Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

Con trai Tổng bí thư Lê Duẩn nói về đặc quyền và lợi thế trời cho của TP Hồ Chí Minh

Từ đổ nát chiến tranh đến ngôi vị số 1:

Con trai Tổng bí thư Lê Duẩn nói về đặc quyền và lợi thế trời cho

Sau 42 năm tính từ 11g trưa ngày 30/4/1975, Sài Gòn – TP.HCM đã chuyển mình từ thành phố phục vụ chiến tranh sang Trung tâm kinh tế, văn hóa–xã hội lớn nhất phía nam Việt Nam. 
Chặng đường 42 năm sau thời khắc 11g ngày 30/4/1975 được ghi dấu bằng nhiều thay đổi mạnh mẽ để góp phần quan trọng đưa đất nước Việt Nam “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như lời dặn của Bác Hồ. 
TS. Lê Kiên Thành, con trai cố TBT Lê Duẩn chia sẻ, “Quê cha tôi ở miền Trung, tôi sinh ra ở Hà Nội, nhưng có gần 30 năm sống ở Sài Gòn-TP. Hồ Chí Minh. Ước mơ, khát vọng cháy bỏng nhất của tôi luôn hòa chung với con người thành phố này. Cho nên những điều tôi nói là sự thiết tha thật tận đáy lòng góp phần nhỏ bé của mình với TP để cùng tìm được con đường đi lên đúng đắn nhất, để vừa nhanh, vừa vững mạnh, sánh vai với những đô thị, TP lớn trong khu vực và thế giới”.
Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của con trai cố TBT Lê Duẩn về Sài Gòn-TP.HCM.
Thưa ông, bắt đầu từ những trăn trở, suy nghĩ của các nhà lãnh đạo TP.HCM những nhiệm kỳ gần đây về việc đưa TP.HCM phát triển lên tầm cao mới. Nhìn chung họ đều cho rằng, cần có cơ chế phù hợp để TP.HCM, tháo gỡ những vướng mắc đang trì níu v.v… Nhiều đề án và kiến nghị đã được đưa ra, được trình lên Trung ương… Có những phần đã được đồng ý, có phần vẫn còn phải nghiên cứu tiếp… Là người gắn bó với TP như vậy, ông có những suy nghĩ về việc này như thế nào?
TS. Lê Kiên Thành: Tôi cũng theo dõi và nghe những kiến nghị. Ví dụ kế hoạch tạo cho thành phố một cơ chế phù hợp, biến TP thành một đặc khu; đưa TP về vị trí trong lịch sử đã từng- là số một của khu vực, tức  “Hòn ngọc Viễn Đông” v.v… Tôi rất quan tâm và rất mừng.
thành phố Hồ Chí Minh,Lê Kiên Thành, Cố Tổng bí thư Lê Duẩn
Sài Gòn-TP. Hồ Chí Minh có vị trí chiến lược đặc biệt mang tính quyết định trong mọi thời kỳ. Ảnh: Lê Anh Dũng
Tôi sinh ra ở Hà Nội. Quê cha thì lại ở miền Trung. Nhưng tôi đã có gần 30 năm, tức là gần nửa cuộc đời mình, sống ở thành phố này cho nên trong máu thịt của tôi; trong ước mơ, khát vọng cháy bỏng nhất của tôi luôn hòa chung với con người TP.HCM! Cho nên khi nghe nhà lãnh đạo quyết tâm đẩy TP phát triển, sánh với vị trí “Hòn ngọc Viễn Đông” như từng có, với vai trò xứng đáng của TP mang tên Bác,… tất cả những quan điểm đó đều hợp với mong mỏi của tôi cũng như nhân dân TP.
Để những ý tưởng này thành hiện thực, cần có cách tiếp cận khách quan và khoa học để tránh bị “lệch” khi đi tìm mũi đột phá, cũng như hóa giải những khó khăn từ nội tại của TP.HCM, tìm ra hướng phát triển phù hợp, mạnh mẽ. Chúng ta làm việc gì chỉ thấy thuận lợi, không thấy khó khăn thì cũng không được. Ngược lại, chỉ thấy khó khăn mà “quên” mất thuận lợi thì cũng không xong. Cần phải tránh ngay từ đầu bị “lệch” như vậy!
Đừng quên, thời chiến tranh, bên nào cũng muốn có được Sài Gòn, nay chúng ta gọi là TP.HCM? Đó bởi vì TP có vị trí chiến lược đặc biệt mang tính quyết định. Thời bình cũng vậy, TP có vai trò là đầu tàu thúc đẩy cả nước.  
Hiện Sài Gòn-TP.HCM đã và đang được hưởng những gì, những cái đó có “đặc biệt” không?
Nhìn lại lịch sử, từ Hà Nội, Hải Phòng ở miền Bắc cho đến Huế, Đã Nẵng ở miền Trung… từng bị chiến tranh làm tổn thương ghê gớm. Nhưng Sài Gòn-TP. HCM là đô thị lớn duy nhất suốt mấy chục năm chiến tranh không hề bị tàn phá.
Sài Gòn–TP.HCM là trung tâm đầu não của chế độ cũ nên được Mỹ đầu tư hạ tầng khá tốt trong khi miền Bắc bị bom đạn vùi dập, giao thông gần như không còn gì. Huế và Đà Nẵng cũng bị bom đạn chà đi sát lại.
Một lợi thế nữa của Sài Gòn-TP.HCM không có nơi nào có được là với những đầu tư khổng lồ từ sẵn có, TP.HCM không phải khấu hao. Nói chính xác ra thì khấu hao của TP.HCM chính là sự hy sinh xương máu của cả dân tộc, trong đó có nhân dân TP.
Thế thì thử hỏi, TP. Hồ Chí Minh đã có những “đặc quyền”, “đặc lợi chưa”? Rõ ràng là có rồi. Nói cách khác, đây là lợi thế số một và duy nhất chỉ Sài Gòn-TP.HCM mới có, và cũng là duy nhất.   
thành phố Hồ Chí Minh,Lê Kiên Thành, Cố Tổng bí thư Lê Duẩn
Chính những lợi thế không tỉnh thành nào có được đã giúp Sài Gòn-TP.HCM có vai trò quan trọng với cả nước. Ảnh: Lê Anh Dũng.
Thêm một “đặc quyền”, “đặc lợi” nữa là TP này chưa từng bị thiên tai tàn phá. Bao nhiêu năm nay bão, thiên tai vào Hà Nội, Hải Phòng, miền Trung, và vào tận Cà Mau, Cần Thơ, nhưng tuyệt nhiên chưa không bao giờ bão tấn công Sài Gòn… Đây là những “đặc quyền” về địa lý.
Thì chính những lợi thế này đã giúp Sài Gòn-TP.HCM có vai trò quan trọng với cả nước. Dù chỉ chiếm chưa đầy 10% dân số nhưng TP đóng góp tới ¼ ngân sách quốc gia, và còn nhiều đóng góp quan trọng khác như ông biết đấy?
TP. HCM đang được hưởng nhiều ưu đãi về lịch sử, địa lý. Đây chính là “đất lành” nên nguồn nhân lực tốt nhất của cả nước cũng dồn về đây.
Những thành công của TP.HCM thời gian qua đều có nguồn gốc từ những lợi thế có một không hai này. TP.HCM đã đóng góp rất lớn cho cả nước, đặc biệt là trong ngân sách của cả nước thì phần đóng góp của TP.HCM chiếm tỷ trọng rất lớn. Tuy nhiên, nếu chỉ thấy con số này cũng như những con số “ấn tượng” khác như thế thì vô hình chung chúng ta sẽ khó thấy hết tiềm lực và nội lực quan trọng khác, mang tính quyết định.
Xin ông nói rõ thêm chỗ này?
Cái quan trọng nhất không phải là Sài Gòn-TP. HCM sẽ làm bao nhiêu tiền và đóng góp cho ngân sách tăng bao nhiêu. Mà cái quan trọng trước nhất, cái quan trọng đặc biệt là những cái hay, cái giỏi, cái tiến bộ của TP có sức lan tỏa như thế nào đến cả nước từ KT – XH cho đến văn hóa, khoa học kỹ thuật v.v...
Ngày từ đầu Sài Gòn-TP.HCM đã được xác định “vì cả nước, cùng cả nước”. Đây là trách nhiệm của TP.HCM với cả nước cũng như trách nhiệm của cả nước với TP.HCM. Sự gắn bó này đã quyện chặt từ hồi còn chiến tranh cho đến hòa bình, phát triển kinh tế, không thể tách rời.
Tôi vẫn băn khoăn một chút ở chỗ, nếu khoác cho Sài Gòn-TP.HCM “cơ chế đặc thù” thì vô hình chung chúng ta sẽ hạn chế sự lan tỏa của TP với các địa phương khác.
Sẽ không thể chỗ nào cũng làm đặc khu kinh tế được, và không thể lấy cái hay của đặc khu này để áp dụng phát triển cho một địa phương bình thường khác. Bởi khi đã là “đặc thù” thì khó mà tương tác, hợp tác với các địa phương “không đặc thù”.
Liệu rồi mô hình đó nó tác động thế nào để  những cái hay, những cái tiến bộ, những cái đột phá của TP. HCM có sức lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế? Hay cái đó phải nằm chung trong tổng thể nền kinh tế cũng như các mặt văn hóa – xã hội khác? Chúng ta cần suy nghĩ rất kỹ ở chỗ này để cân nhắc, có sự lựa chọn phù hợp cho các kế hoạch phát triển thành phố.
(Còn nữa)
Duy Chiến thực hiện

TUOITRE:Bác tin đồn Formosa Hà Tĩnh phát thải dioxin/furan; INFONET: Bộ TNMT: Khí thải Formosa chứa lượng Dioxin cực thấp, dễ dàng kiểm soát

Bộ TNMT: Khí thải Formosa chứa lượng Dioxin cực thấp, dễ dàng kiểm soát


Nguyễn Lê



Từ ngày 24/4/2017, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện tin đồn trong khí thải Lò luyện cốc của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) có chứa chất Dioxin/Furan; tin đồn này đã nhanh chóng lan truyền và thu hút dư luận quan tâm.
Trước sự việc này, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã tổ chức cuộc họp, với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, chuyên gia về môi trường và luyện thép trao đổi, thảo luận trên cơ sở khoa học và thực tiễn về khả năng phát thải Dioxin của ngành công nghiệp luyện gang thép nói chung và của Formosa nói riêng.
Tham khảo Hướng dẫn Môi trường – Sức khỏe - An toàn ngành sản xuất tổng hợp của Chương trình Tư vấn IFC tại Đông Nam Á – Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin khẳng định: 

Dioxin/Furan có phát thải trong công đoạn Thiêu kết quặng sắt và Lò điện EAF. Phát thải Dioxin/Furan trong công nghiệp sản xuất thép có phát sinh không chủ ý một lượng nhỏ Dioxin/Furan trong công nghệ Lò điện hồ quang (EAF) và công đoạn Thiêu kết quặng trong công nghệ luyện thép Chu trình kín; lượng phát thải Dioxin/Furan tại Lò chuyển (BOF) là rất thấp và không phát sinh từ công đoạn luyện cốc của Tổ hợp gang thép.

Về công nghệ luyện gang thép của Formosa, Tổ hợp gang thép của FHS sử dụng công nghệ sản xuất thép theo Chu trình kín; công nghệ sử dụng đã được các tổ chức có uy tín trên thế giới (Veolia của Pháp và Atkins của Anh) đánh giá là công nghệ mới, tiên tiến của EU và Nhật Bản, được đầu tư bài bản, quy mô lớn, sử dụng các thiết bị, công nghệ hiện đại, tiên tiến trên thế giới.

Các công đoạn: luyện cốc, luyện gang, cán thép (cán dây, cán nóng, cán nguội) và các hạng mục công trình phụ trợ khác không phát thải Dioxin/Furan cũng như các Nhá máy luyện gang thép tương tự trên thế giới.

Đối với công đoạn Thiêu kết quặng sắt của Formosa đã lắp đặt và đang vận hành thử nghiệm là công mới, tiên tiến (nguyên liệu đầu vào gồm: quặng sắt nhập khẩu từ Úc, Braxin; chất trợ dung là dolomit, đá bạch vân và đá xà vân, đá vôi; cốc vụn và than gầy; vảy cán thép), thời gian từ khi nhập liệu đến khi ra quặng thiêu kết khoảng 25-76 phút (tùy thuộc vào lớp lớp liệu dày hay mỏn, độ thông khí của lớp liệu); nhiên liệu sử dụng cho thiêu kết quặng là khí COG sạch (thành phần gồm: CO, H2, CH4) đốt trên bề mặt và dùng quạt hút để hút dòng khí nóng xuống phía dưới (nhiệt độ đốt trên bề mặt là 1.100 – 1.150oC và dòng khí ra khỏi công đoạn thiêu kết có nhiệt độ từ 120-140oC), được xử lý bằng hệ thống lọc bụi tĩnh điện, có lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục và truyền dữ liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh để kiểm tra, giám sát;

Kết quả quả đo đạc và phân tích mẫu khí thải ống khói Xưởng Thiêu kết của Formosa trong 02 ngày 17-18/02/2017 (đo 03 lần) do Viện Công nghệ môi trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện cho thấy, nồng độ Tổng Dioxi/Furan là 0,361-0,388 TEQ ng/Nm3, nhỏ hơn nhiều Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất thép (QCVN 51:2013/BTNMT cho phép Tổng Dioxin/Furan tính theo TEQ nhỏ hơn 0,6 ng/Nm3).

- Đối với Lò chuyển thổi oxy (BOF) của Formosa đã lắp đặt là công nghệ mới của Nhật Bản (thổi đỉnh bằng Ôxy và khuấy đáy bằng Nitơ) sử dụng 90% gang lỏng của Lò cao với nhiệt độ từ 1.400-1.500oC và sử dụng khoảng 10-12% thép phế sạch để làm nguội. Cũng như các Lò BOF tiên tiến khác trên thế giới, khả năng phát thải Dioxin/Furan từ lò BOF của FHS sử dụng thép phế liệu sách là rất thấp thấp và thấp hơn nhiều QCVN 51:2013/BTNMT cho phép. 

Như vậy, Bộ TNMT với các thông tin khoa học nêu trên, hoàn toàn có đủ cơ sở khoa học để khẳng định tin đồn trên các trang mạng như nêu ở trên là không chính xác.
Trong quá trình luyện thép của Formosa có thể phát sinh ngoài chủ ý một lượng không đáng kể Dioxin/Firan từ công đoạn thiêu kết quặng sắt, tuy nhiên hoàn toàn có thể kiểm soát được quá trình phát thải này.
Cụ thể, để kiểm soát chặt chẽ việc phát thải Dioxin/Furan trong quá trình vận hành của Formosa, Bộ TNMT đã và đang phối hợp chặt chẽ với Viện Công nghệ môi trường – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trung tâm Quan trắc môi trường – Tổng cục Môi trường, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga – Bộ Quốc phòng, Tổ giám sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường và tỉnh Hà Tĩnh, một số cơ quan khoa học và tổ chức quốc tế liên quan giám sát chặt chẽ, đo đạc và phân tích khí thải hàng ngày, bao gồm cả Dioxin/Furan của FHS theo Quyết định số 2604/QĐ-BTNMT ngày 09/11/2016 của Bộ trưởng Bộ TNMT.

Bộ TNMT cũng kiểm soát chặt chẽ và yêu cầu Formosa sử dụng quặng sắt chất lượng tốt, thép phế liệu sạch để làm nguội trong Lò BOF; sử dụng quặng chất lượng tốt và các vật liệu đầu vào sạch trong công đoạn thiêu kết, kết hợp với hệ thống xử lý khí thải đã lắp đặt để xử lý Dioxin/Furan đạt QCVN 51:2013/BTNMT theo quy định.

Bác tin đồn Formosa Hà Tĩnh phát thải dioxin/furan

29/04/2017 19:38 GMT+7
TTO - Theo Bộ TN-MT, từ ngày 24-4 trên mạng xã hội facebook xuất hiện tin đồn cho rằng khí thải từ lò luyện cốc của Formosa Hà Tĩnh có chứa chất độc dioxin/furan.  
​Chiều 29-4, Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) phát thông cáo báo chí bác bỏ tin đồn trên mạng xã hội về việc nhà máy của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) phát thải chất độc dioxin/furan.
Theo Bộ TN-MT, từ ngày 24-4 trên mạng xã hội facebook xuất hiện tin đồn cho rằng khí thải từ lò luyện cốc của Formosa Hà Tĩnh có chứa chất độc dioxin/furan. Tin đồn này nhanh chóng được lan truyền trên mạng, thu hút nhiều người dùng facebook quan tâm chia sẻ và bình luận.
Bộ TN-MT cho biết đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, chuyên gia môi trường và luyện thép để trao đổi, thảo luận trên cơ sở khoa học và thực tiễn về khả năng phát thải dioxin của ngành công nghiệp gang thép nói chung và của Formosa Hà Tĩnh.
Bộ TN-MT cũng đã tham khảo hướng dẫn Môi trường - Sức khỏe - An toàn ngành sản xuất tổng hợp của chương trình tư vấn IFC tại Đông Nam Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới.
Theo Bộ TN-MT, ngành sản xuất thép trên thế giới có ba công nghệ chính gồm chu trình kín, chu trình hở cà chu trình luyện kim phi coke (cốc). Trong đó, Formosa Hà Tĩnh đang áp dụng công nghệ chu trình kín với nguyên liệu chính  là quặng sắt/quặng thiêu kết, than cốc cùng một số chất trợ dung như đá vôi, huỳnh thạch.
Thiết bị công nghệ mà Formosa đang sử dụng là lò chuyển thổi oxy (BOF), vốn đang được sử dụng để sản xuất 74,2% trong tổng số 1,6 tỉ tấn thép của toàn thế giới năm 2015. Ở Việt Nam tỉ lệ lò BOF chiếm 25%, lò hồ quang điện (EAF) chiếm 59,9%, còn lại là lò cảm ứng.
Bộ TN-MT cho biết theo thống kê của châu Âu, do công nghệ lò BOF sử dụng phần lớn nguyên liệu là gang lỏng (khoảng 90%) nên dioxin/furan phát thải rất thấp, chỉ khoảng 0.001-0,11µg I-TEQ/tấn thép lỏng.
“Như vậy, lượng phát thải dioxin/furan tại lò BOF là rất thấp và không phát sinh từ công đoạn luyện cốc của tổ hợp gang thép” - Bộ TN-MT kết luận.
Theo Bộ TN-MT, Formosa Hà Tĩnh sử dụng công nghệ chu trình kín nên các công đoạn luyện cốc, cán thép và các hạng mục công trình phụ trợ khác không phát thải dioxin/furan. Với công đoạn thiêu kết quặng sắt, Formosa Hà Tĩnh đã lắp đặt và đang vận hành thử nghiệm là công nghệ mới, tiên tiến và dưới sự kiểm tra, giám sát của Sở TN-MT Hà Tĩnh.
Kết quả đo đạc và phân tích mẫu khí thải ống khói ở xưởng thiêu kết của Formosa Hà Tĩnh trong hai ngày 17 và 18-2 (đo 3 lần) do Viện công nghệ môi trường thuộc Viện hàn lâm KHCN Việt Nam thực hiện cho thấy nồng độ tổng dioxin/furan là 0,361-0.388 TEQ ng/Nm3, nhỏ hơn nhiều so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất thép (QCVN 51:2013/BTNMT cho phép mức tổng Dioxin/Furan tính theo TEQ nhỏ hơn 0,6ng/Nm3).
“Hoàn toàn có đủ cơ sở khoa học để khẳng định tin đồn trên các trang mạng xã hội là không chính xác. Trong quá trình luyện thép Formosa Hà Tĩnh có thể phát sinh ngoài chủ ý một lượng không đáng kể Dioxin/Furan từ công đoạn thiêu kết quặng sắt, tuy nhiên hoàn toàn có thể kiểm soát được quá trình này” - Bộ TN-MT kết luận. 
Bộ TN-MT cho biết đã và đang phối hợp với Viện Công nghệ môi trường, Trung tâm Quan trắc môi trường, Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), tổ giám sát của Bộ TN-MT và tỉnh Hà Tĩnh, cùng một số cơ quan khoa học và tổ chức quốc tế giám sát chặt chẽ, đo đạc và phân tích khí thải hàng ngày tại Formosa, trong đó bao gồm cả dioxin/furan.
NGUYỄN TRIỀU

Sạt lở bờ biển ngày càng dữ dội

08:00 AM - 01/05/2017 Thanh Niên

Rừng dương phòng hộ do bà Lê Thị Kim Định trồng 20 năm trước đã bị sóng đánh bật /// Ảnh: Đình Tuyển
Sạt lở bờ sông hiện là câu chuyện 'nóng' ở ĐBSCL, nhưng qua ghi nhận thực tế của PV Thanh Niên, sạt lở bờ biển cũng đang xảy ra rất dữ dội.
Rừng cũng không giữ được
Dẫn chúng tôi đi dọc bờ biển, nơi những cây dương gần 20 năm tuổi bị sóng đánh bật gốc nằm ngổn ngang, chồng chất kéo dài hàng ki lô mét, bà Lê Thị Kim Định (ở ấp Nhà Mát, xã Trường Long Hòa, TX.Duyên Hải, Trà Vinh) lo lắng: “Triều cường ngày càng bất thường, năm nay tới tháng 3 mà sóng vẫn dữ dội quá. Rừng cũng không giữ được, người dân không biết phải làm thế nào để ứng phó”.
Nhìn về phía biển gần khu vực Vàm Láng Nước, bà Định bảo cách đây khoảng 4 - 5 năm, đất liền còn nằm tít ngoài xa vài trăm mét. Từ rẫy trồng dưa hấu của gia đình bà, muốn ra đến biển phải đi “mỏi chân” qua giồng cát trồng dương tới bãi bồi rồi mới tới biển. Thế nhưng, đến mùa gió chướng năm rồi (tháng 10.2016 - 3.2017 - PV), biển đã cuốn phăng tất cả. “15 công đất tôi nhận trồng dương từ năm 1997 đến nay đã mất hết, những đợt triều cường cuối cùng vừa rồi sóng còn cạp mất hai luống dưa với khoảng 2.000 m2 đất nhà tôi”, bà Định nói.
Cuốn phăng rừng phòng hộ
Dọc bãi biển từ Vàm Láng Nước (xã Trường Long Hòa) tới khu vực biển ấp Chợ (xã Hiệp Thạnh, TX.Duyên Hải), cách cửa sông Cổ Chiên (một nhánh của sông Tiền) khoảng hơn 10 km, sạt lở càng ghê gớm hơn. Ngoài những khu vực có kè đê biển thì từng vạt rừng phòng hộ đã bị sóng biển xóa sổ. Tại ấp Bào, xã Hiệp Thạnh, một chiếc bảng bê tông “Nghiêm cấm chặt phá rừng” nằm trơ trọi giữa sóng biển, xung quanh không còn cây cối. Cách đó vài trăm mét, những cây cột điện, bờ vuông tôm… cũng đã “dầm mình” dưới sóng biển… “Tất cả khu vực ngập nước này trước đây đều là đất liền, là nhà dân, đường sá, rừng phòng hộ và ao nuôi thủy sản của người dân”, anh Đoàn Thanh Long, một ngư dân làm nghề câu ở xã Trường Long Hòa, cho biết. Gia đình anh Long là một trong những hộ bị ảnh hưởng nặng nề nhất của sạt lở biển. Chỉ tay về chiếc tàu cá đang đánh bắt cách bờ hơn 1 km, anh Long nói cách đây 20 năm, đất của gia đình anh khoảng 2 ha nằm ngay chỗ chiếc tàu giăng lưới. Sau này, khi sóng biển lấn vào, cuốn mất đất mỗi năm, gia đình anh buộc phải chuyển sang ấp Nhà Mát, xã Trường Long Hòa lập nghiệp. Mồ mả ông bà cũng phải chạy lở mấy lần.
Xuôi về hướng cửa sông Cổ Chiên, qua đoạn kè bê tông cũng là cảnh rừng dương đổ ngã ngổn ngang. Ông Phạm Văn Em, ngụ ấp Chợ, xã Hiệp Thạnh nhà ở cạnh rặng cây dương ít ỏi còn sót lại mé biển cho biết: “Mùa gió chướng, chẳng đêm nào người dân ở đây ngủ yên vì sợ sóng đánh lở dương đổ vào nhà”.
Trưởng phòng Kinh tế TX.Duyên Hải Nguyễn Trung Cang cho biết chỉ tính riêng 2 xã Trường Long Hòa và Hiệp Thạnh, hiện có gần 3 km bờ biển xung yếu, mỗi năm sạt lở lại nhanh hơn. “Mùa gió chướng vừa rồi, tính ra đã có hàng chục héc ta đất của TX.Duyên Hải bị sóng biển cuốn mất. Bây giờ, địa phương chỉ còn biết trông chờ vào những dự án kè từ T.Ư”, ông Cang nói.
Sau lở là nguy cơ tan rã
Tương tự như ở Trà Vinh, tại tỉnh Bến Tre, người dân ven biển, nhất là khu vực gần cửa sông Cửu Long (sông Ba Lai, Hàm Luông, Cửa Đại) cũng liên tục đối mặt với sạt lở nghiêm trọng làm mất đất sản xuất, rừng phòng hộ. Cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở 3 huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Qua 2 đợt triều cường xảy ra gần đây, ông Bùi Văn Cầm (sống tại cồn Nhàn, xã Bảo Thuận, H.Ba Tri) lo âu: “Chưa năm nào sạt lở lại diễn ra nghiêm trọng và trên diện rộng như hiện nay. Nếu như trước đây, mỗi năm biển chỉ xâm thực từ 10 - 15 m thì hiện tại sạt lở tăng gấp đôi, có đoạn lở sâu vào cả 100 m”.
Cồn Nhàn có 75 hộ với 376 nhân khẩu, mấy năm nay sạt lở đã khiến diện tích của cồn thu hẹp từ 120 ha hiện chỉ còn lại khoảng 75 ha. Còn theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre, khoảng 5 năm trở lại đây, sạt lở bờ biển khiến tỉnh này mất khoảng 120 ha đất, 54 ha rừng phòng hộ.
Đánh giá thực trạng trên, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái độc lập về Mê Kông, cho rằng cùng với việc rừng ngập mặn bị mất đi, không còn chắn sóng hữu hiệu, bờ biển bị sạt lở với tốc độ đáng báo động. Lý giải về nguyên nhân của sạt lở biển gia tăng, ông Thiện nói: “Phù sa sông Cửu Long xuôi ra biển tạo thành một vùng nước đục khoảng 20 - 30 km tính từ bờ ra. Lớp nước đục đó chính là chiếc áo giáp của đồng bằng. Nước đục nặng hơn nước trong, khi sóng biển gặp lớp phù sa này sẽ giảm bớt sức mạnh đánh vào bờ. Tuy nhiên, khi mất phù sa, chiếc áo giáp bị mỏng, sạt lở sẽ gia tăng, quá trình bồi đắp yếu đi thì một quá trình tan rã bắt đầu”.
Cùng quan điểm trên, TS Dương Văn Ni (Khoa Môi trường - Tài nguyên thiên nhiên, Đại học Cần Thơ), cho rằng vùng biển cửa sông Cửu Long vốn đã hình thành nên những thềm cát. Thềm cát này như lớp kè dưới chân của ĐBSCL. “Mùa lũ, cát sẽ theo dòng chảy đưa ra cửa sông tích tụ. Hết mùa lũ, tới mùa gió chướng thềm cát sẽ được sóng biển tái phân phối dọc theo đồng bằng. Tuy nhiên, hiện nay lớp cát trên ngày một ít đi vừa do tự nhiên, vừa do con người như thủy điện chặn lại, khai thác cát quá mức. Hệ quả là khi lượng cát bù đắp ít hơn lượng cát bị lấy đi thì sóng biển sẽ gây xói lở vào bờ”, ông Ni nói.
Cũng theo các nhà khoa học ở ĐBSCL, mất đi phù sa, cát chính là thách thức lớn nhất của ĐBSCL. Những vùng đất bồi biến mất hay tình trạng sạt lở bờ biển gia tăng hiện nay chính là biểu hiện rõ nhất của sự tan rã.
Báo cáo của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên cho biết trong khoảng 2003 - 2012, vùng bờ biển bùn từ Bạc Liêu trở xuống qua Kiên Giang nhiều nơi bị sạt lở với tốc độ hơn 50 m/năm, đặc biệt là đoạn 180 km phía biển Đông. Hơn 50% chiều dài của bờ biển 700 km của ĐBSCL đã bị sạt lở trong khoảng thời gian này. Biển Tây sóng ít dữ dội nhưng khoảng 60% bờ biển phía tây cũng đã bị sạt lở. Tính trung bình trong khoảng thời gian này, bờ biển ở ĐBSCL mất khoảng 5 km2 đất mỗi năm do sạt lở. 
Đình Tuyển

Phạm Bình Minh đi Mỹ: Thành công hay thất bại?

Chuyến công du liên hoàn “Trung trước, Mỹ sau” của ông Phạm Bình Minh, phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng, vào Tháng Tư năm nay rốt cuộc tiếp nhận được cái gì?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh bắt tay Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

Hai “thành tích”

Tại Bắc Kinh, ông Minh có cuộc tiếp xúc với những nhân vật trong Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Nhưng cũng như kết quả chuyến công du của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đi Trung Quốc vào Tháng Giêng, hầu hết các trao đổi vẫn chỉ là lời nói xã giao “ấm tình đồng chí” nhưng không có giải pháp cụ thể nào, đặc biệt là giải pháp về tiền theo cách “hỗ trợ tín dụng để chế độ Việt Nam ổn định chính trị.”

Còn tại Washington, DC, ông Minh cũng được gặp những quan chức cấp cao, trong đó đặc biệt là ngoại trưởng và cố vấn an ninh quốc gia. Thành quả lớn nhất và có vẻ bất ngờ nhất là chính cố vấn an ninh quốc gia, chứ không phải giới ngoại giao của Mỹ, trao cho ông Minh bức thư của Tổng Thống Donald Trump mời Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Mỹ. Động thái này diễn ra ngay sau khi Phó Tổng Thống Mike Pence thông báo tại Indonesia rằng ông Trump sẽ dự hội nghị APEC tại Việt Nam vào Tháng Mười Một. Đó là một kết quả lớn mà theo một chuyên gia phân tích chính trị của Mỹ, điều này khiến giới lãnh đạo Việt Nam hưng phấn và hy vọng hẳn lên, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang phải chịu quá nhiều sức ép về quá nhiều phương diện từ kinh tế, quốc phòng và xã hội.

Một kết quả khác, tuy không được rõ nét như kết quả trên, nhưng cũng có thể được xem là “kết quả” trong chuyến đi của ông Minh: báo đảng Việt Nam tường thuật “Hoa Kỳ ủng hộ việc Việt Nam tiếp tục được hưởng các nguồn vốn vay ưu đãi IDA của Ngân Hàng Thế Giới (WB) phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong giai đoạn tới cũng như các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ APEC.”

Cần nhắc lại, IDA là một định chế tài chính của WB cho vay tín dụng lại suất ưu đãi dành cho các nước nghèo trên thế giới. Nhiều năm trước, trong khi luôn tìm nhiều cách để trưng bày thành tích “hóa rồng” và GDP lên đến 7-9% hàng năm cùng thu nhập đầu người lên đến vài ba ngàn đô la, giới lãnh đạo Việt Nam lại hành động ngược lại khi miệt mài xin tín dụng và viện trợ không hoàn lại. Lý lẽ đưa ra: Việt Nam là một quốc gia… vẫn còn nghèo.

Nhưng đến cuối năm 2015, với những thành tích tăng trưởng mà Việt Nam tự khoác lên mình, WB đã quyết định chấm dứt các chương trình cho vay ODA ưu đãi và bắt buộc Việt Nam phải tốt nghiệp IDA, nghĩa là sẽ phải vay tín dụng của WB với lãi suất cao hơn cùng thời gian ân hạn giảm đi. Đến lúc này, một hiện tượng lạ xảy ra: “Học sinh” Việt Nam tìm cách để được “lưu ban,” tức muốn được kéo dài thời gian vay ưu đãi IDA càng lâu càng tốt.

Tuy nhiên, đó là tất cả cho chuyến đi Mỹ của ông Phạm Bình Minh.

Sau tất cả, đã không có bất kỳ một hơi hướng hay manh mối nào về Hiệp Định Thương Mại Song Phương Việt-Mỹ (BTA).

BTA đâu rồi?

Sau chuyến đi Mỹ của ông Phạm Bình Minh, những tờ báo đảng tường thuật chi tiết nhất về những nội dung đã được mang ra bàn thảo Việt-Mỹ đã không một lời nhắc đến bản hiệp định mà giới lãnh đạo Việt Nam đang mong đợi, và hẳn là mong muốn hơn bao giờ hết.

Cần nhắc lại, chuyến công du Hoa Kỳ của ông Phạm Bình Minh được giới phân tích chính trị Hoa kỳ thông tin là một chuyến đi dọn đường cho cuộc thăm viếng Hoa Kỳ tiếp theo của Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.

Lại có nhiều dấu hiệu cho thấy nhu cầu và mối quan tâm đầu tiên và trên hết của Việt Nam vẫn là thương mại song phương với Hoa Kỳ, sau đó mới là những chủ đề về “xoay trục sang Châu Á – Thái Bình Dương” và “giao lưu” quân sự – quốc phòng Việt-Mỹ ở khu vực Biển Đông. Nhu cầu và mối quan tâm ấy ồn ã hẳn lên từ sau khi Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hầu như tan vỡ kể từ Tháng Mười Một, 2016 – khi Tổng Thống Trump tuyên bố đoạn tuyệt với hiệp định này, cũng chấm dứt luôn công sức cùng hy vọng kéo dài suốt sáu năm đàm phán của Việt Nam.

Sau 15 năm thực hiện BTA mà đã khiến phi mã giá trị giao thương Việt-Mỹ đến hàng trăm lần, giờ đây, chính quyền của Tổng Thống Trump đang tiến hành rà soát lại toàn bộ BTA này. Việc rà soát này xuất phát từ lời lên án của ông Trump về 16 quốc gia có thương mại song phương “gây hại” cho kinh tế Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam.

Một hệ quả rất không mong đợi đối với Việt Nam là nếu Mỹ “siết” các điều kiện thương mại như đánh thuế xuyên biên giới, dựng đứng hàng rào kiểm nghiệm chất lượng đối với hàng hóa Việt Nam mà trước đó cá basa, tôm, gạo đã trở thành “nạn nhân,” đồng thời ngưng trệ BTA hoặc làm cho hiệp định này trở nên khó khăn hơn nhiều so với 15 năm trước đó, giá trị xuất siêu hàng năm của Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ tụt hẳn.

Trong khi đó, một nguồn “ngoại lực” khác là kiều hối về Việt Nam cũng đang sụt mạnh đến hơn $4 tỷ trong năm 2016 so với năm 2015, báo hiệu một chu kỳ khó tránh thoát về suy giảm tình cảm của “kiều bào ta” đối với chế độ cầm quyền, càng khiến chân đứng của chế độ này dễ bị vỡ vụn hơn bao giờ hết.

Nhưng muốn có được BTA lại không hề dễ dàng. Một BTA với Việt Nam được không chỉ do hành pháp mà còn là do Quốc Hội Hoa Kỳ quyết định.

Còn nhớ vào năm 2015, chỉ riêng định chế quyền đàm phán nhanh (TPA) nằm trong TPP mà chính quyền của Tổng Thống Barack Obama đã phải trình ra hai viện của Quốc Hội Mỹ và đã phải bỏ phiếu đến nghẹt thở 3-4 lần mới thông qua được. Còn nay, trong bối cảnh hàng hóa nước ngoài đang có xu thế tràn ngập nước Mỹ và khiến sụt giảm giá trị xuất siêu của Mỹ, đồng thời làm tăng tỷ lệ thất nghiệp tại nước này, chắc hẳn ông Trump sẽ không thể nhiệt tình đối với BTA cho Việt Nam mà không có những điều kiện đặc biệt kèm theo. Lối suy nghĩ và cách thức hành xử của ông Trump chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nhiều thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa và cả đảng Dân Chủ trong Quốc Hội Mỹ khi nhìn thấy bản dự thảo BTA trước mặt.

Trong lúc đó, nhóm dân biểu quan tâm đến Việt Nam trong nhóm Vietnam Caucus đang trở nên hùng mạnh và ngày càng có tiếng nói mạnh mẽ trong Quốc Hội Hoa Kỳ. Dân Biểu Alan Lowenthal (Dân Chủ-California) là một trong những nhân vật như vậy. Vào đầu Tháng Tư, sau việc phía Việt Nam nêu ra một lời đánh tiếng để Thủ Tướng Phúc “sẵn sàng đi thăm Mỹ,” ông Lowenthal đã nói thẳng với Đài Á Châu Tự Do: “Tôi khẳng định với ngài đại sứ (Ted Osius) rằng Việt Nam muốn tăng cường mối quan hệ thương mại và ký kết BTA thì phải trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm. Nếu họ không làm thế thì không thể có BTA. Tùy thuộc vào chính phủ Việt Nam thôi! Đây là thông điệp của tôi chuyển đến chính phủ Việt Nam.”

Thế nhưng giới lãnh đạo Việt Nam có làm gì để cải thiện nhân quyền?

Còn EVFTA?

Cho tới nay, vẫn chưa hiện ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy giới lãnh đạo Việt Nam chịu nhân nhượng bất kỳ nội dung nào trong “gói cải thiện nhân quyền” mà người Mỹ, một lần nữa trong không biết bao nhiêu lần, đặt lại. Thậm chí Luật Về Hội và Luật Biểu Tình – những quyền căn bản quá thiết thân của người dân mà Hiến Pháp Việt Nam từ năm 1992 hứa hẹn nhưng đã bị giới lãnh đạo Việt Nam nuốt lời suốt một phần tư thế kỷ qua, vào Tháng Tư năm nay bị Bộ Công An, chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc, cùng Quốc Hội của bà Nguyễn Thị Kim Ngân rút khỏi chương trình bỏ phiếu thông qua luật năm 2017 và cả năm 2018.

Hãy đề cập đôi chút về chuyến công du ba nước Châu Âu là Thụy Điển, Hungary, và Czech của Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân vào Tháng Tư năm nay.

Chuyến đi mang một mục đích đặc biệt là “thúc đẩy quốc hội ba nước ủng hộ việc ký chính thức, phê chuẩn Hiệp Định Thương Mại Tự Do Việt Nam-EU (EVFTA).”

Đáng lý ra, trách nhiệm vận động các nước thành viên thông qua EVFTA là của Nghị Viện Châu Âu. Nhưng hẳn do tình thế đã biến diễn như thể “nước đã đến chân,” giới chóp bu Việt Nam không thể ngồi rung đùi chờ đợi Châu Âu thông qua EVFTA như cách người Mỹ đã mang BTA đến tận miệng cho Việt Nam 16 năm trước, hay Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) đặc cách xét cho Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức này vào năm 2007. Mọi chuyện đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều, đặc biệt sau khi TPP hầu như tan vỡ.

Một cách nào đó, chủ tịch quốc hội Việt Nam đã làm thay công việc vận động của Nghị Viện Châu Âu. Cũng có thể hiểu một cách nào đó, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng phải làm mọi cách để tìm ra một hiệp định thương mại thay thế cho TPP chết yểu, cũng là cách để ông có được thành tích mang lợi ích kinh tế về cho đảng và do đó sẽ kéo dài tuổi thọ tổng bí thư của ông. Rất có thể đó là lý do chính yếu mà ông Trọng “đẩy” bà Ngân đi Châu Âu vận động EVFTA với tư cách “kênh quốc hội,” bất chấp chính thể Việt Nam vẫn hoàn toàn không quan tâm và càng không hề tôn trọng nhân quyền theo yêu cầu của EU.

Nhưng khác hẳn với quan điểm nhẹ nhàng những năm trước về nhân quyền Việt Nam, từ sau khi bị một số tổ chức nhân quyền quốc tế thẳng thắn phê phán, EU bắt đầu chuyển sang thái độ mạnh mẽ hơn trong việc đòi hỏi chính quyền Việt Nam phải cải thiện nhân quyền. EVFTA chính là một bằng chứng khi hiệp định này lần đầu tiên đã gắn điều kiện Việt Nam phải cải thiện nhân quyền với lộ trình triển khai các điều ước thương mại.

Kết quả đáng thất vọng đối với phái đoàn của bà Nguyễn Thị Kim Ngân là sau các cuộc làm việc ở Châu Âu, không có bất cứ một khoản viện trợ không hoàn lại nào được phía chủ nhà thông báo dành cho Việt Nam. Ngay cả Thụy Điển – vốn được Việt Nam hy vọng nhất về “tình cảm rất đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ” – cũng không còn tỏ ra hào phóng như thường biếu một số tiền viện trợ không hoàn lại vào những lần giới lãnh đạo Việt Nam thăm Thụy Điển những năm trước. Thậm chí, lãnh đạo Quốc Hội Thụy Điển cũng không hứa hẹn bất kỳ điều gì liên quan đến viện trợ không hoàn lại trong thời gian tới cho Việt Nam. Hẳn quốc gia này vẫn chưa thể quên việc họ đã bắt buộc phải ngừng vô thời hạn các khoản viện trợ ODA cho Việt Nam vào năm 2013 sau khi phát hiện hàng loạt gian dối của quan chức Việt. Sau đó cả Bộ Ngoại Giao Úc và vài quốc gia khác cũng bắt đầu cắt giảm viện trợ.

Trong khi không nhận được khoản viện trợ nào, đoàn “quốc tế vận” của bà Kim Ngân cũng không có được văn bản cam kết nào của quốc hội ba quốc gia này là “sẽ thúc đẩy để Liên Âu sớm phê chuẩn EVFTA.” Tất cả chỉ là nói miệng theo lối xã giao mà chẳng có gì chắc chắn!

Muốn EVFTA được thông qua, phải có sự thống nhất của quốc hội thuộc 27 nước thành viên. Sự đồng thuận giữa các nước EU lại tương đối cao về vấn đề nhân quyền. Chỉ cần vài nước không thông qua thì EVFTA sẽ bị khựng lại.

Cho tới Tháng Tư, Việt Nam vẫn chưa có được manh mối đáng hy vọng nào cho cả EVFTA lẫn BTA. Tương lai gần rất dễ nhận ra là nếu không có những cải thiện đáng kể nào về nhân quyền từ giới lãnh đạo Việt Nam, chuyến đi Mỹ sắp tới của Thủ Tướng Phúc sẽ trở nên công cốc.

Phạm Chí Dũng



(Người Việt)

Chính nghĩa thời loạn

Vậy là chỉ với một bản cam kết viết tay trên giấy kẻ ô của học sinh tiểu học, giống như một tờ giấy bán nhà viết tay không công chứng, dù có chữ ký của “luật sư” như người làm chứng, uy tín và thể diện của ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch Hà Nội, trước nay thường xuất hiện trên truyền thông với một hình ảnh của một chính khách năng động, gây được nhiều thiện cảm, bỗng chốc có phần “xuống giá.” Và cả sân khấu chính trị Việt Nam cũng phút chốc trở nên hài hước như một màn tấu hài nghiệp dư.

Cảnh sát cơ động được dân xã Đồng Tâm thả ra sau khi đạt thỏa thuận với chủ tịch Hà Nội. (Hình: STR/AFP/Getty Images)
“Dân” dường như không tin chủ tịch Hà Nội nên bắt phải ký cam kết theo kiểu giao kèo, điểm chỉ. Thậm chí họ còn cho người đọc lại dõng dạc từng chữ, phát trên loa phóng thanh của thôn, quay video clip tung lên mạng. Không khác một cuộc “đấu tố” ngày xưa là mấy. Loa phường sau những cuộc tranh luận liệu có nên bỏ đi không, bỗng chốc trở nên thật hữu dụng.

Và Chủ Tịch Nguyễn Đức Chung cũng có vẻ như không có lựa chọn nào khác là phải ký vào cam kết. Xem ra ông Chung cũng không khác những “con tin” bị “dân” bắt giữ là bao. Phải ký vào tờ giấy thì mới xong chuyện.

Liệu sau đây loại “khế ước” độc nhất vô nhị này sẽ chính thức được công nhận, dưới cái tên “hợp đồng hành chính” như một vài “chuyên gia luật” nào đó phân tích, dưới góc độ “học thuật?”

Từ việc bắt giữ con tin cho đến ký giao kèo, đều cho thấy những điều khá bất thường. Sự lúng túng, bất lực của chính quyền và một tình trạng hỗn loạn dường như mất kiểm soát nhưng lại vẫn được kiểm soát theo một cách nào đó. Hành vi giữ người trái luật bỗng nhiên lại được xem là “chính nghĩa,” được bao biện rằng vì chính quyền bắt người trái phép trước nên dân cũng được quyền bắt người trái phép để trả đũa! Vậy mà không hề có bất cứ đại diện nào của nhà nước pháp quyền thực thi phận sự của mình.

Ở một đất nước thỉnh thoảng lại có một vụ “dân tự tử ở đồn công an” mà đột nhiên mấy chục cảnh sát cơ động, có cả lãnh đạo huyện, lại bị “dân” bắt nhốt suốt cả tuần liền mà không hề thấy công an lẫn quân đội gửi lực lượng đến dẹp loạn nhanh chóng thì thật hết sức lạ lùng. Lạ nữa là không thấy ai trong số những người ở vị trí cao nhất lên tiếng và có hành động để giải quyết tình trạng khẩn cấp này.

Một số tin thất thiệt (“fake news”) như “dân tưới xăng lên người cảnh sát cơ động bị bắt làm con tin,” “300 côn đồ kéo vào làng tấn công,” “trẻ con quanh người quấn mìn, sẵn sàng tử thủ” … được cho là do một nhóm các “nhà dân chủ” tung ra trên Facebook, nhưng sau đó đã bị báo chí bác bỏ. Các trang tin được xem là “đài địch” hay “lề trái” đưa tin về Đồng Tâm, trong khi báo chí “lề phải” chịu kiểm duyệt chặt chẽ gần như hoàn toàn im lặng trong mấy ngày đầu.

Một cuộc gặp giữa dân xã Đồng Tâm và Chủ Tịch Nguyễn Đức Chung nhằm đối thoại và giải quyết sự việc cũng phải tới lần thứ hai mới thực hiện được. Buổi làm việc đầu tiên ở trụ sở huyện Mỹ Đức, chỉ có ông Chung mà không có ai là dân Đồng Tâm tới dự. Lý do đưa ra để giải thích cũng thật lạ. Chủ Tịch Nguyễn Đức Chung hỏi nếu đến tận thôn Hoành thì người dân có bắt ông không, trong khi người dân cũng nêu lý do “sợ bị bắt” nếu như lên huyện để họp!

Tất cả những diễn biến lạ lùng của sự việc ở Đồng Tâm khiến nhiều người phải đặt dấu hỏi. Liệu có phải đây một màn đấu đá giữa các phe nhóm chính trị, mà mâu thuẫn đất đai chỉ là cái cớ được đem ra làm bình phong nhằm đẩy sự việc lên cao trào để trả đũa nhau? Đâu đó người ta nói đến thương vụ làm ăn $1 tỷ, tương đương 22,000 tỷ đồng, mà ông Chung ký với tập đoàn Viettel để xây dựng “thành phố thông minh” cho Hà Nội. Phải chăng đây mới là một trong những lý do thật sự của sự việc ở Đồng Tâm? Ngay khi cuộc khủng hoảng ở Đồng Tâm còn chưa chấm dứt, đã có không ít người kêu gọi tẩy chay tập đoàn Viettel trên mạng xã hội.

Quan sát phản ứng của công luận, có thể thấy không ít người tỏ vẻ mừng rỡ, tin rằng đây là một thắng lợi rực rỡ của chính nghĩa, của nhân dân. Đám đông theo dõi sư việc “vô tiền khoáng hậu” này có vẻ hoan hỉ tin rằng thế là đã có một trận đánh đẹp, một cái kết đẹp. Chính nghĩa đã thắng. Nhân dân đã chiến thắng bạo quyền!

Tinh thần lạc quan lên cao phơi phới, như khẩu hiệu ghi trên băng-rôn căng ngang đường thôn Hoành trong mấy ngày “chiến sự:” NHÂN DÂN ĐỒNG TÂM TUYỆT ĐỐI TIN TƯỞNG VÀO CHÍNH SÁCH VÀ ĐƯỜNG LỐI CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC (!?!). Cái băng-rôn lạ lùng khiến cho bất kỳ ai tỉnh táo và lý trí cũng phải buồn cười, thắc mắc vì sự tréo ngoe, mâu thuẫn đến khó hiểu của nó. Phải chăng dân xã Đồng Tâm bị mắc hội chứng “Stockholm” (*)? Hay đây là một sự tính toán có chủ đích nhằm ngăn ngừa những địa phương khác cũng có các mâu thuẫn tranh chấp về đất đai bắt chước mà nổi dậy theo?

Trong niềm hân hoan chiến thắng, có vẻ như không ít người ngỡ đất đã được giành lại cho dân, mà không hề hay biết rằng có một cuộc “cướp đất” quy mô lớn hơn nhiều, khủng khiếp hơn nhiều đã và đang diễn ra, bởi công cuộc “cải cách đất đai” với những khẩu hiệu “tích tụ ruộng đất,” “xóa bỏ hạn điền” … đang chuẩn bị hoàn tất, có thể sẽ tước đoạt ruộng đất của hàng triệu người Việt để làm lợi cho các “địa chủ” mới.

Có nhiều thứ được nhân danh “chính nghĩa” trong sự việc ở Đồng Tâm, nhưng có khi tin vào “chính nghĩa” thời loạn thật chẳng khác nào nhắm mắt uống một ly rượu bị lén bỏ thuốc mê, đến khi tỉnh ra thì có khi đã quá muộn mất rồi.

