Người Việt phải khai là 'Dân tộc Việt' trong cộng đồng 'Người Việt Nam' gồm 54 dân tộc anh em mà dân tộc Việt là đông nhất. Người Việt, ai cũng phải khai là dân tộc Kinh một cách vô lý. “Kinh” nghĩa là gì? Tự tìm hiểu tôi mới nghiệm ra không có dân tộc nào là dân tộc Kinh cả.
Hình minh họa |
Làm sao có thể dạy trẻ con lịch sự, biết kính trọng tổ tiên, ông bà khi tên đường đặt rất tùy tiện. Từ những cách gọi lai căng như Bà Triệu (Triệu Thị Trinh), Trần Hưng Đạo (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn)… đến những cách gọi thiếu tôn trọng như Thoại Ngọc Hầu (Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại), Lãnh Binh Thăng (Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng), Đề Thám (Đề Lĩnh Hoàng Hoa Thám)… Tệ nhất là cách gọi theo hỗn danh như Ký Con (Đoàn Trần Nghiệp, làm thư ký, nhỏ con), Đồng Đen (Nguyễn Văn Kịp)… Nếu những cách gọi này được phổ cập thì tiếng Việt sẽ thế nào?
Bi hài nhất là chuyện khai lý lịch. Thời bao cấp, có năm khai vài chục bản, không biết để làm gì. Trẻ vào nhà trẻ, mẫu giáo cũng khai lý lịch với phần trước 1975 làm gì trong khi ba mẹ các cháu cũng chưa sinh ra. Mà toàn chữ nghĩa mông lung. Khổ nhất là phần tự khai “Ưu khuyết điểm”. Chẳng biết phải tự đánh giá về mình thế nào cho đúng mà không nguy hại đến công việc đang làm. “Trình độ văn hóa” làm sao đo đếm, xác định? Thiên hạ chỉ nói trình độ học vấn thôi. Chuyện tiếu lâm kể là khi hỏi cung về “Nơi sinh”, có người dân tộc thiểu số đã thật thà trả lời: “Ai chẳng sinh ra từ chỗ đó mà còn hỏi?”. Rồi “quan hệ gia đình”, “quan hệ xã hội”. Từ quan hệ này có giống như “quan hệ bất chính” hay không?
Phần khai thành phần dân tộc càng khó hiểu. Người Việt, ai cũng phải khai là dân tộc Kinh một cách vô lý. “Kinh” nghĩa là gì? Tự tìm hiểu tôi mới nghiệm ra không có dân tộc nào là dân tộc Kinh cả. Chỉ có “người Kinh” trong khẩu ngữ. Khái niệm này có nguồn gốc từ thời nhà Nguyễn. Khi Nguyễn Ánh, sau nhiều năm bôn tẩu gian khổ, đã đánh bại Tây Sơn và lên ngôi vào năm 1802, lấy hiệu là Gia Long. Bài học xương máu Gia Long rút ra là mầm mống các cuộc nổi loạn luôn xuất phát từ đám nhà giàu, lợi dụng, xúi giục và tụ tập những người nghèo bất mãn để phản kháng theo ý đồ của mình. Những cuộc bạo loạn này sẽ nhanh chóng thành khởi nghĩa nếu được chính quyền địa phương hà hơi, tiếp sức. Phải dập tắt những bạo loạn từ trong trứng nước và nắm quyền kiểm soát chặt chẽ.
Sau khi lên ngôi, Gia Long đã cho tuyển chọn và bổ nhiệm người thân thích, họ hàng tỏa đi khắp nới nắm giữ các chức vụ từ làng xã cho đến huyện, phủ… Hết bà con thì lấy người đồng hương Phú Xuân, kinh đô nhà Nguyễn, đất tổ của Nguyễn Hoàng, Nguyễn Kim. Người Kinh có nghĩa là người Kinh đô. Dần dà, khái niệm “người Kinh” được mở rộng thành người miền xuôi, bao gồm cà người Hoa, người Chăm… Ngược lại là “người Thượng” nghĩa là người miền núi, người vùng cao. Nếu mình khai là dân tộc Kinh, chẳng lẽ các dân tộc thiểu số vùng cao sẽ khai chung là dân tộc “Thượng”? Khi đó người Việt chỉ có 2 dân tộc là “Kinh” và “Thượng”, chứ không phải 54 dân tộc như hiện nay.
Người Việt phải khai là “Dân tộc Việt” trong cộng đồng “Người Việt Nam” gồm 54 dân tộc anh em mà dân tộc Việt là đông nhất. Hiện nay, chỉ có duy nhất sách “Non nước Việt Nam”, tài liệu tham khảo nghiệp vụ du lịch do Tổng cục Du lịch xuất bản ghi rõ mục thành phần dân tộc cả nước và các địa phương là “Việt” có chữ Kinh trong ngoặc đơn (Kinh) kế bên để chú thích thêm; bên cạnh các dân tộc khác như Thái, Hoa, Chăm, H’ Mông, Tày, Nùng, Ê Đê… Có người bảo “Chuyện nhỏ, gọi dân tộc gì cũng được, miễn là đất nước giàu mạnh. Xã hội còn bao nhiêu chuyện lớn ngổn ngang”. Đúng là đất nước còn bao chuyện bức bách nhưng tôi không coi chuyện gọi sai tên dân tộc là chuyện nhỏ, không cần sửa. Chuyện nhỏ mà có tác hại lớn về nhận thức và cả hành động. Chuyện nhỏ không làm được sao có thể làm chuyện lớn?
Mong sao việc này được sửa sớm. Tôi chỉ muốn mình là dân tộc Việt chứ không thích làm dân tộc Kinh.
Nguyễn Văn Mỹ
(Một Thế Giới)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét