Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

GIÁO SƯ NGUYỄN NGUYÊN BẢY GIẢI MÃ NGUỒN GỐC PHONG THỦY


Bí ẩn của phong thủy hay sự thành công là dịch chuyển, vận động đúng lúc, nắm được chữ "Thời' để hành động ngay.

...Người Việt thiếu sinh khí, đời sống nhàm chán, tư duy một chiều, sợ hãi thay đổi bản thân hoặc a dua bắt chước người ta một cách vô tri – đó là trái phong thủy, làm sao có thể hạnh phúc. 
Xa hơn, nguyên khí quốc gia nghèo nàn (tài nguyên con người) – sao có thể bắt kịp thế giới?

























Từ khi con người biết đến thuật phong thủy đến giờ, nó vẫn y như thế. Từ cổ chí kim vẫn là phong ở trên thủy ở dưới, tức là quẻ “Hoán”. Bản chất của khoa học phong thủy là dịch chuyển (hoán), thay đổi để điều kiện sống của con người tốt nhất có thể. Nhiều người phủ màu sắc huyền bí lên khoa học phong thủy nên nó bị hiểu sai là dị đoan.

Năm 60 tuổi, tôi đã đảo ngược quan niệm bằng cách Thủy ở trên Phong ở dưới,tìm ra quẻ Tỉnh (giếng nước). Hóa ra người xưa đã rất đơn giản, phàm điều gì liên quan đến gió và nước đều luôn thay đổi. Ta biến đổi nơi mình ở như nghĩa tượng hình của cái giếng: uống không cạn, vơi lại đầy (khó khăn sẽ chỉ là nhất thời), khi quá sung túc thì đừng để nước tràn ra (không sa đọa, trụy lạc, hoang phí vô đạo – mất đi cáí đức vốn là căn bản của mọi cái đạo trên đời). Đó hoàn toàn là khoa học, là đạo của tự nhiên, của vũ trụ.
Tôi vốn là đứa trẻ nghèo, lấy vợ nghèo nhưng tôi luôn vận hành phong thủy vào đời sống, hành xử, học hỏi để tạo nên cái giếng ẩn dụ đó (tức là đức) nên tôi thành đạt. Năm nay tôi đã 74 tuổi nhưng tuổi già hình như thường né tôi. Tôi sống điều độ, biết tạo cho cuộc đời mình sinh khí, niềm vui, học hỏi và chia sẻ kiến thức cho nhiều người nên tôi trẻ hơn tuổi chăng?
Tôi chỉ tin những gì còn sống và giá trị bền vững (chân-thiện-mỹ). Hãy nhìn vào những ông vua khổ sở đi tìm nơi chôn mình ở long huyệt, hàm rồng… rồi vẫn mất nước, con cháu cũng chẳng ăn lộc mãi được. Tại sao ư, vì mỗi một con người đều phải chịu trách nhiệm về cáí đức của mình, không thể ăn nhờ đức (giếng) của tổ tiên. Tiền nhân anh sống tốt, thành đạt mà anh sống vô đạo, ngu dốt thì anh phải diệt vong.
Tôi đi nhiều nước trên thế giới để giảng dạy, trao đổi về phong thủy. Cách đây chỉ vài tháng sau vụ lùm xùm nhà ngoại cảm, một nhà khoa học của NASA đã hỏi tôi ngay tại nước Mỹ: “Tại sao lại tồn tại một quốc gia có quá nhiều người có thể nói chuyện được với người chết như Việt Nam? Cả thế giới đã tốn nhiều tỷ đô-la để tìm kiếm một thứ âm thanh, ánh sáng nào đó về thế giới bên kia. Trong khi Việt Nam tìm rất giỏi, có thể nói là giỏi nhất thế giới hiện nay – hơn cả Ấn Độ và Tây Tạng”.
Người Mỹ không quá bận tâm đến lý thuyết âm-dương nhưng lại là quốc gia thực hành phong thủy giỏi nhất thế giới (nếu dùng kiến thức phong thủy để lý giải hành động của họ). Đường sá, kiến trúc, rừng quốc gia… đến an sinh xã hội đều hợp lý. Phong thủy chính là tìm cách tương thích để đời sống tốt đẹp hơn.
Người Việt, người Hoa huyễn hoặc phong thủy lên, dẫn đến thực trạng “Sấm to thì mưa nhỏ”. Càng nói nhiều, tuyên bố nhiều thì càng làm dở, đó là sự khác biệt giữa chúng ta và phương Tây. Khi đưa phong thủy rời xa đời sống có thật tức là đã làm sai phong thủy. Lý luận suông là thứ giết chết sự sáng tạo cũng như khả năng tìm đến tri thức của con người một cách nhanh nhất.
Người phương Tây chỉ nói khi có thể làm được, hiện thực hóa được. Giáo dục phương Tây rất đúng phong thủy ở chỗ: họ dạy con người sự tự tin, niềm vui sống, sự sẻ chia và sáng tạo (chính là Khí). Họ không bao giờ dạy người ta phải thế này, thế khác mà là “Bạn muốn cuộc đời mình sẽ như thế nào? Bắt đầu ngay đi”. Còn chúng ta sẽ đợi ngày mai tươi sáng. Thử nhìn xung quanh đi, người Việt thiếu sinh khí, đời sống nhàm chán, tư duy một chiều, sợ hãi thay đổi bản thân hoặc a dua bắt chước người ta một cách vô tri – đó là trái phong thủy, làm sao có thể hạnh phúc. Xa hơn, nguyên khí quốc gia nghèo nàn (tài nguyên con người) – sao có thể bắt kịp thế giới?
Một nhà sử học nước ngoài, theo ông, người Việt có điểm yếu lớn nhất là gì? Tôi nhất thời không thể trả lời vì có… nhiều phương án quá. Ông ta nói: Người Việt không biết cười. Tôi giật mình. Ngay chiều hôm đó, tôi bay trở về Việt Nam. Tại sân bay quá cảnh ở Hồng Kông, tôi bắt đầu thấy những nhóm người Việt mặt cau có, lo lắng ngồi túm tụm với nhau. Bên cạnh họ là những nhóm người nước ngoài đủ mọi quốc gia đang cười nói sảng khoái, gật đầu chào nhau. Khi về đến Tân Sơn Nhất, tôi đã thấy hàng trăm khuôn mặt lo âu. Trên đường về, nhìn ra cửa kính xe, tôi không nhìn thấy một nụ cười nào. Chúng ta đang lo cái gì vậy?
Bản chất của hạnh phúc – thành công nằm ở hiện tại và nằm ở sự vận động. Người Mỹ, người Anh nói: thứ 7 này, lúc 18 giờ, qua nhà tao party ngoài vườn, đến được hay không? Người Việt nói: “Lúc nào rảnh tôi sẽ ghé chơi”. Lúc nào là lúc nào? Một lời nói vô nghĩa! Chúng ta chậm phát triển và năng lực con người bị hạn chế vì thói quen lười vận động, thiếu tính cụ thể và thiếu động lực để tự thúc đẩy bản thân phải làm gì đó. Chỉ ngồi nghĩ và mơ sẽ chẳng có tác dụng gì. Đứng dậy và lao vào đời sống, làm gì đó khùng điên, tận hưởng kiến thức, các mối quan hệ, một miền đất hay thói quen mới… sẽ nảy sinh ra những ý tưởng thực tiễn vĩ đại nhất. Tức là phải để “khí” lưu chuyển.
ESQUIRE VIỆT NAM

Không có nhận xét nào: