Đến gần đây tôi mới để ý và tìm hiểu về vụ kiện có lẽ là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, đó là việc một cá nhân khởi kiện một chính phủ của một quốc gia ra tòa án, trọng tài quốc tế để xét xử. Đó là vụ án Trịnh Vĩnh Bình kiện Nhà nước CHXHCNVN đòi bồi thường thiệt hại về kinh tế (tài sản) và quyền liên quan đến nhân thân mà ông này bị xét xử theo luật pháp Việt Nam trong cùng một vụ án hình sự vào cuối những năm của thập niên 1990s.
Ông Trịnh Vĩnh Bình |
Nhà nước Việt Nam nên nhớ cho vụ kiện hãng hàng không VNA (Vietnam Airlines) đã từng thua kiện tại tòa án ở Ý bởi nguyên đơn là một luật sư người nước này. Và hãng hàng không VNA vì chủ quan và nghĩ rằng một vụ kiện ở nước ngoài như vậy là không đáng kể và cũng không ảnh hưởng gì tới họ mặc dù có phán quyết của tòa án đi nữa, nên VNA đã hầu như im lặng trước tất cả các thông báo và triệu hồi tố tụng của tòa án ở Ý gửi sang với các yêu cầu phản hồi cũng như cung cấp chứng cứ chứng minh cho chính bị đơn. Nhưng chính suy nghĩ "ao làng" này đã khiến VNA phải trả một cái giá quá đắt khi bị đóng băng tài khoản và các hoạt động bay, khai thác hành khách ở Pháp, khi luật sư này đã yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án của tòa án ở Ý tại quốc gia được mệnh danh là kinh đô ánh sáng. Và tất nhiên, VNA đã phải móc hầu bao để chi trả khoảng 8 triệu Mỹ kim (tám triệu đô-la Mỹ) để thực hiện bản án mà tòa đã tuyên cho nguyên đơn người Ý kia.
Nay lại xuất hiện một vụ kiện nữa, lớn hơn rất nhiều lần vụ tranh chấp kinh tế về hàng không với doanh nghiệp quốc doanh vừa nêu trên. Doanh nhân Hà Lan gốc Việt kiện Nhà nước CHXHCNVN yêu cầu bồi thường phần tài sản đã bị tịch thu vào năm 1999 và việc bắt giam oan sai. Việt Nam đã tham gia ký kết Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư với Hà Lan năm 1994, và có các điều kiện về bảo hộ, bảo đảm tài sản và việc tham gia giải quyết tranh chấp theo thủ tục tòa án hoặc trọng tài.
Ông Trịnh Vĩnh Bình (người nước ngoài) đã khởi kiện vụ án này vào năm 2003, đến năm 2005 thì có vẻ như đã có thể thương lượng được nên các thủ tục giải quyết vụ việc đã được đình hoãn mà không có thông tin gì khác. Đến năm 2013, ông Trịnh Vĩnh Bình lại tiếp tục có đơn kiện Nhà nước CHXHCNVN ra trọng tài quốc tế ở Stokholm, Thụy Điển. Và ông này yêu cầu phía Việt Nam phải bồi thường một con số lên tới khoảng 1 (một) tỷ USD.
Việc khởi kiện tại trọng tài quốc tế là một hành vi rất khôn ngoan và đầy tính toán, bởi Việt Nam đã tham gia Công ước New York 1958, hiện nay có 130 quốc gia là thành viên. Và mỗi một phán quyết trọng tài, có tính chung thẩm - tức có hiệu lực ngay, sẽ có hiệu lực thi hành đối với không chỉ quốc gia chịu phán quyết mà có thể được thi hành tại bất kỳ quốc gia nào là thành viên của công ước này. Điều này bắt buộc Việt Nam phải tham gia một cách tích cực và chủ động trong việc bảo vệ quyền lợi của mình, nếu không sẽ mất quyền phản đối và quyền tự bảo vệ trong thủ tục tố tụng trọng tài.
Việc xem xét trước hết là về thẩm quyền trọng tài, sau đó đến luật áp dụng cho thỏa thuận trọng tài (đương nhiên Hiệp định song phương giữa Hà Lan và Việt Nam là không cần xem xét đến hiệu lực nữa), luật áp dụng để giải quyết về mặt nội dung của vụ án và cuối cùng là quy tắc tố tụng trọng tài nào sẽ được áp dụng để tố tụng.
Theo các thông tin thì ông Trịnh Vĩnh Bình đã thuê một hãng luật lớn ở Mỹ để theo đuổi vụ kiện. Còn phía Việt Nam đã sử dụng hãng luật của Pháp để tư vấn và đại diện pháp lý. Vụ kiện sẽ được mở vào ngày 21/08/2017 tới đây để xét xử về các yêu cầu của nguyên đơn trong các đòi hỏi về bồi thường thiệt hại đối với tài sản và việc chống lại bản án hình sự mà ông Bình cho rằng oan sai và là vi phạm về quyền nhân thân đối với ông này.
Nếu không theo sát và tiếp tục tư duy coi thường luật pháp quốc tế, dùng chính trị để chi phối xét xử, không thận trọng trong các tranh chấp vượt ra ngoài ranh giới quốc gia, thì cái giá phải trả sẽ vô cùng lớn. Nếu không thể bảo vệ được mình trong vụ kiện, thì trước hết là thiệt hại tài sản là một con số khổng lồ đối với ngân khố đang cạn kiệt, và hơn thế là các cơ hội đầu tư quốc tế cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sau này.
Lê Luân
(FB Lê Luân)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét