(Chính trị) - Ông Nguyễn Văn Pha: Không công nhận tư cách đại biểu đối với hai cá nhân là kinh nghiệm xương máu của MTTQ.
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV khai mạc vào ngày mai (20/7), Mặt trận Tổ quốc sẽ có báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri, tập trung vào những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện công tác bầu cử.
Trao đổi với phóng viên VOV, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng: việc không công nhận đại biểu Quốc hội đối với ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là sự việc đáng tiếc và ngoài tầm của MTTQ Việt Nam. MTTQ Việt Nam coi đây là kinh nghiệm xương máu.
PV: Thưa ông, qua tổng hợp ý kiến cử tri gửi đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, ông thấy những vấn đề gì cử tri quan tâm và kỳ vọng?
Ông Nguyễn Văn Pha: Lần này MTTQ phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập hợp cơ bản nội dung đã thống nhất giữa các bên, tập trung vào những nội dung lớn của đất nước như xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, vấn đề đổi mới phương thức hoạt động của bộ máy nhà nước, đặc biệt là Quốc hội, Chính phủ, cơ quan chính quyền các cấp; Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường; về an ninh chính trị, an toàn xã hội.
Thông qua cuộc bầu cử, nhất là cuộc tiếp xúc cử tri với người ứng cử, cử tri mong muốn qua việc kiểm điểm, đánh giá nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Chính phủ và các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương rút ra bài học kinh nghiệm cả nhiệm kỳ, nhất là những mặt tồn tại, yếu kém, để từ đó Quốc hội khóa mới, Chính phủ khóa mới, các cơ quan từ trung ương đến địa phương ngay lập tức phải bắt tay ngay vào việc triển khai thực hiện những quyền, trách nhiệm của mình theo Luật. Cử tri mong muốn về phía Quốc hội, công tác xây dựng pháp luật cần được đầu tư hơn nữa về mặt chất lượng; với Chính phủ cần có sự thay đổi lớn trong công tác điều hành, cải cách thủ tục hành chính.
Hiện nay, vấn đề này đang được Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt, cử tri rất hoan nghênh, mong muốn vấn đề này sẽ có sự thay đổi, từ người đứng đầu chính phủ cho đến các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, các huyện, các xã. Hệ thống hành chính nhà nước làm sao phải được cải cách triệt để.
Về hoạt động của ngành Tòa án, Viện Kiểm sát, cử tri cũng mong muốn với vị trí mới tòa án cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình trong việc đảm bảo quyền tư pháp.
Về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, cử tri hết sức bất bình, sự việc của Formosa sau bầu cử mới xử lý trong khi nó đã xảy ra trong quá trình bầu cử. Khi Chính phủ công bố công khai nguyên nhân gây ra vụ cá chết, cử tri mong muốn chính quyền các cấp không đánh đổi mọi giá để phát triển kinh tế mà phải phát triển kinh tế bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường.
PV: Thưa ông, vừa qua có 2 ứng cử viên được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XIV bị Hội đồng Bầu cử Quốc gia bác tư cách đại biểu, là ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Vậy tại sao qua 3 vòng Hiệp thương, Mặt trận không phát hiện được những sai phạm này?
Ông Nguyễn Văn Pha: Có thể nói việc 2 người vừa được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XIV bị Hội đồng Bầu cử Quốc gia xóa tên là sự việc đáng tiếc. Trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh do Ủy ban MTTQ tỉnh Hậu Giang hiệp thương. Trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường do Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hiệp thương. Tôi là người trực tiếp giúp cho mặt trận về lĩnh vực này tôi thấy trong quá trình hiệp thương hồ sơ ứng cử của những người này hoàn toàn đảm bảo tiêu chuẩn.
Hồ sơ ứng cử của trung ương do Hội đồng Bầu cử Quốc gia tiếp nhận, kiểm tra và chuyển cho Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Hồ sơ người ứng cử ở địa phương do Ủy ban Bầu cử tỉnh tiếp nhận, kiểm tra và chuyển cho mặt trận. Sự phối hợp này là quy trình đã được thực hiện trước đây. Hồ sơ của họ cũng đảm bảo mọi quy định của pháp luật.
Đặc biệt, quá trình Hội nghị cử tri nơi cư trú và nơi công tác đều đồng tình ủng hộ tới 100%. Với kết quả đó thì việc đưa họ vào danh sách chính thức những người ứng cử là điều đương nhiên. Những vấn đề phát sinh đối với 2 cá nhân này là sự việc hết sức đáng tiếc và ngoài tầm của MTTQ Việt Nam. MTTQ Việt Nam tán thành với cách giải quyết của Hội đồng Bầu cử quốc gia và coi đây là kinh nghiệm xương máu.
PV: Như ông vừa nói, Mặt trận coi đây là kinh nghiệm xương máu trong quá trình hiệp thương, lựa chọn người ứng cử đại biểu Quốc hội. Vậy tới đây Mặt trận cần làm gì để không để xảy ra những sai sót như vậy?
Ông Nguyễn Văn Pha: Tới đây, trong quá trình tổ chức Hiệp thương phải tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Mặt trận với các cơ quan hữu quan, của Đảng, Nhà nước. Tất cả thông tin liên quan đến người ứng cử phải được các cơ quan Đảng, Nhà nước cung cấp cho Mặt trận kịp thời, nếu không rất khó có thể đảm bảo kỳ sau không xảy ra những chuyện như vậy nữa.
PV: Xin cảm ơn ông./.
(Theo VOV)
‘Phải sống! Sống để còn trở về tố cáo tội ác của chúng’
Thuyền trưởng tàu cứu nạn SAR 412 Phan Xuân Sơn cho rằng, đây chính xác là tội ác giết người. “Đâm chìm xong rồi bỏ chạy, thủ đoạn vừa bất nhân vừa hèn hạ”.
“Tui đang cầm bộ đàm liên lạc với anh em, thì nghe một cái rầm. Tàu xoay ngang, hất tui ngã nhào xuống ghế lái. Nước tràn vào ào ạt. Tui biết ngay là tàu bị đâm nên hít thở, tỉnh táo trở lại kêu gào 2 đứa Nhân và Phương. Xong đâu đấy cầm bộ đàm, hét lên thông báo với tất cả anh em thuyền viên đang thả câu: Tàu bị đâm rồi, về ngay cấp cứu”- người đàn ông vâm vấp xứ biển Bình Minh kể lại đêm kinh hoàng với chất giọng khàn đục.
Thuyền trưởng Thành có lẽ sẽ không bao giờ quên được thời khắc kinh hoàng nhất cuộc đời mình.
Ông nói: “Lúc đó khoảng 23 giờ đêm, trên tàu chỉ còn lại 3 người gồm tui, con trai Phạm Phú Nhân và cháu Võ Thanh Phương. Các ngư dân khác đã đi theo thúng thả câu đằng xa. Đây là may mắn của chúng tôi. Nó mà đâm sớm hơn độ tiếng đồng hồ, cầm chắc nhiều người chết”.
Cú đâm chí mạng của con tàu lạ giữa biển đêm 3/5 khiến tàu câu mực QNa 95959 nứt toác, xoay ngang rồi từ từ chìm hẳn xuống đáy đại dương.
34 ngư dân trên tàu bấu víu thuyền thúng và thân tàu, chiến đấu giành giật mạng sống với tử thần đến 7 giờ sáng 4/5, khi được tàu cứu nạn vớt lên.
16h30 chiều 5/5, người thân, chính quyền các cấp như vỡ òa trong sung sướng đón 34 ngư dân từ cõi chết trở về.
34 ngư dân, dẫn đầu là thuyền trưởng Phạm Phú Thành mệt mỏi bước lên bờ. Nhưng giọt nước mắt của người thân đã cạn trong mấy ngày chờ đợi, giờ lại tuôn rơi.
Phạm Phú Nhân, mặt vẫn còn vương máu, sợ hãi kể: “Cú đâm làm em bất tỉnh. Mãi sau mới gượng dậy được để tìm cha. Lúc đó hoảng thật sự”.
Bản lĩnh thuyền trưởng của anh Thành, người đàn ông hơn 35 năm chinh chiến Hoàng Sa được thể hiện. 2 thuyền viên Nhân và Phương nghe lời anh, bấu víu vào phần nổi con tàu đang dần bị chìm, chờ thúng tới cứu.
Ngư dân già Hồ Hữu kể: Thúng tui lúc đó đi xa nhất, chừng 10 hải lý, đang thả câu thì nghe Thành nói tàu bị đâm. Lập tức quay về tàu.
Ông Hữu cho biết, gần 1 giờ sáng, phải mất nhiều thời gian anh em mới quay lại tàu, lúc này tàu chỉ còn nổi một phần, mũi tàu cũng đang chìm.
Anh Thành cho biết, trong thời khắc chờ thúng về, tàu chìm rất nhanh. 3 người bám phần mũi, nhắc nhở nhau rằng, cần phải sống.
“Tui nói với 2 đứa: phải sống. Sống để còn trở về tố cáo tội ác của chúng”.
Anh Thành cho biết đó là cú cố tình đâm của tàu lạ bởi tàu anh khi neo đậu, bật đèn sáng trưng. Hơn nữa các thiết bị định vị, báo hiệu khi trên biển đều cho biết, không lý do gì để xem đây là vụ tai nạn.
“Phải nói rằng họ cố tình giết người” – anh Thành khẳng định.
Sau hơn 1 giờ bám trụ thân tàu, nhiều thúng đã quây lại. Từ đây, họ bắt đầu hành trình đói lạnh quay quắt giữa đêm đen Hoàng Sa, ngóng chờ hy vọng.
Khoảng 7 giờ sáng hôm sau (4/5), tàu QNa 94998 tới vớt mọi người lên. Những cơ thể rã rời thoát chết!
Thuyền trưởng tàu cứu nạn SAR 412 Phan Xuân Sơn cho rằng, đây chính xác là tội ác giết người. “Đâm chìm xong rồi bỏ chạy, thủ đoạn vừa bất nhân vừa hèn hạ” – anh Sơn khẳng định!
Trắng tay ngày về
34 ngư dân trên tàu, đa phần là những ngư dân dạn dày Hoàng Sa với hơn 15 năm đi biển. Đây là lần thứ 2, họ thoát chết ngoạn mục.
Cách đây 10 năm, họ cũng vương nạn cơn bão Chan Chu (2006) và trắng tay trở về. Lần này, họ cũng trắng tay, nhưng vì tội ác của một con tàu lạ.
Chị Trần Thị Định, vợ ngư dân Bùi Văn Khá (thuyền viên tàu ĐNa 95959) khóc tức tưởi: “Chúng nó ác quá, dân làm ăn chứ làm chi ai mà đâm cho chìm tàu rứa. Ra tết mới sắm được bộ đồ nghề cho ổng đi câu mực hết hơn 30 triệu giờ đổ biển mất rồi…”.
Chị Bùi Thị Luận (trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình), vợ chủ tàu QNa 95959 cho hay, con tàu của gia đình chị được đóng với chi phí 6 tỷ đồng. Tổng cả thiệt hại của ngư dân và hải sản trên tàu ước tính khoảng 10 tỷ đồng.
Để có được con tàu này, gia đình đã vay mượn ngân hàng và bà con hơn 2,5 tỷ đồng. Hiện vẫn còn nợ ngân hàng gần 1 tỷ đồng.
“Vào tối 3/5, anh Thành có điện về cho tôi nói rằng, trên tàu đã đánh bắt được khoảng 28 tấn mực (tương đương 1,5 tỷ đồng). Nghe nói vậy, tôi an tâm và mừng cho anh em bạn, vì đây là chuyến biển đầu tiên của năm.
Ai ngờ, tin vui bị dập tắt vào sáng 4/5, khi anh Phạm Phú Trung (cùng trú xã Bình Mình) chủ tàu cá QNa-94998TS điện về cho tôi nói rằng, tàu anh Thành bị tàu lạ đâm chìm trên biển, tôi như chết điếng…”-chị Luận nói.
