Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016

Ý kiến P. TBT Tạp chí Cộng Sản Nhị Lê: Dọn đường dư luận nhập 2 chức danh Tống Bí thư với Chủ tịch nước như Trung Quốc

 

Nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo và quản lý theo hướng một chức danh làm nhiều việc; đồng thời giải thể các bộ máy chồng chéo, sáp nhập các bộ máy làm chung một việc theo hướng thống nhất và đa năng, bảo đảm sự chuyên nghiệp và liên thông - nhất nguyên chế là bước đi tất yếu trong tiến trình đổi mới thể chế chính trị.
Đại hội lần thứ 12 của Đảng đã thổi một luồng sinh khí mới trong xã hội, củng cố niềm tin vào sự nghiệp đổi mới của Đảng

Đó là khẳng định của ông Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

“Đứa con sinh ba” trên lộ trình đổi mới thể chế

Lâu nay chúng ta nói nhiều đến đổi mới chính trị. Tuy nhiên, xét về cả khía cạnh khoa học lẫn thực tiễn thì phải hiểu đổi mới chính trị, cụ thể là đổi mới cái gì, thưa ông?

- Đổi mới chính trị: Nhìn từ thể chế chính trị, hệ thống chính trị tới định chế quyết sách chính trị mang tầm chiến lược - những nhân tố căn bản quyết định sự thành bại của đổi mới chính trị. Toàn bộ những vấn đề nêu trên: từ tầm nhìn chính trị, định vị chính trị quốc gia dân tộc, đột phá chính trị chiến lược..., rõ ràng trọng tâm của đổi mới chính trị không thể không giải quyết các vấn đề cơ bản: thể chế chính trị, tổ chức hệ thống chính trị, định chế các quyết sách chính trị chính và các vấn đề khác là những nhân tố đặc biệt phải được nắm lấy và xử lý một cách khoa học.

Nói cách khác, đó là sự lựa chọn tất yếu mang ý nghĩa chính trị cao nhất. Vì toàn bộ công việc đổi mới chính trị, suy tới cùng, là hội tụ ở các vấn đề cơ bản đó, nơi biểu hiện sức mạnh và uy tín của nền chính trị. Nếu không như thế, tất cả những gì thuộc về chính trị trong việc đổi mới chính trị có nguy cơ trở nên trống rỗng.

Như vậy, có thể hiểu rằng đổi mới chính trị thì điều căn bản nhất, trước tiên nhất là đổi mới thể chế chính trị? Ông quan niệm bản chất của công việc đổi mới thể chế chính trị là gì?

- Bản chất của công việc đổi mới thể chế chính trị là, xác lập một thể chế chính trị bảo đảm và bảo vệ toàn bộ quyền lực và lợi ích của chế độ CHXHCN Việt Nam thuộc về nhân dân, của nhân dân, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam, bằng Nhà nước pháp quyền XHCN là người đại diện của nhân dân, do nhân dân bầu ra, bằng các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội của nhân dân một cách dân chủ, được bảo đảm bởi luật pháp thượng tôn, vì độc lập dân tộc và CNXH, phù hợp với xu thế phát triển chính trị của thời đại.

Từ quan niệm như vậy, ở đây, một cách tất yếu, bản chất của thể chế chính trị Việt Nam hàm chứa bốn trụ cột căn bản và bất biến sau đây: Một là Nhà nước pháp quyền XHCN thượng tôn pháp luật. Hai là dân chủ XHCN là mục tiêu và động lực. Ba là Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vai trò lãnh đạo. Bốn là xây dựng xã hội công dân làm nền tảng xã hội - chính trị phát triển trên nền móng truyền thống chính trị dân tộc và tiếp thu tinh hoa phát triển chính trị của các quốc gia, dân tộc trên thế giới.

Nói cách khác, đó là thể chế chính trị CHXHCN Việt Nam nhất nguyên không ngừng đổi mới bảo đảm quyền lực chính trị tối cao thuộc về nhân dân.

Như có lần ông từng phát biểu: Pháp quyền - Dân chủ - Đạo đức phải là những “đứa con sinh ba” trên lộ trình đổi mới thể chế. Không thể nói tới đổi mới thể chế XHCN Việt Nam, nếu thiếu dân chủ, càng không thể nói tới dân chủ nếu coi nhẹ hoặc buông lỏng pháp quyền và thiếu đạo đức. Phải hiểu “đứa con sinh ba” mà ông nói tới ở đây như thế nào?

- Không có một thể chế chính trị nào vận hành tốt được nếu thiếu nền tảng đạo đức xã hội. Sự băng hoại về về đạo đức nhất định sẽ dẫn tới sự diệt vong về chính trị. Ông cha ta luôn nhắc: rằng, có năm nguy cơ sẽ làm mất nước: “Trẻ không trọng già, trò không kính thầy, binh kiêu tướng thoái, tham nhũng tràn lan và sĩ phu ngoảnh mặt”; và rằng, “Tôn tộc đại quy/Tôn lộc đại nguy/ Tôn tài đại thịnh/ Tôn nịnh đại suy” (“Tôn trọng nòi giống ắt đại hòa hợp/ Tôn trọng bổng lộc ắt đại nguy nan/ Tôn trọng tài năng, ắt đại phồn thịnh/ Tôn trọng xiểm nịnh, ắt đại suy vong”- LTB).

Đối với chúng ta, hiện nay càng phải lấy đó làm răn. Khi trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, không ít người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thì không thể xem thường về uy tín chính trị, rộng hơn là vị thế chính trị của Đảng. Vì, Đảng ta “là đạo đức, là văn minh”. Và nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, “chính trị là đức”. Có thể nói một cách hình tượng, đó là ba đỉnh của tam giác thể chế chính trị Việt Nam đổi mới. Công việc đổi mới thể chế và tham gia dưới mọi hình thức vận hành, giám sát thể chế chính trị là công việc của toàn xã hội, dưới ngọn cờ của Đảng. Thiếu nhân tố này, cầm chắc sự thất bại trong công cuộc đổi mới thể chế chính trị hiện nay.

Những đặc trưng đó bảo đảm và tự nó cho thấy, thể chế chính trị Việt Nam hiện nay trong cuộc đổi mới là một thể chế dân chủ - pháp quyền - đạo đức được hiến định một cách minh bạch, không cần tranh thảo, không thể phủ nhận, cả trên lý thuyết và thực tiễn, chứ đâu phải là thứ “thể chế toàn trị” nào đó, như có ý kiến đang tưởng tượng hay đang cố công bài xích và bôi nhọ đủ mức độ và giọng điệu hiện nay.

Tái cấu trúc hệ thống chính trị như thế nào?

Khi nói đến đổi mới thể chế chính trị tức là nói đến cấu trúc lại hệ thống chính trị. Theo ông, để “chính quyền thực sự của dân, do dân và vì dân” như Đảng ta nói, thì hệ thống chính trị của chúng ta nên được tái cấu trúc như thế nào?

- Chúng ta tiếp tục đổi mới cấu trúc phải tạo nên sự thống nhất chỉnh thể và đồng bộ của hệ thống chính trị - xã hội tương hợp với yêu cầu phát triển của đất nước, phù hợp với thời đại. Do đó, định hướng, định tính, định lượng và định chế về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy... đối với từng thành viên của hệ thống chính trị nói riêng, một cách đúng hướng, phù hợp và cụ thể, theo phương châm rõ, gọn, tinh thông, liên thông, không chồng lấn, minh bạch hóa, hiệu lực và hiệu quả, dễ kiểm tra, kiểm soát và xử lý, nhưng có khả năng tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, là công việc cốt tử của tiến trình cấu trúc lại hệ thống chính trị.