Chú thích:
(*) “Hội chứng Stockholm (hay quan hệ bắt cóc) là thuật ngữ mô tả một loạt những trạng thái tâm lý, trong đó con tin lâu ngày chuyển từ cảm giác sợ hãi, căm ghét sang quý mến, đồng cảm, có thể tới mức bảo vệ và phát triển phẩm chất xấu của kẻ bắt cóc. Tuy nhiên, những cảm xúc nói trên của “nạn nhân” hoàn toàn vô lý vì họ đang nhầm lẫn hành vi hành hạ với lòng tốt của kẻ bắt cóc, mặc cho những nguy hiểm mà họ đã phải trải qua” (Wikipedia).

Lila Trần

(Người Việt)

Việt - Mỹ một lần và mãi mãi (Kỳ I): Tương đồng nhiều hơn khác biệt; (Kỳ 2): Nhân tố thứ ba trong bang giao Việt—Mỹ

Lần đầu tiên, một Tổng thống Mỹ ngay trong năm đầu tại nhiệm sẽ đặt chân lên giải đất hình chữ S. Điều đặc biệt nữa là ông và nhiều vị nguyên thủ khác sẽ tới thành phố biển miền Trung, nơi có huyện đảo Hoàng Sa, nằm không xa các điểm nóng trên Biển Đông.

p/Phó Thủ tuớng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington, DC ngày 20/04/2017.
Phó Thủ tuớng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington, DC ngày 20/04/2017.
Hướng đến 42 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, không thể không nhắc tới câu chuyện do bỉnh bút Nayan Chanda kể lại. Ngày 30/4/1975 tại Sài Gòn, khi “bên thắng cuộc” cắm lá cờ Mặt trận lên tiền sảnh các cơ quan đại diện nước ngoài, thì riêng trước khu vực Đại sứ quán Hoa Kỳ lừng lững như một pháo đài vẫn không hề có sắc cờ nào từ lực lượng quân quản tung bay. Được hỏi về nguyên nhân ngoại lệ ấy, một quan chức của ta quả quyết với Nayan rằng: “Người Mỹ sẽ sớm quay trở lại!”.

Từ “dấu mốc” sau 20 năm

Tầm nhìn “sớm quay trở lại” ấy hóa ra kéo dài những 20 năm-mất gần cả một thế hệ. Ấy là ngày 5/8/1995, khi Ngoại trưởng Warren Christopher cắm quốc kỳ nước mình lên Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. Lịch sử phải chờ thêm 5 năm nữa, tháng 3/2000, Bộ trưởng Quốc phòng William Cohen mới trở thành quan chức đầu tiên trong chính quyền Mỹ đặt chân tới mảnh đất Việt Nam. Cho đến thời điểm tôi ngồi gõ bài này, mọi sự chú ý của giới quan sát đều đổ dồn hướng về chuyến thăm mười ngày tại bốn nước châu Á của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence từ 15-25/4 và chuyến thăm Mỹ của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh từ 20-21/4.

Tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ thăm Việt Nam, Philipinnes và sẽ tham dự cả ba Hội nghị Thượng đỉnh ở châu Á vào tháng 11 tới. Tin tốt lành này được đích thân Phó Tổng thống Mike Pence tuyên bố khi ông tới Trụ sở Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở thủ đô Jakarta của Indonesia hôm 20/4. Cùng ngày, tuyên bố này cũng được Ngoại trưởng Rex Tillerson và Cố vấn An ninh Quốc gia, Trung tướng Herbert Raymond McMaster tái khẳng tại thủ đô Washinton DC.

Trong một buổi làm việc riêng với ông Phạm Bình Minh, ông H.R. McMaster đã chuyển thư của Tổng thống Donald Trump chính thức mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Hoa Kỳ. Việc Tổng Thống Donald Trump quyết định tham dự Hội nghị APEC, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Thượng đỉnh ASEAN và việc cử Phó Tổng Thống Mike Pence đi vòng quanh các nước Á châu là thêm chỉ dấu cho thấy Washington muốn làm yên lòng các đồng minh và đối tác trong khu vực. Các nước này lâu nay cảm thấy bất an vì những lời tuyên bố thất thường trước đây của ông Trump.

Đến bước tiến mới

Trong cuộc họp với Ngoại trưởng Minh, Ngoại trưởng Tillerson và Cố vấn McMaster tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông; bảo đảm Mỹ ủng hộ giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hoà bình, dựa trên các tiến trình ngoại giao, pháp lý và trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Việc Ngoại trưởng Phạm Bình Minh được cả “bộ tam” ngoại giao-tài chính-cố vấn an ninh quốc gia lần lượt gặp gỡ và cam kết làm việc nhiều hơn nữa về các chủ đề quan trọng đối với cả hai nước, cho thấy, quan hệ Việt-Mỹ có thể đang đứng trước những bước tiến mới.

Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin khẳng định ủng hộ Việt Nam tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh APEC thành công. Cả Mỹ lẫn Việt Nam đều nhấn mạnh sự cần thiết cùng hợp tác trong việc ngăn chặn các hoạt động tài chính bất hợp pháp. Gần đây, hai bên đang thảo luận một hiệp định khung về mậu dịch song phương, vì không còn TPP.

Các cuộc thảo luận nhằm vào việc củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại giữa hai nước, theo khuôn khổ Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA). Hoa Kỳ coi các cuộc bàn thảo này như một cơ hội để tái khẳng định cam kết của chính phủ Trump sẽ mở rộng quan hệ với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Hoa Kỳ đã kêu gọi Việt Nam nhanh chóng giải quyết các vấn đề tồn đọng, liên quan đến nông nghiệp và an toàn thực phẩm, quyền sở hữu trí tuệ, thương mại số, dịch vụ tài chính, hải quan, hàng công nghiệp, minh bạch-quản trị tốt và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Phía Việt Nam đã cập nhật cho Hoa Kỳ kế hoạch thực hiện cải cách lao động, nhất trí tiếp tục đối thoại về những vấn đề vừa nêu và khởi động các nhóm công tác để giải quyết các vấn đề song phương khác.

Chỉ tính riêng các con số thống kê năm 2016, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Hoa Kỳ với hàng hoá hai chiều đạt 52,3 tỷ USD (Trước lúc hai nước bình thường hóa, con số này chỉ ở mức 0,5 tỷ USD). Năm 2016, Việt Nam là thị trường xuất khẩu nông nghiệp lớn thứ 10 của Hoa Kỳ, đạt 2,7 tỷ USD. Thương mại dịch vụ của Hoa Kỳ với Việt Nam ước đạt 3,1 tỷ USD vào năm 2015.

Hai mươi năm trước, chỉ có khoảng 60.000 du khách Mỹ tới Việt Nam mỗi năm. Ngày nay, con số này là gần nửa triệu. Hai mươi năm trước, chưa có đến 1.000 sinh viên Việt Nam sang Mỹ học. Ngày nay đã có tới gần 19.000 sinh viên Việt Nam theo học ở Mỹ.

Ông John Kerry, người đi đầu trong phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam, đã phải thốt lên tại một cuộc hội thảo ở Texas (Mỹ) ngày 22/4 năm ngoái: “Không ai có thể tưởng tượng nổi Hoa Kỳ và Việt Nam lại bắt tay cùng mười quốc gia khác để đạt được những cơ hội giao thương vô giá”.

Giờ đây, chắc không ai muốn nhắc lại những nhận định mang tính chụp mũ đối với những quan chức Hà Nội từng “khai sơn phá thạch” trong bang giao Việt Nam-Hoa Kỳ là “những quý ngài đến từ Mỹ” (Mr. America)? Tinh thần “đối tác toàn diện”, “đối tác tin cậy” của hiện tại sẽ được phát huy như thế nào trong giai đoạn tới đây?

(Kỳ II: Nhân tố thứ ba trong bang giao Việt-Mỹ)

Đinh Hoàng Thắng

(Enternews)


Hướng đến “cây số 42” trên “đại lộ Hòa Bình” không thể không nhắc tới câu chuyện do bỉnh bút Nayan Chanda kể lại. Ngày 30/4/1975 tại Sài Gòn, khi “bên thắng cuộc” cắm lá cờ Mặt Trận lên tiền sảnh các cơ quan đại diện nước ngoài, thì riêng trước khu vực Đại sứ quán Hoa Kỳ lừng lững như một pháo đài vẫn không hề có sắc cờ nào từ lực lượng quân quản tung bay. Được hỏi về nguyên nhân ngoại lệ ấy, một quan chức ở Hà Nội quả quyết với Nayan rằng: “Người Mỹ sẽ sớm quay trở lại!” 

p/Phó Thủ tuớng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington, DC ngày 20/04/2017.

Lịch sử đang lặp lại cái vòng tròn định mệnh ấy. Đọc “Địa-chính trị trong chiến tranh Việt Nam” của James Burnham, chuyên gia phân tích từ Cơ quan Tình báo Chiến lược (OSS), càng thấm thía điều này. Burnham từng coi chiến tranh Việt Nam là một phần của cuộc tranh hùng để giành quyền kiểm soát Đông Nam Á và chiếm thế thượng phong tại Tây Thái Bình Dương. Trong một bài viết ngày 20/11/1964, ông nhận xét: “Cuộc chiến tại Việt Nam không phải là vấn đề địa phương, vấn đề cục bộ. Đó là một trận chiến quan trọng trong cuộc tranh giành châu Á, Tây Thái Bình Dương và Biển Đông”. 

Hơn nửa thế kỷ sau, Biển Đông lại dậy sóng. Nhưng lần này, “các vai diễn” đã thay đổi. Trung Quốc từ chỗ “chống lưng” cho Việt Nam (trong kháng chiến) cũng là để mượn đường xuống Đông Nam Á, nay vẫn kiên định mục tiêu bá quyền ấy, nhưng đã bước lên vũ đài trong một tư thế mới. Với “giấc mộng Trung Hoa”, Trung Quốc quyết vượt đại dương để “ăn thua” với Hoa Kỳ. Điều trớ trêu là Việt Nam luôn nằm trên con đường hành tiến của người Trung Quốc. Nói bang giao Việt—Mỹ là quan trọng, nhưng nó luôn quan trọng vì hàng loạt nhân tố thứ ba là nhìn nhận từ cái lăng kính địa—chính trị khắc nghiệt ấy. 

Hôn nhân vì lẽ phải 

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ cùng các “bên thứ ba” như Nhật Bản, Ấn Độ, Úc châu và Âu châu để đẩy mạnh hợp tác phát triển, đồng thời tăng thêm khả năng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia trong bối cảnh phức tạp ở Biển Đông nói riêng và khu vực nói chung là lẽ bình thường. 

Việc chính quyền của Tổng thống Trump đang trong giai đoạn định hình chính sách mà đã có các cam kết đối với Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung trong những ngày tháng Tư này là có ý nghĩa. Điều này thể hiện sự điều chỉnh mang tầm tính chiến lược trong chính sách đối ngoại của Trump so với các tuyên bố trong cuộc vận động tranh cử. 

Nhưng đây mới chỉ là những điều chỉnh bước đầu của phía Mỹ, những cơ hội có thể tranh thủ được để phục vụ cho việc bảo vệ và phát triển đất nước, phần còn lại tùy thuộc rất lớn vào năng lực nắm bắt cơ hội và tận dụng mọi khả năng cả bên ngoài lẫn bên trong, tạo cho được sức bật mới ngay trong những năm trước mắt. 

Muốn vượt qua được những khó khăn thử thách rất lớn trong thời gian tới, cũng như tranh thủ tốt những cơ hội mới, chúng ta không thể không đổi mới một cách sâu sắc và triệt để các thể chế hiện hành vốn là những nhân tố không chỉ cản trở sự phát triển, mà còn tạo ra nhiều tiêu cực trong kinh tế và xã hội. 

Một yếu tố bất định khác, đó là những diễn biến trên chính trường quốc tế thời gian gần đây vẫn chưa cho phép chúng ta nhận dạng được một cách rõ ràng các mối tương quan giữa các nước lớn hiện nay và trong tương lai gần. Trước đây nhiều người cho rằng Trump sẽ hòa hoãn với Putin để nắn gân Tập Cận Bình, gây sức ép mạnh với Trung Quốc. 

Nhưng chỉ sau hai ngày tại Mar-a-Lago với cảnh cháu ngoại Trump hát dân ca bằng tiếng Quan Thoại cho Tập Chủ tịch và Bành phu nhân thưởng thức thì không ai biết chắc được các “mối tình tay ba” ấy sắp tới sẽ diễn ra theo chiều hướng nào. “Tuần trăng mật” giữa Philippines và Trung Quốc kết thúc sớm hơn dự kiến càng cho ta thêm những bài học đắt giá. 

Vì vậy, chúng ta phải nỗ lực để có thể xây dựng một chính sách đối ngoại phù hợp hơn, nhất quán hơn trong việc tranh thủ tối đa những vận hội mới để đẩy nhanh quá trình hội nhập, tăng năng lực phát triển đất nước, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới. 

Cơ hội thúc đẩy bang giao 

Trong lần điện đàm đầu tiên với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Trump quan tâm đến các mối bang giao Trung—Việt. Điều này có thể cho ta cơ hội nhưng cũng có thể tác động ngược lại, tùy theo tính tự cường của ta cao hay thấp, dài hay ngắn. Trong thư gửi Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Donalp Trump bày tỏ ý muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ Mỹ—Việt, hy vọng về các mối liên hệ song phương sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn. 

Hãy nhớ rằng, khi ông Trump thông báo cho Tập Cận Bình ngay trên bàn tiệc về việc Mỹ tấn công Syria là một mũi tên nhằm tới nhiều đích. Lấy lý do quân đội chính phủ Syria đàn áp dân thường bằng vũ khí hóa học để thực hiện đòn trừng phạt có thể đã bao hàm cả những lời cảnh báo. 

Trong khi đó ở Việt Nam, bạo lực và phản ứng của người dân từ Tiên Lãng, Formosa chưa lắng xuống thì những “ngòi nổ” từ Đồng Tâm, Dương Nội và nhiều nơi khác lại bốc cháy. Chiến tranh đã lùi xa mà sao bạo lực vẫn chưa chấm dứt, xung đột giữa cơ quan công quyền, các nhóm lợi ích với người dân vẫn xẩy ra khá phổ biến và có nguy cơ lan rộng. Việc cần làm ngay là phải tháo gấp ngòi nổ từ các “quả bom dân sự” ấy từ trong nước. 

Bất cứ một hình ảnh gây sốc nào trong thời buổi hiện nay đều rất dễ sinh ra phản ứng dây chuyền, gây những tác động rất tiêu cực, làm cho quốc tế có thể quay lưng lại với Việt Nam. Nước Mỹ thời Trump lên ngôi, như nhiều chỉ dấu đã và đang cho thấy, khác hẳn nước Mỹ thời Clinton và Obama. 

Lịch sử sẽ còn phải nhắc lại chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam trước khi ông ấy kết thúc 8 năm điều hành nước Mỹ. Nhắc lại không chỉ vì ông là vị Tổng thống đầu tiên sinh ra trong hòa bình, cái chính là do những lời tạm biệt “gan ruột” của ông ấy. 

Trước khi chia tay, Obama muốn trao cho Việt Nam một hẹn ước như khi Kim Trọng trao kỷ vật cho người tình, để làm tin, một cách đằm thắm và vượt lên trên mọi xúc cảm chính trị... 

Nhưng cuộc tình “Mỹ—Việt” nay mai có thành hay không, đâu chỉ phụ thuộc vào một mình Kim Trọng. Chỉ lo những lời “thệ hải minh sơn” ấy, vì lẽ gì đấy, rồi lại đâm ra dang dở! Cầu mong con tàu Việt—Mỹ đừng trật đường ray một lần nữa, bằng không lời chia tay của ông hóa thành điềm báo trước vận xui. 

Đang loay hoay để kết thúc bài viết, bỗng một giai điệu rock quen thuộc dội về. “Forever and Once…” (Mãi mãi và Một lần…) Ca từ thật xốn xang: “What can I do?” (Ta có thể làm gì đây?). Một câu hỏi ngơ ngác khi bị người tình phụ bạc. 

Giọng ca gào thét gây cảm giác “xé lòng”, cái cảm giác cháy bỏng bất cứ ai đau dù chỉ một lần trong đời cũng thật khó quên. “Hãy cố nhiều hơn nữa, hãy gác lại tất cả để tiếp tục cuộc hành trình”. Thiếu tình yêu thì đâu còn là cuộc sống, đấy chỉ là tồn tại. Vì thế, hãy giành lại tình yêu đã mất, dù đã phải trả giá quá nhiều… 

Đinh Hoàng Thắng

(Enternews)