Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

Hậu quả của Trung Quốc và Lào xây nhiều đập thủy điện trên sông Mê Kông ?

Khô hạn, xâm nhập mặn đang khiến hàng trăm ngàn héc ta lúa thiệt hại ở ĐBSCL- Ảnh: Công Hân

Dồn sức chống hạn, mặn lịch sử chưa từng có

Khô hạn, xâm nhập mặn đang khiến hàng trăm ngàn héc ta lúa thiệt hại ở ĐBSCL- Ảnh: Công Hân

Hôm qua 17.2, một hội nghị khẩn cấp về phòng chống hạn, mặn đã diễn ra tại TP.Cần Thơ, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo nhiều bộ ngành, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, các tỉnh thành ĐBSCL... Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết dựa trên các số liệu về diễn biến nước mặn, thiệt hại ở các địa phương cho thấy tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn ở ĐBSCL chưa bao giờ phức tạp và tai hại như năm nay. Tại sông Vàm Cỏ (Long An), nước mặn đã vào sâu 93 km, hơn 10 km so với cùng kỳ năm 2015. Trên sông Tiền, nước mặn cũng lấn sâu vào từ 40 - 65 km, cao hơn cùng kỳ 10 - 15 km. Còn sông Hậu nước mặn cũng đã xâm nhập 50 - 60 km, cao hơn cùng kỳ năm 2015 là 15 km; sông Cái Lớn (Kiên Giang) chảy ra biển Tây, nước mặn vào sâu nội đồng 60 km, hơn cùng kỳ 20 km. 


Dồn sức chống hạn, mặn lịch sử chưa từng có - ảnh 1
Dồn sức chống hạn, mặn lịch sử chưa từng có - ảnh 2
Chính phủ sẽ xem xét ưu tiên 2.300 tỉ đồng nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho ĐBSCL phòng chống hạn, mặn cũng như vốn ODA.
Trước mắt, Bộ Tài chính và các địa phương hỗ trợ ngay những hộ dân bị thiệt hại từ 70% trở lên, với mức theo quy định là 2 triệu đồng/ha
Dồn sức chống hạn, mặn lịch sử chưa từng có - ảnh 3

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thiệt hại khôn lường
Đến nay, Bộ NN-PTNT cũng đã ghi nhận nơi thiệt hại nặng nề nhất là Kiên Giang với diện tích lúa mùa (cuối năm 2015 đến nay) mất trắng là 34.000 ha. Còn tổng số diện tích bị ảnh hưởng là 57.899 ha. Ở Cà Mau hiện cũng đã bị thiệt hại hơn 20.000 ha. Bộ trưởng Cao Đức Phát lo lắng: “Nếu chỉ tính 2 tỉnh Kiên Giang và Cà Mau thôi thì đã có 54.000 ha lúa bị thiệt hại, nghĩa là mất hơn 200.000 tấn lúa và nếu tính với giá lúa hiện nay thì nông dân đã mất trắng 1.000 tỉ đồng. Nhưng đáng ngại là thiệt hại này vẫn chưa dừng lại”. Còn ông Mai Anh Nhịn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, thì thốt lên rằng: “Từ khi tôi lớn lên đến nay chưa bao giờ thấy tình trạng xâm nhập mặn sâu và kéo dài như hiện nay. Đặc biệt, 2 tháng nay TP.Rạch Giá lâm vào tình trạng thiếu nước ngọt cho sinh hoạt, điều chưa xảy ra bao giờ”.
Cũng theo Bộ NN-PTNT, tính đến nay các tỉnh ĐBSCL đã xuống giống vụ đông xuân 2015 - 2016 được 1,55 triệu ha. Tuy nhiên với tình trạng hạn, mặn hiện nay sẽ có đến 339.234 ha lúa của 8 tỉnh ven biển gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang có nguy cơ thiệt hại. Không những vậy, xâm nhập mặn còn ảnh hưởng đến hàng ngàn héc ta cây ăn trái như bưởi, xoài, sầu riêng ở Hậu Giang, đặc biệt là Vĩnh Long trong lịch sử chưa bao giờ bị ảnh hưởng bởi mặn thì nay cũng bị ảnh hưởng.
Ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, lo ngại: “Hạn hán không thì còn dễ, bởi sau đó có nước là có thể khôi phục sản xuất lại. Còn đã xâm nhập mặn rồi thì 10 năm sau kinh tế không phát triển được bởi những tác động tai hại của nó”. Ông Chánh cũng cho biết dù rất chủ động nhưng hiện Hậu Giang đã có 400 ha lúa bị mất trắng. Nếu không có đê bao thì một nửa diện tích lúa của Hậu Giang cũng không còn.
Chủ động ứng phó nhanh 


Xả nước hồ Dầu Tiếng để cung cấp nước ngọt cho TP.HCM
Bắt đầu từ 7 giờ sáng 18.2, Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa tiến hành xả nước nhằm đẩy mặn trên sông Sài Gòn, cung cấp nước ngọt cho Nhà máy nước Tân Hiệp (Hóc Môn, TP.HCM). Đây là đợt xả nước đẩy mặn thứ 4 trong năm 2016. Nhà máy nước Tân Hiệp có công suất 300.000 m3/ngày - đêm, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực phía tây TP.HCM. Theo dự kiến, việc xả nước sẽ kết thúc vào 17 giờ ngày 24.2, lưu lượng xả 30 m3/giây. Tuy nhiên, tùy theo diễn biến của thủy triều và độ mặn tại hạ lưu sông Sài Gòn, việc xả nước sẽ được điều chỉnh lưu lượng để đáp ứng nhu cầu nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và các nhu cầu khác của người dân.
Chí Nhân

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, cũng là thiên tai khẩn cấp nhưng khác với một cơn bão chúng ta chỉ phải chống đỡ hơn 1 tuần, hạn, mặn lần này chúng ta phải đối mặt suốt 6 tháng, thậm chí hơn. Vì thế, ông Phát cho rằng các giải pháp lâu dài là hết sức quan trọng, bởi “Đây là thiên tai lần đầu tiên trong hàng trăm năm qua, nhưng trong 100 năm tới nhiều khả năng nó sẽ xảy ra thường xuyên hơn và gay gắt hơn”.
Cũng theo ông Phát, cái khó nhất hiện nay là nguồn vốn để thực hiện các công trình thủy lợi vốn được xem là giải pháp lâu dài. “Riêng một cái cống ở sông Cái Lớn, Cái Bé (Kiên Giang) đã 3.800 tỉ đồng, tương đương 200 triệu USD; 29 cống ở vùng An Biên, An Minh cũng đã gần 1.000 tỉ đồng, tương đương 50 triệu USD rồi, hay ở bắc Bến Tre cũng tốn 200 triệu USD. Vì thế cả vùng ĐBSCL cần vài tỉ USD để thực hiện các giải pháp lâu dài. Chính vì vậy, chúng ta cần huy động nguồn lực tối đa như nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới, vốn ODA... Kiến nghị Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có chỉ đạo Bộ KH-ĐT có ý kiến với Ngân hàng Thế giới để chi những dự án cụ thể”, ông Phát đề xuất.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trước hết các địa phương phải kịp thời đảm bảo đời sống của nhân dân, không để thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói hay dịch bệnh do khô hạn kéo dài. Phó thủ tướng lưu ý các địa phương chống thiên tai phải xử lý thật nhanh, kịp thời nhưng cũng cần bình tĩnh, không để người dân hoang mang, nhất là khi hạn, mặn là câu chuyện đã có từ rất lâu. Bộ TN-MT cần có dự báo từ nay đến tháng 7, các dự báo cần phải cụ thể, chi tiết đến từng xã, từng hộ dân để nhân dân ứng phó kịp thời. Ngay sau hội nghị, Bộ Tài chính và Bộ NN-PTNT phải trình dự kiến kinh phí chống hạn, mặn ở ĐBSCL.
Theo Phó thủ tướng, ĐBSCL là vùng nhạy cảm chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và nhiều nguyên nhân khác. Chính vì vậy, các địa phương, bộ ngành cần có biện pháp nghiên cứu thích ứng phù hợp, lâu dài. Nghiên cứu bài bản, căn cơ các công trình, phi công trình, các giải pháp chuyển nước, chuyển đổi cây trồng sao cho phù hợp với tình hình. Đặc biệt, Bộ NN-PTNT và Bộ KH-CN cần tập trung nghiên cứu cây trồng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn mặn; tiếp tục rà soát chủ động ứng phó chuyển đổi diện tích cây trồng bị nhiễm mặn sang cây khác hoặc chăn nuôi phù hợp hơn; đẩy nhanh các dự án công trình thủy lợi... “Chính phủ sẽ xem xét ưu tiên 2.300 tỉ đồng nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho ĐBSCL phòng chống hạn, mặn cũng như vốn ODA. Trước mắt, Bộ Tài chính và các địa phương hỗ trợ ngay những hộ dân bị thiệt hại từ 70% trở lên, với mức theo quy định là 2 triệu đồng/ha. Nhanh chóng hoàn thiện các công trình ứng phó nhanh như: đập, trạm bơm, nạo vét kênh, khoan giếng để làm thế nào đảm bảo nguồn nước cho dân sử dụng”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
El Nino, thủy điện Trung Quốc là “thủ phạm”
Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, diễn biến tình trạng hạn, mặn bất thường ở ĐBSCL rất khó lường bởi nhiều nguyên nhân gây ra. Trước hết là hiện tượng El Nino với cường độ và mức độ mạnh hơn, kéo dài kỷ lục từ 2014 có thể tiếp tục đến giữa năm 2016 (kéo dài hơn El Nino năm 1997 - 1998). “Tác động của El Nino kéo theo thời tiết bất thường như nắng nóng kỷ lục, khô hạn kéo dài... đặc biệt là lượng mưa giảm, dẫn đến nước ở sông suối vùng Nam bộ và cả Tây nguyên thiếu hụt 30 - 60%, có nơi thiếu hụt đến 80%”, ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, nguồn nước ở ĐBSCL phụ thuộc nhiều vào trữ nước ở biển Hồ (Campuchia) và dòng chảy chính sông Mê Kông. Tuy nhiên, theo khảo sát mới nhất vào ngày 15.2 tại biển Hồ, mực nước thấp hơn 1,6 m so với trung bình thời kỳ 1980 - 2013 và thấp hơn 1 m so với năm 2015. Chính vì vậy, dòng chảy từ thượng lưu về ĐBSCL hạn chế dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn sẽ càng nguy hiểm hơn.
Chia sẻ thêm về nguyên nhân hạn mặn, GS-TS Tăng Đức Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, nói: “Mặn đầu mùa sớm, sâu, khác hẳn hoàn toàn trước đây chính là do từ năm 2010 đến bây giờ các đập thủy điện lớn Trung Quốc đi vào vận hành”. Theo ông Thắng, các đập thủy điện ở Trung Quốc còn tạo nên những diễn biến rất khó lường. Cụ thể, tình trạng mặn giữa mùa có thể giảm vì thủy điện xả, nhưng đến mặn cuối mùa thì lại cực kỳ nghiêm trọng khi Trung Quốc trữ nước và xâm nhập mặn có thể kéo đến tháng 6 - 7.
Đình Tuyển

Không có nhận xét nào: