Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

BÌNH THUẬN ĐỀ XUẤT PHƯƠNG ÁN SỬ DỤNG VẬT CHẤT NẠO VÉT

Ngày 23-7, tin từ Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết đã có văn bản gửi Ban Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng liên quan đến hai dự án nhận chìm bùn, cát nạo vét xuống biển của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 và EVNGENCO 3.
Theo đó, văn bản này đề nghị trung ương xem xét, chỉ đạo, nghiên cứu phương án sử dụng vật chất nạo vét để san lấp mặt bằng làm các công trình lấn biển. Bình Thuận sẽ khảo sát, chọn và đề xuất các bộ, ngành chức năng vị trí sử dụng vật chất nạo vét để lấn biển.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án nhận chìm bùn, cát nạo vét xuống biển gần Hòn Cau không có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) ở vị trí nhận chìm. Cụ thể, dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn, cát nạo vét của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 do Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam (ông Hà Quốc Quân, cán bộ Bộ Công Thương, làm tổng giám đốc, đã bị tạm đình chỉ - PV) thực hiện ghi rõ căn cứ pháp lý để họ thực hiện dự án này là các quyết định của Bộ TN&MT, đặc biệt là Công văn số 3519/UBND-KT ký ngày 29-7-2010 do một phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ký. Cụ thể công văn này nêu rõ: “Đồng ý, không yêu cầu Ban quản lý dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân lập ĐTM riêng cho khu vực đổ thải vật liệu nạo vét cảng biển nước sâu Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân như đề nghị của Sở TN&MT” (nguyên văn). Lý do được giải thích là việc nạo vét và đổ thải nạo vét là một hạng mục của ĐTM trong dự án Hệ thống cảng biển nước sâu Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân đã được Bộ TN&MT họp thẩm định.
Liên quan đến dự án này, theo nguồn tin của chúng tôi, tại cuộc họp hội đồng thẩm định của Bộ TN&MT ngày 20-2 tại Hà Nội, trong danh sách có 22 ủy viên thì có bốn trường hợp vắng mặt. Kết quả có một ủy viên không bỏ phiếu và 17 người còn lại không ai bỏ phiếu cho mục “Hồ sơ đủ điều kiện cấp giấy phép nhận chìm ở biển”.
Được biết trong số 17 ủy viên có 14 phiếu yêu cầu cần bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ để xem xét và ba phiếu khẳng định hồ sơ không đủ điều kiện để cấp phép. Thế nhưng sau đó bốn tháng (ngày 23-6), Bộ TN&MT đã cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát nạo vét xuống biển.
Chiều 23-7, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận, người được mời tham gia hội đồng thẩm định, cho biết hôm đó ông vắng mặt vì trước đó hai ngày mới nhận được giấy mời nên không thể sắp xếp, chuẩn bị được.
“Hơn nữa tôi không đi dự là vì mình không có chuyên môn. Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận không đồng tình với dự án nhận chìm này và nếu vẫn thực hiện thì phải mời các nhà khoa học khảo sát, đánh giá toàn diện chứ không thể mạo danh các nhà khoa học mà báo chí đã nêu được. Theo tôi, cần phải tính toán đến phương án khác, chẳng hạn đưa khối lượng bùn, cát nạo vét đi san lấp các khu vực xói lở ven biển. Đây là phương án khả thi nhất, không ảnh hưởng môi trường sinh thái của biển cũng như không ảnh hưởng đến sinh kế người dân và ngành du lịch Bình Thuận” - ông Khoa đề xuất.

PHƯƠNG NAM

Không có nhận xét nào: