Ông Trần Bắc Hà đang ở Lào?
09/08/2017 14:26
(NLĐO) – Liên hệ qua số điện thoại di động mà ông Trần Bắc Hà thường dùng, chúng tôi nhận được thông báo “thuê bao quý khách hiện đang tắt máy hoặc ngoài vùng phủ sóng” bằng tiếng Lào và tiếng Anh
Sau khi xuất hiện tin đồn về ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), trưa 9-8, phóng viên Báo Người Lao Động đã gọi vào số điện thoại di động ông Hà hay dùng nhưng nhận được thông báo "thuê bao quý khách hiện đang tắt máy hoặc ngoài vùng phủ sóng" bằng tiếng Lào và tiếng Anh.
Theo người thân của ông Hà, có thể hiện nay ông đang ở bên Lào để quản lý cơ sở kinh doanh của gia đình đang hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp. "Cách đây khoảng 1 tháng, ông Trần Bắc Hà có về quê Bình Định chơi mấy ngày rồi đi. Trước khi đi, ông ấy hứa sẽ về lại quê tổ chức sinh nhật vào ngày 19-8 tới. Còn việc rộ tin đồn ông Hà có liên quan đến sai phạm của ông Trầm Bê tại Sacombank và Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB), tôi nghĩ chắc không có đâu (?)"- một thuộc cấp thân tín của ông Trần Bắc Hà khi còn làm ở BIDV cho hay.
Ông Trần Bắc Hà quê ở huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định; ông tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Tài chính – Kế toán. Năm 1981, ông Hà bắt đầu làm việc tại BIDV, đến năm 1991 được bổ nhiệm làm Giám đốc BIDV – Chi nhánh Bình Định. Năm 2003, ông Hà được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc BIDV, đến năm 2007 được bổ nhiệm Tổng giám đốc BIDV. Từ năm 2008 đến tháng 9-2016 là Chủ tịch HĐQT BIDV. Như vậy ông Trần Bắc Hà đã có 35 năm công tác tại BIDV, trong đó có hơn 8 năm giữ chức Chủ tịch HĐQT BIDV.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi chính thức nghỉ hưu theo chế độ (1-9-2016), ông Trần Bắc Hà thường xuyên qua lại nước Lào để mở rộng hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp. Một số doanh nghiệp ở Bình Định đang đầu tư kinh doanh tại Lào cho biết khoảng 1 năm qua, doanh nghiệp của ông Hà đã sang nhượng hàng ngàn ha đất của một số doanh nghiệp tại các tỉnh Nam Lào để trồng cao su, cà phê và nhiều loại cây khác. Hiện nhiều diện tích trồng cây nông nghiệp của doanh nghiệp ông Hà tại Lào đang bước vào thu hoạch, chuẩn bị xuất khẩu ra nước ngoài.
Đức Anh
Ông Trần Bắc Hà lên tiếng trước tin đồn
09/08/2017 13:27
(NLĐO)- Trả lời báo chí sáng 9-8 trước những tin đồn liên quan tới mình, ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch BIDV, cho biết ông hiện bình thường, trong khi tin từ BIDV cho biết mọi hoạt động của ngân hàng diễn ra bình thường.
Ông Trần Bắc Hà khi làm Chủ tịch HĐQT BIDV
Nguồn tin từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sáng nay 9-8 cho biết mọi hoạt động của ngân hàng vẫn đang diễn ra bình thường. Ban lãnh đạo BIDV không có ý kiến gì trước tin đồn liên quan đến cựu chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà, người đã nghỉ hưu gần 1 năm nay.
Về diễn biến bất lợi của giá cổ phiếu BID trên thị trường chứng khoán sáng nay 9-8, nguồn tin này cho biết cổ phiếu BID có lúc giảm sàn do có hiện tượng bán tháo nhưng sau đó đã phục hồi vào cuối phiên giao dịch buổi sáng.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán cho thấy khoảng 10 giờ sáng 9-8, cổ phiếu BID bất ngờ chìm trong sắc đỏ và lao dốc giảm xuống mức kịch sàn còn 20.400 đồng/cổ phiếu. Khoảng 1 giờ sau, cổ phiếu BID rút ngắn biên độ giảm khi bên cạnh lệnh bán đã có dòng tiền đổ ra mua lại cổ phiếu này, kéo giá nhích lên mức 20.800 đồng. Đóng cửa phiên giao dịch sáng nay, VN-Index đã giảm tới 10 điểm khi đứng ở mức 781,15 điểm, có 204 mã giảm giá, trong đó giảm mạnh nhất là cổ phiếu ngân hàng.
Giới phân tích đánh giá sự lao dốc của cổ phiếu BID sáng 9-8 có ảnh hưởng từ thông tin ông Trần Bắc Hà, cựu chủ tịch BIDV, có thể có liên quan đến đại án ngân hàng do ông Trầm Bê, Phạm Công Danh gây sai phạm, thất thoát.
Trao đổi với báo chí sáng 9-8, ông Trần Bắc Hà khẳng định "Tôi vẫn bình thường mà". Sau đó, ông Trần Bắc Hà đã tắt máy, không liên lạc được.
Ông Trần Bắc Hà làm việc trong hệ thống BIDV từ năm 1981 và nhận quyết định nghỉ hưu ngày 19-8-2016. Ông Hà có 4 năm làm Tổng giám đốc và hơn 8 năm làm Chủ tịch HĐQT của BIDV. Đây không phải lần đầu tiên có tin đồn xấu liên quan đến cá nhân ông Trần Bắc Hà. Năm 2013, thị trường chứng khoán cũng từng chao đảo khi có tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt vì liên quan đến khoản cho Southern Bank vay 5.000 tỉ đồng.
T.Hà
Tổng cục Cảnh sát: Không có việc đã bắt ông Trần Bắc Hà
09/08/2017 14:22 GMT+7
- Theo tin từ Tổng cục Cảnh sát, không có việc bắt ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Trao đổi với phóng viên đầu giờ chiều nay qua điện thoại, một lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) bác thông tin đã bắt ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV.
Vị này khẳng định: "Làm gì có, không có. Đây là tin đồn thôi”.
Ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV |
Ông Trần Bắc Hà sinh năm 1956, quê quán Bình Định, cư trú ở 20 Hàng Tre, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ông là cử nhân Tài chính - Kế toán.
Ông Hà bắt đầu làm việc ở BIDV từ năm 1981. 10 năm sau, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc BIDV, chi nhánh Bình Định và giữ chức này trong 8 năm.
Đến năm 2003, ông được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc BIDV. Đến năm 2007, ông là Tổng giám đốc BIDV.
Từ năm 2008 đến tháng 9/2016, ông Hà là Chủ tịch HĐQT BIDV. Như vậy ông Trần Bắc Hà đã có 35 năm công tác tại BIDV và hơn 8 năm giữ chức Chủ tịch HĐQT BIDV. Ông Hà nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/9/2016.
Ông Hà được xem là người tạo ra những bước chuyển mình của BIDV trong thời điểm thị trường ngân hàng ăn nên làm ra. Tài sản của BIDV đã tăng gần 4 lần, từ mốc 248.000 tỉ đồng năm 2008 lên 930.000 tỉ vào tháng 6/2016. Lợi nhuận trước thuế tăng mạnh từ 2.350 tỉ đồng năm 2008 lên 7.948 tỉ đồng năm 2015. Vốn điều lệ của BIDV đã tăng lên 28.112 tỉ đồng và là ngân hàng có quy mô vốn điều lệ lớn thứ 3 trong toàn hệ thống.
Trước đó, tin đồn ông Hà bị bắt đã từng xuất hiện vào tháng 2/2013. Các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc xử lý các cá nhân tung tin đồn này.
Bắt giữ ông Trầm Bê
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Trầm Bê.
Vụ ông Trầm Bê: Bộ Công an bắt 16 người
Bộ Công an phát đi thông báo liên quan đến việc khởi tố, bắt giam ông Trầm Bê cùng một loạt bị can khác.
Bắt tạm giam Trịnh Xuân Thanh
Cơ quan điều tra, Bộ Công an đã ra lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Xuân Thanh.
Trịnh Xuân Thanh: Tôi về đầu thú để đối diện với sự thật
Trả lời trên kênh VTV1, Trịnh Xuân Thanh cho biết quay về Việt Nam đầu thú để đối diện với sự thật.
Khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam nguyên TGĐ PVtex Vũ Đình Duy
Ông Vũ Đình Duy và nguyên chủ tịch HĐQT Trần Trung Chí Hiếu bị khởi tố tội cố ý làm trái. Vũ Đình Duy đã trốn đi nước ngoài chữa bệnh.
Nhị Tiến
Phủ nhận tin đồn bắt ông Trần Bắc Hà, chứng khoán vẫn đỏ sàn
TPO - Chiều nay (9/8), mặc dù có các phủ nhận đồn đoán về việc cựu chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà bị bắt nhưng cổ phiếu BID hiện vẫn giảm gần kịch sàn.
Những thông tin liên quan đến cá nhân của cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV – ông Trần Bắc Hà và đại án Phạm Công Danh vẫn “loan” trên thị trường chứng khoán, gây tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư, thị trường chứng khoán phiên sáng và mở hàng chiều đang đỏ sàn.
Chiều 9/8, mặc dù đã có các phủ nhận đồn đoán về việc cựu chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà bị bắt nhưng cổ phiếu BID hiện vẫn giảm gần kịch sàn. Các cổ phiếu “họ BIDV” như BSI, BIC cũng giảm điểm.
Tại thời điểm 14h, chỉ số VnIndex giảm 16,5 điểm (2,08%) xuống 775,07 điểm; Hnx-Index giảm 1,79 điểm (1,74%) xuống 100,5 điểm và Upcom-Index giảm 0,16 điểm (0,28%) xuống 55,04 điểm. Hiện, VNM cùng với BID đang là 2 cổ phiếu gây ảnh hưởng tiêu cực nhất tới thị trường lúc này.
Vào lúc 10h20 hôm nay, trong lúc thị trường chứng khoán trong nước giảm điểm mạnh thì giá cổ phiếu của BID của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng giảm sàn, xuống mức 20.400 đồng mỗi cổ phiếu, tương đương mức giảm 2.200 đồng mỗi cổ phiếu so với chốt phiên giao dịch chiều hôm qua.
Cùng đó, một loạt các cổ phiếu ngân hàng ngành khác như : CTG, ACB, EIB, MBB, STB, VCB… đều giảm giá. Rất may, kết thúc phiên, BID giao dịch ở mức 21.000 đồng mỗi cổ phiếu (giảm 900 đồng/cổ phiếu so với chiều qua).
Trong khi nhiều nhà đầu tư tỏ ra hoang mang thì 1 tờ báo điện tử đã lập tức thông tin cho biết phóng viên đã liên lạc được với ông Hà và ông Hà nói” Tôi vẫn bình thường” (phóng viên khác cho hay liên lạc muộn hơn chút và các số điện thoại của ông đều tắt máy) . Còn theo tờ Pháp luật TP.HCM, phóng viên báo này cho biết đã liên lạc qua điện thoại với một lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an): Khi chúng tôi đặt câu hỏi về thông tin bắt giữ trên, vị này khẳng định "Làm gì có, không có. Đây là tin đồn thôi”.
Dù đã nghỉ hưu hơn 1 năm nay và chiếc ghế trống chủ tịch BIDV vẫn chưa có người ngồi nhưng dấu ấn của cựu chủ tịch BIDV sau 8 năm đương vị vẫn còn quá lớn. Việc giảm giá đột ngột này của BID đến từ tin đồn ông Trần Bắc Hà có thể đã bị bắt, và có liên quan tới đại án Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và Phạm Công Danh.
Cụ thể tại đại án VNCB, theo kết quả xác minh của cơ quan điều tra, đến nay có đủ căn cứ để xác định do cần tiền để chứng minh năng lực tài chính, tăng vốn điều lệ Ngân hàng Xây Dựng (VNCB) từ 3.000 lên 7.500 tỷ đồng (theo đề án tái cơ cấu được NHNN phê duyệt) và cần tiền để Tập đoàn Thiên Thanh trả nợ vay cũ, Phạm Công Danh đã thành lập 12 công ty đứng tên vay vốn BIDV theo phương án kinh doanh khống là bổ sung nguồn vốn kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD).
Phạm Công Danh đã lợi dụng mối quan hệ với lãnh đạo BIDV và việc BIDV được NHNN giao làm đầu mối triển khai gói "4 nhà" để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, giải phóng VLXD. Đồng thời lợi dụng thoả thuận hợp tác giữa VNCB và BIDV với nội dung: "BIDV ủng hộ VNCB tham gia chuỗi liên kết 4 nhà của BIDV với tư cách ngân hàng của người bán, trên cơ sở VNCB có khách hàng/đối tác tham gia tích cực vào chuỗi liên kết này" để đề nghị BIDV xem xét cấp hạn mức cho vay 12 công ty do VNCB giới thiệu. VNCB sẽ cam kết dùng số dư tiền gửi tại BIDV để cầm cố bảo lãnh cho khoản vay nếu tài sản bảo đảm (TSBĐ)của các công ty trên không đủ.
Do đó, TSBĐ của 12 khoản vay là các bất động sản ở Đà Nẵng đứng tên các công ty thuộc Thiên Thanh (gồm: 6 lô đất Sân vận động Chi Lăng, đất tại số 209 Trường Chinh, Đà Nẵng) và tiền gửi của VNCB tại BIDV (3.070 tỷ đồng có cam kết duy trì gửi tiền 7 tháng).
Số tiền VNCB gửi tại BIDV có kỳ hạn là 7 ngày và đã có tờ trình xin ý kiến của Tổ giám sát về việc này với lý do là để đảm bảo khả năng thanh khoản ngay. Tờ trình có chữ ký của thành viên Tổ giám sát nhưng không ghi đồng ý hay không.
Đây không phải lần đầu tiên cựu Chủ tịch BIDV dính vào tin đồn. Trước đó, hồi tháng 2/2013, ông Hà vướng vào tin đồn bị bắt giữ. Thông tin này ngay lập tức gây xáo động tới tài chính tiền tệ thời điểm bấy giờ. Hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo, các chỉ số chứng khoán sụt giảm mạnh, hoạt động “bán tháo” chứng khoán diễn ra trên diện rộng khiến chỉ số sụt giảm mạnh gây ra mức giảm sâu nhất kể từ tháng 8/2012 đến nay, sau vụ Bầu Kiên bị bắt.
Ông Trần Bắc Hà, sinh năm 1956, quê quán Bình Định, cư trú ở 20 Hàng Tre, Hoàn Kiếm, Hà Nội; Trình độ Cử nhân Tài chính - Kế toán. Ông Hà bắt đầu làm việc ở BIDV từ năm 1981 và đến năm 1991 ông được bổ nhiệm làm Giám đốc BIDV – Chi nhánh Bình Định trong 8 năm. Đến năm 2003, ông Hà được bổ nhiệm làm phó tổng giám đốc BIDV và đến năm 2007 là Tổng giám đốc BIDV.
Từ năm 2008 đến tháng 9/2016, ông Trần Bắc Hà là Chủ tịch HĐQT BIDV. Như vậy ông Trần Bắc Hà đã có 35 năm công tác tại BIDV và hơn 8 năm giữ chức Chủ tịch HĐQT ngân hàng nay. Ông Hà nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/9/2016. Tuy nhiên, cho đến nay, BIDV vẫn chưa có tân chủ tịch mà chỉ có một Ủy viên phụ trách HĐQT là ông Trần Anh Tuấn (cũng sắp đến tuổi nghỉ hưu). Thông tin mà Tiền Phong có được, khả năng ghế trống chủ tịch BIDV vẫn còn thêm một thời gian nữa.