Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

VỊ XUYÊN, NHỮNG VẾT THƯƠNG CHƯA LÀNH


Tráng A Đụi có cái ống đựng điếu cày từ đuôi đạn pháo màu nâu, nặng 12 cân. Cái ống ấy, anh nhặt được trong hầm đá trên cao điểm 685 hơn mười năm trước - di vật còn sót lại của cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược biên giới suốt 10 năm trên đất Thanh Thủy, Vị Xuyên này.
Cái ống ấy, từng có người gạ trả một triệu đồng, nhưng anh không bán.

Ký ức tuổi thơ Đụi không bắt đầu từ Nậm Ngặt quê anh. Từ lúc biết nhớ, Đụi đã ở Bắc Mê, cách Nậm Ngặt tới ba ngày đi đường. Cả bản đã phải sơ tán đến đấy để tránh đạn pháo Trung Quốc. Những hôm trời trong, cậu bé cứ nghển cổ trông về hướng Bắc, nghe tiếng ùng oằng như sấm rền ở phía đường biên. Mẹ anh chỉ nói ngắn gọn "đang đánh nhau, có bắn pháo" rồi cấm chỉ ra ngoài. Nhìn xung quanh, Đụi thấy mấy nhà cũng chạy ra cửa, đứng trông về hướng Bắc.
Đụi phải bỏ quê đi từ ngày 2/4/1984.
Rạng sáng hôm ấy, bản Nậm Ngặt nằm cách đường biên nửa cây số đang say ngủ, Đầu tháng ba Âm lịch, trời còn se lạnh. Những nóc nhà người Dao chụm vào nhau, chìm trong sương núi. Tối hôm trước, vợ ông Bàn đã ngâm gạo nếp, nhốt sẵn gà để hôm sau đồ xôi ngũ sắc cúng ông bà ngày Tết thanh minh.
Một cơn mưa đạn pháo từ bên kia biên giới Trung Quốc nã sang.
Cả làng hô nhau dậy, tiếng thét, tiếng khóc râm ran lẫn tiếng pháo. Ông Bàn, cha nuôi Đụi vội đưa cả nhà xuống hầm trú ẩn. Cái hầm chữ A, trần bằng gỗ, nóc phủ cành cây, ông đào từ mấy năm trước. Miệng hầm nằm ở chỗ cao, mà đất dốc theo hướng Bắc – Nam nên miệng hầm quay về phía Bắc.
Chẳng ai hướng dẫn, nên nhiều miệng hầm trú ẩn ở Vị Xuyên những ngày ấy quay về hướng Bắc - hướng mà những quả đạn pháo bắn sang. Đã có những người bỏ mạng ngay nơi cửa hầm.
Sơ đồ giản lược đất liền của quỹ OpenStreetMap (Anh); chỉ mang tính minh họa vị trí. Các bài báo được chụp từ báo Nhân Dân từ 1979-1981
Rền rĩ suốt một ngày trời, đến tối, địch nghỉ bắn. Ông Bàn – khi ấy là chủ nhiệm HXT hô dân làng sơ tán. Cả thôn mò mẫm trong đêm, không dám thắp lửa vì sợ pháo lại nện xuống. Họ trú trong vách đá Ẻ Bang ngay sau cao điểm 468.

Ông Bồn Văn Bàn.
Thanh niên thì ở lại ít ngày giúp bộ đội chuyển đạn, vác bêtông lên xây lô cốt chống giặc. Còn lại nhận lệnh, người dân Nậm Ngặt bỏ nhà, bỏ trâu, bỏ cả nương lúa sắp vào vụ gặt để đi sơ tán. Từng đoàn người Mông, người Dao, người Tày ngược thị xã Hà Giang tản mát về Đường Âm, Giáp Chung, Yên Cường của huyện Bắc Mê, sang cả Bắc Quang.
Đi bộ ba ngày, họ dừng chân, cắm cái lều, phát nương, làm rẫy. 
Ông Bàn, cũng như nhiều người đàn ông cứng dạ khác, những ngày sau vẫn quay trở lại nhà. Họ muốn gỡ buộc con trâu để nó chạy đi khỏi chết. Họ tiếc cánh đồng lúa vừa chín chưa kịp gặt. Họ quay lại, để nhìn căn nhà, cứ thỉnh thoảng quay lại cho đến tận khi nhà mình đã trúng pháo tan thành tro.
Nếu không có lệnh trên di tản là ở lại rồi, đất của bố mẹ, mồ mả ông bà, nhà mình ở đó thì đi đâu.
Ông Bồn Văn Bàn
Loạt pháo ngày hôm ấy mở màn cho cuộc đánh chiếm hàng loạt cao điểm dọc biên giới Vị Xuyên, châm ngòi một cuộc tấn công kéo dài đến tận sáu năm sau.
Những ngày tháng sau đó, Trung Quốc đã nã vào Vị Xuyên khoảng 2 triệu quả đạn pháo. "Pháo đánh bạt cả núi, chỉ còn trơ ra đá vôi" - ông Thảo, phó bí thư Thanh Thủy bây giờ nhớ lại.
Ảnh chụp vệ tinh năm 1984 khu vực biên giới Vị Xuyên dường như gợi ý lời những nhân chứng. So với năm tháng khi tiếng pháo đã qua đi, nhiều đỉnh núi ngày ấy trơ ra những khoảng màu trắng, tương phản với màu xanh vốn có của núi rừng - như chi chít vết sẹo chém dọc ngang.
Trong đồ họa dưới đây, phía bên trái là ảnh vệ tinh khu vực Vị Xuyên (các rặng núi chính giữa ảnh) vào năm 1984, và bên phải là ảnh vệ tinh năm 1995, khi màu xanh đã quay trở lại.
Những cơn mưa đạn pháo điên cuồng thậm chí đã nung đá thành vôi, ông Thảo nhớ lại. Có lẽ không phải ngẫu nhiên, mà những người lính cũ, gọi cao điểm 685 là "lò vôi thế kỷ".
Và ngược hướng những đoàn người sơ tán ngày ấy, thị xã Hà Giang rầm rập từng đoàn xe chuyển quân, đạn dược lên trận địa. 

Bốn nghìn người nằm lại

Ngày 12/7/1984, trận mở màn chiến dịch MB84 của bộ đội Việt Nam giành lại cao điểm, hơn 1.000 chiến sĩ đã hy sinh.
Tổng cộng, trong 6 năm ấy, hơn bốn nghìn người lính đã nằm lại nơi chiến trường Vị Xuyên. Có đến một nửa trong số đó, vẫn chưa thể trở về quê mẹ sau hơn ba mươi năm. Hài cốt của họ còn nằm trên những sườn giông, vách núi...

Cựu binh Trần Văn Sơn.
Ông Trần Văn Sơn, trinh sát Sư đoàn 356  gọi thế hệ mình – lớn lên trong thập kỷ 80 là "nửa vời", chưa kịp tận hưởng hòa bình sau mùa Xuân 1975 được bao lăm, đã lại đi đào hào, cắm chông dọc biên giới chờ cuộc chiến khác.
Mùa xuân 1979, Lào Cai quê Sơn trở thành "vành đai trắng" khi quân Trung Quốc mang quân tàn phá 6 tỉnh biên giới. Cậu học sinh lớp 9 chiều hôm trước còn đến trường, sáng hôm sau đã theo mẹ sơ tán về tận Can Lộc, Hà Tĩnh.
Rồi Sơn vào bộ đội, lại cầm súng lên biên giới. Giấy gọi nhập ngũ đến trước giấy báo đậu Đại học Mỏ - Địa chất. Lúc ấy vừa xong đợt tân binh về thăm nhà, Sơn bọc tờ giấy báo vào nilon với ý nghĩ đánh trận xong về học tiếp.
“18 tuổi, nói về lý tưởng thì quá lớn lao, có lệnh là đi, biết chiến tranh khốc liệt nhưng không mường tượng được khốc liệt đến thế”
Cựu binh Trần Văn Sơn
Trong 5 năm, hơn 50 vạn quân Trung Quốc tiến công toàn diện biên giới Vị Xuyên, hơn 2 triệu quả pháo bắn vào Hà Tuyên, hơn nửa số đó là đạn cối, tập trung vào Thanh Đức, Thanh Thủy.
685,772, đồi Đài, Cô Ích, Bốn Hầm… trở thành những mục tiêu hủy diệt của đạn pháo Trung Quốc. Điểm cao 685 có chỗ bị bạt đến 3 m, trở thành "lò vôi thế kỷ". Quân của 9 đơn vị chủ lực Việt Nam thay phiên nhau bổ sung cho chiến trường. Nhiều đợt nhập ngũ diễn ra, hàng nghìn thanh niên tuổi đôi mươi đi về phía "lò vôi" không hẹn ngày về.

Khi tiếng pháo qua đi

Ngày 26/9/1989, khi đơn vị cuối cùng của quân tình nguyện Việt Nam rời khỏi Campuchia, các ngòi nổ căng thẳng ở hai đầu đất nước đều được tháo bỏ. Hai năm sau, Việt - Trung tuyên bố bình thường hóa quan hệ.
Vì những lý do lịch sử, khói lửa Vị Xuyên một thời không được nhắc đến. Một số đơn vị sau này giải thể, trở thành những "sư đoàn hóa đá"... Còn Trần Văn Sơn, 25 tuổi, trở về, mang theo mặc cảm thân thể không trọn vẹn và một nỗi buồn chiến tranh. Nhiều người không tin biên giới vừa trải qua một cuộc chiến khốc liệt.
Tiếng pháo ngưng rồi, dân Thanh Thủy, Thanh Đức, Xín Chải, Lao Chải lục tục kéo về. Ăn Tết xong, ông Bàn đưa con út về trước. Ngày trở về, ông đứng xa xa nhìn về phía thôn cũ, chảy nước mắt, chỉ thấy rừng, không thấy nhà cửa, ruộng nương, vách núi nham nhở vết đạn pháo cày.
Ông với mấy trai tráng xách rựa, men theo con suối trở về nhà cũ, không dám đi qua đồi vì sợ dính mìn. Những người đàn ông đầu tiên của thôn Nậm Ngặt trở về dựng cái lều ở tạm, rồi dọn cỏ, dọn mìn, phát nương, trồng lại lúa, nuôi lại dê, gà…rồi đón người thân. Ở Bắc Mê, ông cũng dựng được nhà sàn, phát được nương mới, không lo đói, nhưng vẫn quay về vì ở Nậm Ngặt có ruộng nương, mồ mả ông bà.
Mười năm sau đó, những nhà khác cũng lần lượt trở về. Đến giờ, Nậm Ngặt quây quần hơn 60 hộ.
Đã có thời, trai tráng Nậm Ngặt mưu sinh bằng nghề nhặt vỏ đạn.
Không ai đếm được có bao nhiêu vỏ đạn nằm lại quanh những sườn núi Vị Xuyên. Đàn ông trong làng mua những chiếc máy dò kim loại rẻ tiền, rồi đi mót sắt vụn bán. Hàng chục cân mỗi ngày. Mỗi cân sắt, bán được vài nghìn đồng.
Đoàn quân sắt vụn ấy, đã có người cụt chân, hỏng tay, mất cả mạng. Cộng thêm cả những người đi phát nương, dọn cỏ không may, hơn 40 người dân Thanh Thủy gặp nạn vì vật thể nổ, chủ yếu ở các thôn giáp biên như Nậm Ngặt, Hán Dương, Giang Nam. Trâu bò, ngựa chết vì bom mìn còn sót lại đếm không xuể.

Ông Nguyễn Văn Kim, trú thôn Thanh Sơn mất cả hai cánh tay vì kíp nổ khi đang phát rẫy trồng ngô. Người đàn ông chạy gần một km tới chỗ bộ đội đóng nhờ cấp cứu, may mắn thoát chết.
Nhà Bồn Văn Đặng một người chết, ba người cụt chân vì mìn, riêng Đặng mất chân phải.
Ông Nguyễn Đức Dân đi đào mương cho hợp tác xã, vấp phải ngòi nổ DK85, mất một tay. Nhiều năm nay, ông chỉ trông được nhà cho vợ và cầm bút viết tên mình, cơ mặt, cơ mắt giật liên hồi mỗi khi trái gió.
Những vết đau chiến tranh không kết thúc ngay sau một cú bắt tay.
Những người Vị Xuyên vẫn nhớ kỹ hình ảnh của năm 1984 tàn nhẫn ấy. Như bà Choòng. Bà đã già, nói năng đã chậm. Nhưng bà vẫn nhớ đứa con gái đầu lòng. Chị bị mảnh pháo văng xuyên qua ngực khi ngồi gần cửa hầm. Căn hầm có cửa quay về hướng Bắc.
Bây giờ ai hỏi, bà vẫn chỉ tay lên ngực mình. Đấy là chỗ mảnh đạn đã đâm vào ngực đứa con gái, xuyên qua lưng. Bao nhiêu năm bà vẫn ăn năn, vì phải đi sơ tán, chỉ kịp chôn cất con vội vàng, không kịp làm cái mộ đàng hoàng như người Tày phải có.
Người ta kể, mãi về sau này, cứ đến ngày mưa gió, bà lại khóc. Trên mộ người Tày vùng này, có một cái mái cọ. Bà thương con chết, mà không kịp làm cái mái cọ che đầu.
Con đường mòn dẫn vào bản Nậm Ngặt đi xuyên qua một số cao điểm, bên này là núi, bên kia là vực. Nhờ các cựu chiến binh vận động, đường đang mở rộng. Hôm trước máy còn xúc được hai quả mìn nguyên kíp nổ. Mỗi sáng ra khỏi nhà, gặp lũ trẻ trong bản đuổi đàn dê đi ăn, Đụi sẽ dặn chúng “Đừng chăn xa quá, không được đi vào chỗ mấy lô cốt kẻo dẫm phải mìn, biết không”.
Lưng chừng cao điểm 468 – nơi từng đặt sở chỉ huy tiền phương Sư đoàn 356 giờ xây đài hương và khu tưởng niệm liệt sĩ hy sinh tại Vị Xuyên, do các cựu chiến binh đóng góp, vận động nguồn xã hội hóa. Đứng ở nơi này nhìn được toàn cảnh chiến trường xưa.
Như nhiều trai bản, Tráng A Đụi từng đi nhặt vỏ đạn bán sắt vụn nhiều năm. Chỉ có chiếc vỏ đạn pháo 12 cân nhặt được ở cao điểm 685, là Đụi cương quyết không bán. Chiếc vỏ đạn được đào lên ngay gần một hầm bộ đội. Anh nghĩ loại đạn to này, là để khoan vào hầm. Anh cũng không lý giải tường tận được tại sao mình quyết định giữ nó lại.
Vài năm sau, cách chỗ nhặt được vỏ đạn ấy không xa, Đụi tìm thấy 5 bộ hài cốt liệt sĩ.
Thi thoảng, Đụi lên thắp hương cho các chú hồi xưa chiến đấu ở đây, rồi dọn dẹp. Mỗi năm vào giữa tháng 7, các cựu chiến binh hành quân trở về, gặp nhau tay bắt mặt mừng, thắp nén hương, có khi họ ôm đàn hát, rồi họ khóc.
Đức Hoàng - Hoàng Phương

Không có nhận xét nào: