Ngày Thứ Tư 18, đảng Cộng sản Trung Hoa khai mạc Đại hội đảng Khóa 19 khi ông Tập Cận Bình sẽ lãnh đạo thêm một nhiệm kỳ năm năm và củng cố quyền lực của mình. Nhưng ông sẽ đối đầu với những bài toán kinh tế nào và gặp những trở ngại gì? Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu vấn đề này của nền kinh tế Trung Quốc.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, tuần này đảng Cộng sản Trung Hoa có Đại hội năm năm triệu tập một lần, lần này là Khóa 19 hội họp từ hôm 18 đến 24, để xác nhận những gì đảng chuẩn bị trước. Theo dõi việc chuẩn bị, giới quan sát quốc tế cho là Tổng bí thư Tập Cận Bình tiếp tục củng cố quyền lực về trung ương và trong trung ương là quyền lực của cá nhân ông, điều chưa từng thấy kể từ thời các lãnh tụ Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình. Nhưng thuần về kinh tế, thưa ông, điều ấy có giúp gì cho việc giải quyết các vấn đề của Trung Quốc không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, chúng ta biết kinh tế và xã hội Trung Quốc tích lũy nhiều vấn đề được lãnh đạo thuộc thế hệ Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo xác nhận từ 10 năm trước mà chưa giải quyết nổi. Đây chỉ là hiện tượng bình thường của các nền kinh tế vừa theo quy luật thị trường và có vài chục năm tăng trưởng mạnh trong thời gọi là “khởi phát”. Sau năm 2007 thì đà tăng trưởng thuần, từ khoảng 14% cứ suy giảm dần, nay chỉ còn từ 6,5 tới 6,7% thôi. Đây là ta nói về lượng, chưa nói về phẩm của sự tăng trưởng đó. Hiện tượng bất thường là cách ứng phó của lãnh đạo chính trị có tính chất nửa vời vì quy luật “đồng thuận” giữa các phe nhóm từ trung ương tới địa phương. Lên lãnh đạo đảng sau Đại hội 18 vào Tháng 11 năm 2012, Tập Cận Bình mới tập trung quyền lực để tiến hành cải cách và chuyển hướng kinh tế, mà vẫn chưa xong sau năm năm củng cố vị trí cùa mình.
Kinh tế và xã hội Trung Quốc tích lũy nhiều vấn đề được lãnh đạo thuộc thế hệ Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo xác nhận từ 10 năm trước mà chưa giải quyết nổi. - Nguyễn Xuân Nghĩa
- Ông củng cố qua ba ngả là thanh lọc tham nhũng, thanh trừng đối thủ và cải tổ cơ chế để thâu tóm quyền lực với một số người thân tín vây quanh trong bộ máy đảng, nhà nước và quân đội. Việc thanh lọc tham nhũng khiến cả triệu cán bộ bị kỷ luật, việc thanh trừng đối thủ khiến cả chục đảng viên từ Bộ Chính Trị xuống tới cấp Trung ưng Ủy viên bị cách chức và vào tù, gần đây nhất là việc cách chức Bí thư thành phố Trùng Khánh để đưa người của ông vào. Trong số Bí thư của 31 tỉnh, Tập Cận Bình có 13 người thuộc phe mình; trong bốn thành phố lớn nhất do trung ương quản lý, ông kiểm soát được Bắc Kinh, Trùng Khánh, Thiên Tân và sẽ nắm cả Thượng Hải. Sau Đại hội 19 được chuẩn bị từ hơn một năm nay, Tập Cận Bình còn đưa người vào Thường vụ Bộ Chính Trị để chuẩn bị cho thế hệ lãnh đạo kế tiếp, là thế hệ thứ sáu kể từ Mao Trạch Đông.
Nguyên Lam: Có lẽ vì vậy mà quốc tế đánh giá là ông Tập Cận Bình đã có quyền lực ngang hàng Đặng Tiều Bình, thậm chí Mao Trạch Đông, và phải chăng từ nay sẽ rộng tay giải quyết các vấn đề kinh tế? Nhưng thưa ông, các vấn đề ấy là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nói chung là tăng trưởng thiếu phẩm chất, bất ổn, bất công mà gây ô nhiễm. Nghĩ về phương án giải quyết thì ta thấy ra năm vòng lẩn quẩn đan kết vào nhau. Trước hết là nạn sản xuất thừa vì mục tiêu tạo ra việc làm và nâng mức lời cứ sa sút đều của các doanh nghiệp. Thứ nhì là tình trạng vay mượn quá cao, theo thống kê Ngân hàng Nhà nước thì lên tới 260% Tổng sản lượng, vì nhà nước sợ các xí nghiệp tư doanh, quốc doanh, xí nghiệp hương trấn của địa phương sụp đổ nên ngân hàng cứ tiếp tục tài trợ. Đây là chưa nói đến khoản vay ngoài sổ sách hay “ngân hàng chui”, là một quả bom tín dụng khác. Hậu quả là vấn đề thứ ba, tình trạng bấp bênh của hệ thống tài chính ngân hàng. Thứ tư là rủi ro ngoại hối sau khi nhà nước muốn đồng Nguyên cũng là ngoại tệ dự trữ trong khi tư bản lại có thể bị tẩu tán ra ngoài. Thứ năm, chính là sự suy sụp của doanh nghiệp nhà nước, nắm giữ tới 25% tài sản kinh doanh của cả nước mà chỉ có xuất lượng chừng 14% so với 70% của tư doanh. Tập Cận Bình muốn dùng hệ thống kinh tế nhà nước làm đòn bẩy cho đảng và đòi giới hạn sự lớn mạnh của tỷ phú tư nhân sợ họ sẽ lũng đoạn chính trị như tài phiệt bên Nga. Chỉ một vòng sơ lược về sự đan kết của năm loại vấn đề chằng chịt ấy, ta cũng thấy ra những bài toán đang chờ đợi Tập Cận Bình. Ông ta có thể nghĩ ưu thế của vòng luẩn quẩn là mình chặt bất cứ khoen nào thì cũng đánh bung tất cả, nhưng thực tế có khi lại cứng đầu hơn vậy!
Nguyên Lam: Bây giờ, chúng ta có thể đi vào từng loại vấn đề kinh tế nói trên, trước hết thì ưu tiên số một của lãnh đạo Trung Quốc sẽ là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ ưu tiên là núi nợ quá lớn, nhất là khoản nợ của chính quyền địa phương. Sở dĩ như vậy vì năm ba năm trước, vào cuối năm 2014, ông Tập Cận Bình đã có chương trình cải cách để chấn chỉnh hệ thống tài chính của các tỉnh, như đặt ra định mức đi vay và đảo nợ thành trái phiếu nhưng việc không thành cũng vì địa phương không chấp hành, giới ngân hàng sợ rủi ro mất vốn mà trung ương cũng chẳng thể tung tiền chuộc nợ. Từ đó, họ Tập mới tìm giải pháp tạm là ổn định tình hình với một số tài trợ cưỡng bách của trung ương và của các ngân hàng. Biện pháp đó chỉ là trì hoãn vấn đề và nay sẽ phải ưu tiên giải quyết vì vấn đề nằm trong cơ chế quyền lực giữa trung ương và các địa phương.
- Vấn đề thứ hai là tình trạng sản xuất dư dôi. Năm 2015, Tập Cận Bình đề ra chính sách cùng lúc giải quyết tình trạng sản xuất thừa và nhà cửa ế ẩm, doanh nghiệp lỗ lã. Chính sách có cương có nhu, có trừng phạt lẫn cứu trợ mà vẫn không đem lại kết quả vì nhiều địa phương lại gánh chịu hậu quả nếu doanh nghiệp sở tại bị đóng cửa và cư dân mất việc. Rốt cuộc thì chính sách ấy chỉ thành công tại những tỉnh trù phú có khả năng vượt qua khó khăn. Các địa phương nghèo hơn thì mong cầm cự cho qua ngày chứ không thể đảo ngược nổi tình hình. Như vậy, cái vòng luẩn quẩn này càng cho thấy khả năng giới hạn của trung ương, dù đã nằm trong phạm vi quyền lực của Tập Cận Bình.
Tập Cận Bình sẽ có biện pháp cứng rắn với các doanh nghiệp tư nhân không chấp hành đường lối quản lý của đảng. - Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Hồi nãy ông có nêu một vấn đề kinh tế đáng chú ý là tình trạng suy yếu của các tập đoàn kinh tế nhà nước trước đà phát triển khá của hệ thống tư doanh. Vấn đề đó cũng có một nguyên do chính trị, như vậy, sau Đại hội 19, lãnh đạo Bắc Kinh có thể làm gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chưa tới Đại hội 19 thì ta đã thấy Chính quyền Tập Cận Bình đưa ra nhiều tín hiệu đáng chú ý. Điển hình là chiến dịch đả kích tội đầu cơ của các tập đoàn tư doanh rồi hạn chế việc các tập đoàn này đầu tư ra nước ngoài vì là nạn tẩu tán tư bản. Sau đó là biện pháp hình sự là truy tố và cầm tù tỷ phú tư nhân, điển hình là trường hợp của chủ tịch tổ hợp bảo hiểm An Bang. Ông Ngô Tiểu Huy bị tống giam từ Tháng Sáu về tội danh mơ hồ là phạm luật kinh tế mặc dù ông có người vợ là cháu ngoại của Đặng Tiểu Bình, tức là cũng có quan hệ với chế độ. Cùng biện pháp răn đe tư doanh, Tập Cận Bình lại mở cho họ một con đường khác, đó là bỏ tiền hùn hạp vào doanh nghiệp nhà nước, nôm na là bắt tư doanh gánh một phần lỗ lã của quốc doanh, đó là trường hợp của các doanh nghiệp như Tencent hay Alibaba.
- Bài toán kinh tế vượt khỏi quyền lực chính trị của Tập Cận Bình là 30 năm sau khi mở cửa, Trung Quốc đã có 30 triệu doanh nghiệp tư nhân, với mức lời bình quân cỡ 7% một năm trong khi mức lời của quốc doanh chỉ ở khoảng 3%, còn thấp hơn lãi suất tín dụng. Thành thử, một khía cạnh chính trị của núi nợ chính là khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước. Theo hướng này, tư doanh sẽ è cổ đắp nợ cho quốc doanh và điều ấy cũng sẽ thành vấn đề chính trị.
Nguyên Lam: Nếu như vậy, phải chăng là lãnh đạo Trung Quốc từ Đại hội 18 cho tới sau này vẫn có chủ trương can thiệp mạnh hơn vào sinh hoạt kinh tế?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta sẽ có cơ hội kiểm chứng điều ấy sau khi Đại hội 19 phô bày cái gọi là “tư tưởng Tập Cận Bình”. Ông ta có thể thêu dệt về nghĩa vụ xã hội của thành phần kinh tế nhà nước để giải thích tình trạng kinh doanh đầy lãng phí và tốn kém nhưng mục tiêu là củng cố hậu thuẫn chính trị của mình từ thành phần đảng viên đang quản lý các trung tâm gọi là “sản nhập” chứ không phải sản xuất. Mặt khác, Tập Cận Bình sẽ có biện pháp cứng rắn với các doanh nghiệp tư nhân không chấp hành đường lối quản lý của đảng.
- Dư luận bên ngoài cứ bị mê hoặc bởi thành quả tăng trưởng của nền kinh tế nay có sản lượng hạng nhì thế giới mà ít thấy là 16 năm sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, Trung Quốc vẫn chưa được công nhận là có quy chế kinh tế thị trường vì sự can thiệp quá lớn của nhà nước qua hệ thống quốc doanh. Với quyền lực tập trung hơn nữa sau Đại hội 19, Tập Cận Bình sẽ chẳng xả ra mà còn xiết vào, đấy là một vấn đề khác của cái vòng luẩn quẩn.
Nguyên Lam: Vì thời lượng có hạn và bề nào thì chúng ta còn thời gian kiểm chứng lại, Nguyên Lam xin đề nghị ông nêu ra vài kết luận cho thính giả của chúng ta.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Như nhiều nền kinh tế mới chuyển hướng thì sau 30 năm tăng trưởng bình quân 10% một năm, Trung Quốc cũng đi vào thời kỳ suy giảm với tốc độ thấp hơn. Điều bất ngờ là vụ Tổng suy trầm toàn cầu năm 2008 khiến lãnh đạo xứ này ráo riết bơm tiền để duy trì một đà sản xuất cao hầu tránh nội loạn. Vì vậy, năm 2010 họ đã có sản lượng vượt Nhật Bản nhưng lại tích lũy thêm vấn đề. Trong năm năm lãnh đạo, Tập Cận Bình có thấy ra và muốn sửa mà không xong. Qua nhiệm kỳ tới, ông sẽ tập trung thêm quyền lực để làm chủ bộ máy quản lý, nhưng kết quả sẽ là một chế độ chính trị khắt khe nghiệt ngã hơn trong khi lãnh tụ trên đỉnh tháp lại tạo ra một nếp văn hóa mới là có một triều đình cúi đầu thần phục mà không còn nhìn xuống dưới, hay ra ngoài. Giỏi lắm thì Tập Cận Bình chỉ tạm đẩy lui được cái giờ tính sổ chi thu, trong khi lại gây thêm mâu thuẫn với các địa phương và nhiều phe phái khác.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.