Thứ Ba, 16 tháng 2, 2016

Ai, nhằm mục đích gì đã tung tin đe dọa: đưa Tướng Lê Duy Mật, Tướng Vũ Lập ra tòa án binh ? ( Phần 2)

" Nhưng nếu người Việt không đánh người Việt, mà đoàn kết với nhau để đánh Tàu, thì tốt hơn ?!"


Blog Phạm Viết Đào:

Đoạn “Vị Xuyên, Hà Giang năm 1984” dưới đây rút từ bài Tướng Hoàn Đan của quân đội Cụ Hồ | hochiminhbao.com hochiminhbao.com/tuong-hoan-dan/; một bài viết đọc thấy được viết bởi người trong cuộc; tức từng tham gia các trận đánh tại Vị Xuyên Hà Giang…
Có điều không rõ vì lý do gì mà trang mạng này viết một bài công phu về Tướng Hoàng Đan nhưng lại không đề tên tác giả; đuôi tên miền của trang mạng lại na ná với một tờ báo của Trung Quốc ( Minh báo )…
Chủ yếu bài viết dài tập trung ca ngợi về cuộc đời binh nghiệp của Tướng Hoàng Đan khá công phu…
Blog Phạm Viết Đào không bình luận gì về phần viết về Tướng Hoàng Đan, ông là bạn chiến đấu với Tướng Lê Duy Mật; Theo Tướng Lê Duy Mật thì Tướng Hoàng Đan được Bộ Tổng tham mưu phái xuống giúp Bộ Tư lệnh quân Khu 2 phòng thủ mặt trận Vị Xuyên-Hà Giang mặt trận 1984-1988…
Về Tướng Hoàng Đan blog Phạm Viết Đào có nghe các chiến sĩ Tiểu đoàn 1 trung đoàn 876 nhắc đến trong đầu năm 1985, khi lên đơn vị này, lúc đó đang đóng quân tại dốc Mã Tin, ngoại vi thành phố hà Giang để hỏi về thông tin chú em LS Phạm Hữu Tạo hy sinh trong trận 12/7/1984 ở cao điểm 772…
Tại đơn vị này, hồi đó blog Phạm Viết Đào đã nghe anh em chiến sĩ cho biết trước trận đánh, Tướng Hoàng Đan đã đến đơn vị động viên: Chúng mày mang theo thật nhiều giây thừng bắt trói tù binh Trung Quốc về đây…
Nhớ lại chi tiết này cho thấy: trước trận đánh cả quân và tướng ta đều tỏ ra khinh địch, chủ quan; Điều này phần nào thể hiện trong bài viết Vị Xuyên, Hà Giang…
Về tướng Hoàng Đan, người viết bài này có một nguồn tư liệu riêng cho thấy nguyên do ông được cử lên Hà Giang là do bởi những chiến tích nổi tiếng trong chiến tranh chống Mỹ…
Quân của Tướng Hoàng Đan được ví với “quân của Lưu Bang đã vào thành Hàm Dương của nhà Tần trước cánh quân của Hạng Vũ” trong trận huyết chiến Hán- Sở tranh hùng; trong trận Tổng tấn công mùa xuân 1975 khi đánh vào Sài Gòn, Quân đoàn dưới quyền chỉ huy của Lê Trọng Tấn-Hoàng Đan đã vào Dinh Độc Lập trước cánh quân của Phạm Hùng-Văn Tiến Dũng; mặc dù ý đồ trận đánh bố trí cánh quân của Quân đoàn của Chính ủy Phạm Hùng- Đại Tướng văn Tiến Dũng tiếp quản vào Dinh Độc Lập…
Khi vào tới dinh Độc Lập, Chính ủy Phạm Hùng có ý định bắt ông Dương Văn Minh quỳ dâng cờ của của Chính quyền Sài Gòn cho ông; thế nhưng Tướng Hoàng Đan đã can ngăn không chấp hành.
Sở dĩ Hoàng Đan không chấp hành mệnh lệnh này là do bởi ông vào trước nên ông đã điện được cho Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, ông Duẩn đã dặn Tướng Hoàng Đan: “Không được làm nhục người ta”…
Do nhận trực tiếp ý kiến này của ông Lê Duẩn nên mới cản được việc ông Phạm Hùng bắt Tổng thống Dương Văn Minh quỳ dâng cờ…
Trong chiến trận được thua là chuyện bình thường của người cầm quân; Vấn đề trách nhiệm thuộc về ai trong trận 12/7/1984 theo tác giả bài viết Vị Xuyên-Hà Giang, Tướng Lê Trọng Tấn đứng ra nhận với Thủ tướng Phạm Văn Đồng là có phần khách quan, đúng với thực tế lịch sử...
Do vậy việc tác giả cho rằng:”Cả ông Lê Duy Mật, lẫn ông Vũ Lập đáng phải đưa ra Tòa án binh để xét xử, sau trận ngày 12 tháng 7 năm 1984…” là một ý kiến hồ đồ, thiếu cẩn trọng; ý kiến này xúc phạm tới vong linh của Tướng Vũ Lập, ông là một trong 34 chiến sĩ của Trung đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do Tướng Giáp chỉ huy; Xúc phạm Tướng Lê Duy Mật, người đã đảm nhận chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn Trung Dũng nổi tiếng năm 1953, một trung đoàn nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp.
Tướng Lê Duy Mật được mệnh danh là vị tướng trải ngàn trận nam chinh bắc chiến; chinh đông chinh tây: ông tham gia chiến đấu cả sang Lào và Cămpuchia và đi tàu không số vào Miền Nam
Blog Phạm Viết Đào là người đầu tiên đưa lên mạng trận 12/7/1984 phía Việt Nam chịu tổn thất 3700 bộ đội; thông tìn này dựa vào số liệu của một bài viết trên mạng Quốc phòng Trung Quốc của Trung Quốc viết bằng tiếng Anh; Bài viết này được một blogger là Hà Minh Thành từ Nhật Bản dịch và gửi cho Phạm Viết Đào…
Ngay khi thông tin 3700 bộ đội ta hy sinh trận 12/7/1984 blog Phạm Viết Đào cũng đã mở đầu: rất có thể đây là con số do phía Trung Quốc phóng đại…Còn chi tiết một Trung đoàn trưởng pháp binh Trung Quốc nói: Việt Nam bị tổn thất là do một sĩ quan quân báo cao cấp của Việt Nam đã bán thông tin bí mật kế hoạch mang Mật danh MB 84 cho Trung Quốc là có cơ sở ? Thông tin này không do Tướng Lê Duy Mật đưa ra !
Vì nếu không bị lộ thì làm sao mà blogger Hà Minh Thành từ Nhật lấy được, ghi rõ nguồn Trung Quốc để cung cấp cho blog Phạm Viết Đào, một người ngoại đạo để đưa lên mạng ? Đây là tài liệu tác chiến của một chiến dịch chứ có phải là chuyện bói toán đâu ?
Về chiến dịch mang Mật danh MB 84, chính blog Phạm Viết Đào đã mấy lần hỏi kỹ Tướng Lê Duy Mật, lúc đầu ông nhận do Bộ tư lệnh Quân khu 2 vạch ra nhưng hôm sau ông đã cải chính: Chiến dịch MB 84 là do Bộ Tổng tham mưu lập ra và Tướng Lê Ngọc Hiền mang xuống trực tiếp truyền đạt…
Do vậy, mới dẫn tới việc Tướng Lê Trọng Tấn đứng ra nhận trách nhiệm với Thủ tướng Phạm Văn Đồng…
Tóm lại, đưa lại thông tin này để cho thấy rất có thể ý kiến trong bài viết không đứng tên trên mạng Hochiminhbao.com là một thao tác “ rung cây dọa khỉ” vì: Tướng Lê Duy Mật là người tham gia ký Bản kiến nghị 5 điểm và “Nhóm kiến nghị 61 ” gồm  nhiều lão thành và tướng lĩnh quân đội tham gia…Mặc dù tác giả kết bằng câu xanh rờn:"" Nhưng nếu người Việt không đánh người Việt, mà đoàn kết với nhau để đánh Tàu, thì tốt hơn ?!"


          Ảnh P.V.Đ chụp trước khi Tướng Lê Duy Mật qua đời 1 tháng: mất ngày20/10/2015

Xin giới thiệu với quý vị đoạn trích viết về Mặt trận Vị Xuyên-Hà Giang đoạn viết về Tướng Lê Duy Mật và Tướng Vũ Lập…để hiểu thêm nội tình phía ta trong cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược !
Tướng Lê Duy Mật và Phạm Viết Đào
( Ảnh chụp trước khi Tướng Lê Duy Mật mất 1 tháng ) 

Vị Xuyên, Hà Giang năm 1984

Thế nhưng năm 1984, chiến tranh với Tàu lại bùng lên ở biên giới huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Năm 1979, Tàu đánh ta, trình độ chiến đấu và vũ khí của họ khi đó rất kém, nên bị thua đau. Sau đó, họ lập tức rút kinh nghiệm, tổ chức lại quân đội, huấn luyện lại, trang bị lại, phát triển mới tất cả các loại vũ khí, súng bộ binh, đại bác, tên lửa,,,.Họ tự sản xuất được tất cả các loại vũ khí, tên lửa, đạn các loại, khí tài, quân trang, quân dụng, xe pháo,,,.Và nhất là, họ cũng rất tích cực học cách đánh từ người Việt Nam ta.
Trong khi đó, quân đội ta hầu như không tự sản xuất được bất kỳ loại vũ khí nào, chỉ cải tiến, cải biến một số loại vũ khí từ thời Mỹ và Liên Xô để lại. Đạn các loại cũng đều từ thời chiến tranh với Mỹ còn lại, nên bắn phải dè sẻn.
Về tổ chức chiến đấu, ta hầu như không có cải thiện đáng kể nào, binh sĩ chủ yếu là lính mới nhập ngũ, huấn luyện 3 tháng là đưa lên chốt, nên kinh nghiệm chiến đấu không có. Lính chống Mỹ có nhiều kinh nghiệm thì đã lớn tuổi, phần lớn đã ra quân, hoặc một số ít còn lại được tham gia bộ đội làm bộ khung. Lãnh đạo cấp Sư đoàn, Quân  đoàn,,, thì vẫn mắc bệnh chủ quan, khinh địch, cho là Tàu khựa không biết đánh nhau.
Cho nên khi xảy ra các trận đánh đẫm máu năm 1984 ở Vị Xuyên, ta mới ngã ngửa người ra là quân đội Tàu bây giờ, sau 4 năm, rất khác với quân đội Tàu ngờ nghệch hồi năm 1979.
Chỉ rất may là tinh thần chiến đấu của chiến sĩ ta rất dũng cảm, mưu trí, và học cách đánh nhau rất nhanh.
Đầu năm 1984, TQ tấn công ở Vị Xuyên, chiếm một số điểm cao ở vùng Vị Xuyên, như điểm cao 1059, 772, 685, 1250,,,.
Tháng 7 năm 1984, ta tổ chức đánh lấy lại các điểm cao này. Một số thông tin trên mạng gần đây nói thiếu tướng Lê Duy Mật, Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 là người lập kế hoạch đánh trận này, mang mật danh M76. Nhưng cũng có tài liệu khác nói trận này mang mật danh MB84. Nhưng kiểm tra trang Web của Quân khu  2, chỉ thấy tên Vũ Lập, Tư lệnh, mà không hề thấy tên Lê Duy Mật Phó Tư lệnh kiêm Tham Mưu trưởng Quân khu. Trong danh sách các vị thiếu tướng của quân đội ta, cũng không thấy có ai tên là Lê Duy Mật.
Theo ông Lê Duy Mật này, ông là người lập kế hoạch trận đánh ngày 12 tháng 7 năm 1984, có sự chứng kiến của Phó Tổng Tham Mưu trưởng Lê Ngọc Hiền. Và theo ông Mật, thì sở dĩ ta bị thua là vì có tình báo TQ gài trong Tổng Cục 2 của ta, nên TQ nắm được hết mọi thông tin của trận MB84-M76 này. Nhưng nếu đọc lại hồi ký-ý kiến của một số cựu chiến binh có tham gia trận đánh này, thì thấy không cần tình báo tình biếc gì cả, đánh ngây ngô như vậy, chắc chắn ta sẽ thua, chắc chắn nướng quân, vì tổ chức trận đánh quá kém. Và như vậy, người chịu trách nhiệm chính, chính là ông Lê Duy Mật này, nếu ông này có thật.
Sau trận đánh này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã rất tức giận, quát lớn hỏi “Trách nhiệm này là của ai?”.Khi đó, đại tướng Tổng tham Mưu trưởng Lê Trọng Tấn đứng lên nói:-“Thưa anh, tôi là Tổng Tham mưu trưởng, tôi xin nhận trách nhiệm”.
Thế nhưng ông Lê Duy Mật này chẳng bị cách chức gì cả, vẫn thấy làm Phó Tư lệnh Quân khu 2, cho đến năm 1988 thì về hưu. Và ông Mật mỡ này cho rằng ông bị tướng Lê Đức Anh đì, trong khi ông Mật đáng phải ra Tòa án binh vì vụ thất bại ngày 12 tháng 7 này.
Theo một tài liệu khác được cho là của trung tướng Nguyễn Văn Được, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, vào năm 1985, khi ông Được làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 356, thì cấp trên trực tiếp là ông thiếu tướng Lê Duy Mật. Theo hồi ký này của tướng Được, thì ông Lê Duy Mật ra lệnh cho ông Đuợc tấn công lấy lại các điểm cao đã mất, và không cần đi trinh sát thực địa trước gì cả, “Không có trinh sát thị sát gì cả. Cứ lên mà đánh.”
Trung tướng Vũ Lập, Tư lệnh Quân khu 2, khi biết Sư trưởng Được đang đi trinh sát địa hình, thì cũng quát nhặng lên rằng:–“Thằng Được đâu? Ai cho nó đi trinh sát? Điện lên bảo nó về ngay, nói với nó đó là lệnh của tao”. Tướng Được viết trong hồi ký như thế. (Nếu đây là hồi ký có thật).
Đọc đoạn trên, thấy có vẻ đây là một đám lục lâm thảo khấu đang nói chuyện với nhau, chứ không phải là quân đội Cụ Hồ, có kỷ luật, có trật tự, có vừa tình đồng chí, vừa tình anh em, vừa nghiêm túc, vừa chính qui, hiện đại. Hơn nữa, đi điều tra thực địa là một kiến thức sơ đẳng của bất kỳ người chỉ huy nào, vì sao Quân khu 2 này lại không muốn cho người đi kiểm tra thực địa trước khi đánh. Nhất là hồi tháng 7 năm 1984 ta đã thua đau tại Vị Xuyên rồi.
Bài học quá nhỡn tiền, mà không rút kinh nghiệm à? Đây có phải là một quân đội bách chiến bách thắng, đã thắng người Pháp, người Mỹ, đã thắng Polpot không?
Một đạo quân đã hơn 30 năm chinh chiến liên tục, có rất nhiều kinh nghiệm chiến đấu, được thế giới đánh giá là đội quân thiện chiến nhất thế giới hiện đại, mà lại có cách chỉ huy ngu xuẩn, nướng quân như thế à?
Hãy nhớ lại trận Buôn Mê Thuột tháng 3 năm 1975, Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316 Nguyễn Hải Bằng đã phải cùng lính trinh sát, bơi qua sông có nhiều cá sấu, để vào tận vành đai thị xã Buôn Mê Thuột điều tra thực địa, từ đó mới có thể vạch ra được kế hoạch chiến đấu. Thế mà bây giờ, đánh giặc Tàu, mà cả ông thiếu tướng Lê Duy Mật, lẫn ông thượng tướng Vũ Lập đều không muốn cho cấp chỉ huy đi điều tra thực địa, “Không có trinh sát thị sát gì cả. Cứ lên mà đánh.”
Ngu xuẩn đến thế là cùng. Nướng quân đến thế là cùng.
Cả ông Lê Duy Mật, lẫn ông Vũ Lập đáng phải đưa ra Tòa án binh để xét xử, sau trận ngày 12 tháng 7 năm 1984 đó.
Cựu chiến binh Đặng Việt Châu, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356, quê Nghệ An, đã nói rằng trận đánh ngày 12 tháng 7 đó, chỉ riêng Trung đoàn 876 của ông, có nhiệm vụ đánh chiếm lại điểm cao 772, đã hi sinh hơn 600 chiến sĩ. Hôm đó, có 3 Trung đoàn tấn công chiếm 3 điểm cao 1059, 772, và 685. Nhà nước Việt Nam ta chưa bao giờ công bố con số hi sinh của trận đánh 12 tháng 7 đó. Nhưng nếu 1 Trung đoàn hi sinh hơn 600 người, thì làm con tính đơn giản, 3 Trung đoàn sẽ hi sinh khoảng gần 2000 người. Phía Trung Quốc nói là ta để lại chiến trường 3700 xác binh sĩ. Đó là bốc phét, vì phía Tàu sau trận đó, không dám ra khỏi trận địa, vì vẫn kinh hoàng trước sự dũng cảm của quân ta. Thế thì làm sao mà Tàu biết được ta chết bao nhiêu người.
Sau đó, quân ta vào ban đêm, quay lại trận địa để đưa xác anh em về, hoặc tìm người bị thương, thấy vũ khí của quân ta đã hi sinh vẫn còn nguyên, tức là quân Tàu không dám bò ra lấy vũ khí của ta.
Mặc dù chắc chắn không đến 3700 chiến sĩ bị hi sinh như Tàu nói, nhưng có lẽ cũng xấp xỉ 2000 chiến sĩ.
Một trận thua quá đau đớn, mà vẫn không lấy lại được các điểm cao đã mất.
Ông Đặng Việt Châu nhớ lại rằng sau trận 12 tháng 7 năm 1984 đó, Quân khu 2 họp tổng kết rút kinh nghiệm trận 12 tháng 7. Thượng tướng Vũ Lập, Tư lệnh Quân khu hỏi “Theo đồng chí, trận này ta thắng hay thua?”.
Ông Châu thẳng thắn trả lời “thua”. Khi đó, mọi người nhìn ông Châu “như người ngoài hành tinh khác”.
Chết tới xấp xỉ 2000 chiến sĩ chỉ trong 1 ngày, các điểm cao không lấy lại được, thế mà ông tướng Vũ Lập này không biết là thua hay thắng, mà còn hỏi “ta thua hay thắng”, thì quả là mắt mù, và không hề biết thương binh sĩ.
Trở lại chuyện tướng Hoàng Đan, sau trận ta thua ngày 12 tháng 7 năm 1984, ông lại được điều gấp lên Vị Xuyên, làm Tư lệnh tiền phương của Quân khu 2.
Cựu chiến binh Đặng Việt Châu nói trên đã nhớ lại nhiều kỷ niệm thú vị về tướng Hoàng Đan trong giai đoạn 1985 tại Vị Xuyên. Chẳng hạn tướng Đan khi đi thị sát trận địa, ông không bao giờ đi lom khom tránh đạn như người khác, mà cứ đi thẳng người hiên ngang, vì như ông nói “sống chết có số”.
Một lần, tướng Đan xuống thăm Trung đoàn 876, một người lính binh nhất 2 sao đứng gác cửa Trung đoàn Bộ ở làng Mè, Hà Giang, nhìn thấy một ông già đeo lon 1 sao, nghĩ là binh nhì, hô to: “Đồng chí binh nhì, đứng lại”. Tướng Hoàng Đan ngỡ ngàng, đứng lại, thưa gửi lịch sự: “-Dạ thưa, báo cáo đồng chí binh nhất, tôi chiến sĩ, xin vào thăm Trung đoàn trưởng Hương”. Người binh nhất nói to: “Này, bố già binh nhất, đây không phải là chỗ của bố rồi. Đánh nhau có tụi con, bố về hậu phương nghỉ ngơi đi”. Khi đó Trung đoàn trưởng Hương vừa đi tới, hoảng quá, xin lỗi tướng Hoàng Đan rối rít, và mời vào trong. Tướng Đan vừa khen, vừa chê: “Bay dạy lính giỏi lắm. Nhưng mà phải dạy điều lệnh cho lính. Ai đời mình là thiếu tướng, mà hắn gọi mình là binh nhì”.
Nhưng mà cái lon thiếu tướng của tướng Đan đã cũ, màu bạc phếch, chỉ kim tuyến vàng đã bục mất hết cả, chỉ còn lại 1 sao ở giữa lon, trông như lon binh nhì. Từ hôm đó, khi đi thăm các đơn vị, không thấy tướng Đan đeo lon nữa. Có lẽ, ông ngại bị gọi binh nhì.
Trong thời gian ở Hà Giang, tướng Hoàng Đan luôn gần gũi, thân tình, chan hòa với binh sĩ, chia nhau với binh sĩ từng điếu thuốc lá, rất được anh em chiến sĩ quí mến.
Trong thời gian này, tướng Hoàng Đan chỉ đạo quân ta đánh dũi, đánh lấn, đào hào, đào công sự kiên cố. Từ đó, làm giảm thương vong rất nhiều cho chiến sĩ.
Từ năm 1986, mức độ chiến tranh giảm dần, nên tướng Hoàng Đan lại được gọi về Học viện Quốc phòng. Đến năm 1995, khi 67 tuổi,  ông nghỉ hưu.

Lịch sử sẽ ghi nhận thiếu tướng Hoàng Đan là một vị tướng tài, đức độ của quân đội nhân dân Việt Nam. Nhưng nếu người Việt không đánh người Việt, mà đoàn kết với nhau để đánh Tàu, thì tốt hơn.///

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

toi thay cau chuyen:Tuong qua cong ve binh khong biet nen giu lai...o don vi nao cung co,hinh nhu moi nguoi muon gan voi ong tuong nao cung duoc cho lam ly.Thuc ra tuong xuong don vi it khi di mot minh,va thuong co bao truoc.

Nặc danh nói...

toi thay cau chuyen:Tuong qua cong ve binh khong biet nen giu lai...o don vi nao cung co,hinh nhu moi nguoi muon gan voi ong tuong nao cung duoc cho lam ly.Thuc ra tuong xuong don vi it khi di mot minh,va thuong co bao truoc.