Thứ Ba, 16 tháng 2, 2016

7036. TQ lập kế hoạch và chuẩn bị đánh VN năm 1979 như thế nào?

Posted by adminbasam on 16/02/2016

Vạch kế hoạch và chuẩn bị xâm lược

Tác giả: Trương Hiểu Minh (Zhang Xiaoming/张晓明)
Dịch giả: Phan Văn Song
15-2-2016
Thị xã Lạng Sơn bị quân xâm lược Trung Quốc tàn phá. Nguồn ảnh: Vietnamdefence
Thị xã Lạng Sơn bị quân xâm lược Trung Quốc tàn phá. Nguồn ảnh: Vietnamdefence

[Chương 3 trong cuốn Cuộc chiến lâu dài của Đặng Tiểu Bình: xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Việt Nam, 1979-1991 (Deng Xiaoping’s Long War: The Military Conflict between China and Vietnam, 1979-1991. The New Cold War History). The University of North Carolina Press, 2015, pp. 67-89]

Ngày 9 tháng 12 năm 1978, hai Quân khu Quảng Châu và Côn Minh nhận được lệnh triển khai quân đội ở biên giới Việt Nam truớc ngày 10 tháng 1 chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh “hạn chế  về thời gian và không gian” với “lực lượng áp đảo.” Nhiều binh sĩ Trung Quốc đồ đoán rằng Trung Quốc sẽ tấn công Việt Nam và không rõ họ sẽ đánh thắng hay không. Quân đội Trung Quốc (PLA) chưa từng đánh một cuộc chiến tranh lớn nào trong gần ba mươi năm. Vì vậy, không có sĩ quan nào từ cấp tiểu đoàn trở xuống có kinh nghiệm chiến đấu. Hơn nữa, cách mạng văn hóa đã làm cho tinh thần và tiếng tăm của PLA xuống mức thấp nhất từ truớc tới giờ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, kể cả chính Đặng Tiểu Bình, đều không biết chắc về khả năng chiến đấu của PLA. Trong mớ mơ hồ và không chắc chắn đó, Quân khu Quảng Châu và Côn Minh bắt tay vào việc vạch kế hoạch chi tiết và chuẩn bị cho cuộc xâm lược của Việt Nam.
[Chương này nghiên cứu việc PLA thực hiện các hoạt động xâm lược ở cấp chiến dịch và chiến thuật trong bối cảnh lịch sử thời Chiến tranh Lạnh]. Trung Quốc chưa từng lập kế hoạch đánh VN, và quân đội Trung Quốc chưa bao giờ chuẩn bị cho một hành động quân sự như vậy truớc đây. Lực luợng vũ trang Trung Quốc quân số thiếu, trang bị kém và huấn luyện tồi. Khó khăn nghiêm trọng nhất là sự thiếu nhiệt tình trong đội ngũ binh lính. Nhiều lính không hiểu tại sao họ lại đi tấn công một nuớc có vẻ giống như – và thường được so sánh với – nuớc “đàn em” của Trung Quốc.
PLA đã phát triển cách tiếp cận riêng về chiến tranh và kiểu cách độc đáo riêng về thể chế. Phần lớn sự kế tục tìm thấy trong học thuyết, chiến lược, và khái niệm hoạt động quân sự của PLA được dựa trên việc tuân thủ các nguyên tắc của chủ nghĩa Mao, ngay cả khi đánh nhau với một kẻ thù yếu như Việt Nam. Tư tưởng quân sự của Mao, “hệ thống công tác chính trị” của PLA và việc huy động xã hội phục vụ các hành động quân sự đều đóng vai trò quan trọng trong chỉ đạo lập kế hoạch và chuẩn bị cho cuộc xâm lược. Các đặc điểm về thuật dùng binh của PLA trong các chiến dịch quân sự trong cuộc xâm lược này cho thấy trước cả tính kế tục và những thay đổi trong nhiều năm tới. Chuẩn bị cho cuộc chiến tranh chống Việt Nam là một công cuộc tầm cỡ quốc gia phục vụ cho các mục tiêu chiến lược của lãnh đạo Trung Quốc.
Các di sản lí luận và thể chế của PLA
Năm 1979, các sĩ quan cấp cao của PLA vẫn là các tướng của Mao, có  kinh nghiệm chiến đấu trong chiến tranh chống Nhật, nội chiến với Quốc Dân đảng, và chiến tranh Triều Tiên. Họ đã nằm lòng cách tiếp cận của Mao đối với xung đột. Trong lập kế hoạch và chuẩn bị xâm lược Việt Nam, họ theo đúng các nguyên tắc do lãnh tụ này đề ra hồi thập niên 1930 và 1940. Lệnh của Quân Ủy Trung Ương (CMC) có chứa một số những nguyên tắc này như yêu cầu hai Quân khu Quảng Châu và Côn Minh “tập trung lực lượng vượt trội”, dùng chiến thuật “bao vây và thọc suờn”, và đánh một “trận đánh hủy diệt” quyết định. Hiểu cách PLA áp dụng các di sản về lí luận và thể chế của Mao trong giai đoạn lập kế hoạch và chuẩn bị cuộc xâm lược Việt Nam năm 1979 đòi hỏi chúng ta phải xem xét chính di sản này.
Tư duy quân sự của Mao tập trung vào cách làm thế nào để một lực lượng kém về vũ khí, trang bị lẫn huấn luyện lại có thể đánh bại một đối thủ vượt trội. Thực chất của cách tiếp cận của ông là tạo ra một môi trường chính trị để huy động cả nước và tập hợp sự ủng hộ trong nhân dân cho một cuộc chiến tranh kéo dài. Một nguyên tắc cốt lõi về lí luận mà Mao vận dụng trong cách tiếp cận chiến tranh của ông là “phòng thủ tích cực” (jiji fangyu/积极防御 – tích cực phòng ngự) thông qua việc “kiên quyết đánh” bằng cách sử dụng ba nguyên tắc hoạt động chủ động, linh hoạt, và có kế hoạch. Thứ nhất, ông tin rằng nắm lấy và giữ đuợc thế chủ động là cốt yếu đối với một lực lượng yếu hơn trong cuộc chiến bất cân xứng. Thứ hai, ông khẳng định rằng sự linh hoạt là cốt yếu để đạt được sự chủ động hoạt động. Thứ ba, ông cho rằng việc lập kế hoạch rõ ràng và có những thay đổi cần thiết sau này trong cuộc chiến sẽ giúp vượt qua những nhầm lẫn, những chỗ tối tăm, và không chắc chắn riêng biệt của cuộc chiến.
Mao tin rằng việc áp dụng những nguyên tắc này đòi hỏi phải có các chỉ huy biết “sử dụng mọi phương pháp có được trong tiến hành trinh sát” và “lọc lựa thông tin” bằng cách “loại cái râu ria, chọn cái cốt yếu; bỏ cái giả, giữ cái thật” và sau đó “xử lí từ cái này đến cái khác và từ ngoài vào trong.” Bằng cách xem xét cẩn thận các mối tương quan giữa các điều kiện của quân đội của chính mình và của quân đội đối phương, một chỉ huy khôn ngoan có thể “đạt tới kết luận, quyết định, và đề ra kế hoạch của mình.”
Vào cuối những năm 1940, khi lực lượng cộng sản đang phát triển về quy mô và sức mạnh sau hơn mười năm chiến đấu chống lại thù trong giặc ngoài, Mao xác định lại chiến lược quân sự và lí luận hoạt động của Trung Quốc, rút ra bốn nguyên tắc bổ sung: (1) tiêu diệt sức mạnh thực tế của đối phương (yousheng liliang/有生力量: hữu sinh lực lượng) chứ không phải là chiếm giữ một thành phố hoặc một nơi; (2) Tập trung lực lượng vượt trội (jizhong youshi bingli/集中优势兵力: tập trung ưu thế binh lực) với các cuộc tấn công trực diện và bọc suờn đồng thời tránh bị sa lầy vào một cuộc chiến tiêu hao; (3) tạo ra các chuẩn bị đảm bảo chiến thắng trong bất kì tình huống nào; (4) chiến đấu anh dũng trong các trận đánh liên tục mà không sợ hi sinh hay mệt mỏi. PLA đã sử dụng những nguyên tắc quân sự này giành chiến thắng năm 1949 khi chống lại chế độ Quốc dân đảng, và các nguyên tác này đã trở thành đặc điểm lâu bền về kiểu cách chiến thuật và hoạt động của PLA.
Kể từ khi Hồng quân thành lập vào cuối những năm 1920, Mao đã đặt nặng tầm quan trọng quyền kiểm soát tuyệt đối của ĐCSTQ đối với quân đội. Ông cổ vũ việc lồng tổ chức đảng bên trong quân đội ở tất cả các cấp để đảm bảo rằng quân đội sẽ theo đúng đường lối của ĐCSTQ. Ông đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò của đảng ở cấp đại đội. Bởi vì quân đội của ông rất yếu và đang gánh chịu vô vàn khó khăn, Mao tin rằng chỉ có một quân đội chính trị hoá mới có thể giữ vững đạo đức và duy trì tinh thần đoàn kết trong binh lính.  ĐCSTQ phải đóng một vai trò tích cực và quyết định trong việc đưa ra các quy tắc, quy định và quyết định cho quân đội. Binh lính phải hành động theo lệnh của đảng thay vì lệnh của cá nhân nguời chỉ huy. Cách nghĩ này đã dẫn đến việc tạo ra một kiểu thể chế đặc biệt trong lực lượng vũ trang do cộng sản lãnh đạo (hệ thống công tác chính trị) để đảm bảo một trong những nguyên tắc quan trọng khác của Mao cho quân đội: súng phải đặt dưới sự kiểm soát của đảng chứ không phải của quân đội.
Các thành phần quan trọng nhất của hệ thống công tác chính trị là hệ thống đảng uỷ  hệ thống chính uỷ.Đảng ủy được chỉ định làm nhiệm vụ lãnh đạo, hướng dẫn và đoàn kết trong binh lính, truyền đạt chỉ thị và mệnh lệnh tới các tổ chức đảng cấp dưới và đảm bảo rằng binh lính thực hiện các lệnh đó. Dưới sự lãnh đạo của đảng uỷ, một cơ quan ra quyết định tập thể được thành lập trong đó các chỉ huy quân sự và chính ủy cùng chia sẻ trách nhiệm đối với công việc của đơn vị mình. Đảng uỷ thảo luận và đưa ra tất cả các quyết định quan trọng, trừ trường hợp trong tình huống chiến thuật và cấp bách.
Dưới sự lãnh đạo tập thể của đảng uỷ, một hệ thống chỉ huy kép cho các chỉ huy quân sự và chính ủy cấp bậc ngang nhau. Chỉ huy quân sự chịu trách nhiệm về tất cả các vấn đề quân sự, trong khi chính ủy thường là bí thư đảng ủy, phụ trách việc đề bạt, an ninh, tuyên truyền, dịch vụ công cộng, và làm công tác tư tưởng. Các nguyên tắc cơ bản của công tác chính trị (sự thống nhất giữa sĩ quan và chiến sĩ, sự thống nhất giữa quân đội và nhân dân, và (do đó) phân hoá lực lượng địch) làm thành cơ sở chính trị cho việc đoàn kết binh lính và đánh bại kẻ thù. Từ kinh nghiệm có được từ thập niên 1920, lãnh đạo ĐCSCS và quân đội Trung Quốc tin rằng hệ thống công tác chính trị đóng một vai trò có ý nghĩa trong việc đảm bảo cho binh sĩ trung thành với ĐCSTQ và trong việc trang bị cho binh lính đủ động lực cho việc nâng cao hiệu quả chiến đấu.
Các lực lượng do ĐCSTQ lãnh đạo gồm ba thành phần cơ bản: lực lượng chính quy, lực lượng địa phương, và dân quân tự vệ. Lực lượng chính quy không bị giới hạn về địa bàn hoạt động, trong khi lực lượng địa phương và dân quân bị giới hạn trong địa phương mình. Do đó, năm này qua năm khác, lực lượng địa phương và dân quân hình thành hệ thống quan hệ xã hội sâu rộng trong địa bàn mình và chuyển chúng thành những hiểu biết chi tiết về điều kiện địa phương và do đó về cách tiến hành các hoạt động ở đó như thế nào.
Vào cuối năm 1948, sau khi có sự phát triển đáng kể lực lượng cộng sản trong những năm cuối cùng của cuộc nội chiến. CMC tổ chức lại binh lính thành bốn quân đoàn*. Vào lúc mà nước CHNDTH thành lập, quân đoàn 1 dưới quyền nguyên soái Bành Đức Hoài và nguyên soái Hạ Long, đã thiết lập một sự hiện diện mạnh mẽ ở vùng bắc và tây bắc Trung Quốc. Quân đoàn 2, dưới quyền nguyên soái Lưu Bá Thừa và Đặng Tiểu Bình, thống trị vùng trung tâm và tây nam Trung Quốc. Quân đoàn 3, dưới quyền nguyên soái Trần Nghị và đại tướng Túc Dụ, chiếm đóng vùng đông Trung Quốc. Cuối cùng, quân đoàn 4, dưới quyền Lâm Bưu, phụ trách vùng đông bắc đến nam Trung Quốc. Quân đoàn đã trở thành một tổ chức mà với nó cá nhân binh lính được xác định. Sự trực thuộc cá nhân này cũng như thâm niên công tác của binh lính trong một đơn vị cụ thể cũng đã đặt nền móng cho mối quan hệ ‘anh cả-đàn em’ quý giá giữa quan chức cấp cao và thuộc hạ tin cậy và cho việc nuôi dưỡng óc phe phái ít mong muốn trong chính sách về lãnh đạo. Những di sản và đặc điểm có tính thể chế này, ăn sâu trong PLA cho tới năm 1979, đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới quyết định của Trung Quốc đi đến chiến tranh chống Việt Nam.
Vạch kế hoạch xâm lược
Gerald Segal cho rằng động cơ chính của Trung Quốc trong tấn công Việt Nam là kiềm chế tham vọng và sự xâm lược của Việt Nam ở Đông Nam Á, ngăn chặn mối đe dọa Việt Nam đối với an ninh quốc gia Trung Quốc và phơi bày chỗ yếu của Liên Xô. Tuy nhiên, tính toán về chính trị tồi qua việc cố tạo ra một chiến lược để trừng phạt Việt Nam, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đã thật sự đặt mình trong một vị thế không thể thắng được— đó là, một vị thế trong đó Trung Quốc không bao giờ có cơ hội thành công. Ý định Trung Quốc nêu công khai là “dạy cho Việt Nam một bài học” đã tạo ra một ấn tượng sai lệch rằng mục đích chính của cuộc chiến chỉ đơn giản là một “hành động trả thù”. Ấn tượng này là không thích hợp vì cuộc tấn công hầu như không phải bất chợt hay chỉ đơn thuần để trả thù. Ngay từ đầu, Bắc Kinh đã hạn chế nghiêm ngặt các mục tiêu, thời gian và phạm vi, và tiến hành chiến tranh tránh vượt hơn một cuộc xung đột biên giới giữa hai nước. Tuy nhiên, sau khi Việt Nam xâm lược Campuchia, CMC mở rộng mục tiêu gồm cà việc xâm lược vùng Tây Bắc Việt Nam.
Dù thực tế hay không, mưu đồ này đã tiết lộ rằng rất nhiều suy nghĩ đã dành cho việc thào ra kế hoạch cũng như cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang quyết ăn thua đủ, có vẻ chẳng màn cái giá phải trả giá là gì. Ngoài ra, kế hoạch này phản ánh tác dụng điều hòa của lãnh đạo ĐCSTQ đối với nỗi căm giận sôi sục của PLA. Sĩ quan PLA muốn sử dụng vũ lực để đánh mạnh vào Việt Nam, mà theo họ không khác gì hơn một cựu đồng minh phản bội phải bị trừng phạt. Thay vì đưa cho quân đội một khuôn khổ không gò bó để thực hiện sự trừng phạt mong muốn bên trong đó, các nhà lãnh đạo ĐCSTQ giới hạn hoạt động của quân đội cả về thời gian lẫn không gian qua việc chỉ đạo các lãnh đạo quân sự tại Quảng Châu và Côn Minh lập ra một chiến lược hoạt động có thể đáp ứng các mục tiêu chiến lược của lãnh đạo ĐCSTQ. Các nhà hoạch định quân sự địa phương lo ngại về mức độ mà theo đó mục tiêu về giảng dạy Việt Nam một bài học thực sự có thể đạt được hoặc thậm chí được đo đếm được đến đâu.
Thoạt đầu, CMC yêu cầu Quân khu Quảng Châu cho hai đại đoàn* (41 và 42) và một sư đoàn (129 thuộc đại đoàn 43) tấn công lực lượng Việt Nam ở khu vực Cao Bằng, trong khi hai đại đoàn khác (43 và 55) sẽ tham gia trong các cuộc tấn công nghi binh nhắm vào Đồng Đăng và Lộc Bình trước cuộc tấn công cuối cùng vào Lạng Sơn. Quân khu Côn Minh được lệnh phải sử dụng hai đại đoàn (13 và 14) để tiêu diệt một sư đoàn Việt Nam tại Lào Cai cũng như các đơn vị địa phương khác gần biên giới Vân Nam. CMC có vẻ cho các chỉ huy khu vực quyền tự chủ hoạt động nhưng vẫn giữ quyền quyết định về thời gian và không gian của cuộc chiến dưới sự chỉ huy của lãnh đạo trung ương ở Bắc Kinh. Đặng Tiểu Bình kiên quyết né tránh tình trạng cuộc xâm lược xoay thành một vũng lầy cho Trung Quốc.
Theo tướng Chu Đức Lễ (Zhou Deli/周德礼)  thì tướng Hứa Thế Hữu (Xu Shiyou/许世友), tư lệnh Quân khu Quảng Châu và là chiến binh cũ của PLA, đã nhận nhiệm vụ lập kế hoạch ngày 9 tháng 12 năm 1978 và sau đó bắt đầu xem xét chiến lược quân sự chống Việt Nam. Ông nghĩ ngay đến một cuộc tấn công bất ngờ áp đảo vào quân đội Việt Nam, nắm thế chủ động và ngăn không cho Việt Nam khôi phục sức mạnh. Dựa trên kinh nghiệm chiến đấu của mình, Hứa Thế Hữu đề xuất kế hoạch được biết như là niudao shaji (牛刀杀鸡 [ngưu đao sát kê]: dùng dao mổ trâu giết gà), một mô tả gợi hình về bạo lực khổng lồ. Là một học trò của Mao về cách tiếp cận chiến tranh, Hữu tin rằng cách tiếp cận này áp dụng thích đáng học thuyết của Mao về tiến hành cuộc chiến tranh hủy diệt. Có ba thành phần: (1) tập trung đánh vào các bộ phận phòng thủ trọng yếu của địch nhưng không vào điểm mạnh của địch, (2) sử dụng lực lượng và hỏa lực áp đảo để đè bẹp sự phòng vệ của địch vào thời điểm mở trận và (3) đánh nhanh và sâu vào tim của địch. Bằng cách này, Hữu dự kiến rằng PLA sẽ cắt hàng phòng thủ của đối phương ra manh mún và sau đó tiêu diệt các lực lượng đã nhắm trước từng mảng một.
Ngày 11 tháng 12 năm 1979, Hữu triệu tập cuộc họp chiến tranh đầu tiên. Những người tham gia bao gồm các phó tư lệnh, phó chính trị ủy, tham mưu trưởng, giám đốc chính trị, giám đốc hậu cần, và các chỉ huy và chính ủy của đại đoàn 41, 42 và 55 thuộc Quân khu Quảng Châu. Tại cuộc họp, các đại đoàn 41 và 42  được chỉ định thực hiện một cuộc tấn công theo hai hướng vào Cao Bằng, trong khi đại đoàn 55 sẽ phát động các cuộc tấn công vào Lạng Sơn. Do Quân khu Quảng Châu không có đủ quân, CMC chuyển đại đoàn 43 từ Quân khu Vũ Hán thành quân dự bị của Hữu.
Sau khi tướng Lễ công bố nhiệm vụ, các đại biểu nêu ra nhiều câu hỏi vì binh sĩ của họ chưa từng tham gia vào các hoạt động lớn như vậy trong nhiều năm. Vấn đề chính là làm sao để vận chuyển binh lính— đặc biệt là hai đại đoàn và hai sư đoàn pháo binh ở khu vực Quảng Đông— từ doanh trại tới biên giới ở Quảng Tây vào cuối tháng 12. Rất ít người có kiến thức và kinh nghiệm sắp xếp một cuộc di chuyển quân đội có quy mô lớn như thế, đặc biệt là trong điều kiện phương tiện giao thông vận tải hạn chế. Một vấn đề bức xúc là tất cả các đơn vị tham gia vào cuộc xâm lược đều thiếu quân số và thiếu trang bị. Những người tham dự tại cuộc họp đồng ý rằng sẽ không để lại quá 5 % quân số ở phía sau và yêu cầu tất cả binh sĩ chuẩn bị để chiến đấu với trang bị có trong tay. Cuối cuộc họp, Hữu kêu gọi các sĩ quan cao cấp làm gương bằng cách thay đổi thói quen làm việc từ chế độ thời bình sang thời chiến— phải hành động nhanh chóng và đúng giờ và làm việc cật lực. Ông nói rõ rằng ông sẽ trừng phạt những ai không hoàn thành công việc của mình. Sau đó, Hũu yêu cầu các đại biểu đi tới binh sĩ và giúp họ chuẩn bị cho cuộc xâm lược.
Hữu đã từng là tư lệnh Quân khu Nam Kinh (quân đoàn 3) 18 năm trước khi nắm quyền chỉ huy Quân khu Quảng Châu vào năm 1973, khi Mao Trạch Đông ngày càng trở nên lo lắng về sự trung thành của các chỉ huy quân sự trong quân khu của ông. Do Hữu được bàn giao lại hầu hết các cấp phó và binh lính thuộc quân đoàn 4, nhiều người trong số họ không thấy thoải mái với phong cách lãnh đạo của ông. Sau cuộc họp, tham mưu trưởng Chu Đức Lễ cảm thấy cần phải tổ chức họp những người đứng đầu bộ phận của mình để thảo luận chi tiết về việc làm thế nào để triển khai quân tới khu vực biên giới. Vì lí do an ninh, Hữu yêu cầu tham mưu trưởng của ông thảo luận về phân công và mục tiêu nhiệm vụ với từng bộ phận một cách riêng biệt.
Đặng Tiểu Bình dường như không tin cậy ban lãnh đạo Quân khu Quảng Châu, vì lúc đó việc thanh lọc những người ủng hộ bè lũ bốn tên đang được tiến hành. Hầu hết các cán bộ cao cấp đều là thuộc cấp của nguyên soái Lâm Bưu vốn bị cáo buộc đảo chính Mao bất thành và sau đó chết trong một tai nạn máy bay tháng 9 năm 1971 ở sa mạc Mông Cổ, Lâm Bưu sau đó bị kết án phản quốc và bị gán là kẻ chủ mưu một loạt các cuộc thanh trừng chính trị đối với nhiều lãnh đạo ĐCSTQ và PLA— trong đó có Đặng— trong cuộc Cách mạng Văn hóa. Đầu tháng 12, một trong những thuộc hạ lâu năm của Đặng Tiểu Bình thuộc quân đoàn 2, Lưu Xương Nghĩa (Liu Changyi/刘昌义), được bổ nhiệm làm cấp phó của Hữu để chỉ huy cuộc chiến, mặc dù ông đã có 5 phó tư lệnh rồi. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm này không làm cho Hữu cảm thấy khó chịu, vì đã từng quen biết Nghĩa từ ngày họ ở trong Hồng quân. Tuy nhiên, việc thiếu các quan hệ cá nhân giữa binh lính và chỉ huy sẽ dẫn đến những than phiền về phong cách lãnh đạo của Hữu khi các hoạt động không theo đúng dự kiến.
Ngày 21 tháng 12, Quân khu Quảng Châu thành lập bộ chỉ huy tiền phương trong một hầm kho của không quân gần Nam Ninh, thủ phủ của khu tự trị Quảng Tây, vì các cuộc tấn công sẽ được phát ra từ ba hướng từ phía Quảng Tây. Bộ chỉ huy gồm bảy nhóm chức năng: tổng hành dinh (Nhóm 1), ban chính trị (nhóm 2), ban hậu cần (Nhóm 3), pháo binh (nhóm 4), công binh (nhóm 5), không quân (Nhóm 6), và hải quân (Nhóm 7). Sĩ quan được chia thành ba nhóm, mỗi nhóm trợ giúp các hoạt động của một hướng tấn công. Trong hồi kí của mình, tướng Lễ cho rằng cấu trúc chỉ huy này là hiệu quả cho việc chỉ đạo một nhóm quân, như vậy tránh được sự hỗn loạn trong suốt chiến dịch.
Ngày 5 tháng 1 năm 1979, các thành viên của bộ chỉ huy tiền phương Quảng Châu đã tổ chức cuộc họp chiến tranh thứ hai ở Nam Ninh. Ngoài những người tham dự cuộc họp lần đầu, tham dự bây giờ có thêm sĩ quan cao cấp của không quân và hải quân cũng như các nhà lãnh đạo ĐCS địa phương. Sau khi xem xét kế hoạch hoạt động sơ bộ, các đại biểu đề nghị một số thay đổi. Kế hoạch cuối cùng chia chiến dịch thành hai giai đoạn: đầu tiên, hai đại đoàn sẽ được sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công vào Cao Bằng, và sau đó một đại đoàn đoàn sẽ chiếm lấy Lạng Sơn. Kế hoạch cũng đòi hỏi có hai sư đoàn tung vào hậu phương của địch, để bao vây Cao Bằng từ phía tây và phía nam. Tổng tham mưu PLA chấp nhận kế hoạch, khuyến nghị huấn luyện bổ sung, và chỉ thị cho các đơn vị được giao nhiệm vụ thâm nhập sâu càng mang nhiều đạn càng tốt, thậm chí bằng cách giảm bớt các thứ dự phòng khác còn không quá ba ngày. Ngày 5 tháng 2, những người tham dự cuộc họp thứ ba đề nghị rằng phải đồng thời mở các cuộc tấn công vào Đồng Đăng, cửa ngõ đi Lạng Sơn, một khi trận đánh chiếm Cao Bằng bắt đầu. Hữu chấp thuận sửa đổi cuối cùng này. Do PLA chỉ có kiến thức hạn chế về quân đội và điều kiện tự nhiên xã hội địa phương của Việt Nam, Chu Đức Lễ sau đó nhận ra rằng kế hoạch đã có kẽ hở ngay từ đầu. Nếu không thì chiến dịch quân sự tiếp theo sẽ bảo đảm nhiều chiến thắng hơn.
Không có hồi ức cá nhân tương tự như của Chu Đức Lễ cho biết các thông tin về cách Quân khu Côn Minh chuẩn bị cho hành động của họ. Hiên nay chúng ta mới biết rằng có một sự thay đổi về lãnh đạo xảy ra trên mặt trận Vân Nam, và kế hoạch tấn công Điện Biên Phủ đã bị hủy bỏ. Ngày 7 tháng 1 năm 1979, Dương Đắc Chí (Yang Dezhi/杨得志) thay thế Vương Tất Thành (Wang Bicheng/王必成), vốn cũng từ quân đoàn 3 nhưng không có quan hệ tốt với chỉ huy tại Quảng Tây. Tuy nhiên, bốn ngày sau khi quân đội Trung Quốc từ Vân Nam xâm lược Việt Nam, Chí được đưa nhanh đến bệnh viện ở Bắc Kinh với bệnh chảy máu dạ dày nghiêm trọng. Như vậy, chiến dịch được Vương Tất Thành vạch kế hoạch lúc ban đầu nhưng lại do hai cấp phó của Chí thực hiện với sự trợ giúp của một đội ngũ sĩ quan của Bộ Tổng tham mưu PLA. Tuy nhiên, sẽ gây hiểu nhầm khi khẳng định rằng chọn Chí làm lãnh đạo quân sự tốt hơn chọn Hữu.
Từ ngày 8 tới ngày 10 tháng 1, Quân khu Côn Minh đã tổ chức các cuộc họp lập kế hoạch cho cuộc xâm lược. Các đại đoàn 13 và 14 sẽ tấn công một sư đoàn chính quy Việt Nam tại khu vực Lào Cai và Cam Đường và sau đó tìm cách tấn công một sư đoàn Việt Nam ở khu vực Sa Pa. Đại đoàn 11 sẽ tiến hành hoạt động độc lập ở khu vực Phong Thổ. Một bộ chỉ huy tiền phương đã được thiết lập tại Khai Nguyên (Kaiyuan), một thị trấn quê giữa Côn Minh và thị trấn biên giới Hà Khẩu. Các hoạt động liên quan tới tổng cộng ba đại đoàn, cùng với các đơn vị pháo binh, xe tăng, công binh, và các đơn vị độc lập (150 000 quân). Một bộ chỉ huy phía tây được lập ra để chỉ đạo đại đoàn 50 và 54 khi họ tiến hành hoạt động thọc sườn tây bắc Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi các lực lượng vũ trang Việt Nam chiếm đóng hầu hết Campuchia vào giữa tháng 1, các lãnh đạo ĐCSTQ hủy bỏ chiến dịch này và tái triển khai hai đại đoàn này (ngoại trừ một sư đoàn thuộc đại đoàn 50) tới mặt trận Quảng Tây làm quân dự bị. Không có nguồn nào nói về sự phối hợp giữa hai quân khu: họ đã tiến hành các cuộc tấn công một cách độc lập.
Triển khai và chuẩn bị
Giữa tháng 12 năm 1978, các đại đoàn của Quân khu Quảng Châu và Côn Minh bắt đầu triển khai tới vị trí dọc theo biên giới với Việt Nam. Quân lính chuyển tới bằng đường bộ, trong khi thiết bị nặng và nguồn tiếp tế đến bằng đường sắt. Các đơn vị công binh xây dựng 3 cầu phao trên hai con sông chính ở Quảng Đông. Tổng cộng có hơn 168 100 quân cùng với 7 087 tấn nguyên liệu được vận chuyển từ Quảng Đông đến mặt trận. Bốn đại đoàn từ quân khu khác đi xe lửa tới các điểm đến ở Quảng Tây và Vân Nam. Đại đoàn 13— có tổng cộng 35 000 quân, cùng với 873 khẩu pháo, 1 950 xe, và trang thiết bị khác— đi 1. 00 km từ Trùng Khánh, tỉnh Tứ Xuyên, bằng 90 chuyến xe lửa.
Mặc dù PLQ di chuyển vào ban đêm, giao thông đường sắt và đường bộ nặng tãi như thế đã phá vỡ lịch trình xe lửa bình thường và khơi gợi sự tò mò của nhiều người qua đường và khách du lịch. Tất cả các xe đều sử dụng biển số tỉnh Quảng Tây để che giấu nguồn gốc, và quân lính tắt sóng vô tuyến trong thời gian triển khai quân. Các hậu cứ vận hành các máy phát sóng của họ theo lịch thường xuyên để đánh lừa tình báo Việt Nam và các nước khác. Đến cuối tháng, tất cả các đại đoàn của Quân khu Quảng Châu, trong đó có đại đoàn 43 từ Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, thuộc quân khu Vũ Hán, đã vào vị trí của họ gần biên giới. Chu Đức Lễ sau này nhớ lại rằng các hoạt động chuyển quân đã được hoàn thành đúng tiến độ. Chỉ có một tai nạn xảy ra, làm một khẩu pháo bị hư hỏng và hai binh sĩ bị thương.
Theo tướng Lễ, lực lượng không quân và hải quân cũng đã triển khai quân cùng một lúc. Mười ba trung đoàn không quân cộng thêm 6 nhóm bay, cùng với các đơn vị phục dịch, đơn vị pháo phòng không (AAA) và tên lửa đất-đối-không (SAM), đã được đưa đến các sân bay ở Quảng Tây, gần biên giới. Hệ thống chỉ huy và kiểm soát không quân ở hai tỉnh này chưa đáp ứng được yêu cầu. Mặc dù chỉ huy thống nhất là trọng yếu để hoạt động quân sự có hiệu quả trong chiến lược quân sự, hai bộ chỉ huy không quân tiền phương lại được lập ra theo hệ thống quân khu hiện có: tư lệnh không quân quân khu Vương Hải (Wang Hai/王海) được giao phụ trách ở Quảng Tây, và Hầu Thư Quân (Hou Shujun/侯书), giám đốc bộ chỉ huy không quân quân khu Côn Minh nắm quyền chỉ huy ở Vân Nam.
Để tránh leo thang xung đột, lãnh đạo ĐCSTQ giới hạn việc sử dụng không lực trong lãnh thổ Trung Quốc, ra lệnh cho các đơn vị không quân sẵn sàng yểm trợ cho các hoạt động trên bộ của PLA “nếu cần.” Tuy nhiên, lãnh đạo không đưa ra định nghĩa rõ ràng về tình thế “cần thiết” là gì hay nó có thể xảy ra khi nào; thay vào đó, các lãnh đạo bắt buộc rằng bất kì hoạt động nào ngoài không phận của Trung Quốc phải được CMC cho phép. Dựa trên nguyên tắc này, Không quân PLA (PLAAF) đề ra một chiến lược yêu cầu các đơn vị của mình sẵn sàng cung ứng cả phòng không lẫn yểm trợ mặt đất bất cứ lúc nào và thực hiện càng nhiều phi vụ càng tốt trên vùng trời biên giới để ngăn chặn lực lượng không quân Việt có hành động chống lại Trung Quốc. Các đội điều hành không quân đã được phái đến các bộ chỉ huy tiền phương của cả hai quân khu, và các nhóm hướng dẫn mục tiêu đã được gắn vào ban chỉ huy đại đoàn và sư đoàn trên bộ.
Hải quân Trung Quốc (PLAN) đã triển khai một tổ công tác, có phiên hiệu là đội hình 217, gồm hai tàu khu trục tên lửa, một nhóm tàu tên lửa, một nhóm tàu phóng ngư lôi, và một nhóm tàu săn đuổi, đến quần đảo Hoàng Sa và các cảng ở Quảng Tây để chuẩn bị tấn công Hải quân Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ. Các đơn vị không quân của hải quân trên đảo Hải Nam đã được chỉ định canh chừng các hoạt động của hải quân Liên Xô ở Biển Đông. Trong trường hợp phải chiến đấu chống lại các tàu tuần dương của Liên Xô, PLAN đã thông qua một chiến lược phòng thủ sử dụng các đảo và bờ biển để che dấu tàu mang tên lửa, cho phép chúng phóng ra các cuộc tấn công bất ngờ từ vị trí ẩn nấp.
Do không có đụng độ trên biển thực sự xảy ra trong suốt cuộc xâm lược, rất khó để xác định xem chiến lược chống tàu Liên Xô này có kết quả hay không. Tuy nhiên, các báo cáo sau khi hành động của Tổng cục Chính trị Hạm đội Nam Hải đã thừa nhận rằng kĩ năng trên biển là không chuyên nghiệp vào thời điểm đó và chỉ có 20% quả đạn do các đội súng bắn ra là trúng mục tiêu khi huấn luyện. Một sự cố khác cũng cho thấy phối hợp của các tàu trong đội tàu rất tệ hại. Theo báo cáo, trong một cuộc tập trận, có một tín hiệu viên phát tín hiệu sai làm toàn bộ đội hình bị rối loạn.
Ban lãnh đạo quân khu ngày càng quan ngại về bí mật hành quân, đặc biệt là vấn đề rò rỉ thông tin việc chuyển quân về phía khu vực biên giới Quảng Tây. Tướng Hữu cảm thấy khó chịu khi biết rằng việc ông có mặt ở thủ phủ tỉnh Quảng Tây vốn phải giữ bí mật lại bị các nhà báo nước ngoài loan tin. Ông còn thấy đáng báo động hơn nữa khi biết rằng các tuyến đường sắt giữa Trung Quốc và Việt Nam vẫn hoạt động theo lịch trình bình thường, và giao thương xuyên biên giới giữa hai bên vẫn tiếp tục. Trong cả hai trường hợp này, tình báo Việt Nam có thể thu được thông tin về việc chuyển quân của Trung Quốc ở khu vực biên giới. Hữu yêu cầu chính quyền Quảng Tây lập tức dừng ngay tất cả các hoạt động thương mại biên giới và đóng cửa biên giới. Ông cũng yêu cầu Bắc Kinh đóng hoạt động đường sắt giữa hai nước và trục xuất các nhân viên đường sắt Việt Nam khỏi thị trấn biên giới Bằng Tường. Bắc Kinh chấp thuận yêu cầu này. Vào ngày 26 tháng 12 biên giới Quảng Tây-Việt Nam đã đóng cửa khi quân lính bắt đầu đến khu vực tập kết gần đó. Dù loạt sáng kiến này chắc chắn giải quyết vấn đề trước mắt của ông, nhưng những hành động đó tự nó cũng đã làm chính quyền Việt Nam cảnh giác với hiện tình hành động quân sự của Quảng Tây.
Lực lượng PLA đã không tham gia vào các hành động quân sự quy mô lớn như vậy trong hơn hai thập ê. Bộ chỉ huy tiền phương Quân khu Quảng Châu ban hành một chỉ thị chi tiết yêu cầu binh lính phải thật chú ý đến 5 vấn đề khi họ chuẩn bị cho cuộc xâm lược. Thứ nhất, tất cả các binh sĩ cần phải làm các công trình phòng thủ và ngụy trang xe cộ, khí tài đề phòng khả năng bị Việt Nam tấn công bất ngờ từ trên không và trên bộ. Thứ hai, chỉ huy các cấp cần phải tự làm quen với kẻ thù và với điều kiện địa lí ở miền bắc Việt Nam dọc theo biên giới Trung Quốc và bắt đầu thu thập thông tin về mục tiêu cho pháo binh. Thứ ba, tất cả các lực lượng cần phải tăng sức mạnh tối đa của các đơn vị mình và duy trì vũ khí và trang bị trong tình trạng tốt. Thứ tư, tất cả các đơn vị cần phải thực hành bảo mật thông tin tốt, đặc biệt là các lệnh phân công phải đưa ra trực tiếp thay vì qua điện thoại hay vô tuyến. Cuối cùng, tất cả các đơn vị cần phải huấn luyện lính mới ném lựu đạn và bắn súng máy và lập kế hoạch hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu của họ.
Chỉ thị này phản ánh một số vấn đề nhức nhối mà PLA phải đối đầu ngay trước ngày xâm lược. Nghiêm trọng nhất, các lực lượng của họ còn xa mới sẵn sàng cho chiến dịch; thật sự là họ vẫn chưa hoàn toàn có đủ quân số và trang bị. Trong nhiều năm qua, lực lượng bộ binh của PLA đã duy trì một cơ cấu tổ chức theo thời bình: trong mỗi đại đoàn, chỉ có một sư đoàn loại A (jia zhong shi /甲种师 [giáp chủng sư] hoặc quan zhuang shi /全装师[toàn trang sư]) – được giữ đầy đủ biên chế, trong khi có hai sư đoàn loại B (yi zhong shi /乙种师 [ất chủng sư] hay jian bian shi /简编师 [giản biên sư]) – đều dưới mức biên chế. Chính quyền địa phương đã tiến hành làm hai bản dự thảo thời chiến. Với sự thiếu hụt lính cũ, bản dự thảo thứ hai đặc biệt gọi nhập ngũ các dân quân đã được huấn luyện tốt và các cựu binh. Chỉ riêng ở tỉnh Quảng Đông, gần 400 000 thanh niên đã đáp ứng lệnh gọi. Tổng cộng có 15 000 tân binh đã được dự kiến và 1 512 binh sĩ xuất ngũ đã được huy động lại. PLA cũng nhanh chóng đề bạt cán bộ để lấp chỗ trống lãnh đạo ở mọi cấp. Cán bộ chuyên ngành từ quân khu khác cũng đã được chuyển giao các công việc kĩ thuật về pháo binh, công binh, thông tin liên lạc, xe tăng, và các đơn vị chống chiến tranh hóa học.
Đại đoàn 42 đã thăng cấp 11 sĩ quan lên thành cán bộ chỉ huy cấp sư đoàn và 82 sĩ quan lên cấp trung đoàn, trong khi đại đoàn 55 tiến cử 15 cá nhân thành lãnh đạo sư đoàn và 76 làm lãnh đạo trung đoàn. Để lắp đầy vị trí lãnh đạo ở cấp trung đội, đại đoàn 42 phong 1 045 người thành sĩ quan vào đêm trước của cuộc xâm lược. Đại đoàn 13 nhận được 15 381 tân binh, trong đó 11 874 là lính nghĩa vụ mới. Những số liệu thống kê này cho thấy các vấn đề về huấn luyện mà PLA phải đối mặt khi chuẩn bị cho chiến tranh.
Huấn luyện quân trước khi đánh nhau
Trong cuốn sách của mình, tướng Chu Đức Lễ sử dụng thành ngữ “lâm trận ma đao” (linzhen modao/临阵磨刀: ra trận mới mài gươm – chỉ bắt đầu chuẩn bị cho chiến tranh vào giờ chót), gợi ra rằng PLA đang ở trong tình trạng rất lúng túng vào thời điểm đó. Quả thật là vào năm 1978, chỉ có 42 % các đơn vị quân đội là có trãi qua huấn luyện quân sự. Lực lượng không quân có khoảng 800 phi công là có thực tập bắn và đánh bom, nhưng chỉ 1 % đánh trúng mục tiêu.
Nhưng tình hình thực tế của PLA thậm chí còn bi đát hơn. Tướng Trương Chấn (Zhang Zhen/张震), chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, kiểm tra việc chuẩn bị chiến tranh trên mặt trận Quảng Tây vào giữa tháng 1 năm 1979, thấy lực lượng PLA có rất nhiều vấn đề, cho thấy một sự thiếu thốn nghiêm trọng trong chuẩn bị chiến đấu. Theo hồi kí của ông, đại đội 2  thuộc trung đoàn 367, đại đoàn 41 có 117 lính, trong đó 57 là tân binh. Trong hơn hai tuần huấn luyện, 44 lính đã có 3 buổi thực hành bắn, 41 có 2 buổi, và số còn lại chỉ có 1 buổi. 33 lính được huấn luyện về chiến thuật tấn công theo đội hình, nhưng không được huấn luyện chiến thuật phòng thủ vì không có sĩ quan nào biết làm điều đó. Tướng Chấn khuyên mỗi sư đoàn nên thiết lập một bãi đất có thể được sử dụng để huấn luyện các đơn vị hoạt động ở cấp độ tiểu đội cũng như ở cấp đại đội và tiểu đoàn. Các học viên sẽ tập trung vào cách bộ binh cùng với các đơn vị pháo binh và xe tăng tấn công. Đặc biệt các đơn vị bộ binh cần được dạy cách gọi yểm trợ hoả lực. Tướng Chấn hứa rằng Tổng cực Hậu cần sẽ dành 10 000 nhân dân tệ để mỗi sư đoàn có thể xây dựng một bãi huấn luyện như thế.
Dựa trên những khuyến nghị này, binh lính đã bắt đầu tự huấn luyện bản thân theo như nhiệm vụ được giao. Sư đoàn 121, được chỉ định thực hiện nhiệm vụ thâm nhập sâu vào Việt Nam, tập trung vào việc làm cách nào để di chuyển qua các khu rừng và những đường mòn trên núi chống địch phục kích và sau đó làm cách nào để tấn công các vị trí địch trên đỉnh đồi. Ít nhất 3 lính thuộc mỗi đại đội được huấn luyện để đọc bản đồ. Sư đoàn tổ chức 3 cuộc tập trận trong điều kiện môi trường tương tự như ở miền bắc Việt Nam để dạy cho binh lính quen di động với rất ít nghỉ ngơi và thực phẩm. Sư đoàn 163 được giao thực hiện các cuộc tấn công trực diện vào các vị trí cố thủ của địch, tập trung vào việc huấn luyện từng cá nhân binh sĩ và tiểu đội về chiến thuật chiến đấu cũng như tiến hành các bài tập bắn đạn thật ở cấp trung đội, đại đội, và tiểu đoàn.Sư đoàn thực hiện các cuộc tập trận chung với một tiểu đoàn bộ binh cùngg với đơn vị pháo binh và xe tăng.
Nỗ lực huấn luyện tuyệt vọng vào phút chót như vậy, dù có ích phần nào, tiếc thay rất là không đầy đủ bởi vì có quá nhiều tân binh và quá nhiều người trong số họ là nông dân. Mặc dù mục tiêu là dạy kĩ năng quân sự, hầu hết các binh sĩ chỉ hoàn thành 1 hoặc 2 lần thực hành thật ở sân bắn và chỉ 1 lần thực hành ném lựu đạn thật. Rất ít đơn vị thực hiện các bài tập huấn luyện chiến thuật nghiêm túc ở cấp trung đoàn hoặc sư đoàn. Nhiều sĩ quan báo cáo rằng họ vẫn chưa chắc chắn về khả năng chiến đấu của binh lính khi trận chiến bắt đầu. Nói tóm lại, đội quân xâm lược của PLA thiếu huấn luyện và chuẩn bị chưa thoả đáng cho một cuộc chiến tranh hiện đại chống lại quân đội VN. Thành quả kém cỏi ở chiến trường tiếp sau đó của PLA đã được gán cho việc thiếu huấn luyện hơn là sức mạnh và kinh nghiệm chiến đấu 25 năm của Việt Nam.
Sửa chữa và bảo trì các loại vũ khí và trang thiết bị là vấn đề dai dẳng khác cho lực lượng vũ trang PLA. Từ năm 1975, Đặng Tiểu Bình đã kêu gọi cải thiện chất lượng thiết bị, vật tư của PLA, nhưng dường như không có thay đổi đáng kể nào đã được thực hiện. Các chuyên gia quân sự tin rằng việc phục vụ hậu cần bền vững sẽ bảo đảm thành công quân sự. Tướng Trương Chấn nhớ lại rằng vấn đề tồi tệ nhất ông gặp phải là đạn dược với số lượng thiếu thốn và chất lượng kém. Kiểm tra ban đầu cho thấy rằng một số đạn pháo bị lép, và một phần ba của toàn bộ số lựu đạn không nổ. Học viên từ trường quân khí đã được điều đến giúp các kho của đại đoàn kiểm tra toàn bộ hàng tồn kho. Tổng cục Hậu cần cũng khẩn trương ra lệnh cho các ngành công nghiệp quốc phòng tăng cường sản xuất — đặc biệt là đạn pháo cỡ lớn, tên lửa, đạn xuyên thép.
Nguồn cung cấp dầu cũng là một mối quan tâm của Tổng cục Hậu cần. Không những hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam đều xa cơ sở công nghiệp dầu khí của Trung Quốc ở phía đông bắc và tây bắc mà nhu cầu về dầu mỏ sẽ tăng mạnh nếu Liên Xô trả đũa lại việc tấn công vào Việt Nam. Ngoài ra, miền nam Trung Quốc cũng đang thiếu thốn các cơ sở chứa dầu. Do các cơ sở dầu ngoài trời có thể bị tấn công dễ dàng, Tổng cục Hậu cần đề nghị sử dụng vô số hang karst ở Quảng Tây để chứa nhiên liệu. Hơn 428 km đường ống dẫn tạm thời đã được đặt để cung cấp nhiên liệu cho bốn sân bay ở Vân Nam. Mỗi đại đoàn nhận được sự trợ giúp từ một trung đoàn xe ô tô để đảm bảo rằng binh sĩ nhận được hàng tiếp tế, nhưng từ giữa tháng 1, hàng tấn hàng tiếp tế vẫn còn chất đống tại trụ sở sư đoàn, khiến Tổng cục Hậu cần phải vội vả điều thêm 3 trung đoàn ô tô từ quân khu Nam Kinh và Phúc Châu tới. Trong nỗ lực đầu tiên của mình vào lúc các hoạt động quân sự đang tiến hành với một số lượng đáng kể các thiết bị kĩ thuật, PLA đã phải tìm thêm các kĩ thuật viên dân sự để trợ giúp trong việc bảo trì ô tô, xe tăng, và máy móc khác. . Tuy nhiên, nhiều vấn đề hậu cần tiếp tục nổi lên, cản trở hoạt động của PLA một khi cuộc xâm lược bắt đầu.
Huy động về chính trị
Mặc dù nhu cầu về huấn luyện là cấp bách, PLA tiếp tục bài bản mà Mao đã chủ trương 40 năm trước— đó là ý tưởng cho rằng không thể thắng trong chiến tranh nếu không huy động về chính trị. Ngày 12 tháng 2 năm 1979, CMC đã ban hành lệnh nhấn mạnh tầm quan trọng của huy động về chính trị trong các hoạt động quân sự của PLA tại Việt Nam. Các nhà phân tích phương Tây phê phán quyết định này của PLA là dành “quá nhiều thời gian, năng lượng, và sự chú ý” cho công việc này trong khi lính Trung Quốc rất cần huấn luyện về kĩ thuật quân sự. Lời chỉ trích này bỏ qua tầm quan trọng lâu dài của việc huy động chính trị vốn đã trở thành thể chế và do đó được chấp nhận như nếp nghĩ trong chuẩn bị chiến tranh của PLA. Một đặc điểm đáng chú ý trong suốt lịch sử của PLA là số đông binh sĩ của họ là nông dân nghèo, mù chữ. Hệ thống tuyên truyền chính trị đã được lập ra để động viên họ cùng chiến đấu chống lại một kẻ thù mạnh mẽ, cho thấy nó tỏ ra có giá trị qua nhiều năm.
Tới năm 1979, PLA chỉ thay đổi chút ít; binh lính vẫn chủ yếu là dân quê, thất học, trang bị chưa đầy đủ và huấn luyện kém. Đồng thời, cuộc xâm lược Việt Nam của PLA đã không tương hợp với truyền thống văn hóa Trung Hoa vốn chỉ ủng hộ việc sử dụng vũ lực khi nào có thể biện minh được về mặt đạo đức. Ngay sau khi nhận được lệnh của Bắc Kinh, các lãnh đạo quân sự địa phương nhận thấy rằng quân đội Trung Quốc chưa được chuẩn bị tư tưởng tốt. Câu hỏi trước mắt là liệu Trung Quốc có nên tấn công một nước láng giềng nhỏ như Việt Nam. Theo Mạc Văn Hoa (Mo Wenhua/莫文骅), chính uỷ lực lượng xe bọc thép của PLA, lính Trung Quốc không có hiểu biết về tầm quan trọng của cuộc chiến tranh chống Việt Nam. Họ không những e ngại về sự can thiệp quân sự của Liên Xô và chính khả năng yếu kém có thể có của mình khó đánh bại Việt Nam mà còn lo lắng rằng chiến tranh sẽ gây bất lợi cho Bốn hiện đại hóa của Trung Quốc và các nước khác sẽ sử dụng nó để lên án Trung Quốc như một kẻ xâm lược.
Mặc dù Trung Quốc lấn áp về số lượng so với Việt Nam, lính Trung Quốc lo ngại rằng họ thiếu lợi thế về kĩ thuật đối với vũ khí do Nga chế tạo và thiết bị Mĩ mà Việt Nam thu được của chế độ Sài Gòn vào năm 1975. Phi công không quân của Trung Quốc đặc biệt quan ngại rằng J-6 của họ có thể không sánh được với MiG-21 của Việt Nam, nhiều chiếc lại do các phi công từng bay đánh trận với không quân và hải quân Mĩ lái. Ngoài ra, Việt Nam còn có tên lửa SAM rất mạnh đáng gờm, với đội điều khiển lành nghề từng thực hành tác chiến tốt trong phòng không. Khi chính phủ Trung Quốc ra lệnh xâm lược Việt Nam, có vẻ quân lính Trung Quốc rành rẽ về xây dựng và sản xuất nông nghiệp hơn là về điều khiển vũ khí.
Tin tưởng vào các quyết định của lãnh đạo trung ương và tuân theo các mệnh lệnh được coi là nền tảng cho chiến thắng. Ngày 12 tháng 12, Tổng cục Chính trị (GPD) ban hành hướng dẫn về động viên chính trị. Không giống quân đội phương Tây vốn phụ thuộc vào lương tâm nghề nghiệp và huấn luyện để đảm bảo binh lính làm đúng với nhiệm vụ của mình trong chiến tranh, quân đội Trung Quốc chọn cách tuyên truyền chính trị cho binh lính, cố gắng làm cho họ hiểu được tại sao phái chiến đấu và cuộc chiến có tầm quan trọng thế nào với họ. Dưới ảnh hưởng của triết lí Nho giáo, người Trung Quốc đã quen với việc tự xem mình như một người yêu chuộng hòa bình, không bạo lực hay bành trướng, và chỉ sử dụng vũ lực để tự vệ. Khái niệm về chiến tranh chính nghĩa, chính đáng đã thịnh hành trong xã hội Trung Quốc. Đối với lính Trung Quốc, truyền thống văn hóa này dường như dưng lên một rào cản cho việc nhận thấy một quốc gia láng giềng xã hội chủ nghĩa như là một kẻ thù nguy hiểm đang đe dọa an ninh quốc gia. Do đó, GPD kêu gọi tất cả mọi binh sĩ học tập các chỉ thị và các bài phát biểu của ban lãnh đạo ĐCSTQ cũng như các mệnh lệnh chiến tranh và chính trị của CMC, làm cho họ tin rằng quyết định tấn công Việt Nam là đúng đắn.
Theo đường hướng tuyên truyền của GPD, cuộc chiến tranh chống lại Việt Nam là chính đáng và cần thiết vì tham vọng bành trướng đã dẫn VN thoái hóa thành “Cuba của phương Đông”, “bọn côn đồ Châu Á”, và “đám chó săn của Liên Xô .” Việc hai nuớc có cùng ý thức hệ chính trị không ngăn trở PLA tung ra các hành động tự vệ chống lại một nước láng giềng nhỏ dám xâm phạm lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Quan trọng không kém, chỉ thị chỉ ra rằng VN đã xem Trung Quốc như là kẻ thù chính của mình và đã kêu gọi “làm tất cả mọi thứ để đánh bại Trung Quốc.”
Từ 10 tháng 12 năm 1978 đến ngày 15 tháng 1 năm 1979, bộ máy chính trị ở tất cả các cấp đã chạy trước hết công suất để chính trị hóa tinh thần binh lính, bằng cách sử dụng các bài giảng, các buổi họp tố cáo, và triển lãm hình ảnh để phục vụ mục đích này. Những chiến lược này bao gồm các kêu gọi cho thuyết “chiến tranh chính nghĩa”, trừng phạt “sự vô ơn,” bảo vệ Bốn hiện đại hóa, và đương đầu với việc tìm kiếm bá quyền khu vực Việt -Xô mới nổi lên. Ban chính trị đại đoàn 43 cố gắng thuyết phục binh lính rằng họ đang chiến đấu cho một cuộc chiến tranh chính nghĩa vì Việt Nam đã xâm luợc Trung Quốc và đã bắn phát súng đầu tiên; và như vậy phản công lại là điều chính đáng.
Một chiến thuật khác là tìm cách nhắc binh lính nhớ rằng Trung Quốc đã hi sinh to lớn để ủng hộ Việt Nam trong nhiều năm qua mà Việt Nam lại đáp trả lòng tốt đó bằng sự vô ơn. Lập luận nêu tiếp, Việt Nam nghĩ rằng Trung Quốc dễ bị bắt nạt và do đó, tiếp tục thách thức chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Vì vậy, Việt Nam là một mối đe dọa chính đối với Bốn hiện đại hóa của Trung Quốc và xứng đáng bị trừng phạt.
Cán bộ chính trị cũng liên kết chính sách chống Trung Quốc và ham muốn bá quyền của Việt Nam ở Đông Dương với chiến lược toàn cầu của đế quốc xã hội chủ nghĩa Xô Viết. Theo huớng lập luận này, việc Trung Quốc phản công lại Việt Nam sẽ làm hỏng những hi vọng của Liên Xô trong việc bao vây Trung Quốc. Cuộc xâm lược Campuchia cùng chủ truơng chống Trung Quốc của Việt Nam không được thế giới ưa thích, do đó, việc Trung Quốc trừng phạt Việt Nam sẽ nhận được sự ủng hộ toàn cầu.
Chương trình huy động này chú trọng tới việc khơi dậy lòng thù hận của binh lính đối với kẻ thù. Người lính nông dân của PLA luôn luôn được khuyến khích trút căm giận của họ chống lại địa chủ áp bức tại các buổi họp tố cáo được vạch ra nhằm khuấy động ý thức giai cấp để cho họ có thể được huy động mà tin rằng họ chiến đấu vì lợi ích riêng của mình. Năm 1979, các ban chính trị tổ chức các cuộc họp tố cáo, mời binh lính từ các đơn vị biên phòng, dân làng các khu vực biên giới, và những người gốc Hoa từ Việt Nam về dùng các trãi nghiệm cá nhân của họ để tố cáo tội “ghét Trung Quốc, chống Trung Quốc” của bọn xét lại Việt Nam. Bằng cách này, công tác tuyên truyền chính trị không những gieo mầm thù hận vào đầu óc binh lính mà còn củng cố niềm tin của họ trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình như những người lính PLA bảo vệ người dân và lợi ích của họ. Để khuyến khích binh lính (nếu cần) sẵn sàng hi sinh mạng sống của họ trong chiến đấu, ban chính trị đại đoàn 13 tổ chức nhiều buổi tập hợp mà tại đó sĩ quan và binh lính cùng thề nguyền qua việc đưa súng lên trời và hô vang những khẩu hiệu. Trong khung cảnh mạnh mẽ, đầy xúc cảm làm nhiệt tình yêu nước bùng cháy, tất cả các binh sĩ đều thề nguyện sẽ đảm nhận những nhiệm vụ nguy hiểm và khó khăn.
Với thực tế binh lính PLA không phải là quân nhân chuyên nghiệp, công tác chính trị được dùng như là một phương tiện tâm lí để chuẩn bị cho họ đương đầu với bất trắc và bất định, và không sợ khó khăn hay chết chóc trên chiến trường. Nhiều buổi lễ biểu duơng các anh hùng trong lịch sử của đơn vị khuyến khích binh lính tiếp tục truyền thống vẻ vang đó. Đại đoàn 43 yêu cầu tất cả các đại đội cùng tuyên thệ tiếp nối truyền thống: “Học tập anh hùng, trở thành anh hùng, và viết thêm những dòng vinh quang mới vào các biểu ngữ chiến tranh anh hùng.” Cán bộ, đảng viên ĐCSTQ được khuyến khích cố gắng tự mình làm thành tấm guơng. Nhận thấy rằng binh lính trong một thời gian dài chưa từng chiến đấu, bộ chỉ huy tiền phuơng Quân khu Quảng Châu đã tiến hành một cuộc điều tra để tìm ra các sĩ quan đã từng tham gia vào các cuộc chiến tranh chống lại Nhật và phe Quốc dân Đảng, chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam cũng như trong xung đột biên giới với Ấn Độ. Những cựu chiến binh này được yêu cầu trình bày các bài học về kinh nghiệm cá nhân của họ trong chiến đấu. Việc buộc sĩ quan chỉ huy có mặt ở tuyến đầu là một truyền thống của PLA, đảm bảo binh sĩ thấy rằng cấp trên của họ cùng chia sẻ rủi ro và khó khăn. Trong khi điều các cấp phó của mình tới mỗi đại đoàn dưới sự chỉ huy của ông, tướng Hữu cũng yêu cầu các sĩ quan chỉ huy cấp đại đoàn, sư đoàn, và trung đoàn cũng điều cấp phó của họ tới các đơn vị cấp dưới để trợ giúp việc chỉ huy.
Theo ghi nhận, công tác chính trị cũng đã đóng một vai trò trong việc xua tan những hoài nghi của các lính thuỷ và phi công về cơ may của họ khi chống lại đối thủ đuợc trang bị tốt hơn. Lính hải quân ban đầu nghĩ rằng họ có thể dễ dàng đánh bại hải quân Việt Nam. Tuy nhiên, khi biết được rằng họ có thể phải đối mặt với các tàu tuần dương tên lửa của Liên Xô, nhiều người trong số họ đã trở nên ít tự tin hơn vào khả năng của chính mình. Tàu của Liên Xô lớn hơn nhiều, hỏa lực mạnh mẽ hơn và công nghệ thông tin tốt hơn. Lính thuỷ Trung Quốc càu nhàu rằng các súng nhỏ của họ sẽ chỉ làm tróc lớp rỉ của tàu Liên Xô thôi. Đáp lại điều đó, cán bộ chính trị hải quân sử dụng việc truyền bá tư tưởng để kích thích tinh thần yêu nước của thủy thủ. Họ cũng nói về điểm yếu của hải quân Xô Viết, lưu ý rằng các tàu đó ở cách xa quê nhà và phụ thuộc rất lớn tuyến tiếp liệu trãi dài. Lính thuỷ Trung Quốc chỉ phần nào trở nên hài lòng sau khi chỉ huy của họ quyết định sử dụng một cuộc tấn công bất ngờ bằng tên lửa chống tàu để chống các tàu tuần dương của Liên Xô.
Lực lượng không quân cũng đã tiến hành các cuộc họp để đối phó với thái độ hoài nghi trong các phi công bằng cách nhấn mạnh lời dạy của Mao rằng “vũ khí là một yếu tố quan trọng nhưng không quyết định trong chiến tranh, chính con người mới là yếu tố quyết định.” Theo một báo cáo của đảng ủy sư đoàn không quân 44, các cựu chiến binh Chiến tranh Triều Tiên đã được mời để kể chuyện họ bay đánh máy bay Mĩ F-86 Sabres để chứng minh những lời dạy của Mao là đúng. Cán bộ chính trị cũng sử dụng chuyện không quân Pakistan đánh bại MiG-21 của Ấn Độ do Liên Xô chế tạo với J-6 do Trung Quốc sản xuất, để xây dựng sự tự tin của phi công khi đối mặt với không quân Việt Nam. Họ đặc biệt lưu ý rằng các máy bay Trung Quốc có thể qua mặt các chiếc MiG-21 của địch ở độ cao trung bình nếu các phi công sử dụng đúng chiến thuật. Tuy nhiên, lãnh đạo không quân không thể xem thuờng những khả năng vượt trội của MiG-21 của Việt Nam và đã triển khai toàn bộ 73 chiếc J-7 của họ (loại MiG-21 do Trung Quốc sản xuất) đến Quảng Tây và Vân Nam. Một số J-6 đã được nâng cấp với tên lửa không-đối-không, cho không quân Trung Quốc có hoả lực mạnh hơn đối thủ Việt Nam.
Trong khi công tác chính trị đóng vai trò then chốt trong việc huy động tinh thần người lính, hệ thống chính trị cũng giúp đối phó với các vấn đề mà binh lính PLA có thể phải đối mặt trong chiến đấu. Mối quan tâm trước mắt là việc thiếu các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là ở cấp trung đội và đại đội. Giữa tháng 12 năm 1978, GDP chỉ đạo các đơn vị lắp đầy các chỗ trống lãnh đạo và phát triển một kế hoạch để tránh bị gián đoạn lãnh đạo trong hoạt động quân sự. CMC chuyển quyền thăng cấp cán bộ sư đoàn cho các đảng ủy quân khu và các cấp tác chiến vũ trang. Ban chính trị của các quân khu đã yêu cầu các đơn vị ở mọi cấp lập ra danh sách các ứng viên có thể nắm vị trí lãnh đạo giữa cuộc chiến. Mỗi tiểu đoàn và đại đội đã nhận lệnh thêm một cấp phó để đảm bảo hoạt động chỉ huy không bị gián đoạn. PLA có nề nếp tin vào các tổ chức ĐCSTQ trong vai trò quan trọng về duy trì hiệu quả chiến đấu. Các chi nhánh đảng trong đại đội kêu gọi đảng viên và đoàn viên thanh niên giữ vai trò tiên phong trong chiến đấu và đảm nhận vai trò lãnh đạo khi bị khuyết. Công tác chính trị cũng bao gồm việc chuẩn bị cho binh lính Trung Quốc phân biệt dân thường Việt Nam với nhân viên quân sự và sử dụng các chiến lược về chính trị và tâm lí (giành lấy trái tim và khối óc của người dân) để phân tán lực lượng địch. GPD ban hành một số quy định kỉ luật chiến đấu liên quan đến hoạt động tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng binh línhTrung Quốc phải cố gắng giành lấy sự ủng hộ của quần chúng Việt Nam. Trong giai đoạn chuẩn bị, binh lính Trung Quốc đã nghiên cứu phong tục và lối sống địa phương cũng như tầm quan trọng của việc cư xử với quần chúng Việt Nam trong vùng chiến sự. Cũng hệt như binh lính PLA từng làm trong khi chiến đấu bên trong đất Trung Quốc, binh lính sang Việt Nam được kì vọng phải tỏ ra quan tâm tới dân thường và tử tế với họ. GPD yêu cầu mỗi đơn vị phải tổ chức một tổ công tác tuyên truyền để cải thiện thái độ người dân địa phương Việt Nam đối với Trung Quốc và quân đội Trung Quốc và làm nhục ý chí và tinh thần chiến đấu của kẻ thù. Ngoài ra, GPD chỉ thị các lãnh đạo quân đội dạy tiếng Việt cho binh sĩ để họ có thể hô khẩu hiệu tuyên truyền trước quân địch. Họ còn huấn luyện binh sĩ tiến hành chiến tranh tâm lí bằng cách phân phát tờ rơi và phát thanh. Tránh ngược đãi tù binh Việt Nam là một quy tắc quan trọng trên chiến trường. GPD nhắc lại chính sách tù binh chiến tranh của PLA, chỉ rõ rằng sau khi bị bắt, các chiến sĩ dân quân Việt Nam sẽ được thả ngay sau khi được học tập chủ trương. Tuy nhiên, quy định này sớm cho thấy khó thực hiện trong một quốc gia thù địch. Điều kiện của cuộc xâm lược Việt Nam khác rất xa kinh nghiệm của PLA trong cuộc nội chiến Trung Quốc và  kinh nghiệm của họ tại Hàn Quốc từ 1950 đến 1953 về mặt này,
Huy động sự ủng hộ của xã hội
ĐCSTQ luôn thực hiện việc huy động xã hội Trung Quốc phục vụ cho chiến tranh, mặc dù chỉ có vài nghiên cứu khảo sát cách làm này. Học giả phương Tây nhận ra rằng công dân Trung Quốc có nhiều “ý kiến đa dạng” về cuộc xung đột năm 1979, và ở các thành phố thủ phủ của tỉnh Quảng Tây và Vân Nam có không nhiều “tình cảm nồng nhiệt trong công chúng” đối với cuộc chiến này. Lực lượng PLA hầu như không thể hoạt động ở nước ngoài mà không cần huy động sự ủng hộ trong nước cho cuộc chiến. Các hồ sơ mới truy cập được của Trung Quốc cho thấy chính phủ nỗ lực rất lớn trong việc huy động sự trợ giúp của người dân địa phương cho cuộc xâm lược của PLA. Từ khi CHNDTH thành lập, quân đội Trung Quốc luôn được coi là một mẫu mực về vai trò tích cực đối với xã hội Trung Quốc, nhưng tiếng tăm của nó đã bị tổn hại nghiêm trọng khi giới quân sự lạm dụng quyền lực trong cuộc Cách mạng Văn hóa. Vì vậy, thái độ của công chúng đối với quân đội Trung Quốc phải được cải thiện. Thuyết phục công chúng trợ giúp cho cuộc xâm lược đòi hỏi phải làm cho mọi người cảm thấy tự hào về những người lính của PLA và yêu nước Trung Hoa.
Mặc dù không có sự trợ giúp rộng khắp Trung Quốc cho cuộc xâm lược Việt Nam, các lãnh đạo đảng ở cả hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam đặc biệt quan tâm đến việc huy động sự trợ giúp trong cộng đồng địa phương mình. Công luận ở hai tỉnh này là bi quan về quyết định chiến tranh của Bắc Kinh. Các cộng đồng địa phương đã trải qua rất nhiều khó khăn gian khổ trong cuộc Cách mạng Văn hóa và đã hi sinh đáng kể cho nỗ lực chiến tranh Việt Nam. Hai tỉnh này chưa từng nằm trong danh sách ưu tiên đầu tư của chính phủ trung ương.  Do đó, các khu vực này vẫn lạc hậu về xã hội và kinh tế. Tuy nhiên, công dân ở đây hi vọng rằng cải cách kinh tế— hiện nay được giành ưu tiên cao nhất đất nuớc— sẽ đem lại hòa bình, phát triển và nâng cao mức sống. Người dân và chính quyền địa phương ở hai tỉnh này có vẻ hững hờ với cuộc tấn công Việt Nam và sợ rằng các hành động quân sự sẽ mâu thuẫn với các chương trình phát triển kinh tế.
Với tâm thế đó, chính quyền hai tỉnh này phải viện đến bộ máy tuyên truyền của họ để thuyết phục người dân ủng hộ quyết định đánh Việt Nam của Bắc Kinh. Ban tuyên truyền của ĐCSTQ của cả hai tỉnh gửi tới các tổ chức đảng thành phố, huyện, quận, xã danh sách dài tội lỗi của Việt Nam đối với Trung Quốc, yêu cầu các thông tin đó phải được sử dụng để giáo dục dân chúng địa phương và khơi dậy lòng yêu nước của họ trong việc ủng hộ cho chiến tranh. Khu tự trị Quảng Tây đã tổ chức hơn 530 cuộc họp quần chúng với tổng số lượt tham dự là 263 400. Đảng ủy CS tỉnh Vân Nam ban hành một lệnh huy động gây khuấy động toàn tỉnh “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng.” Chuẩn bị cho chiến tranh và cung ứng trợ giúp cho tiền tuyến là ưu tiên hàng đầu của công tác đảng và công việc của chính quyền trong cả hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây. Cả hai tỉnh lập Ủy ban giúp đỡ Tiền tuyến để giám sát và phối hợp việc chuẩn bị chiến tranh. Các văn phòng tương tự cũng đã được thiết lập trong các tổ chức chính quyền cấp thấp hơn. 21 trong số thành phố và quận của Quảng Tây và 14 của Vân Nam đã được huy động để ủng hộ cho tuyến trước.
Cách tiếp cận này không chỉ thể hiện quyết tâm của PLA tiếp tục theo thuyết “chiến tranh nhân dân” của Mao mà còn phản ánh những điểm yếu rõ ràng của PLA. Lãnh đạo PLA nhận ra rằng họ thiếu một hệ thống hậu cần hiện đại để duy trì nỗ lực chiến tranh, và giải pháp quen thuộc là huy động sự trợ giúp của dân chúng. Tháng 11 năm 1978, Trương Chấn viết rằng sự trợ giúp về thức ăn, chỗ ở, và các đồ tiếp tế khác là rất quan trọng trong chiến tranh toàn cục lẫn các hoạt động quy mô nhỏ. Cụ thể ông ghi nhận rằng trợ giúp của dân chúng chiếm gần 80% toàn bộ trợ giúp cho các hoạt động quân sự trong cuộc xung đột biên giới với Liên Xô năm 1969, và các tàu thuyền dân sự đã giúp chuyển 65% nguồn cung cấp dầu trong các trận đánh trên biển với Hải quân Nam Việt Nam năm 1974. Tướng Chấn kết luận rằng ngay cả trong chiến tranh hiện đại ngày nay thì lực lượng vũ trang cũng sẽ tiếp tục phụ thuộc vào chính quyền địa phương trong việc cung ứng nhân sự và lương thực, và hậu cần quân đội sẽ được xác định bởi sức mạnh của nền kinh tế quốc gia.
Từ giữa tháng 12 năm 1978, các thành phố trực thuộc tỉnh và các quận/huyện (county) ở Quảng Tây và Vân Nam đã vội vã thiết lập các trạm tiếp đón quân (jun ren jie dai zhan/军人接待站: quân nhân tiếp đãi trạm) dọc các tuyến đường sắt và các đường chính dẫn đến biên giới để quân lính có thể nghỉ ngơi, nhận các bữa ăn và nước nóng. Mỗi chính quyền huyện chịu trách nhiệm lo chỗ ở cho binh lính tại các khu vực tập hợp chỉ định gần biên giới. Do các huyện biên giới rất nhỏ và lạc hậu về kinh tế, nhiệm vụ trợ giúp tuyến đầu thường căng kéo quá khả năng của họ. Trong vòng vài tuần, hơn 100 000 quân và lực lượng dân quân đổ xô tới huyện Hà Khẩu đối diện với thành phố Lào Cai của Việt Nam, nơi chỉ có 50 000 dân vào năm 1978. Chính quyền địa phương đã phải dọn trống các văn phòng, nhà kho, và khu sinh hoạt riêng của họ để đáp ứng chỗ ở cho binh lính. Dân làng và cư dân thị trấn đã được khuyến khích “tình nguyện” cho sử dụng nhà họ vào việc quân sự. Một số chính quyền địa phương huy động nhân viên văn phòng, học sinh và giáo viên xây dựng các trại cột tre mái tranh làm các cơ sở trú quân.
Vào lúc đó, hệ thống tiếp tế của quân đội Trung Quốc vẫn còn hổ lốn đòi hỏi mỗi đơn vị phải tự túc trong “cung ứng hàng tiếp tế thông thường”. Sự gia tăng đột ngột trong nhu cầu về lương thực và hàng tiếp tế khác là một thách thức đáng kể cho các cơ quan dịch vụ kinh tế và thương mại địa phương, họ phải xoay xở cung cấp hàng hoá cho cư dân địa phương lẫn quân đội. Các nhà cung cấp địa phương được yêu cầu cung cấp thêm gia súc cho quân đội, trong khi các nhân viên được phái tới các tỉnh khác thu mua thêm để đảm bảo cho mỗi người lính nửa lạng thịt lợn mỗi ngày. Theo một yêu cầu khẩn cấp của quân đội, các nhà sản xuất thực phẩm ở hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam đã vội vả cung cấp 1,25 triệu kilô bánh quy cho binh lính trước cuộc xâm lược.
Kể từ năm 1976, Vân Nam đã gánh chịu một sự sụt giảm về sản lượng ngũ cốc. Cung cấp lương thực là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng. Các khu vực tập trung quân nằm ở những vùng xa xôi nghèo nàn nhất, ở đó người dân địa phương thậm chí không thể sản xuất đủ lương thực cho mình. Chính quyền tỉnh khẩn trương kêu gọi Bắc Kinh cho phép sử dụng lương thực dự trữ để đáp ứng sự gia tăng đột ngột về nhu cầu và cắt giảm 40 % nguồn cung cấp lương thực cho cư dân đô thị để đảm bảo có đủ hàng cung ứng cho tuyến đầu. Để khắc phục vấn đề nấu cơm trong khi hoạt động quân sự, chính quyền địa phương nhập khẩu một dây chuyền sản xuất gạo ăn liền. Hồ sơ của hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam cho thấy việc huy động đã được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh và có sự can dự của hầu hết mọi cơ quan chính quyền và mọi lĩnh vực xã hội. Tổng cộng có khoảng nửa triệu dân thường phục vụ cho các hoạt động chiến đấu hoặc công tác trợ giúp tiền tuyến. Công việc đáng chú ý nhất là việc tổ chức hàng trăm và hàng ngàn dân quân phục vụ trực tiếp cho các hoạt động của quân đội Trung Quốc bên ngoài biên giới.
Huy động các lực lượng dân quân tham gia chiến đấu và phục vụ cho tuyến đầu là thông lệ của lực lượng vũ trang do cộng sản lãnh đạo bắt nguồn từ thuyết “chiến tranh nhân dân” của Mao. Sự phụ thuộc của quân đội Trung Quốc vào các đơn vị dân quân phục vụ tiền tuyến cũng tiết lộ một tình huống tệ hại cho PLA, đó là PLA không có khả năng duy trì hoạt động chiến đấu xa nếu chỉ dựa vào chính mình. Tướng Chu Đức Lễ nhớ lại rằng lực lượng xâm lược PLA không cảm thấy an toàn khi tiến hành các hoạt động tại Việt Nam vì không có an ninh tuyến sau, và các lực lượng dân quân và người dân địa phương đóng một vai trò quan trọng trong an ninh tuyến sau. Cả hai tỉnh đã từng là tuyến đầu về quốc phòng trong thời Chiến tranh Lạnh. Hạ tầng giao thông không phù hợp cho các hoạt động chuyển quân quy mô lớn cần cho cuộc xâm lược. Trong tháng 10 năm 1978, tỉnh Vân Nam đã huy động hơn 100 000 dân quân từ thành phố thủ phủ và 7 huyện để làm hai đường lớn dẫn tới biên giới. Họ hoàn thành dự án trong ba tháng và qua đó đảm bảo việc triển khai quân tới khu vực biên giới theo đúng lịch trình.
Đầu tháng 1 năm 1979, toàn bộ lực lượng dân quân đã được huy động. Các đơn vị dân quân có tổ chức tốt hơn và được huấn luyện tốt hơn từ các vùng khác của hai tỉnh đã được triển khai tới khu vực biên giới để trực tiếp phục vụ cho các hoạt động quân sự. Huyện Khúc Tĩnh (Qujing), nằm ở phía đông bắc Vân Nam, đã triển khai khoảng 500 tới 600 dân quân trẻ từ mỗi huyện để phục vụ trong chiến tranh. Đàn ông trong độ tuổi từ 18 đến 55 ở tất cả các huyện biên giới đều gia nhập vào lực lượng dân quân. Theo báo cáo cuối cùng của chính quyền tỉnh Vân Nam ngày 6 tháng 9 năm 1979, hơn 87 000 dân quân (630 đại đội) cộng với 5 000 ngựa và la của dân đã được huy động phục vụ, chủ yếu trong vai trò tãi thương, bảo vệ, và khuân vác. Hơn 21 000 dân quân hoạt động sát cánh với các đơn vị chính quy trong chiến đấu. Việc sử dụng lực lượng dân quân không mặc quân phục trong một quốc gia thù địch cùng với các đơn vị quân đội Trung Quốc về sau gây ra nhầm lẫn trong lúc chạm trán với lực lượng phòng thủ của Việt Nam, vốn cũng mặc quần áo dân sự trên chiến trường. Trong một vài trường hợp, lính PLA thấy mình không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải giết bất cứ ai không mặc quân phục, thậm chí một số trong đó có thể là đồng chí của họ.
Tướng Lễ cũng nói rằng hơn 215 000 cư dân tỉnh Quảng Tây đã  phục vụ trong chiến tranh, với 60 000 đã tham gia vào các hành động quân sự trong vai trò  tãi thương, bảo vệ, và khuân vác, và hơn 26 000 tham gia vào các hoạt động chiến đấu. Lực lượng PLA đã chuyển vài ngàn súng trường tự động và các loại vũ khí hạng nặng cho các đơn vị dân quân địa phương. Vào lúc cuộc xâm lược bắt đầu, lực lượng dân quân ở các xã biên giới đã được trang bị tốt với súng máy, súng phòng không, súng cối, súng phóng lựu và súng không giật. Các lực lượng dân quân địa phương chịu trách nhiệm chủ yếu việc xây dựng công trình phòng thủ, vận chuyển đạn dược, hàng hoá lên tuyến trước, và chăm sóc thương binh. Các đơn vị phòng không dân quân cũng bảo vệ các thị trấn huyện biên giới và các cơ sở công nghiệp trọng điểm như các trạm thủy điện và hồ chứa.
Chiến lược “chiến tranh nhân dân” của Mao bị chất vấn vì một chiến lược chiến tranh toàn diện như thế không áp dụng được cho các cuộc xung đột địa phương hạn chế mà Trung Quốc từng can dự kể từ cuộc chiến tranh Triều Tiên. Đặc biệt King C. Chen chỉ ra rằng vào năm 1979 Trung Quốc đã không tiến hành được một cuộc chiến tranh nhân dân chống Việt Nam vì môi trường cần tới vốn bao gồm “một ý thức dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ cùng với sự tham gia của động đảo nhân dân”,  không tồn tại. Huy động xã hội phục vụ chiến tranh là bài bản chiến lược then chốt của Trung Quốc, và cuộc chiến tranh 1979 đã chứng tỏ rằng PLA vẫn còn vận hành trong khuôn khổ tư tưởng chiến tranh nhân dân.
Lời kết
Chắc chắn không có việc phóng đại về cường độ mãnh liệt liên quan tới việc PLA lập kế hoạch và chuẩn bị cho các hoạt động quân sự đánh Việt Nam. Quá trình này phản ánh phong cách chiến lược và thể chế của PLA vốn chịu ảnh hưởng nặng nề lí thuyết quân sự của Mao. Các nguyên tắc quân sự trung tâm do Mao đề ra và kiểu cách tác chiến mà PLA phát triển thêm vẫn là chủ đạo trong cách PLA tiếp cận chiến dịch quân sự năm 1979. Kế hoạch chiến tranh do các chỉ huy khu vực lập ra thể hiện một ý hướng tác chiến nắm lấy và duy trì thế chủ động bằng cách triển khai lực lượng vượt trội cùng với các cuộc tấn công bất ngờ. Dù nhu cầu huấn luyện là cấp thiết, PLA vẫn tiếp tục thông lệ sử dụng tuyên truyền chính trị như một phương tiện chính để thúc đẩy tinh thần và nâng cao hiệu quả chiến đấu. Các hoạt động tuyên truyền chính trị có thể không có ý nghĩa đối với binh lính nhà nghề phương Tây. Tuy nhiên, theo quan điểm Trung Quốc, công tác chính trị như thế đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thuyết phục những người lính bình thường, thất học rằng Trung Quốc cần phát động cuộc tấn công quân sự vào Việt Nam vốn lâu nay được coi là nước anh em, thậm chí là đồng chí. Việc huy động xã hội trong việc phục vụ cho chiến tranh phản ánh điểu cốt lõi của “chiến tranh nhân dân” của Trung Quốc. PLA dường như không thể thực hiện bất kì hoạt động quân sự quy mô lớn mà không huy động chính quyền địa phương và người dân trợ giúp. (Thực tế, ngay cả bây giờ, sau hơn ba thập kỉ, đặc trưng quan trọng này vẫn tiếp tục là nét riêng trong cách tiếp cận chiến tranh của Trung Quốc và có khả năng cũng sẽ như vậy trong tương lai.) Mặc dù việc lập kế hoạch chi tiết do đội ngũ nhân viên quân sự thực hiện, nhiều sự kiện trên chiến trường vẫn chưa có trong dự kiến, một điều bất cập nhanh chóng cho thấy cuộc xâm lược Việt Nam rất tổn hao về xương máu và tiền của.
____
*Do quân đội VN nhỏ không có những đơn vị quá lớn nên để bạn đọc dễ hình dung hơn xin tạm dịch
-‘army’: một đơn vị trên cấp sư đoàn, thành ‘đại đoàn’ (‘đại đoàn’ có thể cùng nghĩa với ‘sư đoàn’ nhưng ít dùng, còn TQ gọi là ‘tập đoàn quân’)

– ‘field army’, một đơn vị trên cấp đại đoàn, thành ‘quân đoàn’ (TQ gọi là ‘phương diện quân’)

Không có nhận xét nào: