"Cung cấp thông tin đa chiều về một giai đoạn lịch sử đặc biệt" là mục đích cuộc triển lãm mang tên "Cải cách ruộng đất 1946-1957" đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (số 1 Tràng Tiền - 25 Tông Đản, Hà Nội).
Triển lãm 60 năm Cải cách ruộng đất 1946-1957 của Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội) khai mạc sáng 8/9 thu hút sự quan tâm lớn của công chúng. 150 hiện vật, tư liệu, hình ảnh quý được trưng bày, tái hiện giai đoạn lịch sử đặc biệt giúp "người cày có ruộng, giải phóng sức sản xuất ở nông thôn khỏi ách trói buộc của giai cấp địa chủ phong kiến", cũng tồn tại một số sai lầm.
Phần đầu về nông thôn Việt Nam trước cải cách ruộng đất tái hiện hai mảng đối lập giữa một bên là cuộc sống của giới địa chủ, một bên là đời sống của tầng lớp bần cố nông. Hình ảnh địa chủ hút thuốc phiện trưng bày cạnh bộ đèn, ống điếu hút thuốc phiện, tay gẩy thuốc phiện...
Áo nam kép dài 5 thân, áo nữ, giầy, hài, quạt, gậy ba toong... của địa chủ dùng trước cải cách ruộng đất.
Đối diện với khu trưng bày các vật dụng của giới địa chủ là áo đụp của cha con bần cố nông thôn Nhân Dục, xã Hiến Nam (Hưng Yên) dùng trước cải cách ruộng đất. Nhiều nông dân bị dồn vào thế cùng quẫn bởi sưu cao thuế nặng, địa tô, nợ lãi.
Tháng 11/1953, Trung ương Đảng thông qua Cương lĩnh ruộng đất và quyết định cải cách ruộng đất trong kháng chiến. Nông dân cùng nhau chống lại địa chủ, tịch thu hơn 70.000 hécta đất ruộng để chia cho gần 4 triệu nông dân tại 3.314 xã.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm gia đình chị Bân ở xã Trung Nghĩa, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), nghe nông dân báo cáo tình hình sản xuất và đời sống của bà con sau khi thực hiện cái cách ruộng đất, ngày 8/2/1955.
Mùa hè năm 1956, Đảng bắt đầu phát hiện những sai lầm trong cải cách ruộng đất. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào nói rõ thắng lợi và sai lầm của cuộc vận động. Tháng 12/1957, Hồ Chủ tịch nói chuyện với hội nghị toàn quốc tổng kết công tác sửa chữa những sai lầm trong quá trình thực hiện cải cách ruộng đất.
Ngoài hình ảnh, nhiều nghị quyết, thông tư, chỉ thị, công văn của Đảng, báo cáo kết quả sửa sai của một số địa phương được trưng bày, thu hút sự chú ý của những vị khách cao tuổi.
Ông Đào Văn Nhượng (84 tuổi, ở Giảng Võ, Hà Nội) một mình tới triển lãm, xem rất lâu từng chi tiết hiện vật, hình ảnh. "Có cái sai thì mới có cái đúng được. Điều tốt nhất là Đảng và Nhà nước đã kịp thời sửa sai. Thời đó tôi còn ít tuổi, đến giờ tuổi già càng nhận thức thấy cái sửa sai đó là dũng cảm, mạnh dạn", ông Nhượng nói.
Thiện Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét