Thứ Tư, 5 tháng 7, 2017

Dự trữ ngoại tệ của Việt Nam thiết lập kỷ lục mới 42 tỷ USD; Nhà đầu tư nước ngoài đang rót vốn mạnh vào Việt Nam: Mỗi ngày 70 triệu USD; Quý II, thu nhập của người lao động Việt Nam giảm còn 5,3 triệu đồng/tháng

Kho dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng thêm 1 tỷ USD so với cuối năm trước và cán mốc kỷ lục gần 42 tỷ USD vào giữa năm 2017.
Tại phiên họp thường kỳ của chính phủ diễn ra ngày 3/7, thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết dự trữ ngoại hối quốc gia của Việt Nam tiếp tục gia tăng trong 6 tháng đầu năm nay, đạt mức xấp xỉ 42 tỷ USD.
Đây là mức dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước tới nay, sau con số khoảng 41 tỷ USD được công bố cho cuối năm 2016.
Ngân hàng Nhà nước không công bố số liệu dự trữ ngoại hối định kỳ, mà chỉ công bố tại một số thời điểm. Trong những lần công bố gần đây, số liệu cho thấy quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt 20,7 tỷ USD vào tháng 6/2008, giảm xuống khoảng 12,58 tỷ USD vào tháng 1/2011, và tăng trở lại lên mức 22-23 tỷ USD vào cuối năm 2012 trước khi lên mức kỷ lục như hiện nay.
So với số liệu ghi nhận vào cuối năm trước, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng thêm khoảng 1 tỷ USD.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã được ghi nhận có 3 lần tăng giá mua đồng USD, lần lượt vào tháng 1, tháng 4 và tháng 6. Tuy nhập siêu đã quay trở lại, nhưng tỷ giá được giữ khá ổn định và lượng vốn FDI đổ vào Việt Nam đạt mức cao.
Số liệu thống kê cho thấy Việt Nam nhập siêu khoảng 2,7 tỷ USD giá trị hàng hóa trong nửa đầu năm 2017, cao gấp đôi so với mức thâm hụt 1,3 tỷ USD của cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, Việt Nam thu hút được 19,22 tỷ USD vốn FDI, tăng gần 55% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 7,72 tỷ USD đã được giải ngân.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết thị trường ngoại tệ có thanh khoản tốt trong 6 tháng đầu năm nay, đáp ứng cung cầu ngoại tệ.
Mặc dù tỷ giá ngoại tệ khá ổn định trong nửa đầu năm nay, nhưng trong vài ngày qua lại biến động đáng kể khi Ngân hàng Nhà nước liên tục điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm.
Ngay sáng ngày 4/7, Ngân hàng Nhà nước đã tăng tỷ giá trung tâm thêm 9 đồng lên 22.440 đồng/USD – một mức cao kỷ lục.
Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng 282 đồng/USD.
Minh Tuệ tổng hợp
http://www.daikynguyenvn.com/kinh-te/du-tru-ngoai-te-cua-viet-nam-thiet-lap-ky-luc-moi-42-ty-usd.html


Nhà đầu tư nước ngoài đang rót vốn mạnh vào Việt Nam: Mỗi ngày 70 triệu USD



Các nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực đổ bộ vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2017, với số dự án mới và số vốn đăng ký mới đều tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu mới nhất của Cục Đầu tư Nước ngoài cho thấy, tính từ đầu năm đến ngày 20/6/2017, Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 1.183 dự án mới với tổng vốn đăng ký đạt 11,83 tỷ USD, tăng 57,9% về số dự án và tăng 56,3% về số vốn so với cùng kỳ năm 2016.
Như vậy, bình quân mỗi ngày Việt Nam thu hút được khoảng 7 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới với số vốn bình quân 69,6 triệu USD/ngày.
Đó là chưa kể đến 549 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm là 5,14 tỷ USD, tăng gấp đôi về số lượt dự án và tăng hơn 1/3 về số vốn so với cùng kỳ năm trước.
Lượng tiền các nhà đầu tư nước ngoài bỏ ra góp vốn, mua cổ phần trong nửa đầu năm 2017 cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 2,25 tỷ USD.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của các doanh nghiệp FDI đạt 19,22 tỷ USD, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Tuy nhiên, các dự án FDI mới giải ngân được 7,72 tỷ USD, tăng nhẹ 6,5% so với 6 tháng đầu năm 2016.
Các nhà đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm nay đã đầu tư vào 18 lĩnh vực, trong đó nhiều nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đăng ký là 9,49 tỷ USD, tiếp đến là sản xuất và phân phối điện với 5,26 tỷ USD, và khai khoáng với 1,29 tỷ USD.
Thanh Hoá là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký đạt 3,06 tỷ USD (chiếm 15,9% tổng vốn đầu tư), tiếp đến là Bắc Ninh với 2,85 tỷ USD (chiếm 14,8%), và Nam Định với 2,19 tỷ USD (chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư).
Cục Đầu tư Nước ngoài cho biết hiện tại Việt Nam còn 23.594 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 306,3 tỷ USD, trong khi vốn giải ngân lũy kế ước đạt 162,57 tỷ USD (bằng 53% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực).
Trong số 120 quốc gia và vùng lãnh thổ đang có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, Hàn Quốc dẫn đầu với số vốn đăng ký 54,5 tỷ USD, tiếp đến là Nhật Bản với 46,2 tỷ USD, Singapore với 41,2 tỷ USD, và Đài Loan với 30,6 tỷ USD.
Minh Tuệ
http://www.daikynguyenvn.com/kinh-te/nha-dau-tu-nuoc-ngoai-dang-rot-von-manh-vao-viet-nam-moi-ngay-70-trieu-usd.html

Quý II, thu nhập của người lao động Việt Nam giảm còn 5,3 triệu đồng/tháng



Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân hàng tháng của lao động làm công ăn lương tại Việt Nam đứng ở mức 5,3 triệu đồng trong quý II/2017, giảm 316.000 đồng so với quý trước nhưng tăng 372.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo cho thấy dân số trung bình của Việt Nam hiện là 93,7 triệu người, trong đó số người lao động từ 15 tuổi trở lên tính đến thời điểm 1/7/2017 vào khoảng 54,5 triệu người, tăng 162,2 nghìn người so với cùng thời điểm năm 2016.
Trong số này, lao động nam là 28,3 triệu người, chiếm 52% lực lượng, còn lao động nữ là 26,2 triệu người, chiếm 48% lực lương lao động.
Số lao động đang có việc làm trong 6 tháng đầu năm nay ước đạt 53,4 triệu người, gồm 21,6 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, 13,6 triệu người làm việc ở khu vực công nghiệp và xây dựng, và 18,2 triệu người làm ở khu vực dịch vụ.
Số người thất nghiệp trong quý II là 1,12 triệu người, giảm gần 21,1 nghìn người so với quý I/2017 và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Trong nửa đầu năm 2017, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,28%, trong đó khu vực thành thị là 3,22%, khu vực nông thôn là 1,81%.
Minh Tuệ
Xem thêm:

Xem thêm:

Xem thêm:

Không có nhận xét nào: