Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

TAM QUỐC DIỄN NGHĨA VÀ TRIẾT LÝ NHÀ PHẬT

Tam Quốc: Triết lý nhà Phật thâm sâu tạo nên kiệt tác khiến lòng người bừng tỉnh sâu sắc

Gia Cát Lượng biết rõ rằng dẫu mình có công với xã tắc nhưng đã giết người quá nhiều ắt sẽ bị tổn dương thọ, do đó khi Ngụy Diên lao nhầm vào “Nhưỡng Tinh Đàn” (Đàn dâng sao) khiến ông không thể kéo dài dương thọ, ông cũng không hề trách tội Ngụy Diên, bởi lẽ đó là ý trời. 
Cổn cổn Trường giang Đông thệ thủy,
Lãng hoa đào tận anh hùng.
Thị phi thành bại chuyển đầu không.
Thanh sơn y cựu tại,
Kỷ độ tịch dương hồng.
Bạch phát ngư tiều giang chử thượng,
Quán khán thu nguyệt xuân phong.
Nhất hý trọc tửu hỷ tương phùng.
Cổ kim đa thiểu sự,
Đô phó tiếu đàm trung.
Tạm dịch
Dòng Trường Giang nước cuồn cuộn đổ về Đông không quay đầu trở lại,
Làn sóng bạc tiễn đưa bóng anh hùng.
Thị phi thành bại ngoái đầu lại đều là hư vô.
Núi xanh vẫn còn đó, mặt trời hồng hàng ngày vẫn mọc vẫn lặn mấy lần.
Ngư ông tóc trắng ẩn cư nơi sóng nước,
Quen nhìn trăng thu với gió xuân.
Một bình rượu đục vui lúc tương phùng.
Cổ kim biết bao chuyện, đều chỉ là chuyện vui khi tán ngẫu.
“Tam Quốc Diễn Nghĩa” là một phần trong tinh hoa văn hóa Trung Quốc, tác giả La Quán Trung đã mở đầu bằng khúc “Lâm Giang Tiên” này không chỉ khái quát toàn bộ câu chuyện giữa ba nước, mà thể ngộ tĩnh lặng sâu sa của ông còn cô đọng cả kiếp nhân sinh. Có người nói rằng La Quán Trung là một cư sỹ Phật giáo, điểm này có thể nhìn thấy được trong sự gợi mở và trầm tư mà “Tam Quốc Diễn Nghĩa” mang tới cho con người. Nếu không có sự nghiên cứu sâu sa về Phật giáo và tự mình trải nghiệm thì rất khó có thể viết nên một kiệt tác khiến lòng người bừng tỉnh sâu sắc như vậy. Một tác phẩm hay ngoài việc hợp khẩu vị của độc giả ra, điều quan trọng hơn là dẫn dắt con người suy ngẫm về cuộc sống và kiếp nhân sinh, lắng đọng lại những tạp chất trong lòng mình, khiến cảnh giới của mình được thăng hoa, khiến độc giả và tác giả có sự cộng hưởng, tác dụng của nó cũng không kém gì sự gợi mở của triết học đối với con người.
Thuận duyên thì an, thuận theo đạo trời
Phật giáo giảng về nhân quả, có nhân thì sẽ có quả, gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Văn hóa cổ xưa của Trung Quốc lại càng coi trọng nhân quả báo ứng, thường nghe thấy người già nói hãy tích chút đức cho con cháu, đức này chính là gieo nhân để tương lai đắc được thiện báo. Nhân quả báo ứng rất phức tạp, có người báo ngay tại đời này, cũng có người báo vào đời sau; có người bị báo ứng lên chính bản thân mình, lên người thân của mình, cũng có người bị báo ứng lên con cháu.
Thử nhìn lại Tào Tháo thuở đầu khi còn nắm quyền bính trong tay, thân dưới một người mà trên vạn người, y bá đạo ngang ngược, lấy danh nghĩa của thiên tử mà đè nén chư hầu, ngông cuồng phóng túng, xem thường người khác, nên mới bị người đời gọi là gian hùng. Tiếc rằng Tào Tháo không tin nhân quả, y quyết không thể nào lường trước được rằng sau khi họ Tào xưng đế, họ Tư Mã lại dùng thủ đoạn y như vậy đối đãi với con cháu của mình.

Vào thời niên thiếu tôi cũng đã đọc “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, lúc đó chỉ là đọc cho vui, mãi sau này khi đã trưởng thành, xem bộ phim truyền hình dài tập do Đài truyền hình Trung ương sản xuất, tôi mới thấy được công sức diễn xuất của diễn viên đã triển hiện cho khán chân lý nhân quả vô cùng hoàn mỹ. Mỗi lần như vậy phải chăng sẽ có người liên tưởng tới bản thân mình, phải chăng sẽ cảm thấy khiếp sợ vì những việc ác, niệm ác của mình? Bởi vì quả báo sớm muộn cũng sẽ tới, không phải là không báo, chỉ là chưa đến lúc. Đây chính là điều La Quán Trung muốn mượn câu chuyện Tào Tháo để nhắc nhở mọi người nên chân thành sám hối để được tiêu giảm tội nghiệp.
Người tu hành Phật Đạo có một điểm rất quan trọng chính là coi nhẹ danh lợi. Thuận duyên thì an, thuận theo đạo trời, con người vĩnh viễn không thể nào đối nghịch được với quy luật tự nhiên. Ngoài Phật Pháp ra thì văn hoá Nho gia cổ xưa của Trung Quốc cũng đề xướng “Thuận thiên giả xướng, Nghịch thiên giả vong” (Thuận ý trời thì phất, Nghịch ý trời thì vong). Con người là một phần của tự nhiên, đương nhiên cũng phải tuân theo quy luật tự nhiên, đừng cố chấp vào những kiến giải của bản thân, bởi vì tất cả đều là hư vô, sự cố chấp ngoài việc mang tới đau khổ ra thì chẳng đạt được thứ gì.
Gia Cát Lượng có thể được coi là điển hình về sự “Cúc cung tận tuỵ, tử nhi hậu kỷ” (Cúc cung tận tuỵ, Tới chết mới thôi), đến nỗi khiến người đời sau vẫn còn lưu lại lời cảm thán rằng: “Xuất sư vị tiệp thân tiên tử, Thường sử anh hùng lệ mãn khâm” (Xuất binh chưa thắng trận mà thân đã mất, Thường khiến anh hùng lệ đẫm tay áo). Nhưng “Lục xuất kỳ sơn” (Sáu lần xuất quân đánh Kỳ Sơn diệt Tào Nguỵ) của ông đã trái với ý trời nên cuối cùng đã kết thúc trong thất bại.
Khi vận mệnh của nhà Hán sắp tận thì bất kỳ ai cũng không thể cứu vãn được sự diệt vong của nó. Đây cũng chính là lý do vì sao khi Lưu Bị ba lần lui tới nhà cỏ tìm Gia Cát Lượng mà không gặp, lại tình cờ gặp được Thôi Châu Bình, Lưu Bị khẩn khoản thỉnh mời ông xuất sơn phục hưng nhà Hán, Thôi Châu Bình đã cự tuyệt. Thôi nói thẳng rằng vận mệnh của nhà Hán sắp tận, sức người không thể cứu vãn được và khuyên Lưu Bị hãy thuận theo ý trời. Nhưng Lưu Bị ôm chí lớn, không cách nào buông bỏ được lý tưởng phục hưng nhà Hán, do đó ông đã thành khẩn thỉnh mời Gia Cát Lượng xuất sơn.
Gia Cát Lượng vì muốn báo đáp hơn tri ngộ nên đã dốc hết sức cống hiến tài năng của bản thân mình. Nhưng thứ gọi là “Vận trù duy ác chi trung, Quyết thắng thiên lý chi ngoại”(Hoạch định chiến lược trong bản doanh, Quyết định thắng lợi nơi xa trường ngàn dặm), khinh thời đại bách chiến bách thắng đã khiến Tào Tháo nghe tin mà mất mật, khiến Chu Du đang lúc tráng niên đã sớm lìa đời; nhưng dẫu cho Gia Cát Lượng trên tinh thiên văn, dưới tường địa lý, tính toán như thần thì khi hành sự trái với ý trời thì cũng không thể cứu vãn nổi vận mệnh thất bại.
Thực ra Tiều Chu vẫn luôn trình tấu lên hậu chủ Lưu Thiện rằng theo kết quả quan sát thiên tượng buổi đêm là nhà Nguỵ vẫn chưa tuyệt mệnh, lúc này mà đánh về phương Bắc sẽ không thuận lợi. Gia Cát Lượng trí huệ hơn người, lẽ nào lại không biết thiên tượng, nhưng vì muốn báo đáp trọng trách Lưu Bị gửi gắm con trai cho mình mà ông đành phải hành sự trái với thiên đạo, dẫu biết rằng sẽ thất bại nhưng ông vẫn phải làm theo ý nguyện của mình. Ân tình đó thật đáng ca ngợi. Nhưng bất cứ thứ gì cũng không là mãi mãi, gồm cả sinh mệnh của con người. Do đó về mặt lý trí thì việc theo đuổi những truy cầu đó cũng không có nghĩa lý gì. Gia Cát Lượng chịu đựng muôn vàn khó khăn gian khổ, dùng nhiệt huyết tuổi tráng niên để xây dựng nước Thục, nhưng cuối cùng vẫn phải để Lưu Thiện cúi đầu nhượng lại cho nước Nguỵ, Công danh của Gia Cát Lượng giờ ở nơi nao? Hay chỉ lưu lại vô vàn cảm thán cho hậu thế! Là do thời thế chăng? Hay do vận chăng? Hay vẫn là do số mệnh?
Có xả mới có đắc
Phật giáo giảng “Xả đắc”, có xả bỏ thì mới đắc được, xả ít thì đắc được ít, xả nhiều thì đắc được nhiều, không xả thì cũng không đắc được gì, đồng thời cũng chỉ dạy chúng sinh xả bỏ tự tư tự lợi, lấy đức làm gốc. Cổ ngữ Trung Quốc cũng có câu: “Đắc dân tâm giả đắc thiên hạ” (Người đắc được lòng dân thì sẽ có được cả thiên hạ), “Dân khả tải chu, diệc khả phúc chu” (Người chở thuyền là dân, người lật thuyền cũng là dân). Lưu Bị cũng hiểu rõ đạo lý này. Trong ba nước Nguỵ Thục Ngô thì thế lực của Lưu Bị là yếu nhất, nhưng cuối cùng ông cũng đạt được kết quả “Tam phân thiên hạ hữu kỳ nhất”(Đắc được một phần ba thiên hạ).
Ngoài lòng trung thành son sắt và tài đoán biết sự việc như Thần của Gia Cát Lượng ra, thì đức hạnh của Lưu Bị cũng có quan hệ rất lớn. Ông có thể làm được việc: “Dụng nhân bất nghi, nghi nhân bất dụng” (Dùng người thì không nghi ngờ, nghi ngờ thì không dùng). Giả dụ Lưu Bị nghi ngờ Gia Cát Lượng thì dẫu rằng Gia Cát Lượng có mưu trí đến đâu cũng khó có cơ hội thi triển. Khi Lưu Bị hỏi tới việc Gia Cát Lượng có tài mưu lược tới đâu, Gia Cát Lượng đáp rằng: “Chủ công hữu đa đại đảm lược, Lượng tựu hữu đa đại mưu lược.”(Chúa công có gan thao lược lớn tới đâu, Lượng tôi đây có tài mưu lược lớn tới đó.) Lưu Bị ngay lúc đó không hề do dự đã giao cho Gia Cát Lượng thanh bảo kiếm mà mình vẫn luôn mang theo bên mình. Hành động tầm cỡ này liệu một người lòng dạ hẹp hòi có thể làm được hay không?
Hơn nữa, Lưu Bị có tấm lòng nhân nghĩa, lấy bách tính làm trọng, không muốn vứt bỏ bách tính. Khung cảnh ông dẫn theo dân chúng vượt sông khiến lòng người xúc động sâu sắc. Mặc dù Lưu Bị không có được thiên thời và địa lợi, nhưng ông lại có được nhân hoà. Câu chuyện ba người Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi kết nghĩa tại vườn đào, nghĩa khí bừng bừng ngút trời xanh vẫn còn được truyền tụng từ thời thiên cổ, tới nay cũng không ai có thể vượt qua. Tấm lòng như vậy mà không thành đại sự, cũng là do không hợp với thiên đạo.
Về phương diện khác, tấm lòng nhân đức của Lưu Bị ai ai cũng biết. Khó khăn lắm ông mới có được mưu sỹ là Từ Thứ, nhưng khi biết được mẹ của Từ Thứ bị giam tại doanh trại của Tào Tháo, trong tình huống Từ Thứ biết được rất nhiều chuyện cơ mật quân sự như vậy, ông vẫn không hề do dự để Từ Thứ tới thăm mẹ. Tấm lòng cỡ này không phải là hành động mà người thường có thể làm được. Do đó mới có câu chuyện Từ Thứ “Hồi mã tiến Gia Cát” (Cưỡi ngựa trở về tiến cử Gia Cát Lượng) và “Tiến Tào doanh nhất ngôn bất phát”(Vào doanh trại của Tào Tháo mà không hé răng nói một lời). Chính là vì Lưu Bị đã xả bỏ Từ Thứ nên mới đắc được Gia Cát Lượng, nhân đức thâm sâu quả thực có thể cảm động trời đất, huống chi là con người?
Thiên nhân cảm ứng
Con người nếu không tu hành thì vinh nhục hoạ phúc cả một đời đều do nghiệp khống chế, bản thân mình hoàn toàn không thể làm chủ được điều gì. Trên bề mặt những thứ thông qua sự phấn đấu của bản thân mà đạt được, kỳ thực vẫn là thứ trong mệnh người ấy nên có, nếu trong mệnh không có thì dù thế nào cũng không tranh được. Nghiệp chướng vô hình không thể đoán được thông qua phân tích logic, cổ nhân đọc “Tứ thư ngũ kinh”, tôn kính trời đất, tự mình đã có cảm ứng giữa trời và người, cũng chính là tiềm ý thức được giảng ngày nay. Con người hiện đại không tin vào số mệnh, không tin Thần, chỉ một mực tin vào khoa học nên có rất ít người có thể xuất hiện cảm ứng giữa trời và con người.
Nhưng ngày xưa thì lại có rất nhiều. Bàng Thống đi tới “Dốc Lạc Phượng” đã cảm nhận được rằng đây là chính nơi mình sẽ nằm lại. Gia Cát lượng sau khi “Thất cầm Mạnh Hoạch” (Bảy lần bắt Mạnh Hoạch) đã biết rằng dẫu mình có công với xã tắc, nhưng đã giết quá nhiều người, ắt sẽ phải tổn dương thọ. Do đó khi Nguỵ Diên lao nhầm vào “Đài dâng sao” khiến Gia Cát Lượng không thể kéo dài thọ mệnh, nhưng ông không hề trách tội Nguỵ Diên, bởi đó là ý trời. Từ cái chết của Lã Bố cũng có thể thấy được tác dụng của số trời. Lã Bố dũng mãnh thiện chiến, ông từng buộc con gái trên lưng, đơn thương độc mã đột phá vòng vây, vì cớ gì cuối cùng lại bị Tào Tháo bắt được? Bởi vì ông ta không có sỹ khí, khách quan mà nói, bản thân ông nếu muốn trốn thoát, thì với năng lực của mình ông vẫn có thể thoát ra được, quan trọng là bản thân ông cho rằng mình đã không được nữa rồi, từ hành vi nhất quán của ông là có thể nhìn thấy được rằng ông không có định lực. Nếu tự mình cho rằng mình không ổn, thì người khác sao có thể cho rằng bạn vẫn ổn, có làm vậy cũng chỉ là vô dụng. Nếu nghiên cứu kỹ cái lý này thì đây chính là tác dụng của nghiệp chướng, nếu mệnh đã tới lúc vong thì dẫu không có điều kiện khách quan thì đứng tại quan niệm chủ quan cũng sẽ khiến tự mình diệt vong. Đây chính là điều mà Pháp sư khi giảng kinh đã nói, người khác không gây chuyện cho bạn, thì bạn cũng sẽ tự mình gây chuyện cho mình.
Chia cắt lâu ngày ắt sẽ hợp lại, hợp lại lâu ngày ắt sẽ phân ly, đây chính là điều mà Tam Quốc Diễn Nghĩa gợi mở cho chúng ta. Thế sự chẳng phải cũng thế sao? Con người cũng đều tuần hoàn như vậy mãi cho đến vô cùng vô tận, cớ chi cứ phải so đo đúng sai, thành bại? Bởi lẽ chỉ trong chớp mắt nó đã trở thành hư vô. Cổ nhân vì công phá thành trì, cướp đoạt đất đai mà phấn đấu mà tàn sát, cuối cùng lại trở thành chuyện cười cho hậu thế. Trong lời kết “Phân phân thế sự vô cùng tận, Thiên số mang mang bất khả đào” (Thế sự rối ren vô cùng tận, số trời mênh mang không thể thoát) mà La Quán dành cho Tam Quốc Diễn Nghĩa đã gợi mở cho con người đời sau rằng hãy thuận theo đạo trời, coi nhẹ mọi chuyện trên thế gian.
Hiểu Liên biên dịch
Xem thêm:

30 năm nữa Trung Quốc sẽ có dân chủ!


Print Friendly
Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Mã Quốc Xuyên phỏng vấn học giả nổi tiếng Trung Quốc 105 tuổi Châu Hữu Quang.
Cụ Châu Hữu Quang (周有光), nhà ngôn ngữ học số một Trung Quốc (TQ), người được gọi là “Cha đẻ của Phương án dùng chữ Latin phiên âm Hán ngữ” vừa qua đời ngày 14/01/2017, thọ 111 tuổi.
Năm 2011, vào dịp bước sang tuổi 105, cụ Châu Hữu Quang có ba niềm vui: Tập tạp văn “Triều văn đạo tập” của cụ được Tháng đọc sách Thâm Quyến bình chọn là một trong 10 sách hay năm 2010, bản thân cụ được Hội Xúc tiến Văn hóa Trung Hoa chọn là “Nhân vật văn hóa Trung Hoa năm 2010”, Tuần san Nhân vật phương Nam chọn cụ là “Nhân vật hấp dẫn năm 2010”.
Sinh ngày 1301/1906, cụ Châu Hữu Quang chứng kiến lịch sử một thế kỷ của TQ. Sau nhiều năm làm công tác kinh tế và tài chính tiền tệ, từ năm 1955 cụ chuyên nghiên cứu về ngôn ngữ học, từng chủ trì công tác lập Phương án phiên âm Hán ngữ, được người TQ gọi là cha đẻ của Phương án này.
Năm 85 tuổi cụ nghỉ hưu, từ đó cụ đọc nhiều và viết nhiều. Các bài viết của cụ đều nói những chuyện đời thường, có lý lẽ, tư duy mạch lạc sáng sủa, không chạm trổ tô hồng, được bạn đọc rất ưa thích. Châu Hữu Quang trở thành nhà trí thức của công chúng, được cả xã hội TQ tôn trọng. Nhà tư tưởng nổi tiếng Lý Trạch Hậu (Li Zhe-hou) từng nói, cụ Châu Hữu Quang là một kỳ tích trong lịch sử văn hóa thế giới, bởi lẽ có không ít danh nhân văn hóa thọ trăm tuổi nhưng chưa mấy ai được như Châu Hữu Quang, 105 tuổi mà vẫn suy nghĩ, viết lách.
Sau khi được tặng danh hiệu Nhân vật Văn hóa Trung Hoa năm 2010, cụ Châu nói cụ sẽ tiếp tục suy nghĩ, viết lách, tiếp tục ra sách. Cụ pha trò: “Năm nay tôi 105 tuổi. Có lẽ tôi sẽ sống được đến 106 tuổi. Tôi có thể tiếp tục làm việc.”
Dưới đây là bài phỏng vấn cụ Châu Hữu Quang, do nhà báo TQ nổi tiếng Mã Quốc Xuyên thực hiện vào tháng 1/2011, nhân dịp cụ Quang tròn 105 tuổi.
“Muốn tiến lên, trước hết phải thoát ra khỏi vùng sai lầm”
Hỏi: Cụ sinh năm 1906, từng trải qua Phong trào Ngũ Tứ. Phong trào này có ảnh hưởng rất lớn tới giới trí thức, và đã có ảnh hưởng gì tới cụ?
Đáp: Không phải là Phong trào Ngũ Tứ ảnh hưởng tới giới trí thức mà giới trí thức đã ảnh hưởng tới Phong trào này. Giới trí thức có đóng góp lớn nhất vào Phong trào Ngũ Tứ. Phong trào đó không bỗng dưng xuất hiện mà hình thành từng bước. Bắt đầu từ cuộc Chiến tranh Thuốc phiện trở đi, hết cuộc xâm lược này đến cuộc xâm lược khác nhằm vào TQ, gây ra sự phẫn nộ của nhân dân, thức tỉnh ý thức cứu nước. Về kinh tế, có phong trào Dương Vụ, gây mầm mống cho nền công nghiệp trong thời gian Thế chiến I. Về chính trị, có cuộc Duy Tân 100 ngày của Khang Hữu Vi, cuộc Cách mạng Tân Hợi của Tôn Trung Sơn, lật đổ đế chế, thành lập Dân Quốc. Về văn hóa có phong trào đề xướng Quốc ngữ, Thiết Âm Tự,[1] “Nói thế nào viết thế ấy”. Ngày 4 tháng 5 năm 1919, được kích thích bởi sự kiện Nhật xâm lược TQ, trào lưu tư tưởng mới dâng tràn trở thành phong trào cứu nước có tính toàn quốc. Phong trào Ngũ Tứ đã có ảnh hưởng tới giới trí thức về sau.
Thời Ngũ Tứ, tôi sắp tốt nghiệp tiểu học, theo thầy giáo đến quán trà diễn thuyết. Vì tôi thấp bé, khách không nhìn thấy. Một ông khách bèn bế tôi lên đứng trên bàn để diễn thuyết. Lúc ấy không khí quán trà sôi động hẳn lên.
Hỏi: Trước và sau Phong trào Ngũ Tứ, trào lưu tư tưởng cấp tiến truyền vào TQ, nhất là những năm 30-40, nhiều nhà trí thức ngả về phía tả. Cụ cho rằng đâu là nguyên nhân của sự chuyển hướng đó, có những bài học lịch sử nào đáng được tổng kết?
Đáp:  Mọi người đều phản đối sự chuyên chế của Đảng Quốc Dân. Đảng Cộng sản TQ (ĐCSTQ) thì truyên truyền đòi dân chủ. Thế là giới trí thức chuyển hướng về phía tả. Trong thời kỳ kháng chiến chống Nhật, Đảng Quốc Dân thành lập Hội nghị Hiệp thương chính trị (Chính Hiệp, tồn tại cho tới nay). Chu Ân Lai đại diện ĐCSTQ tham gia Chính Hiệp, ông thường xuyên làm việc ở Trùng Khánh. Tháng nào ông cũng tổ chức tọa đàm, mời một hai chục người dự, bàn chuyện quốc gia đại sự. Hứa Địch Tân (nhà kinh tế) thư ký của Chu Ân Lai là bạn tôi. Lần tọa đàm nào tôi cũng đến dự. Chu Ân Lai thường nói ĐCS chúng tôi chủ trương dân chủ. Mọi người đều biết “Cuộc đối thoại nhà hang”[2] của Mao Trạch Đông nói rõ ĐCS phải đi con đường dân chủ. Hồi ấy mọi người tưởng thật.
Hỏi:  Sau ngày lập quốc, Mao Trạch Đông đề xuất phải cải tạo các nhà trí thức cũ.
Đáp:  Hồi ấy Mao Trạch Đông “ngả về phía” [nguyên văn Nhất biên đảo] Liên Xô, nơi giới trí thức bị phủ nhận, TQ cũng phủ nhận giới trí thức. Danh nghĩa là cải tạo, thực tế là tiêu diệt.
Liên Xô đuổi các nhà trí thức cũ lên ở vùng đất phía bắc Vòng Bắc Cực [arctic circle]. Đến khi Khrushchev lên cứu họ thì quá nửa đã chết. Thời kỳ Cách mạng Văn hóa, Chính phủ TQ đưa các nhân viên cơ quan trực thuộc Chính phủ đến Trường Cán bộ mồng 7 tháng 5[3] ở bãi hoang Bình La Tây thuộc tỉnh Ninh Hạ và quy định mọi người phải thề mãi mãi không về nhà. Sau khi Lâm Bưu chết [13/9/1971], mọi người mới về nhà.
Hỏi: Vì sao sau năm 1949 giới trí thức gặp nhiều nỗi gian truân như vậy? Là một nhà trí thức đi ra từ thời đại đó, cụ đánh giá ra sao về đoạn lịch sử ấy?
Đáp:  Gần đây các học giả trong ĐCSTQ nói nỗi gian truân của giới trí thức TQ là do nước Nga đưa đến. Các học giả lịch sử cho rằng Liên Xô là vùng sai lầm lịch sử của nước Nga; “Nhất biên đảo” [về phía Liên Xô] là sai lầm lịch sử của TQ. Muốn tiến bộ thì trước tiên phải rút ra khỏi vùng sai lầm.
Hỏi: Gần đây có sự đánh giá tương đối cao về những năm 1980, có người nói đây là “Cuộc khai sáng lần thứ hai” sau Phong trào Ngũ Tứ. Cụ đánh giá như thế nào về “Thập niên 80”?
Đáp: Cải cách mở cửa thì tốt hơn thời đại Mao Trạch Đông. Nhưng kinh tế đã được cải cách mà chính trị thì chưa cải cách. Các học giả nước ngoài nghiên cứu vấn đề này nói: Cơ cấu xã hội TQ đã đạt được tới tình trạng thời Duy tân Minh Trị, nửa phong kiến, nửa tư bản. TQ muốn đuổi kịp Nhật còn phải đi một chặng đường rất dài nữa.
“Dám nổi giận nhưng không dám nói”
Hỏi: Khái niệm “Người trí thức” đến từ phương Tây, từ này không có trong lịch sử TQ. Năm 1921, ĐCS thành lập, trong Điều lệ Đảng mới chính thức dùng hai từ “Người trí thức” và “Tầng lớp trí thức”. Năm 1933, Chính phủ dân chủ công nông trung ương ở khu căn cứ địa cách mạng của ĐCS đã quy định rõ ràng người trí thức là một tầng lớp xã hội, thuộc vào “Người lao động trí óc”.
Đáp: Tại các nước tư bản tôi đã đi qua, tôi chưa nghe thấy người ta bàn về vấn đề người trí thức hoặc người lao động trí óc thuộc tầng lớp nào. Họ cố gắng làm cho mọi người đều được hưởng giáo dục đại học. Giai cấp trung lưu ở Mỹ chiếm 80% số dân toàn quốc, đều là người trí thức. Họ có vấn đề giáo dục chứ không có vấn đề người trí thức.
Hỏi: Liên Xô tuy đã tan rã nhưng cho tới nay vẫn ảnh hưởng tới TQ, kể cả cái gọi là “vấn đề người trí thức” do Liên Xô tạo ra.
Đáp: Mao Trạch Đông có một thời từng muốn kế thừa Stalin làm người dẫn đầu Quốc tế Cộng sản. Về sau các nước XHCN chỉ trích lẫn nhau, tôi không thừa nhận anh, anh không thừa nhận tôi. Các sử gia ấn định một tiêu chuẩn hòa cả làng: Ai tự xưng là XHCN thì thừa nhận họ là XHCN. Thời Liên Xô có 40 nước tự xưng là XHCN. Hiện nay [năm 2011] chỉ còn lại 6 nước: TQ, Triều Tiên, Việt Nam, Lào, Cuba, Libya.
Hỏi: Giới trí thức TQ những năm gần đây có hình ảnh tổng thể không tốt đẹp. Thậm chí có người phê bình các nhà trí thức hiện nay, nhất là trí thức ở các trường đại học và cơ quan nghiên cứu, đã bị quyền lực và lợi ích “mua chuộc rồi”. Cụ có đồng ý với nhận xét ấy không?
Đáp: Theo tôi họ chưa bị mua chuộc. Ít nhất là phần lớn họ chưa bị mua chuộc. Họ không dám nói thật lòng, không phải là họ thích nói dối, mà là họ “dám nổi giận mà không dám nói”. Nếu có một ngày người nói không có tội thì họ sẽ thổ lộ những lời nói thật lòng.
Hỏi: Trong những lời phê bình, người trí thức trong các cơ quan giáo dục bị phê bình nhiều hơn cả. Theo cụ, ngành giáo dục TQ có những vấn đề tồn tại nào?
Đáp:  Cải cách mở cửa đã đưa khoa học tự nhiên vào TQ nhưng chưa đưa khoa học xã hội vào, trừ kinh tế học là một ngoại lệ. Nếu mở cửa tiếp, đưa khoa học xã hội vào, kể cả giáo dục học, thì tình hình sẽ thay đổi.
“Tri thức ko có biên giới, người trí thức cũng không có biên giới”
Hỏi: Nhà trí thức ngày nay có gì khác với “sĩ » thời cổ?
Đáp:  Thời cổ chỉ có nhà trí thức truyền thống của TQ, lối ra của “sĩ” chủ yếu là làm quan, “Học giỏi thì làm quan (Học nhi ưu tắc sĩ)”. Người trí thức ngày nay vừa phải có tri thức truyền thống của nước mình lại vừa phải có tri thức quốc tế hiện đại, diện hiểu biết mở rộng nhiều, việc làm cũng đa dạng. Thời cổ có rất ít người trí thức. Hiện nay có hàng triệu sinh viên đại học, tình hình hoàn toàn khác trước.
Hỏi: Người trí thức nên giữ mối quan hệ như thế nào với chính trị?
Đáp: Trong thời đại toàn cầu hóa, chính trị học đã trở thành một khoa học, công tác chính trị đã trở thành công tác quản lý khoa học, tách khỏi tôn giáo và giáo điều. Chúng ta còn biết quá ít về sự thay đổi mới này. Nghiên cứu mối quan hệ giữa người trí thức với chính trị, trước tiên phải hiểu rõ tình hình mới của thời đại toàn cầu hóa.
Hỏi: Người trí thức TQ khác người trí thức nước ngoài ở những điểm nào?
Đáp:  Nếu được hưởng nền giáo dục như người trí thức các nước tiên tiến đã hưởng thì người trí thức TQ sẽ không có những khác biệt cơ bản nào với người trí thức nước ngoài. Tri thức không có biên giới, người trí thức cũng không có biên giới. Người trí thức có quốc tịch nhưng không có biên giới quốc gia. Người trí thức nên có tính quốc tế. Tôi có viết một bài báo với tiêu đề “Tính nhất nguyên của khoa học”. Sau giải phóng, quan điểm “Khoa học có tính giai cấp” từ Liên Xô truyền vào TQ; về sau quan điểm đó đã biến mất cùng với sự biến mất của Liên Xô.
Hỏi: Nói cụ thể về TQ ngày nay, người trí thức nên quan tâm những vấn đề gì? Nên có tinh thần như thế nào?
Đáp:  Trong thời đại toàn cầu hóa, nên tiến lên theo khoa học và dân chủ của thời đại toàn cầu hóa. Phải có thể suy nghĩ độc lập, phải hiểu lịch sử và sự tiến triển của toàn cầu hóa.
Người trí thức phải có nhân cách độc lập. Tri thức là động lực tiến hóa của loài người. Người trí thức vừa phải phục vụ giai cấp tư sản lại vừa phải phục vụ giai cấp vô sản, vừa không phải là nô lệ của giai cấp tư sản lại cũng chớ làm bạo chúa của giai cấp vô sản. Độc lập hành động, tự do tự tại, tự hiểu biết, tạo dựng nhân cách độc lập của mình.
Hỏi: Theo cụ thì hiện nay số người trí thức TQ kiên trì khoa học, dân chủ có nhiều không?
Đáp:  Theo tôi là rất nhiều. Ai cũng biết thế nào là đúng sai. Chỉ có điều họ ngậm miệng không nói, vì để khôn ngoan giữ mình.
Hỏi: Hiện nay một số người trí thức cho rằng có tồn tại “Mô hình Trung Quốc”. Cụ thấy thế nào?
Đáp:  Có nghe thấy hai quan điểm. Một quan điểm nói TQ thực hành kinh tế thị trường thành công, Việt Nam bắt chước TQ cũng thành công. Mô hình TQ là “Từ kinh tế kế hoạch đến kinh tế thị trường”. Một quan điểm khác nói: Mỹ suy thoái rồi, TQ sẽ thay Mỹ trở thành mô hình toàn cầu. Một mô hình chẳng có ai bắt chước thì mô hình ấy không tồn tại.
Hỏi: Có người nói không được tùy tiện làm dân chủ, đã dân chủ là rối loạn. Nước Mỹ mỗi lần bầu cử đều rối bời bời. Cụ thấy thế nào?
Đáp:   Liên Xô tan rã, mọi người bình tĩnh, im hơi lặng tiếng, không chút rối loạn. Ông muốn cái không rối loạn của Liên Xô hay là cái đại loạn của Mỹ?
Hỏi: Khác với một số nước trên thế giới vẫn nhấn mạnh sự khác nhau giữa các quốc gia dân tộc, châu Âu bắt đầu phá vỡ giới hạn giữa các quốc gia dân tộc, Liên minh châu Âu nhất thể hóa. Đây là thành công hay thất bại?
Đáp:  Châu Âu hai lần đại chiến, xã hội vô cùng rối ren, lòng dân hướng về thái bình yên ổn. Liên minh châu Âu [EU] nhất thể hóa giành được thành công vĩ đại. EU là sự phát triển mới của chế độ dân chủ còn đang tiếp tục tiến lên. Các du khách châu Á hỏi dân Pháp, Đức: Các bạn sẽ còn đánh cuộc đại chiến lần thứ ba hay không? Trả lời: Không. Hỏi: Tại sao không? Đáp: Trước đây hai nước đánh xe chạy trên cùng một con đường, anh đi bên trái, tôi đi bên phải, xe đâm nhau !  Bây giờ mọi người cùng đi phía bên phải, xe không đâm nhau nữa.
Hỏi: Xem ra cụ tuổi cao nhưng không bi quan. Mọi việc rồi sẽ dần dần trở nên tốt đẹp chăng? Có người nói sau đây ba chục năm TQ sẽ thực hiện dân chủ. Lẽ nào thật sự còn phải chờ ba chục năm nữa ư?
Đáp:  Ba chục năm không coi là lâu. TQ có lịch sử 5 nghìn năm kia mà!
Hỏi: Cùng với sức mạnh kinh tế của TQ ngày càng tăng lên, một tâm trạng lạc quan đang lan tràn trong nước chúng ta, một bộ phận thanh niên cũng có tình cảm chủ nghĩa dân tộc khá mạnh. Là một người già trăm tuổi từng chứng kiến sự đổi thay của lịch sử, đề nghị cụ nói một câu với tầng lớp thanh niên TQ.
Đáp:  Được thôi. “Trong thời đại toàn cầu hóa, phải từ thế giới nhìn TQ, chớ nên từ TQ nhìn thế giới.”
(Ghi chú của Mã Quốc Xuyên: Cụ Châu Hữu Quang đã đọc và tự tay chỉnh sửa bài này. Cuộc phỏng vấn nói trên được sự giúp đỡ của ông Châu Tiểu Bình con trai cụ Quang và ông Trương Thâm Căn ở Viện Nghiên cứu Khoa học Xã hội TQ).
Nguồn: 周有光:中国模式如此成功 为何无人模仿?[Châu Hữu Quang: Mô hình TQ thành công như thế sao không ai bắt chước?”] 2011年01月03日china.com.cn
Hình:  Cụ Chu Hữu Quang năm 105 tuổi. Nguồn: NPR.
—————–
[1] “Thiết Âm Tự”, nghĩa là Chữ phiên âm, một phong trào nghiên cứu sáng chế các phương án phiên âm Hán ngữ bằng chữ Latin hoặc các loại ký hiệu khác.
[2] Trường Cán bộ mồng 7 tháng 5: tên gọi hệ thống trường thành lập theo Chỉ thị ngày 7/5/1966 của Mao Trạch Đông, là các nông trường tại các tỉnh hẻo lánh, tập trung cán bộ cơ quan Đảng-Chính phủ và các nhà trí thức để lao động cải tạo, học tập tư tưởng Mao Trạch Đông. Ngày 12/2/1979, Chính phủ TQ ra lệnh giải tán các trường đó, cho mọi người về cơ quan cũ.
[3] Nguyên văn Hán-Việt là “Dao Động Đối”, tức cuộc đối thoại giữa Mao Trạch Đông với Hoàng Viêm Bồi (Tham chính viên của Chính phủ Quốc dân Tưởng Giới Thạch) năm 1945 khi Hoàng đến thăm Mao ở Diên An. Trong đó, Mao nói ĐCSTQ chủ trương phát huy dân chủ, chỉ khi nào nhân dân giám sát chính phủ thì chính phủ mới không lơ là công việc.  “Dao động” là nhà hang, tức nhà khoét vào vách đồi, dân miền Tây Bắc TQ thường làm nhà ở kiểu này để chống rét. “Đối” là đối thoại.
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2017/02/28/30-nam-nua-trung-quoc-se-co-dan-chu/#sthash.rXGGIOqo.dpuf