Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2017

Bành Đức Hoài: Nguyên soái Trung Quốc đấu khẩu với Mao Trạch Đông

Thủy Thu | 

Bành Đức Hoài: Nguyên soái Trung Quốc đấu khẩu với Mao Trạch Đông
Xử lý ảnh: Mạnh Quân

Thẳng thắn nêu quan điểm về chính sách của Mao Trạch Đông, nguyên soái Trung Quốc Bành Đức Hoài đã bị quay lưng, đấu tố và chấp nhận cái chết "thay họ đổi tên" ai oán vào cuối đời.

Bức tâm thư gây tội
Tháng 11/1956, trong một lần đi khảo sát cơ sở, phát hiện tờ tuyên truyền dán trên tường ghi: "Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Mao Trạch Đông...", Nguyên soái Bành Đức Hoài liền nói: "Câu này có vấn đề, quân đội bây giờ là của quốc gia, không thể chỉ nói là dưới sự lãnh đạo của một ai đó được... Chủ tịch Mao qua đời thì ai lãnh đạo?".
Bành Đức Hoài (1898 - 1974), tên thật là Bành Thanh Tông, hiệu Đức Hoa, quê ở Hồ Nam, Trung Quốc.
Ông là một trong mười nguyên soái của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, từng chỉ huy Quân đoàn ba trong chiến dịch Vạn lý trường chinh (1934 - 1935).
Ông giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giai đoạn 1954 - 1959.
Đến Hội nghị Lư Sơn diễn ra từ 2/7 - 16/8/1959, Bành Đức Hoài viết thư riêng cho Mao Trạch Đông, bày tỏ quan điểm và đề cập đến thất bại, nền kinh tế tiêu điều của Trung Quốc khi thực hiện chính sách Đại nhảy vọt.
Điều khiến Bành ngỡ ngàng chính là tại hội nghị ngày 16/7, Mao Trạch Đông đã quyết định in bức thư thành văn kiện và đưa ra thảo luận và quy kết ông là tiêu cực.
Đến ngày 27/7, hai ông Mao - Bành đã có đã có cuộc đấu khẩu, mắng nhiếc thậm tệ lẫn nhau ngay tại hội nghị. Khi bị Mao phê bình, Bành cũng không vừa đáp trả lại. Sau đó, tại buổi họp cuối cùng, Mao hạ lệnh phê bình Bành.
Bành Đức Hoài: Nguyên soái Trung Quốc đấu khẩu với Mao Trạch Đông - Ảnh 2.
Nguyên soái Bành Đức Hoài và vợ - bà Phố An Tu (1918 - 1991)
Khi đó, Lâm Bưu đã nhân cơ hội kêu gọi mọi người quay sang đả kích ông. Cuối cùng, Bành Đức Hoài bị quy kết đứng đầu bè lũ phản đảng [Cộng sản Trung Quốc], bị bãi miễn các chức vụ và đưa về quản thúc ở Thành Đô, Tứ Xuyên.
Nguyên soái già bị công khai "làm nhục"
Năm 1966, khi Cách mạng văn hóa bùng nổ, Bành Đức Hoài bị nhóm Giang Thanh - Lâm Bưu vu cáo và bức hại, bị Hồng vệ binh áp giải từ Thành Đô về Bắc Kinh đấu tố.
Trong quá trình đấu tố, do sức khỏe yếu nên ông được chuyển vào viện điều trị. Giang Thanh khi đó thường nói rằng: "Bành Đức Hoài dưỡng bệnh mà cứ béo phây phây lại chưa bị đấu tố công khai lần nào cả".
Sang năm 1967, nhóm Giang Thanh - Lâm Bưu quyết định thành lập tổ chuyên án đấu tố Bành. Ngày 21/6/1967, tổ chuyên án chính thức tiến hành thẩm vấn Bành Đức Hoài lần thứ nhất.
Họ muốn ông giao nộp bằng chứng về tội phản quốc và tổ chức nhóm phản đảng. Bành tức tối trả lời: "Các cậu không hiểu hết sự việc, trẻ con không hiểu chuyện". Sau đó, tổ chuyên án lấy danh nghĩa của tổ chức yêu cầu ông viết tự truyện.
Bành Đức Hoài: Nguyên soái Trung Quốc đấu khẩu với Mao Trạch Đông - Ảnh 3.
Bành Đức Hoài (trái) và Mao Trạch Đông
Một tháng sau, ngày 19/7, khi Bành đang miệt mài viết tự truyện thì bị lôi đi "họp". Ban đầu chưa hiểu rõ chỉ đến khi chiếc xe Jeep chở đến Học viện Hàng không Bắc Kinh, ông mới hiểu rằng, họ đưa ông đi đấu tố.
Tại cuộc họp, đối diện với hơn 60 Hồng vệ binh, Bành Đức Hoài phải trả lời về mục đích việc phát động cuộc Đại chiến Bách Đoàn. Đây là cuộc chiến do Bành chỉ huy hơn 100 quân đoàn tại khu vực phía Bắc Trung Quốc giao tranh với quân đội Nhật Bản năm 1940-1941.
"Cuộc chiến Bách đoàn có xin chỉ thị của Chủ tịch Mao không?", một Hồng vệ binh hoạnh họe.
"Đã đánh điện báo. Chủ tịch và Quân ủy đã gửi điện mừng", Bành Đức Hoài đáp trả.
Nghe đến chuyện Mao Trạch Đông đã gửi điện mừng, nhóm Hồng vệ binh không biết phải thẩm vấn thế nào nên đã họp hội ý riêng.
Đúng lúc này, Hàn Ái Xương - một cán bộ phụ trách đảng ủy Đại học Hàng không Bắc Kinh bất ngờ xuất hiện, chỉ trích Bành đã "lập nước riêng" tại khu vực phía Bắc Trung Quốc, khép ông vào tội "che giấu lãnh đạo", "tiết lộ bí mật quân đội", "cố ý chỉ đường cho đối phương khiến quân đội Trung Quốc chịu tổn hại lớn"...
Bành tức giận, ngắt lời Hàn, thuật lại về cuộc đại chiến Bách đoàn khiến rất nhiều Hồng vệ binh trong hội trường ngẩn người lắng nghe câu chuyện chiến trận của Bành.
Bành Đức Hoài: Nguyên soái Trung Quốc đấu khẩu với Mao Trạch Đông - Ảnh 4.
Bành Đức Hoài (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành
Về sau, tổ chuyên án đã ghi trong báo cáo: "Bành Đức Hoài không biết xấu hổ, lại dương dương tự đắc coi bản thân là người hùng".
Hàn Ái Xương tiếp tục đổ tội phản đảng, phản đối Mao Trạch Đông cho Bành. Hội trường nhiều người đã hô vang khẩu hiệu đòi đả đảo ông.
Hàn tức tối chỉ thẳng mặt Bành: "Ông có chống đối Chủ tịch [Mao Trạch Đông] không?".
"Tôi không chống đối, tôi và Chủ tịch chỉ là không có chuyện để nói mà thôi", Bành đáp.
Ngay lập tức, Hàn giơ một cú đấm khiến Bành lảo đảo ngã xuống đất. Nhóm Hồng vệ binh lôi ông dậy và luân phiên đánh ông. Khi ông chỉ kịp ú ớ: "Đồng chí trẻ, cậu đừng nóng giận, cậu không hiểu chuyện...", chưa kịp nói hết câu, một đám người lại xông tới đấm vào bụng khiến ông lộn nhào xuống mặt sàn, lấm lem đất cát.
"Các cậu sao có thể đối xử với một người sắp 70 tuổi như thế được!", ông Bành hét lên đầy phẫn nộ.
Bành Đức Hoài: Nguyên soái Trung Quốc đấu khẩu với Mao Trạch Đông - Ảnh 5.
Nguyên soái Bành Đức Hoài đi bỏ phiếu năm 1954.
Hội trường trở nên náo loạn. Ông cứ bị lôi lên đánh xuống liên tiếp bảy lần như vậy. Cuối cùng, một bàn chân to khỏe đạp thẳng vào ngực phải khiến ông ngã xuống đau đớn.
"Giai cấp tiểu tư sản ngông cuồng có phải là chỉ Chủ tịch?", Hàn Ái Xương hỏi. Bành Đức Hoài gật gật đầu. Hàn đã nhân cơ hội đó ghi lại câu trả lời vào báo cáo và ép Bành điểm chỉ, ký tên.
Sau đó, Bành nửa tỉnh nửa mê được dìu về phòng giam và bị ép viết thư nhận tội cả đêm.
Tư lệnh cảnh vệ Phó Sùng Bích đêm đó nhận được thông tin về tình hình của Bành Đức Hoài nên điện trách Hàn Ái Xương đã ra tay quá mạnh. Hàn liền gọi điện về cho tổ chuyên án và nhận được lệnh "không nên nặng tay nhưng đối với Bành cũng không cần quá kiêng nể".
Hôm sau 20/7, do bị trọng thương từ cuộc đấu tố hôm trước nên Bành được đưa đến bệnh viện.Phó Sùng Bích đã báo cáo tình hình lên Thủ tướng Chu Ân Lai. Ngay sau đó, Chu đã ra chỉ thị bảo đảm an toàn cho Bành.
Bành Đức Hoài: Nguyên soái Trung Quốc đấu khẩu với Mao Trạch Đông - Ảnh 6.
Bà Phố An Tu
Đến ngày 25/7, tại quảng trường Thiên An Môn, Lâm Bưu tổ chức hội nghị và hô hào khẩu hiệu "đả đảo nhóm tư sản trong quân đội". 
Điều này khiến một "tù nhân" như Bành Đức Hoài lại thêm tội danh mới: đại diện tiêu biểu của phái tư sản trong quân đội.
Từ ngày 26/7, Bành vốn đang trọng thương những đã bị lôi đi diễu hành, đấu tố ở khắp các đơn vị cơ quan, trường học tại Bắc Kinh.
Đặc biệt, cuộc đấu tố tại sân vận động phía Nam Đại học Hàng không Bắc Kinh với hàng trăm nghìn người tham gia, Bành bị đánh đập, xách tai, giật tóc. Sau đó, họ lôi ông đến đấu tố tiếp tại quảng trường Thiên An Môn.
Vợ chồng cách biệt, gặp nhau trong nước mắt
Không chỉ ông chịu lăng nhục mà vợ ông - bà Phố An Tu cũng bị liên lụy. Bà vốn là Phó Bí thư đảng ủy Đại học Sư phạm Bắc Kinh nhưng vì là vợ của Bành Đức Hoài nên bà cũng được liệt vào danh sách phe tạo phản.
Khi nguyên soái Bành Đức Hoài bị bắt, nhà ông bị lục soát, bà Phố An Tu bị đưa vào đội hậu cần, ban ngày làm việc vất vả, ban đêm chỉ được ngủ trên tấm đệm rách mỏng được trải trên nền đất ẩm ướt trong phòng tắm.
Trong người bà cất giữ duy nhất tấm ảnh của chồng với 28 năm kỷ niệm. Tuy nhiên, không may, trong một lần không cẩn thận, bức ảnh bị phát hiện, họ liền lôi bà đi đấu tố. Bà bị phạt đi chân đất khiêng đồ.
Bành Đức Hoài: Nguyên soái Trung Quốc đấu khẩu với Mao Trạch Đông - Ảnh 7.
Bành Đức Hoài bị đấu tố
Sau đó, họ khép bà vào tội "làm những việc không trong sạch" và lôi đi xem cảnh một người già vì không thẳng thắn nhận tội nên bị treo đánh trên cây.
Ngày 11/8/1967, Phố An Tư bị một nhóm Hồng vệ binh áp giải đến Đại học Bắc Kinh. Bà bất chợt nhìn thấy một người ngồi trên chiếc xe ba bánh với dáng vẻ tiều tụy. Vừa nhìn, bà nhận ra đó là chồng bà - Bành Đức Hoài. Ông cũng nhận ra bà nhưng không ai dám cất lời mà cúi đầu lặng thinh.
Thấy bà quần áo rách rưới, cơ thể gầy yếu, ông run rẩy và bật khóc. 19 giờ tối hôm đó, hai vợ chồng nguyên soái bị lôi đi đấu tố.
Phố An Tu bị hai thanh niên vạm vỡ giật ngược hai cánh tay ra phía sau và ấn mạnh đầu. Đồng thời, bên tai bà văng vẳng giọng nói của một Hồng vệ binh - người này tuyên bố tội danh của Bành Đức Hoài cũng như tội cấu kết với phần tử phản đảng của bà.
Bà đau khổ liếc nhìn sang phía chồng, thấy ông dù đang bị tra tấn mạnh tay cũng vẫn ngóng tìm bà. Ngay sau đó, bà bị đánh ngất đi, đến khi tỉnh dậy cũng không còn nhớ tình cảnh cuộc đấu tố nữa.
Sau đó, tổ chuyên án cử người đến tra khảo bà về tội danh của Bành Đức Hoài nhưng bà không hé nửa lời. Họ tiếp tục tra tấn bà bằng cách, chèn đòn gánh lên vai bà, đập đầu bà vào tường kêu bôm bốp.
Bành Đức Hoài: Nguyên soái Trung Quốc đấu khẩu với Mao Trạch Đông - Ảnh 8.
Vừa đập, họ vừa cảnh cáo: "Nếu không giao tội danh của họ Bành, sẽ đập nát đầu chó của ngươi".
Sau này đến tháng 10/1967, biên bản thẩm vấn Phố An Tu đăng trên tạp chí của Hồng vệ binh có ghi: "Yêu phụ Phố An Tu từ chối khai báo về tội danh của tên giặc họ Bành, cố ý phản kháng đến cùng".
Ngày 31/8, bà được đưa đến bệnh viện thuộc Học viện y học Bắc Kinh thăm khám. Bác sĩ phát hiện trên người bà một chiếc huy hiệu. Ngay hôm sau, tổ chuyên án ra lệnh cho bà xuất viện, đưa về quản thúc nghiêm ngặt.
Cái tát giáng trời đầy hằn học của cấp dưới
Sau cuộc đấu tố tại Đại học Bắc Kinh, tinh thần và sức khỏe của Bành Đức Hoài ngày càng trở nên kiệt quệ.
Ngày 16/8, Bành Đức Hoài nằm trong nhà giam nghe thấy lệnh bộ đội tập hợp trong sân và tiếng loa phát thanh: "Nghị quyết Hội nghị toàn thể trung ương lần thứ 8 khóa VIII ĐCSTQ về nhóm phản đảng do Bành Đức Hoài đứng đầu".
Theo nghị quyết, ông bị tước danh hiệu đảng viên và khép vào tội phản đảng, chống đối lãnh tụ và theo phe tư sản.
Ngay ngày hôm sau, các mặt báo tràn ngập thông tin về tội danh của Bành Đức Hoài, phong trào đả đảo ông cũng dâng cao ở khắp Trung Quốc.
Ngày 18/8, do không "nhận tội", Bành tiếp tục bị đưa đi đấu tố 12 lần ở khắp các đơn vị. Đặc biệt, có những ngày nóng như thiêu như đốt, Bành Đức Hoài vẫn bị hai thanh niên to khỏe lôi lên khán đài đấu tố.
Bành Đức Hoài: Nguyên soái Trung Quốc đấu khẩu với Mao Trạch Đông - Ảnh 9.
Trong đó, tại cuộc đấu tố ở quân khu Bắc Kinh, Bành bị đánh trọng thương ở lưng, tại cuộc đấu tố ở khu cảnh vệ Bắc Kinh, Bành bị tướng quân Lý Chung Kỳ tát một cái trời giáng. Lý là người trước đây bị Bành Đức Hoài phê bình.
Cứ sau mỗi cuộc đấu tố trở về, Bành lại phải viết một bộ tự truyện về bản thân. 
Theo một lính cảnh vệ kể lại, những ngày bị đấu tố, Bành phải dành một tiếng viết tự truyện, ngày không bị đấu tố thì phải viết liền mười hai, mười ba tiếng đồng hồ.
Cái chết "thay họ đổi tên" ai oán
Trong suốt những năm Cách mạng Văn hóa, Bành Đức Hoài bị Hồng vệ binh bắt, giam lỏng trong một doanh trại quân đội ở ngoại ô Bắc Kinh với điều kiện vệ sinh tồi tệ, không được chăm sóc y tế.
Tháng 4/1973, Bành Đức Hoài được xác định là bị ung thư trực tràng ở giai đoạn cuối. Do suy nhược sau khi mổ và tâm trạng tồi tệ nên các tế bào ung thư nhanh chóng lan rộng.
Phòng bệnh của Bành nằm ở gian sau cùng phía Tây bệnh viện. Phòng bệnh này chỉ rộng khoảng 10m² này và được đóng cửa kín mít. Ở gần cuối giường, luôn có một cảnh vệ lạnh lùng đứng im chằm chằm theo dõi ông. Cảnh vệ thay phiên nhau đến canh giữ ông mỗi ngày.
Họ tra tấn ông bằng mọi hình thức như khi ông muốn viết chữ, thì không đưa bút, ông muốn nghe đài phát thanh, thì không có radio nhằm hạn chế mọi hoạt động của ông.
Bành Đức Hoài: Nguyên soái Trung Quốc đấu khẩu với Mao Trạch Đông - Ảnh 10.
Lễ truy điệu nguyên soái Bành Đức Hoài được tổ chức long trọng vào năm 1978
Khi nhìn thấy một bác sĩ mới đến, Bành thường chỉ tấm thẻ ở đầu giường bệnh nói: "Tôi không phải gọi là ‘bệnh nhân số 145′, tôi là Bành Đức Hoài ở hội nghị Lư Sơn!".
Trong những ngày cuối cùng, tâm trạng của ông càng trở nên thất thường. Có lúc thì chán nản bực bội, có lúc thì ngẩn ngơ nhìn ra cửa sổ, có lúc thì nhắm nghiền đôi mắt thở dài, có lúc âm thầm rơi lệ, miệng không ngừng nhắc về những chuyện cũ, có lúc ông tức giận đòi ra ngoài, gặp Mao Trạch Đông chứng minh trong sạch.
Cuối cùng, đến 15h35 ngày 29/11/1974, ông trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 76.
Đến 17/12/1974, di thể ông được bí mật đem đi hỏa táng. Nhằm che giấu sự việc, tên ông bị đổi thành Vương Xuyên.
Năm 1978, tại Hội nghị toàn thể trung ương 3 khóa XI của ĐCSTQ, trường hợp của nguyên soái Bành Đức Hoài được xem xét lại, án oan được cải chính và những đóng góp của ông được khẳng định.
theo Trí Thức Trẻ

Ông Tập Cận Bình có quyền lực mạnh hơn ông Donald Trump, thế giới nên cảnh giác?

Việt Hương | 

Ông Tập Cận Bình có quyền lực mạnh hơn ông Donald Trump, thế giới nên cảnh giác?
Ảnh AP

Báo Anh cho rằng, ông Trump có thể nói "Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới", nếu như đó không phải là hành động tự sát về chính trị đối với một Tổng thống Mỹ.

The Economist (Anh) cho rằng, các Tổng thống Mỹ thường có thói quen miêu tả những nhà lãnh đạo Trung Quốc bằng những cụm từ thể hiện sự “kính sợ”.
Cựu Tổng thống Richard Nixon ca ngợi Mao Trạch Đông, nói rằng những di sản của Mao đã “thay đổi cả thế giới”. Với Jimmy Carter, Đặng Tiểu Bình là tổng hòa của những mỹ từ khoa trương: “thông minh, cứng rắn, thẳng thắn, can đảm, lịch sự, tự tin, thân thiện".
Bill Clinton thì miêu tả Giang Trạch Dân là một "người có tầm nhìn" và “có trí tuệ phi thường".
Donald Trump cũng không có gì khác so với các lãnh đạo tiền nhiệm. Washington Post trích dẫn lời Trump từng nhận xét về nhà lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc Tập Cận Bình: "Có lẽ là lãnh đạo quyền lực nhất" tại Trung Quốc trong một thế kỷ qua.
Economist khẳng định, ông Trump có thể đã nói đúng và thậm chí Trump có thể nói rằng: “"Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới", nếu như đó không phải là hành động tự sát về chính trị đối với một tổng thống Mỹ.
"Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang đứng thứ hai về quy mô so với Mỹ và lực lượng quân đội của nước này, mặc dù đã phát triển rất nhanh nhưng khoảng cách với Mỹ vẫn rất lớn. Nhưng sức mạnh cứng về kinh tế và quân sự không phải là tất cả", báo Anh bình luận.
Tờ này nhấn mạnh, Mỹ vẫn là quốc gia mạnh nhất thế giới nhưng sức mạnh của người lãnh đạo trở nên yếu hơn trong nội địa nước Mỹ và kém hiệu quả hơn ở bên ngoài so với những người tiền nhiệm trước đây, đặc biệt là khi Trump coi thường các giá trị và liên minh vốn là cơ sở thiết lập tầm ảnh hưởng của Mỹ.
Trong khi đó, người đứng đầu quốc gia đông dân nhất lại đang tự tin bước ra ngoài khu vực và thế giới. Và quyền lực mà ông Tập thiết lập trong nội địa cũng vững chắc hơn bất cứ người tiền nhiệm nào từ thời Mao Trạch Đông.
"Trung Quốc ngày nay dưới thời Tập Cận Bình là một cường quốc có ảnh hưởng toàn cầu. Quyền lực và tầm ảnh hưởng của ông sẽ sớm được thể hiện một cách đầy đủ. Ngày 18/10, Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 sẽ diễn ra tại Bắc Kinh.
Nó sẽ là kỳ Đại hội đầu tiên mà ông Tập - là người đứng đầu. 2.300 đại biểu tham gia đại hội sẽ được ca tụng lên tận mây xanh", Economist bình luận.
Ông Tập Cận Bình có quyền lực mạnh hơn ông Donald Trump, thế giới nên cảnh giác? - Ảnh 1.
"Người đứng đầu quốc gia đông dân nhất lại đang tự tin bước ra ngoài khu vực và thế giới". Ảnh CNN
Cả thế giới, hãy chú ý
Tờ này cho hay, trong những chuyến công du nước ngoài, ông Tập luôn tự nói rằng mình là một sứ giả của hòa bình và hữu nghị, một người có thể giải quyết vấn đề công bằng giữa thế giới đầy bất ổn này. Những thất bại của Trump càng nâng cao vai trò của Tập Cận Bình.
Vào tháng 1, tại Davos, ông Tập đã hứa với giới tinh hoa toàn cầu rằng ông sẽ đi đầu trong quá trình toàn cầu hoá, thương mại tự do và hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Những khán giả tại sự kiện đó rất hoan nghênh điều này.
Họ nghĩ rằng, ít nhất, đã có một cường quốc thế giới khác sẵn sàng đứng lên vì những điều đúng đắn, dù cho ông Trump (lúc đó là tổng thống đắc cử) không muốn nhận trách nhiệm này. Ông Trump luôn nhấn mạnh khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết".
Economist đánh giá, những tuyên bố của Tập Cận Bình gây được ảnh hưởng một phần vì Trung Quốc sở hữu kho dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới để có thể hỗ trợ các nước.
Sáng kiến ​​"Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh có thể có tên gọi khó hiểu nhưng thông điệp của nó rất rõ ràng - hàng trăm tỷ USD từ Trung Quốc sẽ được đầu tư cho các nước, vào các dự án đường sắt, bến cảng, nhà máy điện và các cơ sở hạ tầng khác để giúp những phần khác của thế giới "thịnh vượng hơn".
Đó là một phong cách lãnh đạo mà Mỹ đã không còn duy trì nữa kể từ sau Kế hoạch Marshall (Kế hoạch phục hưng châu Âu) ở Tây Âu thời hậu chiến (với quy mô nhỏ hơn đáng kể so với chiến dịch Trung Quốc hiện đang theo đuổi).
Ông Tập cũng dự kiến đưa Trung Quốc thành một cường quốc quân sự chưa từng thấy tại nước ngoài. Năm nay, ông đã thiết lập căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên của nước này ở Djibouti. Ông cũng đã đưa lực lượng hải quân Trung Quốc diễn tập ở xa, bao gồm tham gia cùng với hạm đội Nga tới gần cửa ngõ của NATO ở Biển Baltic vào tháng 7 vừa qua.
Trung Quốc nói rằng sẽ không xâm chiếm các nước khác để áp đặt các mục đích của mình và quốc gia này cũng nói việc xây dựng các căn cứ quân sự là để hỗ trợ gìn giữ hòa bình, chống cướp biển và thực hiện các mục đích nhân đạo.
Trong khi đó, với những hòn đảo nhân tạo với đường băng quân sự được xây dựng (trái phép) ở Biển Đông, Trung Quốc bao biện là "hành động phòng thủ".
Báo Anh cho hay, một số hành động quân sự của Trung Quốc hiện đang gây lo ngại cho các quốc gia láng giềng, không chỉ các nước Đông Nam Á mà còn Ấn Độ và Nhật Bản.
"Đặc biệt đáng lo ngại hơn khi Tống thống Mỹ Donald Trump đang rút về và tạo ra một khoảng trống quyền lực", Economist nhận định, thế giới không muốn một nước Mỹ theo chủ nghĩa biệt lập và nhường sân chơi cho Trung Quốc.

Vụ trưởng Thanh tra Chính phủ: 'Tôi họp báo để công bố về mọi âm mưu'

Cho rằng mình bị "đánh hội đồng và bôi xấu", ông Nguyễn Minh Mẫn, Vụ trưởng Vụ thanh tra của Thanh tra Chính phủ tổ chức họp báo để công bố mọi sự thật.

Ngày 14/10, sau hai lần từ chối, Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội đã cấp phép họp báo cho ông Nguyễn Minh Mẫn - quyền Vụ trưởng Vụ thanh tra các vấn đề Văn hóa Xã hội (Vụ 3), Thanh tra Chính phủ.
VnExpress có cuộc trao đổi với ông Mẫn xung quanh cuộc họp báo sẽ diễn ra vào sáng mai 15/10.
vu-truong-thanh-tra-chinh-phu-toi-hop-bao-de-cong-bo-ve-moi-am-muu
Ông Nguyễn Minh Mẫn được tổ chức họp báo vào sáng 15/10. Ảnh: Bá Đô
- Mục đích họp báo của ông là gì?
- Tôi muốn nói lên tất cả mọi sự thật, mọi âm mưu chèn ép và chà đạp nghiêm trọng đến uy tín, sức khỏe không chỉ với riêng tôi mà còn với gia đình, toàn thể nội ngoại nhà tôi cũng như bạn bè, người thân của tôi ở trong nước và nước ngoài. Mọi người đều vô cùng uất ức, lo ngại cho tôi.
- Trong giấy mời họp báo ông cho rằng mình bị "đánh hội đồng, trù dập". Ông có thể nói rõ hơn về việc này?
- Cuộc đời cán bộ của tôi chưa vi phạm bất kỳ sai sót, khuyết điểm nào và tôi cũng là người luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm chống tham nhũng, tiêu cực và các biểu hiện vi phạm pháp luật khác.
Tuy nhiên, đúng vào ngày kỷ niệm của ngành thanh tra (23/11/2016), một số kênh thông tin tung lên mạng bài viết cho rằng tôi đã xúc phạm, mạt sát báo chí. Đây là một hành vi bôi nhọ có chủ đích. Tại sao họ không tung lên mạng đúng ngày tôi phát biểu khi triển khai cuộc thanh tra ở Đại học quốc gia TP HCM (15/9/2016), mà lại đưa lên vào ngày thành lập ngành. Theo tôi, họ làm như vậy là để trù dập, bôi nhọ và vu khống tôi.
-  Giả sử có chuyện bôi nhọ, trù dập thì cũng chỉ là liên quan đến cá nhân, tại sao ông lại cho rằng việc này "ảnh hưởng đến tình hình chính trị trong nước và quốc tế"?
- Trong năm qua có rất nhiều bài viết với tiêu đề bôi xấu tôi nhưng đều không có bằng chứng xác đáng. Bây giờ cứ lên mạng gõ từ khóa tên tôi, mọi người sẽ thấy các kênh thông tin không chính thống đã bôi nhọ và làm tổn thương gia đình tôi như thế nào.
Vậy lãnh đạo Thanh tra Chính phủ phản ứng như thế nào?
- Tôi tổ chức cuộc họp báo cũng như trả lời phỏng vấn của bạn ở đây chỉ xoay quanh vấn đề cá nhân, còn liên quan đến cơ quan Thanh tra, tôi xin phép không trả lời. Việc tôi tổ chức cuộc họp báo là với tư cách một công dân bình thường, không liên quan đến chức vụ, quyền hạn của tôi.
- Nhưng chính thanh tra nhà nước đã có kết luận ứng xử của ông với báo chí là không đúng mực và yêu cầu ông phải xin lỗi. Ông nghĩ sao?
- Nếu ai đó có đầy đủ bài phát biểu của tôi hôm đó thì quá giỏi. Lúc bấy giờ tôi phát biểu khi triển khai một cuộc thanh tra, nghĩa là cuộc thanh tra này đang diễn ra, tất cả những gì tôi nói đều là bí mật. Cả cuộc đời tôi suốt bốn mươi năm nay sống và làm việc chưa hề cam chịu bất kỳ điều gì không phải với mình, ngay cả những lúc ngàn cân treo sợi tóc tôi cũng không sờn lòng. Và tôi khẳng định sẽ làm tất cả để bảo vệ chính nghĩa và sự thật.
Tháng 9/2016, mạng xã hội xuất hiện đoạn ghi âm hơn 10 phút lời của ôngNguyễn Minh Mẫn tại cuộc làm việc với lãnh đạo Đại học quốc gia TP HCM và các trường trực thuộc. Trong đó, ông Mẫn nói: "quá trình thanh tra mà báo chí nó nhiễu thì rất là nhục. Nên các đồng chí phải khắc phục ngay từ đầu không tiếp đoàn nào cả".
Ngày 31/8, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận kiểm tra việc phát ngôn của công chức. Cơ quan này xác định những phát ngôn "xúc phạm người làm báo" trong đoạn ghi âm trên mạng là của ông Nguyễn Minh Mẫn và quyết định ông này sẽ phải xin lỗi.
Bá Đô

Đảng 'quyết' nhất thể hóa, nhưng 'căn cứ luật nào'?

7 giờ trước

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam bình luận về Hội nghị TƯ6 khóa 12 vừa bế mạc ở Hà Nội và chủ trương nhất thể hóa quyền lực đảng - chính của Đảng và nhà nước Việt Nam.
Trao đổi với BBC Tiếng Việt hôm 12/10/2017, người hiện đang là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Minh Triết Việt, nêu quan điểm về chủ trương nhất thể hóa nói trên mà Hội nghị Trung ương 6 quyết định sẽ thực hiện tiếp sau vòng thí điểm ở một tỉnh phía Bắc Việt Nam, nhưng có thể được bắt đầu ở cấp cơ sở phường, xã, ông Khắc Mai nói:
"Họ nghĩ một cách đơn giản là có hai cơ quan làm cùng nhau, cùng công việc thì sáp nhập lại, nhưng sáp nhập là sáp nhập thế nào?
"Theo nguyên tắc, nếu có một cơ quan đảng với một cơ quan của chính quyền mà trùng nhau, thì giải thể cơ quan của đảng đi, đưa những người tử tế, nếu có, ở bên cơ quan đảng bổ sung cho chính quyền làm việc và tạo ra những luật lệ văn minh, chứ không phải như hiện nay.
"Cho nên việc nhất thể hóa, tôi thấy là họ làm một cách đại khái... tùy tiện, chẳng có luật nào để nói là nhất thể hóa hết!"
Trong cuộc trao đổi hôm thứ Năm với Quốc Phương của BBC Việt ngữ, cựu Vụ trưởng Ban Dân vận cũng đưa ra một số nhận xét, nhận định 'thẳng thắn' từ góc độ quan điểm riêng về tính hiệu quả hay không của Hội nghị 6 khóa 12 BCHTƯ Đảng Cộng sản Việt Nam, thay đổi, bổ sung các nhân sự trong Trung ương và các ban của Đảng có ý nghĩa gì thực sự gì không hay có thể bình luận gì về vị thế của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ đầu nhiệm kỳ II của ông đến nay.
Mời quí vị theo dõi một bài viết có giới thiệu ý kiến của ông Nguyễn Khắc Mai và Luật sư Trần Quốc Thuận cùng về Hội nghị Trung ương 6 khóa 12 tại đây.

Thứ Bảy, 14 tháng 10, 2017

Lưu Hữu Phước - Người tài tứ Dậu

13/10/2017 21:38

Sự nghiệp âm nhạc rực rỡ của Lưu Hữu Phước đã như được thiên định thuở thiếu thời và cứ thế chiếu sáng mãi qua nhiều thập kỷ biến động của lịch sử Việt Nam

Thị trấn Ô Môn - vựa lúa của xứ "Cần Thơ gạo trắng nước trong" - là nơi chào đời của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Má La Thị Xinh sinh ra cậu con trai này thật đặc biệt. Đó là ngày 12-9-1921. Cậu bé sinh nhằm giờ Dậu, ngày Dậu, tháng Dậu (sắp rằm trung thu) và năm Tân Dậu 1921. Cái tứ trùng này là điềm lành nên thầy giáo Lưu Nhân - ba của Lưu Hữu Phước - mới đặt tên con trai mình như vậy.
Lời chào tuổi 15
Lưu Hữu Phước đã không phụ lòng ba má. Đến tuổi học là làu làu "Tam tự kinh", "Minh tâm bửu giám". Lên 9 tuổi, Lưu Hữu Phước đã học đờn kìm của thầy Ngô Đảnh, người Phú Yên. Chỉ một tuần, Phước đã thuộc ngay 20 câu "vọng cổ" nhịp tám. Âm nhạc đã ngấm vào Phước từ thuở nằm nôi khi mẹ ru "Lý con sáo", "Bình bản", "Kim tiền", "Lý bốn mùa"… đã vực Lưu Hữu Phước lớn dậy ở tuổi thiếu niên. Cây mandolin bị hỏng của ai đó vứt đi đã được ba của Phước xin về, trở thành nhạc khí đầu tiên của cậu bé yêu âm nhạc. Cây đàn được Phước tự làm phím tre, cuốn dây đàn bằng tơ đã giúp Phước nhập vào Collège Cần Thơ với năng khiếu âm nhạc năm 12 tuổi. Ở đây, Lưu Hữu Phước bắt đầu bước từ cổ nhạc sang tân nhạc khi được ba mua cho cây mandolin thực sự.
Lưu Hữu Phước - Người tài tứ Dậu - Ảnh 1.
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước Ảnh: Tư Liệu
Ở Collège Cần Thơ, thầy Phạm Văn Bạch như một luồng gió tư tưởng mới mẻ thổi giữa một vầng hào quang rực rỡ khiến những học trò như Nguyễn Việt Nam, Trần Bửu Kiến, Nguyễn Mỹ Ca, Quách Vĩnh Chương, Tạ Thanh Sơn và Lưu Hữu Phước bừng tỉnh một tinh thần dân tộc. Chưa hề đến sông Hương, xứ Huế lần nào, cậu bé 12 tuổi Lưu Hữu Phước đã liều mạng viết bài hát "Trên sông Hương" còn trước cả người đàn anh Nguyễn Văn Thương cũng với tựa đề này. Ngay sau đó vài năm, bản nhạc "Giang sơn gấm vóc" viết cho đờn kìm như một lời chào tuổi 15 của Lưu Hữu Phước.
Lên đàng
16 tuổi, Lưu Hữu Phước lên Thành đô Sài Gòn nhập Trường Lycée Pétrus Ký. Ở đó, cùng Trần Văn Khê và Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước lập ra "câu lạc bộ học sinh" với những sáng tác tươi ròng tuổi trẻ.
19 tuổi, Lưu Hữu Phước ra học đại học ở Hà Nội. Ngay trên chuyến tàu xuyên Việt, hành khúc "Ta cùng đi" đã được ông viết ra. Ở Hà Nội, ông trở thành chủ soái của phong trào "Tổng hội sinh viên" với những hành khúc yêu nước như "Bạch Đằng Giang", "Hội nghị Diên Hồng", "Tiếng gọi thanh niên", "Lên đàng" và đặc biệt là sáng tác âm nhạc cho vở nhạc kịch đầu tiên "Tục lụy" với lời thơ của Thế Lữ. Sự nghiệp âm nhạc rực rỡ của Lưu Hữu Phước đã như được thiên định thuở thiếu thời và cứ thế chiếu sáng mãi qua nhiều thập kỷ biến động của lịch sử Việt Nam.
Năm 1944, Lưu Hữu Phước bỏ học trở về Nam cùng những hành khúc mới ông vừa viết ra như "Xếp bút nghiên", "Mau về Nam", "Gieo ánh sáng", "Hờn sông Gianh". Về Sài Gòn, Lưu Hữu Phước cùng bạn bè tham gia tranh đấu, làm Báo Thanh Niên. Những hoạt động ấy đã khiến ông bị bắt vào tháng 10-1944 và bị giam mấy tháng. Ra tù, Lưu Hữu Phước vẫn không nhụt chí. Ông cùng Huỳnh Văn Tiểng và Mai Văn Bộ lập Nhà Xuất bản Hoàng Mai Lưu. "Lên đàng" là bản hành khúc ông viết cho phong trào "Thanh niên Tiền phong". Khi Sài Gòn khởi nghĩa, ông viết ngay "Khúc khải hoàn". Khi Nam Bộ kháng chiến, ông và Nguyễn Mỹ Ca thành lập Binh công xưởng Nam Bộ. Vừa sản xuất vũ khí, hai ông vừa sáng tác ca khúc. "Đói lạnh" và "Đoàn quân ma" được viết trong thời kỳ này. Cuối năm 1945, ông được điều ra Hà Nội. Ở thủ đô, ông vẫn mở nhà sách Hoàng Mai Lưu II ở số 8 Hàng Ngang. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Lưu Hữu Phước lên Việt Bắc, lãnh đạo "Đoàn nhạc kịch thiếu nhi kháng chiến". Vở ca kịch "Hái hoa dâng Bác" được Lưu Hữu Phước viết nhân dịp kỷ niệm 60 năm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1950) và do đoàn thiếu nhi trình diễn. Ông còn viết "Tuổi hai mươi", "Lãnh tụ ca", "Đông Nam Á châu".
Kiên trì đi theo âm nhạc truyền thống
Khi Đoàn Văn công Nhân dân trung ương thành lập, Lưu Hữu Phước được điều về làm phó đoàn cùng trưởng đoàn Nguyễn Xuân Khoát. Đấy là những ngày ông cùng ban lãnh đạo đoàn kiên trì chí hướng đi theo âm nhạc truyền thống. Vừa cùng anh em sang Berlin tham gia Đại hội Thanh niên sinh viên thế giới lần thứ hai, ông lại cùng anh em đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau đó, là chuyến cùng anh em sang Thượng Hải thu 30 đĩa hát dành cho ngày giải phóng thủ đô. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ những năm tháng ở đoàn văn công, đầu năm 1956, Lưu Hữu Phước chuyển sang làm Trưởng Ban Nghiên cứu nhạc vũ trong Vụ Nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa. Vừa cùng anh em nghiên cứu và xuất bản cuốn "Dân ca quan họ", Lưu Hữu Phước vẫn tiếp tục tuôn chảy mạch hành khúc của mình qua các tác phẩm "Dưới cờ Đảng vẻ vang", "Cả cuộc đời về ta". Ông cùng Huỳnh Văn Tiểng và Mai Văn Bộ được Bộ chính trị giao nhiệm vụ viết một bài hát là bài "Mặt trận ca" dành cho Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. "Giải phóng miền Nam" đã ra đời trong hoàn cảnh ấy với cái tên ghép của ba người: Huỳnh Minh Liêng song do giới thiệu sai nên trở thành Huỳnh Minh Siêng. Đến khi vào miền Nam công tác, Lưu Hữu Phước có cái tên mới là Tư Siêng.
Sau "Giải phóng miền Nam", với biệt danh Long Hưng, Lưu Hữu Phước viết "Bài ca giải phóng quân", "Giờ hành động" (thơ: Thanh Hải) cùng Hoàng Hiệp (biệt danh là Lưu Nguyễn) viết "Hành khúc giải phóng".
Từ ngày thống nhất đất nước, Lưu Hữu Phước trở thành Viện trưởng Viện Âm nhạc sau khi rời chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Ông cùng anh em nghiên cứu và giới thiệu đàn đá Khánh Sơn. Ngày Tết Đoan Ngọ năm Kỷ Tỵ (1989), người nhạc sĩ tài tình với nhịp hành khúc Việt Nam đã trút hơi thở cuối cùng tại Sài Gòn, để lại bao tiếc thương cho giới âm nhạc. 
Tiến về Sài Gòn
Khi Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc, Lưu Hữu Phước lại viết ngay "Sẵn sàng chiến đấu" và "Thanh niên ba sẵn sàng". Sau đó, ông có cuộc hành phương Nam lần thứ hai rất ngoạn mục. Để vào chiến khu R ở Đông Nam Bộ, Lưu Hữu Phước đã bay từ Hà Nội sang Quảng Châu rồi từ đó bay về Phnom Penh, đi xe tới biên giới rồi đi bộ từ biên giới về chiến khu R. Ở đây, Tư Siêng đã có một bước ngoặt mới trong sáng tác với những "Cô gái Củ Chi", "Tiếng núi sông", "Xuống đường" rồi "Sài Gòn mến yêu" khi đưa vào nội thành Sài Gòn in trên tờ "Tin Văn" thì đổi tên "Thanh niên xây dựng non sông" và tên tác giả phải mượn danh nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba. Những năm tháng ở R, Lưu Hữu Phước cùng Hoàng Việt viết opéra "Bông sen" gửi ra dàn dựng ở Hà Nội vào đúng dịp kỷ niệm 8 năm thành lập mặt trận 22-12-1968. Khi Bác mất, ông viết "Tình Bác sáng đời ta" với phần lời của Diệp Minh Tuyền.
Chính ông cũng chui vào Sài Gòn để nắm tình hình. Khi đến rạp Quốc Thanh thì bất ngờ gặp bạn cũ là Nguyễn Ngu Ý. Tư Siêng đành vừa tay bắt mặt mừng vừa nhanh chóng rút lẹ ra chiến khu. Tết Mậu Thân 1968, cuộc tổng tiến công và nổi dậy, bao nhiêu quân giải phóng đã hát vang "Tiến về Sài Gòn" của ông.
Nguyễn Thụy Kh