Thứ Tư, 5 tháng 7, 2017

Dự trữ ngoại tệ của Việt Nam thiết lập kỷ lục mới 42 tỷ USD; Nhà đầu tư nước ngoài đang rót vốn mạnh vào Việt Nam: Mỗi ngày 70 triệu USD; Quý II, thu nhập của người lao động Việt Nam giảm còn 5,3 triệu đồng/tháng

Kho dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng thêm 1 tỷ USD so với cuối năm trước và cán mốc kỷ lục gần 42 tỷ USD vào giữa năm 2017.
Tại phiên họp thường kỳ của chính phủ diễn ra ngày 3/7, thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết dự trữ ngoại hối quốc gia của Việt Nam tiếp tục gia tăng trong 6 tháng đầu năm nay, đạt mức xấp xỉ 42 tỷ USD.
Đây là mức dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước tới nay, sau con số khoảng 41 tỷ USD được công bố cho cuối năm 2016.
Ngân hàng Nhà nước không công bố số liệu dự trữ ngoại hối định kỳ, mà chỉ công bố tại một số thời điểm. Trong những lần công bố gần đây, số liệu cho thấy quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt 20,7 tỷ USD vào tháng 6/2008, giảm xuống khoảng 12,58 tỷ USD vào tháng 1/2011, và tăng trở lại lên mức 22-23 tỷ USD vào cuối năm 2012 trước khi lên mức kỷ lục như hiện nay.
So với số liệu ghi nhận vào cuối năm trước, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng thêm khoảng 1 tỷ USD.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã được ghi nhận có 3 lần tăng giá mua đồng USD, lần lượt vào tháng 1, tháng 4 và tháng 6. Tuy nhập siêu đã quay trở lại, nhưng tỷ giá được giữ khá ổn định và lượng vốn FDI đổ vào Việt Nam đạt mức cao.
Số liệu thống kê cho thấy Việt Nam nhập siêu khoảng 2,7 tỷ USD giá trị hàng hóa trong nửa đầu năm 2017, cao gấp đôi so với mức thâm hụt 1,3 tỷ USD của cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, Việt Nam thu hút được 19,22 tỷ USD vốn FDI, tăng gần 55% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 7,72 tỷ USD đã được giải ngân.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết thị trường ngoại tệ có thanh khoản tốt trong 6 tháng đầu năm nay, đáp ứng cung cầu ngoại tệ.
Mặc dù tỷ giá ngoại tệ khá ổn định trong nửa đầu năm nay, nhưng trong vài ngày qua lại biến động đáng kể khi Ngân hàng Nhà nước liên tục điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm.
Ngay sáng ngày 4/7, Ngân hàng Nhà nước đã tăng tỷ giá trung tâm thêm 9 đồng lên 22.440 đồng/USD – một mức cao kỷ lục.
Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng 282 đồng/USD.
Minh Tuệ tổng hợp
http://www.daikynguyenvn.com/kinh-te/du-tru-ngoai-te-cua-viet-nam-thiet-lap-ky-luc-moi-42-ty-usd.html


Nhà đầu tư nước ngoài đang rót vốn mạnh vào Việt Nam: Mỗi ngày 70 triệu USD



Các nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực đổ bộ vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2017, với số dự án mới và số vốn đăng ký mới đều tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu mới nhất của Cục Đầu tư Nước ngoài cho thấy, tính từ đầu năm đến ngày 20/6/2017, Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 1.183 dự án mới với tổng vốn đăng ký đạt 11,83 tỷ USD, tăng 57,9% về số dự án và tăng 56,3% về số vốn so với cùng kỳ năm 2016.
Như vậy, bình quân mỗi ngày Việt Nam thu hút được khoảng 7 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới với số vốn bình quân 69,6 triệu USD/ngày.
Đó là chưa kể đến 549 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm là 5,14 tỷ USD, tăng gấp đôi về số lượt dự án và tăng hơn 1/3 về số vốn so với cùng kỳ năm trước.
Lượng tiền các nhà đầu tư nước ngoài bỏ ra góp vốn, mua cổ phần trong nửa đầu năm 2017 cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 2,25 tỷ USD.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của các doanh nghiệp FDI đạt 19,22 tỷ USD, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Tuy nhiên, các dự án FDI mới giải ngân được 7,72 tỷ USD, tăng nhẹ 6,5% so với 6 tháng đầu năm 2016.
Các nhà đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm nay đã đầu tư vào 18 lĩnh vực, trong đó nhiều nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đăng ký là 9,49 tỷ USD, tiếp đến là sản xuất và phân phối điện với 5,26 tỷ USD, và khai khoáng với 1,29 tỷ USD.
Thanh Hoá là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký đạt 3,06 tỷ USD (chiếm 15,9% tổng vốn đầu tư), tiếp đến là Bắc Ninh với 2,85 tỷ USD (chiếm 14,8%), và Nam Định với 2,19 tỷ USD (chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư).
Cục Đầu tư Nước ngoài cho biết hiện tại Việt Nam còn 23.594 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 306,3 tỷ USD, trong khi vốn giải ngân lũy kế ước đạt 162,57 tỷ USD (bằng 53% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực).
Trong số 120 quốc gia và vùng lãnh thổ đang có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, Hàn Quốc dẫn đầu với số vốn đăng ký 54,5 tỷ USD, tiếp đến là Nhật Bản với 46,2 tỷ USD, Singapore với 41,2 tỷ USD, và Đài Loan với 30,6 tỷ USD.
Minh Tuệ
http://www.daikynguyenvn.com/kinh-te/nha-dau-tu-nuoc-ngoai-dang-rot-von-manh-vao-viet-nam-moi-ngay-70-trieu-usd.html

Quý II, thu nhập của người lao động Việt Nam giảm còn 5,3 triệu đồng/tháng



Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân hàng tháng của lao động làm công ăn lương tại Việt Nam đứng ở mức 5,3 triệu đồng trong quý II/2017, giảm 316.000 đồng so với quý trước nhưng tăng 372.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo cho thấy dân số trung bình của Việt Nam hiện là 93,7 triệu người, trong đó số người lao động từ 15 tuổi trở lên tính đến thời điểm 1/7/2017 vào khoảng 54,5 triệu người, tăng 162,2 nghìn người so với cùng thời điểm năm 2016.
Trong số này, lao động nam là 28,3 triệu người, chiếm 52% lực lượng, còn lao động nữ là 26,2 triệu người, chiếm 48% lực lương lao động.
Số lao động đang có việc làm trong 6 tháng đầu năm nay ước đạt 53,4 triệu người, gồm 21,6 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, 13,6 triệu người làm việc ở khu vực công nghiệp và xây dựng, và 18,2 triệu người làm ở khu vực dịch vụ.
Số người thất nghiệp trong quý II là 1,12 triệu người, giảm gần 21,1 nghìn người so với quý I/2017 và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Trong nửa đầu năm 2017, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,28%, trong đó khu vực thành thị là 3,22%, khu vực nông thôn là 1,81%.
Minh Tuệ
Xem thêm:

Xem thêm:

Xem thêm:

Bà Nguyễn Thanh Phượng (con gái Nguyễn Tấn Dũng) không còn là cổ đông lớn của VCSC

Bà Nguyễn Thanh Phượng không còn là cổ đông lớn của VCSC
Bà Nguyễn Thanh Phượng, người sáng lập VCSC

(VNF) – Tính đến hết ngày 19/6/2017, bà Nguyễn Thanh Phượng chỉ còn sở hữu 5.000.000 cổ phiếu của VCSC, qua đó không còn là cổ đông lớn của công ty chứng khoán này.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa công bố bản cáo bạch niêm yết trên HoSE, trong đó, đáng chú ý nhất là thông tin về tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Phượng tại công ty chứng khoán này.
Cụ thể, theo Sơ yếu lý lịch các thành viên HĐQT, bà Nguyễn Thanh Phượng, Chủ tịch HĐQT VCSC, cũng là thành viên HĐQT không điều hành hiện đang sở hữu 5.000.000 cổ phiếu của VCSC tại thời điểm kết thúc ngày 19/6/2017, tương đương với tỷ lệ sở hữu 4,84%.
Như vậy, bà Nguyễn Thanh Phượng không còn là cổ đông lớn của VCSC, ngay trước khi doanh nghiệp này chính thức niêm yết trên HoSE vào ngày 7/7 tới.
Bà Phượng là thành viên sáng lập của Công ty Chứng khoán Bản Việt (Viet Capital Securities – VCSC) và Công ty Quản lý Quỹ Bản Việt (Viet Capital Asset Management – VCAM). Bà đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị của VCSC và VCAM kể từ thời điểm thành lập năm 2007. Bà Phượng cũng là Thành Viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bản Việt.
Trong vai trò Chủ tịch, Bà Phượng chịu trách nhiệm về định hướng tầm nhìn, quản trị chiến lược, hỗ trợ Ban Điều hành với mục tiêu đưa Viet Capital trở thành những đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính hàng đầu trên thị trường.
Bà từng giữ chức vụ Phó Giám đốc Tài chính Công ty Liên doanh Holcim Việt Nam - thuộc Tập đoàn đa quốc gia Thụy Sĩ, một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Bà cũng từng giữ vai trò Giám đốc đầu tư của Công ty Vietnam Holding Asset Management.
Bà Phượng tốt nghiệp Cử nhân ngành Tài chính – Ngân hàng trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội; Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh Đại học Quốc tế tại Geneva - Thụy Sĩ.
Với việc bà Nguyễn Thanh Phượng không còn là cổ đông lớn, hiện VCSC chỉ còn 1 cổ đông lớn là ông Tô Hải, Tổng giám đốc VCSC, hiện đang nắm giữ 22.953.062 cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 22,24%.
Ngoài ra, người thân của ông Tô Hải hiện cũng đang nắm giữ lượng cổ phiếu đáng kể, tổng cộng 916.480 cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 0,89%.
KÌNH DƯƠNG

Toàn văn Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ 4/7/1776

Thứ ba, 04/07/2017 | 10:07 GMT + 7 2,834 lượt xem

Ngày 4/7/1776, Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ được công bố. Đây là văn bản chính trị tuyên bố 13 thuộc địa Bắc Mỹ chính thức ly khai khỏi Anh Quốc, hình thành quốc gia độc lập. 
Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ do ngài Thomas Jefferson soạn thảo, ghi dấu ảnh hưởng của triết học Khai sáng và cả kết quả của Cách mạng Anh năm 1688. Nội dung chính của bản tuyên ngôn được dựa trên tư tưởng của một triết gia người Anh ở thế kỷ 16, John Locke. Theo lý thuyết của John Locke, ba quyền cơ bản không thể bị tước đoạt của con người là quyền được sống, quyền tự do và quyền sở hữu. Quyền sở hữu được Jefferson đề cập tới trong bản tuyên ngôn là “quyền được mưu cầu hạnh phúc”. Những ý tưởng khác của John Locke cũng được Jefferson đưa vào bản tuyên ngôn như sự bình đẳng, Nhà nước hạn chế (quy mô nhỏ), quyền được lật đổ Chính quyền khi Chính quyền không còn phù hợp. Bản tuyên ngôn cũng vạch tội nhà cầm quyền Anh, đại diện là vua George III, bởi chính sách thuế khóa nặng nề và tàn bạo.
Bản tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ 4/7/1776, lưu giữ tại Thư viện Quốc hội Mỹ
Bản tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ 4/7/1776, lưu giữ tại Thư viện Quốc hội Mỹ
Bản tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ 4/7/1776, lưu giữ tại Thư viện Quốc hội Mỹ
Bản dịch:
Trong tiến trình phát triển của nhân loại, khi một dân tộc nào đó cần thiết phải xóa bỏ những mối liên kết chính trị giữa họ với một dân tộc khác và khẳng định trước các lực lượng trên toàn trái đất vị thế độc lập và bình đẳng mà các quy luật của tự nhiên và thượng đế đã ban cho họ, thì sự tôn trọng đầy đủ đối với các quan điểm của nhân loại đòi hỏi họ phải tuyên bố những nguyên do dẫn họ đến sự ly khai đó.
Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền được sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc. Rằng để đảm bảo cho những quyền lợi này, các chính phủ được lập ra trong nhân dân và có được quyền lực chính đáng trên cơ sở sự đồng ý của nhân dân, rằng bất cứ khi nào một thể chế chính quyền nào đó phá vỡ những mục tiêu này, thì nhân dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó và lập nên một chính quyền mới, đặt trên nền tảng những nguyên tắc cũng như tổ chức thực thi quyền hành theo một thể chế sao cho có hiệu quả tốt nhất đối với an toàn và hạnh phúc của họ.
Thật vậy, sự thận trọng sẽ buộc người ta hiểu rõ rằng một chính quyền đã được thiết lập qua một thời gian dài thì không nên thay đổi chỉ vì những lý do đơn giản, nhất thời. Mọi kinh nghiệm đều đã chứng tỏ điều đó, rằng khi cái xấu còn trong chừng mực chịu đựng nổi, thì nhân loại dễ cam chịu nó, hơn là dám tự trao cho mình quyền loại bỏ những thể chế mà họ đã quen thuộc. Nhưng khi hàng loạt các hành vi lạm quyền và chiếm đoạt theo đuổi những mục tiêu giống nhau, lộ rõ ý đồ áp chế họ dưới ách chuyên quyền độc đoán, thì họ có quyền và bổn phận phải lật đổ chính quyền đó và bổ nhiệm những chiến sĩ mới để bảo vệ nền an ninh của họ trong tương lai.
Nói như trên, những thuộc địa này đã phải cắn răng chịu đựng, nhưng bây giờ đã đến lúc buộc họ phải xóa bỏ thể chế chính quyền cũ. Lịch sử của vua nước Anh hiện nay là lịch sử của những nỗi đau thương và sự tước đoạt triền miên, tất cả đều nhằm mục đích trực tiếp là thiết lập ách chuyên chế bạo ngược ở những bang này. Để chứng minh cho điều này, ta hãy để cho các sự việc tự nó lên tiếng với cả thế gian ngay thẳng.
Ông ta đã từ chối không phê chuẩn một số đạo luật, tốt đẹp và cần thiết nhất đối với lợi ích của công chúng.
Ông ta đã cấm đoán không cho các viên thống đốc thông qua những đạo luật mang tính cấp bách và khẩn thiết, hoặc đình chỉ việc thực thi những đạo luật này để chờ được ông phê chuẩn và trong khi đình chỉ như vậy, ông đã hoàn toàn bỏ mặc, không còn bận tâm về chúng nữa.
Ông ta đã từ chối không thông qua những đạo luật về cư trú của những vùng dân cư lớn, trừ phi đám dân này từ bỏ quyền đại diện trong cơ quan lập pháp, một quyền vô cùng quí giá đối với họ nhưng lại rất đáng sợ đối với những tên bạo chúa.
Ông ta đã triệu họp các cơ quan lập pháp ở những địa điểm không bình thường, không tiện nghi, cách xa những kho lưu giữ hồ sơ công cộng và chỉ nhằm mục đích duy nhất là làm cho họ do mệt mỏi mà phải tuân theo các chủ trương của ông ta.
Ông ta đã nhiều lần giải tán các hạ nghị viện vì đã cương quyết chống lại sự xâm phạm của ông đối với các quyền của nhân dân. Rồi sau khi giải tán, một thời gian dài ông ta đã từ chối không cho bầu lại những cơ quan này. Mặc dù nay, những quyền lập pháp không gì xóa bỏ được đã được trao lại cho dân chúng thực thi, nhưng trong thời gian đó, nhà nước đã đứng trước các nguy cơ ngoại xâm bên ngoài và nội loạn bên trong.
Ông ta đã ra sức ngăn cản việc tăng dân số ở các bang này. Với mục đích đó, ông ngăn cản việc thực hiện luật nhập quốc tịch cho người nước ngoài, từ chối không thông qua những đạo luật khác khuyến khích nhập cư và tăng thêm các điều kiện đối với quyền sở hữu đất đai.
Ông ta đã ngăn cản việc thực thi công lý bằng cách từ chối không thông qua những đạo luật thiết lập các cơ quan tư pháp. Ông ta đã buộc các quan tòa phải lệ thuộc vào ý chí của ông bằng những quy định về nhiệm kỳ cũng như các khoản lương bổng trả cho họ.
Ông ta đã lập ra rất nhiều cơ quan mới và bổ nhiệm vào đó vô số những quan lại mới để xách nhiễu dân chúng và vơ vét tài sản của họ. Trong những thời kỳ hòa bình ông ta vẫn duy trì những đội quân thường trực trên đất nước ta mà không được sự đồng ý của các cơ quan lập pháp của chúng ta. Ông ta đã tác động để cho ngành quân sự độc lập và vượt lên trên quyền lực dân sự.
Ông ta đã cùng với một số đối tượng khác buộc chúng ta phải tuân theo nền pháp quyền xa lạ với hiến pháp của chúng ta và không được luật pháp của chúng ta công nhận. Rồi ông ta phê chuẩn những đạo luật giả dối sau đây:
–   Cho phép những đội quân có võ trang đông đảo đồn trú trên đất nước ta.
–   Qua những phiên tòa giả hiệu, che chở cho chúng khỏi bị trừng phạt trước hậu quả của những vụ sát hại dân cư ở các bang của ta.
–   Cắt đứt những quan hệ thương mại giữa chúng ta với các khu vực khác trên thế giới. Áp đặt các khoản thuế khóa mà không được chúng ta đồng ý. Trong nhiều trường hợp, tước đoạt của chúng ta quyền được xét xử trước đoàn hội thẩm.
–   Đưa chúng ta sang phía bên kia đại dương để xét xử về các tội trạng không có thật.
–   Xóa bỏ thể chế tự do của luật pháp nước Anh ở một tỉnh lân cận (1) và thiết lập ở đó một chính quyền độc đoán; rồi mở rộng ranh giới, coi đó là mẫu mực và công cụ thích hợp để du nhập ách cai trị chuyên chế vào các thuộc địa này.
–   Tước đoạt hiến chương của chúng ta, huỷ bỏ những bộ luật giá trị của chúng ta và thay đổi một cách căn bản những thể chế chính quyền của chúng ta.
–   Đình chỉ các cơ quan lập pháp của chúng ta rồi tự tuyên bố là có quyền lập pháp cho chúng ta trong mọi trường hợp.
–   Ông ta đã từ bỏ chính phủ ở đây và tuyên bố rằng chúng ta không còn được ông che chở và bảo vệ, rồi tiến hành cuộc chiến tranh chống lại chúng ta.
–   Ông ta đã vơ vét biển cả, tàn phá các bờ biển, thiêu đốt các thị trấn, huỷ hoại sinh mạng của chúng ta.
–   Trong thời gian này, ông ta đang đưa sang những đội quân lớn gồm các lính đánh thuê nước ngoài để thực thi các công việc giết chóc, tàn phá và bạo ngược đã được bắt đầu với những cảnh tượng tàn ác và xảo trá mà ngay cả trong thời đại dã man nhất cũng khó mà sánh được, ông ta hoàn toàn không xứng đáng với người đứng đầu của một quốc gia văn minh.
–   Ông ta đã cưỡng ép các công dân của chúng ta bị bắt ngoài biển khơi phải cầm súng chống lại đất nước mình, trở thành những đao phủ giết hại bạn bè và anh em mình, hoặc buộc họ phải tự giết hại mình.
–   Ông ta đã kích động những cuộc phiến loạn trong nội bộ chúng ta và cố công đưa vào vùng dân cư ở các miền biên cương nước ta sự man rợ tàn bạo kiểu Indian mà các hình thức chiến trận khét tiếng của nó chính là sự huỷ diệt không phân biệt lứa tuổi, giới tính và điều kiện sinh sống.
Trong các giai đoạn xảy ra tình trạng áp bức như vậy, chúng ta đều có kiến nghị yêu cầu thay đổi với lời lẽ hết sức khiêm nhường, nhưng những kiến nghị lặp đi lặp lại của chúng ta chỉ được đáp lại bằng những nỗi đau xót liên tiếp. Một ông hoàng với tính cách được thể hiện qua các hành vi mà ta chỉ có thể gọi đúng tên là bạo chúa, thì không xứng đáng là người cai trị của một dân tộc tự do.
Không phải chúng ta không muốn lưu ý các bạn của chúng ta ở nước Anh. Đã nhiều lần chúng ta cảnh báo họ về những ý đồ của các cơ quan lập pháp của họ muốn bành trướng quyền tài phán không thích hợp sang đất nước chúng ta. Chúng ta đã nhắc nhở họ về tình trạng nhập cư và cư trú của chúng ta ở nơi đây. Chúng ta đã dựa vào ý thức công bằng, lòng hào hiệp và cả những mối liên hệ ruột thịt giữa đôi bên để kêu gọi họ từ bỏ những cuộc chiếm đoạt đã gây cản trở cho mối quan hệ và giao thiệp giữa hai phía. Họ đã không thèm lắng nghe tiếng nói của chính nghĩa lẫn tình máu mủ. Vì vậy, chúng ta phải đi tới đối xử với họ giống như mọi người khác trong nhân loại: trong hoà bình là bè bạn, trong chiến tranh là kẻ thù.
Vì vậy, chúng ta, những đại biểu dự Đại hội của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ yêu cầu các trọng tài tối cao của thế giới hãy công nhận những ý đồ chính đáng của chúng ta trong việc nhân danh và thực thi quyền lực của nhân dân có thiện chí ở các thuộc địa này, trịnh trọng công khai và tuyên bố rằng các thuộc địa liên minh với nhau này đã và có quyền phải là Quốc gia Tự do và Độc lập, rằng họ từ bỏ mọi sự trung thành đối với vương miện của Anh Quốc, rằng những liên hệ chính trị giữa họ với nước Anh đã và phải hoàn toàn bị xóa bỏ, rằng với tư cách là Quốc gia Tự do và Độc lập, họ hoàn toàn có quyền tiến hành chiến tranh, ký kết hiệp ước hòa bình, xây dựng liên minh, thiết lập quan hệ thương mại và thực thi mọi công việc thuộc quyền của những Quốc gia Độc lập. Vững tin vào sự bảo hộ thiêng liêng của thượng đế, chúng ta nguyện cùng hiến dâng tính mạng, tài sản và danh dự thiêng liêng của mình để bảo đảm cho bản tuyên ngôn này.
Theo nuocmy.net
Xem thêm:

Tại sao viện trợ quân sự Xô-viết tới Hà Nội bằng đường biển chứ không qua Trung Quốc?

admin 
  • Trên Tháng Bảy 3, 2017
  • Những năm 1953-1991, từ Liên Xô đã đưa sang Việt Nam 2.000 xe tăng, 1.700 xe bọc thép, 7.000 đại bác và súng cối, hơn 5.000 pháo cao xạ chống máy bay, 158 tổ hợp tên lửa phòng không, hơn 700 chiến đấu cơ, 120 máy bay trực thăng, trên 100 tàu chiến. Đã đưa vào hoạt động 117 cơ sở quân sự.
    Và phần lớn sự trợ giúp này được cung cấp trong những năm không quân Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại chống miền Bắc Việt Nam. Khi đó Liên Xô đảm bảo hơn ¾ tổng khối lượng viện trợ mà Việt Nam nhận được từ nguồn nước ngoài, cần thiết trước hết để đẩy lui cuộc xâm lược cũng như duy trì hoạt động của cơ cấu kinh tế-xã hội của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tính ra tiền thì lượng cung cấp này bằng khoảng hai triệu USD mỗi ngày — cần nhớ rằng tiền thời đó có giá trị “nặng ký” hơn hiện nay — và cứ như thế suốt trong tất cả những năm tháng chiến tranh. Toàn bộ nguồn cung cấp này đều là viện trợ không hoàn lại.
    Thiết bị quân sự gửi từ Liên Xô sang Việt Nam là tiên tiến nhất của thời điểm đó. Ví dụ, phản lực chiến đấu cơ “MiG” — mà các phi công Việt Nam điều khiển để bắn hạ cả “F-105” lẫn “pháo đài bay” “B-52” của Mỹ. Tổ hợp tên lửa phòng không “Dvina” có khả năng bắn trúng mục tiêu trên không, ngay cả khi ở độ cao 25 km. “Đây là những quả đạn tử thần được phóng lên từ mặt đất để diệt máy bay”, — như “Tạp chí quân sự-kỹ thuật” Mỹ thời ấy đã nêu nhận xét.
    Trong giai đoạn đầu tiên của chiến tranh, các vũ khí, thiết bị quân sự và vật tư khác được chuyển tới Việt Nam chủ yếu là bằng đường sắt thông qua lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên, thời đó quan hệ Xô-Trung không mấy thân thiện. Những toa tàu với hàng hóa từ Liên Xô thường xuyên bị gỡ niêm phong, các thiết bị quân sự bí mật phải chịu sự kiểm tra bất hợp pháp của chuyên gia Trung Quốc, nhiều lô hàng cơ bản là bị đánh cắp. Trong tương quan đó, ban lãnh đạo Xô-viết đã quyết định đưa hàng tới Việt Nam bằng đường biển, trực tiếp từ các hải cảng của Liên Xô.
    Khi đó, trong cuộc hội kiến với phái đoàn Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Hải quân Liên Xô đã dẫn ra con số như sau: nếu tính riêng một năm 1970 và đem tất cả các hàng hóa chuyển bằng đường biển từ Liên Xô sang Việt Nam trong năm đó chất lên các toa tàu đường sắt, thì đoàn xe lửa chở hàng như vậy sẽ có chiều dài…800 km.
    Các thủy thủ Liên Xô chuyển hàng bằng hai tuyến đường. Tuyến ngắn — từ cảng Viễn Đông, vượt qua khoảng 3.000 hải lý và mất 10 ngày đêm. Tuyến dài từ các cảng vùng Biển Đen. Do việc đóng cửa tàu kênh đào Suez hồi ấy, tàu bè từ Biển Đen buộc phải đi vòng qua châu Phi, tức là kéo dài hành trình thêm 14.000 hải lý, tức là xa thêm đến 26.000 km. Lộ trình này mất 45 ngày đêm.
    Trong những năm không quân Mỹ dội bom xuống miền Bắc Việt Nam, trung bình mỗi tháng có 40 con tàu Liên Xô đi theo những lộ trình này tới Việt Nam và neo lại bốc dỡ hàng tại các cảng Hải Phòng, Hòn Gai và Cẩm Phả. Các tuyến đường ở đoạn cuối thực sự là hành trình chiến đấu. Bởi tàu phải qua các vùng biển mà Hoa Kỳ coi là khu vực hoạt động chiến sự của mình. Và nếu trong thời chiến tranh đó, tổn thất chuyên gia quân sự Liên Xô trực tiếp tại vị trí chiến đấu ở Việt Nam là 4 người, thì thương vong của các thủy thủ dân sự Liên Xô đảm trách mang hàng viện trợ sang Việt Nam là 7 người.
    Nguồn: Sputniknews

    Nhớ về vụ án oan của Trung tướng Hữu Ước

    Ba năm giời đằng đẵng, ông trải qua 4 phiên tòa và rồi cuối cùng được tuyên trắng án. Rồi ông lại trở về báo Công an nhân dân làm việc nhưng cũng chẳng được phục hồi, chẳng được bồi thường gì cả và ông phải làm lại tất cả mọi việc từ đầu.

    Những ngày này, dư luận hết sức quan tâm về vụ án oan đến 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn. Đành rằng, đây là một vụ án xảy ra cách đây 10 năm và cho đến bây giờ thì những vụ án oan sai kiểu như thế này có lẽ không còn nữa. Nhưng, hầu như ai cũng bị ám ảnh rằng, tại sao một số người bảo vệ pháp luật, những người cầm cán cân công lý lại có thể thờ ơ, vô cảm với sinh mệnh của người dân đến như vậy.
    Rồi đây, các cơ quan chức năng sẽ phải điều tra, làm rõ những ai gây ra nỗi oan tày đình cho ông Chấn và chắc chắn, họ sẽ phải bị xử lý. Đây cũng là bài học cho những người làm công tác điều tra, xét xử…
    Nghĩ về vụ án này, tôi không thể không nhớ đến một vụ án oan khác đã xảy ra cách đây gần 30 năm: Đó là vụ án oan của Trung tướng, nhà văn Nguyễn Hữu Ước, hiện đang là Phó tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an Nhân dân. Ngày ông bị bắt là vào khoảng tháng 9 năm 1985. Khi ấy, ông là Đại úy, Phó trưởng phòng Thời sự Báo Công an Nhân dân.
    Trong trí nhớ của tôi, lệnh bắt ông mang số 067 và chỉ có mấy dòng mơ hồ “vi phạm pháp luật”. Không có tội danh nào cụ thể.
    Vậy mà người ta bắt ông rồi chuyển thẳng vào trong thành phố Hồ Chí Minh, lúc thì giam ở trại B34, lúc thì ở Chí Hòa.
    Ba năm giời đằng đẵng, ông trải qua 4 phiên tòa và rồi cuối cùng được tuyên trắng án. Rồi ông lại trở về báo Công an nhân dân làm việc nhưng cũng chẳng được phục hồi, chẳng được bồi thường gì cả và ông phải làm lại tất cả mọi việc từ đầu.
    Chúng tôi đã nói rằng, vụ án oan của ông là điển hình cho việc xâm hại các hoạt động tư pháp, mà điều đáng nói ở đây, ông là một Đại úy công an, là một nhà báo, là đảng viên, là người từng chưa đủ 18 tuổi đã lên đường nhập ngũ sang Lào chiến đấu. Với một người như vậy mà người ta còn bắt lấy được rồi tống vào Chí Hòa, bị giam chung với những kẻ đầu trộm đuôi cướp, đám lưu manh chuyên nghiệp thì quả là khủng khiếp.
    Nhưng việc ông phấn đấu rồi được đề bạt đến cấp hàm Trung tướng, được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thì cũng là một điển hình về ý chí của một con người và điển hình về sự đổi mới trong công tác cán bộ.
    Lịch sử chắc sẽ không lặp lại một vụ như thế nữa.
    Nhớ về vụ án oan của Trung tướng Hữu Ước
    Trở lại vụ án của ông. Tôi nhớ. Năm 1991, tôi đi viết về một vụ án lừa đảo. Khi cùng với các cán bộ điều tra của Công an Hà Nội hỏi cung đối tượng bị bắt thì gã lại khai ra một chuyện, ấy là hắn từng “được” giam chung với ông Nguyễn Hữu Ước. Gã còn kể, gã được “vinh dự” giao nhiệm vụ “giám sát”, không cho ông tự tử.
    Sau này, khi ra tù, trở về Báo Công an Nhân dân, ông kể cho chúng tôi nghe các kiểu hành hạ ông mà một số cán bộ điều tra đã nghĩ ra. Nghe ông nói mà chúng tôi cứ dựng hết tóc gáy và thầm bảo rằng, nếu mình vào cảnh như thế này, có khi bị bắt phải “vu cho bố mình là phản động” thì cũng buộc phải khai cho xong để thoát khỏi cực hình.
    Cũng đã có một số vụ án khác mà cán bộ điều tra đã nghĩ ra rất nhiều trò để tra tấn phạm nhân. Nhiều người chịu không nổi đã phải tìm con đường giải thoát - ấy là tự tử.
    Hiện nay, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng đang điều tra lại về một vụ án bắt giam sai của Công an Tiền Giang hơn chục năm trước. Báo Năng lượng Mới cũng đã có phóng sự về vụ án này và cũng đã được biết những người chịu không nổi cực hình mà phải tự tử. Nhưng Giời vẫn còn thương họ nên làm cho sợi dây họ dùng treo cổ bị đứt…
    Sau này, khi đi viết phóng sự về khám Chí Hòa, tôi được một cán bộ quản giáo của trại giam - người đã từng làm quản giáo thời ông Hữu Ước bị giam ở đó dẫn đi tham quan. Ông chỉ cho tôi phòng giam nào ông Ước từng ở, chỗ nào ông Ước từng nằm. Rồi ông lại kể cho tôi nghe vanh vách chuyện ông Ước đã từng phải đánh nhau với bọn đầu gấu vì chúng cướp cơm, cướp chỗ ngủ của ông, hay cả những lần đám phạm nhân há hốc mồm nghe ông đọc “Tam quốc diễn nghĩa”.
    Khủng khiếp nhất là trong thời gian ông Ước ở Chí Hòa, cứ vài tháng, các quản giáo lại nhận được lệnh từ một cấp trên nào đó chuyển ông sang phòng giam khác. Đối với phạm nhân, đang ở phòng giam này mà phải chuyển sang phòng giam khác, đó là một sự tra tấn vô cùng tinh vi, nhất là khi “chỗ ở” mới cũng là nơi giam giữ những kẻ lưu manh chuyên nghiệp, đám đầu trộm đuôi cướp và phòng nào cũng rất sẵn đám “đầu gấu, đại bàng”. Bởi người mới vào thì phải nằm chỗ bẩn thỉu nhất, phải hầu hạ đám “đầu gấu, đại bàng” và phải bị ăn những trận đòn “ra mắt”.
    Những năm tháng bị giam cầm đã gây cho ông một căn bệnh mà chúng tôi cứ gọi là “hội chứng nhà giam”.
    Hàng chục năm đã trôi qua nhưng ông vẫn nằm mê thấy cảnh mình phải ăn cơm trộn cát; vẫn nằm mê thấy cảnh đánh nhau với bọn đầu gấu… Và ông cũng vẫn nằm mê thấy cảnh những cán bộ quản giáo tìm cách dúi cho ông thêm nắm cơm, miếng bánh, an ủi, động viên ông trong những tháng ngày tù tội đó.
    Được trả tự do, sự đền bù duy nhất mà người ta dành cho ông là đưa ông đi khám bệnh và an dưỡng ít ngày.
    Nhiều cán bộ công an đã từng gây nên nỗi oan cho ông thì vẫn lấp liếm rằng: “Nó không có tội, nhưng cũng có lỗi”. Nhưng lỗi gì thì chẳng ai chỉ ra được.
    Ấy vậy mà, ông đã nghiến răng làm lại sự nghiệp của mình. Không nửa lời oán trách. Không có những phát ngôn bất đắc chí. Không tìm cách kiện tụng những người đã gây nên nỗi đau khổ tột cùng cho mình và gia đình.
    Tôi đã chứng kiến khi làm Tổng biên tập Báo An ninh Thế giới, ông vẫn đến thăm hỏi, biếu quà vào dịp lễ, tết những người đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây nên vụ án oan của ông. Bởi ông hiểu rõ, những người ấy thực ra cũng chẳng thù oán gì ông nhưng thời ấy tư duy nó thế, cách làm tùy tiện, vô luật pháp là thế… Sợi dây oán thù nên cởi không nên buộc!
    Kinh Dịch có câu rằng: “Vật cùng tắc biến”, nghĩa là, cái gì phát triển đến cùng rồi thì sẽ có sự thay đổi.
    Vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường đã khiến cho những người quản lý của ngành y tế phải tỉnh ra và có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn các cơ sở khám chữa bệnh, làm đẹp tư nhân. Và đến lúc ấy người ta mới tá hỏa ra, lâu nay, vẫn tồn tại những cơ sở làm đẹp tư nhân hoạt động không có giấy phép.
    Vụ Nguyễn Thanh Chấn cũng khiến những cơ quan bảo vệ pháp luật phải tỉnh ra và chắc chắn cũng sẽ có những biện pháp rà soát lại các vụ án có dấu hiệu oan sai hoặc có những biểu hiện xâm hại hoạt động tư pháp.
    Cũng phải công nhận rằng, trong khoảng 5 năm trở lại đây, việc các cán bộ điều tra dùng nhục hình hoặc nhục hình biến tướng, hoặc bức cung, mớm cung, dụ cung phạm nhân đã được giảm thiểu rất nhiều. Nhưng, ở đâu đó, cũng vẫn còn. Mong rằng, những người làm công tác xét xử hãy nghĩ đến câu “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” và “Việc gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”.
    Theo Nhà văn Nguyễn Như Phong
    Petrotime

    Nguyễn Trọng Tạo - "Nếu sai tôi xin từ chức"

    Mong các quan chức từ Trung ương đi thanh tra quan chức Yên Bái (và các nơi khác) đừng lấy chữ LỢI riêng làm đầu. Nếu không dũng cảm, công minh, thì sẽ chịu thất bại nhục nhã. Và khi đó thì tôi xin các vị, đừng bao giờ nói "sẽ từ chức" mà hãy tự nguyện xin sự phán xử của Tòa án Nhân Dân. 

    Thanh tra 'biệt phủ' Yên Bái: Sẽ tâm phục khẩu phục!

    "NẾU SAI TÔI XIN TỪ CHỨC". Câu nói này của mấy người có chức có quyền nghe quen quá. Nó giống câu "Tôi ăn no sắp vỡ bụng rồi, tôi xin mang về ăn sau".

    Câu nói này đã, đang và sẽ vang lên từ miệng của nhiều quan chức tỉnh Yên Bái, nơi vừa lộ diện rất nhiều biệt thự, biệt phủ khủng của gia đình mà họ chính là ông chủ.

    Tại sao quan chức lại giàu sụ lên thế, dù lương của họ chỉ dưới 10 triệu/tháng? Người thì bảo giàu nhờ ngâm rượu con chít bán, người thì bảo nhờ đi xe ôm Grab, người thì cho rằng nhờ đấu thầu đúng quy trình nên mới có khối tài sản cả trăm tỷ. (Nghe nói Dân Trảo Nha cũng đang định học cách làm giàu của họ mà không thành).

    Cụ Hồ từng đặt tên cho những người phục vụ bên cạnh Cụ là: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi. Nhớ lần cụ Thắng ốm nặng, tôi đến thăm; cụ bảo: Bây giờ cán bộ ăn cắp của dân của nước nhiều quá để kiếm lợi cho riêng mình nên đất nước mới khổ thế. Tôi đùa cho cụ vui: Thì chỉ tại cái chữ LỢI cả đó cụ; giá chỉ đến cụ THẮNG, đừng có cụ LỢI có phải hay hơn không. Nghĩa là chỉ còn 7 chữ: TRƯỜNG KỲ KHÁNG CHIẾN NHẤT ĐỊNH THẮNG!

    Cụ Thắng bỗng dưng bật cười, tiếng cười quý hiềm trong những ngày cụ ốm nặng.

    Vì thế mới sinh ra cái nạn "mua quan bán chức" tệ hơn cả thời phong kiến mà ta đã từng phê phán. Nhưng giờ mua thì phải kiếm lại vốn, rồi tiếp tục vơ vét kiếm lợi. Không lợi (lãi) thì mua quan bán chức làm gì!

    "Nếu sai tôi xin từ chức". Chức đã đi mua thì sao lại được phép từ? Phải trả lại chức mới phải. Mà không chỉ trả chức mà còn phải trả lại những gì đã ăn cắp của dân, kể cả niềm tin của dân với chế độ nữa.

    Mong các quan chức từ Trung ương đi thanh tra quan chức Yên Bái (và các nơi khác) đừng lấy chữ LỢI riêng làm đầu. Nếu không dũng cảm, công minh, thì sẽ chịu thất bại nhục nhã. Và khi đó thì tôi xin các vị, đừng bao giờ nói "sẽ từ chức" mà hãy tự nguyện xin sự phán xử của Tòa án Nhân Dân.

    Nguyễn Trọng Tạo

    (Blog Chiếu Làng)