28/07/2016 18:13 GMT+7
TTO - Đó là nội dung trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về vụ hải sản chết hàng loạt ở Miền Trung do việc xả thải của công ty Formosa.
Báo cáo của Chính phủ cũng tiết lộ thêm Formosa đã không xây bể lọc trong trạm xử lý nước thải sinh hóa như cam kết.
Theo báo cáo do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà thừa ủy quyền Thủ tướng ký, hải sản chết bất thường bắt đầu ở Hà Tĩnh từ ngày 6-4-2016.
Lãnh đạo Chính phủ và các Bộ ngành đã nhanh chóng vào cuộc, thực hiện nhiều biện pháp, trong đó có tiến hành biện pháp pháp lý buộc Formosa thừa nhận trách nhiệm, công khai xin lỗi và cam kết bồi thường cả cho xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường ở 4 tỉnh miền Trung.
Formosa không xây bể lọc trong trạm xử lý nước thải sinh hóa
Báo cáo nhắc lại nguyên nhân cá chết đã công bố với báo chí (do nguồn thải ở khu vực Vũng Áng - Hà Tĩnh chứa keo sắt dưới dạng mixel hấp phụ các chất như Phenol, Xyanua… di chuyển theo dòng hải lưu), nêu rõ một đoàn kiểm tra liên ngành gồm tới 72 người đã được thành lập để đi kiểm tra các cơ sở nghi vấn.
Những cơ sở bị kiểm tra gồm: Formosa, Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh, Trung tâm dịch vụ hạ tầng Khu kinh tế Hà Tĩnh.
Đoàn kiểm tra chia làm 6 tổ, kết quả đã phát hiện Formosa vi phạm nhiều quy định hành chính về bảo vệ môi trường và cuối cùng xác định chỉ nguồn thải của Formosa mới có Phenol và Xyanua.
Chính phủ cũng báo cáo chi tiết về quá trình buộc Formosa thừa nhận sai phạm.
Theo đó, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Công an, Bộ Khoa học Công nghệ, Tỉnh ủy Hà Tĩnh… cùng đấu tranh, với yêu cầu cao nhất là phải đảm bảo quyền lợi của hàng triệu người dân miền Trung nhưng cũng đảm bảo lợi ích các bên, đảm bảo Thỏa thuận về xúc tiến và bảo hộ đầu tư giữa VN và Đài Loan.
Kết quả, Formosa đã phải thừa nhận 53 sai phạm, trong đó có sai phạm lớn như tự ý chuyển đổi công nghệ luyện cốc từ dập cốc khô (dùng khí trơ) sang thải ướt (dùng nước).
Đặc biệt, báo cáo của Chính phủ tiết lộ thêm: Formosa đã không xây lắp bể lọc cho trạm xử lý nước thải sinh hóa như cam kết họ đã chấp nhận trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Mặc dù ngày 30-6 mới công bố nguyên nhân cá chết nhưng Chính phủ thực tế quá trình đàm phán đã kết thúc vào lúc 18g ngày 28-6. Vào thời điểm đó, Formosa đã ký thỏa thuận trước sự chứng kiến của Trưởng Văn phòng đại diện kinh tế văn hóa Đài Bắc tại VN.
“Chính quyền Đài Loan cũng thể hiện rõ quan điểm ủng hộ Chính phủ VN xử lý vi phạm của Formosa Hà Tĩnh” - báo cáo của Chính phủ nêu.
Hậu quả sự cố là nặng nề
Trong báo cáo, Chính phủ cũng thẳng thắn công bố chi tiết những thiệt hại cả kinh tế và xã hội việc hải sản chết hàng loạt. Về kinh tế, riêng số hải sản chết dạt vào bờ được đánh giá khoảng 100 tấn.
Tuy nhiên, lâu dài, do các rạn san hô, phù du sinh vật cũng chết nên có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi thức ăn biển, khiến suy giảm đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản khu vực, ảnh hưởng đến sinh kế lâu dài của dân.
“Hệ sinh thái biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng” - thừa nhận thực tế trên, Chính phủ xác định có tới trên 17.600 tàu cá và gần 41.000 người đã bị ảnh hưởng trực tiếp. Trên 176.000 người phụ thuộc bị ảnh hưởng theo.
Do không thể đánh bắt trong phạm vi từ bờ đến 20 hải lý, có tới 90% tàu lắp máy công suất thấp và gần 4.000 tàu không lắp máy đã phải nằm bờ. Sản lượng khai thác ven bờ thiệt hại khoảng 1.600 tấn/tháng.
Với hoạt động nuôi trồng thủy sản, có 9 triệu tôm giống bị chết, hàng ngàn lồng nuôi cá cũng bị thiệt hại.
Hoạt động du lịch thì không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp ở 4 tỉnh miền Trung vì theo Chính phủ, nhiều doanh nghiệp du lịch ở Hà Nội và TP.HCM cũng bị thiệt hại khi khách dự định đến 4 tỉnh miền Trung hủy tour, khiến công suất sử dụng phòng tại bốn tỉnh trên mất 40-50%.
Riêng Hà Tĩnh sau sự cố, công suất phòng khách sạn chỉ còn 10-20%.
Về xã hội, Chính phủ thừa nhận sự việc đã khiến giảm lòng tin của các tầng lớp nhân dân. Người dân nghi vấn về quá trình thẩm định, phê duyệt đầu tư; giảm cả lòng tin về khả năng của các cơ quan chức năng trong ứng phó các tình huống khẩn cấp về môi trường.
Một bộ phận không còn tin vào sự an toàn của cá biển và các sản phẩm liên quan như nước mắm, rong tảo…
Sự việc còn tiềm ẩn nguy cơ an ninh khi nhân dân lo lắng về sinh kế, thất nghiệp, thậm chí nợ nần, phá sản do không tiêu thụ được hải sản.
Về giải pháp, Chính phủ nêu đã xuất cấp trên 4.000 tấn gạo cho dân. Đặc biệt, Chính phủ nêu sẽ cố gắng đến tháng 8-2016 sẽ đưa tiền đền bù đến cho người dân.
Chính phủ khẳng định cũng đã chỉ đạo đánh giá lại quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải, quan trắc môi trường, kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
C.V.KÌNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét