Thụy My
Tổng thống Mỹ Donald Trump thảo luận với các thượng nghị sĩ Cộng Hòa tại Nhà Trắng về bảo hiểm y tế, ngày 19/07/2017.REUTERS/Kevin Lamarque
Đã hẳn là tổng thống Donald Trump còn đến 1.280 ngày cầm quyền nữa, và đây chỉ mới là giai đoạn đầu. Nhưng theo Le Figaro, hiện nay « đại gia chuyên gây rối » vẫn chưa tung ra được lá bài ngoạn mục nào.
Trang nhất các báo Paris hôm nay chủ yếu dành cho thời sự Pháp quốc. Nhật báo Les Echosnêu ra vấn đề « Thuế thu nhập : Có hai nước Pháp », khi cứ 10 người Pháp thì có 6 người không phải đóng loại thuế này. Trên lãnh vực xã hội, Le Monde điều tra về cuộc sống thường nhật ở viện dưỡng lão, còn La Croix chú ý đến giáo dục – một phần ba số trường học đã quay trở lại nhịp độ tuần học bốn ngày như trước.
Libération băn khoăn « Còn lại gì ở trung tâm thành phố », khi những cửa hàng nhượng quyền của các thương hiệu lớn đang chiếm lĩnh các tuyến đường lớn, đẩy lùi các cửa hàng truyền thống ra xa hoặc phải dời vào những con đường nhỏ.
Riêng Le Figaro chạy tựa « Trump : Sáu tháng náo động nhưng mang lại rất ít kết quả ». Tờ báo dành nhiều trang bên trong để phân tích sáu tháng đầu nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ.
Donald Trump : Sáu tháng ầm ĩ nhưng chẳng làm được gì nhiềui
Trong bài xã luận mang tựa đề « Một tổng thống đang vướng mắc », cây bút bình luận Arnaud de La Grange của Le Figaro nhận định, nếu muốn tổng kết sáu tháng cầm quyền của Donald Trump, thì có thể viết rất nhiều… tin Twitter nhưng kết quả đạt được thì ít ỏi.
Hiện nay, tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ chưa vận động ra được một đạo luật nào đáng kể. Bức tranh toàn cảnh có vẻ u ám, tương phản hẳn với những tuyên bố hùng hồn trong chiến dịch tranh cử trước đây. Lẽ ra phải là một cuộc cách mạng, nhưng nay mọi việc đang giậm chân tại chỗ.
Thất bại cay đắng nhất vào hôm thứ Hai đầu tuần, là về cải cách bảo hiểm y tế. Việc hủy bỏ Obamacare là một trong những lời hứa mang tính biểu tượng nhất của ông Trump. Nhưng rốt cuộc chính Trumpcare mới vừa bị đánh đắm – là nạn nhân của sự chia rẽ trong chính đảng của tổng thống. Trước đó Donald Trump đã cảnh báo, nếu thất bại « tôi sẽ rất bực tức… » nên bây giờ chắc hẳn ông không vui vẻ gì.
Thời khắc vui tươi trên khán đài danh dự ở thủ đô Paris trong cuộc duyệt binh nhân Quốc khánh Pháp 14/7 và trên tháp Eiffel đã trôi qua, giờ là lúc hạ cánh một cách khó khăn cho chiếc Air Force One và vị hành khách nổi tiếng.
Donald Trump đã bắn cả một tràng liên thanh các nghị định, và chăm chỉ phá dỡ các công trình của người tiền nhiệm. Rút khỏi các hiệp định thương mại bị cho là không có lợi, khỏi hiệp định khí hậu Paris, bổ nhiệm một thẩm phán cho Tối cao Pháp viện - ông đã hành động chứ chẳng phải ngồi im. Nhưng tổng thống và ê-kíp của mình ngày càng mỏi mệt với các vụ xì-căng-đan và tranh cãi.
Nhìn chung, tình hình không mấy tốt đẹp, mang lại hình ảnh một tổng thống bị mắc mứu cả bên trong lẫn bên ngoài. Vì về phương diện đối ngoại cũng chẳng có cuộc cách mạng nào. Syria, Nga, Trung Quốc…vẫn là một sự tiếp tục chính sách thời Obama, với ít nhiều sai sót. Đã hẳn là còn đến 1.280 ngày cầm quyền nữa, và đây chỉ mới là giai đoạn đầu. Nhưng hiện nay « đại gia chuyên gây rối » vẫn chưa tung ra được lá bài ngoạn mục nào.
Thất bại cay đắng về bảo hiểm y tế
Les Echos trong bài « Không có cải cách nào sau sáu tháng cầm quyền » đã nhận định, do không thể sửa đổi được hệ thống bảo hiểm y tế, các thượng nghị sĩ Mỹ nay muốn bỏ hẳn Obamacare. Họ đã từng bỏ phiếu cho một dự luật tương tự năm 2015, nhưng bị Obama phủ quyết. Libération ví von « Những đại biểu Cộng Hòa chống đối đã gây mê Trumpcare ». Còn Le Figaro nặng lời hơn, cho rằng « Thất bại về cải cách Obamacare là một đòn rờ-ve nhục nhã cho Nhà Trắng ».
Trong bài « Trump trong ngõ cụt về Obamacare », thông tín viên Le Monde tại San Francisco cho biết, khi lăng-xê một tuần lễ « Made in America » hôm thứ Hai 17/7 tại Washington, tổng thống Trump vẫn còn hứa sẽ « gây ngạc nhiên » cho các công dân Mỹ, với việc Quốc Hội thông qua kế hoạch cải cách y tế của ông. Trump khẳng định « Đó sẽ là một ngày trọng đại cho nước Mỹ ».
Nhưng ngày trọng đại ấy còn phải chờ đợi lâu. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau tuyên bố của tổng thống, thêm hai thượng nghị sĩ Cộng Hòa thông báo chống lại dự luật. Hai khuôn mặt bảo thủ Mike Lee (tiểu bang Utah) và Jerry Moran (tiểu bang Kansas) loan báo gần như đồng thời, để khỏi phải bị coi là người phá hoại nỗ lực của phe Cộng Hòa suốt bảy năm qua.
Quyết định của hai thượng nghị sĩ trên, theo chân hai đồng nghiệp Rand Paul (Kentucky) và Susan Collins (Maine) trước đó khiến không thể đệ trình dự luật vì phải hội đủ 50 lá phiếu. Mitch McConnell, người đứng đầu 52 nghị sĩ Cộng Hòa ở Thượng Viện đành bó tay. Không chịu thua, ông Trump kêu gọi phe Cộng Hòa bãi bỏ hẳn Obamacare, dù chưa có luật khác thay thế, tức lại bắt đầu từ số không. Tuy nhiên nếu Thượng Viện thông qua thì phải hai năm sau mới có hiệu lực, trong khi một năm nữa là bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Một biện pháp mạnh như thế có thể làm lãnh vực bảo hiểm trở nên bất ổn, và khiến 30 triệu người Mỹ không có được bảo hiểm y tế. Libération dẫn lời nhà nghiên cứu Matthew Fiedler thuộc Center for Heath Policy của Brookings Institution nhận xét : « Điều mỉa mai là phe Cộng Hòa càng muốn xóa bỏ, thì Obamacare lại càng được lòng dân ».
Donald Trump, « thủ lãnh gây rối trong một thời kỳ rối loạn »
Trong bài « Donald Trump, người cầm đầu phá hoại », thông tín viên Le Figaro tại Washington đi vào chi tiết, qua bản tổng kết của nhà vận động hậu trường Bruce Mehlman, từng là thứ trưởng bộ Thương Mại dưới thời ông George W.Bush.
Qua 39 bảng phân tích, tổng thống Mỹ thứ 45 được mô tả như « thủ lãnh gây rối trong một thời kỳ rối loạn ». Đối với nhà vận động hành lang, kết luận này không phải là tiêu cực. Một mặt tổng thống Trump vẫn được 85% phe Cộng Hòa ủng hộ, và 95% trong số những cử tri đã bỏ phiếu cho ông. Mặt khác, chỉ có 8% phe Dân Chủ và 35% người không theo đảng phái nào đặt hy vọng vào ông Trump – một tỉ lệ thấp nhất so với tất cả các tổng thống tiền nhiệm.
Ngoài các khác biệt về ý tưởng và tính cách cá nhân gây tranh cãi, sự thiếu vắng một cải cách lập pháp mang dấu ấn của mình khiến ông Trump bị mờ nhòa. Ngoài cải cách y tế không đạt được đồng thuận như đã nói ở trên, việc cải cách thuế khóa với lời hứa giảm thuế cho cá nhân và doanh nghiệp vẫn chỉ mới là một tờ trình. Kế hoạch đại quy mô về cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỉ đô la vẫn chưa chào đời. Ngay cả « bức tường tuyệt vời » dọc theo biên giới Mêhicô cũng đang co rút lại như mảnh da lừa : chỉ mới được duyệt có 1,6 tỉ đô la so với chi phí ước tính 23 tỉ đô la, chiều dài 3.200 km giảm còn 1.500 km, chưa biết đã kể đến 1.000 km có sẵn hay không.
Từ thời Ronald Reagan đến nay, tất cả các đời tổng thống đều ghi được ít nhất một bàn thắng về lập pháp trong sáu tháng đầu cầm quyền. Vì sao tổng thống Donald Trump với đa số ở lưỡng viện lại không đạt được gì tại Quốc Hội ? Ông tố cáo phe Dân Chủ ngáng chân, nhưng theo Le Figaro, chính sự chia rẽ trong phe bảo thủ của ông và bản thân tổng thống cũng là trở ngại. Nhà Trắng để cho đội ngũ của mình mất phương hướng, do không có những chỉ thị cụ thể.
« Cuộc cách mạng mang tên Trump »
Trước đây do không có được đa số tại Quốc Hội, Barack Obama đành lãnh đạo qua các nghị định. Nay Donald Trump muốn phá vỡ các công trình của Obama bằng cùng một phương cách.
Ngay từ khi nhậm chức, ông Trump đã « quăng lựu đạn » vào thị trường bảo hiểm y tế đang rất mong manh, tố cáo hiệp định TPP và đòi thương lượng lại hiệp định Alena với Canada và Mêhicô, siết chặt nhập cư, hủy bỏ mấy chục quy định về môi trường, lao động, bảo vệ người tiêu dùng và thị trường tài chính. Trump rút khỏi hiệp định khí hậu Paris, khiến Hoa Kỳ trở thành nước duy nhất trong 195 quốc gia chối bỏ chữ ký của mình.
Quốc Hội Mỹ tham gia « doanh nghiệp chuyên đập phá » này, đã 14 lần vận dụng thủ tục xem xét lại - vốn chỉ được sử dụng có mỗi một lần trong suốt 20 năm qua - về nhiều lãnh vực khác nhau, từ gọi thầu cho đến than đá, rác thải…Các bộ trưởng trong chính quyền Trump cũng không kém phần tích cực. Tân giám đốc cơ quan bảo vệ môi trường (EPA) là Scott Pruitt sau khi ông Trump bãi bỏ Clean Power Plan (áp đặt trần ô nhiễm cho các nhà máy điện) cũng đã hủy luôn khoảng 30 quy định ràng buộc các tập đoàn dầu khí, hóa chất…
Tờ báo đặt ra rất nhiều câu hỏi. Có cần thiết phải xóa các dữ liệu khoa học về khí hậu trên trang web của EPA hay không ? Có nên cắt mất phân nửa ngân khoản dành cho phát hiện sóng thần ở Thái Bình Dương, để trống 67 chiếc ghế đại sứ từ sáu tháng qua, giảm ngân sách và để cho nhiều bộ thiếu nhân sự trầm trọng ?
Hãy còn quá sớm để đánh giá tác động của « cuộc cách mạng Trump ». Bruce Mehlman khi phân tích các tin Twitter của ông Trump nhận thấy đến 80% tập trung vào việc « đánh phá kẻ thù » trong truyền thông hay tư pháp.
Để những người ủng hộ ông Trump thay đổi ý kiến, « cần phải thuyết phục được rằng phó tổng thống Mike Pence có thể làm được những điều tương tự với ít thiệt hại hơn, và đài Fox News phải nói với họ như thế » - theo Robert Leonard, giám đốc một đài phát thanh ở Knoxville, một trong những lãnh địa của Donald Trump. Nhưng điều này không phải sẽ diễn ra trong một sớm một chiều.
Các gia đình Triều Tiên ly tán và hy vọng mong manh
Liên quan đến châu Á, Le Monde nói về việc « Seoul đề nghị Bình Nhưỡng đối thoại ». Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In muốn tái thương lượng về vấn đề quân sự với Bắc Triều Tiên.
Tất cả liên lạc chính thức giữa hai miền Triều Tiên đã bị cắt đứt từ tháng 12/2015, và trận lụt décibel các loa tuyên truyền của hai bên tái diễn dọc theo vùng phi quân sự (DMZ). Tổng thống Moon đề nghị chấm dứt các « hoạt động thù địch » tại khu vực này kể từ ngày 27/7, nhân kỷ niệm ngưng bắn năm 1953. Cho đến trưa thứ Ba, Bình Nhưỡng vẫn chưa trả lời.
Được Liên Hiệp Châu Âu ủng hộ, đề nghị của ông Moon được được đưa ra một hôm sau khi Hồng thập tự Hàn Quốc đòi hỏi nối lại thương thảo về việc tổ chức cho các gia đình bị chia ly trong cuộc chiến Triều Tiên (1950-1953) được gặp gỡ, nhân dịp lễ chusok cúng ông bà vào tháng 10 tới. Tại Hàn Quốc, 60.000 người tuổi đã về chiều đang chờ đợi mỏi mòn để gặp lại người thân, nhưng việc thương lượng không dễ dàng. Trong quá khứ, Bình Nhưỡng từng đặt ra các điều kiện như gởi trả 12 nhân viên một nhà hàng Bắc Triều Tiên tại Trung Quốc bỏ trốn chắng hạn.
Singapore có thật sự là đất nước lý tưởng ?
Cũng về châu Á, nhật báo La Croix trong loạt bài mùa hè nói về sức mạnh của các đô thị lớn, dành ba trang cho Singapore. Sau khi giành độc lập năm 1965, Singapore trở thành cường quốc kinh tế. Nhưng phía sau thành công rực rỡ là một Nhà nước định hướng và quyết định tất cả. Cung cách quản trị này đang bị đối lập đặt lại vấn đề, và họ bắt đầu lên tiếng.
Tất cả những người ngoại quốc làm việc tại Singapore đều khen ngợi sự sạch sẽ, quản lý đô thị hiệu quả. Là trung tâm tài chính lớn nhất Đông Nam Á, có đội ngũ giỏi, hệ thống y tế hiện đại, nhưng người Singapore ngày càng cảm thấy thiếu thốn không gian theo nghĩa đen cũng như nghĩa bóng.
Một nhà báo lão luyện Singapore trong cuộc gặp gỡ bí mật tại một quán cà phê nhận định : « Câu chuyện thành công của Singapore đã đến hồi cuối. Cách đây 50 năm, giữa chính quyền và dân chúng đã có một hiệp ước : bạn hãy im lặng, và tôi mang đến cho bạn sự thịnh vượng. Nhưng thỏa thuận này ngày nay đang gặp nguy hiểm ». Chưa kể một cuộc khủng hoảng địa ốc ngầm, nhiều căn hộ hạng sang không có người mua đã phải giảm giá phân nửa. Một cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba đe dọa công ăn việc làm tại đảo quốc, và Bắc Kinh thì coi như Singapore như con rối của Mỹ nên tìm cách chèn ép.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét