Quân sự |
"Cuộc đời ông có rất nhiều cái được làm đầu tiên, Tổng tham mưu trưởng, Cục trưởng, Hiệu trưởng, Đại đoàn trưởng..."
LTS: Trong thế kỷ XX, nhân dân ta đã tiến hành thắng lợi hai cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, đó là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Trong khói lửa chiến tranh, đã xuất hiện nhiều lớp cán bộ điển hình, mẫu mực, có trình độ chỉ huy, tác chiến giỏi; luôn nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Nhiều đồng chí trở thành sĩ quan cấp tướng trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Để góp thêm một góc nhìn mới về chân dung các vị tướng trong những khoảnh khắc đời thường, về những điều mà chỉ có người thân của họ mới được chứng kiến, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả một số bài viết đặc sắc trong cuốn sách "Tướng lĩnh Việt Nam thế kỷ XX qua lời kể của người thân".
NHỮNG ĐIỀU BA DẠY CHÚNG TÔI
(Hoàng Quốc Trinh - Con trai Đại tướng Hoàng Văn Thái)
Đại tướng Hoàng Văn Thái (1915 - 1986)
Tên thật: Hoàng Văn Xiêm
Quê quán: xã Tây An, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ông tham gia cách mạng năm 1936, vào Đảng năm 1938, nhập ngũ năm 1944, được phong Đại tướng năm 1980.
Đại tướng Hoàng Văn Thái được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công (hạng Nhất, hạng Nhì)...
(Nguồn: Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, trang 484)
"Uy tín của ba là để làm việc, con đừng nhờ ba xin xỏ cho con điều gì"
Ba mẹ chúng tôi có 3 người con, tôi là đứa phải xa nhà nhiều nhất, 4 tuổi (năm 1950) tôi đã đi vào nhà trẻ Việt Bắc, rồi sau đó sang Trung Quốc học.
Hòa bình lập lại, tôi về nước, học phổ thông được vài năm tôi đi bộ đội, còn ba mẹ vào miền Nam mãi đến năm 1974 mới ra, khi đó tôi lại vào Nam phục vụ chiến đấu, rồi lập gia đình nên thời gian tôi bên ba không thực sự nhiều.
Tuy thế, ba vẫn rất quan tâm tới việc dạy dỗ tôi và các em, mỗi khi có dịp, ba thường nhắc nhở và dạy bảo rất cẩn thận.
Dù bận nhiều công việc, ông hay viết thư cho anh em tôi, cũng có lúc ông lên tận trường thăm, đồng thời hỏi han thầy cô việc học tập của chúng tôi.
Về sau, mỗi khi từ miền Nam ra Bắc công tác, để đảm bảo công tác bí mật, ông không về nhà mà cho đón chúng tôi về nhà nghỉ ở Quảng Bá chơi với ông vài ba ngày. Ba tôi, dù ở đâu ông luôn theo dõi mỗi bước trưởng thành của các con mình.
Thời gian tôi gần gũi ba nhiều là sau năm 1954, hòa bình lập lại gia đình chuyển về Hà Nội tại số 34 Hoàng Diệu. Hàng ngày, lúc rảnh rỗi vào buổi tối ông thường tập trung gia đình, đọc báo, tin tức cho nhau nghe, ông cũng trao đổi ý kiến với các con.
Ba có đức tính luôn tôn trọng và lắng nghe tâm sự của các con, không mấy khi ông nóng giận mà luôn kiên nhẫn, hướng dẫn, uốn nắn từng chuyện cụ thể. Ba cũng thường xuyên quan tâm hỏi han việc học hành, với ông học tập và rèn luyện là cách để nâng cao hiểu biết và hoàn thiện con người.
Một lần, ba lên thăm em tôi là Hoàng Quốc Hùng đang học tại Trường Nguyễn Văn Trỗi và gặp thầy Hòe cũng đã là giáo viên chính trị trước đây của ba.
Đại tá Doãn Mậu Hòe sau này xúc động kể lại, ba tôi trước khi về đã cầm tay thầy và em tôi dặn dò: "Trước đây thầy Hòe dạy ba, nay thầy lại tiếp tục dạy con. Muốn nên người, con phải luôn "tôn sư trọng đạo", sống có nghĩa tình sau trước!".
Bản thân ba không phải là người được học bài bản nhiều, nhưng ông rất chịu học, ông thành thạo tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp, cũng như tiếng Tày, Nùng, ông còn biết cả tiếng Nga, Anh đủ để đọc tài liệu và giao tiếp.
Ba còn là người có ý chí phấn đấu rất cao, năm 52 tuổi, ba xin vào Nam và ông đã đi dép cao su theo đường mòn Hồ Chí Minh như bao nhiêu chiến sĩ trẻ khác, ông là tấm gương cho chúng tôi noi theo về ý chí vươn lên, khắc phục khó khăn và tinh thần ham học hỏi, chịu lắng nghe để hoàn thiện bản thân.
Ba tôi rất yêu lao động, sau mỗi ngày làm việc căng thẳng hay vào cuối tuần, ông thường cùng cả gia đình ra vườn tăng gia vừa để thư giãn vừa để giáo dục rèn luyện cho các con.
Ông hay bảo nếu được chọn ba muốn làm một Giám đốc nông trường. Ông thường dạy chúng tôi: "Có lao động thì mới biết quý thành quả lao động và trọng người lao động".
Vì vậy, nhà tôi lúc nào cũng có cây ăn trái, rau xanh, nào hồng xiêm, nhãn rồi su hào, bắp cải, bí xanh, ngô, khoai, sắn... và còn nuôi cả lợn, gà, vịt nữa.
Ông là người dễ ăn và thích những thứ đơn giản quê hương như canh cua cà pháo, do vậy không ít lần gia đình tôi trả lại tiêu chuẩn lương thực, mang biếu hàng xóm láng giềng, hay cho gia đình các chú giúp việc của ba.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cấp trên và cũng là người bạn, người đồng chí và là hàng xóm nhà tôi đã viết về ba:
"... Trong những năm tháng đảm nhiệm những chức vụ quan trọng trong Đảng, trong quân đội, anh Mười Khang vẫn giữ lối sống giản dị - cần - kiệm - liêm - chính, xa lạ với thói xa hoa hình thức, càng xa lạ với tệ tham nhũng, lãng phí...
Anh siêng rèn luyện thân thể, lao động chân tay, đến cuối đời vẫn giữ nếp trồng rau, làm vườn như người dân ở Tiền Hải quê anh".
Là một vị tướng nhưng ba luôn dặn anh em tôi không được "Con nhà lính tính nhà quan", luôn phải tôn trọng mọi người xung quanh, ra vào phải chào hỏi, thưa gửi từ anh gác cổng cho tới chú cần vụ.
Tôi còn nhớ, có lần ba nói với chúng tôi: "Uy tín của ba là để làm việc, con đừng nhờ ba xin xỏ cho con điều gì". Tôi luôn nhớ điều này, sau này tôi cũng luôn nhắc nhở lời ba dặn, dạy dỗ các con của tôi giống như ba đã dạy tôi.
Tài sản giá trị nhất là máy radio cassette
Bản thân ba, đến lúc ông mất, tài sản giá trị nhất của ông là cái máy radio cassette mà ông thường hay nghe.
Sau khi ba mất, gia đình tôi trả nhà lại cho quân đội, mẹ tôi về sống với em gái. Còn tôi, đi bộ đội từ năm 16 tuổi, các anh em tôi cũng thế, tất cả đều được trưởng thành trong môi trường quân đội cũng như bao thanh niên khác cùng thế hệ.
Ba tôi sinh ra tại làng An Khang, xã Tây An, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, với ông vùng quê Thái Bình là đẹp nhất.
Năm nào cũng vậy, dịp Tết ba thường dành thời gian về thăm quê và đưa chúng tôi về theo, ông luôn nhắc các con: "Không được quên cội nguồn, phải luôn tự hào về truyền thống của quê hương, dòng họ và gia đình".
Tình cảm với quê hương của ba chúng tôi còn được thể hiện rõ nhất qua các tên, bí danh của ông trong quá trình hoạt động cách mạng đó là: Ngô Quốc Bình, là An, là Mười Khang và nhất là tên ông, Hoàng Văn Thái.
Ba tôi còn là người rất yêu văn nghệ, ông rất thích nhảy và nhảy khá đẹp. Ông luôn khuyến khích chúng tôi hát, chơi một loại nhạc cụ gì đó, còn ông chơi đàn nhị rất hay, ngoài ra còn biết chơi đàn mandolin, biết thổi kèn acmonica và cả piano nữa. Lúc ông làm việc, ông rất thích mở nhạc giao hưởng của Beethoven, Mozart, và nhất là bài Hồ Thiên Nga của Tchaikovsky.
Cuộc đời ông có rất nhiều cái được làm đầu tiên, Tổng tham mưu trưởng, Cục trưởng, Hiệu trưởng, Đại đoàn trưởng... nhưng cái ba rất tự hào được là người nhạc sĩ đầu tiên của quân đội. Ông chính là tác giả bài "Phất cờ Nam tiến", bài hát được sáng tác trước ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ngày 22 tháng 12 năm 1944 một ngày.
...
Và 9 tháng sau, lời bài hát đã thành hiện thực như một lời tiên đoán.
Điều đặc biệt nữa là lời bài hát cũng như nói trước cuộc đời hoạt động cách mạng của ba, ông là một trong số ít các vị tướng trận mạc, đã chỉ huy nhiều chiến trường, qua mọi miền đất nước, từ Việt Bắc tới miền Trung Khu 5, và cho tới miền Đông và đồng bằng Tây Nam Bộ. Phải chăng con người sinh ra đã có định mệnh!
"Sự vĩ đại nhất của ông chính là sự khiêm nhường"
Viết về ông rất khó, bản thân ông từ những ngày đầu chống Pháp cho tới lúc ông mất, không ngày nào là không viết.
Ông để lại một khối lượng bản viết tay chi tiết từng ngày tháng cho tới tận ngày mất, nhưng ông không mấy khi viết về mình, ngay cả trong hồi ký như quyển "Những năm tháng quyết định", ông luôn dùng chữ "Chúng tôi" và không có dòng nào nói về bản thân mình.
Gia đình tôi cũng đã nhiều lần định viết một tác phẩm văn học nói về cuộc đời ông, nhưng khó quá, sự vĩ đại nhất của ông chính là sự khiêm nhường, ông - một "Nhân Tướng" trong một "Chiến Tướng".
Không ai viết về ông hơn ông cả, chúng tôi để ông kể về chính mình qua bức thư ông dặn dò chúng tôi, sau đây là một trong số đó.
Thư được viết vào tháng 7 năm 1967 khi ông đang là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5.
Các con yêu quý của ba... Bữa nay có người ra, ba biên thơ thăm hỏi sức khỏe các con và các con chuyển lời thăm của ba tới các thầy, cô giáo. Ba đã nhận được cuộn băng ghi âm và đã nghe tiếng nói, giọng hát của Châu, Hùng, Phượng.
Các con nói tốt lắm, con nào cũng hứa hẹn sẽ học rất chăm, rèn luyện đạo đức tốt, yêu thầy, quý bạn, đoàn kết học tập, có khuyết điểm thì sửa chữa. Ba tin tưởng lắm, tin vào lời hứa của các con, tin ở sự dạy bảo của các thầy cô giáo và mong các con giữ đúng lời hứa đấy.
Con Châu yêu quý, con vẫn giữ được nếp học chăm, vẫn được điểm 5 nhiều phải không? Vẫn giữ vững danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ" đấy chứ?
Cố gắng con ạ, và phải cố gắng liên tục cơ. Phải tự rèn luyện cho mình tinh thần tích cực tấn công trong học tập như các chú bộ đội tích cực tấn công quân Mỹ vậy. Nhưng phải chú ý giữ gìn sức khỏe cho tốt nhé, con còn đau hành tá tràng không?
Nghe mẹ con nói thế. Nếu có bệnh đó phải chú ý nghe theo lời thầy thuốc, kiêng ăn những thứ gì có hại. Còn mũi con thế nào? Vừa qua sang đó lạnh, con có bị đau, khó thở không? Con chú ý tập thể dục nhé, buổi sáng, tối, mỗi giờ nghỉ tập thở thật đều, con sẽ thấy đỡ. Ba rất mong con khỏe luôn để phấn đấu học thật tốt.
Con Hùng yêu quý! Được tin con rất khỏe, không ốm đau gì, ba rất mừng. Còn phần học tập, cuối năm ngoái cũng khá đấy. Ba có lời khen ngợi. Nhưng còn một số môn điểm 4 phải không? Đến nay con đã phấn đấu đạt được nhiều điểm 5 chưa?
Con mong lớn lên được vào bộ đội phải không? Được, cứ cố gắng học tập đi đã và phải rèn luyện sức khỏe thật tốt, phải lao động vất vả cho quen dần đi, đến tuổi tòng quân, tùy yêu cầu của Đảng, cũng có thể con được vào bộ đội như anh Trinh của con vậy.
Con đã phấn đấu học tập đạt điểm "Dũng sĩ diệt Mỹ" chưa? Nếu chưa đạt, phải phấn đấu cho đạt như chị Châu ấy. Muốn đi đánh Mỹ sau này thì bây giờ phải có tinh thần học đánh Mỹ đã. Con đồng ý chứ?
Con Phượng yêu quý! Ba nghe tiếng con nói trong máy ghi âm như người lớn rồi, có lẽ bây giờ con cũng đã gần bằng chị Châu rồi đấy nhỉ? Con hát khá lắm, có phải con hát cả hai bài "Giờ xuất trận" và "Quảng Bình quê ta ơi" phải không?
Tiếng hát khá hay, giọng thanh, ngân dài và rất đúng nhạc. Các cô chú ở chỗ ba ai nghe cũng khen con hát hay đấy. Con và Châu, ngoài việc học tốt, nên tham gia văn nghệ, tập hát cho thật hay nhé, khi nào gặp ba phải hát thật nhiều bài cho ba nghe đấy.
Còn việc học tập thế nào? Con đã phấn đấu giành danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ" chưa? Còn có điểm 2... không?
Con đã hứa cố gắng học tập thật tốt, rèn luyện tư cách đạo đức tốt, bỏ những cá tính xấu. Vậy con phải cố gắng thực hiện đúng đấy nhé.
Các con yêu quý của ba! Các con quan tâm nhiều đến sức khỏe của ba và khuyên ba chú ý giữ gìn, ba rất cảm ơn các con và báo cho các con biết: Ba vẫn khỏe. Ba sẽ thực hiện những lời dặn của các con: làm việc vừa sức, giữ sức khỏe tốt để chiến đấu lâu dài.
Ba hiện nay có tóc bạc nhiều hơn trước, gầy hơn hồi ở nhà một ít. Nhưng ba khỏe, ăn khỏe, làm việc nhiều hơn trước mà ít đau đầu, huyết áp cũng bình thường thôi. Ba đi bộ giỏi lắm nhé, đi leo núi mà được 20km mỗi ngày và đi liền 10 - 15 ngày cơ.
Đó sức khỏe của ba thế đó. Các con yên tâm và vui lòng chứ? Gần đây các con nghe đài báo, thấy quân ta ở miền Nam đánh thắng Mỹ dồn dập, trong đó có phần rất nhỏ của ba đóng góp tham gia đấy. Các con hài lòng đối với ba chứ?
Thơ trước đã viết nhiều, có gửi kèm chuyện chiến đấu của các em bé, các con đã đọc kỹ chưa và phải học tập các em bé miền Nam đấy.
Con Phượng trước có nói cố gắng và nếu được đi đánh Mỹ thì cũng không kém bạn Đào Văn Luyện, vậy cố học tập thực sự đấy nhé! Có thể bạn Đào Văn Luyện cũng đang học ngay trường con đấy. Trong này còn rất nhiều bạn như và còn hơn bạn Luyện nữa cơ. Các con vẫn viết thư đều cho mẹ đấy chứ?
Còn chị Tuyết, Nguyệt, anh Trinh, chú Thiệm và ông bà ngoại nữa. Có thỉnh thoảng viết thư cho ông bà không?
"Uống nước phải nhớ nguồn", bất kỳ đi xa mấy cũng phải nhớ đến ông bà sinh ra cha mẹ mình. Ông bà bây giờ già, ở nhà một mình, thỉnh thoảng các con viết thư thăm hỏi thì ông bà sẽ vui mừng khỏe mạnh.
Thôi nhé, thư viết khá dài rồi đấy. Chúc các con luôn khỏe, học chăm, rèn luyện tu dưỡng đạo đức tốt, được thầy yêu, bạn mến. Hôn thật nhiều các con. Ba của các con. Thành.
Ba đã đi xa gần 30 năm, nhưng với chúng tôi ông như vẫn còn hiện hữu trong cuộc sống, luôn theo dõi từng bước chân, sự trưởng thành của mỗi chúng tôi, hình ảnh thân thương mà tôn kính của ba như một lời nhắc nhở, động viên khích lệ chúng tôi phấn đấu vươn lên, sống ngay thẳng, trung thực, và là người có ích cho xã hội như những lời ba dạy bảo.
Bài viết được trích từ bộ sách "Tướng lĩnh Việt Nam thế kỷ XX qua lời kể của người thân" do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp cùng Công ty Cổ phần Sách Thái Hà xuất bản và phát hành.
Cuốn sách kể lại quá trình hoạt động cách mạng, công tác và cuộc sống đời thường, cung cấp nhiều tư liệu quý, nhiều câu chuyện có giá trị được viết trung thực, rõ ràng về thân thế sự nghiệp, thể hiện rõ cốt cách, phương pháp, tác phong của mỗi tướng lĩnh trên từng cương vị công tác.
Các bài viết cùng tuyến đã được đăng tải:
theo Trí Thức Trẻ