Đại tá- TS. Nguyễn Văn Vấn
Bạn học phổ thông Cấp 3 Thanh Chương 1, đến thăm P.V.Đ tại nhà riêng ngày 14/9/2014 sau khi P.V.Đ mãn hạn lớp " tu nghiệp" 15 tháng...
Đại tá-TS Nguyễn Văn Vấn ngồi ngoài cùng bên trái,; kế đến là Đại tá Trần Văn Hợi; Kỹ sư Nguyễn Ngọc Linh, Đại tá Hồ Sĩ Thống, Bs Nguyễn Thị Dung và Ks Nga...
Cuối năm 1987, đầu năm 1988, tình hình biển Đông đột
nhiên nóng lên do bởi sự gây hấn, xâm lấn lãnh hải, trên biển Đông của hải quân
Trung Quốc; lẻ tẻ đây đó đã có những cú va chạm tàu thuyền, những cuộc đọ súng
giữa hải quân ta và hải quân Trung Quốc…
Thời điểm đó, tôi đang thuộc quân số của Cục Bản
đồ-Bộ Tổng Tham mưu; ăn tết xong năm 1988, còn nhớ vào mồng 2 tết, tôi nhận
lệnh bay vào TP Hồ Chí Minh để tham gia đoàn công tác xác định toạ độ của một
số đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Như chúng ta đã biết, tại thời điểm này chúng ta đã
xây dựng xong mạng lưới khống chế Nhà nước phủ trùm toàn bộ đất liền và các đảo
gần bờ; miền Bắc được xây dựng bằng mạng lưới tam giác đo góc; phía Nam bằng
phương pháp đường chuyền, phương pháp tam giác góc và tam giác đo góc cạnh. Còn
tọa độ ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa chỉ mới xác định độc lập
bằng các phương pháp thiên văn, giao hội,..Nói cách khác tọa độ các điểm khống
chế trắc địa Nhà nước Việt Nam
(HN-72) thời điểm này chưa được liên kết với nhau một cách chặt chẽ, độ chính
xác chưa đồng đều nhất là các điểm xa đất liền. Vì vậy đây là nhiệm vụ quan
trọng tạo cơ sở kỹ thuật - pháp lý để xác định chủ quyền lãnh hải của Việt Nam đối với
quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Sự thay đổi vị trí tương đối giữa nguồn phát sóng
(máy phát) và nguồn thu tín hiệu (người quan sát) sẽ làm thay đổi tần số tín
hiệu nhận được so với tín hiệu có tần số chuẩn đã phát đi. Đó chính là hiệu ứng
Doppler đối với sóng điện từ. Phương pháp quan sát vệ tinh bằng hiệu ứng
Doppler đã được sử dụng khá rộng rãi trên thế giới do thiết bị quan sát đơn
giản, gọn nhẹ, đồng thời vẫn bảo đảm độ chính xác yêu cầu trong công tác đạo
hàng. Độ chính xác đo biến đổi khoảng cách bằng hệ thống Doppler có thể đạt cỡ
0,03 m/s. Một ưu điểm của định vị theo nguyên lý Doppler là không cần yêu cầu
quá cao độ chính xác về thời gian. Hệ thống đạo hàng vệ tinh TRANSIT là hệ
thống hoạt động dựa trên nguyên lý của hiệu ứng Doppler. Độ chính xác định vị
bằng hệ thống này ở chế độ tức thời đạt cỡ
±200 m. Sai số vị trí điểm định vị phụ thuộc vào hướng di chuyển của
điểm quan sát (hướng chạy tầu) và sai số vị trí điểm không như nhau trên mọi
hướng. Với mục đích trắc địa, hệ thống TRANSIT có thể cho phép định vị với độ
chính xác cỡ 0,5m¸1m,
nếu quan sát trong vài ngày và sử dụng lịch vệ tinh chính xác.
Đây là một dự án xác định và liên kết hệ thống tọa độ
của toàn bộ lãnh thổ và lãnh hải nước ta bằng phương pháp trắc địa vệ tinh: ứng
dụng nguyên lý hiệu ứng Doppler với sự hợp tác cùng các chuyên gia và trang
thiết bị của Liên Xô (nay là Liên Bang Nga); về phía Việt Nam do Cục Đo đạc và
Bản đồ Nhà nước chủ trì. Kế hoạch dự kiến trong các năm 1987-1988 ở Việt Nam sẽ
xây dựng mạng lưới Doppler vệ tinh gồm 14 điểm trên đất liền và các điểm trên
các đảo Trường Sa, Thổ Chu, Côn Đảo, Phú Quốc. Đoàn công tác được chia thành 4
tổ máy đo đồng thời tại 4 vị trí khác nhau cho mỗi một lần đo (secsion). Để hoàn thành nhiệm vụ đo
Trường Sa, lần đo (secsion) cuối cùng, 4 tổ được thành lập cắm chốt tại 4 vị
trí: đảo Phú Quốc, TP Hồ Chí Minh, Côn Đảo và 1 tổ trực tiếp ra tận Trường Sa. Tôi
được phân công trong tổ ra đảo Trường Sa để thực thi nhiệm vụ. Đoàn chúng tôi
gồm có: 1/ TS.Trần Bảo Giang công tác tại Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước (sau
nay là Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước); 2/ KS. Lê Sĩ Hiến công tác
tại Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước; 3/ Trung úy, KS. Phiệt công tác tại Bộ Tư
Lệnh Hải Quân; 4/ tôi Thiếu tá, TS. Nguyễn Văn Vấn công tác tại Cục Bản đồ Bộ
Tổng Tham mưu; 5/ và 2 chuyên gia Liên Xô. Cùng đợt công tác này, còn có Trung
tá TS. Đào Chí Cường biên chế ở tổ Côn
Đảo, Trung tá KS. Nguyễn Văn Ái ở tổ đảo Phú Quốc.
Ngày 22/02/1988, khi đến quân cảng Cam Ranh, Khánh
hòa chúng tôi mới biết được, nhìn thấy tận mắt quang cảnh nhộn nhịp, khẩn
trương của quân và dân ta trong sự nghiệp bảo vệ biển đảo.
Hồi đó, trước lúc chúng tôi đến Cam Ranh thì tình
hình trên quần đảo Trường Sa rất căng thẳng do đã có sự nhòm ngó, xâm lấn của
hải quân Trung Quốc nên tất cả các tàu của hải quân ta hầu như đã được sử dụng
để đưa quân, trang thiết bị, vật tư,.. tranh thủ ra để giữ đảo, tránh rơi vào tay
Trung Quốc. Trên cảng Cam Ranh chủ yếu các sà lan lớn nhỏ thuộc nhiều cơ quan,
đơn vị quân sự, dân sự,..ngày đêm khẩn trương nhận hàng để tiếp tế cho các
chiến sĩ chiến đấu chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc và xây dựng, củng cố
hàng loạt các đảo trên Quần đảo Trường Sa.
Đoàn của chúng tôi ít người, là cán bộ, chuyên gia kỹ
thuật của “trung ương”, lại làm việc cùng chuyên gia Nga nên được Bộ tư lệnh
Vùng 4 xếp vào loại ưu tiên, đặc biệt là an toàn người và máy.
Mặc dù chúng tôi rời Hà Nội từ ngày 2 Tết, nhưng phải
đợi hơn mấy ngày ở quân cảng Cam Ranh Nha Trang mới có thông báo sẽ có tàu để
đi làm nhiệm vụ; chiếc tàu mà chúng tôi sử dụng là tàu để huấn luyện của Trường
Đại học Hàng Hải chứ không phải là tàu quân sự, tàu chuyên dụng trang bị cho
hải quân thứ thiệt phục vụ cho chiến đấu. Trang bị trên tàu thô sơ vì nó là tàu
cho học sinh thực tập. Phải mất hơn mười ngày sửa sang, chỉnh trang tàu mới đưa
chúng tôi lên đường ra đảo. Tôi còn nhớ, chiếc tàu chở chúng tôi đi được trang
bị các thiết bị cổ lỗ: hệ thống dẫn đường chỉ là mấy tờ hải đồ, la bàn; thông
tin liên lạc là máy thông tin giống của quân đội Liên Xô sử dụng trong chiến
tranh thế giới thứ II; vũ khí chỉ có khẩu 12ly7 là lớn nhất. Phần vì anh em
chúng tôi là dân “Đo đạc” lại toàn lớn tuổi, phần vì trên tàu có nhiều đối
tượng có nhiệm vụ riêng, phần đảm bảo bí mật quân sự nên trong quá trình chuẩn
bị tàu chúng tôi không được tham gia; Do tình hình
trên biển đang trở nên bất an nên trước khi tàu nhổ neo, trên quyết định chuyên
gia Liên Xô ở lại trên bờ, còn chúng tôi tự đi ra Trường Sa.
Chiều tối ngày 01/03/1988
chúng tôi nhổ neo rời cảng Cam Ranh hướng ra Trường Sa; trên tàu lúc này có
khoảng 40 người, hầu hết là các chiến sĩ trẻ; vì ăn mặc giống nhau nên cũng
không biệt được ai là khách, ai là thủy thủ tàu. Tàu chạy được 3 tiếng thì gặp sóng to, hầu
hết mọi người đều say sóng, nằm la liệt trên sàn tàu; Sau khi thời tiết cho
phép tàu lại lên đường hướng ra quần đảo Trường Sa. Do đây không phải là tàu
chuyên dụng, những anh em cán bộ chiến sĩ trên tàu phần lớn là học viên của
Trường đại học Hàng hải Nha Trang chưa có kinh nghiệm đi biển nhiều mà chỉ đưa
tàu đi theo la bàn và kinh nghiệm. Sau một ngày đêm vật lộn trên biển, khoảng
10 giờ sáng ngày 03/03/1988, bằng linh cảm, thuyền trưởng cảm thấy tàu đã bị
lạc hướng, vượt quá toạ độ của đảo Trường Sa (sau này chúng tôi biết được: theo
kế hoạch thì 4 giờ sáng tới đảo Trường Sa Lớn). Lúc này mọi người đã đỡ say
sóng, một số ăn được lương khô; riêng tổ trắc địa thì mọi người đều trở lại gần
bình thường. Chúng tôi quyết định sử dụng máy định vị vệ tinh xác định vị trí
tàu hiện tại. Sau gần một tiếng đồng hồ chúng tôi đã xác định đúng là tàu đã
vượt quá khu vực đảo Trường Sa khoảng 60 km và được sự đồng ý của thuyền
trưởng, chúng tôi tham gia vào việc hướng dẫn tàu quay lại đảo Trường Sa Lớn.
Cuối cùng thì mất khoảng 6 giờ chúng tôi đã quay lại và tìm được đảo Trường Sa
vào lúc 16 giờ chiều ngày 03/03/1988.
Khi tàu tiếp cận đảo cách đảo Trường Sa khoảng 500 m,
chúng tôi phát tín hiệu với cán bộ chiến sĩ trên đảo; nhiều bộ đội ta ra bờ
nhìn chúng tôi nhưng không thấy phát tín hiệu đáp trả và cũng không thấy đưa
thuyền gỗ ra đón chúng tôi, mặc dù chúng tôi thấy họ đưa thuyền gỗ ra sát bờ. Sốt
ruột, chúng tôi quyết định thả thuyền cao su để tôi và 2 thủy thủ bơi vào đảo
trước. Khi thuyền cao su thả xuống, do thuyền nhẹ bị sóng biển xô dập dềnh nên
không một chiến sĩ nào dám xuống thuyền bơi vào. Tôi và TS. Trần Bạch Giang, (là
2 người lớn tuổi nhất trên tàu) quyết định nhảy xuống thuyền cao su để bơi vào;
chúng tôi đã nhẹ nhàng bơi được vào đảo. Khi thuyền cao su vào được đến đảo rồi
chúng tôi mới vỡ ra là mình là những người liễu lĩnh, dùng thuyền cao su bơi vào
là cách bơi của kẻ “ điếc không sợ súng”. Cán bộ chiến sĩ trên đảo cho chúng
tôi biết: khi phát hiện ra tàu của chúng tôi áp sát đảo, anh em chiến sĩ trên
đảo đã chuẩn bị phương ác sẵn sàng chiến đấu nếu là tàu địch. Nhưng quan sát
kỹ, thấy tàu dân sự, không trang bị súng ống gì nên đoán là tàu ta. Sỡ dĩ đảo
không cho thuyền gỗ ra đón vì thời điểm đó là buổi chiều, thường hay xảy ra
hiện tượng nước ròng, hay gọi là nước rút. Biển đang bình thường đột nhiên xuất
hiện dòng nước chảy xiết và nếu gặp dòng nước đó thì mọi thứ sẽ bị nước rút đẩy
đi xa. Do vậy anh em cho thuyền gỗ ra mà không bơi ra vì lẽ đó mà chỉ mang
thuyền ra phòng bất trắc. Ở trên đảo, anh em không mấy khi dám ra tắm vì sợ bị
nước rút cuốn đẩy đi xa. Chỉ huy trên đảo cho biết: chúng tôi may mắn lạc đường
nên đến vào thời điểm đó, nếu không bị lạc, tàu đến vào lúc trời tối thì thế
nào cũng bị ăn đạn vì chúng tôi đến đảo rồi, hôm sau đảo mới nhận được điện từ
trong đất liền báo ra là đoàn chúng ta ra đảo làm nhiệm vụ đo đạc bản đồ. Phải sáng
hôm sau, khi biển lặng, anh em trên đảo mới đưa thuyền gỗ ra đón những chiến sĩ
và cán bộ còn lại trên tàu vào đảo và tàu lại tiếp tục hành trình làm nhiệm vụ
của mình.
Chúng tôi cắm chốt lại trên đảo để thực hiện nhiệm vụ
đo đạc, xác định toạ độ cho đảo Trường Sa Lớn. Tôi còn nhớ thời điểm đó, đảo
toàn là cát và đá, chỉ có một số loài cây xanh mọc lơ thơ, mấy ngôi nhà lợp
tôn. Điều kiện vật chất ăn ở trên đảo rất thiếu thốn; cả đảo chỉ có một giếng
nước ngọt, bộ đội ta sống, sinh hoạt giữ đảo phải tiết kiệm từng gáo nước. Thực
phẩm chủ yếu là lợn và chó. Tôi vẫn ấn tượng về cảnh chim hải âu làm tổ đẻ
trứng trên đảo, đây là điểm đất liền giữa biển khơi bao la nên hàng đàn hải âu
xô về đây đẻ trứng, có thể nói là trứng chồng lên trứng. Ba ngày là chúng tôi
thực hiện xong nhiệm vụ xác định tọa độ điểm và rất muốn về đất liền; trong đất
liền hàng ngày gọi điện ra giục chúng tôi mang số liệu về. Thế nhưng theo những
anh em trên đảo, mỗi khi ra đảo, người được quay về đất liền sớm nhất cũng phải
mất 2 tháng vì thời đó, do tàu thuyền hiếm nên mỗi chuyến tàu ra đi một vòng
rồi mới quay về do đó phải hàng tháng trời lênh đênh trên biển.
Chúng tôi trụ lại trên Trường Sa được 4 ngày thì may
mắn có tàu “Săn ngầm” của Hải quân ta đi qua đi về phía đảo Đá Lát; chúng tôi
đã bám vào tàu này để “transite“ qua đảo Đá Lát, vì từ đây khả năng có tàu khác
quay về đất liền sớm nhất. Đảo Đá Lát là một bãi đá nửa chìm nửa nổi: khi thủy
triều xuống thấp thì nổi lên bãi đá. Hiện đang có 2 tàu vận tải chở cọc bê
tông, gỗ, nước ngọt, quân trang, quân dụng, vũ khí nguyên vật liệu ra để xây
dựng 2 nhà tạm cho 2 tổ (tiểu đội) đóng quân giữ đảo. Việc thả neo tàu để
chuyển tải nguyên vật liệu lên đảo hết sức khó khăn vì địa hình đảo rất phức
tạp và nguy hiểm; đã nhiều lần tàu bị nước cuốn đi, đẩy xa đảo; mất hàng giờ
mới thả được neo tàu.
Khi qua Đá Lát, tôi và anh Giang quyết định bơi
thuyền vào để đo và xác định thêm toạ độ của hòn đảo này. Anh em trên tàu doạ:
nếu chẳng may tàu bị đứt giây neo và bị đẩy ra xa thì tàu bỏ mặc, sẽ không quay
lại đón chúng tôi đâu đấy. Mặc dù biết có thể gặp sự cố rủi ro này nhưng tôi và
anh Giang vẫn tranh thủ đưa thiết bị xuống thuyền vào tiếp cận đảo Đá Lát để
xác định toạ độ cho hòn đảo này. Những ngày ở đây, chúng tôi vừa đo đạc vừa
giúp các chiến sĩ trẻ ổn định cuộc sống trên các “nhà mới” xây dựng. Cũng tại
nơi đây chúng tôi đã tận mắt thấy được sự khắc nghiệt, nguy hiểm của dòng nước
trên biển: lúc hiền hòa nhưng lại có lúc như thú dữ; cũng như tinh thần dũng
cảm, lạc quan, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.
Chia tay các chiến sĩ, lòng tôi xao xuyến, bâng
khâng: các chiến sĩ vừa rời ghế nhà trường, đã đến sống độc lập trên các nhà
chòi dựng tạm bằng mấy cột bê tông, che nắng mưa bằng máy tấm tôn, chưa quen sử
dụng bếp núc; giữa bốn bề biển cả mênh mông, sẽ phải trải qua cuộc sống gian
khổ, thiếu thốn..
Chưa đầy 2 tuần, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ xác
lập số liệu pháp lý-kỹ thuật cho một số đảo quan trọng của quần đảo Trường Sa
để làm cơ sở xác lập chủ quyền lãnh hải quốc gia của mình.
Tàu đưa tổ chúng tôi vào đất liền vào ngày 14/3/1988,
đúng ngày Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma của chúng ta (thông tin này khi lên
bờ rồi chúng tôi mới nhận biết). Có lẽ lâu lắm rồi mới có một đoàn ra công tác
Trường Sa về nhanh như thế; mà lại về đúng lúc Trung Quốc đánh chiếm một số đảo
của Việt Nam nên chúng tôi được một số báo chí quan tâm. Sau mấy ngày trên tờ
báo “Quân đội Nhân dân”, nhà báo Trần Xuân Hinh đã đăng các hoạt động của chúng
tôi trong đợt công tác và bảo tàng Quân đội đã xin lưu trữ cuộn phim chúng tôi
đã chụp ở Trường Sa.
Trong buổi tổng kết đợt công tác, Ông Lê Văn Lợi,
trưởng ban Biên giới Chính phủ có đoạn: “... chúng ta đã hoàn thành xuất sắc
nhiệm vụ đề ra, trong đó cần phải khen ngợi tổ đo đạc ngoài đảo Trường Sa và
bài báo đăng trên báo Quân đội Nhân dân; trong khi cả thế giới đang theo dõi
tình hình căng thẳng ở Gạc Ma, thì bài báo nói với thế giới rằng: các nhà khoa
học của Việt Nam vẫn làm việc, nghiên cứu bình thường trên các đảo; họ đang
thực hiện chủ quyền của mình đấy!,.”.
Sau này tôi có dịp quay lại quần đảo Trường Sa vào
các năm 2007, 2008 và 2009 để khảo sát, xây dựng trạm DGPS. Cuộc sống của quân
dân trên đảo đã thay đổi. Tôi tin rằng cán bộ và chiến sĩ trên các đảo luôn
chắc tay súng, bảo vệ vững chắc vùng trời và vùng biển thiêng liêng của Tổ
quốc./.
Đại tá, TS. Nguyễn Văn Vấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét