Thứ Năm, 26 tháng 1, 2017

Thứ trưởng Công Thương sở hữu tài sản lớn: Tiền ở đâu?


Dư luận có quyền nghi ngờ và đặt câu hỏi khi Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa sở hữu số tài sản lớn tại Bóng đèn Điện Quang.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải kiểm tra

Ngày 25/1, nhiều tờ báo đưa tin, hiện nay Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa và các thành viên trong gia đình đang sở hữu khối tài sản lên tới hơn 718 tỷ đồng tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang.

Theo nguồn tin, trước khi trở thành Thứ trưởng Bộ Công Thương, từ năm 2000 bà Thoa giữ chức vụ Tổng giám đốc và kiêm nhiệm chức Chủ tịch của Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang (DQC) trong 5 năm từ 2005-2010.

Mặc dù, rời Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang về công tác tại Bộ Công Thương từ năm 2010 với chức danh Thứ trưởng nhưng bà Thoa vẫn sở hữu cổ phần với giá trị tương đối lớn tại doanh nghiệp này.

Tính đến ngày 30/11/2016, bà Thoa nắm giữ 1.686.415 cổ phiếu DQC, tương đương với 4,91% vốn, với giá trị ước tính lên tới 102 tỷ đồng.

Thu truong Cong Thuong so huu tai san lon: Tien o dau?
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa sở hữu số tài sản lên tới 102 tỷ đồng tại Bóng đèn Điện Quang
Ngoài ra các thành viên khác trong gia đình bao gồm em trai, em dâu và các con gái của Thứ trưởng hiện tại vẫn nắm giữ vị trí cao và sở hữu khối tài sản lớn không kém tại Bóng đèn Điện Quang.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng cho biết do bà Hồ Thị Kim Thoa đang làm Thứ trưởng nên theo phân công nhiệm vụ, trách nhiệm kiểm tra, xem xét dấu hiệu vi phạm của Đảng viên thuộc về Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

“Thanh tra Chính phủ không kiểm tra mà chỉ nắm tình hình để báo cáo theo kênh của Thanh tra thôi. Vì bà Thoa là Thứ trưởng nên thuộc thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Nếu có dấu hiệu của Đảng viên vi phạm thì họ phải kiểm tra, xem xét còn Thanh tra Chính phủ chỉ nắm chung để báo cáo”, ông Đạt khẳng định.

Về số tài sản bà Thoa nắm giữ tại Bóng đèn Điện Quang lên tới 102 tỷ đồng, ông Đạt cho rằng do chưa có bằng chứng cụ thể nên không thể khẳng định số tiền trên là ít hay nhiều, đúng quy định của pháp luật hay không.

“Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải kiểm tra thông tin trên thì mới xác định số tài sản trên có đúng quy định của pháp luật hay không.  Phải kiểm tra thì mới kết luận chính xác được”, ông Đạt nhấn mạnh.

Dư luận có quyền nghi ngờ

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Sơn – ĐBQH Đà Nẵng cho rằng việc Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và các thành viên trong gia đình đang sở hữu một khối lượng tài sản lớn tại Bóng đèn Điện Quang dư luận nghi ngờ cũng không có gì quá bất ngờ, ngạc nhiên.

“Tôi cũng quan tâm đến vấn đề này. Dư luận có quyền đặt ra câu hỏi về sự thiếu minh bạch trong tài sản và cách thức quản lý doanh nghiệp. Khi dư luận đã nghi ngờ thì cơ quan chức năng phải làm rõ vấn đề và trả lời cho dư luận: số tiền trên có hợp pháp hay không, nó hình thành từ nguồn nào? Nếu có vấn đề thì vấn đề này nằm ở đâu? Trong cơ chế chính sách của chúng ta vướng hay họ vi phạm pháp luật thì cũng cần phải làm rõ. Nếu cần thì phải công khai với các ĐBQH”, ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Sơn cũng cho rằng do hiện nay bà Hồ Thị Kim Thoa đang công tác tại Bộ Công Thương nên ngoài Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì Bộ này cũng có trách nhiệm kiểm tra, xem xét các nghi vấn mà báo chí phản ánh.

Nói thêm về việc Thủ tướng Chính phủ vừa mới ra quyết định thi hành kỷ luật đối với bà Hồ Thị Kim Thoa vì có liên quan đến một số quyết định bổ nhiệm, luân chuyển Trịnh Xuân Thanh thời nguyên Bộ Trưởng Công Thương  Vũ Huy Hoàng, ông Sơn đánh giá đây là hình thức kỷ luật không phải nặng.

“Tôi không cho rằng đó là nặng. Nhưng nó nặng hay nhẹ hay đúng mức thì phải soi vào câu chuyện cụ thể. Đó là Thứ trưởng sai phạm những việc gì?

Còn nhiều vấn đề khác liên quan đến việc xử lý cán bộ cấp cao, kể đối với ông Vũ Huy Hoàng. Việc này liên quan đến vấn đề thể chế của chúng ta, nhiều khi nó chưa kín kẽ và chặt chẽ. Vừa rồi Quốc hội mới ban hành Nghị quyết và giao cho Chính phủ nhanh chóng nghiên cứu để đưa cho Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn. Tất cả những gì đã xảy ra chúng ta phải xử lý.

Và khi giải quyết xong rồi chúng ta phải chăm lo để không còn những câu chuyện xảy ra trong tương lai. Bộ Công Thương, Ủy ban kiểm tra Trung ương phải vào cuộc điều tra ngay để trả lời dư luận.”, ông Sơn khẳng định.

Hoàng Hà



(Đất Việt)

Liên tục gửi hai bức điện chúc mừng Tổng thống Donald Trump, Bắc Kinh cho thấy điều gì?

Thủy Thu | 

Liên tục gửi hai bức điện chúc mừng Tổng thống Donald Trump, Bắc Kinh cho thấy điều gì?
Xử lý ảnh: Thi Anh

Ngoài Tổng thống Mỹ Donald Trump, trước đó chỉ có Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte là lãnh đạo nhận được hai bức điện mừng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ngày 23/1, trả lời tại buổi họp báo thường ngày, bà Hoa Xuân Oánh - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiết lộ, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gửi điện chúc mừng tân Tổng thống Mỹ Donald Trump nhân lễ nhậm chức.
"Chủ tịch Tập Cận Bình đã gửi điện cho Tổng thống Mỹ Donald Trump, chúc mừng ông chính thức trở thành Tổng thống Mỹ", bà Hoa nói.
Theo Đa chiều (Mỹ), đáng chú ý là, trước đó, ngay ngày ông Trump đắc cử (8/11/2016), Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã gửi điện chúc mừng.
Trong khi đó, kể từ khi ông Trump chính thức lên nhậm chức, Nhà Trắng chỉ công khai thông báo nội dung cuộc điện đàm giữa tân Tổng thống với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mà chưa nhắc đến điện mừng của ông Tập cũng như các lãnh đạo thế giới khác.
Trước đó vào năm 2005, 2009, sau khi ông George W. Bush và Barack Obama tuyên thệ nhậm chức, Chủ tịch Trung Quốc bấy giờ là Hồ Cẩm Đào không gửi điện chúc mừng, thay vào đó ông Hồ Cẩm Đào chỉ gửi điện mừng vào ngày Bush và Obama đắc cử.
Đa chiều cho hay, việc ông Tập Cận Bình hai lần gửi điện chúc mừng các lãnh đạo khác là việc rất hiếm, trước đó chỉ có Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte là lãnh đạo nhận được hai bức điện mừng của ông Tập.
Theo giới quan sát, động thái này của Bắc Kinh bao hàm hai ý nghĩa.
Thứ nhất, Trung Nam Hải muốn bày tỏ cho phía Nhà Trắng thấy, chính quyền Bắc Kinh rất coi trọng quan hệ Trung-Mỹ dù cho trong thời gian tranh cử đến hiện nay, tân Tổng thống Mỹ thường xuyên đưa ra những tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc về một số vấn đề như vấn đề Đài Loan hay chính sách "một Trung Quốc".
"Ông Tập Cận Bình gửi điện mừng như vậy là để làm giảm sự căng thẳng trong quan hệ Trung-Mỹ hiện nay, cũng như để Tổng thống Trump nhận thấy thành ý của Trung Quốc", Đa chiều bình luận.
Thứ hai, tại buổi họp báo hôm 23/1, bà Hoa Xuân Oánh chỉ xác nhận ngắn gọn thông tin Chủ tịch Tập Cận Bình gửi điện mừng cho Tổng thống Donald Trump nhưng không công bố nội dung cụ thể.
Điều này cho thấy, hai bên vẫn còn có quan điểm đối lập về hàng loạt vấn đề và bức điện mừng này chưa thể giúp hai nhà lãnh đạo đạt được nhận thức chung.
Ngoài ra, khi được hỏi về việc Bắc Kinh liệu có liên lạc với đội ngũ cố vấn của Tổng thống Trump để chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao giữa hai nhà lãnh đạo trong thời gian tới, bà Hoa cũng chỉ trả lời ngắn gọn:
"Sau khi Donald Trump đắc cử, phía Trung Quốc vẫn duy trì các cuộc tiếp xúc và liên lạc với đội ngũ cố vấn của ông".
Theo Đa chiều, sau khi Tổng thống Obama chính thức lên nhậm chức vào năm 2009, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào khi đó tuy không gửi điện mừng nhưng trong cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai bên, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tuyên bố sẽ đích thân mời Tổng thống Obama đến thăm Trung Quốc.
Song hiện nay, kế hoạch hội đàm song phương Trung-Mỹ dường như lại được giao hoàn toàn cho Bộ Ngoại giao xử lý cho thấy, sự đối lập giữa hai bên còn khá sâu sắc cũng như Bắc Kinh hiện không mấy hài lòng trước những tuyên bố của Tổng thống Trump về Trung Quốc.
theo Trí Thức Trẻ

Sợ Lý Thường Kiệt bắc phạt lần 2, vua Tống tính cắt đất

Đăng lúc: 24.01.2017 21:34

In bài viết
Nhà Tống sợ Ung châu lại chịu binh lửa
   Thấy quân Tống không dám ra đánh thì vua tôi nhà Lý biết người Tống đang sợ nên cử sứ giả sang bàn tiếp việc tranh chấp lãnh thổ. Vua Tống lại sợ nên phải đồng ý cho sứ tới Quế Châu rồi viết thư hỏi gấp Triệu Tiết đang trấn thủ Quế Châu.
Kỳ 1: Cha ông ta từng chỉ huy liên quân Đông Nam Á chống lại phương Bắc
Kỳ 2: Đinh Tiên Hoàng tự coi là cửa trên khiến phương Bắc bực dọc
Kỳ 3: Sứ giả phương Bắc bị hù dọa không dám bước chân vào nước ta
Kỳ 4: Vua Tống chém tướng kiếm chuyện ngoài biên giới để làm vui lòng Đại Việt
Kỳ 5: Vua Tống sợ trái ý Ngọa Triều nhà Lê​
Kỳ 6: Đại Việt tặng ngựa, nhà Tống thất kinh​
Kỳ 7: Hai nhà sư Việt bẻ gãy dã tâm của phương Bắc​
Kỳ 8: Chính sách gả công chúa để phá âm mưu của phương Bắc
Kỳ 9: Khi nhà Tống lấn đất, ông cha ta sẵn sàng tuốt gươm
Kỳ 10: Trước Lý Thường Kiệt, quân ta nhiều lần Bắc phạt sang đất Tống​
Kỳ 11: Chư hầu của Đại Việt uy hiếp nhà Tống, vua Lý toan động binh​
Kỳ 12: Lý Thường Kiệt dùng vũ lực lấy lại đất yết hầu vùng biên trong tay quân Tống​
Sau khi đánh bại đoàn quân xâm lược Tống và cho tàn binh Quách Quỳ về nước năm 1077, nhà Lý đã nhanh chóng lên kế hoạch thu hồi những vùng đất ở biên giới. Trong 5 châu bị nhà Tống chiếm đóng, Lý Thường Kiệt đã dùng binh lực để thu hồi các châu Quang Lang, Tô Mậu, Môn một cách dễ dàng. Chỉ có hai châu Quảng Nguyên và Tư Lang là chưa thể lấy được do nhà Tống đặt trọng binh ở đó và dồn nhiều quân về phòng ngự.
Sở dĩ châu Quảng Nguyên được nhà Tống chăm lo kỹ lưỡng hơn cả vì đây có mỏ vàng, mỏ bạc. Nếu Tống giữ được mỏ vàng thì rõ ràng không có lợi cho ta nên nhà Lý quyết tâm lấy lại bằng được. Tuy nhiên, nếu chỉ dùng quân sự để đòi lấy thì e rằng xương máu tốn không phải là ít. Còn nếu chỉ đàm phán ngoại giao không thì cũng khó làm nhà Tống thôi dã tâm. Do vậy, phải kết hợp cả việc dùng quân sự khiến nhà Tống lo sợ rồi mới cử người đàm phán.
Sau khi chiếm xong Quang Lang, Tô Mậu và Môn thì Lý Thường Kiệt thường đe dọa, phao truyền tin sắp tới chiếm Quảng Nguyên, để thử xem quan Tống hành động thế nào. Quan trấn thủ Quảng Nguyên là Đào Bật sợ không quân uy nhà Lý trước đây nên Bật học theo "kế" của Tư Mã Ý đấu Khổng Minh trước kia là giữ chặt trại, không cho quân lính ra đánh. Tân Tư Trị thông giám chép: "Bật khuyên binh sĩ ở yên cố thủ, chớ khiêu khích quân Lý".
Thấy quân Tống không dám ra đánh thì vua tôi nhà Lý biết người Tống đang sợ nên cử sứ giả sang bàn việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Vua Tống lại sợ nên phải đồng ý cho sứ tới Quế Châu rồi viết thư hỏi gấp Triệu Tiết đang trấn thủ Quế Châu: "Giao Chỉ nghịch thuận thế nào? Chúng sắp vào cống. Thế nào chúng cũng yêu cầu dân miền đã nhượng cho ta. Ta nên trả lời chóng hay chầy, cho chúng nhiều hay ít?". Chỉ riêng đoạn chiếu mà vua Tống viết thư cho Triệu Tiết đã cho thấy vì sợ bị đánh Ung châu nên vua Tống sẵn sàng cắt đất trả lại.
Đáng ra đất Quảng Nguyên và Tư Lang vốn của Đại Việt bị nhà Tống trộm giữ thì phải nên giao trả ngay để tỏ tình thực bụng hòa hiếu. Nhưng Triệu Tiết, viên tướng vốn thua trận tại Như Nguyệt vẫn còn ôm hận bèn dâng biểu can ngăn nêu ra mấy điểm phải giữ lại Quảng Nguyên và Tư Lang. Vua Tống vì thấy có mỏ vàng nên nghe lời Tiết.
Chính vì thế, nhà Tống chơi trò câu giờ. Khi phái đoàn ta đến biên giới thì nhà Tống lấy cớ rằng biểu tấu của ta gửi sang phạm húy nên không chịu nhận, bảo sứ ta ra về. Theo lệ xưa thì phải dâng biểu cho vua Tống đọc xong thấy thuận thì mới đón sứ nhập quốc.
Đầu năm sau (1078), vua Lý sai Đào Tông Nguyên trở lại đi sứ. Tông Nguyên đem theo năm voi để cống, và tờ biểu của vua Lý xin lại các đất Quảng Nguyên và Quang Lang. Lời biểu nói rằng: "Tôi đã nhận được chiếu chỉ cho phép theo lệ tới cống, y như lời tôi thỉnh cầu. Chiếu lại đã sai quan thuộc ti an phủ định rõ cương giới và dặn tôi không được xâm phạm. Tôi đã vâng chỉ dụ. Nay sai người tới cống phương vật. Tôi xin triều đình trả lại các đất Quảng Nguyên và Quang Lang". Thực ra tặng 5 voi vừa là món vật quý của nhà Lý nhưng cũng là lời răn đe nếu vua Tống không thuận thì sẽ dùng tượng binh đến hỏi tội. Trong các cuộc chiến trước thì tượng binh Đại Việt quả thực đã khiến quan quân nhà Tống kinh hồn bạt vía.
Vua tôi nhà Tống lúc này cũng định câu giờ tiếp nhưng sau khi suy đi tính lại thì vẫn sợ nhà Lý tức giận dùng quân sự thì hỏng hết đại cục. Cần nhớ lúc này nhà Tống không chỉ sợ ta mà còn sợ bị Liêu, Hạ uy hiếp ở mạn Bắc.
Tục tư trị thông giám chép: Ti kinh lược Quảng Tây có kẻ không muốn để sứ tiến kinh. Ngày 22 tháng Giêng nhuận, ti chuyển  vận tâu trằng: "Trước đây, sứ Giao chỉ đến, nhưng phải quay về, vì trong biểu có phạm húy. Nay sứ đã trở lại, và đã chữa biểu. Nhưng viên câu đương thuộc ti kinh lược, là Dương Nguyên Khanh, chưa chịu thu nhận. Sợ chúng ngờ vực là muốn ngăn chúng". Vua Tống liền bảo tụi Nguyên Khanh: "Phải nhận và gửi biểu về, sai người đưa sứ tới kinh. Còn như việc chúng đòi trả nhân khẩu và sự định biên giới, thì hãy đợi phân xử riêng".
Nhà Tống đón tiếp đoàn sứ của ta khá trọng thị và xen chút sợ hãi đề phòng. Sử nhà Tống chép khi sứ ta dẫn đàn voi đi Biện Kinh vua Tống phê rằng: "Sứ Giao tiến tới kinh. Vì chúng mới cướp ta, nên phải lo đề phòng. Khi còn ở dọc đường cũng như khi tới kinh, hễ chúng ra vào, phải cắt người giám thị. Vậy phải viết thư cho ti kinh lược Quảng Tây và cho các viên hộ tống phải mau mau báo cáo. Nếu dọc đường có xảy việc gì, ti kinh lược chưa kịp bẩm, thì cứ việc thi hành". Tháng 6, sứ bộ qua lộ kinh Hồ Bắc. Viên chuyển vận sứ ở đó không đủ phu hộ tống, xin phép bỏ tiền thuê phu cho dắt.
Một mặt đón sứ ta nhưng mặt khác vua tôi nhà Tống cũng khẩn trương chuẩn bị phòng thủ vì sợ đàm phán đổ bể thì ta lại xua quân Bắc tiến. Tục tư trị thông giám chép: "Triệu Tiết xin tăng quân đóng ở Quế châu cho được 5.000. Ti chuyển vận Quảng tây xin tăng lương thực và tiền bạc. Quế châu xin sai chúa trại Hoành sơn tới đạo Đặc ma mua ngựa, và tới châu Ung, Khâm kiểm điểm đân khê động và sai tập rèn vũ nghệ". Quả nhiên, việc đàm phán đòi đất không dễ dàng và triều đình nhà Lý phải dùng nhiều rất nhiều tâm sức, mưu kế để lấy lại từng thước đất gấm vóc.
Anh Tú

Thời báo Hoàn Cầu đang chống đối Chủ tịch Tập Cận Bình?

HỒNG THỦY

(GDVN) - Nếu Trung Quốc thực sự kiên trì con đường phát triển hòa bình như lời Tập Chủ tịch vẫn nói, thì xin đừng cổ súy chạy đua vũ trang, đừng quân sự hóa Biển Đông.
Thời báo Hoàn Cầu ngày 23/1 bình luận, tên lửa hạt nhân chiến lược Đông Phong 41 sẽ mang lại cho Trung Quốc sự tôn trọng nhiều hơn. Tờ báo cho hay: 
"Một số phương tiện truyền thông Hồng Kông và Đài Loan đưa tin, hình ảnh tên lửa đạn đạo Đông Phong 41 của Trung Quốc được cố tình tiết lộ trên các trang web ở đại lục là chụp tại tỉnh Hắc Long Giang.
Các nhà phân tích quân sự tin rằng, đây có lẽ là lữ đoàn tên lửa chiến lược Đông Phong 41 thứ hai và nó sẽ được triển khai ở Đông Bắc Trung Quốc.
Đông Phong 41 là tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân, sử dụng nhiên liệu rắn.
Nó có tầm bắn 14 ngàn km và mang theo từ 10 đến 12 đầu đạn hạt nhân, có thể nhắm tới bất cứ mục tiêu nào trên thế giới và được coi là một trong những dòng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tiên tiến nhất.
Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi phi hạt nhân hóa Trái Đất khi phát biểu tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ. Trong ảnh, ông Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, Thụy Sĩ. Ảnh: World Economic Forum.
Đã có suy đoán liên tục về Đông Phong 41. Việc triển khai loại tên lửa này phải từ mệnh lệnh ở cấp lãnh đạo quân sự cao nhất.
Nhưng hầu hết chuyên gia quân sự Trung Quốc tin rằng, Trung Quốc đã hoàn thành việc nghiên cứu - chế tạo Đông Phong 41 và có đủ điều kiện triển khai.
Tuy nhiên vẫn chưa có thông tin chính thức nào về việc Trung Quốc có lữ đoàn tên lửa chiến lược Đông Phong 41, có bao nhiêu lữ đoàn như vậy và nơi chúng được triển khai.
Một số phương tiện truyền thông cho rằng, quân đội Trung Quốc cố tình tiết lộ Đông Phong 41 và liên kết nó với lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Họ nghĩ rằng đây là phản ứng của Bắc Kinh trước các nhận xét khiêu khích của Trump về Trung Quốc. Trước khi Trump nắm quyền, nhóm chuyển giao của ông đã cho thấy một lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc.
Bắc Kinh đặc biệt coi trọng Đông Phong 41 như một công cụ răn đe chiến lược là chuyện hợp lý. Với sự trỗi dậy của Trung Quốc, rủi ro chiến lược với Bắc Kinh đang gia tăng.
Trung Quốc có nhiệm vụ nặng nề trong việc bảo vệ an ninh quốc gia. Răn đe hạt nhân là nền tảng của an ninh quốc gia Trung Quốc, phải được củng cố khi các rủi ro chiến lược gia tăng.
Mỹ có sức mạnh quân sự lớn nhất thế giới, bao gồm cả kho vũ khí hạt nhân tiên tiến và mạnh mẽ nhất. Nhưng Trump vẫn nhiều lần kêu gọi mở rộng kho vũ khí hạt nhân.
Ngay cả Washington còn cảm thấy rằng, năng lực hải quân và sức mạnh hạt nhân của họ đang thiếu, vậy tại sao Trung Quốc lại có thể thỏa mãn với sức mạnh hạt nhân hiện tại của mình khi Trung Quốc xem Mỹ là đối thủ tiềm năng lớn nhất?
Khả năng hạt nhân của Trung Quốc nên được phát triển mạnh để không một nước nào dám khởi động một cuộc thách thức quân sự với Trung Quốc trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết: Trung Quốc không bá chủ, không bành trướng

Và như vậy Trung Quốc có thể tấn công đáp trả các hành động khiêu khích quân sự.
Một cuộc đụng độ quân sự với Mỹ là điều cuối cùng Trung Quốc muốn, nhưng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc phải có khả năng răn đe Mỹ.
Mỹ đã thiếu tôn trọng Trung Quốc. Các quan chức cấp cao của Mỹ trong Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thường xuyên cho thấy ý định của họ muốn thể hiện sức mạnh với sự kiêu ngạo.
Chính quyền Trump cũng có thái độ thiếu nghiêm túc về lợi ích của Trung Quốc. Chỉ tăng cường truyền thông cho sự hiểu biết lẫn nhau là không đủ.
Trung Quốc phải có một sức mạnh quân sự chiến lược đủ để buộc Hoa Kỳ phải tôn trọng mình. Một Trung Quốc có hay không có các tên lửa Đông Phong 41 là hoàn toàn khác nhau, dưới mắt nhìn của thế giới bên ngoài.
Đó là ý nghĩa của Đông Phong 41. Chúng tôi hy vọng rằng cạnh tranh chiến lược này sẽ được chính thức công khai sớm.
Nó sẽ không mang lại những lý thuyết về mối đe dọa Trung Quốc, mà chỉ mang thêm sức mạnh cho quân đội Trung Quốc". [1]
Nội dung bài bình luận của Thời báo Hoàn Cầu hoàn toàn đi ngược lại tinh thần nhân văn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Liên Hợp Quốc, Geneva, Thụy Sĩ hôm 18/1:
"Vũ khí hạt nhân nên được cấm hoàn toàn và tiêu hủy dần theo thời gian, để thế giới này không còn loại vũ khí hủy diệt ấy...
Khổng Tử nói: cái gì mình không muốn người khác làm với mình, thì đừng làm cho người khác (kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân).
Trung Quốc chúng tôi có niềm tin sâu sắc rằng, hòa bình và ổn định là cách duy nhất để phát triển thịnh vượng.
Trung Quốc đã phát triển từ một nước nghèo và yếu trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới không phải bằng cách cam kết mở rộng quân sự hay cướp bóc thuộc địa, mà thông qua sự cần cù lao động của nhân dân, và những nỗ lực của chúng tôi để bảo vệ hòa bình.
Trung Quốc sẽ không bao giờ do dự trong việc theo đuổi mục tiêu phát triển hòa bình.
Bất luận nền kinh tế phát triển mạnh đến đâu, Trung Quốc cũng sẽ không bao giờ tìm kiếm quyền bá chủ, bành trướng hoặc khuếch trương ảnh hưởng.
Lịch sử đã xác nhận điều này, và tương lai vẫn sẽ tiếp tục như vậy".
Nếu Thời báo Hoàn Cầu là một tờ báo Mỹ tự do bày tỏ quan điểm của mình thì bài viết này không có gì đáng bàn, nó thể hiện quan điểm của người viết hay một tờ báo.
Nhưng Thời báo Hoàn Cầu là một trong những cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, chịu sự lãnh đạo tuyệt đối của nhà nước lại cổ súy Trung Quốc bành trướng sức mạnh quân sự, phát triển vũ khí hạt nhân để giành giật vị trí của Hoa Kỳ.
Nếu nói đây chỉ là quan điểm riêng của Thời báo Hoàn Cầu có lẽ không ai tin, bởi như thế là đi ngược lại chủ trương của lãnh đạo cao nhất Trung Quốc. 
Thời báo Hoàn Cầu có ngân sách nhà nước chi trả, chắc không đến nỗi phải "câu view" bằng những bài cổ súy chạy đua vũ trang, phát triển vũ khí hủy diệt như thế.
Nếu có một sự bật đèn xanh nào đó để Thời báo Hoàn Cầu nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi, thì mặt trái của nó sẽ chính là uy tín của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc sẽ bị hủy hoại trong mắt dư luận quốc tế, nhân loại văn minh.
Nếu Trung Quốc thực sự kiên trì con đường phát triển hòa bình như lời Tập Chủ tịch vẫn nói, thì xin đừng cổ súy chạy đua vũ trang, đừng quân sự hóa Biển Đông, đừng kéo tên lửa ra biên giới.
Tài liệu tham khảo:
Hồng Thủ

Về khả năng Mỹ phong tỏa Trung Quốc ở Biển Đông

Đừng hoảng sợ, hãy để Rex Tillerson làm công việc của mình, thương lượng từ vị thế của sức mạnh.

VOA News bản tiếng Trung Quốc ngày 25/1 cho biết, rất nhiều người tin rằng thương mại mới là lĩnh vực số một khiến quan hệ Trung - Mỹ căng thẳng leo thang dưới thời tân Tổng thống Donald Trump.

Trong quá trình tranh cử, vị tỉ phú này không ngừng nói về Trung Quốc và việc làm, cam kết sẽ đưa Bắc Kinh vào đối tượng thao túng tiền tệ và phải bị trừng phạt bằng thuế quan với những hành vi gian lận.

Nhưng ngày Trump nhậm chức, điểm nóng trong quan hệ Trung - Mỹ lại là Biển Đông vì những yêu sách bành trướng và hoạt động quân sự hóa mà Trung Quốc tiến hành ở vùng biển này. 

Cả ông Trump, Ngoại trưởng Rex Tillerson lẫn Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer đều tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ tân Tổng thống Mỹ chuẩn bị như thế nào, sẵn sàng đẩy vấn đề Biển Đông lên mức độ nào.

Ông Rex Tillerson được Tổng thống Donald Trump lựa chọn làm Ngoại trưởng Hoa Kỳ có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông, ảnh: Chicago Suntimes.
Trong những phát ngôn ấn tượng của tân Chính phủ Hoa Kỳ về Biển Đông, nổi bật nhất là ông Rex Tillerson tuyên bố trước Thượng viện 2 điểm: Một, Mỹ phải ngăn Trung Quốc ngừng các hoạt động xây dựng ngoài đảo nhân tạo; hai là ngăn chặn Trung Quốc truy cập các đảo này.

Đằng Kiến Quần, Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề Hoa Kỳ thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc bình luận: "Mỹ không thể phái chiến hạm phong tỏa đảo nhân tạo. Như thế là tuyên chiến".

Ông tin là Bắc Kinh và Washington sẽ tìm được khả năng thỏa hiệp ở Biển Đông. Có điều đến bây giờ Trung Nam Hải vẫn không biết chắc, liệu Donald Trump sẽ hành động như thế nào trên Biển Đông.

Tôn Vận, một nghiên cứu viên người Trung Quốc tại Dự án Đông Á của Trung tâm Stimson, Hoa Kỳ nhận định:

"Hãy đặt giả thiết, nếu thực sự họ cho Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương bao vây phong tỏa Trung Quốc, hoặc ngăn chặn chiến hạm và chiến đấu cơ Trung Quốc tiếp cận khu vực này, hoặc đổ bộ lên đảo nhân tạo, thì sẽ là hành động đối đầu vô cùng.

Nhưng Mỹ có muốn làm như vậy không? Giới phân tích Trung Quốc đang đau đầu vì câu hỏi này". [1]

Nhà báo Anders Corr ngày 25/1 bình luận trên Forbes, theo The Wall Street Journal thì "các chuyên gia Trung Quốc và phương Tây nói, một cuộc phong tỏa của Mỹ ở Biển Đông quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp, sẽ là một hành động chiến tranh".

Còn tờ The New York Times dẫn nguồn "chuyên gia hải quân Mỹ giấu tên cho rằng, phong tỏa Trung Quốc ở Biển Đông là hành động tương đương với chiến tranh".

Tuy nhiên khả năng này không phải hoàn toàn là lựa chọn tốt nhất, mà là một chiến thuật gây hoang mang nhằm vào Trung Quốc. 

Truyền thông Mỹ đang thổi phồng nỗi sợ chiến tranh, một phần vì muốn thu hút người đọc để tăng doanh thu, trong khi đó báo chí Trung Quốc lại cổ vũ đàm phán và coi phần đúng thuộc về mình.

Nỗi sợ hãi chiến tranh trong chính trị Hoa Kỳ có thể biến thành các áp lực chính trị từ dư luận buộc chính quyền phải nhượng bộ trong các tranh chấp quốc tế với một đối thủ "độc đoán chuyên nghiệp".

Theo ông, nếu coi hành động phong tỏa đảo nhân tạo là "chiến tranh", thì việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông có phải hành động "tương đương với chiến tranh" hay không?

Việc họ chống Phán quyết Trọng tài có khác gì "chiến tranh" (với luật pháp và công lý quốc tế)?

Anders Corr cho hay, trọng tâm của truyền thông phương Tây là làm nổi bật nỗi sợ chiến tranh và thúc đẩy cái gọi là "tính hợp lý" của Trung Quốc. The Wall Street Journal kết thúc một bài báo với quan điểm đáng ngại:

"Trong khi vẫn chưa rõ chính quyền Donald Trump có thực hiện những gì họ nói, bình luận của ông Spicer đe dọa nghiêm trọng đến quan hệ Trung - Mỹ, Chu Phong - một chuyên gia về Biển Đông tại Đại học Nam Kinh cho biết.

"Đó là một mối quan tâm rất quan trọng. Đối với chính quyền Trump bất ngờ đập bàn và nói: không, không thể, các anh không thể đến đó, tôi nghĩ rằng đó là điều thiếu tế nhị.

Trung Quốc không có khả năng quay trở lại, bất kể áp lực dồn lên họ lớn đến cỡ nào", Chu Phong nói".

Anders Corr bình luận: ngay cả China Daily cũng không thể làm tốt hơn The Wall Street Journal trong bài này về việc "trình bày thông điệp chiến lược của Trung Quốc".

Mỹ có nhiều năm cảnh báo và chống lại các hành động bồi lấp đảo nhân tạo trái phép, quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc tiến hành. Trump có ý tưởng gia tăng áp lực quân sự ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục làm việc này không có gì là bất ngờ, đâu phải chuyện gì lạ.

Vai trò "cảnh sát tốt bụng" của ông Obama đã không hiệu quả, và khu vực cần một Cảnh sát trưởng mới. Thương lượng mà lại nhu nhược chính xác là những gì đẩy Mỹ vào trạng thái rắc rối ở Biển Đông.

Theo Anders Corr, Mỹ nên "bóp chết cuộc xâm lược của Trung Quốc chiếm đá Vành Khăn năm 1995". Khi đối mặt với thủ đoạn tằm ăn dâu của người Trung Quốc, Hoa Kỳ phải cứng rắn. Ông kết luận:

"Nếu chúng ta may mắn, Trump sẽ đặt áp lực và sự cứng rắn cần thiết vào chính sách ngoại giao của Mỹ ở Đông Nam Á.

Nhiều nhà ngoại giao ở Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei mong muốn điều này, nhưng họ im lặng vì sợ vấp phải phản ứng từ Trung Quốc.

Sức mạnh Mỹ cung cấp cho chúng ta khả năng công khai đàm phán những gì mình cho là đúng.

Nên nhớ, nhà ngoại giao Rex Tillerson chứ không phải Bộ trưởng Quốc phòng cứng rắn Mattis, đến nay là người phát biểu cứng rắn nhất về Biển Đông.

Đừng hoảng sợ, hãy để Rex Tillerson làm công việc của mình, thương lượng từ vị thế của sức mạnh". [2]

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.voachinese.com/a/trump-south-china-sea-20170124/3691190.html

[2]http://www.forbes.com/sites/anderscorr/2017/01/25/war-with-china-effects-of-a-u-s-blockade-in-the-south-china-sea/#396e1b722147

Hồng Thủy

(Giáo Dục)