Ông Nguyễn Hồng Quang – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Sau khi nhận thông tin về tàu cá của tỉnh bị đâm chìm, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Bộ đội Biên phòng tỉnh thông tin cho các ngư dân khu vực lân cận và các lực lượng chức năng tìm mọi cách cứu hộ ngư dân. Tỉnh đang kiểm tra lại thông tin chính thức để có báo cáo và nêu chính thức quan điểm.Việc tàu lạ đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Nam là một hành động vô nhân đạo, không những gây thêm tình hình căng thẳng ở Biển Đông mà còn gây thiệt hại nặng cho ngư dân Việt đánh bắt thủy hải sản trên chính vùng biển của Việt Nam”.
Theo Dân Việt
Khóc thét, ngất xỉu đón 34 ngư dân chìm tàu trở về
(NLĐO) – Người nhà các ngư dân khóc hết nước mắt đón các ngư dân bị tàu lạ đâm chìm khi đang đánh bắt hải sản ngoài khơi xa trở về đến bờ.
Lúc 16 giờ 10 phút chiều 5-5, tàu cứu nạn SAR 412 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Danang MRCC) đã đưa 34 ngư dân quê Quảng Nam gặp nạn về đến TP Đà Nẵng.
Khi vừa thấy bóng dáng của tàu cứu nạn, hàng chục thân nhân của các ngư dân đã tràn ra bến cảng khóc la thảm thiết. Những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má những người vợ, người mẹ, người con khi người thân của mình gặp nạn về đến đất liền.
Vợ 1 ngư dân ngất xỉu
Khi tàu vừa cập cảng đưa các ngư dân lên bờ, những người vợ ùa đến ôm chồng, người mẹ ôm con và người con ôm cha khiến cho những người có mặt tại bến cảng không cầm được nước mắt.
Kể với các phóng viên, thuyền trưởng Phạm Phú Thành (ngụ thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) cho biết vào khoảng 20 giờ đêm 3-5, khi ông vừa thả thúng cho các thuyền viên đánh bắt thì xuất hiện một chiếc tàu vỏ thép màu xám mà ông nghi ngờ đó là tàu của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc tiến đến. Ông Thành lúc này đã điều khiển tàu cách khu vực đó khoảng 2 hải lý nhưng chiếc tàu kia bám theo và đâm mạnh vào tàu câu mực của ông rồi bỏ đi. Do đêm tối nên ông Thành không rõ số hiệu cũng như tàu của nước nào. Lúc này, ngoài ông Thành thì trên tàu chỉ có 2 người nấu ăn là con trai ông Thành và một ngư dân khác.
Khi tàu câu mực của ông bị đâm mạnh, con trai ông đã bị ngất xỉu. Thấy con như vậy, ông chạy đến ôm con đưa lên khu vực phía trên rồi nỗ lực cứu tàu nhưng chiếc tàu dần chìm xuống đáy biển. Sau đó, ông Thành đã phát tín hiệu cho các ngư dân bơi thúng đến ứng cứu rồi liên lạc với tàu cá QNa-94998-TS do ông Phạm Phú Trung (ngụ cùng xã) đến ứng cứu.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, lúc 23 giờ ngày 3-5, tàu cá QNa-95959 TS do ông Thành làm thuyền trưởng cùng 33 lao động đang hành nghề câu mực trên vùng biển Hoàng Sa tại tọa độ 19o10 Vĩ bắc, 113o50 Độ kinh đông (cách Đà Nẵng khoảng 350 hải lý về hướng Đông Bắc) thì bị tàu Trung Quốc đâm chìm.
Một số hình ảnh xúc động mà phóng viên ghi lại:
Người già người trẻ khóc hết nước mắt khi thuyền cứu nạn sắp cập bến
Nước mắt xúc động đón người thân trở về
Tr. Thường - Q. Quý
Các resort do người Trung Quốc đầu tư có trạm phát sóng chui?
Đài truyền thanh quận Ngũ Hành Sơn và một số trạm truyền thanh các phường thuộc quận này, mỗi khi phát sóng toàn là tiếng… Trung Quốc. Đáng tiếc, phát hiện tình trạng này không phải là các cơ quan chức năng của quận, mà là do người dân.
Ban đầu bà Nguyễn Thị Anh Thi, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho hay, sở dĩ có tình trạng này là do phía Trung Quốc đang phát sóng cực mạnh nhắm vào các địa phương dọc ven biển miền Trung nước ta.
Theo chúng tôi, lý do này là chưa thuyết phục, bởi các địa bàn ven biển khác của Đà Nẵng như Sơn Trà, Liên Chiểu, Thanh Khê… không có hiện tượng này. Phải chăng có “ổ” phát sóng lậu tiếng Trung Quốc trên địa bàn quận này có công suất lớn nên mới “chèn được sóng” đài địa phương!
Theo ý kiến của một số người dân trên địa bàn, tình trạng này xảy ra đã khá lâu, chứ không phải mới xuất hiện gần đây. Thực hư chuyện này, chúng tôi đang chờ câu trả lời của cơ quan chức năng.
Khu vực quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) nghi bị sóng Trung Quốc chèn vào từ phía biển (ảnh Thanh Hiếu)
|
Cạnh đó lại có ý kiến của ông ông Mai Xuân Thủy (Phó Chánh Văn phòng UBND quận Ngũ Hành Sơn), hiện tượng bị “chèn sóng” là do các resort, do người Trung Quốc làm chủ đầu tư, hiện đã xác định được vị trí!?
Theo những thông tin ban đầu ấy, dư luận lại càng thêm hoang mang, không biết đúng sai ra sao!
Sáng nay (thứ Hai 18/7) Thường trực Quận ủy Ngũ Hành Sơn đã làm việc với Đài truyền thanh quận để tìm hiểu rõ thêm vấn đề và Thường trực UBND quận Ngũ Hành Sơn đã họp để triển khai các ý kiến chỉ đạo của Thường trực Quận ủy về vấn đề này.
Sau cuộc họp, bà Nguyễn Thị Anh Thi cho biết, do Trung Quốc phát sóng tiếng Trung cực mạnh. Các đài phát thanh, truyền thanh dọc biển ở Ngũ Hành Sơn nếu trùng tần số phát sóng của phía Trung Quốc thì đều bị hiện tượng như vậy.
Giải quyết vấn đề này ngoài tầm tay của quận, mà phải do Cục Tần số. Hiện tại Cục Tần số cũng không quản lý được vì Trung Quốc không đặt trạm phát sóng trên địa bàn Việt Nam nên không xử phạt được.
Bà Thi còn cho biết, trước đây đã xảy ra tình trạng này tại trạm truyền thanh phường Mỹ An. Tuy nhiên, khi trạm phát sóng này được nâng cấp bộ phát, thì hiện tượng này không còn.
Hỏi về hướng xử lý, bà Thi cho hay, lãnh đạo quận yêu cầu xử lý dứt điểm tình trạng này. Tuy nhiên, kinh phí để xử lý là khá lớn. Vì vậy, trước mắt UBND quận vừa báo cáo với Sở Thông tin-Truyền thông, mặt khác cho tạm dừng phát sóng, thông báo rộng rãi cho nhân dân biết. Trong khoảng thời gian 1 tháng tạm dừng, quận sẽ đầu tư nâng cấp các bộ phát, với hy vọng là sẽ xử lý được vấn đề này.
Vấn đề đặt ra lúc này là các cơ quan chức năng của thành phố Đà Nẵng sớm vào cuộc điều tra và có kết luận rõ ràng. Liệu có “ổ” phát sóng chui từ các các resort, do người Trung Quốc làm chủ đầu tư hay không? Hay do Trung Quốc phát từ biển vào cực mạnh như lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn nhận định! Đồng thời có biện pháp khắc phục ngay, không thể để tình trạng người dân trên địa bàn thiếu thông tin chính thống vì bị Trung Quốc “chèn sóng”.
( Petro Times )
Lâm Quý
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét