Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

Bí thư Hậu Giang thấy rất đau lòng, xấu hổ vì vụ ông Trịnh Xuân Thanh; Vụ ông Trịnh Xuân Thanh: Lỗ gần 3.300 tỉ đồng vẫn được phong tập thể anh hùng; Ở địa phương-Bộ phận nào cũng có nhưng hỏi cái gì cũng không biết'

Thứ 6, 12:20, 22/07/2016

VOV.VN - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết ông thấy rất đau lòng, xấu hổ với nhân dân Hậu Giang về vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh.
Ngày 18/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Công thương, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Bộ Công an, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Tỉnh ủy Hậu Giang, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan về các khuyết điểm, vi phạm liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh uỷ viên, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Vậy Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và cá nhân Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang có những khuyến điểm, vi phạm gì trong vụ việc này? Phóng viên VOV phỏng vấn ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang.
bi thu hau giang thay rat dau long, xau ho vi vu ong trinh xuan thanh hinh 0
Ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang (Ảnh: Báo Giao thông).
PV: Thưa ông, khi tiếp nhận ông Trịnh Xuân Thanh, Hậu Giang căn cứ vào những hồ sơ về công tác cán bộ của các Bộ, ngành hay cơ quan Trung ương nào?

Ông Trần Công Chánh: Hậu Giang muốn có một Phó Chủ tịch phụ trách Khu công nghiệp, bởi đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp; chẳng nhẽ, Hậu Giang cứ nông nghiệp mãi sao. Anh Bảy Chắc (ông Huỳnh Minh Chắc - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang) đã làm việc với Ban Tổ chức Trung ương cùng một số Bộ, ngành để giúp chúng tôi về việc này.
Ngay sau khi ông Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang được luân chuyển công tác, qua giới thiệu của đồng chí này, rồi đồng chí Bảy Chắc đi làm việc với Trung ương, cũng được giới thiệu về ông Trịnh Xuân Thanh. Nhận xét của các cơ quan, đặc biệt là Bộ Công thương, Ban cán sự Đảng bộ Công thương rất kỹ lưỡng. Chúng tôi thấy đảm bảo, còn những chuyện trước đó, chúng tôi không biết.
Đồng chí Bí thư (Bảy Chắc) cũng đã trực tiếp làm việc với Ban Tổ chức Trung ương. Văn bản của Ban Tổ chức Trung ương không nói rõ đồng chí này là tích cực hay tiêu cực nhưng đồng ý theo đề nghị của Tỉnh ủy Hậu Giang.
PV: Trong quá trình tiếp nhận ông Trịnh Xuân Thanh, ông có thấy điều gì bất thường không?
Ông Trần Công Chánh: Sau khi có Quyết định của Bộ Công thương thuyên chuyển ông Trịnh Xuân Thanh vào trong này, tiếp nhận văn bản của Bộ Công thương, tôi thấy có những chuyện phải quan tâm.
Vì sao cán bộ luân chuyển nhưng trong Kết luận 146-KL/TW, ngày 4/10/2013 của Bộ Chính trị thì không có ông Trịnh Xuân Thanh. Nhưng Bộ Công thương lại quyết định cái này.
Bí thư (Bảy Chắc) hỏi Ban Tổ chức Trung ương về việc này thì được biết, nếu không nằm trong kế hoạch luân chuyển theo Kết luận 146 thì việc điều động, xin về làm Phó Chủ tịch thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Lúc đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện đúng công việc bầu chức danh này, không bỏ qua giai đoạn nào.
Đề án nhân sự cũng được Bộ Chính trị phê duyệt, trong đó, một Phó Bí thư được luân chuyển và ông Trịnh Xuân Thanh thuyên chuyển từ Bộ Công Thương về, rất rõ ràng.
PV: Hậu Giang có một phần trách nhiệm trong vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh được luân chuyển về Hậu Giang. Vậy trách nhiệm của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và cá nhân ông là gì?
Ông Trần Công Chánh: Sau khi có Quyết định 202 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thành lập theo chỉ đạo của Tổng Bí thư và qua quá trình làm việc ở đây, ngoài được thông báo kết luận ở Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), các đồng chí trong đoàn kiểm tra cho rằng, Hậu Giang có khuyết điểm trong quy trình luân chuyển cán bộ, rồi cấp biển số xanh cho ông Trịnh Xuân Thanh.
Đoàn kiểm tra nói rằng, Hậu Giang có sai sót trong thẩm định hồ sơ cán bộ trước khi nhận về và không thực hiện quy trình xin ông Trinh Xuân Thanh trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Thực sự, đúng là Ban Thường vụ Tỉnh uỷ không có cuộc họp này. Chúng tôi có trách nhiệm trong sự việc này là đúng. Lẽ ra, sau khi làm văn bản, phải báo cáo với Thường vụ trong cuộc họp Thường vụ thì đúng hơn, nhưng chúng tôi chỉ thông tin qua điện thoại để lấy ý kiến của anh em.
Về nguyên tắc, phải thông qua tập thể Thường vụ ngay từ đầu. Nhưng sau đó, chúng tôi có báo cáo đàng hoàng, chứ không phải bao che, bưng bít, chạy chọt để lo chuyện đó cả.
Mặc dù mình là người kế thừa nhưng dẫu sao, trước đây, tôi vẫn là Thường trực Tỉnh ủy. Tôi nghiêm túc nhận cái này.  
Về việc thiếu thẩm tra trước khi tiếp nhận ông Trịnh Xuân Thanh. Chúng tôi có nhận xét đầy đủ của Ban cán sự Đảng bộ Công Thương và đồng chí này có quy hoạch Thứ trưởng Bộ Công thương. Quy hoạch thì Trung ương ký, tôi đâu ký được. Tôi nghĩ như thế là đầy đủ rồi.
Hậu Giang từ khi tách tỉnh, các đồng chí cán bộ luân chuyển về, chưa bao giờ được đi thẩm định các đồng chí này.
bi thu hau giang thay rat dau long, xau ho vi vu ong trinh xuan thanh hinh 1
Ông Trịnh Xuân Thanh (phải) nhận hoa chúc mừng được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Báo Hậu Giang
Tôi nghĩ rằng, Trung ương đưa về thì các đồng chí này đã đủ tiêu chuẩn để đảm trách các vị trí chủ chốt. Cho nên từ xưa đến nay, chưa có xác minh nào đối với cán bộ luân chuyển.
Thẩm tra, xác minh trước khi nhận, tôi không biết công việc này có đúng thẩm quyền của Hậu Giang hay không? Vì vậy, đề nghị Trung ương nên nói rõ về việc này. Nếu thấy rằng, việc không thẩm tra, không xác minh là sai sót của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh uỷ hoặc cá nhân đồng chí nào, chúng tôi nghiêm túc nhận sai sót, rút kinh nghiệm trong thực hiện quy trình điều động, bổ nhiệm luân chuyển hay thuyên chuyển cán bộ.
Theo nguyên tắc, đối với cán bộ hàm Vụ trưởng có quy hoạch Thứ trưởng thì do Trung ương, trong đó có Bộ Nội vụ trực tiếp quản lý, không thuộc đối tượng chúng tôi trực tiếp quản lý.
Về biển số xe, tôi nghiêm túc nhận khuyết điểm và đã kịp thời khắc phục ngay. Bản tự kiểm của tôi đã viết sẵn, để mấy tháng nay.
PV: Thưa ông, tới đây, Ban thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang sẽ họp về sự việc này. Nội dung các cuộc họp có đề cập tới tư cách Tỉnh ủy viên của ông Trịnh Xuân Thanh không?
Ông Trần Công Chánh: Về chuyện thâm cung bí sử của Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), tôi không được thông tin. Tôi không nói là không biết nhưng hoàn toàn chưa được thông tin thì làm sao đặt vấn đề kiểm điểm ông Trịnh Xuân Thanh, buộc tội này, tội nọ được. Các cơ quan chuyên môn của Đảng, Trung ương còn đang vào cuộc, cho nên rất khó xử.
Về trách nhiệm của Hậu Giang, riêng biển số xe và quy trình công tác cán bộ có khuyết điểm lúc ban đầu, chúng tôi sẽ làm nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm đúng theo nguyên tắc Đảng. Xét đến mức nào, đó là chuyện của tập thể quyết định.
Cuộc họp sẽ phân tích các giải trình, rồi xem xét của tập thể mới đi đến kết luận bằng phiếu kín. Lúc bấy giờ, đó mới là kết quả chính thức, được thực hiện đúng theo quy trình công tác của Đảng. Còn chuyện trước đó của ông Trịnh Xuân Thanh không thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang. Chúng tôi không thể gán ghép vô trách nhiệm được.
PV: Là người đứng đầu địa phương, qua vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, bài học gì được rút ra cho Hậu Giang, thưa ông?
Ông Trần Công Chánh: Tôi cũng nói thật, hai tháng nay, tôi rất đau đầu, khó ăn, mất ngủ trong sự việc này. Với trách nhiệm của người đứng đầu tỉnh, tôi thấy rất đau lòng, rất xấu hổ với nhân dân Hậu Giang. Hậu Giang đang đương đầu với nhiều khó khăn: Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn. Năm nay, khả năng hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của tỉnh hết sức khó khăn.
Với tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân, trước sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, chúng tôi nhận thức rõ trách nhiệm này và quyết tâm lãnh đạo Đảng bộ. Khi có kết luận, xử lý đến nơi, đến chốn nhưng bên cạnh đó, còn phải có trách nhiệm lo cho sự phát triển của Hậu Giang, lo cho Nhân dân Hậu Giang.
Bài học rút ra từ vụ việc này? Chúng tôi sẽ nghiêm khắc trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, ngay trong nội bộ của mình về quá trình xem xét, luân chuyển, điều động cán bộ. Chúng tôi hết sức thận trọng, đặc biệt là vấn đề đánh giá cán bộ. Hậu Giang phải xem xét lại chính bản thân mình, cần chỉ đạo, lãnh đạo, kiên quyết khắc phục. Đặc biệt, các đồng chí cán bộ chủ chốt tại các đơn vị phải tiêu biểu, gương mẫu, trách nhiệm; phải dân chủ, thực hiện đúng nguyên tắc Đảng trong tiến hành công tác cán bộ.
Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các cơ quan làm nghiêm túc, đúng qui định của pháp luật, đặc biệt về việc cấp biển số xe, tránh những hợp tương tự xảy ra.
Chúng tôi rất đau lòng, nhìn rõ lại trách nhiệm của mình trước Đảng bộ và Nhân dân Hậu Giang. Nhưng công việc tiếp theo, chúng tôi sẽ làm tốt hơn, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội; đặc biệt trong công tác xây dựng Đảng, phải tiến hành một cách nghiêm túc hơn.
PV: Xin cảm ơn ông./.



bi thu hau giang thay rat dau long, xau ho vi vu ong trinh xuan thanh hinh 2

Vụ ông Trịnh Xuân Thanh làm tới cùng sẽ lộ mặt “nhóm lợi ích”

VOV.VN - Làm tới cùng những chỉ đạo của Tổng Bí thư sẽ lộ mặt “nhóm lợi ích” đã “bảo kê” cho ông Trịnh Xuân Thanh.

Vụ ông Trịnh Xuân Thanh: Lỗ gần 3.300 tỉ đồng vẫn được phong tập thể anh hùng

NGUYỄN ĐỨC - Thứ Hai, ngày 18/7/2016 - 19:46
(PLO)- Khẩn trương thực hiện việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.
Ngày 18-7, trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng cho biết Văn phòng Trung ương Đảng vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về các công việc cần làm tiếp sau khi có thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT) về trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh.
Theo đó, chỉ đạo của Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng của ngành công an điều tra, làm rõ vi phạm để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng ở Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam.
Chỉ đạo của Tổng Bí thư nêu rõ: Sau khi xem xét Thông báo kết luận số 89-TB/UBKTTW, ngày 11-7-2016 của UBKT Trung ương về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016, trên cơ sở ý kiến của Ban Bí thư về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh UBKT Trung ương với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, khách quan, đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, xem xét, kết luận bước đầu. Đồng thời Tổng Bí thư yêu cầu cần làm tiếp một số việc sau đây:
Ban Tổ chức Trung ương, Ban Thường vụ Đảng ủy và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ có sự tham gia của UBKT Trung ương tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan về các khuyết điểm, vi phạm nêu tại Thông báo kết luận số 89-TB/UBKTTW ngày 11-7-2016 của UBKT Trung ương. Giao Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với UBKT Trung ương và các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, đánh giá các quy định, quy trình về công tác cán bộ để sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ.
Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ và Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương có sự tham gia của UBKT Trung ương tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với các tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm trong việc thẩm định, đề nghị cấp có thẩm quyền tặng thưởng huân chương Lao động trong hai năm liền (năm 2009 và năm 2010) và phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (năm 2011).
Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng của ngành công an điều tra, làm rõ vi phạm để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng (giai đoạn 2011-2013) ở Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam; chỉ đạo xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc cấp biển số xe công trái quy định, rà soát, thu hồi biển số xe công (biển xanh) đã được cấp và sử dụng trái quy định.
Đối với những việc thuộc thẩm quyền của UBKT Trung ương đã quyết định (tiến hành quy trình xem xét kỷ luật đối với ông Trịnh Xuân Thanh; tiếp tục kiểm tra, làm rõ trách nhiệm và xem xét lại việc kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và một số cá nhân. Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2010-2015 và ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương, Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh và giao UBKT Trung ương cần chỉ đạo chặt chẽ các đoàn kiểm tra xem xét, kết luận bảo đảm đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
"Việc kiểm tra phải thực hiện công tâm, khách quan, trong sáng, không chịu bất kỳ một sức ép nào của bất cứ tổ chức, cá nhân nào; chỉ đạo tiến hành khẩn trương các công việc được giao và báo cáo kết quả với Ban Bí thư” - vị lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng thông tin.
NGUYỄN ĐỨC

Từ vụ ông Vũ Huy Hoàng: Làm sao tránh tình trạng 'hạ cánh an toàn'?

VIỆT HOA - TRỌNG PHÚ ghi - Thứ Năm, ngày 21/7/2016 - 17:47
(PLO)- Đó là vấn đề đại biểu QH Nguyễn Sĩ Cương nêu ra trong cuộc trao đổi với báo giới bên hành lang QH chiều 21-7. 
Phóng viên: Theo ông, những trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng như nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng nhưng đã nghỉ hưu thì phải xem xét xử lý thế nào ?
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Tôi nghĩ là đó là vấn đề dư luận rất bức xúc. Chúng ta phải làm thế nào để tránh tình trạng người ta hay nói là "hạ cánh an toàn" bởi vẫn có tâm lý khi đã hết nhiệm kỳ, không còn chức danh tại chính quyền, Đảng thì việc kỷ luật không nghiêm túc.
Cho nên tôi nghĩ rằng việc xử lý, có thể không còn chức danh về mặt chính quyền nhưng cần xem xét nghiêm túc về mặt đảng, cụ thể kỷ luật đảng viên phải nghiêm.
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương. Ảnh: VIỆT HOA
Điều nuối tiếc của vị đại biểu QH tái cử
. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa trước, nhiều người đã chất vấn cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về các vấn đề quản lý ngành. Nhưng dường như, các đại biểu, trong đó có ông, đã quên giám sát, chất vấn về công tác nhân sự của bộ này?


+ Vừa qua, khi tôi đi tiếp xúc cử tri vận động bầu cử, cử tri họ hỏi tôi, nhiệm kỳ vừa qua có áy náy gì không? Có điều gì không thỏa mãn với trách nhiệm của một ĐBQH. Tôi nói rằng tôi chất vấn rất nhiều nhưng tiếc rằng có những vấn đề chất vấn không được trả lời và thực hiện nghiêm túc.
Riêng với Bộ Công Thương, theo tôi, không chỉ có vấn đề nhân sự, tuyển dụng như tôi đã chất vấn mà còn nhiều vấn đề khác nữa. Nên trong thời gian tới cần giám sát những chức năng nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Công Thương.
Hay ở bộ, ngành khác cũng vậy. Đơn cử như ở Bộ NN&PTNT, vừa rồi thanh tra đã phát hiện ra nhiều vấn đề cấp khống giấy tờ chứng nhận phân bón. Nhưng chất lượng phân bón giao cho Bộ Công Thương quản lý đã thực sự tốt hay chưa, cũng cần xem xét lại.
. Các khóa Quốc hội trước đây có vẻ như chưa chú trọng đến việc giám sát với Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước nên đã xảy ra sai phạm tại hàng loạt các công trình sử dụng vốn nhà nước, trong đó có nhiều công trình quy mô lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng. Ý kiến ông thế nào?
+ Hoạt động giám sát của Quốc hội không thể đi sâu cụ thể tới vậy mà còn cần chức năng giám sát của nhiều cơ quan khác như kiểm toán nhà nước, Thanh tra tài chính... Việc giám sát các chương trình, dự án thường sẽ có Chính phủ quyết định.
Ở các nước khác, khi các tập đoàn, tổng công ty nào sử dụng vốn nhà nước có vấn đề thì Quốc hội của họ có thể yêu cầu chất vấn lãnh đạo doanh nghiệp, truy trách nhiệm của họTuy nhiên, ở ta không thể làm như thế vì lý do cơ chế. Khi tham gia góp ý Luật Giám sát của Quốc hội, tôi đã có ý kiến.
Trong thực tế, nhiều công trình, dự án giao cho một địa phương thì các bộ, ngành chỉ có chức năng hỗ trợ về chính sách; còn thực hiện là do địa phương. Nhưng tới khi chất vấn, Quốc hội lại không có chức năng chất vấn các lãnh đạo địa phương, mà chỉ chất vấn trưởng ngành. Do đó, cần thay đổi để hoạt động giám sát của Quốc hội hiệu quả hơn.
'Bộ phận nào cũng có nhưng hỏi cái gì cũng không biết'
. Từ đó, nên chăng việc phân cấp cho chính quyền địa phương trong việc quyết định các dự án lớn cũng cần xét lại, để tránh tình trạng đáng tiếc như ở Formosa?
+ Đúng nhưng nói về chính quyền địa phương thì có nhiều điều đáng buồn. Riêng về việc này, tôi đã chuẩn bị một bài phát biểu về chương trình giám sát của Quốc hội 2017 vào ngày 25-7 tới. Nếu chúng ta có đội ngũ cán bộ công chức đạt chuẩn thì đã không tới mức có nhiều vấn đề xảy ra ở địa phương mà chính quyền không biết, không chịu trách nhiệm khiến xã hội bức xúc.
Bộ máy chính quyền địa phương, bộ phận nào cũng có, cán bộ công chức tinh giản biên chế vẫn cứ cồng kềnh nhưng khi nói tới chuyện xảy ra tại địa phương thì cái gì cũng không biết, không có trách nhiệm. Đó là điều rất đáng tiếc.
.Theo ông, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV này, cơ chế giám sát cần siết chặt như thế nào?
+ Hoạt động giám sát của Quốc hội là tối cao nhưng dừng ở mức độ nhất định. Chứ đòi hỏi giải quyết mọi vấn đề thì còn khoảng cách.
Theo tôi, hoạt động thanh, kiểm tra của cơ quan Đảng, chính quyền cần nâng cao hơn nữa. Xét cho cùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thực hiện được mấy cuộc giám sát trong khi bức xúc của XH rất lớn. Trông chờ giám sát của Quốc hội mang lại hiệu quả trong điều hành quản lý thì khó.
. Xin cảm ơn ông.
VIỆT HOA - TRỌNG PHÚ ghi

Không có nhận xét nào: