Vụ tặng tranh cho người mù: "Tôi thấy bị tổn thương vì dư luận"
Phong Nguyên |
Chủ tịch Trung ương Hội người mù Việt Nam lên tiếng trước ý kiến trái chiều xung quanh sự việc Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh tặng tranh cho Hội người mù.
Gần đây, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều nhau bàn tán về bức ảnh Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh (thời điểm đó) trao tặng Trung ương Hội Người mù Việt Nam bức tranh Bác Hồ và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong lần về thăm Hà Tĩnh.
Đây là bức ảnh từ tháng 12/2014, nhưng những ngày qua được cư dân mạng đưa lên bàn tán. Nhiều ý kiến cho rằng, tặng tranh cho người mù là không nghiêm túc, giễu cợt bởi người mù không xem được tranh.
Trước nhiều ý kiến trái chiều, trao đổi với phóng viên, ông Cao Văn Thành – Chủ tịch Trung ương Hội người mù Việt Nam – một trong hai nhân vật chính của bức ảnh cho biết, ông cảm thấy thật sự bị tổn thương khi mọi chuyện đã bị đẩy đi quá xa.
Xác nhận đó không phải là tranh nổi – thứ người mù có thể “xem” được, ông Thành cho biết, ông không đồng tình với những ý kiến trái chiều, suy diễn sự việc theo hướng tiêu cực của một bộ phận cộng đồng mạng, dư luận trong những ngày qua.
Theo ông Thành, sự việc diễn ra vào cuối năm 2014, trong một lần đoàn công tác của Trung ương Hội do ông dẫn đầu vào Hà Tĩnh để làm công tác nhân sự với ông Phạm Viết Thu – khi đó là Chủ tịch Hội nguời mù Hà Tĩnh, sau được điều ra công tác ở Trung ương Hội.
Khi làm việc với tỉnh ủy Hà Tĩnh, đoàn công tác được lãnh đạo tỉnh trong đó có đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Bí thư Tỉnh uỷ đón tiếp rất trọng thị.
“Với tất cả tấm lòng mình, đồng chí Bí thư tỉnh có tặng chúng tôi bức tranh Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh.
Tuy rằng người mù không thể nhìn thấy, nhưng chúng tôi cũng cảm nhận, hình dung được bức tranh, hiểu được tình cảm của Bác Hồ và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với Hà Tĩnh qua lời giới thiệu của các đồng chí ấy”.
Ông Thành cho rằng, đó là chuyện bình thường, là sự trân trọng, tấm chân tình của Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh dành cho Hội. Tuy nhiên một số trang mạng bình luận những điều không hay và ông không đồng tình với điều đó.
“Chính sự suy diễn đó khiến tôi bị tổn thương hơn. Chúng tôi muốn được coi như người bình thường, như những người khác, dù rằng không thể nhìn thấy được, nhưng chúng tôi vẫn có thể cảm nhận thấy”, ông Thành cho biết.
Cũng theo chia sẻ của ông Thành, đây không phải lần đầu người mù nhận được những món quà gây tranh cãi như vậy.
Trước đó, Trung ương Hội người mù Việt Nam cũng nhận được các món quà khác như huân chương, chứng nhận khen thưởng, các quy định về khen thưởng khác…
Những món quà đó cũng không có chữ nổi, chỉ là chữ bình thường, người mù không xem được, nhưng theo ông Thành, họ vẫn “hòa nhập với cộng đồng”.
Ông Thành nhấn mạnh: “Không nên hiểu sai, xuyên tạc ý nghĩa thực sự của sự việc có tính nhân văn sâu sắc như vậy. Các bằng khen, giấy khen…trao cho Trung ương Hội cũng đâu có chữ nổi?
Cá nhân tôi luôn rất trân trọng bức tranh đó vì đó là món quà Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh tặng tôi – một thương binh bị mù. Tôi treo bức tranh ở phòng khách nhà mình để nhắc nhở bản thân luôn phấn đấu theo lời dạy của Bác: "Tàn nhưng không phế”.
theo Trí Thức Trẻ
Giai thoại văn học Việt Nam/Tạ người cho hoa trà
Giai thoại văn học Việt Nam/Tạ người cho hoa trà
Tương truyền Lê Hoan đứng ra tổ chức cuộc thi thơ vịnh Kiều ở Tao đàn Hưng Yên năm 1905 và có mời Nguyễn Khuyến vào ban chấm thi.[1]
Khách văn chương ở các tỉnh gửi bài về rất nhiều. Riêng Chu Mạnh Trinh gửi hai chục bài đến dự thi. Nguyễn Khuyến chấm thơ Chu Mạnh Trinh cho là khá, nhưng khi đọc đến hai câu trong bài vịnh Sở Khanh:
Làng nho người cũng coi ra vẻ,
Bợm xỏ ai ngờ mắc phải tay.
Nguyễn Khuyến tỏ vẻ không bằng lòng phê vào bên cạnh:
Rằng hay thì thật là hay,
Đem "nho" đối "xỏ" lão này không ưa!
Chẳng mấy chốc chuyện này lọt ra ngoài rồi lan khắp làng nho, ai cũng lấy đó làm giai thoại để giễu họ Chu.
Chu Mạnh Trinh từ đó giận Nguyễn Khuyến. Khi làm án sát Hưng Yên, nhân dịp ngày Tết, Chu cho người mang đến biếu Nguyễn Khuyến một chậu hoa trà với dụng ý khá thâm: Nguyễn Khuyến bấy giờ lòa cả hai mắt, mà hoa trà là loại hoa chỉ có sắc mà không có hương, rõ ràng họ Chu có ý xỏ lá. Hiểu ý của Chu, Nguyễn Khuyến tạ Chu bằng một bài thơ:
Tết đến người cho một chậu trà,
Đương say còn biết cóc đâu hoa.
Da mồi tóc bạc ta già nhỉ,
Áo tía đai vàng bác đó a?
Lâu nay ta chỉ xem bằng mũi,
Đếch thấy hơi thơm, một tiếng khà!
Chu Mạnh Trinh đọc thơ xong vừa thẹn vừa ân hận. Người ta nói đùa rằng vì bài thơ đó mà Chu đã từ chức án sát!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét