Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016

NHỮNG ẨN DỤ NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT "TÌNH YÊU HOANG DÃ"... CỦA ZAHARIA STANCU

( Tái bản lần thứ 4; Phạm Viết Đào dịch từ tiếng Romania)
Bình luận của Đỗ Minh Tuấn- 
Không có văn bản thay thế tự động nào.
Tiểu thuyết Tình yêu hoang dã là một kiệt tác văn học của Romania. Tác giả Zaharia Stancu (1902 -1974) nguyên là Chủ tịch Hội Nhà văn Romania,Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Romania,Uỷ viên Hội đồng Nhà nước…
Xuất thân từ tầng lớp nghèo khổ, chỉ được học hết phổ thông trung học, Zaharia Stancu đã rèn luyện và tự học để trở thành một nhà văn lớn, một trong số ít nhà văn Romania có ảnh hưởng lớn trên văn đàn thế giới. 10 cuốn tiểu thuyết của Zaharia Stancu đã được dịch ra 30 thứ tiếng trong đó riêng tiểu thuyết Những người chân đất được dịch ra 26 thứ tiếng; Những người chân đất đã được Trần Dần dịch ra tiếng Việt từ năm 1962.
Trong 11 tiểu thuyết của ông,3 tiểu thuyết được xếp vào Tủ sách kiệt tác văn học của Romania. Zaharia Stancu còn là tác giả của 15 tập thơ,nhiều tập bút kí truyện ngắn. Ông là người trưởng thành từ nghề báo, trong nhiều năm ông là chủ bút của tờ báo Romania Văn học của Hội Nhà văn Romania…
Tiểu thuyết Tình yêu hoang dã được in lần đầu vào năm 1968 là một trong những tác phẩm cuối đời của Zaharia Stancu. Ngay khi mới ra đời Tình yêu hoang dã đã được bạn đọc Romania đón nhận nồng nhiệt và nhanh chóng đựơc dịch ra 6 thứ tiếng.
Những ẩn dụ và những thông điệp tầm nhân loại của tiểu thuyết
Là một truyện tình tay ba đầy gây cấn lôi cuốn người đọc từ trang đầu cho tới trang cuối cùng, Tình yêu hoang dã lại không chỉ đơn thuần là một câu chuyện tình đầy máu và nước mắt như thông lệ. Thông qua câu chuyện tình độc đáo gắn với số phận của một bộ tộc Digan trong thời điểm khốc liệt nhất của thế chiến làn thứ hai ở Romania là thông điệp của nhà văn: về những nghịch lý và thảm trạng trong đời sống nhân loại; về thân phận và cách ứng xử của những dân tộc nhược tiểu trước những va đập của thời đại đầy những xung đột nảy sinh từ các tham vọng của những thế lực sen đầm, ác bá và trước cả sự giở quẻ của một thiên nhiên đầy ẩn hoạ, tai ương. Với nghệ thuật xây dựng tình huống và khắc hoạ chi tiết, tác giả đã sáng tạo được những ẩn dụ nghệ thuật sâu thẳm có sức ám ảnh lớn với nhiều thế hệ độc giả của nhiều quốc gia.
Tiểu thuyết Tình yêu hoang dã là câu chuyện tình tay ba giữa cô gái Digan Lisandra với Gosu chồng cô ta và Ariston tình nhân của cô ta. Tác giả bắt đầu bằng vụ ngoại tình vỡ lở và bộ tộc Digan gồm 99 con người phải dùng luật tục để giải quyết những mâu thuẫn không thể nào hoà giải .
Theo tập tục, Gosu có quyền giết vợ hoặc đánh chết kẻ tình địch để chiếm lại Lisandra. Nhưng nếu Gosu giết vợ thì cuộc sống của anh ta không còn ý nghĩa nữa, mà giết tình địch thì vợ cũng chết theo vì cô gái Zigan ngoại tình thà chết chứ không bỏ tình nhân.
Cô gái Digan này luôn nguyền rủa chồng, đòi được giải phóng để tự do sống với tình nhân. Tập đoàn người Digan vốn coi tình yêu là thiêng liêng đã tạo cơ hội cho hai người đàn ông giao tranh sòng phẳng,ai sống sót trong cuộc tử chiến sẽ được quyền sống với Lisandra. Nhưng thủ lĩnh Hinbasa nhân danh sự tồn tại của cộng đồng đã không cho phép họ thực hiện đúng luật chơi, không cho phép họ giết chết nhau vì cộng đồng này đã bị chết nhiều người do đói, rét và những thứ tai bay vạ gió do chiến tranh đưa đến. Bộ tộc hiện chỉ còn vẻn vện có 99 người, nếu họ lại tiếp tục giết hại nhau thì chẳng bao lâu cộng đồng sẽ huỷ diệt. Kết cục là Ariston đã tự lao vào mũi giáo của Gosu để chết vì không làm cách nào giành được cô gái mình yêu. Lisandra cũng tự vẫn vì mất Ariston. Thủ lĩnh Himbasa cũng tự vấn vì bất lực trước sự thất bại, tự huỷ diệt về mọi mặt của cộng đồng Digan, nơi giờ đây không còn đủ sức duy trì cả những giá trị truyền thống mà ông muốn nuôi nấng, gìn giữ.
Tình yêu đã trộn lẫn vào cái chết như một định mệnh trớ trêu, khắc nghiệt ám ảnh số phận của tập đoàn Digan lang thang trôi giạt, không biết sẽ về đâu. Thân phận của bộ tộc Digan này được Zaharia Stancu mô tả thật sinh động và vô cùng hấp dẫn.Giữa hoang mạc đầy bão tuyết,cho dù đã lẩn trốn xuống hầm sâu để tránh cái đói rét,hết sức nhũn nhặn nhường nhịn với đám lính đào ngũ chạy qua nhưng sự huỷ diệt vẫn ập đến tiêu diệt cộng đồng này từ mọi phía. Đói khát, thù hận, thiên tai và cả những điều tai bay vạ gió do chiến tranh đưa đẩy đến đã biến những thành viên của cộng đồng từ thủ lĩnh Him-basa đầy quyền uy đến những cô gái Digan lãng mạn; từ những bà lão tiên tri bí ẩn, đến những đứa bé, đứa trẻ sơ sinh; từ những người đàn ông khoẻ mạnh đến những người đàn bà Digan mắn đẻ lúc nào cũng bụng mang dạ chửa đến cả những con ngựa,con la, con cừu, con gấu…đều được nhà văn khai thác, tô điểm thành những nhân vật bi kịch, một thứ nạn nhân của chiến tranh, một thứ “vật tế thần” cho những thủ đoạn chính trị điên rồ,tàn ác. Digan là một tộc người không chính kiến chính trị, không tổ quốc, không tôn giáo, lấy bói toán là một nghề kiếm sống song họ lại là con người vô thần không tin có Thượng đế, tóm lại họ tồn tại một cách bản năng hoang dã như hoa lá cỏ cây,một tộc người gần như vô hại.
Từ những trang đầu của cuốn tiểu thuyết viên sen đầm đã xác định với họ:”Các vị không liên can gì đến chiến tranh nhưng chiến tranh lại liên can tới các vị”… Những vấn đề được Zaharia Stancu nêu lên chắc chắn không phải là vấn đề của bộ tộc Digan do Him-basa làm thủ lĩnh,càng không phải là vấn đề của riêng đất nước,dân tộc Romania bao phen rơi vào tình cảnh cùng một lúc đối phó vơí cả thù trong lẫn giặc ngoài.
Vấn đề của tiểu thuyết là vấn đề tươi mới của nhân loại hôm nay khi vẫn còn đầy rẫy những thế lực sen đầm,ác bá coi rẻ mạng sống,quyền sống của những dân tộc nhỏ và yếu hơn. Cho dù thủ lĩnh Him-basa của họ ngay từ đầu đã lựa chọn một cách ứng xử theo cách của một tộc người nhược tiểu: đưa cả cộng đồng xuống cái căn hầm, co mình lại để tránh né,đẻ đối phó với các mâu thuẫn của thời đại, nhưng rồi bản thân những vấn đề của các thành viên không được giải quyết triệt để và thoả đáng đã huỷ hoại cộng đồng Digan này theo một cách riêng. Sức mạnh và sức sống của một cộng đồng không phải là phép cộng của những toan tính nhược tiểu mà là phép luỹ thừa của tình yêu và quyền sống của mỗi thành viên.
Tình yêu hoang dã vừa là một ẩn dụ lớn về kiếp nhân sinh phi lý và bất định; là một thông điệp về sự suy tàn của lối sống bầy đàn hoang dã; sự cùng quẫn và bế tắc của những suy tính nhược tiểu.Trong cái thế giới đương đại đầy cường bạo và bất trắc, trước sức ép của chiến tranh, nghèo đói và hủ tục, một dân tộc nhược tiểu không thể cố sức duy trì sự tồn tại bằng cách chui vào hầm để trốn tránh mọi xung đột của thời đại và nuôi ảo tường có thể bảo tồn được bản năng hoang dã của cộng đồng. Càng không thể củng cố cộng đồng bằng ngọn roi áp chế gia trưởng, một thứ quyền lực, quyền uy theo kiểu cha truyền con nối, kìm nén và xếp xó những vấn đề, những mâu thuẫn, những khát vọng nội tại, đi ngược lại quyền sống chính đáng của các thành viên, tự ru ngủ bằng những khẩu hiệu đoàn kết, ổn định và đồng thuận giả tạo.
Trong thời đại ngày nay, một dân tộc cho dù nhỏ bé, muốn tồn tại và phát triển cần phải biết cách đối mặt với mọi thách thức, nhìn thẳng vào những vấn đề của nội tại để đương đầu giải quyết bằng sức mạnh có tổ chức,của khoa học, của dân chủ của văn minh của cả cộng đồng…
Nghệ thuật xây dựng tình huống và chi tiết
Thông điệp nghệ thuật trong tiểu thuyết Tình yêu hoang dã là một thông điệp đa tầng, đa nghĩa, gợi đến những vấn đề sâu xa và lớn lao của nhân loại hôm nay. Để tạo được những ẩn dụ nghệ thuật và những thông điệp phong phú đó, chúng ta hãy xem ngòi bút đầy uy lực của Zaharia Stancu đã sử dụng những bút pháp nghệ thuật nào.
1- Những tình huống kép liên hoàn đầy xung đột, bế tắc và nghịch lý
Dùng “không gian chiến tranh” là một cách chọn tình thế, hoàn cảnh không mới, nhưng cái mới của cuốn tiểu thuyết ở chỗ: chiến tranh không được mô tả trực diện mà chỉ nghe tiếng súng ì ầm xa xa và thấy bóng dáng của nó qua những chiếc máy bay lướt nhanh trên bầu trời, qua bộ mặt tiều tuỵ khổ ải của những tên lính đào ngũ bỏ trốn khỏi chiến hào. Chiến tranh cũng chỉ được dùng làm cái nền để bộc lộ tính cách, thân phận của những người trực tiếp tham chiến và cả những người tưởng chẳng liên can nhưng lại bị sen đầm lôi cổ vào như đám người Digan kia. Dùng cái biện pháp chính trị tàn khốc này để cọ xát với một tộc người còn duy trì lối sống bản năng theo kiểu bầy đàn, hoang dã, một tộc người vô hại và vô chính trị, tức là tác giả đã dùng cái cực này để đối với lại với cái cực kia; khi hai thái cực va xiết với nhau sẽ làm bật lên những vấn đề,những dụng ý nghệ thuật của nhà văn…
Trong các thiên tình sử của thế giới, các cuộc tình tay ba là một tình huống không mới, thông thường đối với loại tam giác này chỉ cần loại trừ một mắt xích là mọi chuyện lại trở nên êm đẹp.
Trong cuốn tiểu thuyết của Stancu thì cái mới trong cái “tam giác” tình yêu Gosu-Lisandra-Ariston là: cả ba con người này đều không thể sống thiếu nhau.Vì tình yêu nên Gosu không thể sống thiếu Lisandra, bởi vì Gosu yêu Lisandra vô cùng, trong khi đó thì Lisandra lại chỉ yêu Ariston mặc dù Lisandra là vợ của Gosu và cả Ariston cũng không thể sống thiếu Lisandra…Cái “tam giác” tình yêu này còn được đặt trong bối cảnh : luật tục của người Digan hết sức hà khắc,sự ngoại tình chỉ có thể giải quyết bằng những trận huyết đấu hoặc bằng dao, hoặc bằng roi cho tới khi một trong ba người phải bị loại ra khỏi cái tam giác này. Để rửa nhục Gosu có quyền giết vợ,nhưng hắn lại không thể làm được điều đó vì nếu giết chết Lisandra,Gosu cảm thấy cuộc sống không còn ý nghĩa.
Luật tục Digan cũng cho phép hai người đàn ông xử nhau: ai chiến thắng người đó sẽ được quyền sở hữu Lisandra, nhưng đáng tiếc là Ariston lại không thắng đượcGosu qua những trận huyết đấu dai dẳng. Trong khi đó mặc dù Gosu vừa có quyền, có khả năng giết chết Ariston để chấm dứt sự rắc rối rửa được mối nhục và nắm trọn quyền sở hữu Lisandra nhưng hắn lại không dám giết vì thủ lĩnh Him-basa ngăn cản. Himbasa không muốn bộ tộc của ông sẽ bị chết thêm, mặt khác, ông nuôi hy vọng bằng ngọn roi áp chế của mình, ông có thể khuất phục được trái tim của Lisandra mà không cần phải giết chết một ai. Thế nhưng Him đã thất bại.
Trước sức ép của cộng đồng, của luật tục, cuối cùng Him-basa đã quyết định cho phép hai người đàn ông được thanh toán với nhau dứt điểm. Lúc này, Gosu vẫn là người có đầy đủ khả năng giết chết tình địch, nhưng lại vẫn chùn tay vì hắn lo sợ nếu giết chết Ariston,Lisandra sẽ chết theo,Lisandra đã nhiều lần tuyên bố như vậy…
Chính cái sự nhùng nhằng này mà “tam giác” tình yêu Gosu-Lisandra-Ariston đã tồn tại từ trang đầu cho tới trang cuối của tiểu thuyết cho tới lúc điều gì phải đến đã đến – những con người coi tình yêu hơn cả mạng sống này tìm được một lối thoát trong cái chết . Ariston đã tự mình lao vào mũi dao của Gosu để chấp nhận cái chết,còn Lisandra cũng đã thực hiện đúng như điều cô tuyên bố: nếu Ariston bị giết,cô sẽ chết theo vì thiếu tình yêu cô sống chẳng để làm gì…
“Tam giác” tình yêu này được tạo ra không phải để cho thiên truyện khỏi khô khan mà nó là một trong những huyết mạch làm nên nhựa sống cho ý đồ nghệ thuật của tác phẩm. Cũng giống như quyền sống,sức sống của mỗi con người ,của một cộng đồng, của một dân tộc không thế là thứ có thể cưỡng bức hay cưỡng đoạt. Mỗi khi sợi dây giao hoà này bị ngăn cản, chặt đứt thì sự sống sẽ bị tàn lụi, suy vong, không có lý do tồn tại. Một cuộc hôn nhân không thể tồn tại, không thể có hạnh phúc nếu không có tình yêu ràng buộc.
Điều này cũng giống như một bộ tộc, một cộng đồng, một quốc gia không thể phát triển,đứng vững được trước mọi thử thách, va đập khi thiếu tình yêu trong các quan hệ con người…Đây chỉ là một trong những tấn bi kịch trong cải tổng thể những bi kịch mà cộng đồng người Digan dưới quyền chỉ huy của Him-basa đang phải đối mặt.
Việc lựa chọn tình huống đưa cả một bộ tộc xuống hầm là một tình huống thâm thuý của Zaharia Stancu. Bản thân cộng đồng người Digan là một cộng đồng lang bạt nay đây mai đó, họ sống không nhà cửa,căn nhà của họ là chiếc xe ngựa, khi họ bị đẩy ra sống giữa vùng đệm là một hoang mạc, Him-basa nghĩ ngay tới việc đào hầm vừa để tránh rét,vừa để tránh bom đạn.
Như vậy “căn hầm” cụ thể này lại hàm chứa trong đó những giá trị ẩn dụ, tượng trưng nghệ thuật khá đắc địa. Cộng đồng Digan của Him-basa gần trăm con người bị dồn xuống ba căn hầm ngột ngạt và ám khói, tưởng rằng chui xuống đây sẽ chống đỡ được cái rét, xa lánh được chiến tranh. Nhưng những tên lính đào ngũ vẫn cứ xông vào tận trong hầm của họ để trấn cướp thức ăn và hãm hiếp phụ nữ. Không tránh được chiến tranh, họ còn bị đói khát, chật chội và bao nhiều chuyện tai ương ngớ ngẩn khác.
Rõ ràng với hy vọng co mình lại để lẩn trốn mọi va đập để mong duy trì sự tồn tại, nhưng càng co mình lại họ càng phải chịu đựng cái nguy cơ tự huỷ diệt,bị huỷ diệt nhiều hơn…Đây là một tình huống tài tình tải chứa được những dụng ý nghệ thuật thâm thuý.Như vậy hành vi “chui hầm ” là một hành vi có giá trị tượng trưng ẩn dụ,anh càng chui xuống hầm anh cãng dễ bị huỷ diệt.Chỉ sau khi Him-basa tuẫn tiết,những người Digan còn lại đã nhận ra lỗi lầm nên đã chui ra khỏi hầm để quay về phía thành phố để kiếm tìm níu kéo sự sống.
Trở lại tấn bi kịch của cái “tam giác” tình yêu Gosu-Lisandra-Ariston chúng ta thấy những nhân vật này vừa là nạn nhân lại vừa là thủ phạm của những điều rắc rối. Họ vừa là “kẻ đi xâm lược lại vừa là nạn nhân bị xâm lược”, chính vì lẽ đó mà họ không dễ tự giải phóng cho mình thoát ra khỏi bi kịch.
Trong tiểu thuyết, tác giả đã xây dựng được một tình huống kép khá bi hài và thú vị,đó là tình huống những tên lính đào ngũ bị đám người Digan nhốt trói. Ba tên lính đào ngũ này đã xông vào hầm của dân Digan định dùng súng đạn để cưỡng hiếp những ngươì đàn bà Digan.
Bằng những mưu mẹo khôn khéo của bà già mù cuối cùng bọn này đã bị bắt trói. Một vấn đề khá nan giải đặt ra cho thủ lĩnh Him-basa là nên giết hay nên tha những tên tội đồ này? Nếu giết thì không được vì dân Digan không giết người, không nhúng tay vào máu, còn nếu tha lại sợ bọn này quay trở lại trả thù. Giải pháp cuối cùng Him quyết định trói bọn này lại,nhốt riêng và cung cấp thức ăn cho chúng đế chúng sống.
Giải pháp này ngỡ nhân đạo,tưởng là để cứu vớt mà hoá ra lại đẩy bao con người sa vào sự đày đoạ mới. Đám người Digan đang sa vào tình cảnh đói rét bây giờ lại phải nhường cơm sẻ áo,nhường củi lửa cho những kẻ đã từng trấn cướp mình.Còn những tên lính đào ngũ thì nào đâu có sung sướng gì hơn. Thảm cảnh và cách xử sự này của Him-basa về hình thức ngỡ là nhân đạo nhưng thực chất người được cứu và người đi cứu lại bị đẩy vào những sự đày đoạ khốn nạn hơn. Cách ứng xử này đã được chính Lisandra so sánh với cảnh ngộ mà Gosu và Him-basa đã đối xử với cô và Ariston: giết không cho giết mà giải phóng cũng không cho giải phóng.
Đây là những trang viết khá thành công, một trong những tình huống độc đáo của tác phẩm, mang rất nhiều ý tứ thâm trầm về những nghịch lý trong cuộc sống.
Zaharia Stancu khi viết về những thảm cảnh bị đày đoạ của con người, ông đã chỉ ra cái cơ chế sinh động của sự bế tắc khi: những thảm cảnh đó rơi xuống từ những cái không đâu, không chỉ “bên nguyên” mà cả “bên bị” cũng đều bị hành hạ ngang nhau.
Trước sự bế tắc đó, đôi khi cái chết lại là một sự giải phóng, cứu rỗi duy nhất. Ariston và Lisandra đã tự giải phóng cho chính bản thân bằng cái chết. Nhưng đối với ba tên lính đào ngũ,cuối cùng tác giả đã tìm ra một lối thoát thú vị không phải đi qua cái chết: ông để cho mẹ goá Bob giải thoát cho họ.Trong một phiên canh gác, Bob người đàn bà goá chồng mười năm không biết mùi đàn ông đã cởi trói cho họ, lần lượt ngủ với họ và thả cho họ đi. Sau cái đêm “mưa móc” này những người lính đào ngũ này đã trở nên người hơn, chúng trở nên hiền lành hơn.
Cùng bị dồn vào những tình huống trớ trêu, bế tắc, nhưng 3 tên lính đào ngũ kia còn có người cứu, còn tình yêu của Lisandra và Ariston thì có mà trời cứu. Mặc dù cả Him-basa và Gosu đều là những con người tốt đều có trái tim nhân hậu,đều yêu quý Lisandra và Ariston.
Sự độc đáo và thú vị của thiên diễm tình này chính là chỗ: ngòi bút cao cường của Stancu đã tìm cách “nhúng” nhân vật của ông vào những tình huống nước sôi lửa bỏng, đầy nghịch lý và bế tắc. Từ những tình huống căng thẳng, bế tắc này mà những nhân vật của ông quằn quại rên xiết và chính sự rên xiết đã làm nên tư tưởng chủ đề, làm nên dư vị của tác phẩm…
Một tình huống đầy tính ẩn dụ triết học và cũng đầy tính hài xuyên suốt câu truyện là một bà già mù lại trở thành người hướng đạo tinh thần cho bộ tộc Digan. Bà vừa tiên tri, vừa giáo dục lớp trẻ, vừa bày mưu tính kế đối phó với những kẻ thù. Bà trở thành đối trọng của những tên sen đầm.
Bộ lạc Digan phiêu dạt trên một chiếc xe trên những nẻo đường zig-zag, cắt khúc và bất định mà bản đồ của nó được vẽ bởi những tên sen đầm gặp bất chợt, những hứng khởi tâm linh của người mù và những trận bão cũng mù như bà già Digan đó.
Một sự cộng sinh giữa những tính cách thô tháp, dữ dội, hoang dã với những tính cách tinh quái và bất trắc đã tạo nên những tình huống bất ngờ sinh động, không thể tiên liệu. Tình huống này tạo cho hình tượng bộ lạc vừa chân thực, sinh động vừa đầy tính ẩn dụ về một nhân loại trôi dạt vô dịnh mà tiến trình lịch sử được quyết dịnh từng đoạn bởi: những lực lượng khác nhau, đan xen giữa những quyền lực tối tăm và những quyền lực sáng suốt, những suy nghĩ tỉnh táo và những hứng khởi ngẫu nhiên đầy tính định mệnh…
Có thể nói trong tiểu thuyết Tình yêu hoang dã Zaharia Stancu đã tỏ ra rất tài ba trong việc bày đặt ra những tình huống, nói đúng hơn là ông đã tạo ra được một thế trận liên hoàn những tinh huống vừa độc đáo ,vừa thú vị lại vừa có ý nghĩa tượng trưng, ẩn dụ cao. Những tình huống lồng vào nhau như gương trong gương, tình huống mẹ đẻ tình huống con, tạo ra một trận đồ bát quái để câu chuyện thêm phần lôi cuốn hấp dẫn và nhân vật có nhiều cơ hội va đập, chà xát, bộc lộ tâm lý, tính cách và số phận.
Văn chương của Stancu là một thứ văn chương đời thường, trần trụi, thô tháp nhưng không vì thế mà làm chìm lấp những ý tưởng nghệ thuật cao sâu và thâm thuý…
2- Những chi tiết độc đáo , ấn tượng và sâu sắc, đầy chất Digan
Song hành với những tình huống là những tình tiết. Có thể coi Tình yêu hoang dã là một tấm thảm được dệt kết bởi vô vàn những chi tiết, những “sợi tơ” óng ánh sắc màu của sự sống.
Những chi tiết như: Zara do đẻ con ngược chân ra trước dẫn đến một cái chết đau đớn; thằng bé Baru do nhảy từ trên bờ xuống sông bị cọc đâm vào bụng dẫn tới cái chết thảm, quằn quại; Kera bị bốn thằng đàn ông hãm hiếp trong đêm tân hôn; những người Digan phải chịu đựng trận mưa đá năm ngày năm đêm liền dẫn tới năm mạng chết vì đói rét v.v…Chi tiết Gosu móc mắt Ariston là một chi tiết nếu không đặt trong văn cảnh của tiểu thuyết người đọc sẽ không thể tưởng tưọng được làm sao Gosu lại trở nên man rợ tới mức đó.Ở đây tác giả đã xử lý tình tiết này khá vững tay khiến cho người đọc thấy được Gosu xử sự như vậy là “hợp tình“, là cao thượng.
Những chi tiết như: đám người Digan vưa ăn thịt dần những con ngựa con la chết rét, giết những con gấu phương tiện làm ăn khá gần gũi để cứu đói. Rồi khi nguồn thức ăn đó đã cạn họ phải đi săn chôn,săn thỏ hoang về nướng ăn như những người tiền sử là những chi tiết làm nên những trang sách vô cùng sống động.
Không thể không kể tới những chi tiết đặc sắc khác như: ngày lại ngày Him-basa và đám đàn ông Digan theo dõi, chờ đợi Lisandra có chửa, chỉ cần Lisandra đẻ thêm cho bộ tộc một nhân mạng là lập tức Him sẽ cho phép Gosu và Ariston lao vào cuộc tỷ thí một mất một còn.
Hay cả đám đàn bà Digan trước nguy cơ bị đám lính đe doạ cưỡng hiếp đã nhất loạt tụt quần xông ra khiến cho bọn lính khiếp vía bỏ chạy… Đó là những chi tiết độc đáo, rất Digan, vừa góp phần điểm xuyến lối sống bản năng, bầy đàn hoang dã của đám người Digan, vừa làm bật lên thân phận mong manh của người Digan nói riêng và của con người nói chung trước một cuộc đời , một thiên nhiên tiềm tàng ẩn hoạ…
Tài năng của Zaharia Stancu là ở chỗ ông đã sáng tạo và tinh lọc những tình huống chi tiết điển hình mang đậm bản sắc Digan. Những chi tiết trần trụi thô tháp đó do có giá trị tượng trưng ẩn dụ cao đã làm cho ý đồ nghệ thuật của tác giả đã siêu thoát và vượt ra khỏi phạm vi của người Digan, trở thành vấn đề của nhân loại.Đây là thành công nổi bật trong dụng ý nghệ thuật của tác giả...
Đ.M.T

Không có nhận xét nào: