Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

Bùi Lan Anh: Hà Tĩnh bây giờ ai nhiễm độc mồm?; Thưa ông Võ Tá Đinh, nếu không đủ năng lực ông hãy dũng cảm từ chức!; Scandal về chất gây ung thư có trong vật liệu xây dựng của Trung Quốc; Formosa và 3 lần 'đụng' ông Võ Kim Cự; Khốn đốn vì dự án 16 tỷ đô; Formosa nên chuyển sang… sản xuất tăm!; Sẽ kiểm điểm việc lấy thiếu mẫu chất thải của Formosa chôn trái phép trên rừng

Bùi Lan Anh 

Nhân chuyện có vị quan ở Kỳ Anh chửi các nhà báo nhiễm độc mồm. Em muốn lạm tút thêm, thực ra thì ai đang nhiễm độc?
Tốc độ phê duyệt cho Formosa vào Hà Tĩnh, nhanh thế nào, chắc không cần nói nữa. Vị thủ bút cho vụ này, rồi em sẽ kể về sau, vì ổng kêu đang bận chuyện quốc sự, chưa rảnh để giả nhời. Hễ ổng giả nhời, em sẽ lại hầu các mẹ. Tất nhiên, không nói, thì cái người mà ai cũng biết là ai ấy, các mẹ đều hiểu vị cựu lãnh đạo lừng lẫy gắn với Titan và Quặng sắt của tỉnh Hà Tĩnh này là ai dồi.
Tút này, em muốn đề cập tới những người đang đương chức của tỉnh Hà Tĩnh, họ đã ở đâu, đã làm gì khi người dân rên xiết, khi những ngư dân của Kỳ Anh, Hà Tĩnh đứng trước hiểm họa về môi trường và cơn bĩ cực đói nghèo đang ở ngay trước mắt?
Nhiều người cũng đã nói về Hà Tĩnh, nơi có vị chủ tịch trẻ tuổi nhất nước, đáng lẽ ra phải là người xông xáo, hăng hái, cống hiến như cái tuổi mà anh từng tự hào khi trúng cử Chủ tịch tỉnh? Thế nhưng, 3 tháng trôi qua, ông Nguyễn Quốc Khánh chưa một lần xuất hiện, lên tiếng thể hiện thái độ về vụ việc này? Hoặc ít nhất, cũng cùng với tùy tùng, lãnh đạo kiểm tra, thị sát đại dự án, hay có vài động thái (dù có thể không mong muốn) nhưng để làm yên lòng những con dân đang ngoắc ngoải, mòn mỏi chờ đợi và hoang mang vì phía trước không có chút ánh sáng nào?
Nhiều người cũng đã nói về ông Phó chủ tịch Đặng Ngọc Sơn khuyên dân ăn cá, tắm biển Vũng Áng khi chất độc của Formosa vẫn còn lắng đọng trong vùng biển này? Hay sáng nay, nhiều người bất ngờ khi đương kim Phó chủ tịch Thị xã Kỳ Anh? Nơi mà Formosa đang hoành hành, đổ thải, coi thị xã như cái bể phốt để vung vãi chất thải khắp nơi? "Cá nhiễm độc từ cái mồm của các bạn", hay dân "náo", báo chí "náo"… những ngày qua, đủ để thấy vì sao Kỳ Anh, Hà Tĩnh lại đang trở thành bãi đổ thải của Formosa như vậy…
Không chỉ thế đâu các mẹ ạ. Nói về cảm nhận về cái sự hành xử của những "công bộc" của dân Hà Tĩnh này, em có lẽ thấu hơn ai hết!
Sau khi em thâm nhập, tiếp cận ống xả thải của Formosa, tiếp cận với Chu Xuân Phàm, phòng đối ngoại của Formosa, phỏng vấn ông Phàm, với phát ngôn để đời "chọn nhà máy thép, hoặc tôm cá", điều khiến em bất ngờ không phải là phát ngôn của Phàm, mà là sự vào cuộc vô cùng nhanh chóng, chớp nhoáng với màn gửi công văn đề nghị xử lý việc thông tin về ông Phàm của VTC - một đài truyền hình phát sóng trên phạm vi quốc gia, thuộc quản lý của cơ quan ngang bộ là VOV của ông Phan Tấn Linh, giám đốc sở TTTT Hà Tĩnh - nơi quản lý cơ quan báo chí của địa phương.
Website của sở này, có đề chức năng nhiệm vụ của sở Thông tin truyền thông: là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, tham mưu giúp ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, thông tin đối ngoại, bưu chính và chuyển phát; viễn thông và internet; truyền dẫn và phát sóng; tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, điện tử; phát thanh và truyền hình; cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông; quảng cáo trên các phương tiện báo chí, mạng thông tin máy tính và xuất bản phẩm (sau đây gọi tắt là thông tin và truyền thông); các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Sở; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân cấp, ủy quyền của UBND tỉnh và theo quy định của pháp luật.
Thế nhưng, ở thời điểm mà người dân, cơ quan chức năng sôi sùng sục tìm nguyên nhân cá chết, mỗi một manh mối được tìm ra, là một tín hiệu mừng để cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để tìm ra nguyên nhân cá chết! Thế nhưng, Phan Tấn Linh, với sự mẫn cán vốn có cho những vụ việc không theo đúng chức phận của mình đã gửi ngay công văn đến . Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TTTT, Vụ Báo Chí - Ban Tuyên giáo Trung Ương, Cục Báo chí Thanh tra Bộ Thông tin truyền thông, Ban Giám đốc Đài tiếng Nói VN… đề nghị xử lý việc đăng phát nội dung liên quan đến phỏng vấn này. Ngày 25/4 em tiếp cận với Chu Xuân Phàm, thì ngày 28/4 - tức là chỉ 3 ngày sau, ông Phan Tấn Linh đã đích thân ký công văn các mẹ ạ.
(Haizzz, đến đây, em trộm nghĩ, giá mà vụ việc nào - ngay như vụ Formosa thôi mà lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, hay là lãnh đạo sở TTTT như ông Linh cũng năng động, nhanh chóng giải quyết, nhanh chóng cung cấp thông tin, xử lý thông tin như thế này thì hẳn là người dân Hà Tĩnh cũng đã không phải điêu đứng hứng chịu thảm họa Formosa, cả nước cũng không phải ngóng chờ lâu đến thế mới có nguyên nhân cá chết.)
Phát ngôn của Chu Xuân Phàm ở thời điểm đó, với tư cách là người trực tiếp phỏng vấn, cá nhân em cảm nhận sự thách thức, coi thường người dân và Chính phủ Việt Nam khi bắt người dân phải lựa chọn giữa "cá và thép"! Không một người Việt có lương tâm nào khi nghe và nhìn hành động của Phàm không cảm thấy bức xúc vì sự tinh ranh, ma quái và cái sự thẳng toẹt trong khi phát ngôn của một cán bộ quản lý của Formosa ở thời điểm đó. Thế nhưng, thay vì nhìn nhận vụ việc như một người Việt bình thường, hay chí ít cũng phải tỏ thái độ như một người con của Hà Tĩnh khi quê hương đang bị đầu độc, khi bộ mặt của tỉnh nhà đang bị bôi lem, thì ông Phan Tấn Linh lại chĩa mũi dùi vào cơ quan báo chí đã có những hình ảnh ghi nhận kịp thời về thảm họa và góp phần cùng cơ quan chức năng xác định thủ phạm gây ra thảm họa cá chết ở biển miền Trung?
Anh Linh ạ, người dân đã đặt lên vai anh một trách nhiệm nặng nề là quản lý, định hướng báo chí ở tỉnh Hà Tĩnh, thì ít ra, công việc của anh ở thời điểm đó, cũng phải có tí liên quan đến việc định hướng những tờ báo địa phương, đài truyền hình Hà Tĩnh phản ánh kịp thời thông tin. Hay bét ra, khi các anh không đi làm được thì cũng phải có trách nhiệm chuyển tải thông tin để cho người dân nhìn rõ ra cái sự trơ tráo, thách thức của những người làm việc ở Formosa, chứ không phải là tận dụng chút thời gian quý báu của "công bộc" để chĩa mũi tấn công vào những người đang thực hiện đúng chức năng của mình?
Em trích một đoạn công văn, "nội dung trả lời phỏng vấn được cắt ghép thiếu tính thần xây dựng, giật tít gây ảnh hưởng đến uy tín của công ty và gây bức xúc, kích động trong nhân dân"! Ô anh Linh, anh có ngồi cùng bọn em trong cuộc họp phỏng vấn Formosa không mà anh biết là bọn em cắt ghép thiếu tinh thần xây dựng? Anh làm quản lý các cơ quan báo chí mà anh không hiểu rõ nguyên tắc của báo chí là được phép biên tập miễn sao không làm thay đổi nội dung sao? Anh có biết cụ thể cắt là cắt cái gì? Cắt như thế nào ở thời điểm đó không? Anh cho rằng bọn em đăng tải thì gây ảnh hưởng đến uy tín của công ty Formosa, thế còn uy tín của anh, sao rẻ thế anh? Đến lúc này, khi chính phủ công bố Formosa là thủ phạm, không thấy anh lên tiếng xin lỗi bọn em về việc đòi hỏi xử lý cơ quan báo chí ở Trung ương một cách vô lý như vậy nhỉ?
Và kỳ lạ là, những thông tin liên quan đến anh Phàm được đăng tải, ngay ngày hôm sau, Ban lãnh đạo của Formosa đã phải cúi đầu xin lỗi vì phát ngôn thiếu kiểm soát của ông Phàm, thì anh Linh ơi, anh không nhìn thấy, không nghe thấy hay anh cố tình che mắt, che tai đi vậy? Anh là người quản lý báo chí, thông tin của Hà Tĩnh, của người dân Hà Tĩnh hay là loa phát ngôn của Formosa mà Formosa chưa lên tiếng vì phát ngôn của ông PHàm, anh đã phải vội vàng đòi bọn em đính chính?
Đến đây thì tai em nóng quá rồi, phải đi uống cốc nước mát các mẹ ạ! Nghĩ đến những ngày tháng vừa qua, nhìn lại cái công văn là thấy lòng tan nát. Những cán bộ, công bộc của Hà Tĩnh hành xử kiểu như thế này, chẳng trách sao Formosa lại có thể hành xử như chốn không người trong những ngày vừa qua….
Ảnh của Bùi Lan Anh.
Ảnh của Bùi Lan Anh.


Thưa ông Võ Tá Đinh, nếu không đủ năng lực ông hãy dũng cảm từ chức!

08:23 | 19/07/2016
Tamnhin.net -  Một trong những nguyên nhân lớn nhất để dẫn tới việc Formosa “coi thường” pháp luật, gây ra thảm họa môi trường biển và đổ chất thải khắp nơi trên đất liền là do sự buông lỏng, yếu kém trong quản lý nhà nước về vấn đề môi trường của Hà Tĩnh, mà chịu trách nhiệm trực tiếp lĩnh vực này là ông Võ Tá Đinh – Giám đốc Sở TN&MT.
TIN LIÊN QUAN
Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh: Do hoảng quá nên lấy mẫu chất thải Formosa thiếu khách quan
Formosa "phủi" trách nhiệm vụ chôn chất thải ở trang trại giám đốc môi trường
Hàng trăm tấn rác công nghiệp của Formosa đang “mất tích”
Hà Tĩnh: 100 tấn chất thải từ Formosa – Cty Môi trường đô thị Kỳ Anh không đủ năng lực để xử lý
Hé lộ những điều khoản “lạ” trong bản hợp đồng giữa Cty Formosa và Cty môi trường đô thị Kỳ Anh
Ông Võ Tá Đinh - Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh.
Vào đầu tháng 4.2016, hiện tượng cá chết hàng loại đã gây rúng động dư luận, gây thiệt hại nặng nề đến kinh tế biển và đời sống của ngư dân bốn tỉnh miền trung. Ngay sau đó, các đoàn kiểm tra liên ngành của các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra và phát hiện nhiều vấn đề sai phạm của Formosa về xử lý môi trường. 
Từ việc Formosa lắp đặt đường ống xả thải ngầm dưới biển trái phép, nhập hàng trăm tấn hóa chất xúc rửa đường ống rồi xả thẳng ra biển không qua xử lý; gần đây bên cạnh việc phát hiện ra Formosa chôn chất thải khắp nơi, người dân cũng phát hiện ra đường ống xả thải ngầm trái phép xả nước chưa xử lý ra khu vực dân cư ở phường Kỳ Phương (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh), và Formosa đã bắt buộc phải cắt bỏ đường ống xả thải nhỏ này. 
Một điều trớ trêu là rất nhiều những phát hiện ra các bất thường, sai phạm của Formosa là nhờ người dân và báo chí. Vậy trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực môi trường, nhất là trách nhiệm của Sở TN&MT Hà Tĩnh, trực tiếp do ông Võ Tá Đinh làm Giám đốc ở đâu?
Trả lời báo chí khi được hỏi về trách nhiệm, cá nhân khi để xảy ra những sự việc vừa qua, ông Võ Tá Đinh nói: “Đối với Sở TN&MT, để xảy ra những sự cố này thì thấy có một phần trách nhiệm của mình trong đó”. 
Tuy nhiên, dư luận cho rằng Giám đốc Sở TN&MT cần nên thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm rất lớn của mình trong vấn đề này.
Là người đứng đầu đơn vị nhà nước trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động môi trường, xử lý chất thải của Formosa nhưng ông Võ Tá Đinh lại buông lỏng quản lý. 
Nếu như có trách nhiệm, ông Võ Tá Đinh đã không để Trung tâm quan trắc thuộc Sở - một đơn vị quản lý nhà nước, do ông Lê Anh Đức làm giám đốc trung tâm đi ký hợp đồng quan trắc với Formosa - đối tượng bị quản lý. Sau khi ký hợp đồng, Trung tâm này chỉ ngồi chờ Formosa lấy mẫu gửi lên để kiểm định, như vậy sẽ hoàn toàn bị động, không thể khách quan và chính xác. Ông Lê Anh Đức còn phát biểu trước báo chí: “giá cả hợp đồng thế nào là chuyện Trung tâm, chúng tôi không thể tiết lộ” (?). 
Người dân khó có thể tin được một đơn vị trực tiếp và thường xuyên làm việc với Formosa về vấn đề môi trường nhưng Sở TN&MT lại không phát hiện ra cách xử lý chất thải rắn cũng như đường ống xả thải ra khu vực dân cư?
Sau khi báo chí và người dân phát hiện ra việc chất thải của Formosa bị đem đi đổ lung tung khắp nơi, khi đó Sở TN&MT mới nháo nhào vào cuộc kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm. Khi đó mới phát hiện ra Formosa ký hợp đồng sai quy định với Công ty TVXD môi trường đô thị Kỳ Anh. Mà thực ra trước đó, ngày 14.6.2016, Sở TN&MT Hà Tĩnh đã có văn bản số 1447 gửi Cty Formosa Hà Tĩnh nêu rõ: Cty Môi trường đô thị Kỳ Anh không đủ điều kiện xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường và không được tiếp nhận, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại. Tuy nhiên, Formosa vẫn phớt lờ và tiếp tục ký hợp đồng với công ty này nhưng Sở TN&MT không hề hay biết (?) 
Ông Nguyễn Quang Hà - Phó Chủ nhiệm HTX Dịch vụ sinh thái Thiên Cầm cho biết: "Vào đầu tháng 5.2015, người của Cty Formosa Hà Tĩnh đã tự chủ động tìm đến bãi rác thị trấn Thiên Cầm (cách Formosa hơn 60km)  do HTX của ông quản lý, chủ động đặt vấn đề thuê HTX này chở chất thải của công ty về đây xử lý. Và hàng tấn chất thải đã được đổ xuống danh thắng nổi tiếng này. Từ sau vụ cá chết, bãi biển đã vắng khách, nay khi biết tin chất thải lại được đổ ở đây, khu du lịch này sẽ đi về đâu"?
Nếu nói hàng trăm tấn chất thải dạng bùn bánh, chất thải rắn của một công ty lớn như Formosa được đem đi tẩu táng, xử lý một cách cẩu thả, vi phạm pháp luật trong một thời gian dài khắp nơi như vậy mà một đơn vị quản lý trực tiếp về môi trường của công ty này như Sở TN&MT không hề hay biết thì người dân khó có thể tin được. 
Khó tin nhưng vẫn xảy ra, chứng tỏ đơn vị này, mà trực tiếp là ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở có sự yếu kém trong năng lực quản lý, buông lỏng và quá chủ quan trong khi Formosa là công ty đã có rất nhiều “vết đen”  gây ô nhiễm môi trường.
Và mới đây nhất, dư luận lại băn khoăn trước thông tin kết quả phân tích chất thải của Formosa do Sở TN&MT lấy mẫu tại trang trại của ông Lê Quang Hòa, Giám đốc công ty môi trường đô thị Kỳ Anh có 13/15 mẫu nằm trong giới hạn cho phép. 
Trước việc này, ông Võ Tá Đinh thừa nhận việc lấy mẫu là thiếu khách quan, khoa học và chưa đúng. “Khi xảy ra sự cố có đoàn công tác liên ngành nên làm anh em hoảng hay như thế nào đó mà chỉ lấy chừng đó”, ông Võ Tá Đinh nói. Chưa nói đến những việc quản lý lớn lao hơn, chỉ mỗi chuyện lấy mẫu như thế nào để phân tích Sở này cũng làm không xong!
Văn hóa từ chức cần có ở Hà Tĩnh
Trong thời điểm môi trường đã và đang bị ô nhiễm trầm trọng và tiếp tục bị đe dọa, Hà Tĩnh cần có người một người đứng đầu lĩnh vực này thực sự có năng lực, bản lĩnh, quyết đoán để điều hành, giám sát và quản lý một cách có hiệu quả. 
Với tất cả những gì đã xảy ra, nếu như cảm thấy không đủ khả năng, xin Giám đốc Sở TN&MT hãy dũng cảm từ chức, “nhường” lại vị trí này cho người có năng lực thực sự để lấy lại niềm tin và sự an tâm cho người dân.
Mai Nguyễn - Hà Vy



Scandal về chất gây ung thư có trong vật liệu xây dựng của Trung Quốc

Dân trí Gần 70 tòa nhà lớn và các công trình xây dựng trên khắp nước Úc đã sử dụng vật liệu xây dựng từ một công ty của Trung Quốc. Và mới đây họ đã phát hiện ra amiăng gây chết người có trong vật liệu lợp mái tại một bệnh viện trẻ em ở Perth và toà nhà văn phòng Brisbane.


The Australian đã có được danh sách của Yuanda, công ty cung cấp các sản phẩm vật liệu xây dựng cho các dự án bao gồm trụ sở Ngân hàng ANZ tại Melbourne, dự án phát triển Barangaroo của Lend Lease ở Sydney và Crown Towers mới của James Packer ở Perth. 69 dự án có tên trong tài liệu bao gồm các dự án của chính phủ như Bệnh viện Nhi Queensland ở Brisbane, Bệnh viện Đại học Gold Coast, Bệnh viện Fiona Stanley ở Perth, sân vận động Perth và Bệnh viện Hoàng gia Adelaide.

Dự án Bệnh viện nhi Perth 1,2 tỷ USD
Dự án Bệnh viện nhi Perth 1,2 tỷ USD
Mặc dù chưa có ý kiến nào cho rằng các vật liệu của Yuanda sử dụng trong các dự án này bị nhiễm amiăng hoặc các công nhân xây dựng hay bất kỳ ai khác từng gặp rủi ro, tuy nhiên hiệp hội xây dựng cho biết, họ muốn điều tra toàn bộ vai trò của công ty trong tất cả các dự án và đánh giá khẩn cấp những rủi ro.
Vấn đề nổi lên trong tuần này đó là 2 trong số 69 điểm trong danh sách gồm dự án Bệnh viện nhi Perth 1,2 tỷ USD và tòa tháp William Street ở Brisbane sẽ trở thành tòa nhà điều hành mới của chính quyền Queensland - đều bị nhiễm amiăng vì những sản phẩm này được cung cấp bởi công ty Yuanda của Trung Quốc. Vị trí ở Perth nhiễm amiăng trắng, hay còn gọi là crisotin, trong một số tấm lợp mái do Yuanda sản xuất, trong khi tòa tháp Brisbane đã phát hiện những miếng đệm bị nhiễm độc amiăng.
Michael O’Connor, thư ký Hiệp hội năng lượng và khai thác lâm nghiệp xây dựng (CFMEU) cho biết, các công ty xây dựng nên ngừng sử dụng các sản phẩm của Yuanda, ông kêu gọi chính quyền liên bang thẳng tay trừng trị đối với các vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc mà có chứa amiăng cấm.
Ông cho biết: "Chính phủ đã nhận thức được rằng đây là một vấn đề nghiêm trọng trong hơn một năm qua".
Bộ Di trú và Bảo vệ biên giới cho biết, họ đã tiến hành đánh giá rủi ro đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Australia, và những sản phẩm hàng hóa đó được xác định là có nguy cơ cao và được kiểm tra về mặt vật lý. Một phát ngôn viên cho biết "Chúng tôi đã tăng cường các hoạt động kiểm tra tập trung vào những hàng hóa có nguy cơ chứa amiăng và sẽ tiếp tục với cường độ đó".
John Day, Bộ trưởng Y tế Tây Úc cho biết, những dấu vết của amiăng đã được phát hiện trong các tấm lợp mái do Yuanda cung cấp tại Bệnh viện nhi Perth, hàng chục công nhân xây dựng có khả năng bị nhiễm loại chất gây ung thư này. Ông cho biết, các xét nghiệm cho thấy amiăng trắng bị cấm có mặt ở 4 trong 7 mẫu của tấm lợp mái tại bệnh viện chưa được hoàn thiện này.
CFMEU cho biết, những người công nhân đang lo lắng về việc bị phơi nhiễm amiăng, một số người cho rằng, họ bị bụi rơi vào người do cắt những tấm lợp. Hiệp hội đã phát hiện ra 5-10% crisotin trong các mẫu được kiểm tra. Các quan chức y tế cho biết, mỗi sản phẩm có trên 0,1% crisotin là nguy hiểm, và sẽ dẫn đến nguy cơ ung thư phổi, u trung biểu mô và bệnh phổi phát sinh do hít phải bụi amiăng.
Ông Day cho biết, nhà thầu chính của dự án, John Holland, đã nhập khẩu các tấm lợp mái từ Yuanda, một công ty tư nhân được miêu tả như một nhà xây dựng mặt ngoài, nhà chế tạo và cung cấp vật liệu cho các tòa nhà trên toàn thế giới. Một số dự án đáng chú ý của công ty này bao gồm sân vận động Bird’s Nest tại Thế vận hội Bắc Kinh, Cocoon Tower của Nhật Bản và Trident Pentominium Tower ở Dubai. John Holland sẽ tiến hành một cuộc kiểm toán tất cả các vật liệu xây dựng được nhập khẩu khác tại vị trí của Bệnh viện nhi Perth và sẽ kiểm tra chuỗi cung ứng của công ty này. John Holland sẽ thay thế mái lợp ở tầng 8 của bệnh viện mà không tính phí cho những người nộp thuế.
Minh Trang (Theo the Australian)


Formosa và 3 lần 'đụng' ông Võ Kim Cự


TP - Sau những sự cố môi trường liên tục liên quan Formosa, nhiều người nghĩ ngay đến vai trò của ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Hàng ngàn hộ dân 5 xã thuộc huyện Kỳ Anh cũ phải hy sinh đất đai, nhà cửa để nhường đất cho Formosa (Trong ảnh: Nhà dân bị san phẳng, ảnh chụp năm 2010). Ảnh: Phong Cầm.Hàng ngàn hộ dân 5 xã thuộc huyện Kỳ Anh cũ phải hy sinh đất đai, nhà cửa để nhường đất cho Formosa (Trong ảnh: Nhà dân bị san phẳng, ảnh chụp năm 2010). Ảnh: Phong Cầm.
Vắng bóng sau sự cố
Từ tháng 4/2016, khi cá bắt đầu chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung, người được báo chí săn đón là ông Võ Kim Cự. Dù PV nhiều lần liên lạc chỉ  một lần ông bắt máy. PV Tiền Phong ngỏ ý muốn gặp, trao đổi về những vấn đề liên quan Formosa, ông lập tức từ chối, nói “thông cảm” rồi cúp máy. Một lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh cho PVTiền Phong biết, giờ Bí thư hay Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh gọi, ông Cự cũng không nghe máy!
Liên quan dự án Formosa, kể từ năm 2008, khi tập đoàn của Đài Loan đổ bộ vào Kỳ Anh, Tiền Phong đăng nhiều bài điều tra, cảnh báo về những vấn đề nổi cộm liên quan Formosa (từ chính sách ưu đãi, các yêu sách vô lý, năng lực tài chính, đền bù, giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư,...). Dù rất khó tiếp cận, nhưng PV Tiền Phong vẫn “đụng” ông Cự 3 lần.
Lần đầu, vào năm 2008, khi ông còn là Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng. Gặp tại trụ sở Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ KH-ĐT) ở đường Hoàng Diệu, Hà Nội. Chỉ chào nhau trong chốc lát, nhưng tôi biết ông đến để hỏi về các thủ tục khi muốn thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Formosa (sở dĩ tôi biết được thông tin này vì lúc đó vừa làm việc với ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Đầu tư nước ngoài về Formosa).
Lần thứ 2 tôi gặp ông là tháng 8/2010. Sau khi không thể liên lạc phỏng vấn về những vấn đề nổi cộm mà Tiền Phong đã có loạt bài phản ánh về Fomosa, PV Tiền Phong đành lên chờ ngay cửa phòng làm việc của ông Cự tại trụ sở UBND tỉnh Hà Tĩnh. Sáng đó, sau khi được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông trở về phòng làm việc với vẻ mặt hớn hở. Gặp PV Tiền Phong, ông nói: “Các cậu gọi nhiều quá. Không biết tôi đang bận à. Thôi gặp 5 phút nhé!”. Chúng tôi bước vào phòng, chưa kịp đặt vấn đề, ông nói liền tù tì một mạch về Formosa. Câu chuyện giữa PV và ông Cự kéo dài tới 2 tiếng đồng hồ.  Sau đó Tiền Phong có bài phỏng vấn ông Võ Kim Cự: “Nếu trục trặc, mất luôn môi trường đầu tư” 
Formosa và 3 lần 'đụng' ông Võ Kim Cự - ảnh 1PV Tiền Phong (đội mũ) được lãnh đạo sở ban ngành Hà Tĩnh dẫn đi kiểm tra tại dự án Formosa (Trong ảnh: Người mặc áo trắng bên phải là ông Hồ Anh Tuấn - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh). Ảnh: Công Hùng.

Lần gặp thứ 3, tháng 5/2014. Có lẽ đây là lần gặp đầy cảm xúc của ông Cự. Ông liên tục phản ứng các nội dung trong loạt bài viết về Formosa. Buổi sáng, ông cử đại diện các sở, ban ngành của tỉnh dẫn đoàn công tác báo Tiền Phong đi khảo sát ở Formosa và các xã lân cận Khu kinh tế Vũng Áng. Buổi chiều, ông bố trí đầy đủ đại diện lãnh đạo các sở ban ngành Hà Tĩnh (phó bí thư Tỉnh ủy, các phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Ban Tuyên giáo, lãnh đạo Sở Công an, TT-TT, TN&MT, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh...) làm việc với đoàn công tác báo Tiền Phong.
Tại buổi làm việc, ông Cự “đay nghiến” về những nội dung phản ánh trên Tiền Phong. Ông nói liền một mạch hơn 1 giờ đồng hồ mà không cho một đại diện sở, ban, ngành nào của Hà Tĩnh lên tiếng.
Vì sao chọn Formosa?
Thực tế, trước khi Formosa vào Khu Kinh tế Vũng Áng làm nhà máy và cảng biển, trước đó, Tata - một tập đoàn có kinh nghiệm sản xuất thép hơn 100 năm của Ấn Độ đã quyết tâm đầu tư vào Vũng Áng. Nhưng sau đó, chính ông Võ Kim Cự đã chọn Formosa và ký cấp phép cho Formosa đầu tư thời hạn tới 70 năm (sau này, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc cấp phép này trái với quy định của pháp luật). Lúc đó, trả lời phỏng vấn của PV Tiền Phong, ông Cự khẳng định: “Đúng là Tata vào trước... Đáng ra, Tata phải được ưu tiên nhưng do họ triển khai quá chậm nên Formosa đã chớp lấy cơ hội!”.
Thực tế, từ ngày Formosa vào Kỳ Anh đến nay, đã có biết bao hệ luỵ. Bên cạnh một nhà máy sừng sững và phần nào đó có sự thay da đổi thịt ở 5 xã thuộc huyện Kỳ Anh cũ (nay là TX Kỳ Anh) thì kèm theo đó là cả tá hệ luỵ mà không một khoản tiền nào bù đắp nổi. Người dân sau khi nhường đất cho Formosa, di dời lên chỗ ở mới, gặp nhiều khó khăn. Tiền đền bù, người dân cho xây nhà mới, rồi mua sắm phương tiện, đồ dùng... Công việc của đa số người dân luôn bấp bênh, trong khi việc chuyển đổi nghề rất chậm. May chăng, người dân ở 5 xã (nay là phường) dọc quốc lộ 1A có thể làm thêm các nghề dịch vụ. Nhưng dịch vụ phát triển, cũng là lúc kéo theo hàng loạt tệ nạn xã hội.
Theo nhiều người, tình hình tại các phường thuộc thị xã Kỳ Anh nơi tiếp giáp với Formosa giờ rất phức tạp. Các tệ nạn như ma tuý, mại dâm, bảo kê... đã được các cơ quan chức năng ở đây cảnh báo nhiều lần. Từ khi lộ chuyện Formosa xả thải trộm khiến cá chết hàng loạt, mọi hoạt động của người dân tại Kỳ Anh bị đảo lộn. Ngư dân ngại không ra khơi đánh cá. Buôn bán cầm chừng. Cửa hàng ăn uống héo hon. Vào mùa hè, trước đây du khách thường tấp nập, nay biển vắng hoe.
Đỉnh điểm, Formosa lại tiếp tục đổ bùn thải gây ô nhiễm môi trường tại thị xã Kỳ Anh và Cẩm Xuyên (đang có thông tin Formosa ký kết đổ chất thải với một doanh nghiệp tại Phú Thọ) càng khiến người dân cả nước bức xúc. Hành vi thiếu tôn trọng pháp luật về môi trường của Formosa ngày càng rõ khiến dư luận đặt câu hỏi: Khi cấp phép cho Formosa, ông Võ Kim Cự và các bộ ngành liên quan đã tính đến phương án xử lý chất thải cho Formosa trong suốt 70 năm hay chưa?
Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần phải làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan Formosa, đặc biệt là những người trực tiếp cấp phép cho Formosa.
Trích phỏng vấn ông Võ Kim Cự khi dự án Formosa chưa đi vào hoạt động, tháng 8/2010:     
Ông đánh giá thế nào về tính khả thi của dự án?
Tôi khẳng định đây là dự án chủ lực của Hà Tĩnh. Nếu đi vào hoạt động, dự án sẽ đem lại lợi ích rất lớn. Riêng tiền thu được từ thuế cũng lên đến hàng chục tỷ USD. Ngoài ra, còn tạo ra hàng ngàn việc làm cả trong và ngoài hàng rào nhà máy.
Khi đi vào hoạt động, 12 huyện thị của Hà Tĩnh sẽ trở thành khu hậu cần cho dự án. Hơn nữa, dự án sẽ tạo ra cú hích để cấu trúc lại kinh tế cho nhiều thế hệ. Đây là cơ hội tốt để người dân Hà Tĩnh đổi đời.
Tuy nhiên, nếu không có dự án hoặc dự án bị trục trặc (chúng tôi cũng đã đặt ra giả thiết từ đầu) thì cái mất lớn nhất là Hà Tĩnh mất luôn môi trường đầu tư. Dự án này quyết định sự phát triển của Hà Tĩnh.

Khốn đốn vì dự án 16 tỷ đô

TP - Nhường đất cho siêu dự án 16 tỷ đô- Formosa Hà Tĩnh, hàng ngàn hộ dân thuộc 5 xã ven biển của huyện Kỳ Anh đang phải sống bấp bênh ở các khu tái định cư (KTĐC) kém chất lượng.
Khu tái định cư nhếch nhác vì thi công ẩuKhu tái định cư nhếch nhác vì thi công ẩu
Nhiều người dân thất nghiệp từ khi chuyển đến khu tái định cư
Nhiều người dân thất nghiệp từ khi chuyển đến khu tái định cư.

Như cá mắc cạn
Những tháng đầu năm 2009, hơn 1.800 hộ dân 5 xã vùng ven biển huyện Kỳ Anh (Kỳ Lợi, Kỳ Long, Kỳ Thịnh, Kỳ Liên, Kỳ Phương) phải di dời lên 5 khu tái định cư (KTĐC) mới, nhường đất cho Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương Formosa.
Ban đầu, người dân tin đến KTĐC mới sẽ được an cư, lạc nghiệp bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ. Chị Lê Thị Hương (41 tuổi), đang ngồi may lại tấm lưới để cho con ra suối kiếm cá về ăn, nói: “Về KTĐC này gia đình tôi như cá mắc cạn. Đất sản xuất không có, ruộng vườn bị lấy hết, tiền đền bù bỏ ra làm nhà đã cạn kiệt. Cả nhà có 4 miệng ăn chỉ biết dựa vào chồng đang đi làm phụ hồ”.
Gia đình anh Lê Văn Dương có 6 miệng ăn cũng đang khốn đốn từ ngày về KTĐC. Anh Dương cho biết, ở nơi ở cũ, nhờ gần biển lại có đất đai rộng rãi nên kinh tế gia đình ổn định vì vừa làm nghề chài lưới vừa phát triển chăn nuôi. Nay, đến KTĐC, không còn đất đai để chăn nuôi, làm biển cũng không được vì KTĐC cư cách biển quá xa.
“Để có gạo ăn, cả nhà phải đi làm thuê cho các nhà thầu dự án. Nhưng kiếm được việc làm thuê cũng rất khó vì việc ít, người thất nghiệp nhiều” - anh Dương rầu rĩ.
Bà Lê Thị Lương (67 tuổi) bức xúc: “Họ hứa sẽ tạo điều kiện để chúng tôi có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ nhưng cuộc sống tại KTĐC mỗi ngày một bi đát thêm. Trước đây, có bạc triệu trong tay nhưng giờ thất nghiệp nên không có đủ tiền để đong gạo hàng ngày”. Gần 1.800 hộ dân với gần 15.000 nhân khẩu ở 5 KTĐC thuộc Dự án Formosa đang hoang mang vì không biết làm gì để sống.
Ông Trần Đình Thành - Chủ tịch UBND xã Kỳ Phương cho biết, hiện vẫn chưa có chính sách hỗ trợ các lao động khi đến KTĐC mới cũng như không có một quy ước nào khẳng định, khi nhà máy đi vào hoạt động, sẽ tuyển dụng con em địa phương vào làm việc.
Theo ông Thành, hiện, xã Kỳ Phương có 786 hộ với trên 2.300 nhân khẩu nằm trong KTĐC. Trước đây, họ sống nhờ vào nghề biển và ruộng vườn rộng, đất sản xuất nhiều nên cuộc sống ổn định. Khi dời lên KTĐC mới, hầu hết người dân gặp khó khăn vì không có công ăn việc làm ổn định. Không có đất sản xuất nên những người trong độ tuổi lao động đều thất nghiệp, một số ít phải đi làm thuê, làm khoán qua ngày.
Khu tái định cư nhếch nhác vì thi công ẩu
Khu tái định cư nhếch nhác vì thi công ẩu.

Dân kêu huyện - tỉnh bất lực
Điện thiếu, nước nhỏ giọt, các hạng mục công trình kém chất lượng nằm ngổn ngang, nhà cửa xói lở, xuống cấp… Đó là những gì đang diễn ra tại KTĐC mới. Từ đường quốc lộ 1A, đảo mắt nhìn xung quanh thấy phía Đông Khu kinh tế Vũng Áng là hàng ngàn héc ta đất đang chìm trong nước biển, khói bụi nghi ngút lên tận chân Đèo Ngang.
Phía Tây là KTĐC với những ngôi nhà mới xây nằm san sát nhau. Từ xa nhìn vào rất bắt mắt nhưng khi đến tận nơi mới thấy hầu hết hạng mục của KTĐC... có vấn đề.
Nhiều hạng mục công trình trong KTĐC của nhà thầu Tập đoàn Xây dựng Xuân Thành (Ninh Bình) triển khai từ năm 2009 nay bị lún sụt, nứt nẻ. Các tuyến đường không đảm bảo kỹ thuật, hệ thống bờ taluy bị hở cả hàm ếch. Đặc biệt, hệ thống thoát nước gần như không thể sử dụng.
Hầu hết các hố ga thoát nước bị bỏ dở chừng, số có nắp đậy cũng gãy vỡ ngổn ngang trở thành cái bẫy chết người, rình rập trẻ em trên các lối đi. Thi công quá cẩu thả, không che chắn, trẻ con có thể rơi xuống bất kỳ lúc nào” - chị Nguyễn Thị Liên, người dân ở KTĐC, nói.
Ông Nguyễn Hồng Cương - Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Liên bất bình: Hệ thống đường điện không đảm bảo nên chất lượng phục vụ dân rất kém, chập chờn liên tục. Ti vi, tủ lạnh, máy bơm nước... của người dân dùng thường xuyên cháy.
“Đơn vị thi công làm cẩu thả, giám sát công trình không thấy. Nhiều lần phát hiện nhà thầu làm sai, chúng tôi lập biên bản, kiến nghị huyện nhưng mọi chuyện vẫn chưa được giải quyết…”, ông Cương nói.
UBND huyện Kỳ Anh kiến nghị vấn đề trên lên UBND tỉnh nhưng tỉnh vẫn chưa có động tĩnh gì.
Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương là dự án lớn nhất Đông Nam Á, được khởi công tháng 7-2008 tại Khu kinh tế Vũng Áng, do Tập đoàn Formosa (Đài Loan) đầu tư với số vốn đăng ký hai giai đoạn lên tới 16 tỷ USD.
Hơn 3.000 ha (trong đó có gần 2.000 ha đất liền) của 5 xã Kỳ Lợi, Kỳ Phương, Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ Thịnh bị thu hồi; hơn 6.000 lượt hộ dân bị ảnh hưởng với gần 15.000 nhân khẩu phải di dời, bố trí chỗ ở tại KTĐC mới. Chỉ riêng tiền chi trả cho công tác GPMB, xây dựng hạ tầng KTĐC, Nhà nước đã phải bỏ ra khoảng 2.500 tỷ đồng.
Hiện nay, sau 5 năm đi vào hoạt động, Khu kinh tế Vũng Áng vẫn đang dở dang với nhiều công trình chưa hoàn thành theo dự kiến.


Báo giấ

Formosa nên chuyển sang… sản xuất tăm!

Formosa Hà Tĩnh có lẽ không nên sản xuất thép nữa vì ô nhiễm quá, nên chuyển sang sản xuất tăm - để các quan chức tỉnh có cái mà ngậm.

Qua không biết bao nhiêu biến động ở doanh nghiệp Formosa Hà Tĩnh, chỉ thấy quan chức nơi đây “ngậm tăm” rồi im thim thít. Chỉ khi nghe tin được bồi thường 500 triệu đô la thì triển khai lập hội đồng bàn bạc rất nhanh.
Đầu tiên là việc một bộ máy đầy đủ các ban bệ từ tỉnh, huyện, xã với đầy đủ các ngành chuyên môn, đặc biệt là ngạch tài nguyên - môi trường, không biết gì chuyện Formosa xây một đường ống “to đùng” đâm thẳng xuống biển.
Rồi cũng bộ máy khổng lồ ấy cũng không biết gì chuyện xả thải, để đến khi một dải ven biển miền Trung chìm trong thảm họa, người dân kêu gào, báo chí lên tiếng thì chính quyền địa phương… mới biết.
Chỉ có ông Phó chủ tịch tỉnh lại hồn nhiên đăng đàn khuyên dân “yên tâm ăn cá, tắm biển Vũng Áng”.
Sau cú sốc hủy hoại môi trường biển, lại đến sự cố Formosa chôn lấp rác thải trong trang trại ở thượng nguồn sông, gần đập nước. Một lần nữa, phát hiện ra việc này lại là… các phóng viên. Phóng viên sau khi phát hiện vụ việc đã cất công vượt hơn 50km về tận thành phố Hà Tĩnh, gõ cửa cơ quan chức năng để trình báo.
Lúc đó, Hà Tĩnh mới lập đoàn liên ngành vào kiểm tra.
formosa nen chuyen sang san xuat tam
Sau đó, mới lòi thêm ra việc Formosa còn đổ rác thải ở công viên, làm cống xả thải trái phép ra ngoài. Vụ việc này cũng là do người dân phát hiện, trình báo.
Tuyệt nhiên trên phương tiện truyền thông không thấy được bức ảnh nào lãnh đạo Hà Tĩnh thị sát các vùng biển ô nhiễm, trấn an người dân. Chỉ có Báo Hà Tĩnh hôm sau hồn nhiên đăng bài “biển đã sạch, thuyền đã ra khơi”.
Cách ứng xử của cán bộ Hà Tĩnh khác hẳn với tư duy “lao vào nơi khó khăn nhất” của nhiều lãnh đạo cấp cao như bà Nguyễn Thị Kim Ngân (vụ sập cầu Cần Thơ) hay ông Đinh La Thăng (trong vụ tai nạn thảm xe khách Sao Việt thảm khốc ở Sapa).
Trong thảm họa, sự xuất hiện của người đứng đầu, những người có trách nhiệm sẽ làm cho người dân cảm thấy ấm lòng hơn, không có cảm giác bị bỏ rơi. Giống như một viên tướng ra trận, chưa cần biết ông ta có giết được tên giặc nào không nhưng chỉ cần sự hiện diện hay một tiếng thét của ông ta cũng giúp cho ba quân xốc lại tinh thần.
Người đứng đầu, đôi khi mang ý nghĩa tinh thần to lớn như thế!
Một thảm họa to lớn.
Sinh kế của hàng triệu người bị ảnh hưởng trong nhiều năm.
Một vấn đề cả nước phải “xắn tay áo” vào giải quyết.
Nhưng tuyệt nhiên chưa thấy một quan chức nào của tỉnh Hà Tĩnh từ lớn đến bé đứng ra nhận trách nhiệm. Mà cũng chưa thấy tỉnh này kỷ luật được ai, kiểm điểm, quy trách nhiệm được cho ai.
Ai cũng mừng cho Hà Tĩnh có dàn cán bộ lãnh đạo trẻ thuộc hàng nhất nước. Nhưng qua đây mới thấy, trẻ chưa chắc đồng nghĩa với nhiệt tình, tư duy mới, sáng tạo. Trẻ mà không dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, không xốc vác, thì cũng chẳng để làm gì!
Vậy nên, chúng ta trách móc Formosa nhiều quá mà quên mất trách móc chính bản thân mình, quên chất vấn: Các cơ quan chức năng, các quan chức Hà Tĩnh ở đâu khi Formosa gây ra thảm họa?
formosa nen chuyen sang san xuat tam
Đích thị là 'Việt gian'!
Thật cay đắng khi phải thốt lên rằng: Người Việt chúng ta đang “đầu độc” nhau, đang “giết” nhau từng ...
formosa nen chuyen sang san xuat tam
Tiên trách kỷ - Hậu trách nhân
Việc công bố Formosa chính là thủ phạm gây ra vụ cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung ...




Sẽ kiểm điểm việc lấy thiếu mẫu chất thải của Formosa chôn trái phép trên rừng

LĐO TRẦN TUẤN


Chất thải của Formosa chôn lấp trái phép ở trang trại thuộc phường Kỳ Trinh mà Sở TNMT Hà Tĩnh lấy mẫu gửi đi phân tích xảy ra những thiếu sót.
Giám đốc Sở TNMT Hà Tĩnh Võ Tá Đinh cho biết, Sở này đã phê bình và yêu cầu làm kiểm điểm việc lấy thiếu mẫu trong vụ phát hiện 100 tấn chất thải của Formosa chôn lấp trái phép trên trang trại ở phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh gây xôn xao dư luận vừa qua.
Theo đó, sáng 18.7, ông Võ Tá Đinh - GĐ Sở TNMT Hà Tĩnh - cho biết: “Trong quá trình lấy mẫu phân tích 100 tấn chất thải của Formosa chôn lấp ở trang trại ông Lê Quang Hòa - Giám đốc công ty môi trường đô thị Kỳ Anh - Trung tâm Quan trắc và kỹ thuật môi trường tỉnh Hà Tĩnh đã lấy thiếu mẫu. Với thiếu sót trên, Sở đã phê bình một số nhân viên và yêu cầu làm kiểm điểm về sự việc".
 Theo ông Đinh, Trung tâm quan trắc môi trường Hà Tĩnh đã lấy 4 mẫu gửi đi phân tích. Trong đó, một mẫu lấy ở hiện trường chôn chất thải tại trang trại, 3 mẫu lấy ở nhà máy Formosa. Số mẫu này chưa đủ nên không phản ánh khách quan được đó là chất thải nguy hại hay chất thải thông thường.
 Ông Đinh cho rằng, việc lấy mẫu chưa kỹ là một thiếu sót của cán bộ chuyên môn. “Nguyên nhân xảy ra thiếu sót khi xảy ra sự cố, có đoàn công tác liên ngành làm anh em hoảng hay lý do gì đấy mà lấy 4 mẫu tại 4 địa điểm. Vì vậy, chúng tôi đang đợi kết quả của bộ, còn cái này tôi nghĩ, không nêu lên được vấn đề gì nữa. Cái mấu chốt cuối cùng là xác định được nguyên nhân độc hại hay không?”- ông Đinh thông tin.
 Ông Đinh cũng cho biết, hiện nay Bộ TNMT đã lấy 4 mẫu nước mặt, 35 mẫu bùn, 30 mẫu đất để đưa về phân tích. Kết quả này mới khẳng định được đó là chất thải gì, độc hại thế nào.
 Theo ông Võ Tá Đinh, kết quả phân tích vừa qua mà lãnh đạo tỉnh cung cấp (2/15 chỉ tiêu vượt ngưỡng) chưa thực sự chính xác. Trong kết quả phân tích, có hai loại kết quả, gồm hàm lượng tuyệt đối, và phân tích nồng độ ngâm chiết (ngâm vào nước rồi chiết ra). Trong đó, có hai thông số hàm lượng tuyệt đối cao, nhưng nồng độ ngâm chiết lại thấp. Theo quy chuẩn 50 của Bộ Tài nguyên môi trường, một chất thải được xác định là chất thải độc hại phải có hai nồng độ này đều vượt ngưỡng, còn một thông số vượt ngưỡng, một thông số không vượt ngưỡng thì nó không được gọi là chất thải nguy hại.
Về trách nhiệm để xảy ra sự cố trên, ông Đinh khẳng định, trách nhiệm cái này đều có liên đới giữa các cấp các ngành. Tuy nhiên, đối với Sở TNMT để xảy ra sự cố trên có một phần trách nhiệm.
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng thông tin, đã có kết quả bước đầu về các mẫu chất thải của Formosa được Cty Môi trường đô thị Kỳ Anh chôn trái phép ở Kỳ Trinh do Sở TNMT lấy mẫu. Theo đó, có 2/15 chỉ tiêu vượt ngưỡng.
 Tại cuộc họp ngày 16.7 với các đơn vị liên quan để bàn xử lý vấn đề môi trường, khắc phục hậu quả, phương án hỗ trợ, ổn định sản xuất...Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đã kiểm điểm gay gắt tập thể, cá nhân liên quan trong vấn đề buông lỏng quản lý, giám sát để xảy ra hậu quả về môi trường do Formosa gây ra. Bí thư yêu cầu UBND tỉnh kiểm điểm nghiêm túc và có báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy.
 Như vậy việc buông lỏng quản lý, giám sát để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, nay việc lấy mẫu khi chất thải chôn lấp trái phép còn bị thiếu thì rõ ràng vấn đề thực hiện chức năng, nhiệm vụ về quản lý, giám sát môi trường của Sở TNMT Hà Tĩnh đang có vấn đề, cần nghiêm túc xử lý trách nhiệm.
Clip chất thải của Formosa chôn lấp trái phép ở trang trại thuộc phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh



Ông Võ Tá Đinh - GĐ Sở TNMT Hà Tĩnh - cho biết, sẽ kiểm điểm việc lấy mẫu chất thải của Formosa thiếu sót. Ảnh: Trần Tuấn


Không có nhận xét nào: