Thứ Tư, 5 tháng 7, 2017

"Khát" năng lượng, Trung Quốc đánh cược vào khí mêtan hydrat ở Biển Đông

RFI

mediaKhối "đá cháy" được tầu nghiên cứu Đức FS Sonne tìm thấy trong một chuyến thám hiểm ở ngoài khơi Oregon, Mỹ, ở độ sâu 1.200 m. Ảnh minh họa.CC/Wusel007
Ngày 18/05/2017, Trung Quốc thông báo thành công đầu tiên trong việc thu thập được những mẫu khí mêtan hydrat (đôi khi còn được gọi là « đá cháy »hay « băng cháy ») ở Biển Đông. Chỉ trong vòng 6 tuần, tính đến đầu tháng 07/2017, hơn 235.000 mét khối mêtan hydrat đã được Trung Quốc khai thác ở vùng biển cách 320 km phía đông nam thành phố Châu Hải (Zhuhai), tỉnh Quảng Đông (Guangdong).
Kết quả trên được Bắc Kinh đánh giá là « một bước tiến lịch sử » sau gần hai thập kỷ nghiên cứu với nhiều đợt khoan thăm dò trong vùng Biển Đông. Hãng tin AFP, trích phát biểu của ông Hiệp Kiến Lương (Ye Jianliang), giám đốc Cục Khảo sát Địa chất Quảng Châu, đánh giá :« Trung Quốc đã vượt qua mọi mong đợi trong quá trình khảo sát thăm dò « đá cháy » bằng những tiến bộ đổi mới của riêng mình về công nghệ và kỹ thuật. Sự kiện này đánh dấu một bước đột phá lịch sử ».
Theo tuyên bố ngày 02/06/2017 của bộ Lãnh Thổ và Tài Nguyên, được Xinhua.net trích dẫn, Trung Quốc sẽ có khoảng 80 tỉ tấn « đá cháy ». Khoảng 8.350 mét khối nhiên liệu này vẫn được khai thác hàng ngày ở ngoài khơi đông nam thành phố Châu Hải.
Trung Quốc nằm trong số vài nước có tham vọng khai thác nguồn tài nguyên mới này để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Từ hai thập kỷ nay, quốc gia Đông Á này tăng cường các cuộc thăm dò dưới đáy đại dương để tìm « đá cháy », một loại năng lượng hóa thạch được ưa chuộng vì khí mêtan. Tuy nhiên, để sử dụng được « đá cháy » trên quy mô thế giới, còn cần ít nhất thêm 10 năm nữa.
Thành công của Trung Quốc : Cuộc cách mạng năng lượng hay dự án quảng bá ?
Thành công trong việc khai thác được khí mêtan hydrat vừa qua được Trung Quốc đánh giá là « một bước tiến lịch sử ». Thế nhưng, trang Sputnik của Nga đặt câu hỏi liệu thành công này sẽ giúp Bắc Kinh tiến hành một cuộc cách mạng năng lượng hay đó chỉ là một dự án quảng bá ?
Trả lời trang Sputnik, chuyên gia Nga Igor Iouchkov, thuộc Quỹ Quốc gia vì An ninh Năng lượng, cho rằng bước đầu trong quá trình khai thác khí mêtan hydrat có thể là một tiến bộ công nghệ của Trung Quốc trong một lĩnh vực cụ thể, nhưng đó không phải là một cú đột phá lịch sử trong lĩnh vực năng lượng.
Chuyên gia Nga nhấn mạnh : « Trung Quốc thông báo thành công trong bước đầu chiết xuất « đá cháy », nhưng lại im lặng về chi phí cho hoạt động này. Dĩ nhiên, điều này gây thắc mắc, vì vấn đề giá cả của nhiên liệu được khai thác là điều quan trọng. Chỉ có giá, chứ không phải tiêu chí nào khác, cho phép đánh giá hiệu quả thương mại của công nghệ Trung Quốc và xa hơn là viễn cảnh khai thác « đá cháy » nói chung ».
Theo chuyên gia Nga, Bắc Kinh hiểu rằng một cuộc cách mạng công nghệ trong lĩnh vực khí mêtan hydrat có thể sẽ tác động hơn đến năng lượng thế giới so với sản xuất khí đá phiến (schiste). Ông Igor Iouchkov nêu lên hai khả năng giải thích cho thông tin về thành công của Trung Quốc được truyền thông đăng tải : Thứ nhất, một thông tin như vậy phù hợp với chính sách của chính quyền Trung Quốc hiện nay. Thứ hai, Bắc Kinh đang bận tâm đến giá khí đốt ở nước ngoài.
Khí mêtan hydrat, nguồn năng lượng của tương lai ?
« Đá cháy » được hình thành từ những phân tử mêtan nằm trong các phân tử nước kết tinh, thường được tìm thấy bên dưới lớp băng vĩnh cửu và tầng địa chất sâu dưới lòng đại dương. Tuy nhiên, quy trình khai thác loại năng lượng này khó khăn và rất tốn kém.
Khí mêtan được chiết xuất bằng cách nâng nhiệt độ, hoặc giảm áp lực, để phân giải các hydrat thành khí và nước. Theo đánh giá của bộ Năng Lượng Hoa Kỳ, 1 mét khối mêtan hydrat có thể tỏa 164 mét khối khí mêtan và 0,8 mét khối nước.
Hiện vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể về trữ lượng mêtan hydrat trên toàn thế giới. Tuy nhiên, theo Hoa Kỳ, trữ lượng loại khí này có thể lớn hơn cả « khối lượng của tất cả các nguồn năng lượng hóa thạch đã được biết » (như dầu hỏa, than đá…).
Các nhà nghiên cứu độc lập thì tỏ ra ngập ngừng trong việc đưa ra số liệu về quy mô của các mỏ « đá cháy ». Nhưng theo họ, số lượng các mỏ này rất lớn và có thể « làm thay đổi cán cân » đối với các nước có trữ lượng hạn chế về năng lượng hóa thạch truyền thống.
Giảng viên Ingo Pecher, thuộc đại học Khoa Học, đại học Auckland, Úc, nêu trường hợp điển hình của Nhật Bản : « Họ không có nhiều khí đốt và đối với họ, loại khí này có thể là một nguồn dự trữ quan trọng ». Quần đảo Nhật Bản bị lệ thuộc vào nhập khẩu khí đốt hóa lỏng tự nhiên, vì phần lớn các nhà máy điện nguyên tử của nước này vẫn đang ngừng hoạt động từ sáu năm nay, sau thảm họa Fukushima.
Tiềm năng rất lớn
« Đá cháy » được phát hiện trên khắp thế giới, từ New Zealand đến Alaska, nhưng thách thức chính là phải tìm được những mỏ tập trung và có thể thâm nhập được.
Rất nhiều nước có tham vọng khai thác được khí mêtan hydrat. Nhật Bản thông báo thành công trong việc khoan thăm dò ngoài khơi phía đông nước này. Hoa Kỳ cũng đạt được kết quả khả quan trong những lần khoan thử ở vịnh Mêhicô.
Nhưng để sản xuất một cách khả thi về mặt kinh tế thì sẽ còn cần « khoảng 10 năm », theo ước tính của ông Paul Duerlo, tổng giám đốc văn phòng cố vấn Boston Consulting Group, trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản. Còn theo thẩm định của giới chuyên gia Trung Quốc, loại đá cháy có thể trở thành một nguồn năng lượng sinh lợi « trong khoảng những năm 2030 ».
Ông Duterlo giải thích : « Người ta biết các mỏ năng lượng này nằm ở đâu, người ta có công nghệ cần thiết, nhưng mức sản xuất từ các giếng này vẫn còn chưa khả thi về mặt thương mại do giá thành hiện nay ».
Một thách thức khác trong việc chiết xuất, đó là loại khí mêtan cũng có thể gây hiệu ứng nhà kính, theo giải thích của giáo sư An Khắc (Yuan Xu), thuộc khoa Địa lý và Quản lý nguồn tài nguyên, đại học Hồng Kông. Dẫu sao, vẫn theo giáo sư An Khắc, loại nhiên liệu này vẫn là« tiềm năng lớn » nếu vượt qua được mọi cản trở về tài chính và công nghệ.

RFI: Donald Trump và trò may rủi trong chính sách đối ngoại

Minh Anh

mediaTổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi tiếp tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tại Nhà Trắng, Washington, ngày 30/06/2017.REUTERS/Jim Bourg
Tính khí khó lường của Donald Trump đe dọa thế giới. Tầm nhìn chiến lược của ông không vượt quá khuôn khổ một nền « ngoại giao theo kiểu giao dịch », mà ở đó lợi ích của Hoa Kỳ luôn được đặt lên trên hàng đầu. Trên trang nhất, Les Echos (04/07/2017) khẳng định « Trump, một mối đe dọa cho thế giới ».
Vì sao ? Ông Jacques Hubert-Rodière, cây bút xã luận về quan hệ quốc tế, trong bài phân tích đề tựa : « Trump và trò may rủi trong đối ngoại », cho rằng lên cầm quyền từ 6 tháng nay, nhưng vẫn chưa có ai đoán được chính sách đối ngoại của Donald Trump là gì.
Quả thật, trong sáu tháng qua, kể từ khi lên cầm quyền, tổng thống Donald Trump đã có những chính sách đối ngoại hoàn toàn khác hẳn với những người tiền nhiệm. Ông thực hiện một đường lối ngoại giao gần như theo kiểu « giao dịch » nhằm phục vụ cho mục tiêu chính «nước Mỹ trước hết » và làm thế nào đạt được tối đa các lợi ích từ những đối tác với các « thỏa thuận tốt nhất có thể ».
Nhưng bên cạnh đó, người ta cũng có cảm giác tổng thống Mỹ đang đi theo một đường lối zigzag trên nhiều hồ sơ quốc tế. Ông có thái độ quay ngoắt so với những cam kết ban đầu đưa trong suốt cuộc vận động tranh cử từ mối quan hệ với Nga, trao đổi mậu dịch với Trung Quốc, hồ sơ khủng hoảng Syria hay như với NATO…
Chuyên gia Laurence Nardon, phụ trách chương trình Bắc Mỹ, Học Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (Ifri), đặt câu hỏi : « Liệu ông Trump có một tư duy chặt chẽ hay không ? ». Thật khó mà tiên đoán được ngày mai mối quan hệ giữa Donald Trump với Vladimir Putin sẽ ra sao trong khi mà điều tra về sự thông đồng giữa những người thân cận của ông Trump với Nga chỉ mới được bắt đầu.
Hiện tại, Donald Trump dường như không mấy bận tâm đến việc định hình chính sách đối ngoại, chỉ quan tâm nhiều đến vụ tai tiếng « Russiagate » và cho chính bản thân nước Mỹ. Do vậy, người ta không khỏi thắc mắc ai đang dẫn dắt chính sách ngoại giao nước Mỹ.
Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis và bộ trưởng Ngoại Giao Rex Tillerson ? Đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc Nikki Haley ? Hay cố vấn riêng Steve Bannon ?
Đương nhiên, trong vòng sáu tháng, ông Donald Trump đưa ra hai trục đối ngoại chính : chống khủng bố và Iran. Đến mức tham gia cùng với Ả Rập Xê Út và các nước Vùng Vịnh cô lập Qatar nhưng theo một cách mơ hồ và khó hiểu. Bởi vì, không những Hoa Kỳ có một căn cứ quân sự tại Qatar mà còn vội vã bán vũ khí cho tiểu quốc Ả Rập này, mà Mỹ cáo buộc ủng hộ khủng bố.
Thái độ kiên quyết phá tan những di sản của người tiền nhiệm Barack Obama là một điểm khó hiểu khác. Từ việc ông lên án Hiệp Ước Khí Hậu Paris, cho đến việc đòi thương lượng lại thỏa thuận hạt nhân với Iran, hay như hủy bỏ chính sách mở cửa đối với Cuba…
Nhưng có lẽ điều khó hiểu lớn nhất chính là bản thân Donald Trump, và tính chất khó lường của ông. Cựu đại sứ Mỹ tại NATO, ông Ivo Daadler khẳng định : « Rủi ro xảy ra tai nạn và leo thang bất ngờ dẫn đến chiến tranh kể từ giờ ở mức cao nhất từ nhiều thập niên nay, không chỉ ở châu Âu mà cả Trung Đông và Châu Á ». Chuyên gia Laurence Nardon lưu ý, quan hệ căng thẳng với Bắc Triều Tiên rất có thể suy biến trong trường hợp Donald Trump cố tìm cách lấp liếm vụ « Russiagate ».
Bài viết kết luận Donald Trump đang tạo cảm giác thúc ép thế giới chơi trò may rủi mà ở đó điều có thể đoán trước được chính là tính khí khó lường của ông.
Bắc Kinh - Washington : Cơm không lành, canh chẳng ngọt
Cũng trong lĩnh vực đối ngoại, nhưng cụ thể là quan hệ Mỹ - Trung. Báo La Croix có bài giải thích vì sao « Tuần trăng mật giữa Bắc Kinh và Washington đã chấm dứt » dưới dạng ba câu hỏi.
* Trước hết, điều gì đang làm Bắc Kinh tức giận ?
Đó là việc Mỹ điều khu trục hạm USS Stethem đi sát đảo Tri Tôn, trong vùng 12 hải lý, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Hành động này thể hiện việc Mỹ không thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc tại đây. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, ngày 03/07, tố cáo đó là một hành động khiêu khích nghiêm trọng về chính trị và quân sự. Đây là lần thứ hai, kể từ khi Donald Trump vào Nhà Trắng, Hoa Kỳ đã cho tầu chiến đi vào vùng biển đang có tranh chấp mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố có chủ quyền.
* Vậy cội nguồn của việc Mỹ thay đổi thái độ phũ phàng với Trung Quốc là gì ?
Hồi tháng Tư, Donald Trump đã nồng nhiệt đón tiếp Tập Cận Bình tại Florida. Nguyên thủ Trung Quốc trở thành người bạn tuyệt vời của tổng thống Mỹ vì lúc đó, ông Trump cần Bắc Kinh gây sức ép với Bắc Triều Tiên trong hồ sơ nguyên tử.
Thế nhưng, trong thời gian qua, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục bắn thử tên lửa và tổng thống Mỹ không còn kiên nhẫn nữa. Tuần trước, Donald Trump cho rằng các nỗ lực của Trung Quốc không có kết quả và Bắc Kinh không muốn bỏ rơi Bình Nhưỡng. Và ngay sau đó, chủ nhân Nhà Trắng tiến hành tấn công ngoại giao, kể cả trong các hồ sơ nhậy cảm nhất đối với Trung Quốc.
* Vậy Mỹ đang tấn công Trung Quốc trên những vấn đề gì ?
Trước tiên, trong vấn đề nhân quyền. Ngày 28/06 vừa qua, Hoa Kỳ xếp Trung Quốc trong danh sách đen về tệ nạn buôn người, ngang hàng với Syria, Bắc Triều Tiên. Đối với Bắc Kinh, những nhận định này của Washington là « vô trách nhiệm ».
Sang ngày 29/06, Hoa Kỳ lại bày tỏ quan ngại về tình trạng vi phạm nhân quyền và tự do báo chí tại Hồng Kông vào lúc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới đây để kỷ niệm 20 năm ngày lãnh thổ tô nhượng này được trao trả cho Trung Quốc.
Nghiêm trọng hơn, ngày 30/06, Donald Trump cho phép bán 1,3 tỷ đô la vũ khí cho Đài Loan. Và cuối cùng, Washington thông báo trừng phạt một ngân hàng Trung Quốc vì có những giao dịch bất hợp pháp với Bắc Triều Tiên.
Như vậy, thời kỳ trăng mật giữa Mỹ và Trung Quốc đã chấm dứt và theo lời Robert Daly, giám đốc Học viện Kissinger tại Washington, được La Croix trích dẫn thì Mỹ quay trở lại chính sách truyền thống chống Trung Quốc, nhưng chính sách này giờ đây bất ổn một cách nguy hiểm.
Cùng chủ đề này, báo Le Figaro có bài « Bắc Kinh tức tối vì những hành động khiêu khích của Washington ». Theo tờ báo, sau một thời kỳ yên ả, giờ đây, quan hệ giữa hai siêu cường lại căng thẳng trong cuộc chạy đua làm bá chủ thế giới.
Trung Quốc và Hoa Kỳ đối lập với nhau trên nhiều hồ sơ. Tuy nhiên, ít có khả năng xẩy ra một cuộc khủng hoảng lớn, nghiêm trọng giữa hai nước vì Bắc Kinh và Washington đều phụ thuộc vào nhau trong lĩnh vực kinh tế.
Hồ sơ Bắc Triều Tiên : Nga - Trung có đồng nhịp ?
Về quan hệ Trung-Nga, báo Les Echos có bài : « G20 : Trung Quốc tìm kiếm sự ủng hộ của Nga trong hồ sơ Bắc Triều Tiên ». Hôm qua, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du cấp Nhà nước tại Nga, trước khi tham dự thượng đỉnh G20 vào cuối tuần này tại Hambourg, Đức.
Đây là lần thứ sáu, Tập Cận Bình sang Nga với tư cách chủ tịch Trung Quốc. Ngoài quan hệ song phương, lãnh đạo Trung Quốc và Nga còn thảo luận hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Để đối phó với áp lực của phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, Tập Cận Bình và Vladimir Putin có điểm đồng thuận : cả hai đều chống lại dự án lá chắn tên lửa THAAD của Mỹ được triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc, đe dọa nghiêm trọng đến các lợi ích chiến lược của Trung Quốc và Nga, cũng như các nước khác trong vùng.
Nguyên thủ Trung Quốc cho biết Bắc Kinh và Matxcơva sẽ đưa ra các biện pháp cần thiết để bảo vệ các lợi ích của mình.
Trang nhất các báo Pháp: Macron phát biểu trước lưỡng viện
Thứ Hai 03/07, tổng thống Pháp Emmanuel Macron có bài phát biểu dài và long trọng trước lưỡng viện được triệu tập tại cung điện Versailles. Đây là chủ đề được các báo Pháp bàn luận sôi nổi nhất trong ngày hôm nay. Libération trên nền ảnh Emmanuel Macron nét mặt đăm chiêu, chạy tít : « Hội nghị Versailles : Mù mờ và Hình thức ».
Nếu như báo công giáo La Croix quan tâm đến « Khế ước xã hội của Emmanuel Macron », thì báo thiên hữu Le Figaro khẳng định « Macron để lại cho Philippe những chủ đề nóng bỏng ». Trước lưỡng viện, trong suốt hơn một tiếng rưỡi đồng hồ, tổng thống Macron chỉ đưa ra các ý định cải cách các định chế, mà ông dự định thực hiện trong vòng một năm, như thông báo của Les Echos trên trang nhất.
Nhưng những chủ đề được cho là gây tranh cãi, tổng thống Pháp đã cẩn thận nhường việc trình bày lộ trình hành động cho thủ tướng vào hôm nay.
Trump và truyền thông : leo thang căng thẳng
Báo chí Pháp hôm nay có nhiều bài viết nhận định về cuộc chiến giữa Trump và truyền thông Mỹ. Sau những dòng Tweet chửi rủa hai người dẫn chương trình đài MSNBC, là cảnh dựng những cú đấm KO một « phóng viên » CNN. Theo nhận xét của Le Figaro, « Trump quyết tâm chiến đấu đến cùng chống truyền thông ».
Những hình ảnh ông tung lên Twitter biểu dương hành động bạo lực chống lại giới nhà báo cho thấy « Cuộc xung đột giữa Trump và báo chí đang bước qua một ngưỡng mới », Les Echos nhận định. Nói tóm lại, như hàng tựa của Libération thì « Trump và giới truyền thông, leo thang trên mạng ».
Châu Âu muốn kéo dài tuổi thọ sản phẩm?
Trong lĩnh vực kinh tế, Le Figaro đặc biệt quan tâm đến mức lương của người lao động Cuba. Theo công bố chính thức của Cơ Quan Thống Kê và Thông Tin Quốc Gia Cuba, mức thù lao công nhật trung bình trả cho một người lao động Cuba là “99 xu/ngày” trong năm 2016, tức khoảng 740 peso Cuba/tháng (29,60 đô la). Thống kê cho thấy có sự khác biệt về mức lương theo từng vùng miền và lĩnh vực kinh tế. Nói tóm lại, « Cuba đang trông đợi một cuộc cách mạng lương bổng ».
Le Monde trong bài xã luận « Thời đại của những bất công mới » ghi nhận tình trạng bất bình đẳng tăng mạnh trong 10 năm qua. Nhật báo lấy Hoa Kỳ làm ví dụ. Hiện nay, 10% người giàu nhất nước Mỹ có mức thu nhập bình quân cao gấp 20 lần so với 10% người nghèo nhất. Cách nay 10 năm, con số này chỉ là 15 lần.
Về phần mình, La Croix thông báo : « Các nghị sĩ Châu Âu muốn kéo dài tuổi thọ các sản phẩm». Nghị Viện Châu Âu cho rằng việc lập trình trước thời hạn sử dụng một sản phẩm đã có những tác động tiêu cực lên môi trường và người tiêu dùng.

Ba cái đáng sợ của người Nhật


Print Friendly
Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Tâm trạng tôi có chút nặng nề khi đặt bút viết đầu đề cho bài báo này.
Trung Quốc và Nhật Bản nhìn nhau qua biển, là hàng xóm cách nhau một lạch nước hẹp. Ngày xưa Nhật từng là học trò trung thành, thật thà nhất của Trung Quốc. Sau Duy Tân Minh Trị, Nhật từng là kẻ địch hung ác nhất của Trung Quốc. Ngày nay Nhật và Trung Quốc là đối thủ tiền định trong một hiệp đấu định mệnh. Đông Á và Tây Thái Bình Dương chỉ có một bá chủ, một núi không thể có hai hổ.
Rõ ràng, hiểu biết Nhật Bản, hiểu biết đối thủ, biết mình biết người là việc rất có ý nghĩa.

Cái “Võ” của Nhật Bản

Trong các phim truyền hình nhiều tập về đề tài kháng chiến chống Nhật ta thường thấy võ quan Nhật hay dùng những thứ của con nhà võ để trang trí phòng làm việc; phần lớn họ đều đeo dao Võ Sĩ [chữ Hán-Nhật viết 刀, tức đao]; trong chiến đấu họ vô cùng gan dạ, khi thua thì dùng dao tự mổ bụng mình. Cái kiểu ấy gọi là Võ Sĩ Đạo [Bushido], thứ thuốc phiện tinh thần của người Nhật mấy nghìn năm nay.
Vậy nội hàm tinh thần của Võ Sĩ Đạo là gì? Có thể dùng hoa anh đào để ví người võ sĩ qua một mô tả rất kinh điển sau đây:
Ai đã thấy hoa anh đào đều biết, nhìn từng bông hoa thì không đẹp nhưng cả cánh rừng hoa anh đào lại rất đẹp. Anh đào đẹp nhất không phải là lúc hoa nở mà là lúc hoa tàn. Đặc điểm khi hoa tàn là chỉ sau một đêm cả rừng hoa anh đào tàn lụi sạch sành sanh, không một bông nào còn lưu luyến ở lại trên cành. Đó chính là cõi tinh thần mà người võ sĩ Nhật tôn thờ: đạt tới đỉnh cao đời mình trong khoảnh khắc đẹp chói lọi, phát huy giá trị lớn nhất của mình rồi sau đấy kết thúc sinh mệnh không chút lưu luyến. Người võ sĩ Nhật tự sát chẳng phải vì thua, cũng chẳng phải vì xấu hổ do thất bại. Họ không yếu đuối như thế; họ tự sát chỉ vì cảm thấy mình đã cố gắng hết sức, tâm nguyện đã đến hồi kết, cuộc đời mình chẳng thể nào có phút chói sáng hơn được. Lúc ấy nên tàn lụi như cánh hoa anh đào không còn chút luyến tiếc gì nữa.
Người thế nào thì đáng sợ nhất? Đội quân như thế nào thì đáng sợ nhất? Trong Đại chiến II lính Nhật đã cho ta thấy kẻ nào cả đến cái chết cũng không sợ thì kẻ ấy đáng sợ nhất! Một đội quân gồm toàn những người không sợ chết thì đáng sợ nhất!
Người Nhật hiện nay chưa hề vứt bỏ truyền thống của họ. Một dân tộc có truyền thống thượng võ, được vũ trang bằng tín ngưỡng tinh thần Võ Sĩ Đạo coi trọng sự trung thành tuyệt đối, phục tùng tuyệt đối, không sợ chết, sức mạnh của niềm tin lớn tới mức có thể huỷ diệt bất cứ sự vật nào xem ra vô cùng lớn mạnh.

Cái “Nhẫn” của người Nhật

Ai từng đến nước Nhật đều biết, khác với người Trung Quốc có thói hơi động một tý là đập bàn quăng ghế, người Nhật rất chú trọng lễ phép và nhẫn nhịn. Nói cách khác, người Nhật thường rất có lý trí. Dĩ nhiên không phải là nói nước Nhật không có những người trẻ phẫn chí, dĩ nhiên là có, và cũng chẳng ít, nhất là những thanh niên phái hữu, nhưng nếu so với số đông trong xã hội thì họ chỉ ngẫu nhiên gây ra chút sóng gió nhỏ mà thôi.
Hãy ngược dòng lịch sử, bắt đầu từ chuyện nhẫn nhịn của Thiên Hoàng Nhật Bản. Tại nước Nhật, Thiên Hoàng được coi là hoá thân của thần thánh, nhưng từ triều Nguyên Lại, sau khi lập ra Mạc Phủ Liêm Thương [tức Kamakura Bakufu, năm 1192; thực ra còn sớm hơn] thì Thiên Hoàng chỉ còn là bù nhìn, mất toàn bộ quyền lực. Mãi cho tới thời cận đại, năm 1868 khi phương Tây xâm nhập nước này, phái chống Mạc Phủ lập quân đội đánh đổ Mạc Phủ, tống khứ viên tướng cuối cùng của Mạc Phủ và công bố chiếu thư “Vương Chính Phục Cổ Đại Hiệu Lệnh” của Thiên Hoàng, trả lại toàn bộ quyền lực vào tay Thiên Hoàng rồi bắt đầu cuộc Duy Tân Minh Trị. Đến đây mới chấm dứt lịch sử 800 năm Thiên Hoàng mất quyền cai trị đất nước. Lâu đến thế mà Thiên Hoàng vẫn nhẫn nhịn được!
Nói đến “Nhẫn”, không thể không nhắc tới một vị “Đại Nhẫn” là Đức Xuyên Gia Khang [tức Tokugawa Ieyasu, 1543-1616], vì để giấu thực lực mà hy sinh cả vợ mình, sau này rốt cuộc dựng nên cơ nghiệp 300 năm cho gia tộc Đức Xuyên [tức Tokugawa] cai trị nước Nhật.
Hiện nay do thua trận trong Thế chiến II, phải chịu sự che chở của Mỹ, nước Nhật đang ở trong thời kỳ “nhẫn”. Dưới sự chỉ đạo của bộ Hiến pháp Hoà bình, đôi lúc các tàn dư thế lực quân phiệt lại ngóc đầu quậy phá. Giờ đây Nhật Bản chẳng khác gì một kẻ phải nhẫn nhục, luôn luôn thăm dò sự động tĩnh của đối thủ, tạm thời giấu kín nanh vuốt sắc nhọn của mình, đợi bao giờ thời cơ tới thì sẽ hoá thân thành kiếm khách giáng cho đối thủ một đòn chí mạng. Lý trí cực độ thì rất đáng sợ, kẻ địch trong bóng tối thì nguy hiểm nhất!

Lại bàn về sự “Học” của người Nhật

Tôi cho rằng dân tộc Nhật không phải là một dân tộc giàu sức sáng tạo nhưng lại vô cùng giỏi về mặt học cái hay cái tốt của người khác, hơn nữa còn biết xem xét thời thế giải quyết rất tốt vấn đề học ai và học như thế nào; sau khi học tinh thông rồi thậm chí còn vượt cả thầy.
Trung Quốc thời kỳ Tuỳ Đường được gọi là Thiên triều Thượng quốc. Hoàng đế nhà Đường từ Thái Tôn trở đi cho tới Đại Tôn đều được người ngoại tộc tôn kính gọi là “Thiên Khả Hãn” [Khả Hãn: lãnh tụ tối cao]; văn minh Trung Hoa đang ở đỉnh điểm. Hồi ấy nước Nhật ngưỡng mộ văn minh Trung Hoa và văn hoá Nho Giáo, trước sau từng 13 lần cử sứ thần sang Trung Quốc học tập toàn diện hệ thống chính trị, văn hoá, chế độ, điển tịch … và từ đó tạo nên cuộc “Cải tân Đại hoá” nổi tiếng trong lịch sử Nhật Bản, thúc đẩy nước Nhật thời cổ phát triển một bước lớn. Sau đó Nhật không ngừng liên hệ và giao lưu với Trung Quốc.
Thời cận đại, cùng với sự suy yếu của chính quyền nhà Thanh, các cường quốc phương Tây thống trị thế giới, người Nhật nhạy bén lập tức dứt khoát “Thoát Á nhập Âu”, “Bỏ Trung Quốc, học phương Tây”, cực kỳ chú trọng học chế độ văn minh và kỹ thuật tiên tiến của phương Tây, đóng vai trò “kẻ đầu cơ” thông minh trong làn sóng cuồn cuộn của lịch sử. Đến cuộc chiến tranh Giáp Ngọ [1894], cậu học trò cũ đã đánh bại cả thầy dạy mình [đánh bại nhà Thanh TQ]… Cuộc chiến tranh Nhật-Nga [1904, đánh tan hạm đội Nga] cũng vậy.
Võ, Nhẫn, Học – tín ngưỡng, lý trí, đầu cơ đã làm nên tính quốc dân của người Nhật ngày nay. Đây chính là chỗ đáng sợ nhất của Nhật Bản – “đối thủ định mệnh” của Trung Quốc.
Ngược lại, hãy xem Trung Quốc ngày nay: thiếu niềm tin, chỗ nào cũng thấy những thanh niên phẫn chí, gàn dở tự cho mình là đúng, bưng tai bịt mắt.
Bỗng dưng nhớ đến một nhân vật từng làm mưa làm gió trong thời kỳ chiến quốc ở Nhật là Tích Điền Tín Trường [Oda Nobunaga, 1534-1582]. Sau khi đưa được súng thần công vào nước Nhật, tuy phát hiện thấy loại vũ khí mới này có nhược điểm là thời gian nạp thuốc súng quá lâu khiến cho nó mất tính thực dụng, nhưng ông vẫn không bỏ nó mà vận dụng trí tuệ sáng tạo ra chiến thuật “ba bước”: khi chiến đấu, binh sĩ xếp làm 3 hàng, một hàng nạp thuốc súng, một hàng chuẩn bị và một hàng bắn; nhờ thế bổ khuyết được nhược điểm nói trên, phát huy được uy lực lớn nhất của binh khí nóng trong thời đại binh khí lạnh. Trong trận Trường Tiêu năm 1572, Tích Điền Tín Trường dùng vũ khí kiểu mới và chiến thuật tiên tiến nói trên đã đánh cho đội kỵ binh thủ cựu của Vũ Điền Tín Huyền – lực lượng quân sự mạnh nhất hồi ấy tan tành không còn một mảnh giáp và từ đó hoàn toàn bị loại ra khỏi vũ đài lịch sử.
Kẻ viết bài này chỉ là một người yêu thích lịch sử không chuyên với cái đầu tư duy xã hội hạng xoàng nhưng dường như đã nhìn thấy mối nguy đang đến gần; xin những vị có lý trí biết nhìn xa trông rộng xem xét các ý kiến nói trên.
Nguyễn Hải Hoành lược dịch (các ghi chú trong ngoặc [ ] là của người dịch) từ website Quang Minh (Trung Quốc), đăng ngày 20/8/2009.
Xem thêm:

Thứ Ba, 4 tháng 7, 2017

“Nhà nước Yên Bái” và trách nhiệm bà Phạm Thị Thanh Trà

Tác giả: Nguyễn Huy Toàn


KD: Nhà báo Nguyễn Huy Toàn (Truyền hình CAND) vừa gửi cho blog bài viết này. Còn mình nghĩ cái sự “tha hóa” kiểu này nó chẳng phải chuyện riêng Yên Bái. Nhân điển hình tích cực thì khó thế, mà học cái xấu, cái tha hóa- cứ “nhìn nhau mà… gắp thịt” của các quan chức sao nhanh thế.
Title bài, mình xin đặt lại cho ngắn gọn  
——————-   


Tôi viết bài này không riêng gì cho Yên Bái.

Những ngày qua, các phương tiện truyền thông cũng như mạng xã hôi liên tục đưa tin về những “biệt phủ” khủng, những gia sản kếch xù của các quan chức Yên Bái. Điều mà xã hội quan tâm là bởi vì Yên Bái là một tỉnh nghèo, hàng năm Trung ương vẫn phải hỗ trợ gạo cứu đói, trong khi đó một bộ phận giàu có một cách nghênh ngang, tương phản với đời sống người dân. Nếu họ là Doanh nghiệp, Doanh nhân thì chẳng nói làm gì, nhưng đây toàn là cán bộ, Đảng viên trong bộ máy chính quyền tỉnh Yên Bái – những người hưởng lương công chức Nhà nước. Vậy xin đặt ra một số câu hỏi để chúng ta cùng tìm câu trả lời cho những vấn đề này:
– Câu hỏi thứ nhất:
Những người em bà Phạm Thị Thanh Trà, và những quan chức khác của Yên Bái xây dựng các dinh thự, các “biệt phủ” bà Trà có biết không? Tôi tin chắc rằng bà biết rõ vì đây không phải là cái kim, sợi chỉ mà có thể cất giấu chỗ này, chỗ nọ được. Thậm chí bà Trà còn có thể là vị khách quý trong các bữa tiệc khánh thành.
Câu hỏi thứ hai: 
Với cương vị là Bí Thư tỉnh ủy: – Bà Trà và tập thể lãnh đạo Tỉnh ủy Yên Bái có tổ chức quán triệt đầy đủ các Nghị quyết của Đảng tới cán bộ đảng viên hay không. Đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Trong đó, Đảng ta nhấn mạnh vấn đề trọng tâm cần tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến, là: Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp..
– Câu hỏi thứ ba: 
Tỉnh Yên Bái có tổ chức phong trào “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” hay không? với một trong những trọng tâm là học tập và làm theo phong cách, tác phong Hồ Chí Minh về: dân chủ, nêu gương, quần chúng, khoa học, nói đi đôi với làm… là mong muốn tạo ra động lực mới trong việc đổi mới phong cách, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành???
Nếu trong các đợt học tập học tập, các cán bộ, đảng viên chủ chốt có ngủ gật thì cũng cũng phải nhớ được những lời dạy này của Bác.

“Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lănh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân”.
“việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.
(Trích bài Bác viết với bút danh Chiến Thắng, báo Cứu quốc, 12-10-1945)
– Câu hỏi thứ tư: 
Yên Bái triển khai thực hiện việc xây dựng quy chế dân chủ trong đảng, thực hiện phê bình và tự phê bình thế nào?
Bác Hồ đã từng có rất nhiều lần căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”
“Đảng ta có một vũ khí sắc bén để làm cho đảng viên tiến bộ, làm cho Đảng ngày càng mạnh là tự phê bình và phê bình…
“Trong nội bộ đảng có dân chủ rộng rãi, đồng thời có kỷ luật nghiêm khắc. Người đange viên phải khiêm tốn, thành khẩn. Không có đảng viên nào có thể đứng trên đảng, tự cho mình là hơn đảng”
Vậy thì tại sao các vấn đề tiêu cực, nổi cộm ở Yên Bái đã và đang xa dần với mục tiêu, lý tưởng của Đảng mà chỉ khi báo chí phát hiện mọi người mới biết????
Cũng nên nhắc lại rằng, ngày 25 tháng 9 năm 1958 Bác Hồ về thăm và nói chuyện với đồng bào Yên Bái, Bác đã nhắc nhở, dặn dò cán bộ và nhân dân đồng bào các dân tộc Yên Bái phải đoàn kết, thực hành tiết kiệm.
Trong bài viết này tôi nhiều lần nhắc đến lời dạy của Bác Hồ vì hơn ai hết, bà Phạm Thị Thanh Trà, ông Phạm Sỹ Quý là những người con của quê hương Nam Đàn quê Bác phải lấy đó làm niềm tự hào để sống và cống hiến xứng đáng hơn.
Trong các vấn đề nổi cộm của Yên Bái trách nhiệm lớn nhất thuộc về bà Trà, vì vậy ngay từ bây giờ bà và các quan chức đừng nghĩ đến những chiêu trò đối phó nữa mà hãy nhìn lại và kiểm điểm thật nghiêm khắc, toàn diện. 
Tinh thần đảng là ở đó, như Bác Hồ nói:
“Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa. Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi. Đó là kết quả tất nhiên của chủ nghĩa cá nhân”.

Tài sản nhà Thứ trưởng hàng trăm tỷ đồng: Do đâu mà có?

Dân trí Thử tưởng tượng, trong khi khu dinh thự và khối tài sản kê khai của vị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái khoảng vài ba chục tỷ đồng đã khiến dư luận trầm trồ, kinh ngạc, bàn ra tán vào trong suốt nhiều ngày qua thì tài sản cổ phiếu quy ra được của gia đình Thứ trưởng Kim Thoa còn gấp nhiều lần con số đó.
 >> Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa: Hai "khuyết điểm" và khối tài sản khủng
 >> Xem xét kỷ luật Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa
 >> Bộ Tài chính nói gì về sở hữu cổ phần lớn của Thứ trưởng Kim Thoa

Sau khi bà Thoa rời Bóng đèn Điện Quang để về Bộ Công Thương thì các vị trí chủ chốt lại thuộc về các thành viên khác trong gia đình (ảnh: Thứ trưởng Thoa và con gái con gái Nguyễn Thái Nga - Phó Tổng giám đốc DQC).
Sau khi bà Thoa rời Bóng đèn Điện Quang để về Bộ Công Thương thì các vị trí chủ chốt lại thuộc về các thành viên khác trong gia đình (ảnh: Thứ trưởng Thoa và con gái con gái Nguyễn Thái Nga - Phó Tổng giám đốc DQC).
Lương Thứ trưởng cả năm không bằng một góc tiền cổ tức
“Những vi phạm, khuyết điểm của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa được xác định là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật” – đây là một trong những nội dung quan trọng mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa đưa ra sau khi hoàn thành chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 15.
Một trong những điểm vi phạm của bà Thoa mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định đó là: Trong thời gian giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (tháng 1/2004 - 5/2010), bà Hồ Thị Kim Thoa đã mua cổ phần vượt mức quy định; chuyển nhượng cổ phần không đúng quy định của Điều lệ của công ty.
Không chỉ vậy, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương còn nhận định, trong thời gian dài, bà Thoa nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ theo quy định về kê khai tài sản, thu nhập, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.
Trên thực tế, tài sản quan chức Nhà nước mà người dân có thể quan sát biến động qua giá cổ phiếu thì trường hợp như Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa không nhiều, rất hiếm. Và cũng rất hiếm có vị quan chức Nhà nước nào mà khối tài sản “trông thấy được” của gia đình lên tới hàng trăm tỷ đồng (chứ chưa đề cập đến những khoản thu nhập khác, những tài sản nhà và đất)!
Thử tưởng tượng, trong khi khu dinh thự và khối tài sản kê khai của vị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái khoảng vài ba chục tỷ đồng đã khiến dư luận trầm trồ, kinh ngạc, bàn ra tán vào trong suốt nhiều ngày qua thì tài sản cổ phiếu quy ra được của gia đình Thứ trưởng Thoa còn gấp nhiều lần con số đó.
Theo báo cáo quản trị năm 2016 của Bóng đèn Điện Quang, gia đình Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa hiện đang nắm giữ tổng cộng 11,8 triệu cổ phiếu DQC, chiếm 34,12% vốn điều lệ doanh nghiệp này.
Hiện, thị giá DQC ở mức 49.600 đồng/cổ phiếu sau khi sụt giảm 1,8% vào hôm qua (3/7). Như vậy, tính ra, khối tài sản cổ phiếu của gia đình vị Thứ trưởng đang vào khoảng trên 585 tỷ đồng (riêng tài sản của bà Thoa xấp xỉ 84 tỷ đồng) - một con số không hề nhỏ.
Việc sở hữu cổ phiếu không đơn thuần chỉ là để nhìn vào những con số tài sản biến động trên thị trường cho “đẹp mắt” mà còn gắn với quyền lợi “tiền tươi thóc thật” của cổ đông – đó chính là cổ tức.
Tổng mức chi trả cổ tức năm 2016 của Bóng đèn Điện Quang là 30% bằng tiền mặt (sau 3 đợt chi trả), tức là cứ sở hữu 1 cổ phiếu thì nhận 3.000 đồng. Với tổng sở hữu 11,8 triệu cổ phiếu nói trên, riêng cổ tức năm 2016 mà gia đình Thứ trưởng nhận được là 35,4 tỷ đồng (riêng cá nhân Thứ trưởng với sở hữu 1,7 triệu cổ phiếu tại doanh nghiệp, nhận được 5,1 tỷ đồng).
Với mức lương của Thứ trưởng hiện chỉ trên dưới 10 triệu đồng/tháng (chưa phụ cấp, ăn trưa…) thì khoản cổ tức tiền tỷ của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa có thể coi là mơ ước của nhiều đồng cấp khác, nhất là khi hiện tại, bà Thoa đã hoàn toàn chỉ đóng vai trò cổ đông của doanh nghiệp này, không phải tham gia bất cứ công việc điều hành nào và không phải chịu trách nhiệm về hoạt động làm ăn kinh doanh của doanh nghiệp.
Nói cách khác, chỉ tính về mặt kinh tế mà nói thì đối với nữ Thứ trưởng, làm cổ đông của Điện Quang “sướng” hơn nhiều so với “ngồi ghế” Thứ trưởng phải lao tâm khổ tứ nhiều bề, “quan trên nhắm xuống, người ta trông vào”!
Bà Hồ Thị Kim Thoa trong một lần trở lại Bóng đèn Điện Quang trên cương vị Thứ trưởng.
Bà Hồ Thị Kim Thoa trong một lần trở lại Bóng đèn Điện Quang trên cương vị Thứ trưởng.
Doanh nghiệp của Nhà nước, hậu cổ phần hóa thành “công ty gia đình”?!
Thế nhưng, giàu thì đâu có tội! Một quan chức giàu có bằng chính tài năng, sự nỗ lực của cá nhân và gia đình thì rất đáng khuyến khích và cổ vũ chứ không nên chỉ trích, soi mói!
Vấn đề tài sản của gia đình Thứ trưởng Thoa sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu như Bóng đèn Điện Quang không từng là một doanh nghiệp Nhà nước và sau cổ phần hóa thì những cổ đông lớn, những vị trí chủ chốt trong dàn lãnh đạo lại thuộc về những người trong cùng một gia đình quan chức.
Bản thân bà Thoa sau khi rời ghế Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bóng đèn Điện Quang để bước vào con đường chính trị thì lại phụ trách những công việc liên quan đến doanh nghiệp cũ. Một chuyên gia tài chính từng phân tích: Đơn giản như việc, chỉ cần các doanh nghiệp ngành công thương được yêu cầu ưu tiên mua hàng của Điện Quang là cũng có thể tạo sự không bình đẳng trong cạnh tranh! Thành ra, từ một doanh nghiệp Nhà nước, hậu cổ phần hóa, nhìn vào Bóng đèn Điện Quang, người ta có cảm giác doanh nghiệp này mang hơi hướng của một “công ty gia đình”.
Thế rồi, những câu hỏi khác cũng được đặt ra: Tiền đâu mà Thứ trưởng và gia đình bà ngày xưa gom được nhiều cổ phần DQC đến vậy? Việc bổ nhiệm người nhà vào những vị trí quan trọng của doanh nghiệp này có khuất tất gì không?v.v.
Trong một lần trả lời về vấn đề này, một đại diện của Bộ Tài chính có lý giải: “Thời điểm bà Thoa mua cổ phần của Công ty Điện Quang là thời kỳ khuyến khích mọi người mua cổ phần, những Đảng viên, lãnh đạo doanh nghiệp phải gương mẫu đi đầu trong việc này. Còn sau thời kỳ đó, mọi việc diễn biến ra sao chúng ta cần kiểm tra từng bước một” (báo Dân Việt, ngày 16/03/2017).
Song, e rằng, lý giải của vị này chưa thật sự thuyết phục được dư luận. Bởi sở hữu cổ phần doanh nghiệp cổ phần hóa là một quyền lợi, đúng hơn là đặc quyền đặc lợi chứ không phải trách nhiệm, nghĩa vụ. Doanh nghiệp nào cũng khuyến khích kiểu đó thì có tránh khỏi việc các nhóm lợi ích tìm cách dìm giá cổ phiếu, cố tình định giá thấp để thâu tóm doanh nghiệp với giá rẻ hay không?!
Cho nên, người viết thiết nghĩ rằng, thay vì trông cậy hoàn toàn vào sự trung thực của quan chức trong kê khai tài sản, hệ thống quản lý Nhà nước cũng cần phải có những chế tài nhất định và kiểm soát chặt chẽ công tác cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Nếu thực sự có những lỗ hổng trong công tác cổ phần hóa thì cần nhìn thẳng vào thực tế và rút kinh nghiệm. Dân giàu thì nước mạnh, nhưng sự giàu mạnh đó chỉ thực sự mang đến lợi ích chung trên cơ sở minh bạch, rõ ràng và bình đẳng!
Bích Diệ