Thứ Bảy, 14 tháng 10, 2017

Có ‘thỏa thuận ngầm’ tại Hội nghị TƯ 6?

13/10/2017
Phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 6, ngày 4/10/2017. (Ảnh chụp từ Infonet.vn)
Hàng loạt hiện tượng không bình thường tại Hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền vào nửa đầu tháng 10/2017 đã khiến dư luận xã hội và giới quan sát chính trị hoài nghi về khả năng đã có một “thỏa thuận ngầm” nào đó về “mức độ và đối tượng chống tham nhũng”.

Những hiện tượng bất thường

Đầu tiên là sự xuất hiện bất thường của hai chuyên đề “dân số” và “chăm sóc sức khỏe nhân dân” trong nghị trình Hội nghị trung ương 6 mà đã hoàn toàn lạc nhịp với nội dung chính của một “hội nghị nhân sự”.
Sau đó là phát ngôn trong bài diễn văn bế mạc hội nghị 6 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Ai đã trót nhúng chàm thì sớm tự giác gột rửa”, và “Từ nay bất cứ ai vi phạm kỷ luật sẽ bị xử lý nghiêm”.
Hiện tượng thứ ba là trong suốt 7 ngày họp Hội nghị trung ương 6, ngoài vụ “diệt ruồi” duy nhất đối với Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, người ta hoàn toàn không thấy ông Trọng nói gì đến vụ ông Đinh La Thăng.
Một hiện tượng bên lề không nên bỏ qua là cũng trong suốt thời gian họp Hội nghị trung ương 6, blogger Huy Đức đã lắng tiếng một cách kỳ lạ, dù ngay trước đó blogger này đã dồn dập tung ra các thông tin theo ý “chỉ chờ Đinh La Thăng bị bắt”. Từ nửa cuối năm 2015 đến nay, Huy Đức lại thể hiện như “cây bút tín hiệu” đối với những biến động về nhân sự trong nội bộ đảng.
Vào tháng Mười năm 2016, trước khi diễn ra Hội nghị trung ương 4 về “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa”, cũng cây viết Huy Đức đã nổ phát súng đầu tiên vào Ủy viên bộ chính trị, Bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng bằng loạt bài viết về trách nhiệm của ông Thăng khi còn là Chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN). Tuy nhiên sau Hội nghị trung ương 4, tình hình vẫn im ắng đối với ông Thăng. Khẩu khí ồn ào khoa trương cùng hoang tưởng theo cách “TP.HCM phải phấn đầu có được giải Nobel y tế” của Bí thư Thăng chỉ thật sự chấm dứt trước Hội nghị trung ương 5 vào tháng Năm năm 2017 khi ông Thăng bất ngờ bị Bộ Chính trị kỷ luật và mất ghế tại Sài Gòn.
Chỉ trước Hội nghị trung ương 6 vài tuần lễ, Đinh La Thăng đã bị một cấp nào đó bật đèn xanh để luật sư của Nguyễn Xuân Sơn - người vừa lãnh án tử hình trong vụ án Hà Văn Thắm của Ngân hàng Đại Dương - tung ra một văn bản chứng minh rõ sự chỉ đạo của Đinh La Thăng khi còn là Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN về yêu cầu các đơn vị thành viên mở tài khoản và giao dịch với ngân hàng Đại Dương.
Khi phiên tòa xử Hà Văn Thắm kết thúc với án chung thân cho nhân vật này, Hội đồng xét xử còn đề nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của người chỉ đạo gửi 800 tỷ đồng của PVN vào Ngân hàng Đại Dương để sau đó số tiền này hoàn toàn biến mất. Báo chí nhà nước đã ồn ào đưa tin về vụ việc này, thậm chí một số tờ báo đã bắt đầu đụng chạm đến cái tên Đinh La Thăng theo quan điểm được bật đèn xanh về “không có vùng cấm”.
Khi đó, đã dậy lên một luồng đồn đoán về khả năng Đinh La Thăng có thể bị Bộ Công an bắt, thậm chí bắt trước Hội nghị trung ương 6.
Tuy nhiên đến sát thời điểm khai mạc Hội nghị trung ương 6 vào ngày 4/10/2017, không có một thông tin chính thức nào về “hổ Đinh La Thăng”. Cùng lúc xuất hiện bất thường của hai chuyên đề “dân số” và “chăm sóc sức khỏe nhân dân” trong nghị trình Hội nghị trung ương 6. Dấu hỏi bật ra: phải chăng nghị trình dự kiến của Hội nghị trung ương 6 đã định “xử” Đinh La Thăng, nhưng do không thể làm được việc này nên đã trám khoảng trống thời gian bằng hai chuyên đề “lo cho dân”?
Đó là một khả năng có thể.

Chỉ thị 15?

Vụ “Đinh La Thăng biến mất tại Hội nghị trung ương 6” khiến tình thế chuyển sang một giả thiết mới: phải chăng đã xảy ra một “sự cố” nào đó trước hội nghị này, hoặc cũng có thể gọi là một “lực cản” mà đã khiến cho quy trình “khai trừ Đinh La Thăng” của Tổng bí thư Trọng không thể suôn sẻ và đành phải giẫm chân tại chỗ?
Cho tới nay, Chỉ thị số 15 của Bộ Chính trị vẫn còn nguyên tác dụng. Theo văn bản này, công an muốn bắt giam đối tượng là đảng viên thì phải báo cáo cho những cấp ủy đảng phụ trách đảng viên đó. Sau đó, cấp ủy đảng phải làm động tác kỷ luật và có thể khai trừ đảng đối với đảng viên vi phạm, trên cơ sở đó công an mới có thể tiến hành những động tác tố tụng hình sự.
Với Đinh La Thăng, ông vẫn còn giữ ghế ủy viên trung ương sau khi bị loại khỏi Bộ Chính trị. Một giả thiết đặt ra là nếu cơ quan công an đề nghị Bộ Chính trị và Ban chấp hành trung ương khai trừ Đinh La Thăng để có cơ sở khởi tố và bắt giam ông, liệu Tổng bí thư Trọng có dám làm đúng theo nguyên tắc của Chỉ thị 15? Hoặc ông Trọng đã có thể phải nhận một phản ứng không mấy đồng thuận từ “tập thể Bộ Chính trị” mà do đó đã không thể đưa vụ khai trừ Đinh La Thăng ra Hội nghị trung ương 6?

“Đầu voi đuôi chuột”?

Một giả thiết khác cũng đang tồn tại.
Bởi khẩu khí của Tổng bí thư Trọng trong bài diễn văn bế mạc Hội nghị 6 như “Ai đã trót nhúng chàm thì sớm tự giác gột rửa”, và “Từ nay bất cứ ai vi phạm kỷ luật sẽ bị xử lý nghiêm” được xem là “nhu mì” hẳn, nếu so sánh với “Lò đã đốt lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy” - một phát ngôn cảm xúc cao độ cũng của ông Trọng vào đầu tháng Tám năm 2017 khi nổ ra vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh “theo cáo buộc của Chính phủ Đức, còn phía Việt Nam thì công bố trên truyền hình “Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về đầu thú”.
Khẩu khí và cách nói trên của ông Trọng cho thấy điều gì?
Phải chăng công cuộc được tuyên giáo là “chống tham nhũng” của Nguyễn Phú Trọng đã một lần nữa “đầu voi đuôi chuột”, mà qua phát ngôn của ông Trọng có thể được hiểu là “chống tham nhũng” chỉ là “từ nay trở đi”, còn vô số vụ tham nhũng trong quá khứ được xếp vào dạng “đập chuột nhưng không vỡ bình” hoặc “không đập chuột để giữ bình”?
Chỉ một ngày sau Hội nghị trung ương 6, câu hỏi trên dường như đã được giải đáp. Vào buổi sáng ngày 12/10/2017, ông Nguyễn Phú Trọng đã có buổi tiếp xúc cử tri tại quận Ba Đình, Tây Hồ (Hà Nội). Trước nhiều bức xúc của cán bộ lãnh thành, trong đó “khen vụ Đà Nẵng, chê vụ Yên Bái” và nhiều cử tri hỏi tại sao cho đến giờ Thanh tra chính phủ vẫn chưa công bố kết luận thanh tra biệt phủ của Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Yên Bái, ông Trọng cho rằng phải bình tĩnh xem xét toàn diện các mặt để tìm nguyên nhân, khi xử lý thì "không phải dập cho người ta không thể ngóc đầu dậy được, Bác Hồ dạy cốt để cán bộ sửa sai, để tiến bộ trưởng thành...".
4 tháng trước, tâm thế của ông Trọng cũng trở nên “hiền hòa” một cách bất ngờ. Trong cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội ngày 23/6/2017, ông Trọng có một phát biểu “lạ”: “Đối với Trịnh Xuân Thanh đã khai trừ đảng và khởi tố, truy nã toàn quốc, quốc tế. Chúng ta làm đồng bộ nhưng phải có bước đi, có tình, có lý, mở đường cho người ta tiến, cốt là đánh động để răn đe, ngăn ngừa” - một cách nói rất dễ khiến dư luận hiểu rằng ông đã mệt mỏi và chấp nhận thất bại trong quyết tâm trước đó “bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh”.
Cần lưu ý, tháng Sáu năm 2017 lại là khoảng thời gian mà quyết tâm “bắt bằng dược Trịnh Xuân Thanh” đã dường như bị tụt xuống mức thật thấp, thấp đến mức vô vọng.
Phải chăng vào lúc này, tâm thế “xử” Đinh La Thăng cũng lúng túng hệt như lúc chưa xảy ra vụ người Đức tố cáo mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh?

“Thỏa thuận ngầm”?

Dư luận xã hội cũng đặt dấu hỏi về liệu đã có một “thỏa thuận ngầm” nào đó giữa người đứng đầu đảng cầm quyền với một thế lực chính trị nào đó, để khi vụ việc Đinh La Thăng “êm” thì những vụ tày trời khác như Võ Kim Cự - cựu bí thư Hà Tĩnh và bị xem là một trong những thủ phạm gây ra nạn xả thải của nhà máy Formosa làm ô nhiểm biển 4 tỉnh miền Trung, Nguyễn Thị Kim Tiến - đương kim bộ trưởng Bộ Y tế và là nhân vật phải chịu trách nhiệm về vụ Công ty Pharma nhập thuốc ung thư giả gây phẫn uất trong dư luận, biệt phủ gây phẫn nộ dư luận của Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Yên Bái và là em ruột Bí thư tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thanh Trà… cũng được cho “chìm xuồng”…
Trong thực tế, công cuộc “chống tham nhũng” của đảng CSVN chưa bao giờ thực tâm và cũng chưa bao giờ đạt được một kết quả đáng kể nào nhằm “yên dân”. Và nếu giả thiết về “thỏa thuận ngầm” là có cơ sở, chủ trương “chống tham nhũng” của Tổng bí thư Trọng - không chỉ với Đinh La Thăng mà đối với rất nhiều quan chức “trót nhùng chàm” khác - sẽ được người dân và cán bộ hiểu thuần túy theo cách “đánh trống bỏ dùi”, “bánh vẽ”, trong đó không loại trừ thâm ý “chống tham nhũng nhằm mặc cả quyền lực”.
  • 16x9 Image

    Phạm Chí Dũng

    Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'. 

Kêu gọi người bắt giữ 38 cán bộ, công an tại thôn Hoành đầu thú; Vụ Đồng Tâm lại bị chính quyền khơi dậy

RFA

Thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội vào tháng 4 năm 2017.
Thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội vào tháng 4 năm 2017.
 RFA
Cơ quan Cảnh sát Điều Tra Công an Hà Nội vào ngày 13 tháng 10 có thư kêu gọi những người dân mà cơ quan này cho có liên quan đến vụ việc bị cáo buộc ‘hủy hoại tài sản, bắt giữ người trái pháp luật’ tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội vào giữa tháng tư vừa qua.
Tin cho biết Cơ quan Cảnh Sát Điều Tra Công An Hà Nội và Viện Kiểm Sát Nhân Dân cùng cấp cùng soạn thảo thư. Nội dung đề nghị những đối tượng bị cho liên can hãy ‘dũng cảm, đối mặt sự thật’, nhanh chóng đến Cơ quan Cảnh sát Điều Tra Công an Hà Nội, Viện Kiểm Sát Nhân dân Hà Nội, hoặc chính quyền, cơ quan công an gần nhất để tự thú, đầu thú, khai báo. Mục tiêu được cơ quan chức năng nói là để khắc phục hậu quả đã gây ra.
Trước khi có thư kêu gọi đầu thú, tự thú như vừa nêu; cơ quan chức năng gửi giấy triệu tập đến khoảng 100 người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm.
Yêu cầu được nêu trong giấy triệu tập là để làm rõ hai vấn đề liên quan đến đất tại đồng Sênh mà dân cho là đất nông nghiệp do họ khai phá,  trong khi đó thì chính quyền lại nói đó là đất quốc phòng; vấn đề thứ hai và vụ người dân thôn Hoành bắt giữ gần 40 cán bộ huyện, xã và cảnh sát cơ động để bảo vệ đất của họ.
Vụ khủng hoảng Đồng Tâm xảy ra khi công an bắt giữ 4 người dân Đồng Tâm, trong đó có cụ Lê Đình Kình, 82 tuổi.
Vào ngày 22 tháng tư, đích thân chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, phải về xã Đồng Tâm nói chuyện với người dân, đưa ra cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dân địa phương về vụ việc bắt giữ như vừa nêu vào ngày 15 tháng 4.
Đến ngày 13 tháng 6, Cơ quan Điều Tra Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Đồng Tâm về hai tội danh ‘bắt giữ người trái pháp luật’ và hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản’.
Người dân Đồng Tâm luôn cho rằng họ phải đấu tranh giữ đất và mong muốn chính quyền giữ đúng cam kết, cũng như phải có giải quyết công tâm về khu đất bị cho là đất quốc phòng.

Kêu gọi người bắt giữ 38 cán bộ, công an tại thôn Hoành đầu thú


Người dân thôn Hoành thả cán bộ, chiến sĩ công an bị giữ trái pháp luật  /// Ảnh Hà An
Ngày 13.10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội đã có thư kêu gọi các cá nhân có hành vi hủy hoại tài sản, bắt giữ người trái pháp luật xảy ra tại thôn Hoành tự thú và đầu thú .
Liên quan tới vụ các cá nhân có hành vi hủy hoại tài sản, bắt giữ người trái pháp luật (từ ngày 15 - 22.4.2017) xảy ra tại địa bàn thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội), ngày 13.10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội đã có Thư kêu gọi tự thú và đầu thú.
Nội dung Thư kêu gọi đầu thú và tự thú nêu rõ: Trong cuộc sống, đôi khi vì sai lầm trong nhận thức, hành động có thể làm cho cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật thậm chí phạm tội. Điều đáng tiếc, không mong muốn đó ảnh hưởng tiêu cực cho người thực hiện hành vi, gia đình họ và cho xã hội. Đối mặt với tình huống này, người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật cần phải làm gì để được hưởng lượng khoan hồng, giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý với cá nhân mình…
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội và Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội đề nghị các cá nhân đã tham gia vào việc hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, bắt, giam hoặc giữ người trái pháp luật trên địa bàn thôn Hoành (vụ việc đã được khởi tố theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 129/PC 44 ngày 13.6 của Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội) không bỏ lỡ cơ hội để được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, hãy nhanh chóng đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội, Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45 - Công an TP.Hà Nội), hoặc chính quyền, cơ quan công an nơi gần nhất để tự thú, đầu thú, khai báo, góp phần khắc phục hậu quả đã gây ra.
Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội sẽ không bắt, giam giữ người tự thú, đầu thú và bảo đảm tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người tự thú, đầu thú theo quy định của pháp luật. Người che giấu, cản trở người có hành vi vi phạm pháp luật tự thú, đầu thú sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
Như Thanh Niên đã đưa tin, mâu thuẫn đất đai tại xã Đồng Tâm bắt nguồn từ năm 2015 khi Bộ Quốc phòng có quyết định thu hồi 50,03 ha đất quốc phòng do Quân chủng Phòng không không quân đang quản lý giao cho Tập đoàn Viettel, trong đó có 46 ha thuộc xã Đồng Tâm, nhiều người dân Đồng Tâm đã có đơn khiếu kiện các cấp...
Ngày 30.3.2017, Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng. Ngày 15.4, Công an Hà Nội bắt 4 người dân do hành vi vi phạm pháp luật để điều tra vụ gây rối trật tự công cộng tại xã Đồng Tâm. Ngay trong ngày, người dân đã bắt giữ 38 cán bộ, chiến sĩ giữ tại nhà văn hóa thôn Hoành.
Sáng 18.4, 19 cán bộ, chiến sĩ được thả và đến 21.4, người dân thả tiếp Trưởng ban Tuyên giáo huyện Mỹ Đức, trong khi vẫn chờ đối thoại với Chủ tịch UBND TP.Hà Nội.
Trưa 22.4, sau cuộc đối thoại kéo dài gần 6 giờ và bản cam kết của Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung, người dân đã thả toàn bộ 20 chiến sĩ cơ động còn giữ.
Hà An

Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

Đi tìm chủ nhân thực sự của biệt thự L09 Sơn Trà

13/10/2017 11:50 GMT+7

TTO - Quá trình cấp đất biệt thự L09 cho cá nhân để xây dựng ngôi biệt thự trên núi Sơn Trà có dấu hiệu ưu ái. Sau nhiều lần điều chỉnh, hiện tổng diện tích khu đất đã lên đến 12.413m2.

Đi tìm chủ nhân thực sự của biệt thự L09 Sơn Trà - Ảnh 1.
Khu biệt thự L09 cửa đóng then cài - Ảnh: P.V.
Vừa qua, khi trả lời báo chí, ông Nguyễn Thành Tiến, phó chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng, nói rằng thông tin về lô đất biệt thự L09 ở Sơn Trà là "bí mật", chưa thể công bố. Vậy ai thực sự là chủ lô biệt thự trên?
Quá trình cấp lô đất L09 cho cá nhân để xây dựng ngôi biệt thự trên núi Sơn Trà có dấu hiệu ưu ái. Hiện tổng diện tích khu đất sau nhiều lần điều chỉnh đã lên đến 12.413m2.
Đất cứ "phình" ra
Theo tài liệu mà Tuổi Trẻ có được, ngày 14-3-2006, Ban quản lý dự án Sơn Trà - Điện Ngọc có tờ trình gửi UBND TP Đà Nẵng về việc đề xuất chọn địa điểm và giao quyền sử dụng đất khu đất ký hiệu L09 cho bà Lê Thị Ngọc Oanh (chị dâu ông Đào Tấn Bằng, nguyên phó chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng, hiện là chánh văn phòng Thành ủy Đà Nẵng) để xây dựng biệt thự và vườn sinh thái. 
Trong đó ban quản lý đề nghị chuyển quyền sử dụng đất 300m2 và cho thuê đất với diện tích 7.700m2.
Trên cơ sở đề nghị của Ban quản lý dự án Sơn Trà - Điện Ngọc, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng lập thủ tục trình lãnh đạo UBND TP xem xét ban hành công văn về việc chọn địa điểm giao đất xây biệt thự và vườn sinh thái. 
Trong phiếu trình của văn phòng UBND TP có nêu chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng lúc đó là ông Nguyễn Bá Thanh đã có ý kiến thống nhất theo đề nghị của Ban quản lý dự án tại buổi đi kiểm tra thực tế.
Sau đó, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản đồng ý theo đề nghị của Ban quản lý dự án Sơn Trà - Điện Ngọc về việc chuyển quyền sử dụng đất với diện tích 300m2 để bà Lê Thị Ngọc Oanh đầu tư xây dựng biệt thự tại khu đất trên. 
Phần diện tích đất 7.700m2 còn lại, bà Oanh được thuê để tiếp tục quản lý sử dụng vườn cây nhằm duy trì và phát triển hệ sinh thái tại bán đảo Sơn Trà.
Ngày 17-5-2006, Sở Tài chính có tờ trình đề xuất giá đất chuyển quyền sử dụng đất lô L09 đối với 300m2 đất xây biệt thự là 2,5 triệu đồng/m2, phần đất còn lại giá thuê đất là 2.000 đồng/m2.
Nhưng đáng nói là sau đó, khu đất biệt thự này được TP Đà Nẵng ưu ái điều chỉnh quy hoạch mở rộng diện tích rất lớn với mục đích "phát triển hệ sinh thái rừng". 
Đi tìm chủ nhân thực sự của biệt thự L09 Sơn Trà - Ảnh 2.
Khu biệt thự nhìn từ xa - Ảnh: P.V.
Ngày 27-11-2011, Sở Xây dựng Đà Nẵng có tờ trình phê duyệt điều chỉnh sơ đồ ranh giới sử dụng đất.
Ngay lập tức, văn phòng UBND TP lập thủ tục trình lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng ban hành công văn phê duyệt sơ đồ ranh giới sử dụng đất điều chỉnh lô L09 với tổng diện tích sử dụng lên tới 12.413m2, trong đó đất giao phát triển hệ sinh thái rừng là 3.913m2, đất thuê dùng để trồng cây xanh, hồ nước, đường giao thông, phụ trợ là 8.200m2 và đất giao quyền sử dụng đất xây dựng biệt thự là 300m2.
Tiếp đó, năm 2013, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng lại có tờ trình đề nghị phê duyệt điều chỉnh ranh giới sử dụng đất. Sau đó, UBND TP Đà Nẵng ban hành văn bản phê duyệt điều chỉnh lô L09 thêm một lần nữa. 
Tổng diện tích điều chỉnh là 12.413m2, trong đó tăng đất giao quản lý phát triển hệ sinh thái rừng lên 7.413m2, giảm đất thuê dùng để trồng cây xanh, hồ nước, đường giao thông, phụ trợ còn 4.700m2 và đất giao quyền sử dụng đất để xây dựng biệt thự là 300m2.
Không dừng lại đó, ngày 11-5-2013, bà Lê Thị Ngọc Oanh có đơn kiến nghị liên quan đến mục đích sử dụng đất lô đất L09. 
Cũng ngay lập tức, văn phòng UBND TP Đà Nẵng đã có tờ trình và ngày 22-5-2013, lãnh đạo UBND TP ban hành công văn thống nhất mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích 4.700m2 (thời hạn sử dụng 50 năm và trả tiền thuê đất một lần) là sử dụng chủ yếu trồng cây xanh phát triển hệ sinh thái rừng khu vực bán đảo Sơn Trà tạo cảnh quan, làm hồ nước tưới cây.
Đi tìm chủ nhân thực sự của biệt thự L09 Sơn Trà - Ảnh 3.
Khu biệt thự L09 Sơn Trà cửa đóng then cài suốt thời gian qua - Ảnh: P.V.
Biệt thự đã được chuyển nhượng
Ông Hoàng Đình Bá, nguyên trưởng Ty Lâm nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng, cho biết khu vực mà UBND TP Đà Nẵng đã lập dự án 137 lô biệt thự tại Sơn Trà nguyên trước đây nằm gần khu vực 20ha của Khu nghiên cứu định vị được thành lập từ thời tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. 
Khu vực này trồng cây theo tiêu chuẩn nghiên cứu định vị, khoa học; những lô thực nghiệm tiếp nhận cây, giống của người dân và lãnh đạo cấp cao gửi tặng. 
Tuy nhiên, khi rục rịch có chuyện giao đất giao rừng ở Sơn Trà, khu vực này bắt đầu bị phá cây, chiếm đất.
Ông Bá cho biết ban đầu chính quyền địa phương lập là 143 lô biệt thự, nhưng sau đó được sửa lại còn 137 lô. Ông Bá cho rằng có một giai đoạn Sơn Trà xảy ra tình trạng chiếm đất khá ồ ạt. 
Chính quyền địa phương không giải quyết được, nên mới có câu chuyện giao đất giao rừng ở Sơn Trà cho cấp xã quản lý nhằm hợp thức hóa việc chiếm đất. 
Ông Bá cho rằng khu vực 137 lô đất, gồm cả lô đất L09 được cấp, là khu vực có rừng. Theo ông Bá, Sơn Trà là rừng cấm, rừng quốc gia nên việc giao đất giao rừng, phân lô biệt thự tại đây là phạm luật, chỉ được đầu tư tôn tạo, bảo vệ. 
"Đà Nẵng phạm luật khi giao đất giao rừng và hợp pháp hóa việc làm sai, cùng với đó là việc lập quy hoạch du lịch tại đây thì không đúng" - ông Bá nói.
Cũng liên quan đến 137 lô biệt thự tại Sơn Trà, ở cuộc làm việc của UBND TP Đà Nẵng với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, ông Huỳnh Tấn Vinh - chủ tịch hiệp hội đã chất vấn lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng liên quan đến vấn đề pháp lý của các dự án tại Sơn Trà, các căn biệt thự tư nhân liệu có được đưa vào rà soát hay không. 
Tuy nhiên, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng chỉ ghi nhận và cho biết sẽ báo cáo Chính phủ.
Điều ngẫu nhiên, chỉ hai tháng sau khi ông Nguyễn Bá Thanh qua đời, ngày 25-4-2015 Văn phòng đăng ký đất đai quận Sơn Trà đã xác nhận bà Oanh chuyển nhượng quyền sử dụng toàn bộ đất biệt thự L09 cùng tài sản gắn liền trên đất cho ông Lê Hữu Tiến và vợ là bà Võ Thị Thanh Vân. 
Được biết, ông Tiến là em bà Lê Thị Quý, vợ ông Nguyễn Bá Thanh.
Cán bộ tham mưu để cấp đất cho bà Oanh
Tìm hiểu của Tuổi Trẻ cho thấy trong quá trình cấp đất, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, ranh giới sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất chủ yếu do phòng quản lý đô thị và phòng kinh tế tổng hợp văn phòng UBND TP tham mưu.
Các cá nhân gồm ông Nguyễn Văn Cán (chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng, đã nghỉ hưu), ông Đào Tấn Bằng (nguyên phó chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng, hiện là chánh văn phòng Thành ủy Đà Nẵng), ông Phan Xuân Ít (nguyên phó chánh văn phòng UBND TP, đã nghỉ hưu), ông Nguyễn Viết Vĩnh (trưởng phòng quản lý đô thị).
Trong vụ cấp đất khu biệt thự này cho bà Oanh, nổi bật là vai trò của ông Đào Tấn Bằng (em chồng bà Oanh).
NHÓM PV ĐÀ NẴNG

Vì sao người Do Thái giỏi làm kinh tế?

Posted on  by The Observer

Print Friendly, PDF & Email
wedding_hats_2139761b
Tác giả: Nguyễn Hải Hoành
Giỏi thực hành và giỏi cả lý thuyết kinh tế
Ai cũng biết người Do Thái từ xưa đến nay đều rất giỏi làm kinh tế. Nếu không thì họ không thể nào tồn tại nổi trong suốt 2.000 năm bị trục xuất ra khỏi tổ quốc mình, phải sống lưu vong khắp thế giới, phần lớn đi tới đâu cũng bị hắt hủi, xua đuổi thậm chí hãm hại, tàn sát, bị cấm sở hữu bất cứ tài sản cố định nào như nhà đất, tài nguyên thiên nhiên (khoáng sản, nguyên vật liệu …). Cho tới năm 1948 dân tộc lưu vong này mới được Liên Hợp Quốc chỉ định cho một “mảnh đất cắm dùi” rộng 20.770 km2 – tức nước Israel hiện nay, nơi tập trung khoảng 43% trong tổng số 13,9 triệu người Do Thái trên toàn thế giới.
Israel nghèo tài nguyên, thiếu cả nước ngọt, lại luôn luôn sống trong tình trạng bất ổn do bị các nước A Rập xung quanh đe dọa chiến tranh, nhưng người dân nước này đã vượt qua mọi khó khăn xây dựng được một nền kinh tế phát triển. GDP bình quân đầu người năm 2014 đạt 32.700 USD, cao thứ 50 trên thế giới, là nước có mức sống cao ở vùng Trung Đông và châu Á.[1] 
Cộng đồng Do Thái ở Mỹ có 5,7 triệu người, chiếm 40% tổng số người Do Thái trên toàn thế giới, là quần thể dân tộc thiểu số thành công nhất, có mức sống bình quân cao hơn mức trung bình của dân Mỹ. Dù chỉ chiếm khoảng 1,7~2,6% số dân nước Mỹ (số liệu 2012; tùy định nghĩa thế nào là người Do Thái) nhưng người Do Thái chiếm khoảng một nửa số doanh nhân giàu nhất Mỹ. Họ nắm giữ phần lớn nền kinh tế tài chính nước này, tới mức người Mỹ có câu nói “Tiền nước Mỹ nằm trong túi người Do Thái”. Nhờ thế trên vấn đề Trung Đông chính phủ Mỹ xưa nay luôn bênh vực và viện trợ Israel những khoản tiền khổng lồ.[2]
Trong 50 người giàu nhất thế giới hiện nay do tạp chí Forbes đưa ra (3/2015) có tới 10 người Do Thái.[3] Đó là :
  • Larry Ellison, tài sản 54,2 tỷ USD, nhà sáng lập và CEO Oracle Corp., giàu thứ 3 nước Mỹ
  • Michael Bloomberg, 35,5 tỷ USD
  • Mark Zuckerberg, 33,4 tỷ USD, tỷ phú trẻ nhất thế giới (sinh 1984)
  • Sheldon Adelson, 32,4 tỷ USD, vua casino
  • Sergey Brin và Larry Page (29,2 và 29,7 tỷ USD), đồng sáng lập Google
  • George Soros, 24,2 tỷ USD, nhà đầu tư và từ thiện
  • Carl Icahn, 23,5 tỷ USD, nhà đầu tư và từ thiện
  • Len Blavatnik, 20,2 tỷ USD, người giàu nhất nước Anh (sinh tại Liên Xô cũ),
  • Michael Dell, nhà sáng lập Dell Computer Founder.
Rất nhiều nhà lý thuyết kinh tế hàng đầu thế giới là người Do Thái, các lý thuyết họ xây dựng nên đã ảnh hưởng to lớn nếu không nói là quyết định tới tiến trình tiến hóa của nhân loại:
  • Karl Marx[4] người xây dựng học thuyết kinh tế chủ nghĩa cộng sản sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản, được gọi là một trong hai người Do Thái làm đảo lộn cả thế giới (người kia là Jesus Christ);
  • Trong tổng số 74 chủ nhân giải Nobel kinh tế thời gian 1969-2014, có 22 là người Do Thái, chiếm tỷ lệ gần 30%, dù người Do Thái chỉ chiếm 0,19 % số dân toàn cầu. Chẳng hạn Paul Samuelson (1970), Milton Friedman (1976) và Paul Krugman (2008)… là những tên tuổi quen thuộc trong giới kinh tế thế giới hiện nay, các lý thuyết của họ được cả thế giới thừa nhận và học tập, áp dụng…
  • Từ năm 1987 tới nay có ba người Do Thái kế tiếp nhau làm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, tức Ngân hàng Trung ương Mỹ), cơ quan nắm quyền sinh sát trong giới tài chính Mỹ và thống trị lĩnh vực tài chính tiền tệ toàn cầu. Đó là ông Alan Greenspan 19 năm liền (2/1987-2/2006) được 4 đời Tổng thống Mỹ tín nhiệm cử vào chức vụ này. Tiếp sau là ông Ben Bernanke (nhiệm kỳ 2/2006-2/2014) và bà Janet Yellen (từ 2/2014 tới nay).
  • Paul Wolfowitz cùng người tiền nhiệm James D. Wolfensohn, hai cựu chủ tịch Ngân hàng Thế giới, tổ chức tài chính có tác dụng rất lớn đối với các nước đang phát triển, đều là người Do Thái.
Nhiều nhà giàu nổi tiếng thế giới từng tác động không nhỏ tới chính trị, kinh tế nước Mỹ và thế giới là người Do Thái. Đơn cử vài người:
  • Jacob Schiff (1847-1920), chủ nhà băng ở Đức, sau sang Mỹ định cư; năm 1904 do căm ghét chính quyền Sa Hoàng giết hại hàng trăm nghìn dân Do Thái ở Nga, ông đã cho chính phủ Nhật vay 200 triệu USD (một số tiền cực kỳ lớn hồi ấy) để xây dựng hải quân, nhờ đó Nhật thắng Nga trong trận hải chiến Nhật-Nga năm 1905. Nhớ ơn này, trong Thế chiến II phát xít Nhật đã không giết hại người Do Thái sống ở Trung Quốc, tuy đồng minh số một của Nhật là phát xít Đức có nhờ Nhật “làm hộ” chuyện ấy. Schiff là người nước ngoài đầu tiên được Nhật Hoàng Minh Trị tiếp kiến tại Hoàng cung Nhật.
  • George Soros, nổi tiếng về ý tưởng đầu tư và làm từ thiện quy mô lớn, từng làm chao đảo thị trường tài chính toàn cầu.
  • Michael Blooomberg, sáng lập và sở hữu 88% Bloomberg L.P., một công ty truyền thông về tin tức tài chính và dịch vụ thông tin. Blooomberg từng trúng cử liền 3 khóa thị trưởng thành phố New York (2002-2013) với mức lương tượng trưng mỗi năm 1 USD và là chủ kênh truyền hình Bloomberg nổi tiếng trong giới kinh tế thế giới.
Nguyên nhân sâu xa
Vì sao người Do Thái lại giỏi làm kinh tế, tài chính trên cả hai mặt lý thuyết và thực hành như vậy?
Lịch sử cho thấy yếu tố quyết định thành công của một dân tộc bắt nguồn từ truyền thống văn hóa của họ.
Để tìm hiểu truyền thống văn hóa của dân tộc này có lẽ ta cần tìm hiểu các nguyên tắc chính của đạo Do Thái (Judaism), tôn giáo lâu đời nhất thế giới còn tồn tại tới ngày nay và là chất keo bền chắc gắn bó cộng đồng, khiến dân tộc này giữ gìn được nguyên vẹn nòi giống, ngôn ngữ, truyền thống văn hóa mặc dù phải sống phân tán, lưu vong và bị kỳ thị, xua đuổi, hãm hại, tàn sát dã man trong suốt 2.000 năm qua. Có thể nói, nếu không có chất keo ấy thì từ lâu dân tộc Do Thái đã bị tiêu diệt hoặc đồng hóa và biến mất khỏi lịch sử. Đạo Do Thái là tôn giáo duy nhất thành công trên cả hai mặt: giữ được sự tồn tại của dân tộc và hơn nữa đưa họ vươn lên hàng đầu thế giới trên hầu hết các lĩnh vực trí tuệ.
Muốn vậy, ta thử điểm qua vài nét về Kinh thánh của người Do Thái (Hebrew Bible) – hơn 10 thế kỷ sau kinh điển này được đạo Ki-tô lấy nguyên văn làm phần đầu Kinh Thánh của họ và gọi là Cựu Ước, nhằm phân biệt với Tân Ước do các nhà sáng lập Ki-tô giáo viết. Cũng cần xem xét một kinh điển nữa của đạo Do Thái là Kinh Talmud, quan trọng hơn cả Cựu Ước, có đưa ra nhiều nguyên tắc cụ thể cho tới nay vẫn còn giá trị về kinh doanh, buôn bán.
Trước hết người Do Thái có truyền thống coi kiến thức trí tuệ là thứ quý nhất của con người. Kinh Talmud viết: Tài sản có thể bị mất, chỉ có tri thức và trí tuệ thì mãi mãi không mất đi đâu được. Các ông bố bà mẹ Do Thái dạy con: Của cải, tiền bạc của chúng ta đều có thể bị kẻ khác tước đoạt nhưng kiến thức, trí tuệ trong đầu óc ta thì không ai có thể cướp nổi. Với phương châm đó, họ đặc biệt coi trọng việc giáo dục, dù khó khăn đến đâu cũng tìm cách cho con học hành. Ngoài ra họ chú trọng truyền cho nhau các kinh nghiệm làm ăn, không bao giờ giấu nghề. Người Do Thái có trình độ giáo dục tốt nhất trong các cộng đồng thiểu số ở Mỹ.
Thứ hai, đạo Do Thái đặc biệt coi trọng tài sản và tiền bạc. Đây là một điểm độc đáo khác hẳn quan điểm của đạo Ki-tô, đạo Phật, đạo Khổng, ta cần phân tích thêm.
Có lẽ sở hữu tài sản là một trong các vấn đề quan trọng nhất của đời sống loài người, là nguyên nhân của cuộc đấu tranh giữa con người với nhau và chiến tranh giữa các quốc gia. Hegel, đại diện nổi tiếng nhất của triết học cổ điển Đức từng nói: “Nhân quyền nói cho tới cùng là quyền về tài sản.” Rõ ràng, chỉ khi nào mọi người đều có tài sản, đều giàu có thì khi ấy mới có sự bình đẳng đích thực, toàn dân mới có nhân quyền. Một xã hội có phân hóa giàu nghèo thì chưa thể có bình đẳng thực sự. Đạo Do Thái rất chú trọng nguyên tắc làm cho mọi người cùng có tài sản, tiền bạc, cùng giàu có, tức cùng có nhân quyền và thực sự bình đẳng với nhau.
Triết gia Max Weber viết: “Đạo Ki-tô không làm tốt bằng đạo Do Thái, vì họ kết tội sự giàu có.” Quả vậy, Chúa Jesus từng nói: “Lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Chúa” (Tân Ước, Mathew 19:24), ý nói ai giàu thì khó lên thiên đường, ai nghèo thì dễ lên thiên đường hơn – qua đó có thể suy ra đạo Ki-tô thân cận với người nghèo khổ, là tôn giáo của người nghèo. Khổng giáo và đạo Phật lại càng khinh thường tài sản, tiền bạc, coi nghèo là trong sạch, giàu là bẩn thỉu.
Ngược lại Cựu Ước ngay từ đầu đã viết: “Vàng ở xứ này rất quý” (Genesis 2:12). Ý tưởng quý vàng bạc, coi trọng tài sản vật chất đã ảnh hưởng lớn tới người Do Thái, họ đều muốn giàu có.
Khái niệm tài sản xuất hiện ngay từ cách đây hơn 3.000 năm khi vua Ai Cập bồi thường cho Abraham vị tổ phụ của bộ lạc Do Thái, khiến ông này “có rất nhiều súc vật, vàng bạc” (Genesis 13:2). Thượng Đế yêu cầu Abraham phải giàu để có cái mà thờ cúng Ngài.
Thượng Đế Jehovah cho rằng sự giàu có sẽ giúp chấm dứt nạn chém giết nhau. Khi Moses dẫn dân Do Thái đi khỏi Ai Cập cũng mang theo rất nhiều súc vật. Những người xuất thân gia đình giàu có hồi ấy như Jacob, Saul, David … đều được Cựu Ước ca ngợi là có nhiều phẩm chất tốt, lắm tài năng, lập được công trạng lớn cho cộng đồng dân tộc và đều trở thành lãnh đạo, vua chúa.
Ngược lại, văn hóa phương Đông thường ca ngợi phẩm chất của những người nghèo.
Trọng tiền bạc là đặc điểm nổi bật ở người Do Thái. Họ coi đó là phương tiện tốt nhất để bảo vệ mình và bảo vệ dân tộc họ. Quả vậy, không có tiền thì họ làm sao tồn tại nổi ở những quốc gia và địa phương họ sống nhờ ở đợ, nơi chính quyền và dân bản địa luôn chèn ép, gây khó khăn. Hoàn cảnh ấy khiến họ sáng tạo ra nhiều biện pháp làm giàu rất khôn ngoan. Thí dụ cửa hiệu cầm đồ và cho vay lãi là sáng tạo độc đáo của người Do Thái cổ đại – về sau gọi là hệ thống ngân hàng. Buôn bán cũng là một biện pháp tồn tại khi trong tay không có tài sản cố định nào.
Người ta nói dân Do Thái có hai bản năng: thứ nhất là bản năng kiếm tiền; thứ hai là bản năng làm cho tiền đẻ ra tiền – họ là cha đẻ của thuyết lưu thông tiền tệ ngày nay mà chúng ta đều áp dụng với quy mô lớn.
Tuy vậy, sự quá gắn bó với tiền bạc là một lý do khiến người Do Thái bị chê bai. Ai từng đọc tiểu thuyết Ai-van-hô (Ivanhoe) của Walter Scott chắc còn nhớ mãi hình ảnh ông lão Do Thái Isaac (I-sắc) đáng thương, bố của nàng Rebecca xinh đẹp và thánh thiện, lúc nào cũng khư khư giữ túi tiền và bị hiệp sĩ Đầu Bò nhạo báng khinh bỉ thậm tệ. Các vở kịch của Shakespear đưa ra nhiều hình ảnh khiến người ta có cảm giác người Do Thái bần tiện, ích kỷ, xảo trá. Tập quán cho vay lãi của người Do Thái bị nhiều nơi lên án. Hệ thống cửa hiệu của người Do Thái ở Đức là đối tượng bị bọn Quốc Xã Hitler đập phá đầu tiên hồi thập niên 1930. Người Đức có câu ngạn ngữ “Chẳng con dê nào không có râu, chẳng người Do Thái nào không có tiền để dành.”
Karl Marx xuất thân gia đình khá giả, vợ ông cũng là con nhà quý tộc, nhưng ông không coi trọng đồng tiền. Marx từng nói: Đồng tiền là con đĩ của loài người.[5] Trong bài viết “Về vấn đề Do Thái” công bố năm 1843, ông mạnh mẽ công kích dân tộc Do Thái: “Sự sùng bái cá nhân của người Do Thái là gì? Lừa đảo. Đức Chúa Trời của họ là gì? Tiền!”.[6] Ông cho rằng tiền bạc là vị thần gắn bó với người Do Thái; xóa bỏ chủ nghĩa tư bản sẽ kéo theo sự xóa bỏ chủ nghĩa Do Thái. Như vậy nghĩa là Marx đã thừa nhận người Do Thái tham dự sáng lập ra chủ nghĩa tư bản, một chế độ xã hội mới thay thế chế độ phong kiến và làm nên phần chủ yếu trong cộng đồng quốc tế hiện nay. Quả thật, người Do Thái có đóng góp rất lớn về lý thuyết và thực hành trong việc xây dựng nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.
Kinh Talmud viết: Mọi người phải yêu Thượng Đế với toàn bộ trái tim, cuộc đời và của cải của mình; mỗi người đều phải quan tâm tới tài sản; không ai được phép dùng tài sản của mình để làm hại kẻ khác và không ai được trộm cắp tài sản người khác; tài sản của một người nhưng không phải chỉ là của người đó mà phải dùng nó để giúp kẻ khác … Có thể hiểu “Yêu Thượng Đế với toàn bộ tài sản của mình” nghĩa là phải sử dụng tài sản riêng của mình theo lệnh Thượng Đế, nghĩa là phải chia bớt cho người nghèo. Quy ước này đã đặt nền móng cho tư tưởng nhân ái, bình đẳng của văn minh phương Tây. Từ đó ta dễ hiểu vì sao cộng đồng Do Thái ở đâu cũng giúp đỡ nhau để tất cả cùng giàu lên, không có ai nghèo khổ.
Đạo Do Thái coi làm giàu là bổn phận nặng nề của con người; nói “nặng nề” vì người giàu có trách nhiệm to lớn đối với xã hội: họ không được bóc lột người nghèo mà phải chia một phần tài sản của mình để làm từ thiện. Những người Do Thái giàu có luôn sống rất giản dị, tiết kiệm và năng làm từ thiện. Soros từng góp 4 tỷ USD (trong tổng tài sản 7 tỷ khi ấy) cho công tác từ thiện. Không một nhà giàu Do Thái nào không có quỹ từ thiện của mình. Từ đây có thể hiểu được tại sao cộng đồng Do Thái lại cùng giàu có như thế.
Người Do Thái luôn nghĩ rằng Thượng Đế giao cho họ nghĩa vụ và quyền làm giàu. Đây là động lực chủ yếu khiến họ ở đâu cũng lo làm giàu, không bao giờ chịu nghèo khổ. Hai nghìn năm qua, dù sống lưu vong ăn nhờ ở đợ các quốc gia khác và ở đâu cũng bị cấm sở hữu mọi tài sản cố định nhưng dân tộc này vẫn nghĩ ra nhiều cách kinh doanh hữu hiệu bằng các dịch vụ như buôn bán, dành dụm tiền để cho vay lãi …
Muốn làm giàu, điều cơ bản là xã hội phải thừa nhận quyền tư hữu tài sản.
Kinh Talmud viết: Ai nói “Của tôi là của tôi, của anh là của anh” (mine is mine and yours is yours) thì là người bình thường (average); nói “Của tôi là của anh, của anh là của tôi” thì là kẻ ngu ngốc; nói “Của tôi là của anh và của anh là của anh” thì là ngoan đạo (godly); ai nói “Của anh là của tôi và của tôi là của tôi” là kẻ xấu (evil). Nghĩa là họ thừa nhận quyền tư hữu tài sản là chính đáng, không ai được xâm phạm tài sản của người khác.
Tuy thừa nhận quyền sở hữu tài sản và luật pháp bảo vệ quyền đó, nhưng đạo Do Thái không thừa nhận quyền sở hữu tài sản tuyệt đối và vô hạn, cho rằng tất cả của cải đều không thuộc về cá nhân mà thuộc về Thượng Đế, mọi người đều chỉ là kẻ quản lý hoặc kẻ được ủy thác của cải đó. Tài nguyên thiên nhiên do Thượng Đế tạo ra là để ban cho tất cả mọi người, không ai có quyền coi là của riêng mình. Đây là một quan niệm cực kỳ tiến bộ và có giá trị hiện thực cho tới ngày nay: tài nguyên thiên nhiên, sự giàu có của đất nước là tài sản của toàn dân, tuyệt đối không được coi là của một số nhóm lợi ích hoặc cá nhân.
Kinh Talmud viết nhiều quy tắc hữu dụng về kinh doanh. Chẳng hạn: – Vay một quả trứng, biến thành một trại ấp gà;  – Mất tiền chỉ là mất nửa đời người, mất lòng tin (tín dụng) là mất tất cả;  – Nghèo thì đáng sợ hơn 50 loại tai nạn;  – Giúp người thì sẽ làm tăng tài sản; ki bo chỉ làm nghèo đi;  – Chỉ lấy đi thứ gì đã trả đủ tiền cho người ta;  – Biết kiếm tiền thì phải biết tiêu tiền;  v.v…
So sánh Cựu Ước và Talmud với Tân Ước, có thể thấy đạo Do Thái là tôn giáo của người muốn làm giàu, còn đạo Ki-tô là tôn giáo của người nghèo. Khác biệt căn bản ấy là một trong các lý do khiến Giáo hội Ki-tô ngày xưa khinh ghét người Do Thái (hy vọng trong một dịp khác chúng tôi sẽ trình bày về vấn đề này).
Từ sự phân tích sơ qua về quan điểm đối với tài sản và tiền bạc nói trên, có thể thấy hệ thống tư tưởng của đạo Do Thái rất phù hợp với quy luật tiến hóa của nhân loại và chính vì thế nó tạo dựng nên truyền thống văn hóa bất hủ của dân tộc Do Thái – nền móng vững chắc làm cho dân tộc này dù phải sống lưu vong không tổ quốc hàng nghìn năm nhưng cuối cùng vẫn là dân tộc thành công nhất trên hầu hết các hoạt động của loài người.
Đồng thời các nguyên lý chính của đạo Do Thái đã tác động không nhỏ tới giáo lý đạo Ki-tô và đạo Islam; hai tôn giáo lớn này đều có nguồn gốc từ đạo Do Thái.
Cuối cùng, nhờ có những điểm độc đáo nói trên, văn minh Do Thái của phương Đông trong quá trình giao lưu kết hợp với văn minh Hy-lạp của phương Tây đã sinh ra một nền văn minh mới – văn minh Ki-tô giáo, cuối cùng trở thành nền văn minh phương Tây rực rỡ mấy nghìn năm nay. Có lẽ đây là thành tựu đáng kể nhất mà nền văn minh Hebrew đã đóng góp cho nhân loại. Điều đáng nói là, do các nguyên nhân lịch sử phức tạp, lâu nay người ta đã coi nhẹ nền văn minh ấy, và bây giờ đã đến lúc loài người nên xem lại quan điểm này./.
Nguyễn Hải Hoành là dịch giả và nhà nghiên cứu tự do hiện sống tại Hà Nội.
——————–
[1] Theo The CIA World Factbook.
[4] K. Marx là một trong hai lãnh tụ cộng sản người Do Thái phủ nhận nguồn gốc này của mình [người kia là Lev Davidovich Trotsky, tức Лев Давидович Троцький, 1879-1940, lãnh tụ Đảng Cộng sản Bôn-sê-vich Nga]. Cha và mẹ Marx đều là người Do Thái. Cha ông có nguồn gốc nhiều đời là giáo sĩ Do thái, về sau đã cải đạo sang Tin Lành vì nếu không sẽ không được hành nghề luật sư (ở nước Phổ).
[5] Theo http://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/con-di-cua-nhan-loai-da-ngu-tri-trai-dat-ra-sao