Thứ Ba, 17 tháng 10, 2017

TẬP CẬN BÌNH GỐC MÃN CHÂU, HẬU DUỆ KHANH HY, CÀN LONG...VIÊT LẠI LUẬT CHƠI, TÁI LẬP THANH TRIỀU

Một nhà quan sát dự báo với BBC rằng Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 khai mạc ngày 18/10 sẽ 'không kịch tính' như Đại hội Đảng Việt Nam lần thứ 12 hồi năm 2016.

trung quốc
Thông báo nhân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc được công bố tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh
Hôm 17/10, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu cao cấp về chính trị thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, nói với BBC: "Nếu như so với Đại hội Đảng Việt Nam lần thứ 12, có lẽ Đại hội lần thứ 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra bình lặng, ít kịch tính hơn, dù cũng có đấu đá hoặc thanh trừng nội bộ trước sự kiện."

"Người ta không thấy có sự ganh đua gay cấn như của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi năm ngoái."

"Điều này có thể là do cơ cấu quyền lực của Trung Quốc trong thời Tập Cận Bình có sự tập trung cô đặc và dưới bàn tay đạo diễn của ông Tập, mọi sắp xếp nhân sự diễn ra êm thắm, không có bất đồng chống đối trong nội bộ."

"Còn do ở Việt Nam cơ cấu quyền lực có sự phân tán hơn nên có những thách thức, cạnh tranh lẫn nhau dẫn tới kịch tính như trong Đại hội Đảng năm ngoái."

'Mua ảnh hưởng'

Ông Hiệp cũng nói thêm: "Về nhân sự Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc, Hà Nội sẽ quan tâm đến ai sẽ là người được đề bạt lần này và liệu có thay đổi gì về chính sách đối ngoại trong tương lai."

"Hà Nội cũng quan tâm đến chính sách kinh tế, cải cách doanh nghiệp nhà nước, nhất là cuộc chiến chống tham nhũng tại Trung Quốc vì đây là những vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt và rút ra được các bài học từ nước láng giềng."

Hà Nội cũng quan tâm đến chính sách kinh tế, cải cách doanh nghiệp nhà nước, nhất là cuộc chiến chống tham nhũng tại Trung Quốc.
Lê Hồng Hiệp, Tiến sĩ
"Nhưng có lẽ điều Hà Nội quan tâm nhiều nhất là chính sách của Trung Quốc về Biển Đông vì đang có quan ngại sau khi kết thúc Đại hội Đảng, ông Tập có thể củng cố quyền lực, Trung Quốc có lẽ sẽ trở lại chính sách xác quyết trước đây về Biển Đông và có những bước đi bất lợi cho Việt Nam."

"Trong 5 năm qua từ khi ông Tập lên nắm quyền thì quan hệ Việt - Trung nhìn chung có xu hướng trở nên căng thẳng hơn so với thời ông Hồ Cẩm Đào. Và xu hướng này có thể tiếp tục duy trì trong 5 năm tới do vấn đề Biển Đông."

"Trung Quốc muốn thiết lập vị thế và ảnh hưởng trong khu vực, trước khi vươn lên vai trò lớn hơn trên toàn cầu."

"Do vậy, họ mua ảnh hưởng thông qua các hoạt động viện trợ, hợp tác kinh tế, đầu tư... Nhưng cũng có lo ngại rằng những chính sách tích cực của Bắc Kinh không đủ bù đắp lại những tiêu cực mà họ tạo ra tại Biển Đông."

"Việt Nam tuy tích cực tham gia các hoạt động, ủng hộ sáng kiến hợp tác của Trung Quốc nhưng cũng tỏ ra cứng rắn khi bảo vệ lợi ích tại Biển Đông dẫn đến những va chạm căng thẳng như sự cố giàn khoan hồi năm 2014 và có những lo ngại sự cố này sẽ tái diễn."

Cùng ngày, trả lời BBC từ Hà Nội, ông Dương Danh Dy, nhà nghiên cứu quan hệ Việt - Trung ở Hà Nội, nói ngắn gọn:

"Tôi không có bình luận gì về Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc mà chỉ nói rằng, cái gì có lợi cho họ thì họ làm thôi."

"Nhìn chung thì Bắc Kinh luôn bảo vệ bá quyền của họ bằng mọi cách."

(BBC)

Tập Cận Bình viết lại luật chơi quyền lực của Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email
Tác giả: Robert Marquand | Biên dịch: Trần Ngọc Cư
Kết quả hình ảnh cho Tập Cận Bình
Với một tốc độ và sự cứng rắn không ai nghĩ đến vào thời điểm trở thành người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình không những đã củng cố quyền lực của mình mà còn đang chỉ đạo một cuộc thanh trừng rộng lớn khiến một số người thắc mắc liệu ông có thu tóm quá nhiều quyền lực hay không.
Kể từ thời Mao Trạch Đông đến nay chưa có một cá nhân nào tại Trung Quốc trở thành một nhà lãnh đạo xuất hiện thường xuyên trước công chúng hoặc thu tóm nhiều quyền lực đối với một quốc gia đang trỗi dậy với dân số 1,3 tỉ như ông Tập Cận Bình – người có cha là một đồng chí nổi bật của Chủ tịch Mao.
Từ thời Mao đến nay chưa một lãnh đạo Trung Quốc nào đẩy mạnh một chương trình trọn vẹn phục hồi các giá trị cũ và sức mạnh thô bạo của Đảng Cộng sản như Tập Cận Bình đang làm. Từ biến cố Thiên An Môn năm 1989 đến nay chưa một lãnh đạo Trung Quốc nào triệt để chặn đứng thậm chí cả những bước chập chững hướng đến các cởi mở chính trị như Tập Cận Bình đang làm. Dưới bàn tay kìm kẹp của Tập trong những tháng gần đây, thậm chí những những nhà tranh đấu ôn hòa cho một xã hội dân sự cũng bị nghiêm trị khiến phải im tiếng – trong một chiến dịch có vẻ là một chương trình thanh lọc nghiêm khắc áp dụng cho toàn Đảng và toàn xã hội.
Tập đang được gọi bằng mọi thứ tên, từ một “nhà độc tài mới của Đảng” đến một hoàng đế của thời hiện đại. Có người cho rằng ông tự coi mình là một nhân vật do định mệnh lịch sử sắp đặt để giám sát sự thức dậy của nước Trung Hoa.
Một cách lặng lẽ, Tập đã xuất hiện trên sân khấu chính trị thế giới như một nhà lãnh đạo có đường lối độc tài không thua gì Vladimir Putin tại Nga. Chắc chắn là, Tập đã đập tan mọi hi vọng về việc khai sinh một xã hội dân sự đa nguyên tại Trung Quốc trong tương lai trước mắt.
Trong 18 tháng qua, Tập đã tóm cổ các đối thủ chính trị của mình trong một chiến dịch chống tham nhũng rộng lớn từ tầng thấp đến tầng cao, lắm lúc nom như một cuộc thanh trừng không đổ máu. Hơn 2000 cán bộ đảng viên các cấp đã bị thay thế. Những cán bộ đảng viên đang vươn lên như Bí thư Thành ủy Quảng Châu Vạn Khánh Lương đã hết sức ngỡ ngàng vì thấy mình mới được tôn vinh hôm trước lại bị rút thẻ Đảng hôm sau.
Các chiến thuật của Tập đã gieo sợ hãi và bất ổn tâm lý trong các cấp đảng viên từ thấp đến cao, theo một số nguồn tin mà chúng tôi có dịp phỏng vấn tại Trung Quốc, tại Châu Á, và tại Mỹ trong tháng Tám và tháng Chín vừa qua về các động thái của Tập Cận Bình.
Người Châu Á có câu “giết gà nhát khỉ” và coi đó là một hình thức cai trị. Nhưng Tập còn thịt luôn cả khỉ. Một tướng có thế lực, Từ Tài Hậu, không bao lâu nữa cũng sẽ bị lôi ra toà án quân sự. Một lãnh đạo Đảng thậm chí có nhiều quyền lực hơn những nhân vật kể trên, đó là Chu Vĩnh Khang – người nắm trong tay một mạng lưới cảnh sát và công an thường hành xử như một chính phủ trong một chính phủ hay như một tập đoàn mafia – cũng bị hạ bệ vào tháng Bảy vừa qua.
“Thông điệp rõ ràng là, ‘Nếu Tập có thể triệt luôn cảChu, thì ai là người mà Tập không thể triệt hạ?” David Kelly thuộc nhóm nghiên cứu Chính sách Trung Quốc tại Bắc Kinh đã nói như vậy.
‘Một quan niệm mới về Trung Quốc’
“Quan niệm mới của Tập Cận Bình về Trung Quốc,” như hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã tường thuật vào tháng Tám, “có ý nghĩa sâu rộng hơn thế giới bên ngoài có thể tưởng tượng.” Tập gọi đó là một “nỗ lực trẻ trung hóa” vĩ đại.
Tập không ngớt lời cổ vũ cho một hình ảnh về cái gọi là một “Giấc mơ Trung Hoa” tràn trề của cải, địa vị quốc tế, và niềm tự hào dân tộc, một hình ảnh làm nức lòng giai cấp trung lưu thành thị, nơi ông được rất nhiều người mến mộ. Nó gảy lên cung đàn dân tộc chủ nghĩa trong một đất nước đã lâu ngày cảm thấy bị thế giới coi thường. Nhưng mặt khác, Tập cũng đang thi hành những điều cấm kỵ nghiêm khắc đưa ra trong Văn kiện 9 tháng Tám 2013 luân lưu trong nội bộ Đảng, còn được gọi là văn kiện “Bảy Không.”
Bản tuyên ngôn kêu gọi các đảng viên trung kiên phải xoá bỏ tự do phát biểu ý kiến, các ảnh hưởng từ nước ngoài, hay bất cứ một điều gì phảng phất mùi dân chủ, tính minh bạch, hay quan điểm độc lập.
Trong vấn đề chủ quyền Trung Quốc, Tập đã tỏ ra cứng rắn hơn cả những thành phần cứng rắn nhất trong Đảng: Ông thẳng tay đàn áp những người thiểu số Duy Ngô Nhĩ cứng đầu ở miền viễn tây Tỉnh Tân Cương. Thông điệp ông gửi cho Đài Loan về việc thống nhất với Trung Quốc còn cứng rắn hơn nữa. Ông chôn vùi mọi hi vọng của Hồng Kông về các cuộc tuyển cử tự do và công bằng vào năm 2017 – một ý đồ đã quay đầu lại cắn ông ngay trên đường phố của một thuộc địa Anh trước đây và hiện nay là một trung tâm tài chính Châu Á.
Lần đầu tiên, Trung Quốc, dưới triều đại Tập Cận Bình, đang theo đuổi những lập trường hiếu chiến trong các vùng nước Thái Bình Dương, đối đầu với các cường quốc Đông Á như Nhật Bản, Việt Nam, Phi Luật Tân và Mỹ. Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên những vùng biển và vùng trời rộng lớn.
Ngay sau khi Tổng thống Obama đến thăm Châu Á vào mùa Xuân năm nay để trấn an những đồng minh đang bị nao núng, Trung Quốc đưa một giàn khoan vào ngay trong vùng nước tranh chấp gần bờ biển ViệtNam. Vào ngày 22 tháng Chín sau khi đi thăm Ấn Độ về, Tập được Tân Hoa Xã trích dẫn là đã chỉ thị các đơn vị Quân Giải phóng Nhân dân phải sẵn sàng ở trong thế chiến đấu nếu muốn thắng “một chiến tranh khu vực.”
“Chúng tôi đã không tiên liệu việc này sẽ xảy ra,” một nhân viên an ninh quốc gia tại Nhà Trắng nói với các nhà báo sau khi Trung Quốc bác bỏ một báo cáo của Lầu Năm Góc về cuộc đối đầu trên không [mid-air encounter] giữa một máy bay phản lực của Quân đội Trung Quốc và một máy bay trinh sát của Hải quân Mỹ gần bờ đảo Hải Nam vào tháng trước.
Orville Schell thuộc Chương trình Mỹ-Trung của Asia Society đưa ra câu hỏi: “Liệu Trung Quốc thực sự có bạn bè nào không?” Các học giả Mỹ cho rằng Tập Cận Bình và Barack Obama sẽ có nhiều đề tài để thảo luận tại Hội nghị APEC vào tháng Mười Một tại Thượng Hải.
Mô hình lãnh đạo tập thể mất hết công dụng
Sở dĩ sự trỗi dậy của Tập Cận Bình được coi là một bước ngoặt vì ông và một nhóm lãnh đạo cao cấp yêu nước trên cơ bản đã xóa bỏ mô hình “lãnh đạo tập thể” vào năm 2012. Qua nhiều thập niên, quyền lực tối hậu tại Trung Quốc được chia sẻ theo đường lối phân tán. Các quyết sách được thông qua do sự đồng thuận của chín ủy viên trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị.
Chính sách chia sẻ quyền lực này được thiết kế bởi Đặng Tiểu Bình, nhà cải cách đã mở cửa Trung Quốc, một phần để tránh giẫm lại “tệ sùng bái cá nhân” theo kiểu Mao – hay một cuộc Cách mạng Văn hóa khác. Do đó, mô hình tập thể đã mang một đặc tính trấn an nội bộ. Sẽ không có một cá nhân lãnh đạo nào trở nên quá mạnh. Vì đã có những cái thắng xe.
Nhưng Tập tỏ ra cứng rắn hơn Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào rất nhiều. Các nhiệm kỳ của hai ông này vẽ ra một nước Trung Hoa “thân thiện” muốn học hỏi từ thế giới bên ngoài và trỗi dậy “một cách hài hòa” tại Châu Á. Nhưng ở Trung Quốc bây giờ, Giang và Hồ chỉ được gọi là những người trông coi lâm thời [caretakers] hay là những nhà quản lý đất nước [stewards]. Điều mà Trung Quốc đang chờ đợi, theo đường lối mới của Đảng, là một thủ lĩnh độc tài như Tập – có thể khống chế các thái ấp đang xung đột nhau [các nhóm lợi ích] và nạn tham nhũng đang đe dọa quyền lãnh đạo của Đảng và tiến bộ kinh tế, hai lợi ích bất khả xâm phạm của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Tập thuộc “Thế hệ hồng thứ hai” của Trung Quốc – con cái của những khai quốc công thần. Cha ông, Tập Trọng Huân [Xi Zhongxun], là một trong “Tám công thần bất tử” đã giúp mở đường cho cuộc cách mạng của Mao. “Những thành viên của thế hệ hồng thứ hai” coi Đảng và quốc gia là một. Họ căm phẫn những thành phần cơ hội chủ nghĩa đã trở nên giàu có và tham ô trên sự hi sinh của cha ông họ. Họ muốn chặn đứng những người sống xa hoa mà không đếm xỉa đến đất nước Trung Hoa. những người “chỉ biết nhận mà không biết cho,” như một học giả Trung Quốc mô tả.
“Ông ấy có một ‘trái tim hồng,’ như chúng tôi thường nói,” Lí Đại Đồng [Li Datong], một cựu tổng biên tập nhật báo có trí thức và tiếng tăm, bình luận như thế. “Thế hệ ông cảm nhận một ý thức trách nhiệm rất sâu sắc. Trước hết, họ cảm thấy rằng, khi đối diện một cuộc khủng hoảng, họ phải làm một cái gì.”
Mặc dù cha của Tập bị Mao cho vào ngục, nhưng người con đang hướng đến Mao để tìm nguồn khích lệ. Trong một tập tiểu luận xuất bản ngày 25 tháng Chín, Tập đòi hỏi các đảng viên không được từ bỏ “tinh thần Mao Trạch Đông” hoặc tư tưởng Mao Trạch Đông về một cuộc cách mạng thường trực. Tập là lãnh đạo đầu tiên của Trung Quốc kể từ thời Mao đã xưng “tôi” trong ngôi thứ nhất, nhà Trung Quốc học [Sinologist] Pháp Francois Godement nhận xét. Tập tin tưởng vào lý thuyết “thủ lĩnh độc tài” về lịch sử, và cũng là nhân vật đầu tiên từ thời Mao đã công khai đăng đàn diễn thuyết về vai trò lãnh đạo. Ông nói rằng “vai trò của Thủ lĩnh số một là then chốt.”
Trung Quốc cần một bàn tay mạnh
Các động lực thúc đẩy Tập trỗi dậy chiếm địa vị số một bắt nguồn từ những năm đầu của thập niên 2000, khi các nhà tư bản Trung Quốc được mời gia nhập Đảng. Lời mời gọi đó ngày nay bị coi là rất phức tạp, phúc họa lẫn lộn. Đấy là một nỗ lực vận dụng tính năng động kinh tế của Trung Quốc vào cơ cấu chính trị của thế kỷ 19 được thai nghén bởi cái đầu của Vladimir Lenin.
Các thái ấp kiểu mới, các đại gia, và nhóm được gọi là thái tử Đảng, gồm con trai cũng như con gái của các gia đình thuộc giới lãnh đạo chóp bu Trung Quốc, tất cả đều tranh nhau các móc nối trong Đảng. Lời mời gọi trở thành trái bom tạo mặt bằng cho các “guanxi” hay quan hệ mà giới tư bản cần đến để tiếp cận các nguồn tiền và tín dụng của nhà nước. Các suối tiền khổng lồ đã ào ạt chảy ra từ các khu vực [do nhà nước quản lý] như viễn thông, khoáng sản, sắt thép, và xây dựng. Khoảng năm 2010 tình trạng bát nháo – những tài khoản ngân hàng ở nước ngoài, những bữa tiệc xúp vi cá mập, việc mua dâm và nhậu nhẹt, những lấn lướt và ám hại lẫn nhau – đã tạo ra nguy cơ làm cho Trung Quốc trở thành “đại loạn,” theo nhận định của một nguồn tin.
Hồ Cẩm Đào tỏ ra bất lực, không kềm hãm nổi cao trào các đảng viên lũ lượt chạy theo tiền tài và danh vọng trước khi nhiệm kỳ của ông chấm dứt vào năm 2012.
Đã có nhiều chẩn đoán khác nhau về cuộc khủng hoảng của Trung Quốc. Một số cho rằng Đảng Cộng sản sắp đi đến chỗ diệt vong. Một số khác cho rằng nền kinh tế hoàn toàn thất bại. Một số bảo rằng cả hai đều gặp bế tắc. Một vài chỉ số cơ bản của nền kinh tế là rất đáng lo ngại: Các chính quyền địa phương đã vay mượn ngoài sức chi trả của mình để xây các chung cư, các nhà chọc trời, các trung tâm mua sắm, và các cầu vượt trên các trục xa lộ.
Vấn đề cốt lõi là làm thế nào để Trung Quốc có thể biến một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu thành một nền kinh tế tiên tiến công nghệ cao. Liệu Đảng có khả năng tự cải tạo để chấp nhận một đường lối có nhiều sáng kiến hơn – hay Đảng cần tập trung hoá các quyết sách của mình theo đường lối độc tài?
Khi nỗi lo sợ [sụp đổ] trong Đảng trở nên sâu sắc, các lãnh đạo chóp bu đi tìm sự hỗ trợ của Thế hệ đỏ thứ hai. Và họ đã chọn đường lối cứng rắn, hoàn toàn không còn bàn đến một thái độ cởi mở thông thoáng nào nữa.
Thoạt đầu Tập xuất hiện gần như một người xuề xoà trong quần chúng, ăn bánh bao, ở khách sạn rẻ tiền, và có giọng nói ôn tồn trấn an người khác.
Nhưng khi sáu cơ quan cao nhất trong Bộ Chính trị được tái cơ cấu năm 2012, kể cả an ninh quốc gia, tài chính, quân sự, và cải tổ – Tập cầm đầu cả sáu cơ quan. Nhờ đó, ông nhanh chóng có cơ hội đưa kẻ cựu thù không đội trời chung đang bị thất sủng, là Bạc Hi Lai, ra xét xử trong một vụ án công khai cao độ năm 2013.
Khác với Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân, Tập được coi là một người không chỉ nói mà còn hành động nữa. Ông đã quảng diễn Văn kiện số 9 để truy kích cả những nhà cải tổ ôn hòa, đây là điều tương đối mới. Tập đã lo lắng đến mức “ám ảnh” về việc Liên Xô sụp đổ dưới sự lãnh đạo của Mikhail Gorbachev và không muốn chính cái tự do phát biểu có sức xói mòn chế độ hay “glasnost” ấy lật đổ Nhà nước Trung Quốc, học giả thâm niên về Trung Quốc tại Đại học Harvard, ông Roderick MacFarquhar, đã lý luận như thế trong một buổi nói chuyện gần đây về Tập Cận Bình.
Nhắm mũi dùi vào xã hội dân sự
Công an đang gia tăng đàn áp văn nghệ sĩ, các nhà truyền giáo, các luật sư, các blogger, các nhân vật trên diễn đàn xã hội, và các giáo sư tỏ ra chịu ảnh hưởng bởi các tư tưởng xã hội dân sự hoặc bác bỏ quan niệm của Đảng về sự thống nhất Trung Quốc và vai trò tối cao của Đảng.
“Khoảng 300 luật sư nhân quyền đang bị giam giữ, trước đây chưa bao giờ có một con số cao như vậy,” Đằng Bưu [Teng Biao], một luật sư nhân quyền hiện làm nghiên cứu sinh tại Đại học Harvard trong một năm, đã nói như vậy. “Những luật sư này có chủ trương ôn hòa. Họ tránh đả động đến những vấn đề nhạy cảm, hay đứng ra biện hộ cho Lưu Hiểu Ba [người được giải thưởng Nobel Hoà bình đang bị giam giữ], mà chỉ nhúng tay vào các việc như chống phân biệt đối xử và bảo vệ quyền của người tiêu thụ.”
Mục tiêu đánh phá chính của Văn kiện Số 9 là “chủ nghĩa hiến định” [constitutionalism]. Đấy là một nỗ lực thúc đẩy Đảng Cộng sản phải chịu trách nhiệm hơn nữa trước người dân – Đảng phải nằm dưới, chứ không được đứng trên chế độ pháp trị – và phải để cho người dân được tự do bày tỏ hơn nữa. (Hiến chương 08 của Lưu Hiểu Ba, chẳng hạn, kêu gọi việc thử nghiệm các hệ thống quyền lực cạnh tranh nhau và “chấm dứt thủ tục xếp ngôn từ vào tội hình sự.”)
Dưới chế độ Tập Cận Bình, các từ không được ưa chuộng trong từ vựng Leninist – như đối thoại, đàm phán, chia sẻ quyền lực, chế độ pháp trị, NGO [các tổ chức phi chính phủ], nhân quyền, và sự hiểu biết lẫn nhau [mutual understanding] – càng ngày càng bị ngờ vực.
Trong những tháng gần đây, mỗi ngày đều có những tin tức làm cho người dân nghe như đang ở trên con đường trở về ký ức của một nước Trung Hoa Đỏ: Các toán công an và bọn đầu gấu liên tục đóng cửa các thư viện vùng quê chỉ vì một vài cuốn sách trong đó cổ vũ xã hội dân sự và vì các thư viện này cho phép người đọc qui tụ và thảo luận. Các show truyền hình Mỹ không còn được phát sóng. Đảng đã công bố là sẽ cho ra phiên bản thần học Thiên chúa giáo của Đảng. Một đại hội điện ảnh tại Bắc Kinh vốn đã diễn ra trong suốt 10 năm qua không được phép mở ra vào năm thứ 11.
Trong tháng Chín, vào thời điểm có cuộc nổi dậy của người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, Ilhem Tohti, một học giả Duy Ngô Nhĩ ôn hòa tại Bắc Kinh từng kêu gọi đối thoại và chống cả bạo động lẫn chủ nghĩa li khai, bị kết án tù chung thân.
“Một thư viện ở vùng quê không dính líu đến chính trị,” ông Đằng nói. “Nó hoàn toàn biệt lập. Nhưng Tập Cận Bình đang truy kích xã hội dân sự. Ông đang thực thi Văn kiện 9.”
Putin đến trước, Cận Bình theo sau?
Khác với Mao, người chỉ ra khỏi biên giới Trung Quốc một lần – để viếng thăm Joseph Stalin tại Moskva – Tập được nhìn nhận có một số trải nghiệm quốc tế. Ông đã sống một thời gian ngắn tại Mỹ, từng phục vụ tại tỉnh duyên hải Chiết Giang và tại thành phố Thượng Hải, và từng trông coi việc chuẩn bị Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Ông có một người con gái đang học ở Harvard và vợ ông là một ca sĩ nổi tiếng. Nhưng hiển nhiên là, Tập chống lại việc tổ chức chính phủ theo đường lối phương Tây – như ông Putin.
Putin có thể là một mẫu hình lãnh đạo độc tài mới. Ông chiếmCrimea, o bế giới tư bản thân hữu, và bàn chuyện thành lập một liên bang Slavic đặt cơ sở trên điều mà ông gọi là “các giá trị Á Âu.” Tập Cận Bình được coi là đang chia sẻ nhiều quan niệm của Putin, tin rằng Mỹ và Châu Âu là những nền văn minh sa đọa và đang ở trong vòng xoáy đi xuống – và rằng một trục độc tài mới xuyên qua Châu Á là diễn biến tiếp theo.
Nhưng thế giới không coi Tập là một tên bắt nạt theo kiểu Putin. Tập chỉ lấy “một số trang từ cuốn sách của Putin,” ông Kelly của Viện Nghiên cứu Chính sách Trung Quốc phát biểu. “Ngoại trừ một điều là Tập có mọi nguồn lực và khí tài mà Putin chỉ có thể nằm mơ mà thôi.”
Câu hỏi cần được đặt ra là, liệu Tập có tạo nhiều xáo trộn và nhiều kẻ thù đến nỗi phải trở thành một nhà độc tài ngày một nghiêm khắc hơn để duy trì quyền lực hay không. (Giới trí thức Bắc Kinh nghiêm chỉnh tranh luận, không biết Tập là một lãnh đạo độc tài theo đường lối cứng rắn [hardline authoritarian] hay là một loại độc tài toàn trị mới [a new kind of totalitarian], với những hệ lụy thật sự chưa ai biết được.)
Báo chí Trung Quốc nói rằng Tập tự coi mình như một con người do định mệnh lịch sử đặt để. Và điều này có thể đúng. Ông đã từng nếm trải cuộc Cách mạng Văn hóa bạo động hướng nội và bây giờ đang chứng kiến Trung Quốc vươn ra thế giới để sánh vai cùng Nhật Bản, Mỹ, và Châu Âu.
Trong khi Trung Quốc còn đang phục hồi từ những đổ vỡ do Mao gây ra, Đặng Tiểu Bình có lời khuyên cho cả nước là Trung Quốc phải “che giấu ánh sáng của mình và đợi thời cơ.” Nhưng có lẽ Tập tin rằng những năm tháng ẩn mình đã qua rồi. Ông còn mười năm tại chức để chứng minh điều đó.
“Tập tin rằng mình có thể là một lãnh tụ vĩ đại, đưa ra một viễn kiến vĩ đại,” một chuyên gia am tường thời sự tại Bắc Kinh và là người có những đường dây quen biết trong Đảng đã nói như thế. “Tập nghĩ rằng nhân dân sẽ là ngọn cỏ và ông sẽ là cơn gió lùa. Tập sẽ thổi và nhân dân sẽ uốn theo chiều gió.”
“Vấn đề là, những phẩm chất cá nhân đã giúp Tập cầm quyền hữu hiệu hiện nay là không phù hợp với một giai đoạn kế tiếp hướng đến một nền kinh tế và một xã hội cởi mở hơn và có nhiều sáng kiến hơn. Biết đến khi nào tiêu chí ấy mới trở thành hiện thực?”
Bản tiếng Việt © 2014 Trần Ngọc Cư & pro&contra

Hang Sơn Đoòng – ‘Cánh cổng bí mật’ đến một thế giới khác dưới lòng đất

Sơn Đoòng là hang động mà người ta không thể quên một khi đã đặt chân tới. Nó bí ẩn và lôi cuốn. Quy mô đồ sộ cùng hệ động thực vật phong phú, độc đáo trong lòng hang khiến hang Sơn Đoòng được trang Brightside ví như “Vương quốc có thật dưới lòng đất”.

Thế Giới, lòng đất, Hang Sơn Đoòng,
Khu rừng rậm rạp với thảm động thực vật phong phú sống trong hang. Nơi này có cả khỉ và dơi. (Ảnh: sondoongcave.org)
Cánh cống bí mật và phát hiện tình cờ
Hang Sơn Đoòng được tìm thấy lần đầu vào năm 1991 do một người địa phương tên là Hồ Khanh, trong một lần dừng lại trú mưa khi đi tìm trầm ở khu vực Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.
Hồ Khanh đã không thể tưởng tượng rằng chuyến đi tìm trầm sẽ giúp ông khám phá ra hang động lớn nhất thế giới với vẻ đẹp huyền diệu.
Trở về nhà sau lần đầu tiên phát hiện cái hang lạ, vài ngày sau Hồ Khanh nghĩ về việc trở lại hang để khám phá thêm, nhưng ông không thể nhớ được vị trí chính xác. Cuối cùng, câu chuyện về cái hang lạ cũng bị Khanh dần quên mất.
Một ngày nọ, khi các thành viên của Hiệp hội nghiên cứu hang động Anh (British Cave Research Association – BCRA) là Howard và Deb Limbert tiến hành khảo sát Phong Nha và nghiên cứu các hang động trong khu vực này, họ nói chuyện với Khanh và ông đề cập đến cái hang kỳ thú mà mình đã từng đến.
Những nhà khám phá hang động của Anh đã bị mê hoặc bởi những gì Khanh kể và động viên ông thử tìm lại nó một lần nữa.
Tuy nhiên, họ đã thất bại rất nhiều lần khi cố gắng tìm kiếm cái hang. Và chỉ khi nghĩ rằng không bao giờ có cơ hội nữa, năm 2008, Hồ Khanh đã tìm thấy lại ‘cánh cổng nối với một thế giới khác’, một hang động khổng lồ đã ẩn náu trong nhiều thế kỷ, cách xa tầm mắt con người.
Thế Giới, lòng đất, Hang Sơn Đoòng,
Có một dòng sông bên trong hang động. (Ảnh: John Spies)
Ông đã dẫn các nhà thám hiểm hang động Anh đến hang vào năm 2009 và họ thực hiện chuyến thám hiểm đầu tiên vào nơi mà sau này được biết đến với cái tên hang Sơn Đoòng – nghĩa là ‘Động Sông Núi’.
Hang động khổng lồ với vẻ đẹp huyền diệu
Theo các nhà địa chất học, hang Sơn Đoòng được hình thành cách đây khoảng 2 – 5 triệu năm, khi nước sông chảy ngang vùng đá vôi bị vùi lấp dọc theo một đường đứt gãy. Dòng nước gây xói mòn và tạo ra một đường hầm khổng lồ như ngày nay.
Sơn Đoòng là một hang động khổng lồ, nó được coi là hang động lớn nhất thế giới từng được con người khám phá cho đến nay. Nó lớn đến nỗi một chiếc Boeing 747 có thể dễ dàng bay qua phần hang lớn nhất.
Thế Giới, lòng đất, Hang Sơn Đoòng,
Bên trong có hồ nước nhỏ màu ngọc lục bảo, thậm chí có bãi cát trắng như biển. (Ảnh: John Spies)
Nhiều người từng bước chân vào đây nói rằng họ chưa từng chiêm ngưỡng điều tương tự ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Bên trong hang là một hệ sinh thái khổng lồ, cánh rừng rậm lớn đến nỗi khiến bạn cảm thấy đang bước vào một thế giới khác.
Nhiếp ảnh gia người Úc John Spies, người đã dành một tuần sống trong hang động, mô tả nó trong một cuộc phỏng vấn với NYPost.
John Spies nói: “Đi vào hang làm cho chúng ta cảm thấy nhỏ bé và khiêm tốn. Thật ngạc nhiên là đi sâu vào [tám cây số], ánh sáng ban ngày vẫn chiếu sáng khắp các hang động. Kích thước của hang là không thể tin được… Được cắm trại 5 đêm trong hang động lớn nhất thế giới không phải là điều mà ai cũng được trải nghiệm trong đời”.
“Lối vào của nó khá nhỏ và dày đặc sương mù, gây ra bởi không khí lạnh bên trong tác động với khí nóng bên ngoài, tràn vào khu rừng xung quanh mé cửa hang”, ông Spies nói.
“Hang này còn khó vào hơn so với hang của Người Dơi”.
Để vào hang, du khách phải trèo qua một bức tường đá cao gần 90m, sử dụng dây nịt và dây thừng. Bức tường này hiện đã được lắp thang bằng thép không rỉ. Sau đó, họ phải vượt qua những đống đá tảng lớn và len lỏi dưới những khối đá vôi to bằng cả căn nhà.
Hệ sinh thái nguyên sinh mới là điểm hấp dẫn nhất của hang Sơn Đoòng
Thế Giới, lòng đất, Hang Sơn Đoòng,
Nhiều người nhận định, bước vào hang Sơn Đoòng khiến họ mang cảm giác đặc biệt, như tới thế giới khác. (Ảnh: John Spies)
Theo những người khám phá hang động ở Việt Nam, điểm độc đáo của Sơn Đoòng không chỉ ở kích thước lớn nhất thế giới của nó, mà còn là hệ sinh thái nguyên sinh.
Sơn Đoòng sở hữu một hệ sinh thái tách biệt với thế giới bên ngoài, trong đó có hệ động vật mù và động vật bạch tạng ở sâu trong lòng hang, chưa từng tiếp xúc với ánh sáng Mặt trời.
Do có nhiều phần trong hang được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, các nhà thám hiểm phát hiện cả một cánh rừng nguyên sinh với thảm thực vật phong phú, chưa hề có dấu vết con người hàng triệu năm qua. Các chuyên gia thậm chí đã gọi khu rừng trong hang này là “vườn địa đàng” nhằm tôn vinh vẻ đẹp tuyệt mĩ của nó.
Do số lượng người tham quan mỗi năm là rất hạn chế nhằm bảo vệ hệ sinh thái nơi đây, nên những gì mà các chúng ta biết về Sơn Đoòng vẫn còn rất ít ỏi. Trong tương lai, chắc chắc những phát hiện mới về Sơn Đoòng sẽ mang lại cho chúng ta thêm bất ngờ về hang động lớn nhất thế giới này.
Dưới đây là một vài hình ảnh siêu thực của hang Sơn Đoòng do nhiếp ảnh gia John Spies chụp lại:
Thế Giới, lòng đất, Hang Sơn Đoòng,
(Ảnh: John Spies)
Thế Giới, lòng đất, Hang Sơn Đoòng,
(Ảnh: John Spies)
Thế Giới, lòng đất, Hang Sơn Đoòng,
(Ảnh: John Spies)
Thế Giới, lòng đất, Hang Sơn Đoòng,
(Ảnh: John Spies)
Theo Trithucvn.net

Chỉ hơn một nửa người lao động có thu nhập đủ sống; Phó Thủ tướng: Lương lãnh đạo quá cao so với hiệu quả sản xuất

17/10/2017 11:47 GMT+7

TTO - Còn lại, trên 20% người lao động (NLĐ) cho biết phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12% không thể đủ sống và chỉ 16% có thể tích lũy từ thu nhập.


Chỉ hơn một nửa người lao động có thu nhập đủ sống - Ảnh 1.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Tổng LĐLĐ VN sáng 17-10 - Ảnh: A.CHUNG
Đó là những con số được ông Trần Văn Lý - phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam - báo cáo với phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo trung ương cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công sáng 17-10.
Lương thấp, đình công tăng
Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN thẳng thắn nhận định cải cách tiền lương chưa đem lại hiệu quả nhiều đối với NLĐ trong cơ quan nhà nước. Sau 9 lần điều chỉnh mức lương cơ sở, tiền lương của công chức, viên chức vẫn chưa đảm bảo mức sống tối thiểu.
Ông Lý dẫn chứng: lương công chức, viên chức bậc ĐH mới ra trường hiện có hệ số 2,34 (cùng 25% trợ cấp công vụ), lương thực tế chỉ gần 4 triệu đồng/tháng; lương chuyên viên chính hệ số 4,4 (sau 10-15 năm công tác), lương thực tế chỉ khoảng 7,4 triệu đồng/tháng. Công chức loại C tiền lương còn thấp hơn nhiều.
"Tiền lương vẫn ở mức quá thấp so với thị trường lao động, chưa đảm bảo cho công chức, viên chức và gia đình họ có mức sống trung bình khá trong xã hội, tiền lương tăng thêm chưa đủ bù trượt giá" - phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN nhấn mạnh.
Theo khảo sát của Tổng LĐLĐ VN, tiền lương cơ bản - mức dùng làm căn cứ đóng bảo hiểm - của NLĐ hiện đạt trung bình 4,48 triệu đồng/tháng, tăng 6,9 % so với năm 2016. Về thu nhập (không kể ăn ca) thì đạt trung bình 5,5 triệu đồng/tháng.
51,3% NLĐ cho biết có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; 20,6% phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12% không thể đủ sống và chỉ 16,1% NLĐ có thể tích lũy từ thu nhập.
Khảo sát này cũng cho thấy tình trạng tranh chấp lao động, đình công 6 tháng đầu năm 2017 có nguyên nhân liên quan đến tiền lương, thu nhập và điều chỉnh lương tối thiểu chiếm tỉ lệ khá cao: 72/133 cuộc, chiếm 54,1%. Một số ngành có tiền lương, thu nhập thấp xảy ra nhiều đình công như dệt may (51,8%), da giày (22,5%)...
Xác định mức sống tối thiểu
Từ các nhận định trên, Tổng LĐLĐ VN nêu một số đề xuất, kiến nghị với phó thủ tướng Vương Đình Huệ. 
Thứ nhất, xác định lại mức lương cơ sở trong khu vực nhà nước cho đúng và đủ, phù hợp với thị trường lao động, sớm cải cách tiền lương, đặt lại mức lương cơ sở khu vực nhà nước.
Thứ hai là quản lý và chi trả tiền lương theo hướng đánh giá chất lượng và hiệu quả công việc, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quyết định mức lương, ngạch lương được tăng cho cấp lãnh đạo quản lý trực tiếp.
Như vậy có nghĩa là nghiên cứu, tính toán tiền lương, tiền công theo khối lượng công việc của từng cơ quan, đơn vị, bộ phận, gói tiền lương này có thể thay đổi hàng năm theo yêu cầu chức năng, nhiệm vụ phải hoàn thành.
Đối với NLĐ làm việc trong doanh nghiệp, Tổng LĐLĐ VN đề nghị nghiên cứu, xây dựng và sớm ban hành Luật Tiền lương tối thiểu, trước mắt cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về tiền lương tối thiểu trong Bộ luật Lao động. 
Theo đó khái niệm mức lương tối thiểu là mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ.
Đồng thời quy định các tiêu chí xác định mức sống tối thiểu, cơ quan có thẩm quyền xác định mức sống tối thiểu và thời điểm công bố mức sống tối thiểu, bởi đây là căn cứ quan trọng để Hội đồng tiền lương quốc gia xác định mức tiền lương tối thiểu.
Tổng LĐLĐ VN cũng đề nghị Hội đồng tiền lương quốc gia xác định và công bố lộ trình đến năm 2019 tiền lương tối thiểu của người lao động phải đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
ĐỨC BÌNH

Phó Thủ tướng: Lương lãnh đạo quá cao so với hiệu quả sản xuất

VOV.VN - Tiền lương quản lý lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước quá cao so với hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bất hợp lý đối với người lao động.

Sáng 17/10 tại Hà Nội, Đoàn công tác của Chính phủ do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm trưởng đoàn chủ trì buổi làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công với cách mạng đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Tổng Liên đoàn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là đơn vị đầu tiên được khảo sát về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công với cách mạng. Đồng thời, đề nghị các đại biểu cho ý kiến, đánh giá về thực trạng chính sách tiền lương trong hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để làm rõ, vì sao chính sách tiền lương chưa là động lực để người lao động gắn bó, tận tâm với công việc.
pho thu tuong luong lanh dao qua cao so voi hieu qua san xuat hinh 1
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Mức lương tối thiểu chưa đáp ứng cuộc sống tối thiểu, quan hệ tiền lương vẫn mang tính bình quân và thấp hơn nhiều so với quan hệ tiền lương so với thị trường lao động; hệ thống thang bậc lương đối với cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang còn phức tạp và lạc hậu; và việc nâng bậc nâng ngạch chưa theo yêu cầu vị trí việc làm, đặc biệt là chưa khuyến khích các cán bộ công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị, việc mở rộng đối tượng và số lượng phụ cấp đã tạo ra bất hợp lý trong cơ quan chung, cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập còn nhiều bất cập, các đồng chí xem chỗ này. Chúng ta nói lương bao gồm phụ cấp, lương cơ bản và thưởng. Bây giờ còn các khoản ngoài lương, còn lớn hơn trong lương. Mục tiêu sau này phấn đấu đưa hết tất cả thu nhập khác vào lương, rồi tiền lương quản lý lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước quá cao so với hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bất hợp lý đối với người lao động trong doanh nghiệp và cán bộ công chức.
Trước đó, theo báo cáo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, tính đến tháng 3/2017, toàn hệ thống công đoàn có 14.957 cán bộ công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý của Tổng liên đoàn, có thu nhập bình quân hơn 6,8 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, chế độ tiền lương và các chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều bất cập như: hệ số lương thấp, chế độ tiền lương chưa công bằng có một số ngành được áp dụng thực hiện hệ số tiền lương tăng thêm; việc chuyển ngạch còn nhiều bất cập, do vậy chưa tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức phát huy hết khả năng, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ. 
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị, cần thiết phải xác định lại mức lương cơ sở đúng và đủ trong khu vực nhà nước phù hợp với thị trường lao động. Bên cạnh đó, cần thực hiện quản lý và chi trả tiền theo thiết kế tiêu chuẩn đánh giá chất lượng và hiệu quả công việc cố định làm tiêu chí đánh giá cán bộ công chức viên chức hàng năm.
Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quyết định mức lương, ngạch lương được tăng cho cấp lãnh đạo quản lý trực tiếp. Nghiên cứu, tính toán tiền lương, tiền công theo khối lượng công việc  của từng cơ quan, đơn vị, bộ phận, gói tiền lương này có thể thay đổi hàng năm theo yêu cầu chức năng, nhiệm vụ phải hoàn thành./.
Phương Thoa/VOV-Trung tâm Tin

Vì sao các tập đoàn kinh tế quốc doanh lớn của VN luôn gặp thất bại nhục nhã khi đầu tư ra thị trường quốc tế.

Trước hết tôi lật lại hồ sơ mà thấy bàng hoàng, đó là đặc sản chung của đội ngũ lãnh đạo các tập đoàn kinh tế quốc doanh nhà nước đều là đảng viên đảng cộng sản VN, như các tập đoàn PetroVietNam (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam); EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam); Vinacomin (Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam); Vinachem (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam); Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy  Vinashin; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines),… đây là những gương mặt mốc tiêu biểu cho những “quả đấm thép vina” đang chất lên núi nợ quá lớn và thua lỗ quá nặng tích lũy nhiều chục năm, dùng rằng về lý thuyết các tập đoàn kinh tế quốc doanh này được nuông chiều vốn đầu tư và tài nguyên quốc gia rất lớn là có khi lớn hơn cả vốn liếng ban đầu các "Keiretsu" của Nhật Bản đã bị khủng hoảng trước đó, các "Chaebols" Nam Hàn,… Nhưng kết cục các đại tổng công ty quốc doanh nhà nước VN đều gây ra lỗ lã khi thò đầu ra ngoài đầu tư hay liên doanh với các đối tác nước ngoài.


Đó là ban lãnh đạo các “quả đấm thép vina” rất kỳ dị theo đúng phong cách “nền kinh tế thị trường được định hướng XHCN”. Đó là tôi lấy tiêu biểu hình mẫu cái tập đoàn PetroVietNam này kinh doanh đa ngành dàn trải rất lớn từ kinh doanh dầu khí, lấn qua kinh doanh  dịch vụ, thương mại, tài chính, bảo hiểm ngân hàng, đầu tư chứng khoán,…và thua lỗ tan hoang chất lên đống nợ rất cao mà nó sẽ gửi qua gánh nợ công cho toàn dân trả nợ thay dù có cả yểm trợ Viện Dầu khí Việt Nam, Trường Đại học Dầu khí Việt Nam,   Trường Cao đẳng nghề Dầu khí, rồi được Bộ Công thương yểm trợ với các “cây đại thụ về kinh doanh và kinh tế giỏi nhất của đảng tung vào ban quản trị  hội đồng công ty, cho đến CEO các tổng giám đốc, phó tổng giám đốc,…còn được yểm trợ chọn lọc người điều hành hay nhân sự từ viện nghiên cứu và mấy chục cái trường đại học do Bộ Công thương làm chủ quản, họ còn được yểm trợ cao hơn nữa từ những cái đầu đỉnh cao nhất lấy từ Viện Nghiên cứu Chiến Lược, Chính Sách Công nghiệp, Viện Nghiên cứu Thương mại,….nhưng kết cục đều thất bại bàng hoàng.

Làm sao mà không thất bại khi ta thấy đó. Cụ thể, lãnh đạo công ty này với chức danh khá đặc sản trong đội hình chiến đấu dưới sự chỉ huy của các tướng quân là các tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, hay các CEO của họ như họ bố trí sơ đồ một ông bà Chủ tịch lãnh đạo như

Chủ tịch: Nguyễn Vũ Trường Sơn thì dưới nữa có 5 Ủy viên lãnh đạo

1.  Ủy viên: Phạm Xuân Cảnh
2.  Ủy viên: Phan Đình Đức
3.  Ủy viên: Đinh Văn Sơn
4.  Ủy viên: Phan Ngọc Trung
5.  Ủy viên: Nguyễn Tiến Vinh

Tất cả đều là đảng viên của đảng cộng sản, học vấn rất cao như tiến sĩ khai thác dầu khí, kiêm thạc sĩ QTKD, thạc sĩ tài chính, kể cả tiến sĩ tài chính.

Rồi ban giám đốc thì có 1 Tổng giám đốc theo đuôi nữa là có đến 7 Phó Tổng Giám đốc,….mà các tổng và phó đều trùng nhau trong nghiệp vụ điều hành công ty.

Kết cục nó chuốc thất bại là điều dễ hiểu như đã thấy từ việc đầu tư trong nước đến nước ngoài đều thất bại mà còn bại hoại đáng ghê tởm.

Hãy nhớ rằng, bộ máy bố trí của các công ty đa quốc gia họ sẽ có nhân lực ban lãnh đạo như sau khi đầu tư toàn cầu hay trong nước liên quan đến dầu khí hay lĩnh vực khác nhất là dầu khí thì nó liên quan đến nghiệp vụ tài chính rất cao, bởi vì giá dầu neo vào tỷ giá đồng USD, vì giao dịch dầu lửa được định giá bằng đồng $ thì đòi hỏi phải có nhân sự lãnh đạo công ty như sau:

Chủ tịch và Giám đốc điều hành  (Chairman & Chief Executive Officer)
Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (có thể là chuyên gia kế toán tài chính)

Phó chủ tịch điều hành và Giám đốc Tài chính (có thể là chiến lược gia phân tích  tài chính chính)
 Hoặc có thể Phó Tổng Giám đốc, Kiểm soát viên và Kế toán trưởng (Vice President, Controller and Chief Accounting Officer)

Phó chủ tịch điều hành – Vai trò Phát triển sản phẩm và kiêm vai trò Giám đốc kỹ thuật

Phó chủ tịch điều hành - Tiếp thị toàn cầu, Bán hàng và Dịch vụ, hay Quan hệ Đầu tư

Quan trọng luôn đi kèm một một nhân vật Phó chủ tịch điều hành và Giám đốc Tài chính,….như việc phải có Giám đốc trong việc giám sát các chiến lược quản lý tài chính và “rủi ro về tỷ giá hối đoái”, hay “foreign currency exchange rate risk”, kể cả phân tích “rủi ro về lãi suất” (interest rate risk),… để phân tích ngoại tệ liên quan đến việc mua, bán và tài trợ bằng đơn vị tiền tệ nước khác với các đồng tiền ban đầu mà mình bỏ tiền ra đầu tư. Bởi vì hãy nhớ rằng dầu khí thì neo vào tỷ giá đồng USD, nếu biến động tỷ giá hối đoái thì nó có thể tác động đến trong kết quả hoạt động kinh doanh, và đầu và có thể ảnh hưởng rất lớn tới công ty dù giá dầu thô có tăng giá mạnh cũng sẽ bị lỗ nặng nếu tỷ giá hối đoái biến động mà không biết phân tích để đầu tư chặt chẽ để dựng bức tường chống lại biến động tỷ giá hối đoái và lạm phát,…

Ngoài ra biến động về lãi suất còn gánh chịu rủi ro tổn thất thị trường tài chính tác động do bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về lãi suất liên quan đến các nghiệp vụ tài chính chủ yếu là nợ (lãi suất tỷ giá hối đoái vay nơ), hay các nghĩa vụ thuê hoặc vay vốn ngoại tệ, thậm chí lãi suất đồng USD có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đến doanh thu về đầu tư vào dầu khí

Chủ tịch, hay Phó Chủ tịch Chuyên gia kinh tế cao cấp có khả năng phân tích dự đoán kinh tế, vì dầu khí dễ bị bay hơi bởi tổn thất kinh tế tác động lên giá dầu thô sụt giá hay tăng giá, hay tỷ giá hối đoái bứt neo như trường hợp Venezuela bị bứt neo đồng tiền Bolívar và lãnh đòn lạm phát khiến cho PetroVietNam lỗ nặng tỷ đô và bỏ của chạy lấy người còn không kịp.

Đối với tập đoàn PetroVietNam mấy năm trước họ đặt chân tới Venezuela thì tôi đã mỉa mai và dự một công ty ở Đông Nam Á này sẽ bán lại tài sản là điều dự báo trước, vì nhìn tác phong và nghiệp vụ của họ khi tôi còn đang tư vấn cho Exxon Mobil Corp (NYSE: XOM). Hiện nay Công ty đang thăm dò ở mỏ dầu “Cá voi xanh” tại VN; ConocoPhillips (NYSE: COP),….đầu tư bên xứ Venezuela. Rồi sau ấy gần đây tôi mỉa mai cái ông Đinh La Thăng từng làm Tổng quản trị CEO cái đại công ty PetroVietNam này với đầu óc bé hạt tiêu hay mơ chuyện vĩ cuồng.

Đó là tôi trích dẫn lại vài đoạn: “đó là PetroVietnam bị lãnh đòn "lạm phát và tỷ giá hối đoái" khi tưởng khôn mà đòi làm đối tác chiến lược của công ty dầu khí nhà nước Petroleos de Venezuela SA (PDVSA) của Venezuela. Các dự án đối tác vĩ cuồng này của PVN tại Venezuela khi đó còn nhân vật cao cấp  Phó Giám đốc PVN - Nguyễn Xuân Sơn, và ông Nguyễn Xuân Sơn sau đấy leo lên chức CEO Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN - PetroVietnam, và ông này đã bị bắt,...

Tại xứ Venezuela này trước ấy cũng có đại gia dầu khí Malaysia Petronas cũng co cẳng chạy trước khỏi dự án Petrocarabobo trong tháng 09/2013. Đấy là thời điểm giá dầu lửa tăng cao $ 90 - 100 / thùng, còn bây giờ nó chỉ còn 1/3 giá trị, thứ nữa dầu thô của Venezuela là loại chua nặng rất khó lọc và thường bán với giá thấp hơn thị trường thì PetroVietnam có gì tưởng khôn hơn người khác.

Hãy nhớ rằng trong kinh tế, phân tích rủi ro tài chính là tối quan trọng đặt lên hàng đầu, đó là các xứ sản xuất và xuất khẩu dầu lửa, họ duy trì tỷ giá hối đoái cố định để bảo hiểm rủi ro cho các nhà đầu tư, thì hiện nay chỉ duy nhất Saudi Arabia và các nước Vùng Vịnh giàu có mới đủ khả năng duy trì nó. Cụ thể  Saudi Arabia giữ tỷ giá cố định 1 USD = 3.75 Saudi Riyal, trong khi Venezuela giữ tỷ giá của họ theo đồng Venezuelan Bolívar là 1 USD = 6,3 VEF, như Venezuela có gì để giữ được tỷ giá khi nợ nước ngoài toàn là vàng, USD, EUR, dự trữ ngoại tệ mỏng, tuy có dự trữ vàng lớn nhưng không đủ nội lực để giữ tỷ giá.

Thứ nữa tại Venezuela còn có các đại gia, đại công ty dầu khí khổng lồ của Mỹ là Exxon Mobil (Dow Jones, NYSE: XOM), Chevron Corp (Dow Jones, NYSE: CVX), ConocoPhillips (NYSE: COP), PetroChina, tức CNPC (NYSE: PTR), Sinopec (NYSE: SNP), CNOOC (NYSE: CEO), tức là các công ty dầu khí TQ đều đang niêm yết giá chứng khoán tịa sàn NYSE, và có dự án làm ăn mờ ảo và mờ ám, là khai thác dầu xứ Venezuela rồi bán lại cho các đại công ty Mỹ Exxon Mobil, Chevron,... có công nghệ cao để lọc dầu thành phẩm nhằm giảm chi phí, rồi bán ra thị trường kiếm lời thay vì chở về TQ tiêu thụ không có lời.

Rồi các dịch vụ tư vấn tài chính và chuyển đổi tỷ giá cho các công ty TQ thì có cả cái tổ hợp ngân hàng đầu tư Morgan Stanley (NYSE: MS) cũng mờ ảo và mờ ám tham gia gọi là "rửa tiền hợp pháp" và tư vấn rủi ro tỷ giá hối đoái.

Ngẫm lại PetroVietnam với cái đầu bé hạt tiêu mà không sạch vốn là may rồi, nếu là công ty tư nhân thì chắc chả còn cái quần mặc trên người để về nước. Nên nhớ PetroChina, CNPC, Sinopec, Exxon Mobil,... là chủ nợ hàng tỷ USD của Venezuela, ngay cả đại gia dầu khí Malaysia Petronas, Gazprom (MCX: GAZP) của Nga còn bỏ chạy thì nói gì PVN này nhỉ ?”,….

(*) Lãnh đạo các tập đoàn kinh tế nhà nước VN đọc hồ sơ rất buồn cười là đôi khi cả từ Tổng quản trị CEO cho tới hàng tá cấp phó thì trình độ nghiệp vụ đôi khi y như nhau nào là kỹ sư, tiến sĩ rồi thạc sĩ gì đó mà trùng lặp không có chuyên môn từng nghiệp vụ để phụ trách từng mảng đầu tư thì chuốc thất bại là không có gì phải khó hiểu cả.

Thơ Phương

Chuyên gia kinh tế của Morganstanley - Hoa Kỳ

(Blog Thơ Phương -Tạp chí Kinh tế-Tài chính-Chứng khoán)

Hòa Bình: Núi nứt cả kilômét, rộng hơn 2m, dân chạy tán loạn


authorXuân Tuấn - Thiên Long Thứ Hai, ngày 16/10/2017 17:52 PM (GMT+7)

(Dân Việt) Quả núi sau xóm Máy 1 và Máy 3 (xã Hòa Bình, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) bỗng "nứt làm đôi", miệng rộng 2-3m. Vết nứt kéo dài cả kilômét khiến bà con ở đây bồng bế nhau di chuyển khẩn cấp trong đêm.

   
Vừa thoát hiểm nguy trận sạt lở, anh Nguyễn Văn Tư (ở xóm Máy 1, xã Hòa Bình, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) chưa hết run sợ. Đưa ánh mắt thất thần về phía quả núi lớn sau nhà, anh Tư bảo: "Nửa đêm hôm qua (15.10), tôi thấy nhà tôi rung lên bần bật. Tôi hoảng hốt, hô mọi người dậy xem chuyện gì. Mấy nhà hàng xóm cũng kêu la hốt hoảng vì đất đá tràn vào nhà. Thế là chúng tôi dắt nhau chạy". 
 hoa binh: nui nut ca kilomet, rong hon 2m, dan chay tan loan hinh anh 1
 hoa binh: nui nut ca kilomet, rong hon 2m, dan chay tan loan hinh anh 2
Qủa núi anh Nguyễn Văn Tư đang đứng có nguy cơ sạt lở toàn bộ xuống các hộ dân bên dưới.
Ngay trong đêm, cả nhà anh Tư chạy xuống trung tâm xã để thoát thân. Khi đó trời vẫn mưa như trút nước, từng lớp đất đá đã "uống" no nước đang chực chờ lao xuống tổ ấm của nhà anh Tư.
 hoa binh: nui nut ca kilomet, rong hon 2m, dan chay tan loan hinh anh 3
 hoa binh: nui nut ca kilomet, rong hon 2m, dan chay tan loan hinh anh 4
Bà con đang khẩn trương di dời đồ đạc ra nơi an toàn.
Cũng giống như anh Tư, nhà anh Nguyễn Văn Rụng (ở xóm Máy 1) phải di chuyển gấp khi đất đá tràn vào nhà. 
Nhà anh Rụng có 7 khẩu, sau bao năm anh mới làm được ngôi nhà kiên cố. Vợ chồng anh vừa chuyển về nhà mới được 3 tháng. Vậy mà chỉ sau một đêm, bức tường phía sau bị đất đá trên núi trượt xuống phá tan. Anh chỉ kịp tri hô mọi người chạy thoát thân. Quả núi sau nhà đã "nứt làm đôi", một trận mưa lớn nữa là nó đổ ập xuống ngôi nhà nhỏ của vợ chồng anh Tư.
Anh Tư cho biết: "Chiều nay (16.10), trời vẫn mưa và hiện tượng lở núi vẫn tiếp diễn. Vết nứt ngày một rộng và dài hơn. Nhiều hộ khác đang được Nhà nước hỗ trợ di dời khẩn cấp".  
 hoa binh: nui nut ca kilomet, rong hon 2m, dan chay tan loan hinh anh 5
 hoa binh: nui nut ca kilomet, rong hon 2m, dan chay tan loan hinh anh 6
Anh Nguyễn Văn Rụng dùng tre, nứa chống tường nhằm giữ bức tường có bàn thờ tổ tiên.
Chiều nay trời lại đổ mưa, người dân các xóm Máy 1, Máy 3... như đang trên đống lửa vì lo núi sạt lở. Bao năm họ mới tạo dựng được ngôi nhà kiên cố, nay đang đứng trước nguy cơ bị "thần núi" tước sạch.
Ông Phùng Trọng Huân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Hòa Bình - cho biết: "Trước tình trạng nguy hiểm cận kề, xã đã vận động 33 hộ dân khẩn cấp di chuyển khỏi vùng có nguy cơ. Chúng tôi phấn đấu di chuyển dân an toàn trong ngày hôm nay".

(http://danviet.vn/tin-tuc/hoa-binh-nui-nut-ca-kilomet-rong-hon-2m-dan-chay-tan-loan-813904.html)