Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

Người trí thức giữ mình bằng liêm chính và tự trọng

TRÒ CHUYỆN VỚI CON TRAI BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP ĐẦU TIÊN:
25/02/2016 05:25 GMT+7
TTCT - Cuốn sách mới ấn hành Luật sư Vũ Trọng Khánh - Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên cho thấy đất nước vừa có độc lập đã lo xây dựng ngay một nhà nước pháp quyền với tư tưởng rất hiện đại. Cuốn sách còn cho thấy một trí thức... sống lạ với câu hỏi đến hôm nay vẫn khó giải đáp hết được: “Sao ông giữ mình cẩn thận quá vậy?”. 
Người trí thức giữ mình bằng liêm chính và tự trọng
Ông Vũ Trọng Khải -Ảnh nhân vật cung cấp
Cuộc trò chuyện với PGS-TS Vũ Trọng Khải - con trai vị bộ trưởng này - hé lộ nhiều điều.
Cha: Phấn đấu xây dựng nền móng nhà nước pháp quyền 
Chỉ trong 181 ngày soạn 30 sắc lệnh, tức là cứ sáu ngày một cái. Ông cũng viết phần quan trọng và chấp bút cuối cùng bản dự thảo Hiến pháp 1946. Khi làm cuốn sách về ông, anh có để ý bối cảnh nào khiến ông làm việc với tốc độ kinh khủng, khó ai làm được như vậy?

- Cách mạng Tháng Tám thành công ở Hải Phòng được ba ngày thì cha tôi được mời làm bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên của Chính phủ lâm thời. Lúc đó vì chưa có Hiến pháp nên việc quản lý đất nước bằng sắc lệnh, chúng ta chưa thể có ngay hệ thống các bộ luật cho cả nước nhưng không thể để đất nước không có luật pháp dù chỉ một ngày.
Tình thế khẩn cấp ấy khiến cha tôi tranh thủ ý kiến của nhiều trí thức - luật gia nổi tiếng và đã làm được việc Cụ Hồ và Chính phủ giao. Đó là ban hành các sắc lệnh làm nền tảng cho nền tư pháp nói riêng và luật pháp nói chung của thể chế Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Ngoài tái hiện cuộc đời của cha anh, cuốn sách được nhiều người chú ý vì những tư tưởng rất hiện đại về nhà nước pháp quyền và về vai trò người trí thức với dân tộc. Theo anh, những sự kiện nào trong sách đem lại ấn tượng đó?
- Có một cuộc “bút chiến” giữa cha tôi và nhà báo Quang Đạm đăng trên báo Sự Thật những năm 1948-1949 về vấn đề tư pháp, cho thấy những suy nghĩ tiến bộ để mở rộng tư tưởng pháp lý dân chủ của nước nhà. Theo GS Trần Đình Bút thì “những kinh nghiệm về pháp lý từ những năm đầu của thể chế Việt Nam dân chủ cộng hòa vẫn còn có giá trị thời sự”.
Về vai trò người trí thức, những tấm gương rời bỏ cuộc sống sung sướng tham gia kháng chiến ở nước ta có nhiều rồi. Cha tôi cũng vậy, đời ông nhiều biến động, ông làm thị trưởng Hải Phòng, tham gia phái đoàn Phạm Văn Đồng tại Hội nghị Fontainebleau (Pháp) năm 1946, rồi làm bộ trưởng...
Công việc gì, ở đâu, gian khổ mấy ông cũng vẫn giữ phẩm cách người trí thức tự trọng và dấn thân. Có lẽ đặc tính ấy khiến thường đi đến một nhận định “đất nước trong thời kỳ thịnh vượng bao giờ cũng đều do những người thuộc tầng lớp tinh hoa nhất của dân tộc lãnh đạo”.
Luật sư Vũ Trọng Khánh làm bộ trưởng có 181 ngày, rồi từ một bộ trưởng, thị trưởng thành phố lớn cuối cùng ông lại về làm trưởng Tiểu ban Vận trù học của Ban Khoa học kỹ thuật TP Hải Phòng. Tôi rất thắc mắc tại sao, anh có thể lý giải?
- Tôi muốn trả lời bằng cách tóm lược quá trình hoạt động của cha tôi: Tốt nghiệp Trường Luật Hà Nội (năm 1936), xuống Hải Phòng hành nghề luật sư từ năm 1938. Năm 1945, ông nhận làm thị trưởng Hải Phòng trong Chính phủ Trần Trọng Kim với dụng tâm giúp đỡ cách mạng, bảo vệ Việt Minh.
Ông đã liên hệ với người của Mặt trận Việt Minh là ông Vũ Quốc Uy và tướng Nguyễn Bình để chuyển giao chính quyền trong hòa bình ngày 23-8-1945. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông là ủy viên hành chính của Ủy ban nhân dân cách mạng Hải Phòng. Vài ngày sau, ông nhận điện từ ông Võ Nguyên Giáp gọi lên Hà Nội nhận chức bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Kháng chiến bùng nổ, ông làm giám đốc Tư pháp Chiến khu 10, rồi trưởng ban nghiên cứu của Bộ Tư pháp. Hòa bình, ông về tiếp quản Hải Phòng và làm phó chủ tịch Ủy ban Hành chính. Ông trải qua nhiều công tác và về hưu năm 1977 tại Hải Phòng.
Là bộ trưởng nhiều công lao, là vị lão thành cách mạng nhiều khen thưởng, kể cả Huân chương Hồ Chí Minh, nhưng cha anh không là đảng viên?
- Theo lời Bí thư Thành ủy Hải Phòng (1962-1966) Hoàng Hữu Nhân thì khi thỉnh thị trung ương về vấn đề này, Hồ Chủ tịch cho ý kiến là những người như Phan Anh, Nguyễn Văn Huyên, Vũ Trọng Khánh... ở ngoài Đảng có lợi cho cách mạng hơn.
Một vị bộ trưởng, cuối đời phải làm nghề xay bột kiếm sống, nghe thấy... cay đắng quá không anh?
- May mà có cái đó mới sống được qua những năm bao cấp đấy. Sống trong một ngôi nhà nhiều chủ, ông chỉ ở trong căn phòng 48m2, không có buồng ngủ và nhà vệ sinh riêng. Có tí sân thượng, ông cụ cải tạo làm nhà tắm, quây nilông che, bên ngoài là chỗ xay bột. Thời ông làm phó chủ tịch phụ trách nhà đất, cán bộ trong sở muốn chọn cho cái nhà đẹp nhưng ông không chịu.
Như vậy có “dại” và đáng trách không?
- Không. Nhưng tôi ngạc nhiên. Như tôi mà thế thì không sống được. Hay là lúc trẻ quá người ta vượt qua? Tôi bị hen, lăn lộn công tác ở nông thôn rất khổ cũng chịu, nhưng giờ không đủ những điều kiện tối thiểu thì không sống được.
Anh khi trả lời báo chí thường nêu câu hỏi về cha mình: “Sao ông giữ mình cẩn thận quá vậy?”. Bây giờ anh có thể tự trả lời câu hỏi ấy của mình chưa?
- Người trí thức giản dị, liêm chính và tự trọng.
Con: "Tìm lá diêu bông" trong nền nông nghiệp 
Anh là PGS-TS, nguyên hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp TP.HCM, cống hiến cả đời cho nông nghiệp. Điều làm được lớn nhất của anh là gì?
(Cười lớn) Là... cả cuộc đời tìm lá diêu bông. Kết quả “mải mê đuổi một cánh diều, củ khoai nướng cả chiều thành than”. Tôi thích câu thơ này của Đồng Đức Bốn vì “vận” đúng đời tôi.
Nhưng anh là một tác giả lớn trong mảng sách - báo về nông nghiệp và nông thôn mà? Năm ngoái vẫn còn ra cuốn sách đầy ý tưởng mới Phát triển nông nghiệp và nông thôn hiện nay - Những trăn trở và suy ngẫm. Vậy “lá diêu bông” của anh là gì đây?
- Điều lớn nhất tôi quan tâm vẫn là vấn đề sở hữu đất đai. Người dân, trước hết là nông dân, phải có quyền sở hữu đất đai. Chí ít là quyền sử dụng đất theo luật hiện hành phải là quyền tài sản, là hàng hóa được mua bán theo cơ chế thị trường.
Cần bỏ ngay khái niệm thu hồi đất, đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng theo giá Nhà nước quy định. Đất dùng cho công hữu, an ninh quốc phòng nếu cần phải trưng mua theo giá thị trường. Đó là điều tối thiểu và căn bản để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Quan điểm của anh nghe đâu đã “dậy sóng” cách nay mấy chục năm khi anh vừa ra trường chưa qua tập sự, có bài in trong tạp chí Nghiên Cứu Kinh Tế của Trần Phương từ năm 1969. Câu chuyện ấy thế nào?
- Năm 1968, Ban Bí thư quyết định tổng kết 10 năm hợp tác hóa nông nghiệp 1958-1968. Phần chính sách giao phòng chính sách (Vụ Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp) mà lúc đó tôi đang tập sự.
Ông vụ phó Vụ Kế hoạch kiêm trưởng phòng giao tôi nhiệm vụ tổ chức đoàn nghiên cứu, khảo sát nông nghiệp và nông thôn, viết báo cáo trình Đảng đoàn Bộ Nông nghiệp. Làm công phu lắm, tôi tổ chức thực hiện nhiệm vụ này từ giữa năm 1968 đến đầu 1969 thì viết xong báo cáo.
Tôi viết báo cáo tổng kết 170 trang và phải báo cáo cho nhiều nấc, đầu tiên cho Đảng đoàn. Ông thứ trưởng Bộ Nông nghiệp lúc ấy là Nguyễn Chương kết luận: “Hay, nhưng không thể gửi Ban Bí thư được vì... trái hết quan điểm”.
Cũng có gây rắc rối. Nhưng ngày ấy hay. Bản báo cáo đó được gửi nhiều nơi nghiên cứu theo dạng tài liệu mật xin ý kiến góp ý. Ông Trần Phương khi đó là viện trưởng, tổng biên tập tạp chí Nghiên Cứu Kinh Tế đã cho thư ký yêu cầu tôi viết gọn lại 34 trang sau khi lược bỏ một số tài liệu mật và thêm căn cứ lý luận. Bài đăng lên tạp chí. Cái “dậy sóng” chị nói là thế.
Nhưng tóm ngắn nhất quan điểm bị gọi là “sai” lúc ấy là gì?
- Cũng dài dòng, nhưng ý “sai” nhất là có một câu rất quan trọng: tôi viết đại ý “Sau khi làm nghĩa vụ nhà nước, nông dân phải được tự do bán lương thực không giới hạn số lượng và địa giới hành chính”.
Lúc đó đường lối là Nhà nước thống nhất quản lý lương thực, xóa bỏ thị trường tự do về lương thực theo nghị định 84 của Chính phủ vừa ban hành năm 1968.
Vậy nghĩa là “thị trường tự do” và “sở hữu đất đai” - tóm lại cho gọn thế - trở thành “lá diêu bông”?
(Cười) Trí thức cứ nói. Có ai nghe mình không mới quan trọng...
Hiện giờ anh đang viết gì nữa?
- Tôi nghỉ hưu, giờ “bẻ hết bút rồi”, thỉnh thoảng có nơi đặt viết ngắn vấn đề thời sự như “Nông nghiệp Việt Nam trước thách thức hội nhập TPP”. Tôi đã cho Trường Quản lý cán bộ nông nghiệp & phát triển nông thôn 2 toàn bộ tài liệu chuyên môn. Họ đến chở đi một ôtô.
Tôi giữ lại sách lịch sử và văn học. Và đọc lại những sách như Tam Quốc chí, Anh em nhà Karamazov..., những thứ xưa đọc lâu quá nên quên. Tác giả Việt Nam thì tôi đọc lại Vũ Trọng Phụng, Nam Cao. Người ta hay nhắc tác phẩm Chí Phèo, nhưng tôi cho rằng tác phẩm hay nhất của Nam Cao chính là Lão HạcChí Phèo là ông ấy viết chơi thôi.
Tôi vẫn thấy trong báo xuân năm nay anh có bài “to tướng”: “Nông nghiệp Việt Nam trước thách thức hội nhập” mà ngay dòng đầu đã khẳng định “Nông nghiệp Việt Nam hiện nay không chỉ lạc hậu về mọi mặt mà điều nguy hiểm hơn cả sự lạc hậu là nó đang đầu độc cả dân tộc một cách hợp pháp bằng các nông sản không an toàn”. Xin anh nói vắn tắt về cái việc “bị đầu độc” ấy?
- Những bức xúc về các vấn đề nông nghiệp muốn trả lời đầy đủ phải viết cả cuốn sách. Trong đó có thể chế quản lý kinh tế vĩ mô, có các vấn đề sai lầm trong chiến lược phát triển công nghiệp và đô thị, những vấn đề chiến lược sản phẩm nông nghiệp quốc gia theo vùng nông nghiệp sinh thái...
Nông dân vẫn đang sản xuất tự phát theo hội chứng đám đông, theo tín hiệu thị trường của thương lái, không phải là người tổ chức được chuỗi giá trị ngành hàng từ trang trại đến bàn ăn.
Phải hình thành và phát triển thành hệ thống các doanh nghiệp chế biến, vừa tiêu thụ vừa cung ứng nguồn lực đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, là nhạc trưởng của chuỗi giá trị mặt hàng nông sản...
Chính phủ phải có chiến lược đầu tư nghiên cứu - triển khai (R&D) công nghệ cao trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị ngành hàng nông sản chiến lược ở cấp quốc gia, tạo ra nền nông nghiệp công nghệ cao, nông dân phải được đào tạo... Nhiều thứ phải làm lắm. Câu chuyện dài lắm...
Cuốn sách quan trọng về cha mình anh làm xong rồi. Có điều gì chưa hài lòng?
- Có đấy. Mẹ tôi là em gái luật sư Trịnh Đình Thảo, bà mới 19 tuổi khi lấy cha tôi, lúc ấy 20 tuổi. Bà lại sinh liền hai anh tôi nên các bác - anh của mẹ và họ bên ngoại đã chăm lo giúp đỡ đến khi cha tôi làm luật sư.
Nhưng trong sách còn thiếu vắng những câu chuyện cảm động và hình ảnh đáng kính của họ. Còn có nhiều chuyện hay cần lý giải mà lúc ông còn sống không hiểu sao tôi quên hỏi cha.
Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.
■
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI thực hiện

Không có nhận xét nào: