối năm 2016 có thể vượt trần cho phép.
 >> Hàng chục nghìn tỷ đầu tư công “đắp chiếu”, nợ công không tăng mới lạ
 >> “Nợ công tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ các giới hạn”
 >> Bộ Tài chính nói gì về cơ cấu nợ công Việt Nam?


Dự báo tình hình kinh tế trong nước, Chính phủ đánh giá, tăng trưởng của nền kinh tế khó đạt được mục tiêu đề ra 6,7% trong năm nay.
Cụ thể, sang năm 2016, tình hình kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều yếu tố bất lợi không lường trước được, tăng trưởng GDP 6 tháng có dấu hiệu chững lại: Quý I/2016, GDP chỉ tăng 5,48%, thấp hơn 1,53 điểm phần trăm so với tốc độ tăng của quý IV/2015. Tính chung 6 tháng GDP tăng 5,52%, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2015 là 6,47%.
Sự giảm sút tốc độ tăng trưởng không chỉ trong nông nghiệp, là ngành bị thiệt hại nặng do thiên tai mà cả trong công nghiệp, nhất là công nghiệp khai khoáng (giảm 2,2%). Tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh, cũng chỉ đạt mức tăng tương đương cùng kỳ năm 2015.
Nợ công tính trên đầu người của Việt Nam đã vượt 1.000 USD.
Nợ công tính trên đầu người của Việt Nam đã vượt 1.000 USD.
Báo cáo của Chính phủ nêu lo ngại: Tăng trưởng kinh tế suy giảm sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu về bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN) trên GDP sẽ cao hơn mức Quốc hội đề ra; nợ công và nợ Chính phủ dự báo đến cuối năm 2016 cũng có thể vượt trần cho phép.
Hiện mức trần nợ công cho phép là 65% GDP, cuối năm 2015, nợ công/GDP ở mức 62,2%, áp sát ngưỡng kiểm soát. Trong khi đó, nợ Chính phủ thực tế đã vượt trần 0,3% (ở mức 50,3% GDP).
Hiện tại, theo dữ liệu tại Đồng hồ nợ công của The Economist, nợ công của Việt Nam hiện ở mức 94,8 tỷ USD, và nợ công trên đầu người xấp xỉ 1.040 USD/người. Còn theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2011-2015, vay của Chính phủ lên tới 1,93 triệu tỷ đồng, gấp 2,9 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, với tốc độ tăng bình quân 19%/năm.
Theo kế hoạch của Chính phủ, quy mô vay giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 2,26 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 8,13% GDP, bình quân khoảng 450.000 tỷ đồng/năm. Năm 2020 là năm có mức huy động cao nhất lên tới 540 nghìn tỷ đồng. Đây là mức huy động được cho là “cao và rất khó khả thi trong điều hành”. Dự kiến tổng nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ giai đoạn 2016-2020 xấp xỉ 2 triệu tỷ đồng, khoảng 6,44% GDP.
Ngoài ra, báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội cũng cho thấy, tổng thu NSNN 6 tháng đầu năm ước đạt 476,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán (cùng kỳ năm trước là 49%), tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Thu NSNN đạt thấp hơn cùng kỳ năm trước trong tất cả các nguồn thu, đáng lưu ý là tiến độ thu ngân sách trung ương đạt rất thấp (chỉ khoảng 42% dự toán, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước đạt 46,3%), trong khi đó thu ngân sách địa phương tăng khá so dự toán (đạt 56%) và tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Điều này sẽ gây khó khăn bị động cho việc cân đối ngân sách trung ương.
Tổng chi NSNN trong 6 tháng đầu năm ước đạt 562,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2015 (cùng kỳ tăng 8,2%); trong đó, chi trả nợ và viện trợ tăng 5,2%; chi thường xuyên (bao gồm chi cải cách tiền lương) tăng 5%.
Báo cáo của Chính phủ đưa ra tính toán, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội đề ra là 6,7%, thì 6 tháng cuối năm tăng trưởng GDP phải đạt 7,6%, cao hơn trên 2 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm.
Bên cạnh đó, Chính phủ đánh giá, lạm phát 6 tháng đầu năm được kiểm soát, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao. Nhiều yếu tố cả đầu vào và tổng cầu sẽ gây áp lực tăng giá trong thời gian tới và qua đó khiến lạm phát cả năm có thể vượt mục tiêu 5% đề ra.
Bích Diệp