Bộ chỉ huy phía Tây thuộc quân đội Trung Quốc đã di chuyển hàng chục ngàn tấn phương tiện và thiết bị quân sự lên vùng phía bắc Tây Tạng từ khi nổ ra đợt căng thẳng biên giới với Ấn Độ. Bộ chỉ huy phía Tây là lực lượng giám sát các vùng Tân Cương, Tây Tạng và xử lý vấn đề biên giới với Ấn Độ, nhật báo PLA thuộc quân đội Trung Quốc đưa tin. Động thái này diễn ra vào cuối tháng trước và liên quan những phương tiện quân sự được vận chuyển theo đường bộ và đường sắt trên khắp khu vực. Nhật báo PLA không nói việc di chuyển trang thiết bị quân sự có phải để hỗ trợ đợt tập trận vừa diễn ra hay vì lý do nào khác.
Ông Ni Lexiong, nhà bình luận quân sự ở Thượng Hải, cho rằng, đợt tập trận và di chuyển vũ khí rất có thể liên quan đợt đối đầu và có thể được triển khai với ý đồ đưa Ấn Độ vào bàn đàm phán. “Đối thoại ngoại giao phải được hậu thuẫn bằng chuẩn bị quân sự”, ông Ni nói. Báo Hong Kong South China Morning Post dẫn lời một nhà quan sát khác nói rằng, việc Trung Quốc thể hiện sức mạnh có thể để cảnh cáo Ấn Độ. “Quân đội Trung Quốc muốn thể hiện rằng họ có thể dễ dàng vượt qua Ấn Độ”, nhà bình luận quân sự Zhou Chenming ở Bắc Kinh nhận định.
Ông Wang Dehua, chuyên gia về nghiên cứu Nam Á tại Viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, cho rằng, quy mô điều quân và di chuyển vũ khí cho thấy Trung Quốc ngày nay có thể bảo vệ biên giới phía tây của họ dễ dàng như thế nào. “Các chiến dịch quân sự đều phụ thuộc vào vấn đề hậu cần. Bây giờ có thể hỗ trợ hậu cần cho vùng Tây Tạng dễ dàng hơn nhiều”, ông Wang nói.
Nhắc đến phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley rằng “Ấn Độ ngày nay không phải Ấn Độ năm 1962”, ông Wang nói: “Trung Quốc giờ cũng khác Trung Quốc năm 1962”. Dù Trung Quốc có ưu thế về quân sự hơn Ấn Độ trong chiến tranh biên giới Trung - Ấn 1962 nhưng những khó khăn về hậu cần dẫn đến quyết định rút quân và đơn phương ngừng bắn. Nhưng giờ đây, quân đội Trung Quốc có thể “dễ dàng vận chuyển binh lính và trang thiết bị ra tiền tuyến nhờ cơ sở hạ tầng được nâng cấp, trong đó có tuyến đường sắt Thanh Hải - Tây Tạng và những con đường nối vùng cao nguyên với các khu vực khác của Trung Quốc”, ông Wang nói.
Tập trận rầm rộ
Hôm 17/7, kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin, quân đội Trung Quốc vừa tập trận bắn đạn thật trên cao nguyên Tây Tạng. Đợt tập trận có sự tham gia của lữ đoàn tác chiến mặt đất của Bộ chỉ huy vùng Tây Tạng và diễn ra trên khu vực cao nguyên cao 5.000m. Địa điểm và thời gian chính xác của đợt tập trận chưa được tiết lộ. Nhưng khu vực diễn ra tập trận được cho là cách không xa nơi lực lượng Trung Quốc và Ấn Độ đang đối đầu nhau ở vùng biên giới tranh chấp giao nhau với Bhutan.
Theo PLA, cuộc tập trận nhằm nâng cao năng lực chiến đấu của binh lính và bao gồm nhiệm vụ tấn công các vị trí của kẻ thù và phá hủy các mục tiêu cố định của địch như hầm trú ẩn. “Đợt tập trận thử thách hiệu quả năng lực tấn công phối hợp của lữ đoàn trên vùng cao nguyên”, thông cáo báo chí của PLA viết. Trong đoạn phim chiếu trên CCTV, lực lượng bộ binh được trang bị súng trường, súng tự động và xe phóng tên lửa xuất hiện trong hình ảnh đang di chuyển trên vùng địa hình mở với súng cối, đạn pháo và hỏa tiễn. Trong đoạn phim cũng có hình ảnh các tên lửa chống tăng được sử dụng để tấn công boong-ke và pháo phòng không 2 nòng.
“Trước đợt tập trận, lữ đoàn huy động tất cả quân nhân và trang thiết bị, vũ khí, rồi mất 6 giờ để vận chuyển từ các doanh trại đến vùng tập trận ở độ cao 5.000m trên cao nguyên”, báo Trung Quốc China Daily đưa tin ngày 18/7. Mỗi lữ đoàn có 4.000-7.000 quân.
Trong khi đó, quân đội Ấn Độ dự kiến đưa phiên bản mặt đất của tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos đến gần khu vực biên giới với Trung Quốc. Quân đoàn trên không cũng sẽ đưa một phi đội trực thăng được trang bị vũ khí lên biên giới.
Theo SCMP, The Diplomat