Thùy Dương
Tỉ lệ người trưởng thành thừa cân hay béo phì đã tăng từ 29% vào năm 1980 lên 37% vào năm 2013 (ảnh minh họa).AFP/Jeff Haynes
Béo phì đã trở thành một đại dịch trên toàn thế giới. Theo kết quả một nghiên cứu mới được thực hiện tại nhiều nước, tỉ lệ người trưởng thành thừa cân hay béo phì đã tăng từ 29% vào năm 1980 lên 37% vào năm 2013.
Trong bài viết có tiêu đề “Đâu là nguyên nhân của dịch bệnh béo phì trên toàn cầu?” đăng trên trang mạng The Conversation, ba nhà nghiên cứu về kinh tế, sức khỏe và dinh dưỡng người Pháp - Lisa Oberlander, Disdier Anne-Célia và Fabrice Etile - cho biết nếu tình trạng thừa cân vẫn liên quan đến các nước phát triển, đặc biệt là ở phương Tây nhiều hơn là các nước đang phát triển thì khoảng cách này hiện đang dần thu hẹp. Ở Koweït, Lybia, Quatar ..., tỉ lệ béo phì ở phụ nữ đã vượt quá 50% vào năm 2013.
Theo tổ chức Y Tế Thế Giới, nạn thừa cân, béo phì trên toàn thế giới chủ yếu liên quan đến chế độ ăn uống không hợp lý như ăn nhiều đường, nhiều chất béo, nhiều thịt, nhưng lại thiếu hoạt động thể chất. Chính vì thế, tổ chức Y Tế thế Giới đã kêu gọi chính phủ các nước áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các thức uống có ga vốn được coi một trong những nguyên nhân gây béo phì.
Trong một bài báo khoa học của giáo sư Barry Popkin, xuất bản năm 1993 và được các nhà khoa học trích dẫn nhiều lần, thì nạn béo phì trên toàn thế giới là hậu quả của “sự chuyển tiếp trong chế độ dinh dưỡng”, tức là do chế độ ăn uống nhiều rau, nhiều hoa quả và chất bột đã bị thay thế bằng chế độ ăn uống nhiều chất béo, đặc biệt là chất béo từ động vật, đường và các sản phẩm chế biến sẵn.
Theo giáo sư Barry Popkin, các giai đoạn chuyển tiếp chế độ dinh dưỡng phụ thuộc các yếu tố kinh tế - xã hội, chẳng hạn như mức độ công nghiệp hóa, tỉ lệ phụ nữ có công ăn việc làm và sự phát triển của công nghệ chế biến thực phẩm.
Nạn thừa cân, xu hướng thay đổi thói quen ăn uống diễn ra đồng thời với tiến trình toàn cầu hóa. Không ai có thể phủ nhận là toàn cầu hóa đã làm thay đổi sâu sắc cuộc sống của người dân, nhưng câu hỏi mà các tác giả người Pháp đặt ra trong bài viết này là liệu toàn cầu hóa có phải nguyên nhân dẫn đến béo phì?
Toàn cầu hóa – Thực phẩm chế biến sẵn
Để trả lời cho câu hỏi này, 3 nhà nghiên cứu của Pháp đã phân tích tác động của toàn cầu hóa đối với sự thay đổi thói quen ăn uống và tình trạng thừa cân, dựa trên số liệu trong giai đoạn 1970-2011 của 70 nước có thu nhập cao hoặc thu nhập trung bình.
Đối với các tác giả bài viết, toàn cầu hóa liên quan tới sự trao đổi và phụ thuộc lẫn nhau về mặt xã hội (suy nghĩ, thông tin, hình ảnh, gặp gỡ) chứ không chỉ đơn thuần là trao đổi thương mại và các khía cạnh kinh tế khác. Mặc dù nghiên cứu của các các giả chỉ ra rằng toàn cầu hóa khiến tiêu thụ thịt tăng nhanh, chẳng hạn lượng thịt tiêu thụ ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng 20%, nhưng lại không chứng minh được mối liên hệ giữa toàn cầu hóa với nạn béo phì trên quy mô toàn thế giới. Theo các tác giả, có lẽ toàn cầu hóa chỉ có tác động nhất định đối với nạn béo phì tại một số quốc gia mà thôi.
Thực phẩm chế biến sẵn cũng thường bị coi là nguyên nhân dẫn đến thừa cân, béo phì. Theo một nghiên cứu ở Hoa Kỳ, 3/4 giá trị năng lượng mà người dân Mỹ nạp vào người hàng ngày là từ thực phẩm chế biến sẵn. Đây là loại thức ăn có chứa nhiều chất béo bão hòa, đường và muối hơn là so với các thực phẩm tươi.
Người dân mua được thức ăn chế biến sẵn dễ dàng là nhờ hệ thống bán lẻ đã phát triển nhanh chóng. Công nghệ và công tác quản lý hiện đại đã cho phép những người kinh doanh bán lẻ nắm rõ nhu cầu của khách hàng, nhờ thế mà tập trung được vào sản xuất các mặt hàng, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng và giảm chi phí sản xuất, có được giá cả cạnh tranh.
Sau khi thị trường ở phương Tây đã bão hòa, các siêu thị bắt đầu thâm nhập vào thị trường giàu tiềm năng tại các nước đang phát triển. Vào những năm 1990, các cửa hàng thực phẩm bùng nổ ở châu Mỹ la tinh, Trung Âu và Nam Phi, sau đó là tới châu Á và bây giờ là châu Phi.
Điều mà ít người chú ý là vai trò của các tập đoàn đa quốc gia. Chính các công ty này thúc đẩy người tiêu dùng ăn theo kiểu phương Tây, tức là ăn đồ ăn nhanh và thức uống có ga. Những tập đoàn đa quốc gia này có vai trò dẫn dắt thị trường tại các nước kinh tế mới nổi, trong đó có Brazil, Ấn Độ, Mêhicô và Nga, và đã chi ra những khoản tiền khổng lồ để quảng cáo cho sản phẩm chế biến sẵn của họ.
Tuy nhiên, theo các các giả bài báo, cũng rất khó để khẳng định là tình trạng ngày càng có nhiều người béo phì là do họ ăn theo kiểu phương Tây hay do họ vẫn ăn theo kiểu truyền thống nhưng với nhiều thịt, dầu mỡ và đường hơn trước đây.
Công việc và thói quen ăn uống
Một số nhà nghiên cứu của Mỹ lại đi tìm mối liên hệ giữa thị trường lao động, đặc biệt là sự gia tăng tỉ lệ phụ nữ đi làm và xu hướng béo phì toàn cầu.
Các nghiên cứu chỉ ra hai xu hướng trái ngược nhau: hoặc là, phụ nữ đi làm thì có ít thời gian nấu nướng hơn và thường cho con đi ăn bên ngoài, hoặc là do phụ nữ đi làm nên tổng thu nhập của hộ gia đình cao hơn, nên con cái được ăn thức ăn có chất lượng hơn, được tham gia nhiều hoạt động thể thao, được giáo dục tốt hơn, được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Vì quyết định đi làm là mang tính cá nhân và liên quan tới tính cách và hoàn cảnh của mỗi người, nên rất khó để có thể biết được mối liên hệ giữa việc bố mẹ đi làm và nguy cơ con cái béo phì. Nhiều nghiên cứu chỉ ra là việc phụ huynh đi làm khiến trẻ em có nguy cơ béo phì, nhưng theo các tác giả bài viết trên trang The Conversation thì các dẫn chứng là chưa đủ. Thêm vào đó, các nghiên cứu này chỉ tập trung vào người phụ nữ đi làm, mà không gì chứng minh được là giới tính của bậc phụ huynh đi làm có vai trò thế nào đối với nguy cơ béo phì của con cái và các thành viên trong gia đình.
Ngày càng có nhiều người phải làm việc luân phiên ca đêm. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Lao Động Quốc Tế, 25% số người lao động ở châu Âu phải làm việc ca đêm. Giờ giấc làm việc không cố định khiến nhiều người không được ăn uống theo giờ cố định và thường phải tranh thủ ăn qua loa để còn tập trung làm việc. Thêm vào đó, trong nhiều lĩnh vực, công nghệ hiện đại cũng làm cho người ta ít phải vận động thể chất hơn, do đó mà đễ có nguy cơ tăng cân nếu vẫn ăn theo chế độ dinh dưỡng cũ như trước đây.
Nói tóm lại, thức ăn và thói quen ăn uống phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, các yếu tố này lại thường đan xen với nhau. Điều này khiến cho việc phân tích một yếu tố cụ thể nhất định là rất khó, chưa kể tới việc một số yếu tố được coi là nguyên nhân béo phì lại có tác động qua lại lẫn nhau. Vì thế, rất nhiều giả thuyết về nguyên nhân béo phì đã được đặt ra và được chứng minh phần nào, nhưng theo ba nhà nghiên cứu người Pháp, những nguyên nhân chính dẫn đến “dịch bệnh” béo phì "trên quy mô toàn cầu" thì dường như vẫn chưa được làm sáng tỏ hoàn toàn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét