Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

Nữ khoa học gia nổi tiếng Hoa Kỳ gốc Việt Dương Nguyệt Ánh & Elizabeth Phú - Nữ cố vấn tổng thống Obama;

elizabeth phu
Trong bối cảnh thế giới đang đối diện vấn đề người tị nạn với những chính sách và dư luận khác nhau, tờ LA Times chạy tít, “Cô đã đến như một người tị nạn và bây giờ làm việc tại Bạch Ốc” (She arrived as a refugee and now she works at the White House) khi viết về Elizabeth Phú, cô bé thuyền nhân người Việt hơn ba tuổi ngày đến Mỹ tị nạn 36 năm trước và hiện đang nắm giữ một trọng trách lớn lao tại Bạch Ốc và Ngũ Giác Đài, cũng như nằm trong số những người đóng vai trò quyết định cho các vấn đề đối ngoại thế giới mà cô chuyên trách.  Nhưng như cái tựa và mục đích bài báo, LA Times dường như chỉ mô tả hành trình vượt biển củaElizabeth cùng gia đình như những người tị nạn, và rồi vào làm việc tại Bạch Ốc khi trưởng thành, như là một minh chứng để ủng hộ chính sách nhận người tị nạn mà TT Obama cam kết, hơn là kể về chi tiết con đường cô trở thành một cố vấn an ninh quốc gia ra sao. Chính vì vậy, bài báo cho độc giả một cảm giác như rằng Elizabeth làm việc tại Bạch Ốc mới chỉ vài ba năm. Sự thực là, Elizabeth Phú đã có 15 năm kinh nghiệm làm việc qua hai đời Tổng Thống George W. Bush và Barack Obama cùng các Bộ Trưởng Quốc Phòng đương thời hay tiền nhiệm trong các chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia. Quả là một sự  bất ngờ về chặng đường đáng ngưỡng mộ của cô gái chưa đầy 40 tuổi mà tài năng và tương lai còn rất nhiều hứa  hẹn này, khi chuyên mục tra tầm lại hồ sơ của cô.   

Có người cha là một nhân viên từng làm việc cho quân đội Mỹ trước 75, gia đình Elizabeth là một trong những làn sóng thuyền nhân Việt Nam đầu tiên, những người xuống tàu ra khơi vào những năm 1977-1978, sau đợt người Việt tị nạn 1975. Trong chuyến vượt biên bất thành đầu tiên, gia đình Elizabeth bị bắt và bị đưa vào trại “cải tạo” vài tháng trời. Nhờ ông bà của cô lo lót nên cả gia đình được thả và lại kiếm đường vượt biên. Chiếc ghe vượt biên hai máy nhỏ bé, nhét đến 253 người bắt đầu hành trình tìm tự do đã bị chết máy khi ra đến hải phận. Trôi dật dờ ba ngày giữa biển cả, tàu vượt biên gặp tàu hải tặc kéo đến, không cướp mà đòi vàng bạc để kéo vào Malaysia nhưng sau đó bỏ rơi. Tàu vượt biên của Elizabeth lại gặp tàu hải tặc lần thứ hai, lại bị trấn lột và bị đập bể các thùng chứa nước uống. Tàu trôi dạt trên biển thêm bốn ngày trước khi được tàu của Malaysia kéo vào một trại tị nạn gần Pulau Bidong, nơi gia đình cô đã được nhận tị nạn trước khi đến Mỹ.        

elizabeth phu1
Bộ trưởng Quốc phòng Donald H. Rumsfeld (trái) nghị họp với Phó Thủ tướng Tony Tan của Singapore (thứ hai từ trái,) tại Ngũ Giác Đài vào ngày 21 tháng 4, 2004, về các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu với trọng tâm là chống chủ nghĩa khủng bố, có sự tham dự của cô  Elizabeth Phú(X) - nguồn wikimedia.org

Được nhận vào Mỹ, gia đình Elizabeth định cư tại Bắc California và mẹ cô trở thành một y tá, nuôi dạy hai con gái và cha cô làm việc cho một hãng tài chính cho đến nay. Năm 1997, Elizabeth tốt nghiệp ưu hạng bằng Cử Nhân Chính trị học tại Đại Học Berkeley chuyên ngành Đối Ngoại, sau đó theo học Cao Học tại ĐH UC San Diego về Quốc Tế Vụ chuyên sâu về Châu Á-Thái Bình Dương. Cô sinh viên gốc Việt đã tỏ rõ sự đam mê về Việt Nam và Châu Á của mình rất sớm, khi trả lời trên tờ báo trường Berkeley vào năm 1995 rằng, “Bấy lâu nay tôi chỉ biết về Việt Nam qua chiến tranh, nhưng thật là tuyệt vời khi có thể được học sâu hơn về văn hóa và lịch sử của mình qua môn học này. Cũng ngạc nhiên là Berkeley mà chưa  giảng dạy  môn sử Việt cho đến năm nay”. Đó lần đầu tiên ĐH Berkeley đưa giáo trình Lịch Sử Đông Dương Hiện Đại, dạy về lịch sử Việt Nam cùng các nước Đông Nam Á vào năm 1995, sau khi TT Bill Clinton bỏ lịnh cấm vận Việt Nam lúc bấy giờ. Rồi trả lời trên tờ báo của ĐH San Diego sau khi đã vào làm tại Bạch Ốc, Elizabeth cho biết lý do cô chọn đại học này để học cao học vì đây là một trong những trường ít ỏi có ngành học về Đông Nam Á rất mạnh, đòi hỏi sinh viên biết một, hai ngoại ngữ liên quan đến ngành học để có thể làm việc hiệu quả hơn với các quốc gia này, nếu không nói là cần thiết cho những chuyên việc đặc trách khu vực.

Dù vậy, sau khi ra trường, Elizabeth lại khởi đầu công việc với Bộ Quốc Phòng vào năm 2002 như một trợ lý về các chính sách liên quan đến các vấn đề giữa khối NATO với Ukraine và Nga, đòi hỏi những sự phối hợp và thương thuyết bao quát giữa các cơ quan và  các chính phủ thay vì khu vực Đông Nam Á. Khoảng một năm sau, tháng 4 năm 2003, cô sinh viên trẻ chỉ có dăm năm kinh nghiệm đã được bổ nhiệm vào chức vụ Giám Đốc Đông Nam Á Sự Vụ của Bộ Quốc Phòng, dưới quyền của Bộ Trưởng Quốc Phòng Donald Rumsfeld thuộc nội các Tổng thống George W. Bush lúc bấy giờ, đúng vào chuyên môn khu vực những quốc gia Đông Nam Á mà cô đã học và nghiên cứu. Trong ba năm rưỡi làm việc trên cương vị này tại Bộ Quốc Phòng, Elizabeth tham gia việc hoạch định các chính sách và thương thuyết về các vấn đề liên quan đến chiến lược quân sự với các nước đồng minh của Hoa Kỳ tại Châu Á - Thái Bình Dương như Singapore, Philippines, Úc châu... Cô cũng tham gia nhóm đặc nhiệm của Bộ Quốc Phòng trong các chương trình cứu trợ và khắc phục hậu quả của cơn sóng thần tsunami đánh vào Đông Nam Á hồi năm 2004.       

Chuyển sang làm việc một năm trời trong ban chính sách và chiến lược về hạn chế vũ khí của Bộ Quốc Phòng, đến năm 2007, Elizabeth được bổ nhiệm vào ban cố vấn an ninh quốc gia trong cương vị Giám Đốc Đông Nam Á Sự Vụ và rời Bộ Quốc Phòng, về làm việc tại Bạch Ốc. Ở cương vị này, Elizabeth phác thảo những chính sách về quan hệ đối ngoại với các quốc gia Đông Nam Á cùng khối ASEAN. Cô điều hợp  việc đưa ra các chính sách và phản ứng của Hoa Kỳ về các mặt ngoại giao, quân sự, kinh tế... trước các phong trào cách mạng tại Miến Điện hồi 2007 hay cơn bão Nargis làm thiệt mạng hàng trăm ngàn người Miến Điện hồi năm 2008. Phối hợp với Bộ Ngân Khố, Elizabeth giám sát toàn bộ các biện pháp chế tài và lịnh cấm vận kinh tế với chế độ quân phiệt Miến Điện vì đã đàn áp các phong trào dân chủ Miến Điện. Trong vai trò cố vấn và tham gia những quyết định quan trọng đến Miến Điện, có thể nói rằng Elizabeth là một trong những cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ đã ít nhiều góp phần giúp Miến Điện đạt đến con đường dân chủ như vừa qua.  

Năm 2009, sau khi TT Obama nhậm chức, Elizabeth được tu nghiệp tại Học Viện Dwight D. Eisenhower về tiềm lực và chiến lược an ninh quốc gia gần một năm trời. Đây là học viện quân sự  mà tiền thân là Đại Học Kỹ Nghệ về Vũ Trang ICAF thuộc Đại Học Quốc Phòng Hoa Kỳ, nơi huấn luyện những sĩ quan cao cấp trong quân đội hay các viên chức chính phủ cao cấp được chọn lọc, những người có triển vọng trở thành những cấp chỉ huy quân đội hay những lãnh đạo chính phủ cấp cao trong tương lai. Không ít những người  được huấn luyện tại đây đã trở thành những vị tướng, đô đốc, đại sứ hay nhân viên cấp cao của Bộ Quốc Phòng và Bộ Ngoại Giao.  Hàng năm có khoảng hơn 300 người được chọn vào khóa huấn luyện tại học viện này và được cấp bằng Cao Học về Chiến Lược Tiềm Lực Quốc Gia (National Resource Strategy) sau khi hoàn tất chương trình huấn luyện. Thông thường đây là nhóm những sĩ quan hay viên chức chính phủ xuất sắc và có thâm niên trên 20 năm, trong khi Elizabeth chỉ là một thiếu nữ trẻ và bắt đầu làm việc với Bộ Quốc Phòng từ 2002, tức chỉ bảy năm kinh nghiệm nhưng đã được chọn huấn luyện cho nguồn nhân sự lãnh đạo tương lai, chứng tỏ tài năng của cô trong các trọng trách đã nắm giữ và hứa hẹn một con đường thăng tiến trong tương lai.

Tốt nghiệp khóa huấn luyện, năm 2010 Elizabeth quay về làm việc tại văn phòng Bộ Trưởng Quốc Phòng trong chức vụ Giám Đốc về Những mối đe dọa toàn cầu (Global Threats) , quản trị một nhóm sĩ quan và nhân viên dân sự chuyên trách về các chính sách và biện pháp chế tài với các thể chế độc tài, chống lại việc rửa tiền các tổ chức khủng bố, các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia và cướp biển. Cô cũng hoạch định các thoả thuận về hợp tác và phân bổ ngân sách giữa Bộ Quốc Phòng cùng Bộ Tư Pháp, Bộ Nội An, FBI, DEA... trong việc chống lại các tổ chức tội phạm kể trên. Và từ giữa năm 2013, Elizabeth lại được bổ nhiệm vào Hội Đồng An Ninh Quốc Gia với chức vụ Giám Đốc  Đông Nam Á và Châu Đại Dương Sự Vụ tại Bạch Ốc cho đến nay. Đây là ban tham mưu cao cấp tại Bạch Ốc làm nhiệm vụ cố vấn cho tổng thống trong các vấn đề an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại. Chuyên trách về khu vực Đông Nam Á, Elizabeth đánh giá về các tác động kinh tế, chính trị và diễn biến an ninh của những quốc gia này đến chính sách Hoa Kỳ. Cô cũng tham gia việc chuẩn bị và dàn xếp các thoả thuận về chính trị, quốc phòng và kinh tế cho các cuộc họp giữa TT Obama với hàng chục nguyên thủ quốc gia trong khu vực, bao gồm cả những cuộc gặp gỡ giữa T.T Obama và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hay Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam từng đến Mỹ.  Không chỉ vậy, Elizabeth còn tham gia soạn thảo các đường lối cố vấn  tổng thống cho vấn đề ngân sách khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, như đã từng đứng đầu việc soạn thảo chương trình Hoa Kỳ viện trợ đô la thiết bị và huấn luyện cho các nước Philippines, Việt Nam, Malaysia và Indonesia với ngân sách khoảng 150 triệu.

Từ khi chính sách Hoa Kỳ chuyển trục về Châu Á, cùng với những bất ổn biển Đông do Trung Cộng gây nên trong thời gian qua, chắc chắn cương vị đứng đầu sự vụ về khu vực này không phải là một công việc dễ dàng để có thể cố vấn cho tổng thống những chính sách đối ngoại thích hợp của Hoa Kỳ đến các quốc gia trong khu vực, mà đòi hỏi một bản lãnh và tài năng của người đương nhiệm, tức Elizabeth Phú - người được những giới lãnh đạo cao cấp của Hoa Kỳ tín nhiệm giao cho trọng trách này. Ứng xử  và những nước cờ của Hoa Kỳ tại Biển Đông hay Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng ắt không thể thiếu sự dự phần của Elizabeth Phú trong thời gian sắp đến. Chúng ta chúc cô sẽ tròn trọng trách ở mức cao nhất với không chỉ Hoa Kỳ, mà với cả đất nước Việt Nam nơi cô đã sinh ra.

DYT
NỮ KHOA HỌC GIA DƯƠNG NGUYỆT ÁNH-NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT
Lê Phú Yên
2 giờ
Cô Dương Nguyệt Ánh (DNA) đã đào thoát khỏi Việt Nam năm 1975 cùng với gia đình bằng trực thăng, trong làn sóng người Việt tỵ nạn Cộng Sản đâu tiên, vừa lúc quân Cộng Sản vào chiếm thành phố Sài Gòn/ Nam Việt Nam và đến Phi Luật Tân. Gia đình cô được chuyển vào một trại tạm cư do Hoa Kỳ thiết lập ở đó, rồi được chính thức công nhận cho tỵ nạn chính trị tại Hoa Kỳ.
Nơi đầu tiên mà gia đình cô đặt chân đến Hoa Kỳ là một trại tị nạn ở Pennsylvania, về sau thì được một Nhà Thờ Tin Lành ở Hoa Thịnh Đốn bảo trợ cho xuất trại và họ đã giúp đỡ gia đình cô trong những bước đầu. Lúc bấy giờ Dương Nguyệt Ánh được 15 tuổi, mới học lớp 9 trường Lê Quý Đôn, Sàigòn. Cũng như rất nhiều người tị nạn thời đó, vốn liếng tiếng Anh của cô không có nhiều, nhưng tự ái dân tộc thì phải nói là quá lớn nên cô đã chăm chỉ, miệt mài học ngày học đêm. cô quan niệm rằng mình phải cố gắng làm thế nào để qua mặt các bạn Hoa Kỳ cùng lớp. Lúc đó cô mơ ước khi lớn lên thì phải thành công, ít ra là cũng ngang với họ để người bản xứ không thể khinh miệt người Việt Nam là dân tỵ nạn ăn bám.
Cũng với ý chí và vì lòng tự ái dân tộc vô cùng mạnh mẽ đó mà cô đã tốt nghiệp Trung Học và tốt nghiệp hai ngành tại Đại học Maryland, một về kỹ sư hoá học và một về kỹ su điện toán, tất cả đều với hạng danh dự. Ngoài ra cô còn tốt nghiệp Cao Học Quốc Gia Hành Chánh tại American University cũng với hạng danh dự. Chính nhờ vậy nên sau khi hoàn tất bậc Đại Học, cô đã được tuyển vào làm việc tại Trung Tâm Nghiên Cứu của Hải Quân Maryland.
Đây là gương sáng hiếu học của cô Dương Nguyệt Ánh (DNA), rất đáng trân trọng để cho giới trẻ Việt Nam lấy đó noi theo!
Năm 1983, cô DNA bắt đầu làm việc với ngành đã tốt nghiệp là kỹ sư hóa học. Công việc đầu tiên của cô là chuyên viên bào chế công thức về thuốc phóng đại bác cho Trung Tâm Vũ Khí Diện Địa của Hải Quân Hoa Kỳ tại Indian Head.
Năm 1986, Dương Nguyệt Ánh trở thành nhà bào chế nhiên liệu cho các loại hoả tiễn không không và địa không.
Năm 1991: cô trở thành một chuyên gia chất nổ và hai năm sau (1993) quản lý toàn bộ chương trình nghiên cứu, thăm dò và phát triển chất nổ của Hải quân Hoa Ky, do đó trở thành điểm tập trung của Hải quân Mỹ cho vật liệu nổ và chuyển đổi chất nổ của Hải quân vào các hệ thống vũ khí, cung cấp tư vấn cho chính phủ Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh.
Tháng 8 năm 2001 khi đang nghiên cứu về một loại chất nổ có khả năng diệt trừ các địa đạo thì vụ 9/11 xảy ra, cô Dương Nguyệt Ánh được tin tưởng và đề nghị là nên “thử thời vận” trong việc nghiên cứu về kỹ thuật chất nổ Áp Nhiệt (thermobaric) và biến nó thành vũ khí Áp Nhiệt ngay lập tức để hỗ trợ cho chiến dịch OEF (Operation Enduring Freedom). KHG_Dương Nguyệt Ánh đã dẫn đầu một nhóm chuyên gia gồm khoảng 100 khoa học gia, kỹ sư, và cán sự – chỉ trong khoảng thời gian kỷ lục chưa từng có là 67 ngày – đã đi từ ý niệm sơ khởi đến việc chế tạo ra 11 trái bom Áp Nhiệt đầu tiên cho chiến trường A Phú Hãn.
Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh thành công vượt bực, đã phát triển và chuyển tiếp tổng cộng 10 công thức chất nổ cho 18 loại vũ khí khác nhau trong vòng 12 năm cho Hải Quân, Lục Quân, Không Quân và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Đó là một kỷ lục chưa từng có.
Năm 2002, Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh được bổ nhiệm vào chức vụ Giám Đốc Khoa Học và Kỹ Thuật của Trung Tâm Nghiên Cứu và Chế Tạo Vũ Khí Hải Quân ở Maryland. Ở chức vụ này, cô là người định hướng và điều khiển tất cả các chương trình nghiên cứu trên mọi lãnh vực khoa học và kỹ thuật của Trung Tâm Indian Head với mục đích áp dụng vào việc chế tạo những vũ khí tương lai cho Hoa Kỳ.
Từ tháng 11 năm 2006, KHG Dương Nguyệt Ánh được mời về làm việc tại Ngũ Giác Đài và đảm nhận chức vụ Cố Vấn Khoa Học Kỹ Thuật cho Phó Đô Đốc John Morgan, Tư Lệnh Phó Hải Quân, Đặc Trách về Kế Hoạch và Chiến Lược, và cho Tổng Giám Đốc Thomas Betro, Chỉ Huy Trưởng Cơ Quan Điều Tra Tội Phạm và Phản Gián của Hải Quân (Naval Criminal Investigative Service) Với chức vụ này cô Nguyệt Ánh hoàn toàn chú tâm vào chiến tranh chống khủng bố, kể cả việc áp dụng khoa học kỹ thuật của tình báo, phản gián và điều tra tội phạm vào công tác chiến trường và các sứ mạng chống khủng bố toàn cầu. Truyền hình “NCIS” đã dựa vào cơ quan có thật này để thực hiện chương trình của họ.
Sau chức vụ ở Ngũ Giác Đài đã đề cập ở trên, cô DNA hiện đang làm việc tại Bộ Nội An với chức vụ Tổng Giám Đốc Khoa Học Kỹ Thuật An Ninh Biên Giới, Lãnh và Hàng Hải cho Bộ Nội An Hoa Kỳ. Với chức vụ này cô DNA làm việc trực tiếp dưới quyền của Thứ Trưởng Nội An về khoa học kỹ thuật.
Tóm lại, cho đến nay, Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh đã đóng góp 31 năm cho Hoa Kỳ trên hai lãnh vực Khoa Học và Kỹ Thuật.
Bằng khen thưởng / Huy chương
Cô Dương Nguyệt Ánh từng lãnh đạo toàn bộ chương trình nghiên cứu và chế tạo chất nổ của Hải Quân, và đã đem lại 10 chất nổ mới cho 18 loại vũ khí đang được trang bị cho Hải Quân, Lục Quân, Không Quân và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Với thành tích kỷ lục này, KHG Dương Nguyệt Ánh được Hải Quân trao Giải thưởng cao quý Dr. Arthur Bisson Award for Naval Technology Achievement vào năm 2000.
Cô cũng từng là đại biểu của Hoa Kỳ ở Liên Minh Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương (Tiểu Ban Chất Nổ), đồng thời cũng là tác giả nhiều bài viết nghiên cứu về chất nổ và đã từng thuyết trình ở rất nhiều hội nghị chuyên môn quốc tế và quốc nội (Hoa Kỳ).
Năm 2001, cô đã được trao huy chương dân sự ưu tú cho khả năng lãnh đạo xuất sắc, chuyên môn kỹ thuật và đóng góp đáng kể cho Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trong lĩnh vực chất nổ với năng suất cao.
Năm 2004, cô được vinh danh với giải thưởng Award of Excellence for Public Service bởi U.S. Pan Asian American Chamber of Commerce.
Năm 2007, Dương Nguyệt Ánh đã được trao huy chương toàn quốc Service to America Medal for National Security (Huy Chương Phục Vụ Quốc Gia về An Ninh) và đã đươc vinh danh trong một buổi lễ ở Hoa Thịnh Đốn vào tháng 9-2007. Tại buổi Lễ trao huy chương, cô DNA đã khiến cho toàn thể quan khách đứng dậy vỗ tay khi cô phát biểu: “Xin dành phần thưởng cao quý này cho 58.000 quân nhân Hoa Kỳ da hy sinh tai VN, và hơn 300.000 chiến sĩ VNCH chết trong trận chiến VN.”
Năm 2008 cô được Phó Bộ Trưởng Nội An vinh danh là Công Dân Hoa Kỳ Ngoại Hạng.
Năm 2010 cô được Quốc Hội Hoa Kỳ nêu danh là một công chức xuất sắc.
Ngoài kiến thức khoa học chế tạo bom, KHG Dương Nguyệt Ánh còn đựơc biết đến rất nhiều qua khả năng lãnh đạo và tinh thần phục vụ quốc gia. Cô đã xuất hiện trong rất nhiều bài phỏng vấn và bình luận của những tờ báo lớn như Newsweek, Wall Street Journal, Washington Post, và loạt phóng sự truyền hình về vũ khí tương lai. cô cũng là một trong những nhân vật trong cuốn sách về những người nữ kỹ sư đã làm thay đổi thế giới, Changing Our World: True Stories of Women Engineers, xuất bản bởi The American Civil Engineers Association.
vcavic.net
___________________
Anh Duong, SES - Maritime Security 2013

Không có nhận xét nào: