Những minh hoạ thời nhà Tống về Đế Nghiêu (bên phải) và Đại Vũ. (Public Domain-US)
Đây là số thứ ba trong loạt bài viết do một nhóm nghiên cứu của Epoch Times thực hiện. Loạt bài này mô tả những nhân vật anh hùng trong nền văn minh Hoa Hạ, với sự diễn giải về vũ trụ và con người theo cách nhìn nhận truyền thống, từ đó cho thấy những đóng góp của các bậc danh nhân đã giúp sáng tạo nên nền văn hóa thần truyền Trung Quốc. Dưới đây là phần đăng về Đế Nghiêu huyền thoại.

Sự ra đời của Đế Nghiêu

Nối tiếp sau những sáng tạo vũ trụ và nhân loại và sự trị vì của Hoàng Đế, truyền thuyết cổ điển Trung Quốc đề cao những vị minh quân Đế Nghiêu, Đế Thuấn, và Đại Vũ.
Nghiêu được sinh ra bởi một phụ nữ tên là Khánh Đô, một tì thiếp của Đế Khốc. Theo “Cấp trủng kỷ niên”, một biên niên sử thời nhà Hán ghi chép về những huyền thoại Trung Quốc, Khánh Đô đã sinh ra Nghiêu sau khi gặp được một con rồng hiển hiện cho bà thấy hình ảnh con trai tương lai của mình. Việc mang thai của bà cũng khác thường: Nghiêu đã ở trong bụng mẹ tròn 14 tháng mới chào đời.
Cậu bé được đặt tên là Phóng Huân; sau khi qua đời, mọi người mới gọi là Nghiêu.
Ngay từ khi còn nhỏ tuổi, Nghiêu đã biểu lộ đức hạnh và năng lực. Ở tuổi 13, ông đã được cử cai quản Đào ấp (ấp làm nghề gốm). Hai năm sau, ông được phong làm Đường hầu, hiệp trợ cùng anh trai của mình cai quản việc triều chính.

Đế Chí kế vị

Đế Khốc lúc tuổi già đã quyết định dùng chiêm bốc bói toán để xác định ai trong số  bốn người con trai của ông sẽ lên ngôi vua. Kết quả là cả bốn đều có điềm, nhưng vì Chí lớn tuổi nhất nên Đế Khốc đã quyết định lập Chí làm thái tử. Sau khi Đế Khốc mất, Chí kế thừa đế vị và trở thành Đế Chí.
Đế Chí tài đức bất túc, kết giao với một số người bất lương, trong đó có “tam hung”: Khổng Nhâm, Hoan Đâu và Cổn. Khổng Nhâm là người xảo ngôn, bề ngoài cung thuận hiền hòa, nhưng nội tâm lại khắc độc; Hoan Đâu hung ác tàn bạo, bất nhân bại hoại; Cổn bác học đa tài, có sở trường về kiến trúc, nhưng luôn tự cho là mình đúng, cố chấp tự tiện.
Đế Chí bổ nhiệm Hoan Đâu làm Tư đồ, tổng lý chánh sự, Khổng Nhâm làm Cộng công, tổng quản trăm công, Cổn làm Tư không, chuyên trị thủy thổ đạo lộ. Hoan Đâu cùng Khổng Nhâm đã dẫn dụ Đế Chí đi vào cuộc sống đam mê lạc thú, ông bỏ bê triều chánh, xa rời bá quan, chẳng màng bách tính.
Qua thời gian, thiên tai tàn phá không ngừng, người dân oán thán, người ta nói rằng đó là do thiên tử vô đạo. Một cuộc nổi loạn đã nổ ra ở đất Đông Di và Nghiêu đã được cử đi dập tắt nó.
Trong “Hoài Nam Tử”, một văn bản về các bài bình giảng uyên thâm từ thế kỷ thứ hai TCN, ghi lại rằng có sáu quái vật đã quấy phá người dân trong thời kỳ đó: một con mãnh thú ăn thịt người, một quái vật có hình dạng giống con người với những chiếc răng nanh dài, một con chim săn mồi đáng sợ có khuôn mặt của một người đàn ông, một con lợn lòi đực hai đầu quái dị, một con rắn thủy quái khổng lồ, và Cửu Anh – một con quái vật giống như thủy tức có chín đầu có khả năng phun ra nước và lửa.
Một miêu tả nổi tiếng về địa lý và văn hóa huyền thoại, “Sơn Hải Kinh”, ghi rằng thiên đế lúc ấy là Đế Tuấn đã phái một chiến binh thần thánh là Hậu Nghệ, hạ thế để giúp nhân loại vượt qua những đại họa này.
Theo lệnh của Nghiêu, Hậu Nghệ đã tiêu diệt cả sáu con quái vật, tảo trừ hoạ loạn cho người dân.

Thừa thiên mệnh Nghiêu Đế kế vị

Thời gian đã chứng minh là Nghiêu sở hữu đức hạnh và năng lực lớn hơn hẳn Đế Chí – người anh trai cùng cha khác mẹ của mình. Tứ phương chư hầu đều thấy uy đức của Nghiêu ngày càng thịnh, họ muốn đưa Nghiêu lên ngôi Đế, và sau chín năm ngự trị trên ngai vàng, Đế Chí đã ban chiếu thư tuyên bố thoái vị, nhường lại cho Nghiêu.
Theo truyền thuyết, trước khi lên ngôi, Nghiêu đã có một giấc mơ trong đó ông bắt gặp một con rồng màu xanh đưa ông lên đỉnh núi Thái Sơn, ông ngẩng đầu lên thì thấy cổng thiên đàng mở rộng, bên trong nhìn thấy lối đi bằng vàng, đài bạc lầu ngọc tinh mỹ, phú lệ huy hoàng.
Vì vậy Nghiêu đã lên ngôi và lập đô tại Bình Dương. Sau khi kế vị, ông đã tìm kiếm nhân tài trong toàn thiên hạ và chỉ đạo điều tra để thu nhận tiếng nói và để hiểu biết những mối bận tâm của người dân.
Nếu có một người đói, thì như là chính ta đang đói.

– Đế Nghiêu

Ngoài ra, vị tân đế còn bái phỏng bốn vị chi sỹ tu luyện khổ hạnh tại núi Cô Xạ. Đế Nghiêu đối đãi với bốn vị này bằng sự khiêm tốn lễ độ của một học sinh hỏi xin người thầy một lời chỉ bảo.

Một bức tranh thời nhà Thanh mô tả Đế Nghiêu. (Public Domain-US)

Phép tắc của Đế Nghiêu

Triều đại của Đế Nghiêu có đặc trưng tiêu biểu là sự nhạy cảm đối với người dân và những ý kiến của họ. Ông chia Trung Quốc thành Cửu Châu, định kỳ tuần thị các nơi để trưng cầu ý kiến chư hầu tứ phương. Tại các cổng thành, ông cho dựng lên những tấm bảng bằng gỗ để dân thường đi qua đều có thể ghi lên trên bảng những thiếu sót trong sự cai trị của nhà vua.
Trong “Sử ký”, học giả Tư Mã Thiên triều đại nhà Hán đã ca ngợi công đức của Đế Nghiêu: “Nhân đức hàm dưỡng quảng bác như bầu trời; trí tuệ tựa thần minh. Tiếp cận ông như được ở gần mặt trời, quang chiếu tứ phương. Từ xa, ông như áng mây sắc hồng xán lạn. Giàu có nhưng không độc đoán, cao quý mà không ngạo mạn, ông đối xử với mọi người bằng đức hạnh và lòng nhân từ, trái tim ông tràn đầy những suy tư cho chúng dân trong thiên hạ, khiến cho cửu tộc tương thân, dân chúng hoà thuận.
Một bài thơ dân gian từ thời Đế Nghiêu đã ca ngợi ông vua này như sau “dù mặt trời của ta mọc hay mặt trời của ta lặn, đào giếng để uống, canh điền để ăn, Đế đều hết lòng vì ta”.
Theo “Thuyết Uyển”, một văn bản nữa ở vương triều nhà Hán, Đế Nghiêu toàn tâm lo nghĩ đến phúc lợi của thần dân đến mức “nếu có một người đói, thì như là chính ta đang đói, nếu có một người lạnh, thì như là chính ta đang lạnh, nếu một người có tội, thì chính ta là người có khuyết điểm”. Cho nên đạo làm vua của Đế Nghiêu là không thưởng mà người dân thấy được khích lệ, không phạt mà người dân vẫn tự tuân thủ.

Hậu Nghệ bắn rơi Chín Mặt trời

Hậu Nghệ, người chiến binh được cử đến phục vụ Đế Nghiêu, được biết đến nhiều nhất trong văn hóa dân gian Trung Quốc vì đã hoàn thành sứ mệnh của mình phải bắn hạ chín trong số mười mặt trời đang hun cháy trái đất.
Truyền thuyết kể lại rằng trước đó đột nhiên xuất hiện một số điềm báo đại hạn, trong đó có việc nhìn thấy một con quái vật giống con rắn có sáu chân và bốn cánh.
Ngay sau đó đã có hạn hán và một ngày kia bỗng nhiên có bốn mặt trời trên bầu trời. Những người dân thường nói với nhau rằng trong đó có ba mặt trời là yêu tinh. Đế Nghiêu lệnh cho Hậu Nghệ hãy sử dụng sức mạnh của mình để diệt trừ yêu tinh, vì dân trừ hại.
Mặc dù Hậu Nghệ có thần tiễn, nhưng vẫn không thể bì với lòng thành kính của bậc thánh chủ.

– Xích Tương Tử Dư

Hậu Nghệ lo lắng khôn nguôi, thật giả bất phân, nếu bắn trúng mặt trời thật thì chẳng phải là trọng tội ư. Nhưng Đế Nghiêu đã trấn an ông “chẳng lẽ nào mặt trời đích thực lại có thể bị bắn hạ”.
Chẳng bao lâu sau đã có tất cả mười mặt trời ở trên trời, dù Hậu Nghệ có tài thiện xạ nhưng vẫn không thể khiến cho mặt trời nào mảy may suy suyển.
Trong “Sơn Hải kinh” có ghi lại rằng Đế Tuấn ở trên trời có mười người con trai với vợ của mình, mười con trai này đã trở thành mười mặt trời đang cư ngụ tại đông phương hải ngoại. Thảm họa hiện tại này đã phát sinh khi cả mười mặt trời quyết phải nhô lên đồng thời. Các dòng sông khô cạn và cây cối héo hon. Đất đai bị thiêu đốt và ngay cả bầu không khí cũng trở nên khó thở.
Đế Nghiêu nóng lòng sốt sắng, lúc ấy Xích Tương Tử Dư gợi ý rằng Đế trước tiên hãy trai giới, rồi cung kính cầu tế với thiên địa tổ tông. “Mặc dù Hậu Nghệ có thần tiễn, nhưng vẫn không thể bì với lòng thành kính của bậc thánh chủ”.
Sau đó Đế Nghiêu đã tắm gội trai giới trong ba ngày và cầu tế thiên địa. Hậu Nghệ phụng mệnh đi đến núi Côn Lôn, ngẩng mặt thành tâm cầu nguyện trời cao và cầu xin các mặt trời hãy trở về.
Các mặt trời đã không nhúc nhích, và Hậu Nghệ buộc phải giương cung, hướng về mỗi mặt trời bắn một mũi tên. Cả 9 mặt trời đều rơi xuống. Cuối cùng bầu trời chỉ còn lại một mặt trời, khí hậu đã thanh mát đến trạng thái bình thường, âm dương giờ đã điều hoà.