Đăng trong: 03/04/2013 Filed under: Uncategorized 1 Phản hồi
Ghi chép của Phạm Viết Đào
Cuối tháng 2-2012 vừa rồi các cựu chiến binh của C 14 E 122, F313 tổ chức gặp mặt hàng năm tại Sơn Dương, Thái Nguyên để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm gian khổ của những ngày sống, chiến đấu ác liệt bảo vệ Cao điểm 1509 Vị Xuyên Hà Giang…CCB Đường Minh Tuấn quê ở Hương Canh, Vĩnh Phúc đã điện cho mình và mời mình lên tham gia cuộc gặp gỡ này để đưa thông tin lên mạng, động viên anh em…
Cựu binh: C14, E 122, F 313-Đại đội pháo trực tiếp bào vệ 1509…
C 14 là một đại đội cối 120 thuộc Trung đoàn pháo 122 của Sư 313; Đại đội này ( có 4 khẩu ) họ được bố trí trận địa tại Bình độ 900 ( cao 900 m so với mặt biển ), có nhiệm vụ bắn chi viện để bảo vệ Cao điểm 1509…
Cao điểm 1509 nằm trên địa bàn xã Thanh Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang là một điểm cao giới quân sự gọi là điểm cao khống chế; Tại khu vực này từ năm 1982-1988 đã xảy ra nhiều trận chiến đấu ác liệt giữa quân ta và quân Trung Quốc lấn chiếm…
Theo nhiều nguồn tin, phía ta lúc cao điểm đã tập trung tại mặt trận Thanh Thủy-Vị Xuyên-Hà Giang 5 sư đoàn, còn phía Trung Quốc đã tập trung trên 20 sư đoàn của 4 đại quân khu trong đó có Quân khu Bắc Kinh…
Nhiều tướng lĩnh cao cấp của Việt Nam đã từng có mặt tại Mặt trận này để thị sát,chỉ đạo và trực tiếp tham gia vạch kế hoạch tác chiến như: Lê Trọng Tấn, Đoàn Khuê, Nguyễn Hữu An, Vũ Lập, Lê Duy Mật, Hoàng Đan, Phùng Quang Thanh, ( Sư đoàn trưởng ); Đỗ Bá Tỵ ( Sư đoàn trưởng ) , Nguyễn Văn Được ( Sư đoàn trưởng ), Nguyễn Đức Soát ( Sư đoàn trưởng )…
Tại mặt trận Vị Xuyên Hà Giang còn có mặt của đoàn cố vấn quân sự của Liên Xô sang giúp ta vạch kế hoạch phòng ngự và tìm hiểu nhu cầu vũ khí để viện trợ…
Về phía Trung Quốc đã có mặt Nguyên soái Diệp Kiến Anh, Nguyên soái Từ Hướng Tiền, Đại tướng Dương Đắc Chí- Tổng Chỉ huy các quân đoàn quân Trung Quốc tham chiến tại mặt trận Vị Xuyên-Hà Giang…
Về phía Trung Quốc đã gọi những trận đánh lớn tại mặt trận này bằng một cái tên chung là Chiến dịch Lão Sơn, phía Trung Quốc gọi Cao điểm 1509 là Lão Sơn; năm 2009, Trung Quốc đã tổ chức rầm rộ kỷ niệm niệm 15 năm ngày chiến thắng Lão Sơn nhằm nhắc lại một số trận đánh lớn tại những điểm cao tại khu vực cửa khẩu Thanh Thủy-Vị Xuyên Hà Giang…
Theo các tài liệu quân sự Nhật Bản và Ấn Độ thì: những chiến dịch quân sự mà 2 bên Việt Nam-Trung Quốc tiến hành tại mặt trận Vị Xuyên-Hà Giang, chủ yếu khu vực Thanh Thủy, được đánh giá là những chiến dịch quân sự lớn nhất tại khu vực châu Á sau Đại chiến thế giới lần thứ 2. Nhiều trường quân chính của Nhật, Ấn đã lấy các chiến dịch quân sự ở Hà Giang làm bài giảng, phân tích thế trận cho học viên của họ…
Còn phía ta thì trừ trang Quân sử Việt Nam đăng những hồi ức tản mác của các CCB từng tham gia tại chiến trường này; hàng chục năm gần đây những trận đánh ác liệt tại mặt trận này gần như không còn được nhắc đến trên bất kỳ một trang thông tin chính thồng nào…Một số tướng lĩnh từng vào sinh ra tử, trưởng thành lên từ mặt trận này như Phùng Quang Thanh ( Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ) Đỗ Bá Tỵ ( Tổng tham mưu trưởng ) trong quan điểm hiện tại coi Trung Quốc là đồng minh thân thiết; Còn Tướng Nguyễn Chí Vịnh, phụ trách đối ngoại của Bộ Quốc phòng thì hết lòng hết sức tô vẽ cho quan hệ hữu hảo Việt-Trung; Theo Tướng này quan hệ Việt-Trung đồng là chủ yếu, còn lại chỉ là khác biệt chứ không có gì là mâu thuẫn…Chính vì vậy nên việc lấy tư liệu, thông tin về những trận đánh ác liệt ở Vị Xuyên Hà Giang nói riêng và chiến tranh biên giới Việt-Trung nói chung là vô cùng khó khăn, khác gì tìm kim trong đống rơm…Một thế hệ thanh niên sinh sau năm 1990 gần như không biết rằng: từng có những chiến dịch quân sự ác liệt giữa quân đội 2 nước Việt-Trung mang tầm vóc quy mô của châu lục vào những năm 80 của thế kỷ trước…
Chủ blog dự kiến sẽ công bố lên mạng những tư liệu thông tin từ trong và ngoài nước mà mình thu thập được về mặt trận này; Đây là công việc hết sức khó khăn vì làm theo cách nghiệp dư, nhặt nhạnh và không được bất kỳ một cơ quan nhà nước nào hợp tác, giúp đỡ…Trong khi phía Trung Quốc, đích thân nguyên soái Diệp Kiếm Anh đã viết thư tay cho các tư lệnh quân khu, các tướng lĩnh yêu cầu hợp tác với tướng Lưu Á Châu, ông này đồng thời là nhà văn cùng nhiều nhà văn Trung Quốc để viết sách về những diễn biến chiến trận Việt-Trung…
Về phía chủ blog đã tìm gặp rất nhiều tướng lĩnh từng tham chiến ở mặt trận này nhưng họ đều tìm cách lảng tránh, không muốn trò chuyện về đề tài nay; Gần đây Sư 313 tổ chức gặp mặt hàng năm tại Hà Nội, một CCB đã gọi điện thoại thông tin cho biết, nếu muốn có tài liệu thì nên đến gặp anh em…Chủ blog đã đến với tư cách khách không chính thức, không được mời…Trong cuộc gặp gỡ này, một CCB đại diện Ban liên lạc F 313 lên đọc báo cáo về lịch sử của F 313, đọc xong, chủ blog lên gặp xin photo lại bản này nhưng ông này lỉnh nhất định không cung cấp…Gặp vị chính ủy đầu tiên của F 313 là Đại tá Nguyễn Hải Hùng, có mặt tại Hà Giang từ 1979-1982, chủ blog xin số điện thoại và xin đến nhà riêng ông để đề nghị cung cấp tư liệu nhưng ông tỏ ra ngần ngại…
Tóm lại, không phải là tất cả, nhưng việc sưu tầm tư liệu về cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung hiện nay giống như những vụ“áp phe heroin”, “ nấu rượu lậu “ thời thuộc Pháp; ít ai dám công khai tham gia cung cấp, đối thoại về đề tài này ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét