Thứ Tư, 19 tháng 7, 2017

Những bí mật phong thủy ít người biết về Tử Cấm Thành

Tử Cấm Thành (Cố Cung) là kinh đô của Trung Hoa cận đại, rất nổi tiếng trên thế giới. Phía sau cấm cung có kiến trúc nổi tiếng này lại là những yếu tố phong thủy được cổ nhân bài trí một cách cẩn thận.

Tử Cấm Thành, phong thủy,
Kiến trúc của Tử Cấm Thành được bố trí theo quy củ nghiêm ngặt để đảm bảo sự hài hòa về phong thủy. (Ảnh: Pinterest)
Cố Cung một thời không cho dân thường lai vãng
Tử Cấm Thành còn được biết tới với tên gọi Cố Cung, là kinh đô của Trung Hoa từ triều Minh cho tới cuối thời nhà Thanh (1420 – 1912).
Công trình này được khởi công xây dựng từ năm 1406 và hoàn thành vào năm 1420 với quy mô đồ sộ trên diện tích 72ha với 980 tòa nhà, trong đó có tới 9.990 căn phòng.
Lý giải theo phương pháp chiết tự, tên gọi Tử Cấm Thành mang hai ý nghĩa là tòa nhà màu tím và là nơi dân chúng không được phép vào.
Theo đó, chữ “Tử” có nghĩa là màu tím, ám chỉ sao Bắc Đẩu (thường gọi là sao Tử Vi) và hàm chỉ bậc Đế vương. Còn chữ “Cấm” mang ý chỉ nơi đây là tòa thành của vua, dân thường không được phép “bén mảng”.
Những yếu tố phong thủy phía sau sự hưng khởi của Tử Cấm Thành
Lý giải theo thuyết phong thủy học phương Đông, Tử Cấm thành được xây dựng trên mảnh đất đồng bằng, xưa kia từng có hào bao quanh. Vì thế, tòa thành này hưng khởi nhờ dựa vào kết cấu “bàng thủy” (kề sát với nước)
Tử Cấm Thành được vua Minh cho xây dựng trên đại nội cũ của nhà Nguyên, nhưng hơi lệch về phía Nam một chút. Để áp chế vận khí của triều đại trước, giai cấp thống trị bấy giờ đã đắp một ngọn núi nhân tạo có tên là núi Than, ngày nay được gọi là Cảnh Sơn.
Tử Cấm Thành, phong thủy,
Vào thời xưa, Tử Cấm Thành không phải là nơi người thường có thể tùy tiện ra vào. (Ảnh: Chinaasiatour)
Ngọn núi này được coi là một trong những điểm dẫn khí long mạch từ núi Thiên Thọ về bổ trợ cho kinh đô Bắc Kinh, được thực hiện bởi bậc thầy phong thủy nổi tiếng thời bấy giờ là Liêu Kim Tinh.
Không chỉ vậy, lý giải từ góc độ chiêm tinh học, Bắc Đẩu là ngôi sao ở phía Đông Bắc và được ví như trung tâm của bầu trời. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng nằm ở phía Đông Bắc, là nơi sao Bắc Đẩu chiếu rọi và được coi là trung tâm của mặt đất.
Dựa vào yếu tố “thiên thời, địa lợi” này, những công trình chính của Tử Cấm Thành được bố trí quy hoạch theo trục tuyến. Theo đó, các cung điện chủ chốt được bố trí trên một đường thẳng mà “trung điểm” chính là điện Thái Hòa.
Khu vực “Tam Đại điện” bao gồm điện Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa. Ba điện trong đại nội lần lượt bao gồm Càn Thanh, Giao Thái và Khôn Ninh.
Các tòa kiến trúc phụ cận khác cũng được sắp xếp đối xứng theo thứ tự trái – phải, Đông – Tây. Tiêu biểu có thể kể tới như cung Thái tử ở phía Đông, hậu cung của Hoàng đế nằm phía Tây; hay điện Võ Anh nằm bên phải, điện Văn Hoa lại nằm cánh trái…
Vào năm 1987, Tử Cấm Thành đã được UNESCO công nhận danh hiệu di tích kiến trúc bằng gỗ cổ xưa lớn nhất thế giới. Cho tới ngày nay, những yếu tố phong thủy xung quanh tòa thành này vẫn là chủ đề nhận được sự quan tâm của giới chuyên môn.
TinhHoa tổng hợp

Không có nhận xét nào: