Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

Sự việc ông Đinh La Thăng là cảnh báo cho nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước; "Các đảng viên nhìn vào đồng chí Đinh La Thăng để mà tu dưỡng bản thân"


MAI ANH

(GDVN) - Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần giao Chính phủ làm rõ sai phạm và xử lý theo quy định pháp luật.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố thông tin một số vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giai đoạn 2009 – 2015, trong đó đề cập cụ thể tới trách nhiệm của ông Đinh La Thăng trong thời gian giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Ở góc nhìn chuyên gia kinh tế, ông Bùi Kiến Thành cho rằng những vi phạm của cá nhân ông Đinh La Thăng và dàn lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giai đoạn 2009 – 2015 được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra rất rõ.
Điều người dân chờ đợi là cách xử lý, thời điểm xử lý và khắc phục hậu quả được thực hiện như thế nào?
Ông Đinh La Thăng trong một lần trả lời báo chí bên lề kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII. ảnh: NQ.
Doanh nghiệp nhà nước yếu kém là do nhân sự
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong giai đoạn 2009 - 2015 Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát, quản lý tổ chức đảng, đảng viên…
Ủy ban kiểm tra đặc biệt nhấn mạnh ông Đinh La Thăng chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng Thành viên Tập đoàn Tập đoàn trong giai đoạn 2009 – 2011.
Trong đó vi phạm của ông Thăng được khái quát qua những vụ việc như: Ký ban hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU, ngày 17/3/2009 của Đảng uỷ Tập đoàn có nội dung không phù hợp với quy định pháp luật để Hội đồng Thành viên, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn và các tổng công ty thành viên quyết định chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật;
Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bị thiệt hại nghiêm trọng do góp vốn vào Oceanbank. ảnh nguồn Oceabank.
Vi phạm Quy chế làm việc Hội đồng quản trị Tập đoàn trong việc ký thỏa thuận tham gia góp vốn tại Văn bản số 6934, ngày 18/09/2008 giữa đồng chí Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn và Chủ tịch Hội đồng Quản trị Oceanbank (có nội dung: Tập đoàn tham gia góp vốn 20% trở lên; cử cán bộ tham gia quản trị, điều hành; đề nghị các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ của Oceanbank) trước khi Hội đồng Quản trị Tập đoàn họp thống nhất nội dung trên.

Những dự án tai tiếng thời ông Đinh La Thăng làm chủ tịch Tập đoàn Dầu Khí

Chấp thuận cho Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với công trình, dự án do Tập đoàn chỉ định cho Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam thực hiện và chấp thuận cho Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với Hợp đồng thiết kế, mua sắm, xây dựng (EPC) Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất, vi phạm Luật Đấu thầu năm 2005.
Thiếu kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án ở thời kỳ Đồng chí làm lãnh đạo Tập đoàn, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp điển hình như Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học.
Với một loạt các vấn đề nêu trên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Đinh La Thăng theo thẩm quyền.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định: “Những vi phạm của ông Đinh La Thăng và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2009 – 2015 xuất phát từ sự lạm dụng chức vụ quyền hạn và không tuân thủ quy định của pháp luật trong điều hành, quản lý kinh tế”.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành - ảnh H.Lực.
Ông Thành cho biết, ở vị trí lãnh đạo ông Đinh La Thăng phải hiểu những quy định pháp luật về việc nhiệm vụ, quyền hạn của chức vụ  hủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
“Vấn đề là anh biết những quy định của pháp luật nhưng vì sao gây nên hậu quả nghiêm trọng”, ông Thành nói.
Đánh giá hoạt động điều hành doanh nghiệp nhà nước hiện nay, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, doanh nghiệp nhà nước nhận được sự ưu tiên từ vốn, công nghệ đến mặt bằng để sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên hiệu quả hoạt động của không ít doanh nghiệp nhà nước khá thấp, vì vậy Chính phủ liên tục chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, tránh thiệt hại cho nhà nước.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến hết năm 2015, cả nước có 652 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, 230 doanh nghiệp nhà nước có cổ phần. 
Chỉ tính các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có tổng tài sản hơn 3 triệu tỷ đồng (tăng 1% so với năm 2014), trong đó vốn chủ sở hữu hơn 1,376 triệu tỷ đồng (tăng 8%). 
Tuy vậy, tổng doanh thu của các doanh nghiệp chỉ đạt hơn 1,588 triệu tỷ đồng (tương đương năm 2014).
“Hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước kém do chất lượng đội ngũ nhân sự, mà chất lượng nhân sự kém do khâu thi tuyển chưa chọn được người tài”, ông Thành đánh giá.
Xử lý trách nhiệm công khai, minh bạch
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đánh giá, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ướng đối với sai phạm của ông Đinh La Thăng và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2009 – 2015 cho thấy quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Xem xét kỷ luật ông Đinh La Thăng vì những vi phạm nghiêm trọng

Tuy nhiên theo ông Thành đây mới là kết luận kiểm tra từ phía Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
“Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần giao Chính phủ thanh tra, kiểm tra đối với sai phạm của ông Thăng và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vì đây doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ quản lý.
Trên cơ sở vi phạm mới đề xuất phương án xử lý trách nhiệm, công bố thông tin rộng rãi để tránh dư luận không tốt”, ông Thành cho biết.
Theo ông Thành, căn cứ vào kết luận cuối cùng xử lý vi phạm, cần đặt ra vấn đề yêu cầu cá nhân vi phạm phải bồi thường, khắc phụ hậu quả gây ra.
“Tóm lại chúng ta có hệ thống luật pháp cơ bản, mọi người phải tuân thủ pháp luật. Vi phạm ra sao cứ dựa theo pháp luật và xử, không né tránh, không có vùng cấm”, ông Thành nói.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương,  Dự án Nhà máy đầu tư sản xuất sơ xợi polyester Đình Vũ có 3 phương án được xem xét:
Phương án 1: Khởi động lại nhà máy, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn. Phương án này được thực hiện theo hai kịch bản: Hợp tác với đối tác nước ngoài để sản xuất kinh doanh xơ PSF trong 2 năm và sau đó thoái vốn hoặc tự vận hành sản xuất kinh doanh.

Phương án 2: PVTex chuyển nhượng công ty.
Phương án 3: Phá sản công ty theo luật định.
Trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố: tình hình thực tế, tính pháp lý, tính khả thi… đề xuất xem xét, lựa chọn phương án 1: Khởi động lại nhà máy, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn theo phương thức hợp tác với đối tác nước ngoài để sản xuất kinh doanh xơ PSF trong 2 năm và sau đó thoái vốn hoặc phương án 2: PVTex chuyển nhượng công ty.


"Các đảng viên nhìn vào đồng chí Đinh La Thăng để mà tu dưỡng bản thân"

BẠCH ĐẰNG

(GDVN) - “Đồng chí Đinh La Thăng giữ chức vị cao mà bị đề nghị xem xét kỷ luật là điều bình thường. Lâu nay, Đảng ta cũng xét nhiều đồng chí có trọng trách rồi!".
Ngày 26/4/2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát đi thông tin về một số vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) giai đoạn 2009 – 2015, trong đó đề cập cụ thể tới trách nhiệm của ông Đinh La Thăng trong thời gian giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn PVN.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét kỷ luật ông Đinh La Thăng (ảnh nguồn VOV).
Cụ thể: “Chịu trách nhiệm khi ký ban hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU, ngày 17/3/2009 của Đảng uỷ Tập đoàn có nội dung không phù hợp với quy định pháp luật để Hội đồng Thành viên, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn và các tổng công ty thành viên quyết định chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật;
Vi phạm Quy chế làm việc Hội đồng quản trị Tập đoàn trong việc ký thỏa thuận tham gia góp vốn tại Văn bản số 6934, ngày 18/09/2008 giữa đồng chí Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn và Chủ tịch Hội đồng Quản trị Oceanbank (có nội dung: Tập đoàn tham gia góp vốn 20% trở lên;
Cử cán bộ tham gia quản trị, điều hành; đề nghị các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ của Oceanbank) trước khi Hội đồng Quản trị Tập đoàn họp thống nhất nội dung trên.
Chịu trách nhiệm trong việc Hội đồng Thành viên ban hành Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN góp vốn vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho PVN.
Chịu trách nhiệm trong việc Hội đồng Thành viên ban hành một số nghị quyết, quyết định chỉ định nhiều gói thầu với tổng giá trị lớn, vi phạm các nghị định của Chính phủ; tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho chỉ định nhiều gói thầu không bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Những dự án tai tiếng thời ông Đinh La Thăng làm chủ tịch Tập đoàn Dầu Khí

Chấp thuận cho PVC được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với công trình, dự án do Tập đoàn chỉ định cho PVC thực hiện và chấp thuận cho Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với Hợp đồng thiết kế, mua sắm, xây dựng (EPC) Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất, vi phạm Luật Đấu thầu năm 2005.
Đồng chí có trách nhiệm trong việc ban hành chủ trương, quyết định đầu tư phân tán, dàn trải; thiếu kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án ở thời kỳ Đồng chí làm lãnh đạo Tập đoàn, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp;
Một số dự án phải dừng, giãn, hoãn tiến độ, thua lỗ kéo dài, gây thất thoát, lãng phí, mất vốn đầu tư, gây hậu quả rất nghiêm trọng (trong đó có Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học).
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Đinh La Thăng theo thẩm quyền".

Xem kết luận về ông Đinh La Thăng, Tướng Thước nói gì?

Trước thông tin Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận liên quan đến ông Đinh La Thăng, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã phỏng vấn các đảng viên từng công tác tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương về phản ứng của họ khi nghe thông tin trên.
Theo luật sư Hoàng Nguyên Hồng, nguyên Chuyên viên cao cấp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương:
“Khi biết nội dung kết luận của Kỳ họp thứ 14 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tôi thực sự rất mừng.
Kết luận được công bố công khai để nhân dân được biết càng khẳng định thêm được vai trò, vị trí và tầm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong công tác Đảng.
Nói như Lê Nin: “Vai trò của Ủy ban kiểm tra là không trừ một ai trong Đảng”.
Muốn Đảng mạnh, kỷ luật Đảng phải nghiêm nên tôi nghĩ rằng Ủy ban kiểm tra Trung ương phải mạnh mẽ hơn nữa.
Thời gian qua, Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng làm rất mạnh mẽ, tôi thấy đây là điều đáng mừng, rất ủng hộ và cổ vũ”.
Luật sư Hoàng Nguyên Hồng, nguyên chuyên viên cao cấp công tác tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương (ảnh Bạch Đằng).
Cũng theo ông Hoàng Nguyên Hồng: “Sở dĩ, phải ủng hộ, cổ vũ vì việc làm mạnh mẽ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương như vừa qua sẽ cổ vũ rất lớn cho các cấp Đảng tự hoàn chỉnh đơn vị mình, chỉnh đốn tốt hơn để đáp ứng Điều lệ Đảng và nhiệm vụ mà Đảng đã giao phó.
Đảng muốn mạnh thì phải làm minh bạch chính mình trước, dám nói ra khuyết điểm của mình để sửa chữa.
Việc làm rõ được trách nhiệm từng cá nhân trong Đảng cũng sẽ làm cho các Đảng viên khác nhìn vào đó mà lấy làm bài học cho chính mình, sẽ răn đe được những sai trái trong Đảng.
Tôi nghĩ rằng, cần phải quyết liệt hơn nữa!”.
Cũng liên quan đến kết luận Kỳ họp thứ 14 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và cá nhân đồng chí Đinh La Thăng, luật sư Phan Xuân Xiểm, nguyên Hàm Vụ trưởng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết:
“Nội dung kết luận kỳ họp thứ 14 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương quả thực là vụ việc theo tôi là chấn động.
Nói chấn động, vì đồng chí Đinh La Thăng từng được ca ngợi là năng động, có những táo bạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong công tác.
Trước đây, dư luận chỉ biết cái đồng chí Đinh La Thăng làm được nhưng nay Đảng đã chỉ ra những trách nhiệm của đồng chí về những hậu quả mà đồng chí đã làm tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và chịu xem xét xử lý theo điều lệ Đảng”.
Luật sư Phan Xuân Xiểm, nguyên Hàm Vụ trưởng, công tác tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương (ảnh Bạch Đằng).
Ông Phan Xuân Xiểm phân tích thêm: “Đồng chí Đinh La Thăng giữ chức vị cao trong Đảng bị đề nghị xem xét kỷ luật thì tôi cho là điều bình thường.
Bởi, lâu nay, Đảng ta cũng xét nhiều các đồng chí có trọng trách rồi, làm sai thì phải chịu trách nhiệm, để lại hậu quả thì phải gánh vác.
Việc xem xét các cá nhân đang đảm nhận các chức vị cao trong Đảng sẽ mang đến một hiệu ứng tích cực, cũng như chứng minh cam kết của Đảng “không có vùng cấm” là đúng.
Khi xử lý nghiêm những đồng chí như đồng chí Đinh La Thăng thì sẽ có tác dụng nêu gương để các đảng viên khác nhìn vào đó mà làm bài học tu dưỡng bản thân”.
Bạch Đằng
Mai Anh

Thương lái vứt lợn xuống đường: Điêu đứng vì Trung Quốc?

Đất Việt 

Những con lợn chết, lợn yếu...bị thương lái vứt bỏ lại dọc đường trên đường vận chuyển đến cửa khẩu để xuất sang Trung Quốc.
Ngày 1/5, trên trang cá nhân của mình, facebooker Nguyễn Thanh Sơn đã đăng tải một số hình ảnh ghi lại cảnh chiếc xe tải mang BKS 34C - 054.19 dừng bên quốc lộ và vứt nhiều xác heo xuống đường.
Theo đó, những hình ảnh trên được anh Sơn chụp vào trưa 30/4 tại một khu vực giáp ranh giữa huyện Yên Minh và huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Người vứt xác heo dọc đường cho biết, họ vứt những xác heo đã chết và một số con heo có biểu hiện lừ đừ, yếu ớt, sắp chết.
Thuong lai vut lon xuong duong: Dieu dung vi Trung Quoc? - Anh 1
Hàng loạt lợn chết, lợn yếu bị thương lái bỏ lại bên đường quốc lộ. Ảnh: Nguyễn Thanh Sơn
Trao đổi với báo chí, ông Vũ Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Na Khê, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang cho biết, sau khi nhận được thông tin phản ánh từ người dân, chính quyền xã đã tới hiện trường xử lý, tiêu hủy những xác heo bị vứt dọc đường.
Ông Quân khẳng định, khi lực lượng chức năng tới hiện trường thì chiếc xe tải trên đã rời khỏi hiện trường.
“Người ta vứt xác heo như vậy là rất vô ý thức, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân xung quanh”, ông Quân nói trên Dân Việt.
Khổ vì thương lái Trung Quốc?
Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện trường hợp vứt xác lợn chết ở dọc đường. Đặc biệt thời gian gần đây khi thịt lợn rớt giá thê thảm, những cảnh tượng trên lại càng dễ bắt gặp hơn. Nhiều thương lái sẵn sàng vận chuyển lợn không bán được hoặc bị ốm chết từ Trung Quốc về Việt Nam rồi lén vứt trên đường quốc lộ.
Gần đây nhất, ngày 13/4, một số người dân sống ở huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn bắt quả tang chủ hàng, lái xe ô tô tải biển kiểm soát: 89C-06531 vứt hàng chục con lợn chết xuống khe suối, khe đồi ven quốc lộ 4A thuộc địa phận đèo Bông Lau; nơi giáp ranh giữa huyện Tràng Định (Lạng Sơn) và Thạch An (Cao Bằng).
Thuong lai vut lon xuong duong: Dieu dung vi Trung Quoc? - Anh 2
Việc không có những quy định rõ ràng với phía Trung Quốc khiến cho người dân Việt Nam liên tiếp gặp trái đắng. Ảnh: Nguyễn Thanh Sơn
Trước sự phản ứng của người dân, chủ xe ô tô kể trên đã phải xin lỗi và bốc lợn trở lại xe đồng thời hứa sẽ không tái diễn cảnh này nữa.
Trước đó hồi tháng 5/2016, tại khu vực từ km 3 đến km 7 đoạn suối Củn, thuộc địa phận 2 xóm Bản Gủn, Khuổi Hân, xã Ngũ Lão (Hòa An, Cao Bằng), lực lượng chức năng phát hiện 19 con lợn chết bị vứt bỏ lại ven đường, mùi hôi thối phát tán khắp nơi.
Thực tế hơn 1 năm trở lại đây, nhiều thương lái đã chở lợn từ các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ qua biên giới Cao Bằng để xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Trung Quốc cấm nhập khẩu lợn khiến cho hàng nghìn con lợn ùn ứ tại biên giới.
Từng trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Viện trưởng viện Công nghệ và thực phẩm – ĐH Bách khoa Hà Nội đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong quá trình chăn nuôi lợn của người nông dân.
Một trong những lý do được vị chuyện gia chỉ ra đó là do Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc và không có những quy định cụ thể, chặt chẽ mang tính ràng buộc giữa các bên.
Theo ông Thịnh, không chỉ riêng mặt hàng thịt lợn mà trước đây dưa hấu, chè, rau củ quả, nông dân Việt Nam cũng “điêu đứng” với các thương lái người Trung Quốc.
Đặc biệt, việc xuất khẩu thịt lợn theo con đường tiểu ngạch khiến cho người nông dân Việt Nam luôn rơi vào tình thế bị động.
“Có những thương nhân là người tốt nhưng cũng có kẻ xấu, làm ăn không lành mạnh. Họ tung tin mua lợn này lợn kia và người dân trong nước đua nhau đi nuôi. Giá cám, thức ăn chăn nuôi vốn đắt nhưng sau khi lợn đến giai đoạn xuất chuồng thì thương lái lại dừng mua. Số lượng nhiều dân không bán được. Chúng ta bị động với kế hoạch sản xuất của mình.
Tình trạng lợn, hoa quả cứ ùn tùn kéo lên biên giới để chờ xuất sang Trung Quốc diễn ra phổ biến nhiều năm qua. Khi Trung Quốc từ chối thì người thua thiệt là nông dân Việt Nam”, ông Thịnh nói.
Hoàng Hà (Tổng hợp)

Lương Ngọc Huỳnh - Những thắc mắc của tôi về ông Đinh La Thăng

Ở nước ta có một văn hoá "a dua và vào hùa" theo kiểu "phù thịnh chứ không phù suy"! Điều này là một dấu hiệu dễ bị lợi dụng, nhầm lẫn và thiếu khách quan, thiếu minh bạch trong mọi vấn đề, kể cả những vấn đề trọng đại của đất nước.


Việc Đảng, Nhà Nước, Chính Phủ đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng thật đáng hoan nghênh và khích lệ, tuy nhiên nếu chúng ta nhìn thẳng vào sự thật mà nói kể từ năm 1945 đến giai đoạn năm 2000, thì những vấn nạn về tham ô, tham nhũng là không đáng kể, tuy nhiên không phải là không có, nhưng mức độ không quá nghiêm trọng!

Sau những năm 2000 đến nay, đặc biệt là từ năm 2006 đến đầu năm 2016 thì tệ nạn tham ô, tham nhũng, chạy chức chạy quyền nở rộ như hoa, tạo nên một vấn nạn chưa từng có trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc! Khiến cho lòng dân không an, làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương. Đây cũng là thời kỳ bong bóng của thị trường bất động sản và chứng khoán đã tung hoành ngang dọc! Rõ ràng người dân không thể can thiệp vào hai thị trường này, mà do sự quản lý yếu kém của chính phủ lúc bấy giờ đã làm cho hàng loạt các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân thi nhau phá sản, nợ chồng nợ chất, dẫn đến nợ công và nợ xấu tăng cao nhất trong lịch sử Việt Nam?! 

Nếu xét ở khía cạnh công bằng mà nói, thì lỗi này thuộc về lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà Nước, và Chính Phủ thời kỳ đương nhiệm ấy!

Sau đại hội trung ương lần thứ 12. Đảng, Nhà Nước đã đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng bước đầu đạt được những hiệu quả nhất định, Chính Phủ đương nhiệm đã thực hiện khẩu hiệu "Quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp". Cũng từ đó tệ nạn tham ô, tham nhũng đã giảm hẳn, nạn chạy chức chạy quyền cũng không rầm rộ như trước, đất nước đang dần dần chuyển mình theo chiều hướng dân chủ hơn, minh bạch hơn và trong sạch hơn.

Trong các lãnh đạo mới của bộ chính trị, ban chấp hành trung ương có nhiều gương mặt được người dân hy vọng và gửi gắm nhiều niềm tin, một trong những vị đó là UVBCT ông Đinh La Thăng. Người dân đã từ lâu hiếm thấy có một lãnh đạo nào mà năng nổ quyết đoán, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm như ông Đinh La Thăng. 

Hôm nay tôi thấy đồng loạt các báo đăng tin Uỷ ban kiểm tra Trung Ương đề nghị Bộ Chính Trị, ban chấp hành Trung Ương xem xét kỷ luật ông Đinh La Thăng vì những sai phạm trong quá trình điều hành tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam cụ thể là:

" Ông Đinh La Thăng, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐTV Tập đoàn PVN trong giai đoạn 2009 – 2011.

Chịu trách nhiệm khi ký ban hành nghị quyết 233/NQ-ĐU, ngày 17/3/2009 của Đảng uỷ Tập đoàn có nội dung không phù hợp với quy định pháp luật để HĐTV, Ban Tổng giám đốc Tập đoàn và các tổng công ty thành viên quyết định chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật; 

Vi phạm Quy chế làm việc HĐQT Tập đoàn trong việc ký thỏa thuận tham gia góp vốn tại văn bản số 6934, ngày 18/9/2008 giữa ông Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn và Chủ tịch HĐQT Oceanbank (có nội dung: Tập đoàn tham gia góp vốn 20% trở lên; cử cán bộ tham gia quản trị, điều hành; đề nghị các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ của Oceanbank) trước khi HĐQT Tập đoàn họp thống nhất nội dung trên.

Chịu trách nhiệm trong việc HĐTV ban hành nghị quyết số 4266/NQ-DKVN góp vốn vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của luật Các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho PVN.

Chịu trách nhiệm trong việc HĐTV ban hành một số nghị quyết, quyết định chỉ định nhiều gói thầu với tổng giá trị lớn, vi phạm các nghị định của Chính phủ; tham mưu, đề xuất Thủ tướng cho chỉ định nhiều gói thầu không bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Chấp thuận cho PVC được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với công trình, dự án do Tập đoàn chỉ định cho PVC thực hiện và chấp thuận cho Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với Hợp đồng thiết kế, mua sắm, xây dựng (EPC) nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất, vi phạm luật Đấu thầu năm 2005.

Ông có trách nhiệm trong việc ban hành chủ trương, quyết định đầu tư phân tán, dàn trải; thiếu kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án ở thời kỳ ông làm lãnh đạo Tập đoàn, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp; một số dự án phải dừng, giãn, hoãn tiến độ, thua lỗ kéo dài, gây thất thoát, lãng phí, mất vốn đầu tư, gây hậu quả rất nghiêm trọng (trong đó có dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học)."...

Đọc qua những kết luận của Uỷ ban kiểm tra tôi có suy nghĩ rằng: Mọi thành viên của chính phủ, bao gồm cả các lãnh đạo của các tập đoàn nhà nước thì đương nhiên đều phải thực hiện theo chủ trương và sự chỉ đạo trực tiếp từ Thủ Tướng chính phủ, do vậy tôi thắc mắc như sau:

1- Khi ký ban hành nghị quyết 233/NQ-ĐU, ngày 17/3/2009 thì ông Đinh La Thăng có dám không xin ý kiến của Chính Phủ hay không?

2- Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản, thực hiện các dự án đầu tư dẫn đến HĐTV và một số đơn vị thành viên có vi phạm rất nghiêm trọng, để mất vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng; trong đó góp vốn vào Ngân hàng Cổ phần Đại dương (OceanBank) mất 800 tỷ đồng.? 

Vậy tôi nghi ngờ rằng: Chẳng lẽ Tập đoàn dầu khí và ông Đinh La Thăng lại không tỉnh táo đến mức mà không đề nghị chính phủ cho thoái vốn ở Ngân hàng Đại Dương hay sao? Với kinh nghiệm thương trường và chính trị dày dạn tôi nghĩ rằng ông Đinh La Thăng sẽ phải làm điều này.

Tôi mong rằng các nhà báo chính danh, các tổ chức thanh tra, và Uỷ ban kiểm tra Trung Ương cần xem kỹ những yếu tố cốt lõi, tránh oan sai, đồng thời cũng không bỏ lọt tội phạm cho dù người đó ở bất kỳ cương vị nào.

Đất nước ta cần những con người dám nghĩ, dám nói và dám làm, dám chịu trách nhiệm, chứ không cần những kẻ cơ hội chính trị, lợi ích nhóm và ngậm miệng ăn tiền! Thậm chí cài bẫy người khác để dành chỗ cho mình leo lên! Tôi tin rằng trong việc này ông Đinh La Thăng có thể có khuyết điểm, cũng có thể bị động, trong tình thế không làm không được?!.... nhưng đằng sau những khuyết điểm là một con người nhiệt huyết, năng động, dám nghĩ, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm, tôi nghĩ trong giai đoạn này, trong thời khắc lịch sử này, người dân cần những người lãnh đạo như vậy, rất mong Bộ Chính Trị, Ban chấp hành Trung Ương, và nhân dân tỉnh táo xem xét kỹ lưỡng ở mọi khía cạnh.

Đây là ý kiến cá nhân của tôi khi đọc được thông tin trên báo, nếu có gì chưa đúng xin mong được lượng thứ.

Tôi xin chân thành cảm ơn quý vị sẽ đọc, sẽ nhận xét và chia sẻ bài viết này đến đông đảo người dân và các lãnh đạo nhà nước.


Võ sư.Giáo sư -Viện sĩ Lương Ngọc Huỳnh

(FB Lương Ngọc Huỳnh)

Việt Nam 1967: Ai chỉ đạo cuộc chiến ở miền Bắc?

Posted on  by The Observer

Print Friendly
Nguồn: Lien-Hang Nguyen, “Who Called the Shots in Hanoi?”, The New York Times, 14/02/2017.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Bất kỳ câu chuyện nào về chiến sự trong Chiến tranh Việt Nam cũng đều nói rằng Mỹ đã phải chiến đấu với một “kẻ thù khó nắm bắt”: những toán lính du kích bất ngờ tấn công rồi nhanh chóng biến mất; hay các tư lệnh tiểu đoàn nhất định không chịu đánh công khai. Tuy nhiên, câu nói sáo rỗng ấy có nhiều ý nghĩa hơn những gì hầu hết chúng ta nghĩ. Thậm chí đến tận năm 1967, quân đội, tình báo và các lãnh đạo dân sự Mỹ vẫn hoàn toàn không biết ai mới thực sự là người ra quyết định tại Hà Nội.
Ai lãnh đạo Bắc Việt Nam?
Ở một mức độ nào đó, đây là những gì chính quyền miền Bắc mong muốn – một ấn tượng rằng mọi quyết định đều là tập thể, dù vẫn có bàn tay dẫn dắt nhẹ nhàng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự nhầm lẫn của người Mỹ, dù không cố ý, nhưng cũng phản ánh thực tế là chính trị miền Bắc còn lộn xộn và chia rẽ, một trong những thực tế mà tới nay các nhà sử học mới hiểu được phần nào.
Nhờ có quá trình giải mật hồ sơ lịch sử lúc chậm lúc nhanh, các ấn phẩm hồi ký và lịch sử “không chính thức”, việc lan truyền các bức “thư ngỏ” của các cựu lãnh đạo bất mãn, cùng những nghiên cứu, phân tích cẩn thận và tỉ mỉ từ các chuyên gia Việt Nam, bây giờ chúng ta đã có thể hiểu sâu hơn về việc ai là lãnh đạo cao nhất ở Hà Nội và làm thế nào mà ông ta đạt được vị trí đó.
Trong cuộc chiến, các chuyên gia tình báo Mỹ cứ quanh quẩn trong một danh sách dài những nhân vật tình nghi. Đôi khi các báo cáo và phân tích tình báo chỉ ra rằng toàn bộ 11 thành viên của Bộ Chính trị là những người lãnh đạo thực sự của Đảng Lao động Việt Nam.
Lựa chọn rõ ràng nhất, đồng thời là cái tên luôn được báo chí mô tả là lãnh đạo miền Bắc, chính là Hồ Chí Minh, vị cha già mà chuyến đi tìm đường cứu nước cùng sự nghiệp chống thực dân lừng lẫy đã khiến ông trở thành nhân vật nổi tiếng thế giới. Một ứng viên khác là Võ Nguyên Giáp, vị tướng có công đánh tan quân Pháp mạnh hơn nhiều lần một cách ngoạn mục tại Điện Biên Phủ. Thậm chí Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đại diện của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại đàm phán Geneva năm 1954, cũng từng được nêu tên như là “bộ não” thực sự đằng sau cuộc chiến của Hà Nội.
Thực ra câu trả lời không nằm trong số những người này. Lãnh đạo thực sự là Lê Văn Nhuận, người sau này lấy tên là Lê Duẩn, một quan chức đảng không mấy nổi bật, với xuất thân khiêm tốn từ một làng quê miền Trung Việt Nam.
Sự trỗi dậy của Lê Duẩn
Gần như không nằm trong tầm ngắm của tình báo Mỹ, nhưng Lê Duẩn đã cai trị đảng bằng bàn tay sắt từ cuối những năm 1950 cho đến khi ông qua đời vào năm 1986. Từ xưa tới nay, chưa có bất kỳ Tổng Bí thư nào có thể nắm giữ quyền lực được lâu như vậy. Thế nhưng người nước ngoài lại biết rất ít về Lê Duẩn, cũng như làm thế nào mà ông đã đánh bại được quốc gia hùng mạnh nhất thế giới.
Sinh năm 1907, Lê Duẩn là một trong năm người con của một gia đình nông dân nghèo ở làng Bích La, tỉnh Quảng Trị. Ông đã chứng kiến sự chuyển đổi của đất nước mình dưới ách áp bức và bóc lột của thực dân Pháp. Ban đầu, ông nối nghiệp cha trở thành một nhân viên đường sắt. Nhưng sau đó, bị cuốn vào phong trào chống thực dân của nhiều thanh niên cùng thế hệ, chàng trai Lê Duẩn 21 tuổi đã chuyển đến sống tại Hà Nội cùng với cô dâu mới là Lê Thị Sương. Tại đây, ngay tại trung tâm quyền lực của người Pháp, Lê Duẩn đã gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và giành được một ghế trong Ủy ban Giáo dục và Đào tạo nhờ công việc ngành đường sắt của mình.
Nhưng phải đến lúc vào nhà tù thuộc địa thì ông Duẩn mới giành được uy tín cách mạng thực sự của mình. Các tù nhân thường xuyên bị cai ngục người Pháp đánh đập, nhưng họ đã trở nên cấp tiến hơn nhờ được củng cố ý thức hệ và cùng nhau tái xây dựng mạng lưới đảng khi bị nhốt chung trong những buồng giam chật chội. Lê Duẩn đã bị giam trong các nhà tù thực dân không chỉ một, mà là hai lần (năm 1931 và năm 1945.) Khi ông được thả sau lần bị giam thứ hai vào năm 1945, Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Thế chiến II đã kết thúc, và nhìn từ bề ngoài thì người Pháp cũng như người Nhật đều đã bại trận. Quan trọng nhất, Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo giàu sức lôi cuốn, đã tuyên bố nền độc lập của Việt Nam tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội vào ngày 02/09/1945.
Tuy nhiên, những ngày sau độc lập đối với Lê Duẩn và Việt Nam là quãng thời gian thử thách. Người Pháp không có ý định để cho đế chế của họ tan rã mà không chiến đấu, và Lê Duẩn hiểu rằng việc khẳng định bản thân trong chính phủ mới là một thách thức. Hy vọng được trở thành bộ trưởng quốc phòng, nhưng ông đã thua Tướng Giáp, người thân thiết hơn với Hồ Chí Minh. Thất bại năm 1945 này có thể là một nguyên nhân khiến Lê Duẩn luôn khinh thường Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh.
Thay vì ở lại Hà Nội làm một ủy viên Bộ Chính trị và giữ một chức bộ trưởng thoải mái nào đó, Lê Duẩn lại phụ trách hoạt động của Đảng ở một nơi có thể được gọi là “miền Nam hoang dã” (Wild South.) Ông đến Đồng bằng sông Cửu Long, nơi mà quyền lực của đảng còn rất yếu so với ở miền Bắc. Không chỉ có người Pháp mong muốn chiếm lại phần phía nam thuộc địa cũ của họ, mà các lực lượng bán quân sự của Phật giáo và các nhóm giang hồ người Hoa ở Chợ Lớn cũng đang kiểm soát tất cả các phần quan trọng của khu vực.
Mối quan hệ với Lê Đức Thọ
Lê Duẩn sẽ không đơn độc trong nhiệm vụ giúp Đảng kiểm soát miền Nam. Năm 1948, Lê Đức Thọ xuất hiện và trở thành ‘phó tướng’ của ông. Là một nhà cách mạng đáng nể từ miền Bắc, người đã thăng tiến trong Đảng qua nhiều năm gian khổ ở nhà tù thực dân, Lê Đức Thọ đã hình thành một mối quan hệ mạnh mẽ với Lê Duẩn, cùng tiêu diệt các đối thủ chính trị và kẻ thù.
Hoạt động của Lê Duẩn ở miền Nam cũng như mối liên hệ với Lê Đức Thọ là những yếu tố quan trọng giúp ông vươn lên trở thành nhà lãnh đạo hàng đầu và ảnh hưởng tới chính sách của ông trên cương vị đó. Năm 1954, đất nước bị chia cắt tại vĩ tuyến 17, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ cũng bị chia tách. Ông Thọ tập kết ra miền Bắc, còn ông Duẩn bí mật trở lại Đồng bằng sông Cửu Long, nơi ông đã chứng kiến Tổng thống miền Nam Ngô Đình Diệm tàn sát quân kháng chiến, và lời hứa hẹn về một đất nước thống nhất cứ ngày một xa vời.
Trở về Hà Nội, Lê Duẩn nhận thấy Đảng đang bị bao vây bởi những khó khăn trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Khi có thay đổi lớn trong bộ máy lãnh đạo Đảng cộng sản, thời gian của Lê Duẩn ở miền Nam đã được đền đáp: Ông là ủy viên Bộ Chính trị duy nhất không có liên quan đến chính sách thất bại của Đảng ở miền Bắc (chỉ cải cách ruộng đất – NBT). Sau khi Tổng Bí thư đương nhiệm Trường Chinh từ chức, Lê Duẩn đã lên thay và tiếp quản việc điều hành Đảng Lao động Việt Nam.
Được Lê Đức Thọ ủng hộ, Lê Duẩn đã quyết tâm xây dựng một nhà nước cảnh sát mạnh mẽ ở miền Bắc để chuẩn bị cho chiến tranh toàn diện ở miền Nam. Các lãnh đạo chính thức khác, như Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, muốn kết hợp chính trị và quân sự, nhưng Lê Duẩn và Lê Đức Thọ cho rằng thống nhất đất nước dưới sự bảo trợ của đảng chỉ có thể được thực hiện bằng cách leo thang quân sự bởi lực lượng nổi dậy ở miền Nam.
Chiến lược của Lê Duẩn
Họ mở màn chiến dịch vào cuối năm 1963, sau khi cả Ngô Đình Diệm và John F. Kennedy đều bị ám sát. Nhận thấy cơ hội giành chiến thắng nhanh chóng khi miền Nam đang thiếu lãnh đạo, Lê Duẩn đã thuyết phục các quan chức Đảng sử dụng toàn lực để giành chiến thắng bằng một kế hoạch táo bạo mà ông gọi là “Tổng tiến công và nổi dậy.”
Đó thực là một canh bạc. Năm 1964, khi Lê Duẩn bắt đầu phát triển kế hoạch của mình, lực lượng của phe cộng sản chưa đủ mạnh để tiêu diệt quân đội miền Nam và do đó phải kích động người dân đứng lên – tiến công và nổi dậy – dù cho khả năng lãnh đạo dân sự – quân sự ở miền Nam lúc đó tương đối yếu. Nhưng ông Duẩn đã kiên nhẫn. Gửi binh lính và trang thiết bị từ miền Bắc qua các tuyến đường biển và đường bộ rất mất thời gian, nhưng cuối cùng Lê Duẩn vẫn làm thay đổi được tình trạng chiến sự phía dưới vĩ tuyến 17, từ chiến tranh du kích tiến hành bởi lực lượng nổi dậy miền Nam thành một cuộc nội chiến toàn diện có sự tham gia của quân đội chính quy miền Bắc.
Tính đến mùa thu năm 1964, vị Tổng Bí thư đã hoàn tất “Kế hoạch X”, giai đoạn cuối cùng trong ván cược giành chiến thắng của ông – bao gồm một cuộc tấn công đầy tham vọng nhắm vào Sài Gòn. Cho các đơn vị lính đặc công trang bị vũ khí hạng nặng đến trấn giữ các mục tiêu chủ chốt, còn quân cách mạng thì đóng rải rác khắp Sài Gòn sẽ kích động nhân dân đứng lên giành lấy chính quyền khỏi tay “chế độ bù nhìn” đang sụp đổ. Kế hoạch đã được tính toán rất kỹ càng, năm tiểu đoàn sẽ đóng tại năm hướng trong khu vực ngoại ô thành phố nhằm cách ly vùng trung tâm thành phố khỏi lực lượng quân đội Việt Nam Cộng hòa còn lại cho đến khi lực lượng chủ chốt có thể tiến đến.
Sự xuất hiện của quân đội Mỹ vào năm 1965 đã làm thay đổi việc đánh nhanh thắng nhanh với “Kế hoạch X”, nhưng vị Tổng Bí thư vẫn kiên trì. Luôn tin rằng nếu quay trở lại lối đánh du kích nặng về phòng thủ sẽ làm suy yếu tinh thần của lực lượng cộng sản, Lê Duẩn ra lệnh duy trì thế chủ động và khởi động các trận đánh lớn. Tuy nhiên, chiến lược tấn công này gặp phải sự chống trả sâu rộng của Mỹ ở vùng nông thôn miền Nam trong năm 1966 và đầu năm 1967, khiến sự điều khiển chiến tranh của Lê Duẩn đã bị chỉ trích nặng nề tại Hà Nội.
Quyền kiểm soát của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ ở miền Bắc cũng như nỗ lực chiến tranh bất ngờ gặp phải nguy hiểm. Trước khi cả hai có thể tiến  hành một phiên bản nâng cấp của “Kế hoạch X” – theo đó sẽ tấn công không chỉ Sài Gòn mà còn tất cả các thành phố và thị xã trên khắp miền Nam Việt Nam – họ phải đập tan những lời chỉ trích và lấy lại quyền kiểm soát ở Hà Nội. Năm 1967, trong khi người Mỹ ném bom, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ cũng bắt đầu một cuộc chiến chính trị khốc liệt ở Hà Nội, điều cuối cùng trở thành một cuộc thanh trừng lớn nhất trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam – và tạo tiền đề cho những gì họ dự định sẽ là chiến dịch đỉnh điểm của Chiến tranh Việt Nam.
Xem thêm: 
Lien-Hang Nguyen là Giáo sư Lịch sử tại Đại học Columbia và là tác giả của cuốn sách sắp được phát hành “Tet 1968: The Battles That Changed the Vietnam War and the Global Cold War.” 
Các tiêu đề phụ trong bài do Nghiencuuquocte.org tự đặt. 
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2017/03/14/viet-nam-1967-ai-chi-dao-cuoc-chien-tranh-mien-bac/#sthash.F5oRTP7e.dpuf