Tất cả việc đó sao cho toàn dân chủ động tham gia công việc xây dựng, kiểm tra, giám sát và thực thi quyền và trách nhiệm của mình theo luật định đối với công việc này, một cách dân chủ. Đó là thước đo của sự phát triển thể chế chính trị dân chủ và pháp quyền của chúng ta trong cuộc hội nhập quốc tế. Chỉ có như thế mới hy vọng kiềm tỏa và chủ động đẩy lùi một cách hiệu quả nạn hành chính hóa, tệ quan liêu, nhũng nhiễu... từng làm suy yếu hoặc làm tê liệt ở không ít khâu, bộ phận của các bộ máy thành viên hệ thống chính trị, vô hình trung xâm hại thiết chế chính trị dân chủ và pháp quyền, hạ thấp vai trò chủ thể quyền lực của nhân dân mà hơn 70 năm qua chúng ta kiên trì khắc phục; đồng thời, mới có thể thiết thực nâng cao vị trí, vai trò và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, bảo đảm bản chất của thể chế chính trị nước ta.

Lâu nay chúng ta nói tới đổi mới hệ thống chính trị là thường nói tới Đảng tự đổi mới, các tổ chức chính trị- xã hội khác như MTTQ, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội CCB, Hội NDVN; ở mức độ thấp hơn là các tổ chức xã hội nghề nghiệp, mà ít coi trọng các tổ chức xã hội dân sự- một hình thức liên kết đang ngày càng có vai trò lớn hơn trong một xã hội văn minh. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Đây là vấn đề rất mới và quan trọng, đặt ra yêu cầu bức thiết đối với việc cấu trúc lại hệ thống chính trị - xã hội song trùng với cấu trúc lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng đang diễn ra ở nước ta. Hiện nay sự tham gia của các lực lượng xã hội đã làm thay đổi rộng và sâu tính thuần nhất của hệ thống chính trị truyền thống, tạo nên sự tương tác xã hội vô cùng đa dạng, đa chiều và mạnh mẽ. Sự thống nhất của lợi ích quốc gia đã hàm chứa và thể hiện tính phong phú, đa dạng về lợi ích của các nhóm xã hội theo tốc độ phát triển của đất nước.

Nói gọn lại, kế thừa hệ thống chính trị truyền thống, trong điều kiện phát triển mới, hệ thống chính trị - xã hội Việt Nam hiện nay đó là sự thống nhất giữa hai hệ thống thiết chế xã hội là hệ thống chính trị (hệ thống thiết chế trực tiếp thực thi quyền lực chính trị) và hệ thống thiết chế xã hội hợp thành hệ thống xã hội. Đó là lô-gíc tái cấu trúc tất yếu sau 30 năm đổi mới. Trong xây dựng cơ chế thực hiện và bảo đảm quyền lực tối cao thuộc về nhân dân, sự thống nhất của các hệ thống ấy mang ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc.

Nhưng, điều kỳ vọng thành công trong việc đổi mới cấu trúc hệ thống chính trị là ở chỗ, với phương thức Đảng hóa thân trong hệ thống chính trị, phải kiến tạo mô hình hệ thống theo phương châm mười bốn chữ: “Gọn nhẹ, liên thông, tinh hoa, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, vững chắc”. Đối với hệ thống xã hội, với phương châm xã hội hóa, các thiết chế xã hội càng đa dạng, càng phong phú, càng rộng lớn càng mạnh mẽ và vững chắc.

Ông Nhị Lê
Ông Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng: "Toàn dân chủ động tham gia công việc xây dựng, kiểm tra, giám sát và thực thi quyền và trách nhiệm của mình theo luật định một cách dân chủ". 

Từ nhất thể hóa chức danh tới nhất nguyên chế về tổ chức bộ máy

Ông có thể nói rõ hơn về mô hình hệ thống chính trị sẽ được tổ chức cụ thể như thế nào không?

- Có thể hình dung mô hình hệ thống chính trị- xã hội được tổ chức theo “mô hình đàn chim bay” hoặc “mô hình tháp”. Ở đây, cần thấu triệt các nguyên tắc: Một là hệ thống chính trị càng nhỏ, gọn tối thiểu càng tối ưu, không được phép song trùng giữa các bộ phận trong một bộ máy, giữa các bộ máy với nhau, dù của Đảng hay của Nhà nước. Hai là, hệ thống xã hội càng rộng lớn càng tối ưu. Ba là, bảo đảm sự thống nhất hữu cơ toàn hệ thống chính trị- xã hội Việt Nam ngọn nguồn của sức mạnh tổng thể của toàn hệ thống, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trước mắt, đối với hệ thống chính trị, tiến hành 6 nhóm công việc cốt tử sau: Một là, Nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo và quản lý theo hướng một chức danh làm nhiều việc, chứ không phải một việc nhiều người làm.

Hai là giải thể các bộ máy chồng chéo, sáp nhập các bộ máy dù của Đảng hay của Nhà nước làm chung một việc theo hướng thống nhất và đa năng, giảm mạnh số các đầu mối bộ máy và tổ chức, bảo đảm sự chuyên nghiệp và liên thông- nhất nguyên chế. Nói cách khác, từ nhất thể hóa chức danh tới nhất nguyên chế về tổ chức bộ máy là bước đi tất yếu. Chẳng hạn, một vài cơ quan có nhiều chức năng, nhiệm vụ giống nhau, nên chăng tính toán nhất nguyên hóa tối thiểu ở 3 cấp: Trung ương; tỉnh, thành phố; quận, huyện, thị, theo phương châm: đa năng hóa bộ máy hay bộ máy đa năng.

Các thành viên của hệ thống chính trị thuộc Mặt trận Tổ quốc làm công tác dân vận (Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh...) có thể thuộc khối đa năng này. Chẳng hạn, văn phòng cấp ủy trùng lắp rất nhiều loại công việc với văn phòng chính quyền, hội đồng nhân dân, trước mắt có thể sáp nhập các văn phòng làm một, theo phương châm: một văn phòng phục vụ hai (ba) bộ máy. Nhìn bộ máy tổ chức từ Trung ương tới cơ sở và bộ máy nội vụ các cấp, nên chăng rất cần chỉ thành lập một trung tâm kiến tạo nhiều bộ máy, khi Đảng cầm quyền, chứ không cần các trung tâm của các bộ máy như hiện nay.

Ba là sàng lọc, kiến tạo, đào tạo, sử dụng đội ngũ công chức, viên chức theo hướng chuyên nghiệp hóa; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tinh gọn, hiệu quả. Bốn là, xây dựng cơ chế tập trung quyền năng, trách nhiệm của người đứng đầu bộ máy đồng thời đổi mới cơ chế kiểm tra, kiểm soát quyền năng, quyền lực và quyền uy chặt chẽ, dân chủ và minh bạch. Năm là, xác lập chế tài thưởng- phạt công minh, kịp thời.Sáu là, thể chế hóa, tiến tới luật hóa các nhóm công việc chủ yếu trên.

Còn đối với các tổ chức xã hội dân sự thì sao?

- Đối với hệ thống xã hội, với phương châm xã hội hóa xây dựng cơ sở xã hội càng rộng lớn càng thống nhất trong đa dạng thì càng vững chắc. Để làm tốt điều này cần làm 5 nhóm công việc cơ bản sau: Một là thúc đẩy và bảo đảm các điều kiện nâng cao sự tự nguyện của các giai tầng, nhóm xã hội trên mọi phương diện của đời sống xã hội trong việc xây dựng các tổ chức của mình một cách phù hợp, đúng pháp luật. Hai là tôn trọng tính độc lập xã hội tương đối đối với các tổ chức xã hội theo nghề nghiệp, lứa tuổi, sở nguyện... đúng pháp luật. Ba là, tôn trọng và phát huy truyền thống các tổ chức tự quản cộng đồng, các tổ chức quản lý cộng đồng theo luật tục không trái pháp luật. Bốn là Nhà nước hỗ trợ khi cần thiết về các điều kiện cần và đủ cho các tổ chức xã hội hoạt động với thiết chế riêng, đa dạng một cách phù hợp. Và, cuối cùng là luật hóa các nhóm công việc trên.
Xin cám ơn ông!
Lê Thọ Bình 

(VietTimes)


Hội nghị G20: Nhiều nước tuyên bố sẽ nêu vấn đề về biển Đông

Mỹ, Indonesia và Nhật Bản ngày 30/8/2016 tuyên bố sẽ chính thức nêu vấn đề biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) được tổ chức tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc vào đầu tháng 9/2016.

vấn đề biển đông, Hội nghị G20 Trung Quốc,
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon (phải), Tổng thống Mỹ Barack Obama (giữa), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (đằng sau) và Thủ tướng Canada Justin Trudeau (trái) tại Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 11/2015. (ảnh: Reuters)
Bên lề Hội nghị, ông Barack Obama sẽ có các cuộc hội đàm riêng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Barack Obama chắc chắn sẽ trao đổi kỹ lưỡng với ông Tập Cận Bình những những vấn đề đang gây bất đồng sâu sắc giữa hai nước, nhất là sự gia tăng căng thẳng trên biển Đông.
Ông Ben Rhodes, Phó ban cố vấn an ninh Mỹ khẳng định, Mỹ luôn giữ quan điểm có nhiệm vụ phải đảm bảo an ninh tuyến hàng hải lớn trên biển Đông. Việc Trung Quốc đơn phương làm thay đổi hiện trạng các đảo đá, xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông không những làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của biển Đông mà còn tác động xấu đến an ninh trong khu vực và trên thế giới.
Hãng Bloomberg đưa tin rằng, Trung Quốc đang lo Nhật Bản sẽ đưa vấn đề biển Đông ra Hội nghị G20 nên đã thúc đẩy căng thẳng trên biển Hoa Đông nhằm cảnh cáo Tokyo.
Hãng Reuters cũng đưa tin rằng, với tư cách là quốc gia Đông Nam Á duy nhất có vai trò thành viên tại Hội nghị thượng đỉnh G20, Indonesia cũng có đại diện tham dự Hội nghị là Tổng thống Joko Widodo. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu tiên tăng cường hợp tác song phương với Trung Quốc, ông Joko Widodo vẫn sẽ bàn chuyện biển Đông.
Trên thực tế, những năm gần đây, Indonesia đã đứng ngoài các căng thẳng trên biển Đông giữa Trung Quốc và các nước ASEAN nhưng cũng bắt đầu quan ngại trước sự bành trướng của Bắc Kinh trên biển Đông.
Theo CAND

Nguyên CTN Trương Tấn Sang: Các vụ án tham nhũng lớn, thấy "bóng dáng" của những cán bộ quản lý ở cấp cao.

Phụng sự Tổ quốc, có liêm sỉ và khát vọng cống hiến

 Báo VietNamNet trân trọng giới thiệu bài viết của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Nguyên Chủ tịch nước Trương tấn Sang. Ảnh: VOV
Đã từ lâu, với thế hệ chúng ta, ngày 2/9 là Ngày Quốc khánh thiêng liêng của đất nước. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Tổ quốc thiêng liêng được vun đắp bởi xương máu và mồ hôi nước mắt của biết bao thế hệ người Việt Nam. Trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc bảo vệ Tổ quốc thế kỷ vừa qua thôi, máu của hàng triệu người ngã xuống vẫn còn ấm nóng trên lá quốc kỳ. Biết ơn các bậc tiền nhân, biết ơn đồng chí, đồng bào, thì ngày hôm nay đối với những người chèo lái con thuyền Tổ quốc, không có cách nào khác là phải nhận lấy gánh nặng trách nhiệm trên đôi vai của mình.
Ngô Quyền, với chiến thắng vẻ vang trên sông Bạch Đằng đã chấm dứt giai đoạn 1.000 năm Bắc thuộc và mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ lâu dài của dân tộc. Theo đánh giá của sử gia Ngô Thì Sỹ (1726-1780) thì: "Trận thắng trên sông Bạch Đằng là cơ sở cho việc khôi phục quốc thống. Những chiến công đời Đinh, Lê, Lý, Trần sau này còn nhờ vào uy danh lẫm liệt ấy để lại. Trận Bạch Đằng vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu, há phải chỉ lẫy lững ở một thời bấy giờ mà thôi đâu" (Việt Sử Tiêu Án).
Từ Ngô Quyền cho đến giai đoạn sau này, các vương triều đều xây dựng được những đỉnh cao rực rỡ về mọi lĩnh vực, nhưng rồi lại đi đến diệt vong do tranh quyền, đoạt lợi trong nội bộ, do nạn bè phái, vơ vét của cải, ức hiếp dân lành và có những kẻ làm “tay sai” cho ngoại bang.
Pháp luật là phép tắc chung của Nhà nước, ta và các người phải cùng tuân theo” (Lê Thánh Tông 1442-1497). Tư tưởng pháp trị của Bộ luật Hồng Đức manh nha từ hơn 500 năm trước, tiếc thay, đã sớm bị chìm khuất trong bóng tối nặng nề của chế độ phong kiến tập quyền, của một quốc gia bị xâm lược... Dâu bể đa đoan, một cá nhân, dẫu có là một vị “vua tốt”, có khi cũng chỉ biên soạn được những bản anh hùng ca dang dở.
Không ai thay đổi được lịch sử, hậu thế chỉ có thể nhìn vào tấm gương lịch sử để nhận thức lại chính mình.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, buổi bình minh của kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chỉ trong 15 năm, một chính Đảng với khoảng 5.000 đảng viên đã giành lấy chính quyền từ tay ngoại xâm, đòi lại danh dự và phẩm giá dân tộc. Thành công đó là gì, nếu không phải là đường lối đúng đắn và sự ủng hộ của nhân dân... Cũng chính sức mạnh đó đã tiếp tục giúp dân tộc Việt Nam vượt qua 30 năm trời đằng đẵng hy sinh, kháng chiến gian khổ, thu được giang sơn về một mối. Lòng dân bền chặt, phơi phới hướng về một tương lai tươi sáng...
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vô vàn kính yêu của chúng ta đã rất sâu sắc cảnh tỉnh: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không còn trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân".*
Ngày hôm nay, từ góc nhìn mạnh, yếu, suy vong của các triều đại trong lịch sử thì những hiểm họa, những tiêu cực đang phát sinh trong nội tại đất nước khiến cho những đảng viên cộng sản trung kiên, các bà mẹ đã cống hiến những người con cho Tổ quốc, những gia đình đã chịu nhiều hy sinh mất mát, không thể yên lòng.
Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ Đại hội VII của Đảng đã chỉ ra bốn nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và sự nghiệp Cách mạng nước ta. Trong đó, chệch hướng  tham nhũng là hai nguy cơ cực kỳ nguy hiểm và có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Đến Đại hội IX thì những nguy cơ đó đã thành sự thật, thậm chí hiển hiện: “tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng". Qua các kỳ Đại hội tiếp theo, tình trạng này không những không suy giảm, chẳng những ít tìm ra được ai trong “bộ phận không nhỏ”, mà tham nhũng, suy thoái còn diễn ra dưới nhiều hình thức tinh vi hơn, trắng trợn hơn.
Đảng Cộng sản có quyền tự tin và tự hào khi được nhân dân tin tưởng trao cho mình quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nhưng cũng vì lẽ đó chúng ta càng cần phải luôn nghiêm khắc với mình. Năm 2015, Việt Nam đứng ở vị trí 112 trong số 168 quốc gia về chỉ số cảm nhận mức độ tham nhũng theo khảo sát của tổ chức Minh bạch Quốc tế; còn người dân thì có gánh nặng thuế và chi phí cao bậc nhất khu vực, theo Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội năm 2012. Trong khi đó nợ công đang ở mức trên 58% GDP (số liệu Kiểm toán Nhà nước công bố tháng 8-2016), tức là mỗi người dân đang phải chịu khoản nợ 1.000 USD. Năng suất lao động thấp, làm không đủ để trả nợ, đất nước đang phải đi vay nợ để trả nợ.
Chưa bao giờ trong lịch sử hơn 70 năm Nhà nước ta, Nhà nước “của dân, do dân và vì dân” lại xuất hiện những biểu hiện tiêu cực như hiện nay: “tư bản thân hữu”, “lợi ích nhóm”, “sân sau của gia đình”; xuất hiện sự cấu kết quyền lực với lợi ích kinh tế, lèo lái chính sách, dàn dựng để tạo ra các cú “áp-phe” lớn mang lại lợi ích “khủng” cho một số cá nhân và phe nhóm..., gây thiệt hại khôn lường cho ngân sách Nhà nước, làm chao đảo nền kinh tế.
Các vụ án tham nhũng lớn, đặc biệt nghiêm trọng được đem ra xét xử hay chưa xét xử, thấy thấp thoáng "bóng dáng" của những cán bộ nắm giữ vị trí quản lý, thậm chí cả cán bộ quản lý ở cấp cao.
Với đội ngũ hùng hậu hơn 4,5 triệu đảng viên hiện nay, đặc biệt là trong Ban lãnh đạo, ai là những người đủ dũng cảm để gột sạch những vết nhem nhuốc làm vấy bẩn đội ngũ của chúng ta. Trong cuộc đấu tranh trước đây, để bảo vệ Đảng, bảo vệ lợi ích nhân dân, chúng ta dám chấp nhận hy sinh mạng sống của mình, thì hôm nay, cũng phải dám vượt qua cám dỗ, thậm chí phải có dũng khí thấy cái đúng phải lên tiếng ủng hộ, thấy cái sai phải kiên quyết bài trừ.
Ngoài những điều đã sáng rõ và sự thống nhất cao về những nhiệm vụ trọng tâm mà toàn Đảng, toàn dân sẽ tập trung thực hiện, Đại hội Đảng lần thứ XII đã chứng tỏ còn là một Đại hội ghi dấu ấn đặc biệt quan trọng trong tập trung thống nhất về quyền lực của lãnh đạo cấp cao của toàn Đảng - tạo thêm những điều kiện cần và đủ để Ban lãnh đạo mới có thể chỉ đạo làm đến cùng và rốt ráo những việc nguy cấp, nổi cộm mà ở những giai đoạn trước không làm nổi. Cũng vì thế mà từ Đại hội Đảng lần này đang dấy lên sự hy vọng trong toàn Đảng, toàn dân về sự trở lại của niềm tin của Dân với Đảng, với sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.
5 năm một nhiệm kỳ chỉ là cái chớp mắt của lịch sử, nhưng cũng chính vào lúc này, Đảng phải chứng minh cho nhân dân thấy được rằng, bằng việc làm đúng đắn hôm nay, những đảng viên chân chính sẽ giữ cho con thuyền Cách mạng không bị chệch hướng trong tương lai.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ ra những tiêu cực trong lựa chọn cán bộ, đó là: thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư mới đến trí tuệ. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư Đảng, những hành động mạnh mẽ gần đây của các cơ quan chức năng là những dấu hiệu tốt, thể hiện quyết tâm làm trong sạch bộ máy, chỉnh đốn Đảng và được nhân dân đồng tình, hưởng ứng.
Không có cách nào khác, trước sự tồn vong của Đảng, của đất nước, với sự ủng hộ của hơn 90 triệu nhân dân, trách nhiệm với lịch sử và tương lai đang đè nặng lên vai những người được tin tưởng nắm giữ vai trò chèo lái; phải lấy lại niềm tin trước sự rộng lượng của nhân dân bằng cách hành động, bằng tính tiên phong đã được chứng minh trong thực tiễn đấu tranh. Ai đó cảm thấy không đảm đương được công việc hãy tự nguyện trao lại mái chèo, hoặc Đảng buộc họ phải ra đi.
Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có tài, có liêm sỉ và có khát vọng cống hiến, đó là những phẩm chất mà nhân dân trông đợi vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước./.
Mùa Thu 2016
---------------
* Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb CTQG, H.2002, tr.557-558.
TRƯƠNG TẤN SANGNguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước

TS Nguyễn Quang A phản đối dự án thép Ninh Thuận

Phản ứng trái chiều về siêu dự án thép Ninh Thuận

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2016-08-31
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
000_BM64X.jpg
Một người đàn ông vận chuyển các thanh thép tới một công trường xây dựng tại Hà Nội vào ngày 08 tháng 6 năm 2016.
 AFP photo
Thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa gây ra cho 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ chưa khắc phục đuợc, nhưng vào ngày 25/8/2016 vừa qua Bộ Công thương lại bổ sung một dự án thép công suất 16 triệu tấn năm ở ven biển tỉnh Ninh Thuận vào quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020 -2025.
Xu hướng lỗi thời
Dự án mang tên “Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận” do Tập đoàn Hoa Sen của doanh nhân Việt Nam làm chủ đầu tư đang chờ giấy phép. Với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 10 tỷ USD  và sử dụng 1.500 héc-ta đất ven biển để sản xuất thép là một ý tưởng táo bạo, được cho là có phần không hợp thời vì bài học Formosa đã trả giá quá đắt.
TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS từ Hà Nội cho rằng, phát triển công nghiệp nặng bằng con đường sản xuất thép là lỗi thời. Theo xu hướng thời đại, làm một dự án thép lớn như thế là thất sách. Thép là ngành sử dụng nhiều nước, nhiều năng lượng, tốn nhiều nước, nhiều năng lượng là hủy hoại môi trường. Ngoài ra dự án tiềm ẩn nhiều rủi ro, vốn đầu tư quá lớn chủ đầu tư sẽ phải sử dụng đòn bẩy để thu hút vốn… người ta bỏ ra một phần nhỏ nhưng xắn một miếng bánh rất lớn, cho nên mức độ mạo hiểm được khuyến khích rất cao, việc này tiềm ẩn rủi ro kinh tế rất cao. TS Nguyễn Quang A phân tích và nhấn mạnh:
Nếu một nhà quản lý đất nước có đầu óc thì phải dẹp và cấm ngay những dự án như thế chứ không phải khuyến khích thế này thế kia...  
- TS Nguyễn Quang A
“Từ ba phương diện như thế tôi nghĩ rằng, nếu một nhà quản lý đất nước có đầu óc thì phải dẹp và cấm ngay những dự án như thế chứ không phải khuyến khích thế này thế kia...”
Tập đoàn Hoa Sen dự kiến triển khai dự án theo 5 giai đoạn từ năm 2017 đến 2031. Theo đó, phân kỳ 1 thuộc giai đoạn 1 được thực hiện từ 2017 - 2018 dự kiến sử dụng 240 ha đất, công suất 1,5 triệu tấn thép mỗi năm và chính thức sản xuất từ năm 2019.  Cùng với khu liên hợp gang thép, Tập đoàn Hoa Sen đồng thời triển khai các dự án thành phần bao gồm: Dự án đầu tư hạ tầng Khu Công nghiệp Hoa Sen Cà Ná; Dự án đầu tư Cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen Cà Ná.
Giới chuyên gia ngành thép nhận diện như thế nào về Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận. Trả lời Nam Nguyên vào tối 30/8/2016, ông Phạm Chí Cường chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật đúc - luyện kim Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam từ Hà Nội nhận định:
Theo tôi trong giai đoạn hiện nay Nhà nước phải cân nhắc xem xét rất là kỹ, bởi vì xu thế ở trong nước thì đã thừa thép rồi. Xu thế chung của cả khu vực và thế giới thì thép cũng đang dư thừa và nhất là Việt Nam ở gần Trung Quốc là nước dư thừa thép rất lớn và họ đang tìm mọi cách để xuất khẩu lượng thép dư thừa của họ, làm cho toàn bộ việc cân đối mặt hàng thép ở Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn mà nhà nước đang phải bảo hộ. Cho nên tôi nghĩ là, khi nghiên cứu ý đồ của Hoa Sen thì nhà nước phải rất thận trọng...”
Cạnh tranh với ai?
000_Hkg380944.jpg-400.jpg
Thủ tướng Australia John Howard (phải) thăm nhà máy thép BlueScope Steel Australia đầu tư tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 1, Bà Rịa-Vũng Tàu, hôm 20 tháng 11 năm 2006. AFP
Đáp câu hỏi về khả năng cạnh tranh của thép Việt Nam với sản phẩm rẻ nhất thế giới của Trung Quốc, đặc biệt khi Hoa Sen dự kiến mở dự án mới và cam kết xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, tức là chi phí cao cho vấn đề xử lý nước thải. Ông Phạm Chí Cường nhận định:
“Tôi hoàn toàn nghĩ là sự cạnh tranh của Việt Nam với thép dư thừa và giá rẻ của Trung Quốc là một thử thách rất là lớn. Bởi vì Việt Nam phát triển ngành thép trong điều kiện gọi là không có gì thuận lợi, do quặng không có cũng phải nhập, than mỡ để làm ra than cốc cung cấp cho lò cao cũng phải nhập. Cho nên không có ưu thế gì về mặt nguyên liệu để làm ngành thép. Nếu phải nhập tất cả mọi thứ như thế vào đầu tư ban đầu, trong khi Trung Quốc dư thừa công suất, họ đã có những liên hợp cực lớn rồi, đã sản xuất và khấu hao từ lâu rồi thì việc cạnh tranh của Việt Nam là điều hết sức khó khăn. Hiện tại nhà nước buộc phải ra những chính sách tự vệ và bảo hộ cho ngành thép trong nước, đánh thuế rất cao đối với những loại thép xây dựng, tôn mạ màu…Tôi cho rằng thể hiện sự cạnh tranh của mình là rất khó khăn.”
Giả dụ Dự án được thực hiện và Hoa Sen đạt tới công suất 16 triệu tấn thép mỗi năm, thì vấn đề giá thành cạnh tranh với thép Trung Quốc là khó khả thi, nhất là khi Hoa Sen bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, hay nói cách khác chi phí cao cho vấn đề xử lý nước thải, chất thải kể cả khói thải.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận sáng 27/8 với sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Lê Phước Vũ Chủ tịch    Tập đoàn Hoa Sen cam kết không để một giọt nước thải nào chưa qua xử lý chảy ra biển. Rất hùng hồn, ông Vũ cố gắng thuyết phục là sẵn sàng ký kết với đại diện chính phủ về việc đóng cửa nhà máy và bàn giao toàn bộ tài sản cho nhà nước nếu vi phạm qui định bảo vệ môi trường.
Tôi hoàn toàn nghĩ là sự cạnh tranh của Việt Nam với thép dư thừa và giá rẻ của Trung Quốc là một thử thách rất là lớn.
- Ông Phạm Chí Cường
Trong giai đoạn 1 năm 2017-2018, Dự án thép Hoa Sen Ninh Thuận mới chỉ triển khai trên diện tích 240 ha, nhưng theo dự án đầy đủ Hoa Sen xin thuê tới 1.500 ha đất ven biển. Có ý kiến cho rằng, vấn đề quyền sử dụng đất ven biển chính là lời giải đáp cho dự án quá khổ của một tập đoàn tư nhân Việt Nam, nhất là hiện nay sản xuất thép và xi măng là những mặt hàng khó đem lại lợi nhuận.
“Những doanh nghiệp mà phất lên ở Việt Nam đều là ăn vào chênh lệch của đất, tức là chiếm đất với một giá rất là rẻ, xong rồi đầu tư một chút, rồi biến nó thành đất công nghiệp, đất định cư và lúc ấy có thể là một vốn năm bảy chục lời…Tôi nghĩ là những dự án như thế chuyện tận dụng đất đai ở Việt Nam là hiển nhiên.”
Ninh Thuận là một tỉnh nghèo, cho nên chính quyền địa phương làm mọi cách để mời gọi đầu tư hầu cải thiện tăng trưởng kinh tế. Một dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná cùng cảng nước sâu trên diện tích 1.500 ha, khiến liên tưởng tới Khu liên hợp gang thép Formosa và cảng nước sâu Sơn Dương trên diện tích đất và mặt nước tổng cộng 3.300 ha.
TS Nguyễn Quang A nói rằng, chính quyền chỉ nghĩ đến tiền, nhà máy lọc dầu Dung Quất ở Quảng Ngãi và nhà máy thép Formosa Vũng Áng Hà Tĩnh đã thể hiện sự sai lầm vô cùng lớn. Nay lại đến Ninh Thuận cũng đang hồ hởi đi theo vết xe đổ, xúc tiến một dự án sai lầm không kém.

"Than vẫn còn có thể khai thác vài trăm năm nữa"

Dân trí "Với tổng tài nguyên trữ lượng cụ thể của than sông Hồng, nếu bể này thành công, thì tài nguyên than rất lớn có thể khai thác vài trăm năm, và lên tới hàng chục tỷ tấn. Riêng dải Khoái Châu - Tiền Hải dự tính khai thác được khoảng 42 tỷ tấn", lãnh đạo Vinacomin khẳng định
 >> Ngành than lại kêu khó, tiếp tục xin giảm thuế tài nguyên
 >> Nhập khẩu than sẽ tăng liên tục trong tương lai

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).
Bộ Công Thương vừa công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030.
Phát biểu tại buổi lễ công bố, liên quan đến trữ lượng khai thác than, ông Lê Văn Duẩn, Phó Giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp - Vinacomin (Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam) khẳng định, than vẫn có sản lượng khai thác được lâu nhất trong số các nguồn năng lượng sơ cấp.
"Với tổng tài nguyên trữ lượng cụ thể của than sông Hồng, nếu bể này thành công, thì tài nguyên than rất lớn có thể khai thác vài trăm năm, và lên tới hàng chục tỷ tấn. Riêng dải Khoái Châu - Tiền Hải dự tính khai thác được khoảng 42 tỷ tấn. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là dự tính và vẫn chỉ là tiềm năng. Tiềm năng khai thác than của Việt Nam vẫn rất lớn nhưng phụ thuộc vào khả năng phát triển công nghiệp khai thác của ngành than", ông nói.
Theo quyết định điều chỉnh quy hoạch lần này, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho ngành than đến năm 2030 khoảng 269.003 tỷ đồng (bình quân 17.934 tỷ đồng/năm). Trong đó, riêng giai đoạn đến năm 2020, nhu cầu vốn đầu tư khoảng 96.566 tỷ đồng (bình quân 19.313 tỷ đồng/năm).
Một điểm cũng đáng lưu ý, tại quy hoạch điều chỉnh, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành than đến năm 2030 dự kiến khoảng 269.003 tỷ đồng thấp hơn so với quy hoạch cũ lên tới 421.970 tỷ đồng.
Giải thích về việc điều chỉnh quy hoạch, ông Nguyễn Khắc Thọ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng cho biết, nguyên nhân điều chỉnh vốn đầu tư là do theo quy hoạch, sản lượng than thương phẩm sẽ giảm rất mạnh. Cụ thể vào năm 2020 đạt từ 47-50 triệu tấn sau đó nâng lên 55-57 triệu tấn vào năm 2030. Trong khi yêu cầu đề ra cho quy hoạch cũ (Quy hoạch 60) thì sản lượng than khai thác ​lên tới 60-65 triệu tấn vào năm 2020, sau đó nâng lên trên 75 triệu tấn vào năm 2030.
"Mặc dù việc thực hiện quy hoạch 60 thời gian qua đã đáp ứng được nhu cầu năng lượng trong nước. Tuy vậy, trước sự phát triển của các ngành sử dụng nhiều năng lượng như nhiệt điện, ximăng... đã có nhiều thay đổi, do vậy bản quy hoạch cũng cần có sự cập nhật cho phù hợp với thực tế", ông Thọ cho biết.
Trả lời câu hỏi về việc đầu tư trên 19 nghìn tỷ đồng mỗi năm sẽ mang lại hiệu quả cho kinh tế - xã hội như thế nào, đại diện Bộ Công Thương, khẳng định việc khai thác than sẽ đảm bảo an ninh năng lượng đầu tiên, tiếp đó là an sinh xã hội.
Để đảm bảo đủ nguồn vốn, ông Thọ cho biết thêm, trong quy hoạch điều chỉnh đã tính tới nhiều phương án, trong đó sẽ hướng tới việc đa dạng hình thức huy động vốn, gồm các hình thức BOT, PPP...
Lãnh đạo Tổng cục năng lượng cũng cho biết, mặc dù là ngành kinh doanh có điều kiện, nhưng các doanh nghiệp khác nếu có đủ điều kiện cũng khuyến khích nhập khẩu than và điều này sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của TKV.
Phương Dung

Bản đồ chính trị Trung Quốc có đại biến

21 hours trước1,827 Lượt xem

Liên tục trong 2 ngày, chính quyền ông Tập Cận Bình đã thay quan chức cấp cao ở 6 tỉnh: Tân Cương, Hồ Nam, An Huy, Vân Nam, Tây Tạng và Nội Mông Cổ. Chuyên gia chính trị Đại Lục nhìn nhận, thay quan chức hàng loạt ở các địa phương thực chất là đang gỡ bỏ thế lực tại địa phương của ông Giang Trạch Dân, là chuẩn bị cho chiến lược tối hậu: bắt Giang.
Thay đổi nhân sự trên 6 tỉnh Trung Quốc.
Thay đổi nhân sự trên 6 tỉnh Trung Quốc.
Ngày 28/8, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, Đỗ Gia Hào thay Từ Thủ Thịnh giữ chức Bí thư tỉnh Hồ Nam, Trần Hào thay Lý Kỉ Hằng đảm nhiệm chức Bí thư tỉnh Vân Nam, và Ngô Anh Kiệt thay Trần Toàn Quốc giữ chức Bí thư khu tự trị Tây Tạng.
Ngày 29/8, truyền thông nhà nước Trung Quốc lại công bố việc Trần Toàn Quốc được điều đến Tân Cương thay Trương Xuân Hiền làm Bí thư khu tự trị Tân Cương và Lý Kỷ Hằng thì thay Vương Quân giữ chức Bí thư khu tự trị Nội Mông Cổ. Một chức vụ cấp cao khác cũng có thay đổi là Lý Cẩm Bân thay Vương Học Quân giữ chức Bí thư tỉnh An Huy.
Trong ba quan chức bị thay thế, chỉ có Trương Xuân Hiền là được giải thích về nơi công tác mới. Cựu Bí thư tỉnh An Huy là Vương Học Quân và cựu Bí thư khu tự trị Nội Mông Cổ là Vương Quân đều không hề được nhắc đến chức vụ mới sau khi bị thay thế. Có phân tích cho rằng, hai người này hoặc là đã bị ép phải về hưu hoặc rơi vào tình cảnh không hề khả quan. Truyền thông nhà nước cũng không hề nhắc đến nơi chuyển công tác của Từ Thủ Thịnh, cựu Bí thư tỉnh Hồ Nam.
Cùng ngày 29/8, trước khi truyền thông nhà nước công bố tin tức, có trang tin ở hải ngoại cũng đưa tin đồn việc Trương Xuân Hiền bị điều chuyển chức vụ. Báo này cho biết Trương Xuân Hiền được điều về Bắc Kinh giữ chức vụ lãnh đạo một tiểu tổ trong Trung ương Đảng. Chức vụ này được giới quan sát nhìn nhận là một chức vụ không có thực quyền.
Người thay thế Trương Xuân Hiền là Trần Toàn Quốc, được nhận định là người của thủ tướng Lý Khắc Cường, lúc trước đã từng làm việc cùng ông Lý Khắc Cường ở Hà Nam, lúc ông Lý giữ chức Bí thư tỉnh ủy, Trần cũng đảm nhiệm chức Phó tỉnh trưởng, Cục trưởng Cục Tổ chức, Phó bí thư Đảng ủy tỉnh Hà Nam. Mãi đến năm 2011, Trần được điều nhiệm đến Tây Tạng giữ chức Bí thư.
Như vậy, trong quá trình luân chuyển chức vụ công tác này, có 4 quan chức đã bị triệt tiêu quyền lực là Trương Xuân Hiền, Vương Học Quân, Vương Quân và Từ Thủ Thịnh.

Trương Xuân Hiền từng nhiều lần thách thức Tập Cận Bình

Ông Trương Xuân Hiền được giới quan sát nhận định là người của ông Chu Vĩnh Khang, từng nhiều lần có hiện tượng ‘bố trận’ trong bóng tối để chống ông Tập Cận Bình.
Cuối năm ngoái, Bí thư Ban Kỷ luật Tân Cương liên tục chỉ trích các quan chức địa phương là không “đồng điệu” cùng với chính quyền của ông Tập Cận Bình, không chỉ đối với các quyết sách lớn “nói một đằng làm một nẻo” và “công kích trung ương”, mà còn “hỗ trợ các hoạt động khủng bố”. Đây đều là các từ ngữ vô cùng nghiêm trọng.
Lúc đó, bình luận viên chính trị Hạ Tiểu Cường đã nhận xét, luận điệu này cho thấy Bí thư Ban Kỷ luật không phải đang gửi báo cáo cho Trương Xuân Hiền. Theo thông lệ của truyền thông nhà nước Trung Quốc, luận điệu công khai này là tấn công nhắm vào ông Trương Xuân Hiền, ám chỉ rằng ông phải chịu trách nhiệm cho các vấn đề ở Tân Cương.
Trong thời gian Lưỡng hội năm nay, ông Trương Xuân Hiền trả lời câu hỏi của truyền thông về việc có ủng hộ sự lãnh đạo của ông Tập hay không chỉ bằng câu “còn phải nói nữa sao”. Đặc biệt, báo mạng do Cục Tuyên truyền Đảng ủy Tân Cương chủ quản, báo Vô Giới Tân Cương, trong thời kỳ Lưỡng hội đã cho đăng một bức thư từ chức công khai, nội dung nhiều lần nhắc đến việc đe dọa người nhà cũng như chính bản thân ông Tập Cận Bình. Lúc đó, giới quan sát cho rằng sự nghiệp chính trị của ông Trương Xuân Hiền chắc chắn gặp nguy hiểm.

Tổ tuần tra Ủy ban Kỷ luật Trung ương đã ‘đả hạ’ nhiều ‘lão hổ’

Năm nay là năm quan chức địa phương Trung Quốc có nhiều sự thay đổi. Tổ tuần tra của Ủy ban Kỷ luật Trung ương (UBKL) đã tiến hành vòng thứ nhất và vòng thứ hai tuần tra qua các tỉnh, đã ‘hạ bệ’ nhiều quan chức cấp cao ở địa phương, trong đó bao gồm nhiều ‘đại lão hổ’ là quan chức cấp tỉnh cục trở lên.
Vòng điều tra thứ nhất, sau khi điều tra bốn tỉnh Hà Nam, An Huy, Liêu Ninh, Sơn Đông, có 30 quan chức bị “ngã ngựa”. Người đầu tiên bị xử lý là Dương Á Châu, Phó thị trưởng kiêm Ủy viên thường vụ thành ủy Thẩm Dương của tỉnh Liêu Ninh. Tính riêng các “lão hổ” là các quan chức từ cấp tỉnh cục trở lên thì có 4 người, cựu Bí thư tỉnh ủy Liêu Ninh là Vương Mân, cựu Phó chủ nhiệm Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân tỉnh Liêu Ninh, Vương Dương, cựu Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư ban chính pháp Liêu Ninh Tô Hoành Chương, Phó chủ nhiệm Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân tỉnh Liêu Ninh là Trình Ngọc Chiêu, tổng cộng có 4 quan chức cấp cao bị bắt điều tra.
Ngoài ra, trong 3 tỉnh còn lại, Sơn Đông và An Huy đều có 1 quan chức cấp tỉnh cục “ngã ngựa”, là cựu Phó Bí thư thành ủy kiêm Thị trưởng thành phố Tế Nam tỉnh Sơn Đông Dương Lỗ Dự và cựu Phó tỉnh trưởng tỉnh An Huy Dương Chấn Siêu.
Sau đó còn có Phó thị trưởng thành phố Thiên Tân là Doãn Hải Lâm cũng vì tình nghi vi phạm kỷ luật nghiêm trọng nên bị điều tra. Đây cũng là đánh dấu bắt đầu vòng 2 tuần tra của UBKL.
Truyền thông Đại Lục dự báo ở phía sau vẫn còn nhiều dây có liên quan, sẽ có không ít “đại lão hổ” cấp tỉnh cục bị kéo ra ngoài.

UBKL trong một ngày hai lần nhắc đến việc “hát lạc điệu”

Ngày 25/8, UBKL đã trong 1 ngày hai lần đề cập đến vấn đề “hát lạc điệu”. Trang mạng của UBKL gửi ra công bố việc tuần tra và chỉnh đốn tỉnh ủy Liêu Ninh, đề cập đến việc cựu Bí thư tỉnh ủy Liêu Ninh là Vương Mân “trụy lạc tiêu cực, và chống đối trung ương”.
Buổi chiều cùng ngày, UBKL lại gửi lên Weixin phân tích về vụ án, trong đó nói về việc Phó bí thư Đảng ủy kiêm Viện trưởng viện nghiên cứu Khoa học Giáo dục thành phố Thiên Tân là Võ Hồng Quân đã “công khai hát lạc điệu” với trung ương.

Chuyên gia: Thay đổi chức vụ ở nhiều tỉnh chính là chuẩn bị chiến lược cho việc bắt Giang Trạch Dân

Chuyên gia về chính trị Đại Lục, ông Tân Tử Lăng cho biết, việc thay đổi lớn chức vụ nhiều quan chức ở các tỉnh, cũng như việc các hội nghị chính trị gần đây đã thông qua các điều lệ mới về công tác của quan chức, chính là chuẩn bị chiến lược cho việc bắt ông Giang Trạch Dân vào trước Đại hội 19.
Ông cũng nói: “Khi hai quân giao tranh, cần phải đem toàn lực của mình ra để tranh thắng bại, như thế mới bắt được vương. Vì vậy anh phải tìm cách tấn công vào cơ sở vững chắc của đối phương, hiện giờ chính là đang như thế. Đổi một cán bộ, thay một cán bộ mới, đây chính là làm cho cơ sở của Giang mỗi ngày mỗi yếu đi, làm cho ông ấy phải liên tục căng thẳng”.
Tân Tử Lăng nhận định: “Hiện giờ việc điều tiết một số lượng lớn các cán bộ địa phương có một lý do nữa là, họ đều là người gây dựng lực lượng cho Giang Trạch Dân, đều là do ông ấy đề bạt nên trung thành với ông ấy, theo ông ấy, vì vậy phải thay những người này xuống. Về mặt này thì ông Tập làm cũng rất đúng, vì sau đó có động đến Giang Trạch Dân cũng không gây chấn động cho quốc gia, cũng được mọi người trên dưới đều lên tiếng ủng hộ”.
Một người trong giới truyền thông có kinh nghiệm lâu năm ở Đại Lục, tác giả độc lập Hoàng Kim Thu lúc trước đã từng phát biểu trên truyền thông hải ngoại rằng, hiện giờ rất nhiều các quan chức địa phương là do Giang Trạch Dân đề bạt lên, rất nhiều người tham nhũng, nhận và đưa hối lộ. Khi mà những người này bị thiệt hại về lợi ích, thì họ sẽ đứng ra công khai phản đối, và nhiều quan chức địa phương khác cũng sẽ hô ứng với họ. Nếu như dung túng cho những người này tiếp tục lớn tiếng phản đối, ông Tập Cận Bình và ông Vương Kì Sơn chắc chắn không thể chống tham nhũng, cũng không thể làm bất cứ cải cách nào. Nó sẽ có khả năng trở thành thách thức với mức độ vô cùng lớn, khó mà thông qua bất cứ điều gì trong đảng.
Ông này nói tiếp: “Đây là Tập Cận Bình đang thanh tẩy một số lớn người trong đảng có dị nghị với việc ông ấy làm cải cách, không chỉ là những người không phục bằng mồm, mà cả những người trong tâm không phục. Thêm vào đó, thông qua việc xử lý những người như Vương Mân với lý do công khai công kích trung ương, vi phạm quy củ chính trị, đối kháng điều tra, ông ấy cảnh cáo công khai chư hầu các địa phương. Nó cũng là một dạng của tập trung quyền lực.”
Tự Minh
Xem thêm:

Biển Đông : ASEAN, Trung Quốc dự kiến thông qua Quy tắc tránh va chạm

Trọng Thành

mediaTàu tuần duyên Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu cảnh sát biển Việt Nam, tiếp cận khu vực giàn khoan 981, ngày 08/05/2016.Ảnh : Reuters
Kênh truyền thông Philippines GMA hôm nay, 31/08/2016, dẫn một nguồn tin ngoại giao cho hay ASEAN và Bắc Kinh đã đạt thỏa thuận về việc thông qua « Bộ quy tắc tránh va chạm ngoài ý muốn trên biển » (Code for Unplanned Encounters at Sea), gọi tắt là CUES, trong thượng đỉnh ASEAN tại Lào vào tuần tới. Nếu diễn ra như dự kiến, Bộ quy tắc quan trọng - giúp cho việc xử lý các va chạm trên biển giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á - sẽ được thông qua đúng vào dịp khối ASEAN kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối thoại với Trung Quốc.
Bộ quy tắc xử lý các va chạm trên biển không mang tính chất bắt buộc lần đầu tiên được thông qua giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và 18 quốc gia ven bờ tây Thái Bình Dương tại Hội nghị Hải quân Tây Thái Bình Dương (WPNS) năm 2014, có mục tiêu giảm thiểu nguy cơ va chạm và ngăn ngừa sự cố trên biển và trên không bùng phát thành xung đột.
Hội thảo Hải quân Tây Thái Bình Dương (Western Pacific Naval Symposium) được thành lập năm 1988 là nơi lãnh đạo hải quân các nước của khu vực này gặp nhau hàng năm để trao đổi về các vấn đề an ninh hàng hải. Bộ quy tắc tránh va chạm được đề xuất lần đầu tiên vào năm 2000.
Từ Tây Thái Bình Dương đến Biển Đông
Bộ quy tắc tránh va chạm trên biển được Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khởi sự đàm phán từ đầu tháng 5/2016, trên cơ sở đề nghị của Singapore, quốc gia phụ trách điều phối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc, với nhiệm kỳ ba năm. Đề nghị được đưa ra trong bối cảnh Biển Đông rất căng thẳng, ít tuần trước khi Tòa Trọng Tài Thường Trực La Hay ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Dụng ý của phía Singapore vào thời điểm đó là thông qua thật nhanh chóng Bộ quy tắc này để bảo đảm an ninh tại Biển Đông và cải thiện niềm tin giữa hai bên trong lúc hai phía đang xúc tiến xây dựng Bộ quy tắc ứng xử COC.
Thuận lợi sẵn có để ra được một bộ quy tắc như vậy là 8 trong số 10 quốc gia ASEAN đã tham gia ký kết Quy tắc CUES với Trung Quốc và Hoa Kỳ trong khuôn khổ hội nghị Hải quân Tây Thái Bình Dương nói trên. Miến Điện và Lào không tham gia Bộ quy tắc tránh va chạm Tây Thái Bình Dương, nhưng cũng nhận lời tham gia vào thỏa thuận giữa ASEAN với Trung Quốc.
Theo nhà nghiên cứu Úc Carl Thayer, chuyên gia về quân sự, giáo sư danh dự Đại học New South Wales, thuộc Học viện Quốc Phòng Úc, thì việc các nước ASEAN cùng Trung Quốc lập đường dây nóng và thông qua Bộ quy tắc ứng xử về những va chạm ngoài ý muốn trên biển là « một giai đoạn khởi sự, đang đi đúng hướng ».
Về phần mình, chuyên gia về Biển Đông Jay Batongbacal thuộc Đại học Philippines tin tưởng là các biện pháp như vậy sẽ rất có ích cho các bên tranh chấp. Trả lời kênh truyền thông Philippines GMA News Online, ông nhận định : « Đây là một bộ quy tắc ứng xử cỡ nhỏ, với các quy định điều khiển khi tàu thuyền các nước giao nhau trên biển ».
CUES ra đời lúc Biển Đông căng thẳng cao độ
Biển Đông với rất nhiều đảo nhỏ, rặng san hô, bãi cạn… được cho là có nhiều khoáng sản và dầu mỏ, nằm trên một trong các trục đường giao thông hàng hải huyết mạch của thế giới. Trung Quốc thường xuyên tuyên bố có chủ quyền lịch sử trên gần 90% diện tích vùng biển này, bất chấp các vùng đặc quyền kinh tế của nhiều quốc gia láng giềng khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei. Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh liên tục tiến hành bồi đắp các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa, xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng có thể dùng cho mục tiêu quân sự. Trung Quốc cũng đưa nhiều phương tiện quân sự hiện đại tới khu vực này.
Ngày 12/07 vừa qua, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực tại La Haye ra phán quyết về vụ Philippines kiện các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông, bác bỏ hoàn toàn yêu sách chủ quyền lịch sử của Trung Quốc. Bắc Kinh tuyên bố không công nhận các phán quyết của Tòa PCA, và có một số động thái khiến quốc tế lo ngại nguy cơ xung đột bùng phát.
Trong cuộc họp các thứ trưởng ngoại giao giữa ASEAN và Trung Quốc tại khu Nội Mông, Trung Quốc, hồi giữa tháng 8/2016, hai bên đã nhất trí về nội dung văn bản Bộ quy tắc ứng xử về các va chạm ngoài ý muốn trên biển, dự kiến sẽ hoàn tất xây dựng được bộ khung cho Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, gọi tắt là COC, vào giữa năm tới 2017. Hai bên cũng đồng ý lập đường điện thoại nóng dùng trong các trường hợp khẩn cấp xảy ra tại Biển Đông. Bộ quy tắc ứng xử COC được coi là phương tiện pháp lý đặc biệt quan trọng, giúp cho việc ngăn ngừa đụng độ vũ trang bùng phát tại khu vực nhiều tranh chấp chủ quyền này. Trong khi chờ đợi, Bộ quy tắc ứng xử tránh va chạm ngoài ý muốn CUES có thể coi là một bước đệm để gia tăng tin tưởng giữa hai bên.
Theo một số sĩ quan Hoa Kỳ, Bộ quy tắc này cho biết các cách thức mà tàu thuyền các nước thông tin với nhau và điều khiển sao cho an toàn để tránh va chạm đã được hải quân Mỹ và Trung Quốc tuân thủ thành công khi các tàu của hai bên tiến lại gần nhau tại vùng Biển Đông nhiều tranh chấp.
Cần áp dụng cho cả tàu dân sự
Tuy nhiên, theo giáo sư Carl Thayer và chuyên gia Jay Batongbacal, thì thách thức đối với ASEAN và Trung Quốc hiện nay là bảo đảm là các phương thức ứng xử này cũng sẽ được áp dụng cho các tàu chấp pháp dân sự. Chuyên gia Philippines nhấn mạnh : « Cho đến nay, Bộ quy tắc này mới chỉ áp dụng cho các tàu quân sự, chiến hạm, nhưng các va chạm xảy ra nhiều nhất tại vùng biển này là giữa lực lượng tuần duyên và hải cảnh các nước (…), mà đó là các phương tiện hàng hải dân sự và chúng không được Bộ quy tắc CUES bảo vệ ».
Về vấn đề này, giáo sư Carl Thayer lưu ý : « kể từ khi Trung Quốc vạch ra đường 9 đoạn để khẳng định chủ quyền của mình tại phần lớn Biển Đông, họ thường xuyên sử dụng các tàu tuần duyên để làm nhiệm vụ tuần tra ».
Ông Carl Thayer nhấn mạnh đến trường hợp đụng độ trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam hồi tháng 5/2014, khi Bắc Kinh đưa một giàn khoan dầu nước sâu vào khu vực thềm lục địa của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, đường dây nóng vốn được hai bên sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp đã không vận hành. Phía Việt Nam đã cố gắng liên lạc tới 30 lần mà không có kết quả.
Chính vì vậy, chuyên gia Philippines Jay Batongbacal nhấn mạnh : để có tác dụng thực sự tại Biển Đông, Bộ quy tắc này cần phải được áp dụng cho toàn bộ các tàu cá, cũng như mọi loại tàu dân sự khác.
Hiện tại ngoài Bộ quy tắc tránh va chạm nói trên, để bảo đảm an ninh trên biển tàu thuyền các nước còn có Công ước quốc tế COLREGS (hay RIPAM), với các quy định tránh va chạm trên biển. Việc tạo ra các quy tắc bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải, cũng như các cơ chế đối thoại, hợp tác mới cho khu vực Biển Đông nhiều tranh chấp, là những sáng kiến mà ASEAN và cộng đồng quốc tế đang nỗ lực thúc đẩy.
Cuối tháng 8 vừa qua, 9 quốc gia Đông Nam Á và Nam Á tổ chức tại Singapore một đợt tập huấn về hợp tác chia sẻ thông tin và bảo đảm an ninh trên biển.