Thứ Tư, 19 tháng 7, 2017

XIN HỎI ÔNG TRƯƠNG MINH TUẤN: "KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XHCN"... LÀ CÁI CHI CHI ?; Kinh tế thị trường định hướng XHCN tạo ra phát triển ngoạn mục cho đất nước; Venezuela : Thất bại của mô hình « Xã hội chủ nghĩa thế kỷ 21 »

                                                                  -Nguyễn Đăng Quang-

         Chắc phải là người có tài tuyên truyền, thuyết khách nên mới hơn 1 năm làm Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông, ông Trương Minh Tuấn lại nhanh chóng được cho kiêm nhiệm thêm chức Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ĐCSVN. Gần đây ông không chỉ thể hiện là Tư lệnh “thép” trong lĩnh vực Thông tin-Truyền thông, mà còn chứng tỏ là người tiên phong và có kiến thức uyên thâm trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô! Có lẽ đây là bước chạy đà, chuẩn bị cho xuất TBT sắp tới? Nếu đúng vậy, xin được chúc mừng ông!
        Cách đây không lâu, hệ thống thông tin-báo chí nhà nước đồng loạt đăng tải bài viết ca tụng “Sự phát triển ngoạn mục” của nền “Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa” với tiêu đề “Sức thuyết phục của Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa”, ký tên Trương Minh Tuấn. Tôi đoán tác giả đích thị là ông. Mặc dù ông rào trước đón sau là “không tranh luận về học thuật, mà chỉ đề cập đến các vấn đề thực tiễn trong quá trình phát triển của đất nước, và sự tiếp nhận của cuộc sống người dân, sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với KTTT định hướng XHCN”. Song những độc giả, đặc biệt là những độc giả lớn tuổi không thể không thắc mắc, và muốn nêu lên những khúc mắc, mâu thuẫn rất cần tác giả giải đáp! Tôi không có ý định tranh luận với ông về học thuật, chỉ xin nêu vài khúc mắc cụ thể liên quan đến luận điểm mà ông cho là “được sự tiếp nhận của người dân, sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với KTTT định hướng XHCN” được ông tô hồng trong bài viết của mình! Ý kiến ông thế nào, xin ông cho công bố công khai trên báo in và cả báo mạng do ngành ông quản lý, đồng thời, nếu có thể, xin ông vui lòng gửi vào hòm thư điện tử của tôi theo địa chỉ sau: DangQuang42@gmail.com. Tôi xin được trân trọng cám ơn ông nhiều!
     Dưới đây là 4 vấn đề cụ thể và ngắn gọn, nhờ ông giải đáp giùm:
     1/. Trong bài, ông trích dẫn câu nói của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh “Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giầu, người khá giầu thì giầu thêm” và gán cho cụ Hồ là người tiên phong phát kiến ra nền “KTTT định hướng XHCN”. Ông nói “Lời nói của Bác Hồ đã đưa ra chấm phá đầu tiên về mục tiêu của KTTT định hướng XHCN”. Tôi cho ông nói như vậy là rất khiên cưỡng! Trong Tuyên ngôn Độc lập của nước VNDCCH năm 1945 và trong bản Hiến pháp 1946 sau đó, cụ Hồ đâu có đề cập đến CNXH chứ đừng nói đến khái niệm “KTTT định hướng XHCN”. Ngay trong bản Di chúc năm 1969 là văn bản chính thức cuối cùng để lại cho ĐCSVN, cụ Hồ cũng đâu có căn dặn Đảng phải xây dựng CNXH hoặc thực hiện mô hình “KTTT định hướng XHCN”? Khái niệm “KTTT định hướng XHCN” mãi sau này, vào đầu thập kỷ 1990’s, ĐCSVN mới sáng tạo ra cơ mà! Vậy cớ sao ông lại khẳng định cố Chủ tịch HCM là người tiên phong phát kiến ra mô hình “KTTT định hướng XHCN”? Tôi tin rằng, nếu cụ Hồ sống lại, cụ sẽ quở trách ông là thiếu trung thực, cố tình gắn cho cụ điều mà cụ không hề nói, thậm chí không có trong tư duy và suy nghĩ của cụ! Vậy tội này là tội gì, thưa ông?
       2/. Ngay cả ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu ĐCSVN hiện nay, một chuyên gia lão luyện về lý thuyết xây dựng Đảng, cũng còn đang hồ nghi, không tin là sẽ có CNXH, chứ đừng nói đến học thuyết “KTTT định hướng XHCN” nữa! Ngày 23/10/2013, phát biểu trước Quốc hội để góp ý cho bản Hiến pháp sửa đổi 2013, ông Trọng nói: “Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?”. Câu nói này của ông Phú Trọng làm nhiều người ngạc nhiên và lúng túng, nhưng thực ra, điều ông Trọng nói lại rất biện chứng! Ông đã buột miệng nói sự thật, một sự thật hiển nhiên, cho dù điều đó trái với định hướng tuyên truyền của Đảng và làm không ít đảng viên hoang mang, giao động!
       Chẳng có một quốc gia nào trên thế giới lại dựa vào một học thuyết kinh tế-xã hội chưa hề hiện hữu trong lịch sử loài người để bắt dân tộc đi theo, làm theo mô hình đó cả! Nếu có ai làm vậy, thì đấy có phải là phiêu lưu, mạo hiểm không, thưa ông? Không rõ ông đã hỏi xin ý kiến và được ông Trọng gật đầu, đồng ý chấp thuận chưa? Ông Trọng khẳng định, đến hết thế kỷ này chưa thể có CNXH hoàn chỉnh ở nước ta, vì thế tôi tin, đến đầu thế kỷ tới, không thể có cái gọi là “Nền KTTT định hướng XHCN” được? Như vậy, ông và nhiều đồng chí của ông nói thế chẳng khác nào “Nói vậy mà không phải vậy!” đúng không, thưa ông Tuấn?
       3/. Một chuyên gia kinh tế, người nhiều năm tham gia hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô của Đảng và Nhà nước ta là ông Bùi Quang Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, thừa nhận là trong suốt gần 30 năm qua, ông không thể giải đáp được câu hỏi thế nào là “Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa” cả? Hồi tại chức, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh được mời đến nói chuyện về kinh tế tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (tức trường Đảng Nguyễn Ái Quốc cũ, không rõ là ông Tuấn đã qua trường này chưa?). Thính giả và học viên ở đây đều là các lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong dịp này, nhiều người hỏi ông Bùi Quang Vinh thế nào là thể chế “Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa”, ông Vinh đáp: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó mà mãi có tìm ra đâu? Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm!”
        Thế mà nay, một ông quan tuyên giáo, người chưa từng làm kinh tế, dù là kinh tế gia đình, lại tuyên bố là đã tìm được mô hình kinh tế mà ông Bùi Quang Vinh trong suốt 30 năm qua tìm mãi nhưng chẳng thấy, vì “làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”! Ông quan này còn khẳng định mô hình “KTTT định hướng XHCN” này không chỉ rất thuyết phục mà nó còn tạo ra sự phát triển ngoạn mục nữa! Đúng là cán bộ tuyên giáo. Tài thật, tài đến thế là cùng!
      4/. Sau cùng là vấn đề này: Trong khoảng trên chục năm qua, hầu như mọi phái đoàn cao cấp của Đảng và Nhà nước ta, khi đi công cán nước ngoài đều phải thực thi một nhiệm vụ là vận động, thuyết phục hoặc yêu cầu nước chủ nhà đồng ý “Công nhận nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia có nền Kinh tế thị trường đầy đủ”!                  
      Nhưng tôi có một thắc mắc muốn được hỏi ông. Tôi biết, ông và toàn thể các Ủy viên khác trong Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN không chỉ phải nắm vững mà còn phải quán triệt tuyệt đối, là toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang ra sức thực hiện nhiệm vụ chiến lược là “Xây dựng nền KTTT định hướng XHCN”! Vậy nguyên cớ gì khi ra nước ngoài các ông phải dấu tiệt, cắt hết cái đuôi “định hướng XHCN” đi, rồi cất kín, giấu tịt ở nhà, chỉ mang khúc đầu là “Kinh tế Thị trường” để yêu cầu người ta công nhận mà thôi, vậy là làm sao?
     Phải chăng, chính vì vậy mà đến nay chẳng có mấy nước thỏa mãn yêu cầu này của Đảng và Nhà nước ta, phải không thưa ông? Nếu vấn đề này không nằm trong danh mục “Bí mật quốc gia”, xin ông vui lòng cho tôi biết thực chất của sự bất nhất này là gì không, thưa ông?
     Trên là 4 câu hỏi cụ thể liên quan đến chủ đề và cũng là nội dung chính của bài báo ký tên ông, mong ông vui lòng giải đáp. Trong khi chờ đợi, xin gửi ông lời chào trân trọng.

                                                                                                                      Hà Nội, ngày 17/7/2017.

                                                                                                                                      N.Đ.Q.

Kinh tế thị trường định hướng XHCN tạo ra phát triển ngoạn mục cho đất nước

Theo Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn, các thành tựu phát triển đất nước trong các năm qua đã chứng minh thể chế kinh tế của chúng ta là đúng đắn, là phù hợp với mục đích của cách mạng Việt Nam…
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn vừa có bài viết về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Thanh Niên đăng tải bài viết này để chia sẻ góc nhìn của Bộ trưởng về kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN.
Từ khi lý luận về “KTTT định hướng XHCN” được nghiên cứu và triển khai ở Việt Nam đến nay, đã có nhiều ý kiến tranh luận, thậm chí có ý kiến còn phê phán, bác bỏ. Nhưng các thành tựu phát triển đất nước trong các năm qua đã chứng minh thể chế kinh tế của chúng ta là đúng đắn, là phù hợp với mục đích của cách mạng Việt Nam, phù hợp với con đường đã được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta lựa chọn.
Trong một số cuộc trao đổi học thuật và trên một số diễn đàn, nhiều người cho rằng KTTT định hướng XHCN chưa có tiền lệ trong lịch sử, khó tránh khỏi sai lầm, vấp váp, cho nên phải “dò đá qua sông”. Có người thì nói, KTTT mang giá trị phổ quát của nhân loại, không cần thiết phải thêm “cái đuôi” XHCN. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, CNXH và KTTT không thể dung nạp lẫn nhau, nên gắn KTTT với CNXH là khiên cưỡng…
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không tranh luận về học thuật, mà chỉ đề cập đến các vấn đề thực tiễn trong quá trình phát triển của đất nước, và sự tiếp nhận của cuộc sống người dân, sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với KTTT định hướng XHCN.
Nhu cầu tự thân của cuộc sống
Trước hết, đối với Đảng ta, CNXH không phải một giáo điều xơ cứng mà chính là nhu cầu của cuộc sống. Ngay từ khi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn Quốc tế III và Người nói, sở dĩ Người có sự lựa chọn này vì Quốc tế III đề cập đến con đường giải phóng các dân tộc bị áp bức. Người nói: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu” (Hồ Chí Minh, biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, Tập 1, H.2006, tr.112).
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời từ mong muốn và nhận thức đó, cũng là mong muốn và sự nhận thức của cả dân tộc ta trong hoàn cảnh nước mất, nhà tan. Sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói một cách giản dị về mục tiêu của cách mạng: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm” (Hồ Chí Minh toàn tập - Tập 5, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tr.81).
Có thể nói, lời của Bác Hồ đã đưa ra chấm phá đầu tiên về mục tiêu của KTTT định hướng XHCN, bởi xét đến cùng thì không có kinh tế thị trường thì người đủ ăn khó có thể “khá giàu”, người giàu khó có thể “giàu thêm”. Và nếu không có định hướng XHCN, thì chắc chắn người nghèo khó có thể “đủ ăn”.
KTTT tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho mọi người, bình đẳng về cơ hội và bình đẳng trước rủi ro, tức là cơ hội để thành đạt ngang nhau, và nếu có tai biến thì việc chịu rủi ro cũng ngang nhau. Trong cơ hội và rủi ro ngang nhau đó, ai nhạy bén nắm bắt được cơ hội thì trở nên giàu có, ai không nắm bắt được cơ hội thì nghèo vẫn hoàn nghèo; ai biết lo xa đề phòng rủi ro người ấy giữ được thành quả, ai không đề phòng được rủi ro người ấy có thể trắng tay.
Để bảo đảm KTTT vận hành đầy đủ, không thể không có nhà nước pháp quyền với hệ thống luật pháp minh bạch xây dựng trên tinh thần pháp trị, ở đó mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Nhưng khi trong xã hội còn những người yếu thế, người bất hạnh không thể tự mình vươn lên nắm bắt cơ hội,… thì cần có chính sách thích hợp để họ không bị thiệt thòi, không bị bần cùng hóa.
Nhà nước tư bản phương tây vẫn tỏ ra quan tâm tới các nhóm yếu thế thông qua chính sách an sinh xã hội. Nhưng việc họ áp dụng mức thuế cao, vay nợ để thực hiện “công bằng xã hội” xét đến cùng không dành cho các thành phần yếu thế bất hạnh mà chủ yếu phục vụ tầng lớp trung lưu với mục tiêu sâu xa là thu hút phiếu bầu.
Điều này là kết quả tất yếu của nền dân chủ với thể chế đa nguyên, đa đảng luôn bị chi phối bởi các nhóm lợi ích, và các chính sách được ban hành thường là sự thỏa hiệp giữa các nhóm đa số có thế lực, khó có thể đáp ứng lợi ích các nhóm yếu thế, thậm chí còn xâm phạm lợi ích chính đáng của các nhóm này. Công bằng xã hội chỉ là trên danh nghĩa, thực tế là nhà nước phình to ra song tình trạng bất công vẫn diễn ra gay gắt.
KTTT định hướng XHCN vẫn hội đủ các yếu tố của KTTT, nhưng có các thiết chế để bảo vệ các nhóm yếu thế, tạo điều kiện cho họ vươn lên tiếp cận các cơ hội của thị trường, giúp họ đối phó với các rủi ro nghiệt ngã mà tự họ không có khả năng đối phó.
Trong bối cảnh cụ thể ở nước ta, các nhóm yếu thế này chính là đông đảo nhân dân lao động, cùng những người bất hạnh, các gia đình bị thiệt thòi do phải hy sinh xương máu và của cải cho sự nghiệp giành độc lập dân tộc, nông dân ít ruộng đất, người nghèo, người lao động có thu nhập thấp... Và việc quan tâm đến lợi ích của họ là thực hiện điều Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.
Đổi mới không phải là một lý thuyết “nhập cảnh”
Trong một thời gian dài (miền bắc sau năm 1954, cả nước từ năm 1975 đến giữa thập niên 80 của thế kỷ trước) chúng ta áp dụng kinh tế kế hoạch hóa, và một số người đã phê phán, coi đó là cơ chế kinh tế đã để lại một số di hại với quá trình phát triển đất nước.
Tuy nhiên, trước khi phê phán lại cần nhớ rằng, kinh tế kế hoạch hóa được áp dụng trong bối cảnh hai cuộc chiến tranh xâm lược của nước ngoài và cuộc cấm vận kinh tế tai ác kéo dài nhiều năm sau năm 1975; hơn thế nữa, chính kinh tế kế hoạch hóa đó đã bảo đảm hậu cần cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và thắng lợi của các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía bắc, biên giới tây nam, đồng thời duy trì được tiềm lực của đất nước đủ sức vượt qua cấm vận, khủng hoảng để sau năm 1986 có thể hồi sinh nhanh chóng.
Phê phán kinh tế kế hoạch hóa phải đặt trong bối cảnh lịch sử đó, nếu không sẽ không hiểu vì sao Đảng ta đã khởi xướng, tổ chức, lãnh đạo công cuộc Đổi mới và Đổi mới từ đâu tới.
Đổi mới không phải là một lý thuyết “nhập cảnh”, không phải do “sức ép” bên ngoài mà là sự đáp ứng yêu cầu từ sự chuyển động nội tại của đất nước. Không phải ai khác, chính những người cộng sản Việt Nam đã khởi xướng công cuộc Đổi mới, chuyển nền kinh tế kế hoạch hóa với cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế KTTT định hướng XHCN.
Không phải bắt đầu từ Nghị quyết Đại hội VI, mà từ trước đó rất lâu, những mầm mống của KTTT đã được những người cộng sản chân chính nuôi dưỡng, khuyến khích ngay trong “gọng kìm” kế hoạch hóa.
Chúng tôi gọi “gọng kìm” kế hoạch hóa vì cơ chế tập trung quan liêu đã ăn sâu vào cấu trúc xã hội, thành định chế, thành nếp nghĩ, muốn tháo bỏ không hề dễ dàng. Các đảng viên cộng sản đã phải thực hiện “khoán chui”, phải “vượt rào” để thoát rào cản về cơ chế.
Giữa lúc đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc bị phê phán gay gắt do thực hiện “khoán chui” ở Vĩnh Phúc, Tổng bí thư Lê Duẩn đã đến thăm và động viên ông (Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 4-4-2017). Nhiều Bí thư Tỉnh ủy, được sự hậu thuẫn của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Trung ương Đảng, đã “vượt rào” xóa ngăn sông cấm chợ, xóa bao cấp, bảo vệ cách làm ăn mới ở cơ sở, mở đường cho sự vận hành của thị trường theo quy luật của nó.
Nghị quyết Đại hội VI đánh dấu sự chuyển biến căn bản trong toàn Đảng, hướng kinh tế cả nước vận hành theo cơ chế thị trường. Như vậy, Đảng ta không khư khư “công thức” của CNXH theo truyền thống quốc tế, mà thực hiện CNXH theo Tư tưởng Hồ Chí Minh với mục tiêu: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm” với phương châm “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.
Sự lãnh đạo của Đảng bảo đảm để loại trừ các nhóm lợi ích chi phối…
Để bảo đảm định hướng XHCN đạt tới mục tiêu, trong nền kinh tế nhiều thành phần của nước ta, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giữ vai trò chủ đạo. Có không ít ý kiến bài bác hoặc tranh cãi tư biện về sự chủ đạo này. Trong khi về đường lối và trong thực tiễn, chúng ta có một lộ trình giảm dần số lượng DNNN bằng nhiều hình thức thích hợp, như: cổ phần hóa và giao, khoán, bán, cho thuê. Thực tế số DNNN đã giảm rất mạnh theo lộ trình và theo các hình thức đó.
Chủ trương của Đảng và Nhà nước là chỉ giữ lại 100% vốn Nhà nước tại một số ngành kinh tế trọng yếu và những ngành mà tư nhân chưa đủ khả năng tham gia, như doanh nghiệp công ích, với mục đích bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, an ninh kinh tế và giữ vai trò điều tiết để ngăn ngừa bất ổn, khủng hoảng kinh tế, cũng là để bảo vệ sự an lành môi trường làm ăn, cuộc sống của mọi người dân.
Đó là ý nghĩa của vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước. Vai trò này hoàn toàn không ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Phương châm của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động kinh tế là: Nhà nước chỉ làm những gì người dân không làm được, nói cách khác, Nhà nước đã và sẽ lùi dần khỏi các lĩnh vực mà người dân và các thành phần kinh tế khác có thể làm. Việc cổ phần hóa một số ngành có liên quan đến an ninh quốc gia như hàng không, an ninh năng lượng như xăng dầu,… mới đây là nằm trong xu hướng đó.
Yếu tố quan trọng nhất của định hướng XHCN trong KTTT của chúng ta là vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò của Nhà nước pháp quyền XHCN. Đảng đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn dân tộc, Đảng không có lợi ích của riêng mình. Bởi vậy, sự lãnh đạo của Đảng là sự bảo đảm để loại trừ các nhóm lợi ích chi phối quá trình xây dựng và thực thi pháp luật, đó là sự bảo đảm cho sự hiện hữu của tinh thần pháp trị.
Trong Nhà nước pháp quyền XHCN của chúng ta, các đạo luật được ban hành không phải là kết quả của quá trình vận động và thỏa hiệp giữa các nhóm lợi ích chi phối cơ quan lập pháp, mà xuất phát từ nhu cầu phát triển đất nước và lợi ích phổ quát của người dân, trong đó có lợi ích của các nhóm yếu thế, nghĩa là không có chính sách hoặc đạo luật nào phục vụ cho lợi ích của người giàu mà đánh mất cơ hội của người nghèo.
Sức thuyết phục của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Thực tế cho thấy hơn 30 năm vận hành của KTTT định hướng XHCN đã tạo ra sự phát triển ngoạn mục của đất nước. Công cuộc Đổi mới nhanh chóng đưa Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng, duy trì tốc độ tăng trưởng vào hàng cao trên thế giới.
Năm 1988, quy mô GDP chưa tới 5,5 tỉ USD, GDP đầu người chỉ đạt 86 USD; đến năm 2016, GDP đã đạt 205,32 tỉ USD, tăng hơn 37 lần, GDP đầu người đạt 2.215 USD, tăng gần 27 lần so với năm 1988, rút ngắn đáng kể khoảng cách thu nhập so với các nước trong khu vực.
Theo dữ liệu so sánh của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 1990, GDP bình quân đầu người của Thái Lan là 1.508 USD (tính tròn), con số tương ứng của Việt Nam là 98 USD, khoảng cách chênh lệch tới 15,3 lần. Đến năm 2015, GDP bình quân đầu người của Thái Lan lên 5.815 USD, con số tương ứng của Việt Nam là 2.111 USD, khoảng cách rút ngắn còn 2,7 lần.
Với Philippines, năm 1990, GDP bình quân đầu người cao gấp 7,3 lần so với Việt Nam (715 USD/98 USD), khoảng cách này đến năm 2015 còn chưa tới 1,4 lần (2.904 USD/2.111 USD). Với Ấn Độ, năm 1990, GDP bình quân đầu người cao gấp 3,8 lần so với Việt Nam (375 USD/98 USD), đến năm 2015, Việt Nam đã vượt Ấn Độ (2.111 USD/1.593 USD).
Thành tựu ngoạn mục nhất là công cuộc xóa đói giảm nghèo: Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước chiếm tới 58%, đến cuối năm 2016 đã giảm chỉ còn 8,38% (theo chuẩn nghèo mới). Theo dữ liệu so sánh của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), tỷ lệ người nghèo so với dân số của Việt Nam năm 2015 ở mức 9,8%, thấp xa so với con số tương ứng của Philippines (25,2%), Ấn Độ (21,9%), và thấp hơn cả Thái Lan (12,6%), Indonesia (11,3%).
Trên đây không phải là những con số tuyên truyền của Việt Nam về tính ưu việt của KTTT định hướng XHCN, mà là sự ghi nhận khách quan của cộng đồng quốc tế. Dĩ nhiên, KTTT định hướng XHCN của Việt Nam còn nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện để thị trường có thể vận hành nhịp nhàng, đồng bộ với sự lựa chọn con đường phát triển, từ đó thúc đẩy nhanh hơn quá trình “người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm” như mong muốn của Bác Hồ.
Vì vậy, việc trao đổi về thể chế KTTT định hướng XHCN là cần thiết, thậm chí cần có những tranh luận, phản biện để làm sáng rõ những vấn đề về lý luận, nhưng nếu không xuất phát từ đặc điểm lịch sử và thực tiễn của Việt Nam, thì mọi sự trao đổi, tranh luận, phản biện đều sa vào tư biện, không hữu ích cho cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cho quá trình phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.
Tiêu đề do Thanh Niên đặt
Trương Minh Tuấn 
Bộ trưởng Bộ TT-TT


Mới chỉ ba thập niên trước, Venezuela là một đất nước giàu có, phát triển không kém Tây Ban Nha, nay nước này lâm vào cảnh đói kém. Sống trên giếng dầu lớn thứ nhì thế giới nhưng người dân Venezuela lại không có xăng để dùng. Hồi kết của mô hình « Xã hội chủ nghĩa thế kỷ 21 » được cố tổng thống Hugo Chavez vạch ra cách nay chưa đầy hai thập niên ?

Venezuela : Thất bại của mô hình « Xã hội chủ nghĩa thế kỷ 21 »
Caracas, một biển người đòi người kế thừa của Hugo Chavez, là tổng thống Maduro từ chức. Ảnh tháng 6/2017. REUTERS/Christian Veron

« Chín tầng địa ngục »

Vào đầu những năm 2000, Venezuela đóng vai trò đầu tàu của châu Mỹ La Tinh. Năm 1999, lãnh đạo cánh tả mang tên Phong Trào Nền Cộng Hòa Thứ Năm, Hugo Chavez, lên cầm quyền và giương cao ngọn cờ mô hình « Xã hội chủ nghĩa thế kỷ 21 », mà ở đó vế phát triển xã hội phải là ưu tiên hàng đầu. Caracas, dưới những năm tháng Chavez đã huy động đến 43 % ngân sách Nhà nước để phát triển các chương trình xã hội, từ y tế đến giáo dục và nhất là nhà ở cho dân nghèo.

Một số chính trị gia, cả ở Tây Âu, từng kỳ vọng nhân vật này đang mở ra một con đường mới. Chính sách xã hội của tổng thống Chavez ở Venezuela khiến nhiều nước ở châu Mỹ La Tinh ngưỡng mộ. Caracas là điểm tựa của Cuba, Nicaragua và nhiều nước bạn ở Nam Mỹ nhờ cấp dầu hỏa cho các quốc gia này với giá « hữu nghị ».

Năm 2017, người bạn hào phóng này của nhiều nước ở châu Mỹ La Tinh lao đao : người dân Venezuela lo kiếm cơm từng bữa. Năm 2006 khi vận động tái tranh cử, ông Chavez tự hào cải thiện đời sống cho 30 triệu dân Venezuela. Một chục năm sau, Venezuela đang thiếu đủ mọi thứ từ thuốc men đến lương thực thực. Thiếu luôn cả điện và xăng dầu.

Venezuela lún sâu vào khủng hoảng kinh tế, xã hội và chính trị. Đất nước bị chia rẽ hơn bao giờ hết. Trên phương diện chính trị, khủng hoảng khơi mào từ cuối 2015 khi phe đối lập giành được đa số tại Quốc Hội. Phe chống tổng thống Maduro đòi ông từ chức.

Từ tháng 09/2019, có tới 80 % người dân Venezuela đòi thay đổi chính quyền. Thế nhưng để bám víu vào chiếc ghế tổng thống, Nicolas Maduro đưa ra sáng kiến vô hiệu hóa Quốc Hội do đối lập kiểm soát bằng cách lập một Quốc Hội Lập Hiến, với 545 thành viên do ông chỉ định. Tối Cao Pháp Viện thân chính quyền đã phủ quyết tất cả các quyết định của Quốc Hội. Đó là giọt nước làm tràn ly.

Khủng hoảng Venezuela bước sang một khúc quanh mới kể từ ngày 18/04/2017, khi ba người biểu tình thiệt mạng trong một cuộc tuần hành chống Maduro. Tính cho tới ngày 10/07/2017, tức chưa đầy ba tháng sau, số nạn nhận đã lên tới gần 100 người.

Trong địa hạt kinh tế và xã hội, hơn 1/4 dân số không có việc làm. GDP giảm 18,6 % so với 2015. Lạm phát sau khi đã tăng 800 % năm ngoái. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dự báo vật giá sẽ còn tăng lên gấp 10 lần trong năm 2017.

Giấc mơ tan vỡ

Giấc mơ mở ra một con đường mới, xây dựng một mô hình phát triển mới theo hướng xã hội chủ nghĩa cho thế kỷ 21 của cố tổng thống Chavez tan vỡ. Đâu là những sai lầm của chủ thuyết đó ? Trả lời Jean-Pierre Boris trên đài RFI Pháp ngữ, trong khuôn khổ chương trình Eco d'Ici Eco d'Ailleurs, Luis Colasante, chuyên gia về thị trường dầu khí Venezuela, kinh tế gia Camillo Umana-Dajud thuộc trung tâm nghiên cứu kinh tế CEPII của Pháp và phóng viên độc lập François Xavier Freland cùng phân tích về những sai lầm trong chiến lược phát triển của gần 20 năm dưới thời Chavez và Maduro.

Trưng thu đất của nông dân

Trước hết chuyên gia người Venezuela Luis Colasante nhấn mạnh đến sai lầm của Caracas chỉ trông chờ vào một lĩnh vực dầu khí để đem lại ngoại tệ :

« Venezuela sản xuất có mỗi một mặt hàng là dầu hỏa. Xuất khẩu dầu hỏa bảo đảm 76 % ngân sách quốc gia. Hiềm nỗi, các chính quyền Caracas liên tiếp không biết sử dụng nguồn thu nhập này để mở mang mạng lưới công nghiệp trên toàn quốc- như là ngành chế biến thực phẩm chăn nuôi, trồng trọt. Đáng tiếc hơn nữa, Venezuela có đất đai màu mỡ và phì nhiêu nhưng nông nghiệp lại không được phát triển. Từ gần 20 năm qua, giới tiểu nông đã đua nhau bán đất để lên thành phố kiếm sống ».

Nhà báo François Xavier Freland nói thêm đến chính sách tịch thu đất đai của nông dân để phát triển các hợp tác xã mà hậu quả là một phần giới canh nông phải bỏ nước tha phương cầu thực :

« Có rất nhiều người đã bị chế độ Chavez tịch thu đất đai. Đầu những năm 2000, khi lên cầm quyền, Hugo Chavez chủ trương dẹp bỏ các hoạt động tư nhân để thành lập các tổ hợp tác xã. Chính sách tịch thu đất của nông dân đã tăng tốc trong giai đoạn 2008-2009.

Mọi người còn nhớ những loạt phóng sự truyền hình cho thấy người hùng Chavez ồn ào khánh thành những hợp tác xã với một số máy móc mua lại của Iran. Nhưng rồi, nông dân không được đào tạo để sử dụng từ máy cầy đến máy gặt, hay là hệ thống tự động vắt sữa bò … Chỉ sau một thời gian, hàng trăm hợp tác xã bị bỏ trống. Nông dân thì đói vì không còn đất canh tác. Tôi có biết rất nhiều các trường hợp mà người ta phải bỏ xứ, sang Costa Rica hay Colombia kiếm sống ».

Sai lầm trong quan hệ thương mại

Về phía nhà nghiên cứu Camillo Umana-Dajud, Trung Tâm Nghiên Cứu về triển Vọng Kinh Tế Quốc Tế CEPII của Pháp, ông cho rằng cố tổng thống Chavez đã đi lỡ một nước cờ khi xa rời cộng đồng Andean – CAN để xích lại gần với khu vực MERCOSUR từ đó tách rời hai nhà cung cấp truyền thống là Equador và nhất là Colombia :

« Nông nghiệp không là chủ lực kinh tế của Venezuela. Quốc gia này thường phải nhập khẩu lương thực, thực phẩm Colombia, của Equador. Khúc mắc nằm ở chỗ, khi lên cầm quyền năm 1999, Hugo Chavez và người kế nhiệm ông sau này là tổng thống Nicolas Maduro, đã xa rời Cộng đồng Andean- CAN – bao gồm 10 nước thành viên mà Colombia là một trong bốn cột trụ sáng lập ra khối này. Caracas mở rộng quan hệ với thị trường chung Nam Mỹ- MERCOSUR.

Liên minh mới này dẫn tới hậu quả là Venezuela nhập hàng của Brazil và Achentina nhiều hơn. Thực phẩm, ngũ cốc, lúa mì, bơ, sữa và nhất là thịt bò tăng giá vì phải nhập từ xa, tốn kém nhiều chi phí chuyên chở. Vấn đề này không đặt ra ở thời điểm mà Venezuela xuất khẩu dầu hỏa với giá 120-150 đô la một thùng. Nhưng khi giá dầu bị giảm đi phân nửa, rồi chỉ còn có 1/3 so với thu nhập hồi năm 2010, thì Venezuela lâm vào thế kẹt.

Thêm vào đó, ở vào đầu những năm 1980 kinh tế Venezuela phụ thuộc 75 % vào dầu hỏa, nhưng 25 % còn lại gồm nhiều có nhiều lĩnh vực như công nghệ hóa chất, nhựa và kể cả ngành công nghiệp xe hơi. Trong hơn một chục năm dưới thời của tổng thống Chavez, chỉ còn có mỗi ngành dầu hỏa là đứng vững. Phần còn lại bị thui chột vì hàng sản xuất ra không bán được cho các đối tác trong khu vực Andean. Đặc biệt là cả Chavez lẫn Manduro đều quyết định đóng cửa biên giới với Colombia ».

Quản lý kém cỏi

Sau nhiều lần công tác trên quê hương của Chavez, phóng viên Pháp nhà báo François Xavier Freland nhận thấy là người dân Venezuela mới chỉ 5 năm trước có khuynh hướng béo phì vì ăn uống quá độ, nay đang hốc hác vì thiếu ăn. Với nhà báo François Xavier Freland, Venezuela được thiên nhiên ưu đãi nhưng do quản lý kém cỏi đang đẩy 30 triệu dân vào cảnh đói nghèo.

« Venezuela là một quốc gia may mắn có đủ mọi thứ : có rất nhiều sông ngòi, ruộng đất phì nhiêu. Xưa kia có những nông trại lớn hoạt động tại ngay trên vùng Barinas- quê của Chavez, nhưng nay tất cả đều đã đóng cửa vì thiếu phân bón, vì không có phương tiện để tiếp tục khai thác, chăn nuôi. Venezuela là xứ nuôi bò và gia súc, chỉ sau 2 thập niên lại phải đi mua lại thịt bò của Urugugay và Achentina với cái giá đắt đỏ ».

Nhà kinh tế Camillo Umana-Dajud nêu bật sai lầm của chính sách quốc hữu hóa các ngành công nghiệp chính của Venezuela :

« Mới chỉ vào quảng năm 1985 Venezuela giàu có và phát triển ngang tầm với Tây Ban Nha. Đây là vùng đất hứa của người nhập cư từ bỏ châu Âu đi tìm một chân trời mới để lập nghiệp. Nhưng từng bước, quốc gia nam Mỹ này lún vào khủng hoảng. Đặc biệt bất bình đẳng trong xã hội ngày càng lớn. Đây chính là chìa khóa đưa ông Chavez lên cầm quyền. Có thể nói là  trong 12 năm trời, Hugo Chavez đã thu hẹp được khoảng cách giàu nghèo đó lại.

Nhưng bên cạnh đó là hàng loạt những sai lầm trong chính sách kinh tế : chúng ta đã nói tới những vụ trưng thu đất để lập ra các hợp tác xã. Ngoài ra, nhà nước quốc hữu hóa luôn các nhà máy, các công ty khai thác quặng mỏ.

Hàng loạt các tập đoàn ngoại quốc rút vốn khỏi Venezuela. Những hãng cung cấp hàng cho Venezuela gần đây đều ngưng giao dịch với quốc gia này, vì Caracas không còn khả năng thanh toán. Venezuela nợ rất nhiều các công ty của Colombia, hay Chilê, Achentina …

Tất cả những yếu tố đó giải thích vì sao, hiện tại, người dân xứ này thiếu đủ mọi thứ, từ thực phẩm đến thuốc men và kể cả xăng dầu ».

Tự tay bóp chết con gà đẻ trứng vàng

Sau cùng chuyên gia về dầu khí người Venezuela, Colasante nêu lên « sự điên rồ » của chế độ Chavez đã từng bước bóp chết con gà đẻ trứng vàng, đem lại 96 % ngoại tệ cho quốc gia, bảo đảm 76 % ngân sách nhà nước :

« Venezuela đang nắm giữ nguồn dự trữ dầu hỏa lớn thứ nhì trên thế giới, chỉ sau có Ả Rập Xê Út. Nhưng người dân không có xăng. Venezuela có khả năng cung cấp 5.000 triệu thùng dầu một ngày, nhưng trước mắt chỉ sản xuất được có 1,8 triệu. Có nhiều yếu tố giải thích cho điều này : thứ nhất là thiếu đầu tư, do các tập đoàn ngoại quốc từ của Ý đến Anh, hay Hà Lan đều đã rút khỏi Venezuela.

Thứ hai là chính sách quốc hữu hóa của ông Chavez đã đem lại nhiều tai hại. Tập đoàn dầu khí lớn nhất trên toàn quốc bị nhà nước thâu tóm. Chính phủ đuổi một loạt các kỹ sư giỏi và có nhiều kinh nghiệm để đưa những thành phần trung thành với ‘cuộc cách mạng mang tên Chavez’ vào thay thế. Không có đầu tư, không có kỹ thuật và kinh nghiệm, chỉ trong một thời gian ngắn, một phần lớn của nền công nghiệp dầu khí Venezuela- nguồn thu nhập chính của cả nước- đương nhiên bị xuống cấp.

Điểm thứ ba là dầu của Venezuela vừa đặc vưà khó khai thác. Đòi hỏi đầu tư nhiều trong lĩnh vực lọc dầu, mà như đã nói, đầu tư vào công nghệ dầu hỏa của Venezuela đã xuống cấp nghiêm trọng dưới những năm tháng cầm quyền của Hugo Chavez và Nicolas Maduro. Hệ quả trực tiếp là đã xảy ra nhiều tai nạn, như vụ nổ nhà máy lọc dầu vì bảo quản kém … ».

Không chỉ thất bại với công luận trong nước, mà ngay cả trên trường quốc tế, mô hình xã hội chủ nghĩa thế kỷ 21 được ông Chavez vạch ra năm 1999 đã hết thiêng. Cánh tả ở châu Mỹ La Tinh đang phải thoái lui, từ Achentina tới Brazil. Trong lúc đồng minh cốt lõi của Venezuela là Cuba thì ngày càng hướng về Hoa Kỳ.

Caracas không còn khả năng tài chính để giữ những người bạn mới !

Thanh Hà

(RFI)

Không có nhận xét nào: